Có lẽ trong số dân trung niên, tầm tầm, rất ít người không biết đến câu:
“Paris có gì lạ không, em?” Hồi ấy, nghe câu thơ này, tự dưng trong hồn
thấy cơn lãng mạn dâng trào, con trai thì phải làm ngay một ly cà phê cho đã,
hoặc “rít” một hơi thuốc lá cho tới tận cuống, rồi bâng khuâng nhả khói chầm
chậm, nhẹ nhàng để làn khói bay lảng vảng trong không một lúc rồi mới tan đi.
Còn con gái? Nho nhỏ thì ôm lấy cuốn “Lưu bút ngày xanh” vào lòng,
mắt lơ đãng nhìn vào những tấm hình bạn bè và những dòng chữ thân thương, để
nhớ đến cánh bướm vàng khô ép trong cuốn vở trắng tinh, những lời gán ghép đỏ
mặt,và những giây phút vui đùa rũ rượi bên nhau. Nhớn nhớn một chút thì cắn
môi, tay vân vê những sợi tóc dài buông thả trên bờ vai, nhìn qua cửa sổ, hướng
về phía cánh cửa nhà của “chàng” cách đấy không xa, lắng nghe tiếng đàn ghi-ta
chập chững của chàng mà tơ tưởng đến một thành phố diệu vợi bên trời Tây biền
biệt kia, có dòng sông Seine lờ lững uốn quanh phố thị như cánh tay của nàng
Venus đa tình đang vươn ra, mời mọc.
Nhưng rồi, thời gian qua, có dịp đến Paris, để
thấy Paris chẳng có gì lạ cả! Y hệt như trong những tấm “carte
postal” ngày xưa. Dù hai, ba chục năm trôi qua, Paris vẫn thế, vẫn
nóc thánh đường cổ kính, vẫn tháp Eiffel xương xẩu, và những con đường chật hẹp
chỉ đủ lọt một chiếc xe hơi và một chiếc xe đạp. Dân Paris đi làm, ăn mặc chững
chạc, “complê, cravát”, nhưng tay lại cắp một ổ bánh mì dài thòng
không nhân, cuộn trong một tờ giấy vàng ố. Ðường xá nhiều xe, nhưng
đa số là xe tàn và tắc xi, những anh tắc xi “chém” bạo hơn máy chém thời
Robespiere, vừa bước lên xe đã thấy đồng hồ nhẩy vài đôla rồi; hỏi tài xế thì
cho biết đó là tiền “baga”, nghĩa là tiền chở đồ! Vào tiệm uống cà phê thì coi
chừng cà phê Paris làm loãng máu, vì giá dành riêng cho du khách được
tính đặc biệt, uống xong một ly thì xây xẩm mặt mày, máu tan ra như nước. Nếu
đói bụng mà muốn thưởng thức cơm Tầu, Paris đãi khách bằng loại hủ
tiếu không thịt, chỉ toàn bánh và nước. Muốn có thịt, phải kêu riêng một tô
thịt riêng, giá tương đương với tô bánh. Paris chật
hẹp, Paris không có nước xài thả giàn như ở Mỹ,
dân Paris hai, ba ngày tắm một lần, nên nước hoa Paris bán
đầy phố. Khách sạn Paris có hai loại: loại quyền quý, loại trung bình.
Loại quyền quý thì không dám bước chân vào, sợ khi trả buồng, bước ra thì cụt
cẳng. Loại trung bình thì chán phè, buồng chật, thang máy hẹp, phòng tắm bé tẻo
tèo teo, nhìn khăn trải giường không dám nằm úp mặt xuống. Bởi
vậy, Paris chẳng có gì lạ cả. Chắc thêm ba chục năm
nữa, Parisvẫn là một vũ nữ về chiều, ngồi trên ghế đá, lắc lư đầu nhìn
khách vội vã bước qua.
Trong khi đó, thì tại Tiểu Bang miền viễn Tây này, có một thành phố mà lúc
nào lên chơi cũng thấy lạ: San Jose!
Từ Orange lên miền Bắc, xe vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo,
rồi tới một khoảng dài xa lộ mà chỉ có một “lane”, đi ban đêm, tim đập thình
thịch, chỉ sợ vừa quẹo ra là thấy lù lù một chiếc xe tải khổng lồ đâm sầm tới.
Và những khúc xa lộ chạy trong thành phố, những vườn nho lẩn giữa những trang
trại kiểu xưa đột ngột biến hiện trong những tòa nhà đang xây cất hiện đại. Rồi
thung lũng hoa vàng từ từ hiện ra, rất sương khói, rất mờ nhạt, và rất lạ. Xa
lộ cũng từng ấy “lane” mà hình như khác với xa lộ Orange, không diễn tả được.
Cũng kẹt xe, cũng xe cộ nối đuôi nhau, nhưng một khi vào tới xa lộ San Jose
rồi, thì cảm giác lâng lâng sao đó, không còn cảm thấy sự căng thẳng của lái xe
lâu giờ, không thấy “road rage” làm muốn chửi thề liên tục, không thích bấm còi
dầu người bên cạnh lái ẩu, mà chỉ muốn tha thứ, muốn mỉm cười với người không
quen. Sao vậy, nhỉ? San Jose có chi lạ mà mỗi lần lên, lại như trẻ hẳn ra? Quán
ăn San Jose cũng bàn, cũng ghế, cũng phở, cũng bún bò Huế, cũng hủ tiếu, cơm
tấm, nhưng hình như bà chủ San Jose dễ thương hơn, tươi mát hơn, nên thức ăn có
vị đậm đà hơn.
Quán cà phê San Jose buổi sáng vắng hoe, không ồn ào như Orange, nên thưởng
thức một ly nong nóng vào lúc sương còn lảng vảng trong hồn, thấy như cà phê
San Jose độc nhất vô nhị. Trong cà phê có pha sương, trong sữa đậu nành có chút
gió, trong tô phở có nụ cười. Giá sống ở đây trắng nuốt như nàng sơn nữ Phà Ca,
rau răm ở đây nhấp nháy như cặp mắt ai Quan Họ. Ăn uống ở đây, tình tứ và lãng
mạn hơn Paris nhiều.
Buổi tối, lái xe đi vòng vòng thành phố, thấy San Jose như cô thiếu nữ kiều
diễm, nửa Tây Phương, nửa Châu Á, thay đổi mầu áo từng giờ, từng phút. Những
quán sách, dĩ nhiên ít sách hơn ở Orange, nhưng lại cám dỗ vô cùng. Những chợ,
những quán “to go”, dĩ nhiên nhỏ hơn Orange, nhưng lại đầm ấm hơn, thân thiết
hơn, bước vào chỉ muốn mua một chút gì đó, rồi tần ngần bước ra, muốn để một
chân lại trong cửa. Hình như khí hậu ẩm ẩm, lành lạnh làm cho San Jose có một
không khí lúc nào cũng lạ.
Như thế, đến San Jose rồi là không muốn về, dù San Jose đất chật, người
đông. Nhất là một hôm, San Jose tặng cho một kỷ niệm đẹp, mãi mãi không quên.
Chiều Chủ Nhật ấy, San Jose mưa như mưa tháng Bẩy, người Orange đi lễ tại một
ngôi nhà thờ cổ kính nằm giữa lòng thành phố. Orange đậu xe lại, giương dù định
bước ra, chợt thấy ngay bên cạnh, San Jose cũng vừa đậu xe, mà ngập ngừng nhìn
lên trời, đếm những hột mưa ào ào rơi xuống như những sợi chỉ thủy tinh trắng
trong. San Jose quên dù ở nhà mất rồi! Orange suy nghĩ trong một giây, rồi bước
đến cạnh xe San Jose, gõ cửa nhè nhẹ, rồi lấy tay chỉ chỉ vào cây dù. Cặp mắt
nai San Jose mở to, ngần ngại trong giây lát rồi khép nhẹ. Cánh tay nhẹ nhàng
đưa xuống mở cửa. Cây dù của Orange nghiêng vào, che mái tóc, rồi che cho cả
chiếc váy đen dài của San Jose. Từ ấy, dưới mái dù ấy, chân Orange và San Jose
đi cạnh nhau, tránh vũng nước này, nhẩy lên viên gạch nọ, lách qua bụi cây,
bước lên thềm giáo đường. Tới dưới mái hiên, dù gấp lại, và nghe rõ tiếng cây
dù thở dài. Sao mưa không tạt vào ướt cả thánh đường để dù được giương lên mãi?
Dù bâng khuâng, và ráng mỉm miệng cười khi nghe tiếng “thanks” nhỏ nhẹ, ngân
vang trong lòng dù.
Thánh lễ hôm ấy hình như dài hơn mọi hôm. Cha giảng hình như hơi nhiều,
người ta chịu lễ hơi đông. Và rồi, chờ mãi thì cũng thấy lễ tất. Bước ra khỏi
cửa, gặp ngay cặp mắt San Jose đang đứng chờ. Vẫn lặng lẽ, không một lời chào,
không một gật đầu, dù giương cao, che cho mái tóc San Jose khỏi ướt, và lại trở
lại con đường cũ. Không, không phải, đường này sai rồi, tại cây dù lúng túng
nên đi lạc rồi, không thấy xe đâu. Hay Orange cố tình đi lạc? Không phải đâu,
Orange đang cố dõi mắt tìm xe chứ! Ðây, đây rồi. Xe San Jose đậu cạnh xe Orange
đây. Cánh cửa mở ra, San Jose bước vào và ngước lên nhìn. Mắt San Jose mở lớn
đến nỗi Orange thấy cả mình trong đó. “Thanks.” Tiếng nói thứ hai và là tiếng
cuối cùng. Xe San Jose từ từ chuyển bánh. Orange bỗng tự nhiên thấy mình già
hẳn. Mới phút trước là chàng thanh niên trung niên, hùng tráng, mạnh bạo; chỉ
phút sau, chân đã lập cập kiểu ông già tám mươi, tay rung rung cắm chìa khóa
mãi mà không vào, đóng cửa mãi mà không kín, “đề” mãi mà xe không nổ máy làm
nước mưa tung tóe vào, ướt cả tóc tai… Tự dưng, Orange muốn ngâm câu thơ cuối
của một bài thơ xưa: “Orange ơi! Hồn ở đâu bây giờ?” nhưng thấy một câu thơ
không đủ, người Orange bèn phải viết nguyên một bài thơ tặng cho San Jose như sau:
San Jose có gì lạ không, em?
San Jose có gì lạ không, em?
Hình như, ở đó, tóc em rất mềm
Hình như gió núi làm em mỏng
Ðêm lạnh, thở dài, bỗng lạnh thêm.
San Jose có gì lạ không, em?
Cà phê buổi sáng chưa đã cơn thèm
Nhìn qua cửa sổ, như chim sâu nhỏ
Nửa muốn nằm vùi, nửa muốn bay lên
San Jose có gì lạ không, em?
Quán xá về khuya, khách ngồi như thiền
Thinh lặng ngó hồn theo dòng nhạc
Thơ thẩn về nơi rất thân quen
San Jose có gì lạ không, em?
Chủ Nhật, mưa bay, đi dù rất hiền
Chân “ma sơ” chạm chân trần thế
Anh bỗng thèm một vòng lưng êm
San Jose có gì lạ không, em?
Giữa ban ngày mà lòng như đêm
Giọt mưa hôm ấy còn lành lạnh
Cánh cửa nào đã khép lại hồn em?
Và San Jose lúc nào cũng lạ
Người tình lúc nào cũng lãng đãng xa
Ðến hoài mà vẫn như tờ giấy trắng
Chưa nụ hôn nào nóng bỏng môi ta…
Chu Tất Tiến