09 May 2017

WELCOME TO AMERICA - Lê Phan

Lời chào đón đó thực sự là một điều mà du khách đến Hoa Kỳ sẽ gặp nếu họ qua khỏi được cửa ải của các phi trường.
Như ông bạn đồng nghiệp chúng tôi trên Blog Gulliver của tờ The Economist chỉ ra rất đúng. Nếu ai hỏi một du khách sẽ được tiếp đón ra sao ở Hoa Kỳ, thì câu trả lời là hầu hết rất nồng nhiệt. Người Mỹ là trong số những người tử tế, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ nhất hành tinh này. Khổ một nỗi, dân tộc Mỹ rất hiếu khách nhưng đa số người ta chỉ biết đến Hoa Kỳ từ xa.

Thành ra, với cả thế giới đang xem đoạn video của Bác Sĩ Đào Duy Anh, bị hành hung đến gần bất tỉnh, bị lôi xềnh xệch trên sàn phi cơ để lấy chỗ cho bốn nhân viên của hãng hàng không United Airlines, thì khó có ai có thể nghĩ đến gì khác hơn là so sánh lỡ mình cũng vào trường hợp đó thì sao?
Mà ai cũng thông cảm bởi vì ông Anh là một người bình thường, lớn tuổi. Ngoại trừ là một người da vàng, ông không có gì để làm cho người ta chú ý cũng như làm cho người ta có thể hiểu tại sao United lại có thể đối xử với ông như thế. Người ta còn cảm thông hơn nữa với ông vì ông nói phải về để đi làm việc. Ở cái thời của cuộc sống bận rộn của chúng ta, ai cũng hiểu khi một người nói không thể nghỉ việc được chỉ vì hãng hàng không bảo là không có chỗ.
Mà nào phải chỉ có trường hợp Bác Sĩ Anh. Tờ Los Angeles Times hôm 11 Tháng Tư vừa qua kể lại một câu chuyện khác, câu chuyện của ông Geoff Fearns. Điều còn đáng nói hơn là ông Fearns không phải là khách đi hạng bét như đại đa số chúng ta mà là hành khách mua vé hạng nhất. Theo LAT, ông Fearns là chủ tịch của một công ty đầu tư ở Irvine vốn lo liệu hơn nửa tỷ đô la về địa ốc cho một quỹ hưu bổng công. Ông đã phải đi Hawaii tuần rồi để tham dự một hội nghị. Vì phải về sớm, ông mua vé hạng nhất $1,300 để về Los Angeles.
Ông lên phi cơ đúng giờ và đang ngồi nhâm nhi ly nước cam của United chờ cất cánh. Bỗng một nhân viên United chạy lên và báo cho ông biết là ông phải đi xuống. Ông kể lại: “Tôi hỏi tại sao? Và họ trả lời phi cơ quá tải.” Ông Fearns, cũng như Bác Sĩ Anh, không chịu xuống. Ông đã lên phi cơ, đã ngồi vào ghế. Ông không xuống. Lúc đó họ bảo với ông họ cần cái ghế này vì có ai đó quan trọng hơn đến vào phút chót. Và họ có danh sách ưu tiên và ông ưu tiên thấp hơn. Có vẻ như là phi cơ đáng lẽ sử dụng cho đường bay này bị hỏng, United phải dùng một phi cơ nhỏ hơn nên thiếu chỗ hạng nhất. Ông Fearns không chịu xuống. Họ dọa còng tay ông bắt xuống nếu cần. Sau cùng một nhân viên của công ty, thấy ông than phiền, đưa cho ông một chỗ ở khu hạng bét, mà tệ hơn nữa, sở dĩ còn ghế đó là vì có hai ông bà đang cãi nhau và họ không chịu ngồi kế bên nhau. Thế là ông Fearns phải chịu trận 6 tiếng đồng hồ.
Chưa hết, khi luật sư của ông gửi thư cho United đòi bồi thường vé và yêu cầu như là một cử chỉ xin lỗi, United cung cấp $25,000 cho một quỹ từ thiện mà ông sẽ chọn. United trả lời “No way.” Sau cùng, họ bảo sẽ đền bù khác biệt và cho ông một cái “voucher” $500 cho chuyến sau. Ông Fearns đang tính kiện và khi được LAT hỏi là có tính đi United nữa không, ông bật cười bảo “bộ anh diễu hả?”
Ấy là chưa kể hành động của ông cảnh sát không hành của thành phố Chicago. Người ta sẽ tự hỏi: Bác Sĩ Anh đâu phải là một tội phạm. Cái tội duy nhất của ông là từ chối rời khỏi cái ghế mà ông đã trả tiền cho United để được ngồi. Nếu cảnh sát đối xử với ông Anh như vậy thì họ sẽ đối xử với công dân của những quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ nghi ngờ là có liên hệ với khủng bố thì sao?
Và rồi những người ở bên ngoài nước Mỹ còn nghe những chuyện khác nữa. Đại đa số người dân của hành tinh này không phải tóc vàng mắt xanh. Và có vẻ như trước con mắt của các nhân viên an ninh Hoa Kỳ tất cả những ai không có được như vậy đều là khả nghi.
Đã thế chính phủ Hoa Kỳ nay còn thêm cái thủ tục gọi là “extreme vetting” tức là “kiểm soát cực kỹ.” Kế hoạch này cho các viên chức quyền xem điện thoại di động của bạn, đòi bạn phải cung cấp mật khẩu cho các địa chỉ truyền thông xã hội và chi tiết tài chánh khi đến phi trường. Blog Gulliver dẫn đài NPR, đài phát thanh công của Hoa Kỳ, nói là sự kiểm soát an ninh quá quắt như vậy đã gia tăng từ lâu nay rồi. Theo NPR, trong năm 2016, các viên chức biên giới kiểm soát 23,877 dụng cụ điện tử so với chỉ có 8,500 dụng cụ năm 2015.
Tình hình tệ đến nỗi mà cả website của đài BBC lẫn tờ The Guardian của Anh có những khuyến cáo cho những ai đi Mỹ mà không muốn tiết lộ những bí mật cá nhân. Sau khi kể ra những biện pháp để tự bảo vệ, chẳng hạn như xóa hết nội dung trong máy, giữ hết tất cả những cái gì cá nhân trên “cloud” hay nếu là người đa nghi như Tào Tháo thì chép hết mọi chuyện quan trọng vào một SD card rồi bỏ hết mọi mật khẩu. Lúc đó, nếu viên chức biên giới Hoa Kỳ có đòi thì cứ cho họ khám xét tự do. Chuyên gia của tờ Guardian còn bảo tốt hơn hết là đừng mang theo máy móc gì cả!
Tôi có một người bạn đồng nghiệp nhiều năm làm việc cho đài BBC ở Bắc Kinh. Biết rằng mọi sự sẽ bị nhà nước Trung Cộng “dòm ngó” chị có đủ cách để ngăn ngừa bị “đột nhập.” Mới đây, tôi nhận được một email: “Không ngờ đi Mỹ bây giờ cũng phải ‘spy-proof’ máy móc của mình như ở Bắc Kinh vậy.”
Dĩ nhiên, không phải chỉ người ngoại quốc mới là nạn nhân của các “quan chức” biên giới. NPR kể lại chuyện của ông Sidd Bikkannavar, làm việc cho NASA. Hôm 30 Tháng Giêng, 10 ngày sau khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức, nhân viên biên giới đòi khám điện thoại của ông.
Ông kể lại với NPR là ông vừa trở về từ một chuyến đi Chile, nơi ông tham gia trò chơi ưa thích, đó là đua xe chạy bằng năng lượng mặt trời. Ở phi trường Bush Intercontinental Airport ở Houston, ông được một viên chức ra lệnh phải trình diện lại ở trạm kiểm soát sổ thông hành. Ông được hỏi một loạt câu hỏi, tất cả đều “bình thường và không có gì cả,” ông cho NPR biết, và rồi được bảo: “Trao điện thoại của tôi cho họ và cho họ mật khẩu để mở nó.”
Ông Bikkannavar là một công dân Hoa Kỳ và ông đã ghi danh vào chương trình Global Entry, vốn sau khi trả lệ phí, kiểm soát lý lịch và được “phỏng vấn” bởi sở di trú, những du khách “không có bao nhiêu nguy cơ” được phép đi nhanh qua quan thuế và di trú. Ông cũng là một kỹ sư cho NASA làm việc tại Jet Propulsion Laboratory. Cũng xin thêm là tất cả những ai làm việc trong các chương trình của NASA đều đã qua kiểm tra lý lịch của FBI và ở cỡ như ông Bikannavar thì mức độ an toàn cho an ninh quốc gia hẳn cao hơn là nhân viên di trú và biên giới ở phi trường vì những kiến thức của ông có rất nhiều quốc gia đang mong muốn có. Ông Bikannavar nói là ông đã “lễ phép tối đa” nói với nhân viên biên giới là: “Tôi không được phép trao mật khẩu.” Đây là điện thoại được NASA cung cấp. Ông đã giải thích cho nhân viên phi trường, chỉ cả cái “logo” và “bar code” của NASA. Nhưng nhân viên biên giới hẳn coi mình cao hơn tất cả, vì họ nhất định bắt buộc và trao cho ông Bikkannavar một văn bản khuyến cáo là sẽ có hậu quả xấu nếu ông không chịu tuân lệnh họ. Thành ra ông đành phải trao cho họ cái điện thoại của NASA.
Mà trường hợp của ông Bikannavar không phải là độc nhất vô nhị. Tôi có một người quen làm việc cho một công ty vũ khí của Anh. Bạn tôi khi đi làm việc mang theo một cái laptop mang ký hiệu của Bộ Quốc Phòng Anh và một tờ giấy của cơ quan này yêu cầu nhân viên an ninh không mở cái máy này ra vì nó mang bí mật quân sự của Anh. Một hôm bạn tôi phải đi họp ở Washington, DC. Khi đến phi trường, nhân viên an ninh đòi mở laptop. Bạn tôi đưa ra tờ giấy của bộ quốc phòng nhưng nhân viên Hoa Kỳ bảo không biết nếu không mở thì không cho vào Mỹ. Bạn tôi giải thích rất từ tốn là nếu mở laptop thì vi phạm luật bảo vệ bí mật quốc gia của Anh, nhưng vẫn không thuyết phục được nhân viên này. Sau cùng, bạn tôi đành yêu cầu cho gọi điện thoại về sở và sở của bạn tôi phải gửi một viên chức đi cùng với một viên chức của Bộ Nội An đến thì mới được đi qua.
Khổ hơn nữa là tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa.
Những câu chuyện như của Bác Sĩ Anh, hay của kỹ sư Bikannavar lan tràn nhanh chóng. Thế giới có nhiều chỗ đi chơi và nay du khách tự hỏi liệu có quả thật là Hoa Kỳ muốn “welcome” họ hay không?

Lê Phan