tmt và hồ Sammamish-Washington
Tôi muốn giới thiệu đến mọi người về hồ Sammamish ở trước của
nhà tôi, mà nhóm bạn văn ở Seattle chúng tôi đặt tên cho là Dòng Sông Thanh
Thủy (Một tựa sách của nhà văn Nhất Linh). Cái hồ nhỏ thôi, dài có mười một
cây số và rộng hơn hai cây số, ở về phía đông của hồ Washington, thuộc tiểu
bang Washington, miền tây bắc nước Mỹ.
Nhà chúng tôi may mắn đuợc ở trước mặt một ngã rẽ của hồ, một khúc hồ rẽ làm ba nhánh, như một nhánh cây có hai chạc, ngã ba rẽ ngoặt quành sau hai vách núi nên trông giống một cửa sông nhỏ. Hai bên bờ nhà san sát chen nhau trong những khu rừng trồng thông, tùng, bách và phong. Về phía đông bắc của hồ có dẫy núi Cascade nằm uốn lượn song song với nước chạy suốt về phía tây nam, đứng trước cửa nhà trông được cả một vòng cung một trăm tám mươi độ theo thứ tự trên cao nhìn xuống: trời, núi, nhà cửa, cây và hồ. Vào những ngày trong trẻo, ít mây, chỏm núi Rainier hiện ra tình cờ cùng với cái vòng cung đó, đẹp như một nét cọ cuối của họa sĩ hạ xuống trong những bức tranh Tầu, mềm mại nhưng chứa đầy sức mạnh. Vào mùa Hạ thì những cánh buồm trắng nhỏ xuất hiện, không biết từ đâu tới, rẽ vào, trông xa xa như đàn Sếu trắng la đà trên mặt nước. Mùa thu thì bờ bên này trông sang bờ bên kia thấy được Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Ai thấy cảnh đó cũng thành “thi sĩ “được. Mùa Đông dãy núi Cascade sẽ phủ đầy tuyết trắng như mây quàng cổ núi, và chao ôi! thỉnh thoảng sau cơn mưa nắng lóe lên chúng tôi được ngắm cầu vồng ngũ sắc bắc qua dòng nước từ đầu núi này đến chân núi kia và chiếc cầu vồng đó thế nào cũng theo tôi vào giường tối hôm đó, giấc ngủ của tôi lơ mơ dưới một tấm chăn bảy màu.
Tôi đôi khi, một mình đứng ngắm ngã ba sông
nước đó, cám cảnh lưu vong của mình hay tự nói:
“Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà”
Có khi câu Thơ cũng bật ra:
Nắng trên núi mưa dưới sông
Trong hân hoan đã mênh mông nỗi buồn
Bên kia bờ giải mây vương
Bên này tôi đứng mù sương với tình (tmt)
Chúng tôi vào những ngày mùa Hạ hoặc bất cứ vào mùa nào có
ngày nắng đẹp, hoặc khi có bạn xa tới đều họp nhau trên cái deck trước
nhà tôi cùng uống vang đỏ, nên tôi đã thay tên hồ Sammamish bằng Dòng Sông
Thanh Thủy vì một bạn thân của chúng tôi, anh Nguyễn Tường Thiết là con út
của nhà văn Nhất Linh, hơn thế chúng tôi đều là độc giả của Nhất Linh.
Tôi không có thời giờ để cả ngày ngồi ngắm quang cảnh
của hồ như một số bạn bè thường hỏi. Nhưng quả thật cái hồ Sammamish lúc nào
cũng ở đó cho tôi ngắm và nó thay hình đổi dáng tùy giờ, tùy ngày, và tùy
mùa.
Có lúc sáng sớm dậy đẩy nhẹ cánh cửa ở phòng ngủ ra ngòai
hành lang, không thấy cái hồ đâu cả, không thấy núi, không thấy những hàng cây,
những ngôi nhà lớn nhỏ, chỉ thấy một vùng không gian trắng như sữa đục bồng bềnh
trôi vào đến giường ngủ. Không có bầu trời, không có chân trời, không có mặt nước,
hành lang cũng biến mất. Vội vàng quay vào chạy mấy bực cầu thang xuống bên dưới,
mở cửa chính, thì chao ôi, mấy bực thềm bỗng đâu mất, hình như cái gì giống mây
và sương trộn lẫn vào nhau tràn cả vào nhà. Không dám bước ra, nếu bây giờ mà
bước ra một bước liệu có bị cuốn trôi đi không? Mà cuốn đi đâu? Hồ đâu? Bờ đâu?
Núi đâu?
Đấy, hồ Sammamish như thế đó nên tôi không tả tiếp nữa, vì
còn bốn mùa, còn ngày mưa, ngày nắng nữa, nó thay đổi vô chừng cùng với dẫy
Cascade trên cao, với tuyết trắng mùa đông, thông xanh mùa xuân, hạ, phong đỏ
mùa thu.
Có thể tôi sẽ làm cho người nghe khó chịu lắm vì không biết
tôi mê hay tỉnh khi tôi viết. Tốt hơn hết tôi nên ngừng tả về cái hồ ở đây và
viết về một chuyện khác, không làm độc giả bối rối.
Tôi chỉ muốn nhắc độc giả là tất cả những bài viết, những
bài Thơ của tôi từ bao nhiêu năm nay đều được viết từ căn phòng sách nhỏ ở ngôi
nhà đối diện với mặt hồ Sammamish nên nó có lơ mơ, lạ lẫm và “dấm dớ” (như lời
một chị bạn thường nói) thì chính là lỗi tại thổ ngơi.
Trần Mộng Tú