24 October 2017

MỘT THÁP NHÌN TỪ XA - Alifa Rifaat | Đỗ Kh. dịch


Nhà văn Alifa Rifaat (1930-1996)

Alifa Rifaat là quả phụ của một viên chức cảnh sát Ai Cập vào tuổi lục tuần. Thuộc giới trung lưu và lập gia đình sớm, bà không có dịp theo đuổi đại học và không thông một ngoại ngữ nào. Trừ những dịp hành hương ở Á Rập Saude, bà cũng chưa bao giờ ra khỏi nước. Có lẽ vì vậy nên Alifa Rifaat khác hẳn với trường phái nữ “văn minh” Beirut (Ghada Samman, Leila Balbaaki, Hanan Shayk) hay  cấp tiến Ai Cập (Nawal al Saddawi ) : không ly khai truyền thống, không phóng đãng cá nhân, không giải phóng tập thể. Có lẽ nhờ thế nên Alifa Rifaat tiêu biểu hơn cho đại chúng thì thầm, những người đàn bà Trung Đông bị giới hạn bởi tấm màn che cửa, tấm màn che bếp nếu không nói đến tấm màn che mặt. Cái tiếng kêu đôi khi có táo bạo của Bà bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ của lễ giáo và tập tục. Alifa Rifaat có lẽ là tiếng thở dài của đám đông những người đàn bà còn quen vấn khăn.

Qua đôi mắt hé mở nàng nhìn chồng. Nằm nghiêng bên phía phải, thân hình hắn quận vào người nàng, đầu hắn để dựa vào bên vai. Như mọi lần vào những lúc ấy, nàng có cảm tưởng hắn ở một nơi nào hoàn toàn khác lạ, một thế giới nàng đã bị đuổi ra. Chỉ nhận thức lơ mơ những động tác của thân người đàn ông, nàng quay đầu sang phía kia, ngước mắt để trên trần và tìm ra một cái màng nhện mới. Nàng tự bảo, lại phải lấy cây chổi cán dài ra để mà phủi nó đi.
Khi họ vừa mới lấy nhau nàng từng thử cho chồng hiểu cái rạo rực trong người mình để giữ hắn tiếp tục lâu hơn một chút. Nhưng lúc đầu, e thẹn và ý thức những điều cấm kỵ không cho phép nàng cởi mở. Về sau này, nhiều lúc thấy mình gần đến được bờ cái cảm giác mà những chị bạn có chồng đôi lúc thì thầm thố lộ, đã có lần nàng đủ can đảm bộc lộ. Những lúc đó, nàng tưởng chỉ cần thêm một động tác nữa thôi cũng đủ đáp ứng được đủ để hai người hiểu nhau trong những lượt sau. Những mỗi bận, khi nàng dồn dập van xin hắn kéo dài thì hắn lại – như cố tình để mà trừng trị hay sao đó – hối hả mang động tác đến chỗ ngừng. Những lần nàng muốn kéo dài nhịp điệu đều vô ích, hắn bao giờ cũng cản lại. Lần cuối cùng mà nàng thử, vào phút giây thật gần gũi đó, nàng đã cắm móng tay vào lưng hắn, giữ người chồng lại ở trong thân làm hắn hét to, đẩy vội nàng và tuột người ra :

“Mụ điên rồi hay sao ? Muốn giết tôi hả ?”
Cái xấu hổ lần đó như một vết chàm ghi sâu vào trong óc, làm mỗi bận nhớ đến nàng vẫn còn nóng bừng trên mặt. Từ đó, nàng nhận lấy vai trò tiêu cực, có khi tự hỏi mình : “hay là lỗi tại ta. Có khi đòi hỏi của mình quá đáng và chính mình chẳng biết cách chiều chuộng cho đúng phép.”
Đã có lần, hắn lộ ý cho biết hắn từng liên hệ với những người đàn bà khác và thỉnh thoảng nàng nghi ngờ rằng vẫn còn những chuyện qua lại bên ngoài. Nàng ngạc nhiên khi thấy ngay điều đó cũng chẳng làm mình bận tâm nữa.
Tâm tư nàng bỗng dưng bị cắt quãng bởi những động tác của chồng dồn dập hơn. Nàng quay sang nhìn hắn đang cố gắng trong cái thế giới riêng của hắn. Mắt hắn nhắm nghiền, bờ môi trệ xuống và mím vào thô kệch với lằn gân trên cổ nổi hằn lên. Nàng cảm thấy bàn tay hắn đặt vào đùi mình, nắm lấy phía trên đầu gối để đẩy dạng ra một bên trong lúc động tác hắn càng lúc càng gấp mạnh. Nàng nhìn bàn chân mình giờ đang chỉa thẳng vào mạng nhện và để ý đến lúc đầu ngón chân cần phải cắt lại móng.
Như thường lệ vào giờ này nàng nghe tiếng gọi cầu kinh buổi trưa phất qua mành cửa sổ kéo mình về thực tại. Hắn thả đùi nàng ra với một tiếng hừ và lập tức rút người ra ngay. Với lấy cái khăn nhỏ dưới gối, hắn bọc lấy mình xoay lưng lại và quay ra ngủ.
Nàng đứng dậy, lò cò vào phòng tắm và ngồi trên bồn nước rửa mình. Đã từ lâu, nàng không còn cảm thấy cái thúc đẩy tự mình hoàn tất nốt hành động như trong những năm đầu hôn phối. Dưới vòi sen, nàng phô bên phải thân hình cho làn nước ấm chạy rồi phô bên trái trong khi lâm râm cầu nguyện chứng tin (1). Quấn bộ tóc đang rũ nước vào chiếc khăn lông, nàng kẹp vào dưới hai bên nách một chiếc khác và ra khỏi phòng tắm. Trong buồng ngủ nàng thay chiếc áo chùm dài và với lấy tấm thảm cầu kinh để trên nóc tủ, nàng đóng lại cửa phòng ở sau lưng.
Tiếng nhạc pop từ buồng Mahmond vẳng ra khi nàng ra đến phòng khách. Nàng mỉm cười, hình dung con đang nằm duỗi trên giường tay cầm quyển sách học. Thằng bé, chẳng hiểu làm thế nào mà tập trung nổi với cái tiếng ồn ào. Đóng cửa phòng khách lại, nàng trải cái thảm nhỏ ra, và bắt đầu cầu nguyện. Xong bốn lượt rakaas (2) , nàng ngồi xuống bên góc thảm và lẩm nhẩm đếm lời tôn vinh Thượng Đế, ba lần lập lại trên mỗi đốt ngón tay. Bây giờ vào lúc cuối mùa thu và buổi cầu vào lúc mặt trời lặn lại sắp đến. Chỉ chốc lát là lại được cầu nguyện  một lần. Năm buổi cầu kinh thường nhật như là những dấu chấm phẩy cho đời nàng có ý nghĩa trong ngày. Mỗi buổi cầu lại có một đặc tính riêng, như thức ăn có những hương vị khác nhau. Nàng cuộn tấm thảm lại và bước ra phía ngoài lan can nhỏ.
Phủi bụi trên chiếc ghế ngoài hàng hiên, nàng đặt người xuống và nhìn xuống đường từ tầng thứ sáu. Tiếng xe buýt, xe nhà inh ỏi, tiếng mời chào của những người bán dạo xen lẫn vào tiếng radio kèn cựa từ những nhà kế cận phát ra. Từng đám khói phun ra từ đằng sau xe cộ mọc lên mù mờ che lấp ngọn tháp cao đơn độc còn thấy được giữa hai chung cư cao ốc. Ngọn tháp một mình này, một trong hai ngọn của đền Sultan  Hasan (3), với đằng sau lưng một khúc nhỏ của cổ thành, là tất cả những gì còn sót lại của quang cảnh Cairo cũ mà dạo trước từ lan can nàng nhìn thấy. Những khu phố Cairo ngày trước với đền chùa và nóc tháp trùng điệp, dựa vào lưng những ngọn đồi Mokattam và cổ thành Mohammad Ali.
Trước ngày cưới nàng từng mơ ước có một căn nhà với một mảnh vườn nhỏ ở một vùng ngoại ô yên tĩnh như là Maadi hay Helwan. Lúc biết chồng mỗi ngày sẽ phải mất nhiều thì giờ di chuyển để đến chỗ làm trong trung tâm thành phố, nàng đành chấp nhận cái chung cư đang ở này, cũng nhờ quang cảnh. Rồi  thời gian qua, cao ốc mọc lên tứ phía, cái quang cảnh đó càng ngày càng thu hẹp lại. Sẽ có lúc cái tháp một mình này sẽ bị một ngôi nhà mới nào đó che khuất mất.
Thấy đã sắp đến giờ cầu nguyện buổi chiều, nàng bỏ lan can vào bếp để pha cà phê cho chồng. Đổ đầy nước vào cái ấm đồng nhỏ, nàng cho thêm một thìa đầy đường và một thìa đầy cà phê. Đợi đến lúc vừa sắp sửa sôi nàng nhấc nó lên khỏi bếp và đặt vào khay bên cạnh cái tách, vì hắn thích được thấy cà phê rót ra từ trong ấm trước mặt mình. Nhưng chồng nàng không ngồi yên trên giường hút thuốc như thường lệ. Dáng điệu co quắp kỳ lạ của thân hình hắn cho biết ngay có chuyện bất thường.
Nàng đến gần, nhìn vào cặp mắt đang mở trừng vào khoảng không và đột nhiên cảm thấy mùi của cái chết hiện diện trong gian phòng. Ra khỏi phòng, nàng đặt khay cà phê trong phòng khách trước khi sang buồng con. Nó ngẫng đầu lên khi thấy mẹ vào, tắt ngay radio và đứng dậy :
“Có chuyện gì vậy mẹ ?”
“Cha con…”
“Ồng lại có cơn mới ?”
Nàng gật đầu. “Con xuống nhà hàng xóm điện thoại cho bác sĩ Ramzi. Bảo ông đến gấp”.
Nàng trở ra phòng khách và tự rót cà phê ra tách cho mình uống. Sự bình thản trong người làm chính nàng ngạc nhiên.

Alfa Rifaat
Đỗ Kh.
dịch
Trích VẮN, số 83, tháng 5-1989

(1) “Chỉ có một đấng tối cao là Thượng Đế và Mohammad là sứ giả của Ngài” là chứng tin căn bản của đạo Hồi, được dùng đến thường nhật. Hồi giáo đòi hỏi phải rửa sạch tay chân trước khi cầu nguyện và tắm gội toàn thân sau mỗi lần giao hợp, theo một quy thức đã định: tay phải, chân phải rồi phần phải của thân trước phần trái …
(2) Rakaas là những động tác phải thi hành trong buổi cầu nguyện như quỳ, lạy, vái…Số Rakaas tuỳ theo buổi cầu ban sáng, trưa, chiều hay mặt trời lặn mọc mà thay đổi. Vào lúc cuối buổi cầu, tín đồ tôn vinh  thượng đế bằng cách đọc lên một số trong hằng trăm tên gọi của ngài.
(3) Tháp trong kiến trúc của đền Hồi có công dụng để phát ra lời kêu gọi thập phương  vào giờ cầu nguyện. Đền Sultan Hasan hình chữ thập xây vào thế kỷ thứ 14 có hai ngọn tháp song song cao nhất trong vô số đền của thành Cairo. Cổ thành Cairo dựa vào lưng đồi  Mokattam ở hữu ngạn sông Nile có từ lâu và được Mohammad Ali tu chỉnh vào đầu thế kỷ thứ 19.