Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi
cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược
lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở
giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
“Thưa chú, chú khoẻ không?”
“Cảm ơn con, chú khoẻ…”
“Con xin lỗi chú nha. Con nhìn chú nãy giờ, con
nghĩ chú là bạn của ba con, nhưng con không nhớ được tên chú…”
“Chuyện bình thường thôi con ơi! Bây giờ con
nói tên con, chú cũng không nhớ ra con là ai? Nói tên ba con thì may ra chú nhớ…”
“Dạ, ba con tên Tòng, họ Lý nên chú hay gọi ba
con là Lý Tống… Con cũng không biết ông Lý Tống là ai, nhưng thấy chú với mấy
chú bác nữa cười vui lắm…”
“Ồ, chú nhớ rồi. Vậy con là Tuấn anh hay Tuấn
em? Con còn một đứa em gái nữa, nó tên là… chú quên rồi.”
“Dạ em gái con ở nhà tên Síu, đi học tên là
Karen Ly. Con là Tuấn anh, còn thằng Tuấn em bây giờ nó bự hơn con nhiều…”
“Ba má con khoẻ không? Lâu quá rồi chú không gặp
từ hồi gia đình con dọn về Houston.”
“Dạ đúng, gia đình con dọn về Houston. Sau đó
con còn nhớ có lần nghe ba con nói điện thoại với chú, nhưng sau đó vài năm ba
con bệnh… được mấy tháng thì chết.”
“Chúa ơi, chú không hay tin. Nhưng má con vẫn
khoẻ chứ, thằng Tuấn em bây giờ làm gì, con làm gì, em con…?”
“Dạ, má con khoẻ, đã nghỉ hưu. Bây giờ sống với
con Síu, coi cháu ngoại cho vợ chồng nó đi làm. Thắng Tuấn em học kỹ sư, ra trường
nó làm cho công ty dầu khí dưới Houston tới giờ, nó mới cưới vợ nhưng chưa có
con, mới mua nhà... Con học xong thì làm cho Bank of America. Hôm nay con lên
chơi nhà bạn gái ở Dallas, không ngờ gặp lại chú.”
“Thời gian nhanh quá, ba con với chú hồi đó cỡ
tuổi con bây giờ. Không ngờ ông ấy mất rồi, chú thì…”
“Con thấy chú khoẻ mà, lo gì chú. Ba con mất sớm
vì ung thư phổi.”
“Ba con không hút thuốc mà ung thư phổi, lạ
ha!”
“Chúa gọi thì đi thôi, ai tránh được. Tội nghiệp
má con buồn lắm, tới có cháu ngoại mới đỡ buồn.”
“Thì hai anh em con kiếm thêm mấy đứa cháu nội
cho má con vui…”
“Con không may mắn chú ơi! Con có đứa con gái
sáu tuổi rồi, nhưng vợ chồng con ly dị. Con của con theo mẹ vì ông toà quyết định
như vậy, làm má con rất buồn.”
“…”
Chú cháu gặp lại nhau bất ngờ trong cuộc sống luôn diễn ra
những bất ngờ tiếp nối những bất ngờ khác. Thằng bé hôm nào thích chơi đá banh
với tôi vì ba nó chỉ biết chửi khi chú cháu tôi đá bể mấy chậu bonsai của ông ấy.
Vậy mà bây giờ thằng bé cũng đã lắm thăng trầm trong cuộc sống, vui buồn trong
cuộc đời. Tạm biệt Tuấn anh như một người thân để tình cờ gặp lại lần nữa hay
không có lần nữa như tôi với ba nó vậy, nào ngờ bạn hữu chia tay để gặp lại vì
Dallas với Houston đâu có xa xôi gì, nhưng đã không còn gặp nữa. Nhớ lại cuộc
khủng bố New York năm 2001, sau đó là kinh tế suy thoái thời ông Bush con, nhiều
người mất việc làm. Lý Tòng đưa gia đình về Houston vì người chị của anh có cái
tiệm phở, chị em trong nhà nương nhau mà sống lúc khó khăn. Bạn bè chia tay, những
cuộc vui gác lại, ai cũng phải lo công ăn việc làm khi con cái còn nhỏ. Đôi lần
tôi xuống Houston hay anh lên Dallas đều có việc riêng, anh em đôi khi gặp nhau
chỉ đủ thời gian ăn với nhau tô phở, uống ly cà phê rồi chia tay, hẹn gặp; cuộc
sống như cỗ máy vô hình nhưng động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy người ta tiến về phía
trước để hoàn thành ít nhất là những hy vọng sau khi đã từ bỏ những ước mơ. Tôi
giống anh ở điểm cùng mang hoài bão là đi học lại, nhưng ước mơ được đến trường
lần nữa trong đời đã tiêu tan theo hoàn cảnh con cái ngày càng lớn nhu thì cầu
của chúng ngày càng tăng nên ước mơ chỉ còn là hy vọng con cái học hành thành
tài, đừng sa ngã vào những trào lưu xã hội.
Nay những hy vọng nhỏ nhoi của người di dân đã thành hiện thực, con cái đã trưởng
thành cũng đồng nghĩa với cha mẹ đã già, những hụt hơi trong quá khứ đã có thời
gian để thở thì anh lại tắt thở. Cuộc gặp đưa tôi về mấy chục năm trước. Cuối
tuần, tôi với Lý Tòng hay đi ăn sáng rồi đi nông trại, khi mua chục con gà vườn
về nấu ăn cho hai gia đình vào tuần tới. Tuần thì mua nguyên con dê về làm món
nhậu, rủ bạn bè tới uống bia xem banh cà na trên TV. Nghỉ lễ thì mua luôn con
bê về ăn phủ phê bê thui, phở bê, lòng bê xào cải chua, xào sa tế, món xào
thành công nhất là xào đọt mướp, bông bí… Những kỷ niệm vui tràn về làm tê tái
chuyện hợp tan trong cuộc sống chạy theo cơm áo gạo tiền, bỏ lại sau lưng biết
bao kỷ niệm. Khi cuộc sống chỉ còn sự im lặng là tử tế, người ta cố quên đi quá
khứ để sống với hiện tại, bình tâm với được mất trong đời để bình an. Nhưng gặp
lại ai đó trong đời như gặp lại mình trong quá khứ vậy, vui buồn vẫn đầy cảm
xúc, được mất vẫn tiếc thương sau khi đã nghe, đọc nhiều về buông bỏ, nhưng thực
sự của buông bỏ vẫn ngoài tầm với của lý trí nhỏ bé, sức lực của đôi tay đã hao
mòn…
Trên đường trở về nhà, ngang qua chùa Đạo Quang thì gặp người quen. Tôi hỏi,
“Hôm nay lễ gì mà chùa đông vậy?” Thì ra hôm nay là ngày giỗ sư trụ trì đã qua
đời là thầy Tịnh Đức. Vị sư già tôi quen, thầy từng tặng tôi tập thơ của thầy.
Tôi nhớ bài thơ “cuộc đời”, nhớ câu thơ về cuộc đời mà ai chắc cũng vậy, đọc
qua một lần là nhớ mãi cái nhìn cuộc đời của một nhà sư, thầy viết, “đời cũng
chỉ là những sân ga rải rác/ của kiếp người vô định trước và sau…” Kính bái thầy
nhân ngày giỗ kỵ, xin mượn thầy câu thơ tưởng nhớ người bạn Lý Tòng như một lời
hẹn gặp khi đã âm dương cách biệt…
Phan