Mùa đông Tây Bắc về lấy hết đi những bông hoa trên mặt đất, cây cỏ mất hết cả màu xanh. Trời lúc nào cũng mưa được, không mưa sáng thì mưa trưa, không mưa trưa, thì mưa đêm, mưa nhỏ hạt thôi, nhưng đủ ướt đẫm vai ai, nếu đi bộ một quãng đường. Ban ngày đôi khi nắng chợt về sau cơn mưa nhỏ hạt kéo dài ba, bốn tiếng, nắng thoáng lên một hai tiếng rồi lại bỏ theo mưa. Người dân Tây Bắc Mỹ đã quen rồi, không thấy phiền muộn gì với mưa nắng chợt đến, chợt đi theo ngày.
Vườn trước vườn sau nhà tôi những bụi hoa nhỏ, chỉ còn lại
những đám lá xám bạc nằm trên mặt đất. Duy nhất, cây hồng trước cửa nhà, một
cây hồng màu cá salmon với những bông hoa to bằng chiếc chén,
thường nở từ xuân sang thu, vào mùa đông hoa nhỏ và ít đi và dần dần rụng hết.
Nhưng không biết bằng cách nào mà sáng nay, trời đã vào cuối đông mà một bông
hoa nhỏ vẫn còn sót lại, nở nguyên vẹn. Nhìn cái cây đầy gai, cành vươn ra khô
khốc, ngay cả chiếc lá nhỏ nhất cũng không còn, ta mới thấy cái kỳ diệu của mấy
cánh hồng mong manh, đầy kiêu hãnh đó.
Bông hồng nhỏ duy nhất còn lại làm tôi liên tưởng đến những
em bé sống còn trong chiến tranh, dưới bom đạn. Thỉnh thoảng sau một cuộc chiến,
người ta chợt tìm thấy một sinh vật động đậy dưới những đống gạch của một thành
phố đổ vỡ, của những trái bom đánh sập cả ngôi làng. Có cả em bé sơ sinh sống
sót nằm bên cạnh xác Mẹ. Thật là kỳ diệu!
Bông hồng có biết nó là đóa hoa duy nhất còn sót lại trên những
cành khô đầy gai nhọn, liệu hoa có sống hết mùa đông này không, khi sương và
tuyết sẽ phủ hết cánh hoa? Em thơ có biết mình là người sống sót duy nhất trong
gia đình, dưới tàn phá của chiến tranh? Em sẽ tiếp tục sống trong một đất nước
đạn bom nhiều hơn bánh kẹo. Thật sự, điều này chỉ có Thượng Đế biết.
Đóa hoa sẽ nở hết vẻ mỹ miều của nó cho đến khi tàn tạ, em
bé sẽ sống hết đời mình sau chiến tranh, nếu chiến tranh chấm dứt trên quê
hương em. Đóa hồng sót lại và em bé sống sót. Cả hai đều cô đơn, cả hai trong
tay Thượng Đế.
Chiến tranh vẫn bốc khói ở nơi nào đó trên thế giới, vẫn làm
rung động đến mặt đất yên lành của những nước đang được hưởng hòa bình, và phép
lạ vẫn xẩy ra dưới những thành phố đổ nát, trên những con đường di tản.
Con trai út của tôi dạy ở Montessori, cậu rất yêu và có kinh
nghiệm với trẻ nên đã dạy hơn 20 năm rồi, cậu luôn có một người phụ dạy và bao
giờ cũng là một phụ nữ, mới đây người phụ dạy nghỉ, thay vào một một phụ nữ
khác, ngoài 40 tuổi. Gia đình bà mới định cư ỡ Mỹ dưới 2 năm, bà là người
Ukraine di tản. (Khi ở Ukraine bà là giáo sư trung học.) Một hôm bà nói với con
tôi là bà có một cậu con trai đang theo học ở College và rất cần được kèm thêm
về Toán. Con trai tôi liền volunteer bố mình (Bố cậu về hưu cả
7 năm rồi, và hay kèm Toán miễn phí cho học sinh, sinh viên kém toán). Cậu
thanh niên Ukraine sau một thời gian được kèm toán đã lấy được điểm A.
Christmas vừa qua, cậu mang cha mẹ tới nhà tôi cám ơn thầy
giáo. Một cậu bé 20 tuổi, cao lớn, ngồi nói về chiến tranh và di tản. Cậu nói
tiếng Anh giỏi hơn cha mẹ nên cậu làm thông ngôn cho hai người, khi họ gặp chữ
khó. ….Gia đình họ có 4 người. Người Cha, ông Pavlo, lúc chiến tranh xẩy ra,
ông đang làm việc ở bên Đức, ông làm về xây cất. Cô con gái lớn thì đang du học
ở Poland, bà Natalia là giáo sư của một trường Trung Học ở Ukraine. Họ chạy từ
Ukraine đến Poland rồi sang Mỹ định cư (trên giấy tờ họ chỉ có quyền ở lại cho
đến khi Ukraine hết chiến tranh họ phải quay về.) Là một gia đình thuộc thành
phần có học và khá giả nên họ mới chạy được ra khỏi bom đạn từ Ukraine tới
Poland và vào được Mỹ (Một học trò của bà Natalia ở Mỹ lâu năm, bảo lãnh gia
đình bà vào Mỹ). Với chính phủ Trump sắp tới, chiến tranh còn hay hết, họ có thể
bị trục xuất sớm hơn, có thể cả ngay khi Ukraine vẫn còn bom rơi đạn nổ…Cầu
mong cho chuyện đó không sẩy ra. Gia đình Ukraine này là một trong những gia
đình may mắn. Bà Natalia ngồi kể về cuộc chiến ở Ukrain với tất cả nỗi kinh
hoàng, khi binh lính Nga bắt được người Ukraine, họ tàn sát tất cả người già và
trẻ em, ngay cả phụ nữ đang mang thai.
Tôi nhìn chàng thanh niên 20 tuổi, mặt còn lấm tấm mấy cái mụn
trứng cá của tuổi đang lớn, nét hân hoan hiện rõ trên mặt khi câu báo đã lấy được
điểm A về toán. Nếu bị trục xuất ra khỏi Mỹ và phải trở lại Ukraine hay Poland,
điều gì sẽ xẩy ra cho cậu và gia đình…
Họ cho biết dù Ukraine có hết chiến tranh họ cũng muốn được ở
lại Mỹ.
Chiến tranh Ukraine bắt đầu từ tháng 2 năm 2022, đến nay đã
được 3 năm. Chiến tranh cũng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài những
người lính của bất cứ phe nào, nước nào, phải hy sinh thì trẻ em và người già
là nạn nhân có con số cao nhất.
Tôi đọc trên một bản tin câu nói đau thương này:« bên
nào có thể cung cấp nhiều đạn dược cũng như là nhiều “bia người đỡ đạn”,
thì bên đó có nhiều cơ may thắng thế »(RFI-Thế giới 1 năm hỗn loạn)
Càng kéo dài chiến tranh càng nhiều người chết, cả hai phía
cùng chết và chắc chắn Ukrain sẽ chết nhiều hơn nếu tính theo phần trăm dân số…và
mặc dù Ukraine không nhiều lính nhiều đạn bằng Nga.
Chiến tranh bao giờ cũng đi đôi với nỗi chết. Chết vì bom đạn,
chết vì chạy loạn, đói khát, dẫm đạp lên nhau…nhưng trong những bức ảnh chiến
tranh đau thương đó, như một phép màu, ta thỉnh thoảng lại bắt gặp một sự sống
còn ngoài sức tưởng tượng của con người: Như em bé sơ sinh được lôi ra dưới
đóng gạch còn sống khi một đầu cuống rốn vẫn dính vào cuống nhau của người mẹ
đã chết, và em đươc đặt tên là Aya (tiếng A Rập có nghĩa là may mắn). Như một
gia đình 8 người, không ai sống sót trừ bé gái lên 5 tuổi, được lôi ra dưới đống
gạch ngói vụn vỡ …và còn bao nhiêu phép màu nữa chỉ có Thượng Đế mới giải thích
được.
Một em bé sống sót trong chiến tranh khi cả nhà chết hết, có
khác gì một bông hồng duy nhất còn sót lại trên một thân cây khô khốc không còn
một chiếc lá, chỉ còn toàn những gai tua tủa đâm vào mùa đông.
Em sẽ sống tiếp thế nào…trong tình thương không phải của từ
cha mẹ, mà của bà con, dòng họ, hay những tấm lòng từ thiện của những đồng
hương, của hội Bác Ái…Giống như đóa hoa sẽ tồn tại bao lâu giữa khắc nghiệt của
mưa, tuyết mùa đông… Chỉ có Thượng Đế mới trả lời được những câu hỏi này.
Từ tháng 10 năm 2023 khi chiến tranh xẩy ra ở Gaza đến nay,
đã có 41,800 người thiệt mạng, trong số đó trẻ em đếm được là 17,600 em. Các em
không chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì đói, lạnh. Có em bé nào được may mắn sống
còn trong cuộc chiến Gaza như bông hồng sót lại trong mùa đông này?
Chiến tranh sẽ chấm dứt ở đâu đó hay sẽ tiếp tục và xuất hiện
thêm ở một vài nơi khác. Thượng Đế có còn đang cúi nhìn xuống mặt đất này nữa
không?
Tết âm lịch Ất Tỵ 2025 đang gõ trên cánh cửa thời gian. Ngoảnh
mặt lại Việt Nam Cộng Hòa đã năm mươi (50) năm lịch sử sang trang. Bao nhiêu
mái tóc xanh đã nhuộm đi nhuộm lại mà vẫn bạc màu, bao nhiêu người thân trong
gia đình, người thân trong cộng đồng, người chỉ nghe tên nhưng chưa gặp mặt đã
từ từ bỏ đi…Đi đâu nào ai biết chắc, chỉ đoán là họ đi về một nơi êm ả hơn, một
nơi như có như không…một nơi mà người còn tỉnh thức đoán là …nơi cuối.
Trong 50 năm đất trời đảo ngược đó, đã có bao nhiêu bông hoa
còn sót lại, sống còn với rung động của mưa nắng, giông bão đất trời.
Những bà mẹ trẻ 50 năm trước một thân gày, ôm con chạy dưới
đạn bom, rồi một thân nuôi con, sống còn như bông hoa cô đơn tồn tại trên cành
đầy gai và nắng lửa, mưa tuyết…Những bà mẹ đó bây giờ đã già lắm rồi và có người
đã nằm yên trong đất.
Những người lính Quốc Gia còn sót lại của 50 năm đó, sau hơn
5,10 năm bị vùi dập trong những trải Cải Tạo, bị nhốt bỏ đói trong những thùng
sắt (Conex) bây giờ ra sao? Bao nhiêu người đã thành cát bụi, đã tro than trôi
ra biển, bao nhiêu người vẫn tồn tại, gậm nhấm nỗi đau trong nhà già.
Dù họ là ai, họ sống ra sao bây giờ….họ vẫn là những bông
hoa cô đơn nhưng đầy nhân cách, sống còn với những chiếc gai và mùa đông khắc
nghiệt của đời người.
Bông hoa hồng còn sót lại trên cái cây đầy gai, có qua được
mùa đông này không? Sao mà khó thế! Nhưng tôi biết, bằng cách nào đó nó cũng tỏa
hương cho đến cánh cuối cùng khi mùa đông tới.
Tôi đang nghĩ tới những người lính già trong những “Nhà Già”
những bông hoa đơn độc giữa những cành đầy gai, vẫn kiên cường đếm từng mùa
đông đi qua.
Trần Mộng Tú
- Đánh
dấu: 50 năm VNCH di tản (4-30-1975) và 3 năm chiến tranh Nga và Ukraine
(2-24-2022-2025)
- Bé
Aya – có nghĩa là phép màu trong tiếng Ả Rập – được tìm thấy còn sống, bé
bị chôn vùi dưới đám bê tông đổ nát sau hơn 10 giờ. Dây rốn của bé vẫn còn
nối với cuống nhau của người mẹ đã chết. CBS
News