27 April 2017

SAO LẠI ĐẾN NHƯ - Hạ Long Lưu Văn Vịnh

(Tạp ghi những ngày cuối ở Bộ Y Tế Sài Gòn.)

Chiều ngày 24 tháng 4 năm 1975, như thường lệ tôi vào hồ bơi Câu Lạc Bộ Thể Thao Sàigòn giữa cái nóng oi ả tháng Tư của miền Nam, tìm làn nước mát mẻ giữa vườn Tao Đàn. Vào trong Câu Lạc Bộ cảm thấy ngay một chuyện gì khác lạ, nơi đây quá vắng vẻ đối với một buổi chiều thứ Năm thường rất đông đảo người ra kẻ vào. Lên tới hồ bơi tuyệt nhiên không một bóng người, tôi tự hỏi ngày thường cả trăm người bơi lội, nay biến đâu mất cả, họ đi đâu mà nhanh thế?
Đang định ra về thì thấy bác sĩ Rankins, nằm khuất sau cây cột dưới tàn cây lung linh ánh nắng, dơ tay chào, câu đầu tiên ông hỏi tôi là: -Sao giờ này chưa điđịnh đi đâu?- Chưa kịp trả lời vị tân giám đốc Y Tế Quốc Tế W.H.O. người Úc mới tới nhận chức chưa được 10 ngày tại nhiệm sở Sàigòn, thì ông đã bực tức chê trách: “ Người Mỹ đi tới đâu là làm hỏng đấy, đi tới đâu là mang theo văn minh Coca Cola phá hoại văn hóa nước khác” (Everywhere they go, they bring with them their CocaCola culture and destroy other cultures -tôi nhớ mang máng như vậy), ông Rankins một bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết đang muốn làm một chút gì cho mảnh đất nghèo đói, chiến tranh, bệnh hoạn này, chưa kịp bắt tay vào việc thì đã gặp biến cố đảo lộn tất cả.

Sáng nay tôi lên Bộ Y Tế gặp Bác sĩ Văn Văn Của một thời của đô thành, ông nuôi hy vọng sẽ hồng hồng được 6 tháng, chưa mất ngay- và dặn tôi và một bác sĩ khác biết lái tầu biển: - Các anh cứ xuống đấy chờ ở Rạch Giá, Phú Quốc, nếu có gì mỏa sẽ xuống sau, mấy ngày hôm trước ông đã ký sự vụ lệnh cho chúng tôi đi Phú Quốc công tác y tế, một công đôi việc phòng hờ đường cùng. Chúng tôi không đi được vì không có máy bay, thực tình một điều gì thầm kín giữ lại, tôi không muốn rời Sàigòn đi đâu giữa cơn biến động ngộp thở, rất giống không khí ngơ ngác ngột ngạt của Hà Nội hè 1954 thuở nào khi gia đình tôi sửa soạn di cư vào Nam. 
Gặp Bác sĩ Huỳnh tôi hỏi anh có định đi không thì anh giấu diếm như hầu hết những người khác “không, chắc ở đây chứ đi đâu”, sau mới biết anh định đi Pháp, tại vì ông đại sứ trẻ trung gầy gò Merillon dường như gặp ai cũng thuyết phục sẽ có một giải pháp cho Nam Việt-Nam, nên biết bao nhiêu người như Bác sĩ Huỳnh nghe bùi tai ở lại. Ông Đại sứ Pháp người mảnh khảnh nhỏ bé bình dị, hay xuất hiện trong trong những buổi tiếp tân hội họp của giới Y tế, có lẽ vì giới này còn nhiều người nói được tiếng Pháp, và rất có thể nhiều người đã lọt vào tai cái kế hoạch mơ mộng bắt tay với mọi phe của ông. Một số không ít trí thức được sang Pháp học, chịu ảnh hưởng tả phái CS Pháp nặng, cho nên càng trí thức càng tư sản giầu có lại càng dễ khuynh tả, một loại cách mạng lãng mạn, ra vẻ thương dân nghèo, ngồi trên tháp ngà nhìn xuống, đây chính là kiểu cách mạng của trí thức ngồi quán cà phê vỉa hè Paris, ghét Anh ghét Mỹ, nay lên đường, mai xuống đường, tới lúc bị lừa bị lợi dụng thì đã quá muộn. Sâu thẳm trong tâm não miền Nam, gồm cả các người miền Bắc, miền Trung, vào Nam từ sớm, trước 1950, có thể đã mang tâm thức Nam Kỳ tự trị, muốn miền Nam có căn cước riêng, một bản sắc khác với miền đất Việt cổ phía Bắc vốn phong kiến và hủ lậu hơn con dân đồng bằng Cửu Long Đồng Nai rất nhiều, cho nên không ít trí thức ngỡ Mặt trận là id căn cước của Miền Nam, tới lúc bị lùa vào rọ, thoát ra không kịp !
Chiều nay không còn nghi ngờ gì nữa, tôi phải tìm đường ra đi mặc dù trong lòng chỉ muốn có một biến cố gì như đảo chính, như rút xuống miền Tây chặt cầu Tiền Giang cố thủ, một cái cớ để giữ mình ở lại với quê hương.
Dường như thời nào cũng vậy, giới buôn bán thính tai, sáng nước hơn giới khác, như thời 1951- 52 ở Hà Nội, họ đã nghe ngóng tình hình Bắc Hà không ổn nên lũ lượt vào Sàigòn trước 1954, mua nhà cửa quanh chợ Bến Thành, sau hòa đàm Paris 1973 đã có một số người thuộc giới này bỗng dưng bỏ đi Pháp, đi Phi Châu.
Tháng 1 năm 1973 đang ở Manila tham dự hội nghị Y Tế Quốc Tế vùng Thái Bình Dương, phiên họp buổi sáng bất ngờ thấy tên mình được chỉ định chủ tọa điều khiển buổi họp khoáng đại, họp xong đi ra đã thấy nhân viên Y Tế quốc tế WHO xúm tới chúc mừng, thì ra đúng ngày sinh nhật và cũng đúng ngày hòa đàm Paris tới hồi kết, 17 tháng 1-1973, thế giới ai ai cũng nghĩ là chiến tranh chấm dứt êm đẹp, Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên hòa bình! Ngờ đâu, mới hơn hai năm đã ra mây khói ! Bây giờ, đầu óc thực tế của giới thương mại tỏ ra rất hữu ích trước tình thế rối ren, quả vậy, anh Dược Sĩ Thanh khi nghe nhà băng Mỹ Bank of America ở Sàigòn đóng cửa (khoảng 15/4/75) đã kết luận ngay “vậy là hỏng, phải đi ngay”, và anh đã ra đi ngày hôm sau. 
Ngày ấy tôi còn ngồi trong văn phòng thênh thang thơm mùi sơn, mùi gỗ bàn ghế mới mua từ Phi Luật Tân sang của Viện Y Tế Công Cộng, một viện đồ sộ do Y Tế Quốc Tế mới xây cất tại Sàigòn, dự định làm trung tâm huấn luyện cho toàn vùng Đông Nam Á. Vì chưa có nhiều việc làm nên tôi ngồi viết lại tập “Từ Ý Thức đến Hành Động”, một tập luận thuyết đăng trên tập san sinh viên 10 năm trước (1964), vừa hoàn thành được hai chương đầu phê bình tư tưởng Mác, tới chương ba bắt đầu phê bình tới kinh tế Mác Xít, thì anh bác sĩ H. chạy vào nói “mới gặp bà mẹ tướng Khang, cụ già rồi mà biết nói họ đổi chác Việt-Nam với Trung Đông, chắc phải có gì nghiêm trọng”. 
Tối thứ Năm 24/4 Sàigòn như một thành phố lên cơn sốt. Đường Công Lý, Pasteur, dân chúng đứng nhìn những chiếc xe bus kín mít chở người lên phi trường, khoảng sáu bẩy giờ chiều chúng tôi nhìn lên trời thấy vài chiếc phi cơ vận tải khổng lồ cất cánh.           
Đông Dương Chiến Quốc ! 
Tối 27/4 chúng tôi vào Tân Cảng nằm chờ tầu đi Phú Quốc. Vào đến nơi đã thấy cả trăm người nằm ngồi la liệt ở trại, sau một đêm nằm trong connex, được xem lén T.V. thấy cụ Hương quần áo trắng, rút khăn trắng lau nước mắt trao quyền cho tướng Minh, cụ run run nói: “Tôi xin hỏi Đại tướng giờ đây Đại tướng lấy thế gì để nói chuyện với bên kia ? thế này là thế mất nước”. Cụ Trần Văn Hương tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm đồng môn với thân phụ tôi ở Hà Nội thời 1925- 26. Có lẽ cụ là nhà chính trị hiếm hoi trong lúc này còn giữ được lòng yêu nước yêu dân, hình ảnh một ông già khóc vì vận nước là hình ảnh một thuở Chiến Quốc đẹp bi hùng nhất sử Việt mà mấy chục năm sau tôi vẫn không quên được và vẫn thấy rung động như đọc truyện Đông Chu Liệt Quốc!
Không như tên dân biểu B. nước sắp mất còn thèm cái ghế bộ trưởng, thì thọt hão huyền “Bảo Đại về là xong hết, cụ Huyền làm Thủ Tướng, tướng Kỳ làm Quốc Phòng..v.v...”, Giữa cuộc tranh đấu sống còn mà trong đầu sẵn một chữ Hoà, thì ắt là phải Thua. Nói chung, rất nhiều thanh niên sinh viên xuất thân từ các địa phương nghèo, tỉnh nhỏ, muốn vùng lên tìm cho chính mình một chiếc chiếu danh dự trong xã hội, họ rất dễ ngả sang tả phái, ngỡ đây là môi trường tiến thân, sôi nổi phá phách nền móng cũ, tiêu diệt đối thủ, rút cuộc chẳng thấy xây dựng được chút gì khả dĩ gọi là cách mạng ngoại trừ thỏa mãn cái Tôi vọng động, ghen ghét khả ố của chính mình. Chống đối để xác định một cái Tôi mù mờ chưa khôn lớn chín chắn, chính là ngọn lửa sân hận oan oán trùng trùng duyên khởi ác nghiệp đốt cháy thế gian. Oái oăm thay, không ít các chú tụng một bồ Các Mác dại dột chơi lửa hận ấy, và chính mấy gã di cư chạy CS 1954 cũng bị mê hoặc vào mấy chữ hoà bình thống nhất, một số vẫn mang mặc cảm thầm kín tự trị, nghênh ngang riêng một góc trời, rút cuộc mắc vào tròng bịp bợm quốc tế, anh chạy trối chết, anh kẹt như “gái ngồi phải cọc”, ông bạn đồng nghiệp của tôi, Nguyễn v. T. gặp lại ở Philadelphia cúi gầm, than : hành động của chúng tôi trong quá khứ sớm làm mất miền Nam, một lời sám hối nửa vời, thành thử vì óc phân hoá mà miền Nam mắc bẫy, vì lý tưởng hoà bình hão huyền mà người ta trao trứng cho ác, vòng ngoài lũ nặc nô Âu Mỹ Do Thái lấy nước nhược tiểu làm bãi chơi, miệng hút cần sa, lưỡi phun độc tố ! 
Cho đến sáng 28/4, sau đêm chứng kiến cảnh thả bom dinh Độc Lập và súng Hải quân bắn lên ầm ầm, cũng chưa ai dám nghĩ là Sàigòn có thể mất nhanh thế. Ngồi ở vọng canh xem binh sĩ Dù xả súng bắn đại đội VC về gần xa lộ và thấy trực thăng còn quần thảo trên trời, bên trong Tân Cảng người Mỹ mở kho P.X. cho ai muốn vào lấy gì thì lấy, tôi bỗng thấy lòng quặn đau trước cảnh tao loạn: dưới quân sĩ ghì súng chặn địch, trên nóc nhà mấy ông phóng viên ngoại quốc thâu hình như quay ciné, trong trại dân chúng nằm chờ tầu ra đi! Giữa lúc hỗn loạn một số người bỏ ra về, trở lại Sàigòn. Chúng tôi, 3 người, một dược sĩ quê Sóc Trăng, một bác sĩ quê Bến Tre, và tôi dân di cư Hà nội 1954,  nghĩ có về cũng kẹt thà cố ở lại chờ xem sao, may ra có tầu đi, con tầu Đại Hàn Pioneer Boohung vẫn nằm kia chưa tách bến, còn hy vọng... 
Đúng 11 giờ sáng 29/4 chừng mươi người Mỹ lên tầu và sửa soạn cho tầu rời bến, dân chúng chờ đợi suốt đêm được lần lượt leo lên tầu, mấy thủy thủ Đại Hàn nhìn chúng tôi ái ngại thông cảm trong khóe mắt. Tầu ra tới gần Vũng Tàu mới có khoảng hai ba trăm người nên hầm tầu rộng rãi thoải mái. 
*
Đáng lẽ chỉ mất có hai, ba ngày là tới Phi Luật Tân nhưng tầu dừng lại 10 ngày để vớt các thuyền nhỏ, đa số là dân chúng từ Phước Tỉnh, Phước Hải leo dần lên tầu, tới 3000 người. Một chiếc xuồng chở cả xe Citroen của một vị linh mục, xe gắn máy... bị ném xuống lòng biển cả.
Sau mấy ngày lênh đênh, ngủ ngồi, ăn cơm khô của lính, sáng  ngồi boong tầu nhìn sóng, mặt biển đầu tháng Năm thật êm, chúng tôi tới Subic Bay Phi Luật Tân ngày thứ Ba 6 tháng 5. Tới đây mới thấy cơ quan Mỹ đã lập trại tỵ nạn sẵn sàng từ bao giờ. Một anh lính Mỹ vui đùa “cười lên tí nào” (smile, smile) thật hỗn hào vô duyên, cái hỗn hào vô ý thức của đám dân văn minh Coca Cola mà Bác sĩ Rankins, tân Giám Đốc WHO không hết lời chửi rủa. Nhưng sau nghĩ lại, dân Mỹ là dân rất mới, lập quốc 200 năm trong những điều kiện khác hẳn các nước khác, xã hội tổ chức tử tế, ăn mặc dư thừa, sang xứ khác, đầy sân hận lạc hậu nhỏ nhen, họ không thể hiểu được và không thể thông cảm được.           
Sau 5 tuần chúng tôi lên máy bay đi đảo Guam ngày 7/6, ở đây trại tràn đầy ánh nắng chói chang bụi bậm không như ở Subic Bay, may thay ở một ngày đã được rời vào Anderson Airport chờ chuyến bay vào Mỹ. Trại của Không quân, rất sạch sẽ, nên ai nấy đều thoải mái.
Trong trại tôi gặp lại Giáo sư Lê Trung Nhiên, quyền Khoa Trưởng Văn Khoa, tháng trước còn gặp ông ở Văn Khoa xin ký giấy tờ tài liệu, gặp thêm cả một cô sinh viên Minh Đức mấy tuần trước thầy trò còn ngồi trong lớp học hành thi cử như thuở thanh bình!
Chờ tới một tuần sau, ngày thứ Sáu 13/6 chúng tôi lên máy bay vào Indiantown Gap, tiểu bang Pensylvania, một trại binh rộng rãi, quy củ, bỏ trống, ở đây ăn ngủ dưỡng sức bắt đầu đời mới. Bạn bè cũ lác đác gặp nhau thật quý hóa, đúng với cái câu “tha hương ngộ cố tri”, tưởng đâu màn sắt đã buông xuống thì chẳng bao giờ còn gặp lại bạn bè thân nhân nữa!
Trong trại nhìn ông hổ tướng Nguyễn Đức Thắng đi xếp hàng ăn cơm, ông không cần trốn tránh, một quân nhân được đồng bào yêu mến kính trọng, một ông tướng đúng mặt tướng.
Cơ quan bảo trợ Tolstoi xếp đặt đưa tôi lên Boston cuối tháng 6, do một cô bạn học Mỹ cũ bảo lãnh, năm sau gặp vị cựu Tổng trưởng Y Tế, bác sĩ Trần Minh Tùng lên nội trú bệnh viện ở Boston, ông nhận định “ở xứ người, mình chỉ dùng được sở đoản chứ không dùng được sở trường”, một vị bác sĩ nguyên Giám đốc trường Quân Y, một cựu Tổng Trưởng Y tế, cựu Thượng nghị sĩ, nay sáng sáng đi tập lấy tuỷ sống ! Gần đây khi đọc bài cụ Nguyễn Mạnh Tường nhận định: “chỉ ở trên mảnh đất quê hương mình mới có sức mạnh... chỉ có quê hương mới là sân khấu của mình...”. Thế hệ I di dân chẳng giữ vai nào trên sân khấu mới, dù là vai nhắc tuồng kín đáo dưới gầm sân khấu, và có lẽ đúng hơn, thế hệ từng gắn bó với quê hương, chẳng thấy hào hứng gì trên sân khấu với đám khán giả xa lạ, lạc lõng, với thời, thế, cơ, khác hẳn, như Trạng Trình từng tiên tri: 
Bấy giờ kẻ Tấn người Tần/Người Ngô kẻ Sở khôn bề tựa nương!           

Hạ Long Lưu Văn Vịnh
Cali 4-90