Người rơm, họ, phải sống chui lủi và phải làm những công
việc vất vả mà nhiều người khác không muốn làm. Ít nhiều gì họ cũng mong ước có
ngày trở thành người thiệt, thoát kiếp rơm. Ảnh istockphoto.
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Mới đầu họ giăng, cột vài miềng giấy to bản trên một cọc cây
cao, nhờ gió đưa qua đưa lại để xua đuổi chim hay quạ đến phá phách, sau lũ
chim chóc khôn hơn, không sợ diều hay quạt gió nữa… chúng đến quá tự nhiên, và
con người phải làm những hình người nộm bằng rơm, dang tay ve vẩy đuổi cầm thú
phá rẫy… những hình nộm này to và giống như một ngưòi thiệt, mà người ta gọi là
ông bù nhìn hay người rơm.
Cái từ người rơm đã biến mất từ lâu nay, vì
chúng ta sửa đổi nhiều nơi, đồng quê thành phố thị, việc trồng tỉa cũng chuyển
đổi sang kỹ nghệ, sản xuất máy móc nhiều lắm. Nhưng gần đây lại có người nhớ lại
chuyện người rơm, và người rơm cũng tiến bộ đang lần mò về nơi phố thị… dù là họ
bị săn đuổi kín đáo hay rầm rộ hàng loạt.
Người rơm, thưa, theo định nghĩa đơn thuần, là một hình nộm
giả làm người, để dọa nạt chim muông bằng sự hiện diện vô hồn.
Người rôm không có căn cước, không có một điều gì cố định,
coi như vô hồn, vô nhân tính, vô tự vệ… nhưng những ý niệm ban đầu như thế đó
chỉ còn đúng cỡ một phần nào… vì người rơm nay tiến bộ và biết chạy trốn, biết
tự di chuyển và có cảm nhận an nguy đến tính mạng. Bằng chứng là câu chuyện sau
đây: Cô Tâm là chủ một quán ăn khá khang trang ở ngoại ôn thành phố Toulouse,
cô kể một câu chuyện vô lý và cũng có lý và khá tội nghiệp như sau:
Một hôm đấy cô đi mua đồ chợ, chợ ngoài trời bán đồ tươi và
rẻ. Mua xong khá nhiều món để làm hàng bán cô tự chất đồ lên xe một mình nên
khá mỏi tay, lúc démare xe, xe nổ máy, cô sang số và quay xe ra khỏi hàng lối
xe đậu dài bên lề đường, rồi phía ngoài có đông người qua lại quá, cô vô ý lỡ đụng
mạnh vào đuôi cái xe citroën đậu ngay phía trước xe cô rầm dĩ nhiên là cô có lỗi
vì đã làm vỡ đèn xe, làm xệ cái chắn sau xe của người ta, khi xe người ta đang
đậu.
Cô giựt mình dòm sang phía trước, người chủ xe bị cô đụng phải,
đang ngồi trong xe, đang coi một bản đồ thì phải, cô hú hồn vì nếu cô va lỡ mạnh
hơn chút xíu nữa thì có thể đã làm chấn thương người chủ xe đó…
Biết mình có lỗi, cô mở cửa xe bước xuống đường và đi tới
trước, chủ ý thương lượng, cô chào, đó là một người Á Đông nhưng màu da hơi đậm,
hẳn là không phải đồng hương, anh ấy là người Lào hay Miên hay lai gì đó, anh ấy
cũng gật đầu chào lại cô và uể oải bước xuống, đi vòng ra đuôi xe xem sự thể hư
hỏng do va chạm gây ra đến độ nào. Cô nói với chủ xe hư là đúng cô phạm lỗi và
cô phải bồi thường tiền sửa chữa.
Cô đề nghị cả hai mang xe đến một garage gần đó, nhưng người
đối diện viện cớ anh không có thời giờ. Rồi anh đề nghị cô cứ trả anh khoảng
100 euros là đủ để sửa chữa… cô có ý phản bác, vì không muốn làm sai luật, cô đề
nghị cà hai làm một cái constat amiable. Người chủ xe hư đồng ý, hắn nói để hắn
trở vào xe lấy giấy tờ làm biên bản. Cô nghĩ mình cũng trở lại xe, mở coffre lấy
giấy tờ sửa soạn làm… cô ngồi vào và tìm soạn vì thú thiệt là giấy tờ trong xe
cô để, bỏ hơi loạn xạ, mất trật tự, kiếm mãi mới ra được cái bằng lái.
Rồi cô chợt ngửng lên và thấy một chiếc xe, trước cái xe hư,
quẹo ra đường đi tới, cũng bất ngờ, cái xe cô vừa làm bể đèn sau cũng được tài
xế của nó quẹo ra ngoài lộ và chạy vù theo cái xe trước.
Cô bị bất ngờ khó hiểu, tại sao hắn không chịu chờ cô làm giấy
tờ và như sau đó, cô có thể trả ngay khổ chủ 100 euros cũng ok, tại sao hắn lái
xe cái vù đi như bị ma đuổi vậy là sao? Cô lại phải xuống xe xem hư thực ra
sao? Đằng sau cô là xe của một bà đầm, bà ta nãy giờ chứng kiến màn kịch câm giữa
cô Tâm và chủ xe citroën bị đụng. Bà không hiểu ngôn ngữ trao đổi vì ở hơi xa,
có nghe gì đâu, mà bà ta thiệt là thông minh, bà đã hiểu tất cả… bả tiến tới,
biểu:
Thôi, mày de xe ra đi, cho tao tiện ra luôn, nãy giơ tao chờ
lâu khá lâu rồi nhe!
Thế… thì giờ tôi phải làm sao?
Mày đi đi chớ còn đợi gì nữa!
Bà thấy đó, bà đã hiểu… và tôi không hiểu sao nó không đợi
tôi régler mọi thứ.
Nó vội lắm… vội lắm… bị nó là người rơm. Il est épouvantail dans un champs de melons!
Tâm hơi sững sờ,
à ra thế, bây giờ vẫn có người rơm sống trong xã hội ư? Tội nghiệp quá… cô ân hận
đã không trao 100 euros cho anh ta.
À ra thế, bây giờ
người rơm không phải là ông bù nhìn vô hồn nữa, mà là một con người thiệt người,
chỉ vì họ không có giấy tờ tùy thân để sống ở xứ sở hiện tại, họ phải len lỏi tới
nơi này làm việc lén, không khai báo, làm vụng trộm để kiếm ăn và nuôi gia đình
họ… họ cần sinh tồn nên phải trở thành người rơm… chung quy tất cả là do đói
nghèo. Ở những người rơm này, ở những người ăn xin, hay tàn tật… thật là buồn,
vì có lúc chúng ta thấy ở họ, có một sự chấp nhận, đến bình an, hay là họ đang
có tâm trạng của những người tự nhận mình đang trả nghiệp? «Hỡi trần gian hỗn
loạn và điên dại này, ta vẫn cứ phải sống và yêu thương mi!»
Mời bạn đi thêm
vào luận về người rơm. Bạn cố nhớ xem, trong một lần trong hội nghị nào đó, dường
như đức Dalai Lama có nói một câu rất khiêm tốn dựa theo luận giải trung quán,
là sự vật chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan với các sự vật khác.
Nếu chúng ta xác
định được là sự vật và sự việc nhiều khi ở sát khít bên nhau, thì mọi sự việc đều
có ý nghĩa trong mối tương quan với tất cả đa phần các sự việc khác.
Bằng chứng là có
kẻ trồng bắp gieo hạt, mới có bầy chim chóc tìm tới bươi móc, ăn khín và mới có
ông bù nhìn hay người rơm xua đuổi.
Dù đuổi mấy thì
chúng vẫn tới, vì cần ăn để sống, con vật cần sống, con người cũng cần sống, cần
sinh tồn. Ai may mắn thì thành công, người rơm có ngày tiến thành người thiệt.
Ai không may thì thất bại, thì rơm vẫn luôn luôn là rơm, là sống chui rủi ngoài
vòng pháp luật.
Chim thiên di
theo mùa bay đi tìm nắng ấm. Cá hồi bơi ngược dòng về đầu sông để sinh sôi nẩy
nở.
Theo quy luật tự
nhiên, người nghèo khó ở các xứ sở mạt vận, vô phương kiếm ăn, họ phải bỏ quê
hương bản quán tha phương cầu thực. Người di dân tìm tới vùng đất lành chim đậu
như Mỹ, một phần Tây Âu, Canada, Úc v.v… họ tránh xa các nước cộng sản như Bắc
Hàn, Nga… tình trạng kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, nạn nhân mãn, người
đông, của cải ít lần, thì tình trạng người rơm hiện nay là rất thịnh hành ở rất
nhiều nơi, nơi họ có thể tạm sống qua ngày.
Người rơm, họ, phải
sống chui lủi và phải làm những công việc vất vả mà nhiều người khác không muốn
làm. Ít nhiều gì họ cũng mong ước có ngày trở thành người thiệt, thoát kiếp
rơm. Con người ai cũng muốn sống đúng, sống lương thiện, có ai luôn luôn muốn
luồn cúi trốn chạy? Nghĩ cho cùng, tình cảnh người rơm thiệt đáng thương và đau
lòng trong đồng loại.
Tình trạng người
rơm ở Mỹ đang bị ICE dồn vây xua đuổi mạnh hơn bao giờ hết. Nhìn họ bị còng tay
như tội phạm xếp hang dồn lên máy bay… ta tự hỏi:
Người đang cư xử
với người? Vậy sao?
Hay người đang cư
xử với loài vật?
Hay loài vật đang
hành xử với đồng loại của chúng?
Tùy bạn tìm ra
câu trả lời. Nhưng đa phần ai cũng mũi lòng trước thảm cảnh bi đát này.
Thêm nữa, một em
học sinh trong trường lớp bị bạn bè dọa nạt là sẽ bị đuổi đi. Em bị áp lực mạnh
đến tự phải kết liễu cuộc sống! Là lỗi tại ai? Ai đang can tội sát sanh này? Lấy
đâu ra năm triệu hay năm tỷ đô la để mua cho mỗi người rơm một cái thẻ vàng cư
trú ở đất nước của Trump.
Rồi đây, người Việt
Nam trở về lại quê hương, cũng rất khó khăn tạo dựng lại một cuộc sống đã thay
đổi lâu ngày. Chắc là cũng sẽ có ít nhiều thảm cảnh xẩy ra.
Tất cả sự việc
vây quanh người rơm đang rối tung mà không biết tới bao giờ mới giải quyết
êm.
Thưa bạn, là thuở
xa xưa lắm, ở núi Tuyết Sơn, có một con chim Oanh Vũ, cha mẹ nó bị mù, con chim
thường đi tìm trái chín, lúa non về nuôi cha mẹ. Lúc bấy giờ có một vị điền chủ,
chuyên cấy loại lúa thơm và ông có phát nguyện rằng: “lúa của tôi đây, xin nguyện
cho chúng sanh đói, cần, cứ dùng".
Chim Oanh Vũ thấy
điền chủ phát nguyện như vậy, phát tâm bố thí, nên chim thường ngày đến lượm
lúa. Một hôm, người tá điền của chủ thấy cứ con chim đó ngày nào cũng tới, liền
đặt lưới bắt. Khi bị chủ ruộng hỏi: người lấy lúa hoài vậy sao? Chim đáp: ông bảo
có lòng bố thí, tôi có cha mẹ mù, nên phải lấy lúa về nuôi. Người chủ cảm động,
thả Oanh Vũ ra và nói: từ nay về sau ngươi tự do lấy về dùng.
Câu chuyện cho thấy,
người sơ đẳng thuở xa xưa, thiệt xưa còn biết thương đói khổ của
muôn loài, thiệt đáng nhớ thay!
Bạn ơi, chim Oanh Vũ là tiền thân của đức phật chủ điền là tiền thân của ngài Xá Lợi Phất.
Mong cầu mọi tai
nạn mau qua đi. Trả lại yên bình thường hằng cho nhân loại.
Paris, cuối mùa
đông 2025