Mùa Hạ đã bắt đầu báo hiệu, các loài hoa thi đua nở đủ màu sắc tươi vui. Anh Quang bước ra sân theo tiếng gọi của vợ nhờ bưng phụ mấy chậu hoa quỳnh lên bệ cao, vì muốn ngắm nét đẹp của loài hoa trang đài đang nở hàng chục đóa hồng và vàng. Bé LiLy bước chân cao chân thấp đi theo cha cười hồn nhiên.
- Con tránh ra để ba phụ mẹ chút nha
Lily nghiêng đầu qua, nghiêng đầu về vẫn níu áo, anh
đành dừng chân nói với vợ “chờ chút...con đang vui vẻ”. Anh gỡ nhẹ tay con dìu
vào ghế dài dưới tàng cây phượng vàng nay đã tàn hoa, chỉ còn bóng lá xanh tỏa
mát. Anh ôm con, đặt đầu LiLy áp vào ngực anh, nghe luồng tim đập ấm áp chứa
tình thương bao la.
Nhìn con lòng anh như quên hết chuyện phiền não hôm qua.
Vợ chồng anh mua vé hai tháng trước cho chuyến bay qua
Hawaii nghỉ mát như thường lệ. Đã làm thủ tục check-in và ký gởi
hành lý xong xuôi, vợ chồng anh hân hoan xếp hàng, bỗng bé Lily ngồi sụp xuống,
níu chân ba mẹ nhìn về hướng ngược, biểu hiện ý đòi trở lui. Anh dỗ con “Ngoan
Lily nhé, con sẽ vui đùa tắm biển khi qua đó”. Bé hất tay anh ra, rồi nằm lăn
dài khóc lóc. Anh chị thay phiên dỗ dành, dìu con lùi qua một bên nhường chỗ
cho khách hàng đang bước từ từ lên. Thời gian như muốn đứng lại, Anh chị nhỏ nhẹ,
vuốt ve con sau gần một tiếng đồng hồ, cháu vẫn la hét đến khàn cổ. Cuối cùng
anh chị phải chiều ý con gọi Uber trở về nhà. Anh liên lạc với nhân viên
Airlines báo cáo hủy chuyến bay dù hành lý đã gởi, và được cho biết sẽ nhận lại
một tuần sau.
LiLy ngồi yên ép sát đầu vào ngực anh, trong khi chị nhổ cỏ
dại mọc xen chung quanh các chậu hoa trong lúc chờ đợi anh giúp đỡ việc nặng.
Anh nhìn màu nắng rực rỡ, ký ức ùa về của khoảng thời gian gần
30 năm trước. Anh giật mình “thời gian trôi nhanh quá, mọi chuyện cứ ngỡ như mới
đâu đây...” Anh để dòng sông êm ả trôi về miền kỷ niệm...
Sinh ra trong một gia đình có ba anh em, Anh là trai lớn, thủa
nhỏ đi học luôn đoạt bằng khen, bằng danh dự. Theo gia đình vượt biên qua Mỹ,
anh hội nhập mau chóng và tiến bộ trong lãnh vực học đường, suôn sẻ tốt nghiệp
bằng kỹ sư. Anh làm việc đi qua nhiều hãng nổi tiếng, hiện tại làm cho hãng
Cisco tọa lạc vùng San Jose, nhưng được làm việc ở nhà.
Anh nhớ một mùa hè năm đó.... trong vài buổi làm việc thiện
nguyện tại San Francisco, Anh gặp Ái Thanh (vợ anh bây giờ) đang là sinh viên của
trường San Jose State, nàng rất đẹp và xông xáo trong công việc. Anh đã bị hớp
hồn ngay từ phút đầu và tìm cách làm quen, quyết chinh phục cho bằng được. Chị
lúc ấy cũng mến anh, một kỹ sư có nét thanh tú với dáng cao và tánh tình hiền
lành ít nói. Anh chờ chị tốt nghiệp bốn năm, chị có việc làm trong phòng
thí nghiệm của trường Đại Học. Mọi việc đều vững vàng bảo đảm đời sống, vì
anh đã mua nhà trước đó. Sau vài năm tìm hiểu, anh chị quyết định tiến tới hôn
nhân và hiện là cư dân của vùng Milpitas.
Mọi sự đều chuẩn bị sẵn sàng, đứa con trai Robert đầu đời,
Anh chị chào đón trong niềm hạnh phúc vô biên. Ba năm sau bé Lily được sinh ra,
những giây phút chờ trông cháu Lily lật trở vui nhộn biết bò theo thứ tự bẩm
sinh. Sau gần hai năm, theo dõi bước thay đổi và phát triển của con, chưa thấy
bé Lily biết đứng, biết bập bẹ phát ra âm thanh của trẻ con, anh chị lo lắng
đem con đi gặp bác sĩ và bệnh viện nhiều lần, kết quả bác sĩ cho biết cháu bình
thường, hãy chờ đợi thêm thời gian nữa”. Anh chị bắt đầu sống trong tâm trạng
lo âu hồi hộp vì chẳng có gì tiến triển, ngày tháng trôi qua trong mòn mỏi,
nhìn con vẫn bò quanh nhà dù đã lên bốn, năm, sáu...tuổi.
Khi con đầu lòng chào đời, anh chị tìm được người trung niên
độc thân tên Sâm, sinh hoạt các chùa (do bạn giới thiệu), sau thời gian quan
sát tìm hiểu tánh tình chị Sâm này rất hiền từ nhân hậu. anh chị yên tâm để chị
Sâm ở lại sáu ngày, cuối tuần về thăm nhà, vì vậy vợ chồng yên tâm cày cấy
trang trải nhiều thứ nợ.
Trước đây chị Sâm trông nom em gái Natalie con anh kỹ sư
Lâm. Chị kể lại: “Em gái này đã trên hai mươi tuổi, bị bệnh Autism (tự kỷ) rất
hung dữ, qua nhiều người đến chăm sóc nhưng họ phải đầu hàng vì em không chịu
ai cả. Có những lúc em bị kinh nguyệt, em vùng vằng không cho chị Sâm thay băng
làm vệ sinh, cuối cùng anh Lâm phải tự tay làm công việc ấy cho con, bởi vợ chồng
đã ly dị, mà anh là người nuôi con. Chị Sâm thương lắm cũng đành nghỉ việc, sau
bà Nội đến ở lại chăm cháu. Thỉnh thoảng cuối tuần chị Sâm cũng ghé thăm vì
thương những mảnh đời đau khổ, thương những đứa trẻ không được bình thường sống
trong hoàn cảnh thật xót xa. Câu chuyện được kể khi chị Sâm chứng kiến bé Lily
có nhiều dấu hiệu không được bình thường, nhưng chị Sâm may mắn trông cháu bền
lâu vì tánh Lily hiền lành dễ chịu hơn.
Một hôm tình cờ xem hình cha con anh Lâm trong buổi tiệc gia
đình có chị Sâm chụp chung, nhờ vậy anh Quang nhận ra người bạn học xưa. Họ
liên lạc hỏi thăm, tâm tình tìm sự cảm thông nhau từ đó.
Một buổi hai anh hẹn gặp uống cà phê cuối tuần. Sự mệt mỏi
hiện ra trên nét mặt, mỗi người như bị áp lực đè nặng trong công việc và con
cái. Anh Quang kể về hãng Cisco, anh Lâm làm cho hãng IBM, trao đổi những mẫu
chuyện về nghề nghiệp. Anh Quang hỏi thăm bệnh tình cháu Natalie.
- Cháu vẫn chơi và khỏe đó chứ?
- Càng ngày tâm tính cháu càng hung hăng chướng kỳ, giai đoạn
này cháu không thích mặc quần áo, cởi bỏ hết đi khắp nhà. Bà nội không đủ sức mặc
vào cho cháu, tôi phụ giúp thật khó khăn vì cháu vùng vẫy, phải cố gắng dùng sức
mạnh kềm tay chân cháu. Mặc quần áo xong rồi tôi phát hiện có vết bầm trên cánh
tay cháu, biết mình vô ý lỡ mạnh tay tôi thật đau lòng, hối hận muốn khóc vì
thương con mình quá.
Anh Lâm kể lại với ánh mắt buồn bã. Biết hoàn cảnh bạn mình
đã ly dị chịu cảnh gà trống nuôi con, anh Quang nhẹ nhàng:
- Ông cũng nên tìm người bạn mới cho khuây bớt
Anh Lâm lộ vẻ uể oải chậm rãi:
- Nói gì, tôi cũng có bạn gái chứ, tháng trước dẫn về chơi
dò ý con, cháu Natalie lộ vẻ giận dữ hai mắt đỏ ngầu, tôi sợ quá nghĩ từ nay
không đem về nhà nữa. Lòng tôi cũng chẳng hứng thú gì khi nghĩ đến con, chỉ muốn
để mặc dòng đời trôi… Mỗi ngày đi làm về nhìn con, chơi với con bằng tình phụ tử
thiêng liêng dậy lên những cảm xúc dạt dào khôn nguôi thật khó tả.
Một hôm người quen khuyên anh Quang xin tiền phúc lợi Social
Security Disability Insurance (Bảo Hiểm Khuyết Tật An Sinh Xã Hội - SSDI). Anh
gạt ngang nghĩ thầm “Làm gì có chuyện đó đối với anh, khi mức lương vợ chồng
cao, lại đang làm chủ hai ngôi nhà, một ở và một cho thuê, trường hợp anh không
thể được quyền hưởng phúc lợi”. Anh hoàn toàn không tin, nhưng nghe nhiều người
bàn cãi quá, điện thoại hỏi bạn Lâm, bạn cũng không biết. Hai anh điền đơn thử
thì được xác nhận: trẻ em bị bệnh tự kỷ được hưởng quyền lợi là đúng, dù cha mẹ
có dư điều kiện tài chánh đi chăng nữa.
Anh Quang không thể ngờ được nước Mỹ có chính sách nhân đạo
đến vậy. Chính phủ không quan tâm ai giàu hay ai lương cao việc lớn mà chỉ chú
trọng việc chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ em, nhất là các trẻ em đặc biệt. Chính phủ
trả lương cho người chăm sóc bé Lily và được hưởng thêm quyền lợi bảo hiểm sức
khỏe. Bé được đi trường học lớp đặc biệt có xe đưa đón tận nhà, được cô giáo
người bản xứ về nhà dạy riêng hai tiếng ngoài giờ. Anh muốn hét to “American vĩ
đại, nhân từ bậc nhất...” Cho dù lương của anh bị trừ thuế 40% vẫn xứng đáng,
vui vẻ góp phần xây dựng đất nước này phát triển vững mạnh thêm.
Mùa đông đi qua, mùa xuân lại đến, mùa hè trở lại, mùa thu
tuần tự. Anh chị vẫn sống bằng niềm hy vọng bệnh tình bé Lily có phần tiến bộ,
dù đã qua mười hai năm cháu vẫn chưa biết nói, biết đứng dậy. Tới năm mười bốn
tuổi, bỗng dưng cháu đứng dậy và từ từ bước tập tễnh, còn niềm vui nào lớn hơn.
Anh chị đã ôm nhau khóc vì mừng rỡ, bám tiếp tục niềm hy vọng để sống.
Nghĩ đến vợ, anh cảm thấy thường quý vô cùng. Nàng nấu ăn rất
ngon, dù có chị Sâm trong nhà, nhưng bà xã chỉ muốn tự tay nấu những món ngon
cho chồng con ăn vừa ý. Sau giờ làm vợ tất bật về nhà đứng mấy tiếng đồng hồ
trong bếp, tối dành thì giờ chơi với con. Bé Lily rất kén ăn, nàng theo chiều
con sát nút. Có điều đối với chị Sâm, bé dễ chịu vui vẻ, nhưng khi vợ anh về là
bé chướng hết cỡ, đòi lung tung đủ thứ, bắt nàng bồng bế dù LiLy rất nặng ký.
Bé có dấu hiệu: thích ngồi một mình, sợ người đông và sợ âm thanh mở lớn. Khi
vui bé ngồi cười một mình xoay đầu liên tục, cô giáo có kỹ thuật chuyên môn dạy
cháu chơi game để phát triển não bộ, cháu biết mở ipad và biết nhiều trò chơi
trong máy khiến anh chị thấy phấn khởi vô cùng.
Anh chị ngoài thì giờ sinh hoạt, cũng tìm đọc các trang mạng
về bệnh tự kỷ để hiểu thêm tâm lý. Chị là người mẹ rất tuyệt vời, luôn dặn anh
“đừng bao giờ lộ nét mặt buồn giận con, mà phải cố gắng tạo nét mặt vui vẻ, ánh
mắt trao nhìn con thật trìu mến”. Anh nhớ bao nhiêu năm, vợ luôn đè nén những ước
mơ riêng tư, chịu đựng hy sinh cho con hết mực, những khi cháu nổi cơn bất
thình lình. Như lần qua Florida ăn cưới cháu, trong buổi tiệc Lily nằm dài la
hét làm anh chị không dự được phải ẵm con về khách sạn sớm; lần đi máy bay qua
Nhật, cháu nằm lăn trên sàn khóc lóc lăn lộn, hành khách thật lịch sự ngồi yên
như không có chuyện gì xảy ra dù cháu quậy rất ồn ào; lần qua đảo Big Island
bên Hawaii, Lily cũng nằm vạ trên lối chờ vào máy bay, hôm đó tình cờ một viên
phi công đi ngang qua, cúi xuống cầm tay em dẫn đi vào máy bay, cháu ngưng tiếng
khóc bước theo, may mắn chuyến đó anh chị được thoát nạn; mỗi khi đến nhà ai hoặc
ra ngoài công viên dự tiệc, thường chỉ có mình anh đi dự, họa hoằn đôi bữa có
chị nhưng chị cũng nửa chừng bỏ cuộc.
Tiếng chị đánh thức anh về vùng hiện tại:
- Anh để con chơi, phụ em cho xong việc, em còn đi chợ vì tủ
lạnh trống trơn rồi
- Được em!
Anh đẩy nhẹ Lily ra khỏi vòng tay.
- Con dạo ngắm hoa đi nhé, con có thấy hoa nở đẹp không?
Bé buông tay anh bước chậm nhìn hoa, không biết con có hiểu
lời anh nói!!??
Sau một hồi phụ vợ các việc nặng, anh ngồi nhìn con chơi
trong sân. Robert, anh Hai của LiLy đã tốt nghiệp Đại Học và có việc làm nơi
xa. Anh chị vẫn tựa vào niềm hy vọng một ngày được nghe con gái nói, dù tiếng
nói bằng ngôn, anh chị ngữ riêng cũng tốt. Năm nay quỹ An Sinh Xã Hội cắt giảm
tài trợ việc cô giáo đến nhà bày vẽ chơi game cùng Lily hai tiếng mỗi ngày.
Nhưng không hề gì, anh chị vẫn tiếp tục trả lương cho cô giáo, để cô hướng dẫn
dưới hình thức chơi game bằng phương pháp trị liệu tâm lý và khai triển bộ óc.
Lily quay nhìn anh, cười tươi tắn, trở lại ôm anh sờ ngực, sờ
áo. Anh vuốt tóc con thì thầm “Lời ba muốn nói với con, là ba mẹ yêu con nhất
trên đời. Con là hơi thở, là sự sống của ba mẹ. Dù sao con cũng được sinh ra
trên nước Mỹ, một đất nước nhân bản, có nhân đạo luôn đặt quyền lợi các trẻ em
bị bệnh lên ưu tiên hàng đầu”.
Năm nay LiLy đã hai mươi tuổi. Tuần trước anh chị định dẫn
bé đi chơi xa như món quà sinh nhật, vì anh chị thấy cháu rất thích chơi đùa với
sóng biển, thích tắm nơi bờ biển vắng người, nhưng chuyến này không may nên bất
thành. Con bé cao giống anh, khuôn mặt trái soan, nét mặt giống chị. LiLy sinh
ra đời được bao nhiêu người yêu thương ngoài ba mẹ, hai bên nội ngoại, chị Sâm,
người quen và nhất là anh Hai Robert của bé, cũng biết dỗ dành, chiều chuộng,
đút cơm hoặc thay tả cho em mình.
Đã vào tháng Sáu, ngày Chủ Nhật đẹp trời. Anh chị tổ chức
sinh nhật cho LiLy ngoài park gần nhà. Mùa hè đến, cây cỏ xanh um, quang cảnh
mang bộ mặt tươi vui đầy sức sống. Bà con đến đông chúc mừng quà cho cháu. Tuần
trước bé không vui cản trở chuyến đi chơi, hôm nay bé vui, ngồi yên cho mọi người
chuyện trò ăn uống khiến anh chị mừng lắm.
Chiều dần xuống Lily chỉ về hướng xa vắng người, nắm tay ba
kéo đi. Anh nhờ chị tiếp khách, hai ba con bước tới những mô đá bên kia đường,
bé ngừng lại muốn ngồi xuống. Anh cũng ngồi theo bé nhìn bóng chiều lung linh
hoa nắng nhảy múa trên vạt cỏ. LiLy nhìn quanh quẩn lộ nét mặt dễ chịu nơi có
không khí yên tĩnh thoáng đạt. Mặc bên kia mọi người rôm rả nói chuyện, ăn uống
tiếp tục, anh vẫn lặng lẽ ngồi bên con cả tiếng đồng hồ, nhìn mây trời trôi
lãng đãng, nghĩ đến những mảnh đời khác nhau biến chuyển theo cuộc sống.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nghĩ người bạn có con bị
bệnh giống Lily, anh thấy mình được may mắn hơn, vì còn có đứa con trai thành đạt,
có vợ bên cạnh chung nhau chăm sóc Lily. Anh nhớ điều đã đọc trong tài liệu về
phương thuốc chữa bệnh Tự Kỷ Tâm Lý: “Tình yêu thương của người thân chính là
phương thuốc hữu hiệu nhất cho người bị tự kỷ. Nên trò chuyện với họ nhiều hơn
để tinh thần được thoải mái”.
Anh lẩm bẩm “Nhất định xóa tan đau khổ, thất vọng, chống phá
căn bệnh trầm cảm chen vào. Con là giọt máu, là tình yêu thương lớn nhất trên đời.
Ba Mẹ sẽ chiều ý con, dù lúc con vui hay khi con nổi chướng, miễn Ba Mẹ được sống
bên con gái yêu quý ...”
Minh Thúy Thành Nội
Mùa Lễ Cha