Những ngày cuối năm, vào trong các shopping mall, chúng ta hẳn thấy
một không khí vui tươi, ấm áp chan hòa trên khuôn mặt mỗi người. Tiếng nhạc
Giáng Sinh quen thuộc đưa mọi người vào mùa lễ. Mỗi người cảm thấy như thân
thiện, hòa đồng hơn với những người chung quanh. Chúng ta đã mở lòng. Nhiều
người mở thêm cái túi tiền của họ. Tôi vừa coi một bản tin trên đài CNN cho
biết là số tiền tặng cho các hội từ thiện trong những ngày lễ cuối năm, chiếm
tới 29% tổng số tiền trong năm. Nhưng cùng một bản tin lại cho biết là có hai
hội từ thiện giúp các cựu chiến binh tại Mỹ đã chi tiền một cách bừa bãi. Trong
10 đô họ thu được thì chỉ có 1 đô tới tay các cựu chiến binh. Còn 9 đô kia chạy
vào tiền lương và tiền điều hành của hội! Nhiều hội mệnh danh là từ thiện đã
cứu giúp chính họ. Không ai muốn đồng tiền của mình đi nhầm cửa. Vậy nên nhiều
người trong chúng ta đã tự tay làm việc thiện.
Noel phải có ông già Noel, những nhân vật áo đỏ viền lông trắng cười hô hô làm
tươi mát đám trẻ. Đó là những ông già phúc hậu nhưng không có túi tiền. Họ chỉ
có những món quà nho nhỏ cho các em bé. Tôi muốn nói tới một loại ông già Noel
khác, điệu nghệ hơn nhiều. Họ không mặc áo đỏ, không xuất hiện ở nơi công cộng.
Họ giấu mặt. Không ai thấy họ nhưng họ tung ra những niềm vui rất thực tiễn.
Mùa Giáng Sinh thường chúng ta tặng quà nhau. Chỉ chút đỉnh cho vui vậy
thôi. Nhưng với con trẻ, Giáng Sinh là dịp mong đợi được cho những đồ chơi mà
chúng đặt hàng với ông già Noel. Ông già Noel ở tuốt trên Bắc cực nên không đi shopping.
Ông phó cho ông bà cha mẹ những trẻ em mua quà giùm ông. Những thứ quà trẻ em
ghi vào list để được ông già Noel cho ngày nay không đơn giản như
trước. Đồ chơi của chúng thường là đồ điện tử. Các bậc cha mẹ mó vào có thể bị
giật chết người. Bà Desiree Williams ở quận Somerset, tiểu bang New Jersey là
một người bị giật như vậy. Bà mới góa chồng. Tiền lương của một bà mẹ trẻ có
hai con chỉ đủ chi dùng hàng tháng, tiền đâu mua quà cho con. Bà đành phải nhịn
nhiều thứ để dành dụm tiền mua quà. Tự dành dụm thường hay gặp trục trặc, khó
giữ được, nhất là với những gia đình nghèo khó. Tiền vào nhà khó như gió vào
nhà trống, gió thổi bay lúc nào không biết. Vậy nên phải nhờ các cửa hàng giữ
dùm cho gió khỏi cuốn đi. Trước hết bà tới cửa tiệm Walmart, cửa tiệm bình dân
nhất, để đặt trước các món quà mà hai đứa con, một 5 tuổi và một 3 tuổi, đã order
ông già Noel. Không rẻ. Bà phải mua bằng cách trả góp trước. Dân Mỹ gọi là
layaway. Cửa hàng sẽ dành món quà đó cho bà, khi nào trả đủ tiền sẽ
lấy hàng. Cứ dành dụm được chút đỉnh tiền, bà mang tới trả góp. Số tiền quà trị
giá tới 600 đô! Bà lo lắng: “Tôi phải tính làm sao trả đủ trước ngày lễ để có
quà cho con. Chuyện không dễ khi gia đình chỉ có một đầu lương”. Bỗng một ngày
bà nhận được e-mail của cửa hàng: “Chúng tôi vui mừng thông báo đến
bà: một ân nhân đã trả hết tiền trong hóa đơn Walmart Layaway của bà.
Kết toán trong hóa đơn của bà bây giờ là: 0$! Tất cả hàng của bà đặt mua có thể
lấy tại cửa hàng trước hoặc trong ngày 12/11/2017”. Bà Williams cho biết bà như
trút được một gánh nặng không biết làm sao giải quyết. Tất cả có sáu người nhận
được e-mail này. Họ hỏi cửa hàng về người ân nhân này nhưng cửa hàng
cũng không biết vì người này muốn giấu tên và giấu số tiền ông đã trả giùm
những người mua trả góp. Quản lý cửa hàng, ông Charles Crowson, nói: “Tôi thấy
việc trả giúp này rất cảm động. Cái vui của việc này đã vượt quá chuyện tiền
bạc!”. Bà Desiree Williams nghĩ ra một cách trả ơn người ân nhân giấu mặt: bà
sẽ bảo trợ quà cho một bé thuộc gia đình nghèo bằng cách chia bớt quà cho em bé
này.
Những ông già Noel giấu mặt này năm nào cũng có. Năm nay, tại cửa hàng Toys
“R” Us ở Cherry Hill, đã có một ông tốt bụng trả cho 62 hóa đơn nợ tiền với
tổng số tiền trả là 10.780 đô! Một người giấu mặt khác đã trả tiền thiếu cho
200 gia đình tại cửa hàng Walmart ở Everett, tiểu bang Pensylvania. Số tiền
tặng lên tới 40 ngàn đô! Bà Barbara Kearns làm việc lâu năm trong tiệm này cho
biết là năm ngoái ông này cũng đã trả một số tiền lớn tương đương, một nghĩa cử
nặng ký mà bà chưa từng thấy trong những năm làm việc tại đây.
Không thể kể hết những ông già Noel vô danh này. Hầu như tại bất cứ nơi đâu
trên toàn nước Mỹ, nhất là những khu nghèo, đều có những ân nhân quý hóa này.
Họ chia sẻ với những người thiếu thốn hơn họ, mang niềm vui đến cho những trẻ
em trong ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Tinh thần Giáng sinh nằm trong nghĩa
cử cao đẹp đó.
Chơi trò giấu mặt, bỏ ra bạc ngàn, là một “trường phái” cho đi, mà những
người túi không nặng không chơi được. Nhân tâm tùy hỉ, túi chúng ta chỉ có khả
năng giúp vài đồng bạc lẻ, cách tiện nhất trong tầm tay chúng ta là giúp chút
đỉnh cho những người vô gia cư. Họ ngồi tại những bến xe, ngoài đường nơi có
các cửa hàng hoặc, thông thường nhất, là đứng ở các đầu đường, chờ đèn đỏ, nhảy
ra xin tiền các người ngồi trong xe. Những ngày lễ cuối năm, thời tiết rất khắc
nghiệt, ngồi trong xe ấm áp, chúng ta dễ mủi lòng trước những thân hình gầy
guộc đứng ngoài trời lạnh lẽo, chìa tay xin từng đồng bạc lẻ. Lẽ nào không cho.
Nhưng cho cũng có những điều cấn cái. Các giới chức thành phố thường khuyên
chúng ta không nên cho tiền tùy tiện như vậy để nuôi dưỡng những người sống lệ
thuộc vào lòng hảo tâm của người khác. Trong xã hội tiên tiến mà chúng ta đang
sống, không ai bị bỏ đói. Mọi người được bảo đảm có cơm ăn áo mặc đầy đủ. Không
tìm được việc làm, đã có tiền thất nghiệp. Không ăn tiền thất nghiệp đã có tiền
an sinh xã hội. Dĩ nhiên xã hội chỉ cứu đói chứ không cứu thuốc lá cần sa,
không cứu rượu chè be bét. Thiếu thốn hay không là tự họ, chúng ta không nên
phí tình thương cho những người bê tha như vậy. Nhưng có phải họ đều là những
người bê tha không?
Ông Thanh Phạm, một khuôn mặt quen thuộc của vỉa hè Bolsa.
(Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Tôi mới đọc trên NguoiViet Online một bài của ký giả Đằng Giao viết
về một trường hợp vô gia cư. Ông Thanh Phạm thường ngồi xin tiền trước tiệm
bánh mì Cali trong khu chợ ABC ở Little Saigon. Ông còn trẻ, mới 47 tuổi, nhưng
đã vô gia cư khi mới 32 tuổi.Trong 15 năm không nhà ông vẫn buộc mình phải sống
với ba điều: không tham lam, chân tình và đói thì xin. Chuyện đời ông rẽ một
khúc quanh vào năm 1999. Năm đó, một trận bão lớn xảy ra từ ngày 2 đến ngày 8
tháng 5, cuốn đi mất người vợ tên Bùi Thu Trâm, 29 tuổi, và hai đứa con nhỏ của
ông. Tới nay ông vẫn còn vết xâm con số 99 trên cổ để nhớ cái năm oan nghiệt
đó. Ông chán đời lang thang đến Galveston làm nghề đánh cá. “Nhưng một thời
gian sau, chán quá, tôi lại bỏ đi. Đi mà không biết đi đâu. Nhớ vợ quá, nhớ con
quá, cái đầu tôi muốn nổ tung, con mắt tôi nóng rần và tôi bị ngộp thở”. Ông
chẳng thiết chi, chỉ mong chết theo vợ con. Ông vốn bị cao huyết áp nặng, uống
thuốc ba lần một ngày và cứ hai tuần phải gặp bác sĩ. Vậy mà từ trận bão ác
nghiệt đó tới nay, ông bỏ không thèm uống một viên thuốc nào. Vậy mà không
chết. Ông cũng đã nhảy vào đầu xe đang chạy ngoài đường nhưng tài xế xe thắng
kịp, ông chỉ bị gãy chân. Ông cũng không chết được khi nhảy từ lầu cao xuống.
Cảnh sát bắt ông vì cho là bị tâm thần. Ông buồn rầu nói: “Tôi cám ơn mọi người
đã giúp tôi sống qua ngày. Nhưng nếu không ai cho tiền nữa, để tôi chết đói hay
chết cóng vì lạnh, tôi cũng xin cám ơn luôn!”. Người đứng đường ăn xin như ông
Thanh Phạm chắc chắn không phải là người bê tha.
Những con người rách rưới bên ngoài đó có khi còn giữ được tấm lòng không rách
rưới. Anh Josh Paler Lin, một blogger nổi tiếng trên YouTube đã thử
một con tính. Anh cho một người vô gia cư 100 đô và theo dõi coi xem ông ta làm
gì với số tiền lớn này. Anh làm chuyện này chỉ vì tò mò và mua vui với bạn bè
trên mạng. Tôi đã vào coi cuốn video anh quay từ đầu tới cuối. Ông vô
gia cư đứng xin tiền người trên xe qua lại tại một góc đường. Anh chạy tới, rút
trong túi ra tờ bạc 100 đô, đưa cho ông này. Ông không dám cầm, đứng ngây
người, không tin đây là chuyện thực. Anh cố đưa cho ông. Ông run run cầm và
nói: “Tôi chưa bao giờ có số tiền lớn đến thế này”. Rồi ngập ngừng mở rộng đôi
tay muốn ôm anh Lin nhưng ngại không dám. Anh Lin tiến tới ôm chầm lấy ông ta
rồi bỏ đi. Anh leo lên xe hơi cùng một người bạn quay phim theo dõi. Người đàn ông
vô gia cư này không biết đang bị quay phim. Ông cầm tiền vào một tiệm tạp hóa
bên ngoài có viết chữ “liquor” thật lớn. Anh thất vọng. Có tiền là vội
vào tiệm rượu. Ông vô gia cư bước ra khỏi tiệm với một bọc lớn trên tay, tiến
về một bãi cỏ rộng. Ông tới một chiếc bàn có một bà mẹ da đen và năm đứa con
đang ngồi. Họ cũng là những người vô gia cư. Ông rút ra một gói bánh lớn đưa
cho họ. Rồi ông tới một góc khác cho bánh tiếp. Anh Lin xúc động trước những gì
diễn ra trước mắt. Anh vội rời xe, chạy tới, ôm ông già vô gia cư và nói tình
thật chuyện quay phim theo dõi ông. Anh móc túi đưa cho ông tờ 100 đô khác và
quay đi nước mắt lưng tròng.
Cô Katy McClure và anh Johnny Bobbitt tại
địa điểm anh đi mua xăng giúp cô trong đêm khuya
Trong cái thân hình rệu rạo vẫn luôn có một tấm chân tình. Câu chuyện về một
người vô gia cư ở tiểu bang Philadelphia vừa xảy ra trong tháng 11/2017 này làm
mọi người phải xoay lại ý nghĩ về các người vô gia cư. Một buổi tối đầu tháng
11, cô Kate McClure, 27 tuổi, đang chạy xe trên xa lộ liên bang 95 thì xe cô
hết xăng. Cô để quên bóp ở nhà nên không có đồng xu dính túi. Tuy nhiên chẳng
biết làm sao hơn, cô bỏ xe đi bộ trong đêm khuya để tìm một cây xăng. Trên
đường, cô gặp anh Johnny Bobbitt Jr, một người vô gia cư. Thấy cô mò mẫm trong
đêm, anh sợ cô gặp nguy hiểm nên bảo cô quay lại, vào ngồi trong xe, khóa cửa
xe lại. Anh dùng 20 đô còn lại trong túi đi mua một can xăng giúp xe cô chạy
lại. Lúc đó cô chỉ biết cám ơn tấm lòng tốt của anh. Ngày hôm sau, cô quay lại
chỗ cũ cùng với bạn trai và giúp Johnny tiền bạc, áo quần và các vật dụng cần
thiết. Johnny còn trẻ, mới 34 tuổi, nên cô Kate thấy giúp như thế này không làm
thay đổi được cuộc đời của ân nhân. Cô lên trang mạng GoFundMe kể lại
câu chuyện và quyên tiền giúp ân nhân. Mục tiêu cô đề ra là 10 ngàn đô. Nhưng
các nhà hảo tâm trên mạng đã ào ạt tặng tiền cho người vô gia cư tốt bụng trên.
Cuối cùng số tiền đóng góp đã lên tới 400 ngàn đô! Xây dựng lại cuộc đời cho
anh Johnny không khó. Anh đã từng là một chuyên viên đạn dược của Thủy Quân Lục
Chiến Mỹ. Sau khi giải ngũ, cuộc đời anh gặp nhiều bất hạnh, trắng tay, phải
lang thang ngoài đường phố. Những lúc chán nản trong hoàn cảnh khốn cùng, anh
đã từng chơi ma túy và nhiều lần phạm luật, nhưng anh vẫn luôn giữ được sự
lương thiện. Với số tiền quá lớn và quá bất ngờ, cô Kate đã nhờ một chuyên viên
tài chánh tính toán giùm để bảo đảm đời sống của anh Johnny. Việc đầu tiên là
mua cho anh một căn nhà và chiếc xe anh mơ cả đời là chiếc Ford Ranger 1999.
Sau đó là lập một tài khoản ngân hàng để anh có tiền chi dụng cho tới khi kiếm
được việc làm. Anh Johnny cũng muốn dành một khoản tiền để tặng cho một số tổ
chức từ thiện và những người đã giúp đỡ anh trong thời gian khó khăn vừa qua.
Người vô gia cư không phải là những người không có tình. Họ sống nghèo nhưng
sạch. Mùa hè năm 2010, bà Merrie Harris, Giám Đốc một công ty quảng cáo ở Nữu
ước, đi bộ tới một nhà hàng trên đường Kenmare ở Manhattan để dự buổi gặp mặt
với bạn hữu. Trên đường, bà gặp một người đàn ông vô gia cư. Ông này nói nhỏ nhẹ:
“Tôi là Jay Valentine, 32 tuổi, thất nghiệp từ ba năm nay. Bà có thể giúp tôi
vài đô để sống qua ngày được không?”. Nhìn vẻ tiều tụy và ánh mắt đầy kỳ vọng
của người đàn ông, Merrie không nỡ bỏ đi. Bà lục khắp túi nhưng không có tiền
mặt. Suy nghĩ vài giây, bà hỏi: “Liệu tôi có thể tin anh được không?”. Anh
chàng vô gia cư mới 32 tuổi dõng dạc trả lời: “Bà cứ tin tôi là một người lương
thiện!”. Bà Merrie đưa cho anh Jay chiếc thẻ tín dụng của bà: “Anh có thể dùng
thẻ này để mua những thứ cần thiết rồi trả lại tôi”. Chiếc thẻ của bà có thể
tiêu tới tối đa một triệu đồng! Khi ngồi trong nhà hàng với bạn bè, bà mong
ngóng anh chàng Jay trở lại nhưng anh biệt vô âm tín. Tới gần cuối bữa ăn, quá
sốt ruột, bà thổ lộ với mọi người hành động dại dột vừa qua của mình. Ai cũng
trách sự nhẹ dạ của bà. Bà nhờ bạn trả tiền phần ăn của bà rồi ra về. Vừa ra
tới cửa, bà khựng lại khi thấy Jay đứng chờ. Anh không dám vào nhà hàng sang
trọng nên đứng đợi bà từ lâu. Anh đưa trả tấm thẻ tín dụng và nói: “Cám ơn bà,
tôi đã tiêu hết 25 đô”. Bà Merrie vô cùng xúc động, ôm cám ơn anh Jay nói: “Tôi
biết là anh sẽ quay trở lại tìm tôi”. Anh Jay mỉm cười: “Tất nhiên rồi! Bởi vì
tôi là người trung thực mà!”. Câu chuyện được bạn bè của bà bỏ lên mạng, các
báo trích đăng lại. Nhiều người xúc động trước sự thành thực của anh Jay. Có
người giúp đỡ bằng cách cho anh việc làm. Có người thưởng tiền. Một doanh nhân
ở Texas đã tặng anh sáu ngàn đô!
Hàng rào The Blessing Fence trước nhà bà Salisbury
Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, không có tiền trong túi cũng có thể mang
lại chút ấm áp cho những người thiếu thốn trong những ngày lễ cuối năm. Bà
Salisbury, cư ngụ tại thành phố Goshen, tiểu bang Indiana, có sáng kiến giúp
người khó khăn bằng cách lập ra Hàng Rào Phước Lành The Blessing Fence. Nhà
bà có một hàng rào dài trước nhà, bà mang quần áo ấm không dùng nữa ra giăng
trên hàng rào và dựng một tấm bảng. “Hãy lấy những thứ bạn cần, để lại
những thứ khác. Mong bạn luôn cảm thấy ấm áp, ấm lòng và được chúc lành”. Dần
dần có nhiều người tới treo quần áo trên hàng rào “Phước Lành” đó. Những người
cần áo ấm trong những ngày cuối năm giá rét tới chọn thứ họ cần. Bà Salisbury
nói với ABC News: “Đây là những quyên góp từ những người vô danh, tặng cho
những người vô danh. Tôi không bao giờ ghi lại tên của người cho cũng như người
nhận”. Không cần lời khen tặng, không phô trương, chỉ có tình người với người.
San sẻ với nhau những của cải trần gian. Để quảng bá, bà chụp hình, post
lên Facebook. Nhiều người biết tới chiếc hàng rào tình nghĩa đó. Họ
mang quần áo, khăn choàng, mũ nón tới vắt lên hàng rào. Càng ngày số lượng càng
nhiều. Chiếc hàng rào đã giúp sưởi ấm cho nhiều người trong đó có rất nhiều trẻ
em. Tình nghĩa của bà Salisbury còn trải rộng tới cách cho của bà: “Khi nhìn
thấy có người tới, nếu có nhà, tôi sẽ mở cửa ra và nói lời cám ơn với họ. Có
người thì vẫy tay cười, có người vào gõ cửa nhà để chỉ nói cám ơn, có người còn
để lại thư cám ơn nữa!”.
Tôi nghĩ chiếc hàng rào của bà Salisbury là hình thức mới cho những kho chứa
quần áo cũ dành cho người thiếu thốn tại các nhà thờ và nhà dòng. Những ngày
đầu tới định cư tại Montreal, chúng ta đã từng tới những nơi này để lấy quần áo
cũ dùng trong lúc mới chân ướt chân ráo tới vùng đất mới. Tôi còn nhớ kho quần
áo của nhà dòng trên đường Fullum mà một người quen đã dắt tôi tới lấy quần áo
cho cả gia đình. Những bà phước nơi đây thật…phước đức. Ngoài quần áo, họ cho
cả tiền thuê nhà trong những tháng đầu, bàn ghế tủ giường và cả ti-vi, máy nghe
nhạc. Cả chục năm sau đó, trong dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới, bà còn gửi thiệp
chúc mừng và thăm hỏi. Khi đời sống nơi đất mới đã ổn định, tới lượt chúng tôi
gom góp quần áo cũ còn tốt, giặt giũ sạch sẽ, mang tới những địa điểm thu nhận
để chia sẻ sự ấm áp cho những người mới tới. Như một cách trả ơn. Lớp này tiếp
nối lớp khác.
Người nhận người cho. Có người vừa nhận vừa cho. Các cụ xưa đã từng dạy con
cái: nhân chi sơ tính bản thiện. Cái thiện nằm sẵn trong mỗi chúng ta.
Những ngày lễ cuối năm, Giáng Sinh và Năm Mới, chỉ là cơn gió thổi cho ngọn lửa
thiện trong mỗi chúng ta bùng lên. Ngọn lửa thiện lúc nào cũng âm ỷ trong mỗi
chúng ta, suốt cuộc đời!
Song Thao
12/2017