Ngoại trừ những hôm trời mưa hay những ngày mùa đông giá rét, đã thành thông
lệ, sáng nào hai ông bà cũng lội bộ đến công viên gần nhà coi như đi tập thể
dục, ở đó chơi một hai tiếng đồng hồ rồi về. Ông đội nón rộng vành, tay xách
cái túi đựng hai chai nước cùng mấy món đồ ăn vặt như bánh ngọt hay xôi. Bà đội
nón lá, tay cầm túi nhỏ thấy vỏ lon bia, lon nước ngọt thì lượm để dành lâu lâu
được nhiều đem bán lấy tiền cho mấy người nghèo. Tiền hưu của hai ông bà ăn
không hết, một năm đôi ba lần giúp đỡ bà con bên Việt Nam.
Ông ngồi xuống băng ghế, cầm nón phe phẩy cho mát, tay vuốt mồ hôi trên
trán. Trời mùa xuân mà nóng như ngày hè. Bà đến ngồi cạnh ông lấy chai nước ra
uống.
– Chút nữa về sớm, tôi vô bếp phụ con Lan một tay, chiều nay là sinh nhật thằng
Rick.
– Nó có cho bà vô bếp đâu mà phụ, tụi nó lo hết rồi.
Từ ngày bà để nồi cá kho bị cháy, con bà không cho bà vô bếp, sợ bà nấu ăn
khi nhớ khi quên, có chuyện gì khổ cả nhà. Có lần nó còn chê bà rửa rau không
sạch, bà giận mấy tháng không tới gần cái bếp. Nhưng rồi nguôi ngoai, đâu có
giận con gái được lâu, bà tuy nay không nấu ăn nhưng cũng lau chùi dọn đẹp chút
đỉnh. Không làm bà thấy bức rứt khó chịu. Bà cũng hay ra vườn sau săn sóc luống
rau. Bà trồng một ít rau thơm, rau húng. Thẳng rể cả năm chưa thấy bước ra sau
vườn, vậy mà mỗi lần thấy là nhăn mặt tỏ ý không hài lòng, mấy thứ này trong
chợ bán thiếu gì, đâu có bao nhiêu tiền. Tụi nó chỉ thích trồng hoa, trồng cây
cảnh. Niềm vui của ông bây giờ là lên Internet đọc báo, đọc chuyện bốn phương,
có khi ông ngồi đọc hằng giờ không chán. Hoặc đôi khi cùng mấy người bạn già ra
quán cà phê ngồi ôn chuyện đời.
– Thằng Rick năm nay tốt nghiệp trung học, mùa tới đi học xa, nghe đâu ba má
nó đang tìm mua xe cho nó.
– Mau dữ hè, mới ngày nào mình về ở chung, thằng nhỏ mới vô lớp một, giờ lớn
đại biết lái xe.
Hai ông bà có năm người con, hai trai ba gái. Đầu thập niên 90 gia đình ông
bà đến Mỹ theo diện H.O. Lúc mới qua cả gia đình ở chung một nhà, con cái tuy
đã trưởng thành nhưng đều còn độc thân. Rồi dần dần kẻ lấy chồng người lấy vợ.
Và rồi vì sinh kế, đứa ở miền đông đứa ở miền tây, cùng tiểu bang nhưng đứa
miền nam đứa miền bắc. Từ ngày nghỉ hưu hai ông bà về sống với đứa con gái cũng
hơn mười năm rồi. Ban ngày con gái con rể đi làm từ sáng tới tối. Mấy đứa cháu
ngoại đi học về là rút vô phòng. Lúc còn nhỏ tụi nó chạy giỡn bà chịu không
được, giờ lớn gặp ông ngoại bà ngoại nói vài câu, nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt,
ông bà nghe quen cũng hiểu cháu muốn nói gì. Đôi lúc tụi nó lên Google nhờ
dịch, để lại lời nhắn bằng tiếng Việt, chẳng hạn: “Người bà vui lòng rán cho
tôi một ít gà chiên”.
– Mệt hả ông xã, có đói bụng ăn gói xôi tôi đem theo. Ông đang nghĩ gì mà
tôi thấy vẻ mặt ông như có điều vui lắm.
– Tôi nghĩ tối ngày bà lo chuyện gì đâu không. Bà sợ rủi bà chết trước tôi
sẽ khổ. Cái gì bà cũng dành phần để bà lo.
– Tôi đã quen chịu đựng rồi, ngày mà tôi khổ nhứt là cái ngày ông có vợ bé,
ngày đó tôi như chết chưa chôn, giờ có buồn gì tôi cũng chịu được.
– Tôi có vợ bé hồi nào ? Bà nói cái gì vậy.
– Thì hồi ông ở Mộc Hoá chớ đâu, ông quên rồi sao.
– Tôi có vợ bé hồi nào sao tôi không biết.
– Ai cũng biết. Cái thằng đệ tử của ông đó, thằng Tám tài xế, một hôm hai vợ
chồng nó tới nhà nói cho tôi biết. Nó chỉ tường tận căn nhà mà ông mướn cho con
nhỏ đó ở. Vợ nó còn đòi đi theo tiếp tôi đánh ghen.
– Thằng Tám tài xế mà dám đi nói cho bà biết chuyện này. Hồi đó nó sợ tôi
còn hơn sợ cọp. Vợ nó dám xúi bà đi đánh ghen ?
– Tôi mà đi đánh ghen cái nỗi gì, gặp mặt người ta là bủn rủn tay chân, miệng
thì ú ớ nói không ra hơi. Tôi muốn đi tới chỗ coi cho biết sự tình, sẵn dịp ba
mặt một lời nói điều phải trái. Tôi gõ cửa hỏi xin lỗi cô, đây có phải là nhà
ông thiếu tá Tuấn. Con nhỏ đó nói phải chị cần chi. Tôi định nói tôi là vợ của
ổng, nhưng thôi, chờ ông về coi ông nói làm sao. Tôi nói tôi đi thăm chồng làm
lính ở đây, sẵn dịp có người nhờ tôi mang tặng thiếu tá một bịch lạp xưởng với
một bịch tôm khô. Con nhỏ đó cũng lịch sự mời tôi vào nhà uống nước, nó còn nói
tôi giống vợ sĩ quan chớ không giống vợ lính. Tôi ngồi nói chuyện quanh co coi
thử ông và nó tiến tới bao xa rồi. Bên ngoài thì máy bay trực thăng bay rầm rầm
trên bầu trời, xa xa tiếng đại bác nổ đì đùng, thời buổi chiến tranh ác liệt
nay nghe người này chết, mai nghe người kia chết. Tôi nghĩ đến ông sống nay
chết mai, tôi đứng dậy ra về, giao cho ông lo liệu, ông muốn tính sao thì tính.
– Thiệt tình bây giờ tôi mới biết là bà có xuống Mộc Hoá đánh ghen. Sao mấy
chục năm nay không bao giờ nghe bà nhắc.
– Con nhỏ đó tên gì hả ông, bây giờ tôi quên mất.
– Con nhỏ nào, mập hay ốm, trắng hay đen, xấu hay đẹp, bà nói con nhỏ đó ai
mà biết con nhỏ nào. Tôi quen qua đường, xong là quên đường ai nấy đi. Hồi nào
tới giờ tôi chỉ có một vợ, là cái bà sáng sáng hay đi lượm lon với tôi ai cũng
biết.
– Ông được cái chỗ đó mà tôi không bao giờ giận lâu. Ông không bao giờ bỏ bê
gia đình, tháng nào lãnh lương cũng đem tiền về nuôi con.
– Mấy chuyện qua rồi, hồi nào tới giờ không nhắc, giờ bà không nên nhớ làm
gì.
– Người ta nói vợ chồng gặp nhau là cái duyên, ăn ở với nhau là cái nợ đời.
Còn nợ là còn sống cùng nhau, hết nợ tự nhiên xa nhau. Tự hồi nào tới giờ,
trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ ông là người đàn ông tôi mang nợ trọn kiếp.
– Khi nào tôi chết thì bà hết nợ phải không.
– Hồi trẻ thì ăn nói ngọt ngào, lâu lâu pha chút hài hước ai cũng thích. Giờ
lớn tuổi sanh tật hay nói móc lò móc họng.
– Vợ chồng ăn ở với nhau chung lo xây dựng gia đình, bà đừng nghe người ta
nói vợ chồng là cái nợ, không ai mắc nợ ai. Thôi đi về, nắng nóng quá.
Hôm nay cả nhà đông vui mừng sinh nhật thằng cháu ngoại mười tám tuổi. Người
lớn con nít lăng xăng không có chỗ ngồi. Ông bà mỗi người một đĩa đồ ăn lẳng
lặng ra ngồi ngoài hiên. Đứa con gái chạy ra tìm, ông ngoại bà ngoại vô chụp
hình với Rick. Con nó kêu mình ông ngoại nó cũng kêu mình ông ngoại, lâu quá nó
quên tiếng ba tiếng má. Bà ngó chừng sợ con gái nghe nó buồn. Ông sao hay bắt
lỗi bắt phải chi cho mệt. Đôi mắt ông xa xăm nhớ về chuyện ngày xưa.
– Hồi tôi đi tù cải tạo về, tới đầu hẻm thằng con chạy lại mừng: “Ba về, ba
về”. Hồi tôi đi con còn nhỏ, giờ về nó lớn nhìn không ra. Khi nào nhớ lại hình
ảnh nó đi thất thểu ngoài đường giữa trưa nắng bán vé số, lòng tôi đau như cắt.
Giờ con cái có làm điều gì tôi buồn lòng, tôi đều tha thứ cho tụi nó hết.
– Khi tôi sinh con, việc đầu tiên là tôi nhìn con mình có được lành lặn bình
thường không. Tôi chỉ cầu mong được như vậy. Con mình tuy không giàu có ông này
bà kia như người ta, nhưng đứa nào cũng có gia đình con cái đầm ấm vậy là quý
lắm rồi.
Có mấy thanh niên đứng hút thuốc lá, thấy ông bà ngồi bên góc nhà nói lời
xin lỗi.
– Tụi cháu hút thuốc có phiền không bác.
– Không sao, mấy cháu cứ tự nhiên. Hồi trước tôi chuyên hút, giờ chỉ hít
khói.
Bà vỗ nhẹ đùi ông, ý chừng đừng nói quanh co ông à. Thằng cháu bưng ra cho
hai ông bà mỗi người một ly rượu đỏ. Ông bà ngoại chúc mừng cháu, bà cũng uống
đi, rượu này nhẹ lắm, không say đâu mà sợ. Trong nhà cười nói hát hò ồn ào, ông
cảm thấy vui quá vô trong đó tìm một ly rượu mạnh. Ông ngồi nhịp chân, nhớ về
thời xa xưa hát nhỏ nhỏ:
“Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày,
lửa thù no đôi mắt,
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
Áo đường xa không ấm gió phương xa,
Nghìn đêm vắng nhà.
Mây mù che núi cao,
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mênh mông nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê
Vì đời mà đi…” (1)
Thằng cháu chạy ra tròn mắt nhìn ông ngoại hát. Nó chẳng hiểu ông hát gì mà
đôi mắt xa xăm mơ màng. Ông đang nhớ về thời trai trẻ lê bước … khắp bốn vùng
chiến thuật ngăn bước quân thù…vì đời mà đi…
– Hồi trẻ ông ngoại con hét ra lửa. Bà ngoại nói.
Thằng cháu tròn mắt trầm ngâm. Hồi xưa ông ngoại làm trong gánh xiếc ? Ông
ngoại nhìn bà ngoại cười.
Tối nay ông hơi khó ngủ cứ nằm trằn trọc hoài, bà nói chắc tại ông uống rượu
hơi nhiều. Có mấy ly mà nhằm nhò gì, hồi trước một mình tôi uống hết một chai
Hennessy. Lâu lâu bà hay ngồi dậy xem chừng ông ngủ chưa. Từ lâu hai ông bà ngủ
riêng, từ cái ngày ông bị cảm ho suốt đêm bà không ngủ được. Con gái tự động
không cần hỏi ý kiến cha mẹ, mua hai cái giường nhỏ cho hai ông bà nằm riêng.
Nó nói sợ ông bệnh lây sang bà, nằm chung khó ngủ. Già từng tuổi này, vợ chồng
ngủ chung phòng là quý rồi, đâu cần ngủ chung giường. Con cái đặt đâu thì cha
mẹ ngồi đó.
Bà đứng dậy bước sang giường xem ông ngủ chưa, bà có tật hay lo, thấy ông
khó ngủ cũng lo, thấy ông ngủ mê quá cũng lo. Ông muốn nói lần này để tôi lo,
tôi nhường bà chết trước, tôi sống lo cho bà mồ yên mã đẹp. Ông muốn ôm bà vào
lòng nói anh yêu em nhiều lắm, ông kéo bà ngồi xuống bên giường nắm tay bà âu
yếm, nhưng ông xúc động quá không nói nên lời. Trong bóng đêm mờ mờ, từ bàn tay
ấm của chồng, bà cũng thấy hết tình cảm ông dành cho bà.
– Thôi ngủ đi ông xã, đêm đã tàn rồi.
Ông muốn nói, anh chỉ có một người vợ là em, từ lúc khởi đầu cho đến ngày
chấm hết. Em đừng có dành phần chết sau, nhưng nếu mà em chết trước anh… thì
anh cũng chết mẹ cho rồi. Ông không thể nào ngăn được hai giòng lệ tuôn trào.
Nguyễn Thạch Giang
Tháng 04-2017
(1) Lời bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương