1.
Trong giấc mơ màu buồn, chiếc lá mới chớm vàng ngoài sân vừa
rụng xuống giữa cơn say. Em mang tình yêu của tôi đi qua những góc đường mưa
bão. Tia nhìn lặng câm không thể làm hồi sinh một màu lá. Tôi đứng chôn chân
nghe chiều khóc không thành lời.
Tôi chỉ là một người đàn ông vừa đi qua tuổi 70. Vừa ôm công việc trong nhà và bên ngoài, vừa tập tành viết lách. Bỗng tiếng chân ai qua thềm nghe khẽ khàng như tiếng côn trùng cựa mình luyến tiếc ngày bình an. Đến nỗi mùa thu cũng giật mình. Tôi vừa biết làm một nhà văn không dễ dàng chút nào. Vì trái tim trót nghe quen những lời nũng nịu.
Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông hồn nhiên
như chim trong vườn. Vừa nhỏ bé mảnh mai nhưng sao vội vàng như một tia nắng. Bỏ
lại sau lưng quá khứ chật chội gió mùa và tiếng bánh xe mơn trớn mặt đường.
Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông lóng lánh
mắt cười nhưng sao hồn mình nghe dao cứa? Vì những cánh buồm ra khơi nhưng vẫn
làm nặng lòng bao bến đợi. Mùa thu này tôi vừa viết xuống những lời thơ bao
dung với người nhưng với mình thì đau điếng.
Ai đó, đã muốn tôi viết về những kỷ niệm của 32 năm cầm bút
nơi xứ người. Coi như những hồi tưởng trùng điệp mà bất cứ người viết văn nào
cũng đều cảm thấy hứng thú. Nhưng với tôi, không phải vậy. Tôi vừa chợt nhận ra
tôi đã chọn lầm cái nghiệp. Tôi đã gõ lầm cánh cửa mở ra một khu vườn phủ che
những điều dụ hoặc. Khi biết cây nhánh không còn xanh, cũng là lúc trái tim
không còn vang lên những lời kiêu hãnh.
Ngay chỗ tôi ngồi chiều nay, có vệt son nào vừa sót đọng
trên miệng tách cà phê. Màu trắng của sành sứ và màu đỏ của son môi chập chờn
như một chiếc lá thu bị thương tích. Lát nữa đây, tôi sẽ trở về căn phòng nhỏ của
riêng tôi. Trên khung tường, chân dung ai nhìn xuống, có nụ cười rạng rỡ mầu
nhiệm vừa cứu vớt đời tôi mà cũng vừa làm tôi sa bại. Thành phố của em. Ngôi
nhà của em. Nhưng trái tim em đã muốn dành cho người khác?
2.
Những nhà văn giống như những đạo diễn trên sân khấu đời. Họ
hiểu từng hạnh phúc, từng khổ đau. Họ hiểu từng chặng đường nhấp nhô gai nhọn
và hiểu luôn những bình nguyên. Họ để nhân vật thổn thức bất an trên những bối
cảnh êm đềm hay để đôi tình nhân suông sẻ nắm tay qua những nghịch cảnh. Họ có
quyền phóng tay viết nên những điều hư cấu phủ lên một cuộc đời thật. Có người
còn ví von nhà văn là Thượng Đế!!!
Tôi không từng nắm bắt được kinh nghiệm đó. Tôi hiểu, nhà
văn, là viết xuống giùm khổ đau và hạnh phúc của người khác, cho người khác.
Còn riêng khổ đau của chính mình thì sao?
32 năm sinh hoạt trong Văn Bút, tôi chưa từng biết hết những
khúc nôi, những ngọn nguồn, như một nhánh rong bất ngờ rơi trên một suối đời
nhân quả.
Những luồng xe vụt qua những ngã tư đèn, bên dòng người xuôi
ngược.
32 năm theo đòi nghiệp viết, tôi vượt qua những hiu hắt đèn
vàng, nhưng lại va đụng những rào cản phiền muộn. Có những điều phân vân sao cứ
ủ chặt trong lòng như màu mực đọng hoài trên trang giấy ngày thơ dại?
Năm 1992, bài viết đầu tiên tôi viết xuống trong căn phòng
chung cư mang tên một Thánh Nữ—Santa Maria—Mùa xuân sắp từ giã chúng tôi để nhường
chỗ cho một mùa hè oi bức. Những cơn gió từ hoang mạc thổi về, vuốt ve trên mặt
vách đá hai bên đường North Capital of Texas và ngọn đồi mang dấu chân của người
da đỏ. Trước đó là thời gian của Tháng Ba còn những đóa hoa màu tím than mọc
dài trên xa lộ. Màu hoa gợi hứng cho một chuyện tình đồng thời khởi đầu cho một
định mệnh. Truyện ngắn “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người” tôi hoàn thành trong một
tuần lễ trong đó có hai ngày cuối tuần viết ngoài quán cà phê Dunkin Donuts.
Tôi hoàn chỉnh và đánh máy lại bằng chiếc máy đánh chữ mượn từ một người bạn tốt
bụng. Đêm mênh mông những cánh gió bên kia cầu 183, những dòng chữ cũng mênh
mông trì kéo một hạnh phúc. Tôi không biết tôi có thể viết được nhiều hay ít
sau này, nhưng tôi biết tôi không thể không viết vì đời sống này cho tôi nhiều
thứ hơn tôi tưởng. Tôi viết, vừa để tiếp nối những mạch viết bị tắt nghẽn sau
ngày 30 Tháng Tư, 1975. Và cũng vì một lý do khác.
Trong một vài số báo mà tôi tìm mua tại chợ Liên Hương, nơi
tôi ở—tôi đọc thấy một Thông báo của Văn Bút Vùng Nam Hoa Kỳ—Nội dung kêu gọi mọi
người viết bài dự thi nhân dịp kỷ niệm ngày mất nước. Thời hạn nhận bài (tôi
không nhớ rõ) nhưng hạn cuối là ngày 30 Tháng Tư năm 1992. Lúc tôi đọc thông
báo và viết bài gởi đi thì thời gian chỉ còn hai tuần. Tôi gởi truyện ngắn “Hoa
Bluebonnets Cho Hai Người” về cho Ban Tổ Chức. Sau một tuần, tôi gọi phone cho
nhà văn Nguyễn Văn Sâm—vừa là Chủ Tịch Văn Bút, vừa là một thành viên trong Ban
Tuyển Chọn—để hỏi xem bài đã đến chưa. Ông nói chưa nhận được bài và nghĩ chắc
bưu điện làm thất lạc, khuyên tôi nên gởi “over night”, vì thời gian nhận bài
chỉ còn vài ngày. Tôi vừa nguyền rủa Bưu điện, vừa bóp bụng tìm ra chỗ gởi thư.
Cước phí khoảng gần 15 dollars trong thời điểm đó, cho một cái thơ đi suốt
đêm—một số tiền không nhỏ đối với một người mới vừa định cư như tôi.
Đêm sau, tôi gọi cho nhà văn Nguyễn Văn Sâm và được ông trả
lời là bài của tôi đang nằm trên bàn viết.
3.
Cái định mệnh mà tôi nói ở trên, là Giải Nhứt Truyện Ngắn
Văn Bút Nam Hoa Kỳ năm 1992.
Ngày về nhận giải ở thành phố Houston, tôi được một người bạn
trẻ là Michael Nguyen chở đi. Anh làm chung hãng, vừa là Supervisor, vừa là một
người Thầy dạy tôi công việc.
Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm, ông đang ngồi
giữa hàng ghế chủ tọa. Có nhà văn Xuân Vũ của “Đường Đi Không Đến…” Có nhà
văn—nhà báo Nguyễn Đình Phùng, vừa viết văn vừa điều hành tờ bán nguyệt san Tự
Do… Và một vài người khác…
Giải thưởng 500 dollars như thông báo, không ngờ sụt xuống
còn 300. Tôi không kịp hỏi lý do, chỉ đoán hình như có vài điều không vui nằm
phía sau giải thưởng.
(Sau này, gặp lại nhà văn Nguyễn Văn Sâm tại Round Rock,
Austin, ông có nhắc tôi về chuyện ngày đó và nghe ông nói thêm về một biến cố
trước thời gian phát giải, nhà văn Lê Thao Chuyên, một cây viết nữ trong vùng,
cũng có gởi bài dự thi, cũng được giải thưởng, mới vừa gặp tai nạn, và qua đời
ngay lúc đó. Lê Thao Chuyên cũng là chị ruột của nữ danh ca Ngọc Lan.)
Tôi nhìn quanh căn phòng dùng làm nơi phát giải. Chỉ khoảng
gần 30 người, tính cả Ban Tổ Chức, cùng các tác giả gởi bài và quan khách tham
dự. Cạnh đó có thêm những người trong ban văn nghệ “cây nhà lá vườn…”
Tôi trở về Austin ngay buổi chiều hôm đó vì hôm sau chúng
tôi còn phải đi làm. Ánh sáng nhá nhem và không bao lâu đêm sẽ mịt mùng trên đoạn
đường mang dáng thu. Người bạn vừa lái xe vừa nói chuyện bên cạnh, nhưng hình
như anh không giấu được sự muộn phiền. Còn tôi, số tiền 300 dollars còn mới
nguyên trong phong bì, dù sao cũng làm tôi ấm lòng đôi chút. Vì tôi biết nhờ vậy
mà tôi có thể thu về những giá trị tinh thần khác—Cái giá trị mà vật chất không
thể san sẻ.
Con đường có lúc chìm trong khu rừng sồi đang oằn oại cành
nhánh cùng ánh trăng xanh trên đầu—cái màu trăng chạy đuổi theo xe đẹp và buồn
như một khúc tình đau rát mặt. Mọi thứ dường như có khả năng kéo tôi bay lên những
nghịch cảnh cùng vinh quang của đời. Trong đó thấp thoáng những thủy chung và bạc
tình. Những tháng năm trùng điệp những cơn mưa. Những đời sông chảy xuôi về biển
cả.
4.
Tôi thành danh và đứng vững trên đôi chân của mình, từ mùa
thu 1992.
Có cần để viết xuống hay không, khi ý nghĩa của hai chữ đó ẩn
giấu đằng sau là một lời nguyền lạc vận?
Những dòng mực có miệt mài cùng tháng năm, như cơn mưa thấm
sâu vào lòng đất? Những mầm hạt trong vườn tưởng trở thành bông hoa nhưng cuối
cùng tản lạc trong mùa màng. Những trang văn hổn hển ước vọng không qua hết cuộc
buồn vui. Những tình yêu óng chuốt một thời. Nơi có môi hôn cùng nước mắt rưng
rưng giữa màu đêm phơi phới. Nơi những người đàn bà khụy chân níu kéo một tương
phùng. Tất cả lần lượt trở về, sau những bước chân kiếm tìm tuyệt vọng.
Có nghĩa gì đâu những giây phút phù hư nhưng là cuộc say
sóng kéo dài ba mươi mấy năm? Tôi đang ngồi đếm “Thành Bại—Mất Còn…”
Trong suốt thời gian sinh hoạt cùng Văn Bút, biết bao nhiêu
bằng hữu đi qua đời nhau, hay cùng ngồi xuống viết lách. Biết bao nhiêu vì sao
băng qua một thiên hà khô lạnh. Từ cột mốc buổi chiều mùa thu cách đây 32 năm,
tôi bước qua một chặng dài mưa nguồn chớp biển. Những dấu chân ướt mèm như giẫm
đạp lên một cơn say tiền kiếp.
Nói sao cho đủ khi đêm dường như không kịp trở mình thành
sáng mai? Cùng những mơ ước như lá khô bị dán chặt xuống giường chiếu… Những
người bạn, những nụ cười thân quen đuổi theo nhau về đâu? Những nhân vật mang
tình yêu trên vai và trái tim tràn đầy nhân ái?
Có những người bạn văn rất thân—cả nam lẫn nữ—đã quay lưng lại
với tôi không một lời thuyết minh. Có những điều nghịch lý đến nỗi trở thành
không tưởng nhưng được họ dựng lên làm bảng chỉ đường cho đám đông xông lên và
hành quyết. Họ quên rằng mới ngày hôm qua, hay mới đây thôi, họ đã nhấp môi uống
cùng tôi những chén đắng chờ qua hết một đêm dài nhiễu nhương?
Có những người bạn say đắm văn tôi và uống từng lời văn tôi
như cửa sổ phòng đêm mở ra uống no từng ngụm gió đêm khoáng đạt. Nhưng bây giờ,
họ xa lạ cùng tôi trong một thành phố tưởng chừng xa lạ không kém. Lý do rất mơ
hồ…
Những đôi chân đang mỏi vì đường dài, trong đó không phải chỉ
mình tôi. Những ký ức không tên nay trở thành lời trăn trối. Rằng không có hạnh
phúc hay khổ đau trong một khu vườn mà hoa hồng ít hơn gai nhọn.
Mùa thu sinh ra và sẽ chết đi. Dòng sông không bao giờ chảy
ngược.
Đừng chờ đợi tôi viết về Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nơi tôi trưởng
thành và già nua vì ảo tưởng một bến bờ hạnh phúc. Nơi tôi khát cháy một tình
yêu đích thực giữa đám đông và mình. Chưa vội nói đến giữa những người cầm viết.
5.
Có những điều dù rất quen nhưng cuối cùng lại lạ lùng làm
sao. Có những lúc tôi tưởng chừng chạm tay vào một cánh cửa đã khép.
Tôi yêu những đêm mưa về sáng gồng mình đi qua những hành
lang loang loáng ánh đèn để đến nhà nàng. Những cơn mưa quen thuộc và dấu ái
như vậy sao hôm nay dội vào lòng tôi nhiều nhức nhối. Như tiếng lòng lặng thinh
gõ nhịp lên quá khứ muộn phiền.
Tôi gối đầu lên những đợi chờ. Và mơ ước giản đơn một màu
lá. Có những giọt mưa làm mát những thăng trầm đồng thời có những giọt mưa làm
rệu rã đất đai.
32 mùa thu đi qua tôi đứng trong mảnh vườn chữ nghĩa, nhưng
đôi lần, chân dợm bước ra ngoài.