Bên Thắng Cuộc phát hành cuối năm 2012, và
được bỉnh bút Nguyễn Hùng (BBC) liệt kê là
một trong “mười chuyện nổi bật” nhất trong năm. Cùng lúc, biên tập viên
Mặc Lâm (RFA) cũng nhận xét rằng “cuốn sách đang
gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước” và đã khiến cho “người
đọc ngỡ ngàng” vì “cái nhìn” của tác giả – một người sinh trưởng
“từ bên kia” chiến tuyến:
“Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.
Các tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm
Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước
sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn
tiết…
Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: ‘Nhưng đấy vẫn chưa
phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh
vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”
Mãi đến bốn mươi sáu năm sau, độc giả của nhật báo
Người Việt – số phát hành vào hôm 6/12/2021 – mới có dịp biết đến
tên tuổi của một số “quân nhân vô danh” này qua bài viết (“Những Anh Hùng Tuẫn Tiết Trong Ngày Tàn Cuộc Chiến Tại Việt
Nam”) của ký giả Vann Phan :
“Ngoài ‘Ngũ Hổ Tướng’ ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ
sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước
trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản…
Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong
Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách
cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng
Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.”
Nỗi “bi tráng vô cùng” này đã được nhà văn Cao Xuân Huy ghi nhận bằng đôi mắt ráo hoảnh,
cùng những câu chữ trần trụi và khô khốc:
Khí phách cùng tấm lòng sắt son của
những người lính trận – buồn thay – vẫn thường bị lãng quên, nhất là
khi họ thuộc bên thua cuộc:
“… những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH,
chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở
thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến. Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng
minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ
tưởng nhớ và kiếm tìm.” (Bùi Thư. “Hành Trình Tìm
Hài Cốt Lính VNCH: 39 Năm, Anh Em Nằm Dưới Nền Đất Lạnh.” BBC – 28.04.2020)
Ở vào hoàn cảnh của những kẻ thuộc phe bại trận
thì việc thu nhặt hài cốt hay tìm kiếm những nấm mồ vô thừa nhận
của bạn đồng đội – tất nhiên – chả dễ dàng chi, và cũng không
mấy khi có được kết quả như mong đợi. Tuy thế, thỉnh thoảng, vẫn có
những sự kiện ấm lòng :
- Ngày
19 tháng 4 năm 2022, FB Dominic Pham cho
biết thêm một tin vui: “Người dân Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long đã đào
được hài cốt người lính VNCH, với tấm thẻ bài: Nguyễn Văn Hài SQ
50/680.585LM A RH+. Hài cốt của anh đã được đưa vào Chùa. Xin vui lòng gọi
038 663 3049, 093 284 8449 để biết thêm chi tiết.”
- Hôm
15 tháng 03 năm 2022 , trên trang FB Tìm
Hài Cốt Chiến Sĩ VNCH cũng cho biết một tin mừng khác,
đã được thực hiện từ 10 năm trước. Xin lược thuật :
Ngày 19-08-2011, ba cựu quân nhân VNCH đã đến Thị Xã
Bà Rịa-Vũng Tàu vì nghe nơi đây có bốn ngôi mộ không bia của đồng đội,
nằm trong vườn nhà ông Hai Lì – một cán bộ địa phương… Ông Hai Lì kể:
“Tôi là dân Gia Đình Cách Mạng, mấy Ông Rằn Ri này
gan lì lắm, mấy Ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hành của Tổng Thống Dương Văn
Minh 30-04-1975, mấy Ổng chiến đấu cho đến trưa 01-05-1975 rồi cùng nhau tự sát
và chính tôi là người chôn cất mấy Ổng, giấy tờ từng Ông tôi bỏ vào một cái hộp
chôn theo các Ông.”
Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người
cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần
những hình hài của Các Anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng…không
Quan Tài, mà cũng chẳng có PONCHO bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian,
ngoài những mảnh xương tàn,quần áo đã mục nát …
Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn
theo Các Anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn sót lại, rồi cho vào từng
hũ sành, ghi tên Các Anh, gởi vào Chùa và cầu xin cho Các Anh được siêu thoát
khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất
là thân nhân Các Anh sớm tìm gặp lại Các Anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…
Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm
thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi Các Anh …và đây là những vị Anh Hùng của chúng ta:
- Ngôi
mộ thứ nhất: Có Thẻ Bài tên TRƯƠNG VI CỬ SQ: 75/115.815.
- Ngôi
Mộ thứ hai: có Thẻ Bài tên VÕ QUANG HẰNG SQ: 68/123.320.
- Ngôi
Mộ thứ ba: (gồm có 02 người) trong đó Một Vô Danh không Thẻ Bài. Người có
Thẻ Bài tên: TRẦN VĂN HÀ SQ: 67/824.827.
Sau khi Bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 04 hũ cốt gởi Chùa
Báo Ân. Địa chỉ: Khu Công Nhân, Thị Trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng
Tàu. Còn các Di Vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MĐ Đẹp giữ. Nếu
tình cờ Quý Vị nào hoặc ai đọc được tin tức này hoặc cần biết thêm chi tiết cụ
thể, xin vui lòng liên lạc theo số Phone, dưới đây: Nguyễn Văn Thành ĐT:
01645462458 hay
Lê Văn Đẹp ĐT: 01684118839.
Dù không phải là kẻ vô thần, tôi là một người vô
đạo (hay khô đạo) bất kể đạo gì! Tuy thế, những dòng thông tin muộn
màng (ghi trên) về bạn đồng đội vẫn khiến cho tôi cảm thấy có đôi
chút an tâm và vô cùng an ủi.
Xin cảm ơn Trời, Đất, Chúa, Phật, Thánh Thần… Xin
cảm ơn tất cả mọi người đã không ngại công khó, đã lập đài tưởng
niệm, đã cải táng, đã lập mộ (cùng khói nhang ấm áp) cho những kẻ
thuộc bên thất trận – dù chúng tôi đã không chu toàn được trách nhiệm
bảo quốc an dân.
Tưởng Năng Tiến