Kể lại câu chuyện của chị K. ở thành phố Garden Grove,
California-Hoa Kỳ
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình.
Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn
nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên
trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ
ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng:
- Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế
ra đây làm gì?
- Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó?
Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung
quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc
trong tấm khăn hồng êm ấm.
Đứng chờ khoảng mười phút, cô bé được một người teller tiếp
chuyện:
- Em mới có 12 tuổi rưỡi thôi?... Không đủ quyền pháp lý để
ký vào hợp đồng ngân hàng một cách độc lập đâu, em không thể tự mình mở tài khoản,
ngay cả cho con mình, nếu không có người giám hộ hợp pháp, ví dụ cha mẹ, ông
bà… Em đi một mình với baby thôi hả?
-Dạ vâng, cháu… em…
Cả hàng người phía sau đang chờ xôn xao hẳn lên, ai cũng có
vẻ tò mò chuyện cô bé, muốn biết quan hệ của cô bé với đứa trẻ nằm gọn trong
chiếc khăn kia, người thì bảo “đó là em của nó”, kẻ thì đoán “là con gái của
nó”; hàng xếp đang thẳng tắp từng người một, bỗng trở thành một đám đông tụ họp
đứng vòng quanh cô bé trước counter để xem có thể giúp ích được điều gì cho cô
bé, có người còn hỏi thẳng:
- Vậy em có biết cha nó là ai không?
- Em thực sự chỉ mới…12 tuổi thôi sao?
Với những câu hỏi phũ phàng, tới tấp của những kẻ không quen
biết, cùng với sự từ chối thẳng thừng của nhân viên ngân hàng, tất cả đã làm
tăng thêm sự lo sợ, hoang mang, cảm thấy tủi thân và cô đơn, hai hàng nước mắt
chảy dài ướt mặt, cô bé nói trong nước mắt:
- Con phải làm sao đây? ... cho con gặp… giám đốc của ngân
hàng ạ?
Tôi mời Ann vào văn phòng riêng, đưa em một hộp Kleenex, một
chai nước lọc, đẩy đến trước mặt em một hộp kẹo lúc nào cũng sẵn có trên bàn
làm việc.
Trước khi ngồi xuống, Ann đặt con xuống chiếc ghế bên cạnh
như đặt con búp bê, mở chiếc ba lô lấy ra một lô giấy tờ đưa tôi đọc, tâm sự:
- Thưa cô giám đốc, mẹ con qua Mỹ theo diện con lai, qua đây
từ những năm 1994-95, bà đi làm, thay đổi công việc rất nhiều hãng… Bà bắt đầu
nghiện ngập từ ba năm nay, từ khi con ra đời đã không biết cha mình là ai… Mẹ
buồn khổ vì những mối tình không trọn vẹn và công việc không theo ý muốn, mẹ tiếp
xúc với những tên vô lại trên đường phố vô gia cư, bắt chước chúng uống rượu,
hút thuốc, có bao nhiêu tiền bà đều mua rượu, say xỉn, rồi không đủ tiền bà đã…
bán … con!
Nói đến đây cô bé Ann tủi thân, khuôn mặt gục xuống đất, hai
tay xoắn lấy chéo áo, thút thít:
- Lúc đầu con chưa hiểu tại sao người ta lại đến dẫn con đi
chơi, cho mẹ một số tiền để mua rượu và thuốc, mua quần áo đẹp cho con mặc, mua
đồ ăn kẹo bánh mà con thích; con đã theo ông ta vào hotel mà
ông nói là ở đó rất nhiều đồ chơi và đồ ăn ngon. Khi đến nơi con chỉ thấy một
chiếc giường và hai người đàn ông lạ mặt người gốc Á đang chờ ở đó, họ tiến lại
vuốt ve, nói lời ngọt ngào mà con chả hiểu được gì, cho con uống thứ nước ngọt
mà khi uống xong rất buồn ngủ; trong cơn mơ màng, con thấy họ đã nằm lên con,
vuốt ve hôn hít, nhưng con không thể nào có sức chống cự cũng không thể nào la
hét… Con cảm thấy rất đau đớn, cái đau về thể xác thì ít mà đau về tinh thần rất
nhiều, con oán hận mẹ đã lừa dối con, oán hận cái xã hội đã làm nên những con
người sống ích kỷ, giả tạo vô đạo đức! Con cũng oán trách ông Trời, con có làm
nên tội tình gì mà đã trừng phạt con nặng nề thế.
Tôi nghe Ann vừa khóc, vừa kể; cô bé còn vén quần lên cho
tôi xem một vết cắn khá sâu, hằn những vết răng của những con quỷ đội lốt người
trên đùi của em, dấu vết của những tên vô lại đã dằn vặt thể xác em khi lên
cơn…Tất cả những tệ nạn xã hội trên đất Mỹ, trong những khu ổ chuột ở Cali này
tôi đều đọc báo, xem tv thấy nói rất nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe chính miệng
của một nạn nhân bé nhỏ, chưa đủ tuổi trưởng thành, nhỏ hơn cả các con tôi kể
ra một cách uất ức như thế, tôi cũng phải chảy nước mắt với Ann, tôi nắm lấy
hai bàn tay em như truyền thêm sức mạnh và san sẻ nỗi đau ấy, muốn giúp em trừng
trị lũ “súc sinh” kia đã làm cho cô bé ra nông nỗi này.
Tôi cũng là người tỵ nạn sống kiếp lưu vong như mẹ của em,
nhưng may mắn hơn thôi; gặp những người đồng hương bị hiếp đáp, cuộc sống gian
nan, tôi muốn giúp đỡ và bênh vực họ trong khả năng của mình, để dân tộc Việt
trong mắt người ngoại quốc không đến nỗi thấp hèn, chung tay giúp đỡ để cùng
nhau tiến lên, xây dựng một cộng đồng Việt vững mạnh trên đất Mỹ.
Ann khẩn khoản cầu xin tôi một cách tội nghiệp:
- Cô giúp con với, mở cho con một tài khoản riêng, con muốn
được chính phủ giúp cho tiền sữa để nuôi em bé, con muốn làm một người mẹ tốt,
không muốn sống như mẹ đâu! Con cũng hiểu vì quá nghèo khổ, lại bị thiếu thuốc
vật vã, mẹ đã bán cái thân xác của con cho những người tham thú vui, nhưng con
biết mẹ cũng không vui đâu, mẹ càng uống nhiều rượu thêm nữa để quên đi cái điều
mẹ làm không đúng với con, mẹ càng lấn sâu hơn vào con ma rượu mỗi khi chiều tối.
Con cũng đã từng ngồi bên mẹ, tâm sự với mẹ, giúp mẹ trải
qua cơn khó khăn cai rượu, nhưng không thể được, mẹ đã đánh con thiếu sống thiếu
chết để chạy vụt ra khỏi nhà đi mượn tiền mua rượu, mượn tiền đến nỗi không trả
được phải … bán chính con gái ruột của mình! Con còn nhỏ thể xác nhưng đã lớn
khôn trong suy nghĩ; từ lúc sanh con bé này, con không muốn cuộc đời mình sẽ giống
như bà ngoại nó!
Con tha thứ cho mẹ, nhưng không muốn mẹ sẽ dùng tiền sữa của
con bé đi uống rượu!
Tôi giảng giải:
- Trước mắt nếu con không muốn mẹ là người giám hộ hợp pháp
vì sợ bà lấy tiền của cháu bé đi uống rượu hay làm hại đến tương lai con, thì
cô bắt buộc phải làm giấy tờ lên một dịch vụ bảo vệ trẻ em CPS, họ sẽ đưa hai mẹ
con vào cơ sở tạm cư đặc biệt dành cho mẹ tuổi vị thành niên, chính phủ sẽ bổ
nhiệm một người giám hộ hợp pháp tạm thời cho con, mọi quyền tài chính sẽ được
người giám hộ này lo hết, như mở tài khoản ngân hàng, nhận trợ cấp chính phủ,
riêng con cũng được đi học lại theo trình độ của con, họ sẽ cho hai mẹ con một
chỗ ở an toàn nữa. Con có thể thuyết phục mẹ vào trung tâm cai nghiện rượu, sau
đó họ sắp xếp cho một công việc phù hợp với mình, nhưng phải ráng làm việc,
kiên nhẫn và chịu khó mới được.
- Vâng, con hứa sẽ ráng làm người mẹ tốt để làm gương cho
con gái, con sẽ để lại giấy tờ của con và con bé ở đây, nhờ cô làm tất cả giúp
con nhé.
- Cô chỉ muốn giữ một bản sao thôi, còn bản chính con hãy giữ
bên người, để lỡ có chuyện gì thì phải trình ra…
- Dạ!
- Chiều hôm nay ở nhà đã có đồ ăn chiều chưa? Có đủ sữa cho
cháu bé bú hôm nay không?
- Con cho con bú… còn cơm chiều thì…
Thấy Ann ngập ngừng, tôi đoán chắc cháu không có tiền mua đồ
ăn, tôi đưa $50.00 tiền riêng của mình, căn dặn:
Ba ngày sau…
Cả ngày làm việc tôi thấp thỏm, rất mong gặp lại Ann để báo
tin vui cho biết là dịch vụ bảo vệ trẻ vị thành niên đã chấp nhận đơn xin của
em, em sẽ có được chỗ ở tạm thời ngay lập tức, tránh xa bà mẹ nghiện ngập cứ muốn
bán con gái mình để lấy tiền hút thuốc uống rượu; tôi vui khi nghĩ đến em ấy sẽ
được đi học lại, có tương lai tươi sáng, và đứa bé sẽ được gởi ở nhà trẻ gần
đó.
Tôi đã phải bỏ thì giờ đến tận nơi để xin cho Ann. Tôi không
muốn nhìn cảnh một đứa trẻ vị thành niên, chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để lo
cho chính bản thân mình, thì làm sao nuôi thêm một đứa bé mới lọt lòng! Nhưng
chờ mãi cả ngày, đến khi ngân hàng đóng cửa vẫn không thấy tăm hơi của cô bé.
Hai tuần trôi qua, vẫn không có tin tức của Ann, tôi vô cùng
lo lắng, sợ cô bé lại bị mẹ bán cho một môi giới nào đó, ở một tiểu bang xa xôi
mà chính em ấy cũng không biết nơi chốn thì sẽ ra sao; tôi rùng mình nghĩ đến
những phim tài liệu nói về những cô bé vị thành niên bị bắt cóc, giam cầm dưới
lòng đất cho đến mấy chục năm sau, làm nạn nhân tình dục cho những kẻ đồi bại bệnh
hoạn, tôi đành phải điện thoại đến đường dây khẩn cấp 911 để báo cảnh sát truy
lùng những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.
Từ hôm đó, hình ảnh của bà mẹ nhí 13 tuổi, tay bồng đứa bé mới
sanh được đưa lên khắp các đài truyền thông và mặt báo. Đến ngày thứ hai mươi,
khi tôi đang dùng cơm phía sau nhà băng, cô teller đã mừng vui
chạy vào tìm tôi:
- Helen ơi, ra xem có ai tìm cô này!
Tôi bỏ bữa cơm dở dang, theo cô nhân viên ra bên ngoài, bắt
gặp khuôn mặt tội nghiệp của Ann gầy nhỏ, đôi mắt buồn trũng sâu, mất đi vẻ
ngây thơ, tay vẫn bồng theo đứa bé nhỏ ngoan ngoãn nằm yên trong tấm khăn.
Thấy cô bé còn nguyên vẹn hình hài đứng trước mắt tôi, không
như trí tưởng tượng của tôi trong mấy ngày qua, mừng quá tôi chạy vội ra ôm cô
bé vào lòng như chính đứa con thân yêu xa nhà bấy lâu, dắt cô bé vào bên trong:
- Cháu có khỏe không? Sao mấy hôm nay cháu không đến đây như
đã hẹn vậy? Có ai đã làm hại gì cháu không?
Cô bé nhìn tôi với ánh mắt của một người đã trưởng thành,
già dặn, nghẹn ngào:
- Mẹ con đã… qua
đời!... Bà uống nhiều rượu quá, và cả thứ thuốc trắng mà tụi nó cho mẹ thử khi
mẹ lên cơn. Mẹ ra đi mà không hề biết có con và đứa cháu ngoại bên cạnh, con đã
cố gào thét tên mẹ, giựt tóc mai như bà bên cạnh nhà chỉ, gọi xe cấp cứu nhưng
họ đã tới quá trễ! Sau đó con xin nhà quàn làm lễ nhỏ cho mẹ trước khi thiêu.
May quá, tất cả không tốn đồng nào cả vì họ nói con nghèo quá, không có họ hàng
nữa, họ làm thí cho con. Họ có đưa cho con cái hộp gỗ đựng tro cốt của mẹ, con
đã tự đi rải tro ở bờ sông trong một công viên gần nhà, mỗi năm con sẽ đến đó
nhớ về mẹ!
- Ô vậy à! Cô xin
lỗi và xin chia buồn cùng con nhé! Con còn nhỏ mà trải qua bao sóng gió cuộc đời…
- Con cũng còn
chút may mắn được những người bạn của mẹ quen biết chỉ cách con phải làm gì cho
mẹ sau khi mẹ mất, còn cho con mượn tiền mua thức ăn và sữa cho bé vì con …
không còn sữa nữa!
Tôi xót xa cảm động
khi nghe Ann kể bị tắt sữa, con bé còn quá bé nhỏ phải chịu đựng sự đau đớn khổ
sở, cái tuổi mà những đứa bé khác chỉ biết ăn biết chơi.
Tôi cắt ngang nét
rầu rĩ của con bé:
- Thôi bây giờ để
chuyện buồn sang một bên đi, cô muốn báo tin mừng cho cháu là cháu đã được
trung tâm hỗ trợ trẻ em nhận đơn, cháu đã có chỗ ở rồi đấy, cháu có thể đến ở
ngay hôm nay….
Cô bé giương cặp
mắt to tròn lên nhìn tôi với vẻ nghi ngờ:
- Hôm nay sao?
Hôm nay cháu có chỗ ngủ chính thức cho hai mẹ con sao? Có phải là sự thật
không, cháu không nghe lầm chứ?
Những giọt nước mắt
cảm động lẫn mừng vui bắt đầu lả chả rơi xuống khuôn mặt hốc hác xanh xao:
- Cháu cám ơn cô
rất nhiều đã giúp đỡ cháu nhé, cháu mang ơn cô suốt đời…
Không hiểu sao,
tôi có một tình cảm thật đậm đà với cô bé này, dù chỉ mới quen em vài ngày
thôi, câu chuyện của em đã làm lòng tôi xao xuyến, thương tâm. Tôi để hai mẹ
con em ấy ngồi dưới bếp, dùng chút sữa với bánh trái cho đỡ đói, điện thoại
ngay xuống trung tâm nhờ người đến đón hai mẹ con cháu Ann, nhưng họ nhờ ngược
lại tôi chở cháu xuống đó vì không có đủ nhân viên đi đón người mới.
*
Một tháng sau,
tôi lấy vài ngày hè, người đầu tiên tôi nghĩ là đến thăm bé Ann, tôi muốn biết
cuộc sống của hai mẹ con bây giờ ra sao, nhân tiện muốn đem một số quần áo còn
mới của những đứa bé nhà giàu chỉ mặc qua một lần đã bỏ, vài thùng sữa bột và
tã cho cháu bé. Tôi miên man nghĩ về em trên suốt quãng đường đến trung tâm
cách nhà tôi khoảng 45 phút, cũng ở trong quận Cam, tưởng tượng đến khuôn mặt bầu
bĩnh, đôi mắt ngây thơ non dại của người mẹ nhí này…
Trước khi vào
thăm ngôi nhà chung của Ann, tôi gặp cô Nhàn, giám hộ người Việt Nam tạm thời
cho Ann, kể cho tôi nghe:
- Ann rất chăm chỉ
học hành, còn nhỏ mà rất có trách nhiệm với đứa con, đến nhà trẻ thăm con vào mỗi
giờ nghỉ giữa ngày của buổi học, lo cho con bú điều độ và đúng giờ; ngày cuối
tuần em cũng giành hết thì giờ cho con nhỏ, khi em bé ngủ thì Ann ngồi vào bàn
học ngay, rất ít đi chơi. Nhìn cô bé chăm chỉ mà mình rơi nước mắt vì chưa thấy
có ai giống vậy. Ann là một ngoại lệ, em đã trưởng thành trước tuổi, những cô
bác sống xung quanh đều muốn giúp em một tay nuôi bé nhưng em luôn từ chối để tự
mình trông con.
Tôi gặp Ann với đứa
bé ở hàng hiên phía sân sau ngôi nhà, Ann đang lúi húi làm bài tập ở trường,
con bé con nằm sát một bên, ngoan ngoãn như con búp bê; Ann ngẩng đầu lên, bất
chợt thấy tôi, bé mừng rỡ, vứt ngay cây bút xuống bàn, chạy ra ôm chầm lấy tôi:
- Cô Helen! Cô
Helen có khỏe không? Con nhớ cô rất nhiều, con mong cô đến chơi lắm!
- Cô mang cho
cháu một chút quần áo, sữa và tã cho em bé, với lại xem cháu có thích nghi với
cuộc sống mới này không? Có vui không hay lúc nào cũng … nhớ về quá khứ?
- Cháu rất ok,
cháu bận quá nên không có thì giờ nghĩ đến việc đã qua nữa… Với lại đã qua rồi
thì … buồn cũng không làm gì được!
- Cháu thật ngoan
và can đảm lắm, cô rất khâm phục đó!
Tôi bế đứa bé lên
hôn lên đôi má hồng đào của nó, hỏi Ann:
- Con đặt tên cho
búp bê này là gì vậy?
- Dạ là Dove, con
mong cuộc đời nó phẳng lặng và an lành như con chim bồ câu đem sự thiện lành đến
cho những người mà nó gặp trong cuộc sống của nó.
-Thật dễ thương
và ý nghĩa quá! Sao cháu có thể nghĩ ra tên này vậy? có ai chỉ cho cháu không?
- Cháu rất thích
ngắm chim bay, những con chim bồ câu trắng hay đến đầy sân nhà cháu khi mẹ còn
sống, lúc đó con còn rất nhỏ, mẹ hay nói là bồ câu trắng đem lại sự hòa bình,
yên vui cho mọi người, nên từ đó hình ảnh con bồ câu trắng mãi trong trí óc của
con.
Tôi ôm Ann vào
lòng, thấy thương con bé sớm côi cút, rất hiểu chuyện. Tôi đề nghị:
- Cô chỉ có một
mình ở nơi đất khách quê người mà thôi, cô có một con trai lớn, nó đã có gia
đình riêng rồi, cháu có muốn… làm con gái út của cô không? Mình có rau ăn rau,
có cháo ăn cháo, hai cô cháu mình sống nương tựa với nhau cho tới khi cô trăm
tuổi có được không?
Ann mừng rỡ ôm chặt
lấy tôi như sợ tôi biến đi mất; tôi cảm nhận được trái tim cô bé đập thật nhanh
với tất cả sự biết ơn và hạnh phúc:
Thời gian vun vút
trôi, tôi đã về hưu sau khi cống hiến trên 30 năm cho ngân hàng Bank of
America. Con trai tôi đã theo công sở rời nhà qua Minnesota, rất hiếm khi về
thăm mẹ, nhưng nó rất yên tâm vì thấy cách cư xử của Ann đối với tôi thật trọn
tình trọn nghĩa. Ann đã lập gia đình với một người Mỹ làm cùng hãng, sống cách
nhà tôi một con đường, chiều nào hai vợ chồng cũng đi bộ đến nhà để cùng ăn cơm
tối với tôi. Cả hai đã có thêm một đứa con trai Jimmy 11 tuổi, cháu bé trai này
đã được tôi nuôi ẵm bồng từ lúc mới lọt lòng nên quấn quít bà ngoại lắm. Cháu
nói chuyện với gia đình bằng tiếng Mỹ, nhưng khi qua nhà bà thì đổi sang tiếng
Việt không dấu, chút ngọng nghịu thật dễ thương làm sao.
Còn bé Dove đã
thành cô gái 21 tuổi, duyên dáng, đang theo học bác sĩ, cô bé có trái tim nhân
ái, yêu thương giúp đỡ mọi người như cái tên Dove của cháu vậy.
Từ khi đặt chân đến
nước Mỹ, quê hương thứ hai, đất nước của tự do, của những giấc mơ, hoài bão về
tương lai, tôi đã nguyện với lòng trước nhất phải thành thân, kế đó giúp đỡ cộng
đồng người Việt lớn mạnh, tự lực, không là những kẻ ăn bám xã hội, nay tôi đã
toại nguyện, đã thực hiện được giấc mơ ấy!
Cơn gió nhẹ
thoáng qua, những mảnh nắng vỡ nhảy múa lung linh trước thềm, tiếng chân thằng
bé Jimmy chạy từ nhà sau lên, ôm lấy ngang hông tôi:
- Thưa bà con mới
đi học về, cám ơn bà đã “giặt” cái xe đạp cho con hết bụi nhé!
Sỏi Ngọc