(Viết nhân 50 năm chiến tranh kết thúc, và 46 năm Hội văn
bút Việt hải ngoại)
Nếu buộc phải chọn ra một khuôn mặt đại diện cho Văn học Việt Nam hải ngoại, có lẽ người tôi nghĩ đến trước nhất là nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Sự tiêu biểu này, không hẳn vì tài năng, bút lực, mà bởi cùng với Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Vinh, Hoàng Anh Tuấn…bà đã đặt viên gạch đầu cho nền móng Văn học Việt nơi hải ngoại, ngay từ thập niên 50 ở thế kỷ trước. Và đặc biệt hơn nữa, ngay sau biến cố 1975, trải qua bao gian khó, Minh Đức Hoài Trinh đã sáng lập (phục hồi) Văn bút Việt Nam hải ngoại, thuộc Tổ chức Văn bút Quốc tế. Ở đó, ta có thể thấy có sự tiếp nối tư tưởng tự do sáng tạo, chống lại cường quyền, và áp bức của các văn nghệ sĩ.
Tài năng thơ văn của Minh Đức Hoài Trinh bộc lộ rất sớm. Bà
viết nhiều và đủ mọi thể loại, từ thi ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận
cho đến kịch bản sân khấu, phim truyện, cũng như báo chí. Ở mảng nào bà cũng
mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, người xem. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài
viết này, tôi chỉ đi sâu vào chân dung Minh Đức Hoài Trinh từ góc nhìn thi ca.
Bởi, dường như thi ca cũng đã hội đủ tính đặc trưng, với nét tài hoa độc đáo
Minh Đức Hoài Trinh. Và nó là thể loại quan trọng nhất để làm nên chân dung
Minh Đức Hoài Trinh. Ở đó, ngoài đớn đau, với hình ảnh bi ai tình ái, ta còn cảm
được hồn thơ về mẹ, cùng tiếng khóc cho quê hương của Minh Đức Hoài Trinh. Bất
hạnh, và đau đớn là vậy: “Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ”, nhưng
khát vọng yêu, nghị lực sống Minh Đức Hoài Trinh đã vượt qua những mùa lá đổ ấy.
Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh tên họ đầy đủ là Võ Thị Hoài
Trinh, sinh năm 1930 tại Huế, trong một gia đình có cha là Tổng đốc Quảng Nam,
ông nội là Thượng thư bộ lễ dưới Triều đình nhà Nguyễn. Do vậy, bà được học
hành, đào tạo đến nơi đến chốn, từ trong cho đến ngoài nước (Paris). Minh Đức
Hoài Trinh đi nhiều, khắp các châu lục, tham gia nhiều hoạt động xã hội, báo
chí. Do vậy, bà có vốn sống thật phong phú. Bà mất tại Cali vào năm 2017 để lại
bao tiếc nuối cho những người quan tâm và yêu mến văn học.
Tình yêu đổ vỡ, với sự ám ảnh đến khôn cùng.
Đã đọc khá nhiều thơ tình yêu đôi lứa, kể từ khi thơ mới,
song đến nay dường như, chỉ có Đinh Hùng và Minh Đức Hoài Trinh cho tôi chung một
cảm giác hoang lạnh. Ở đó quan niệm, cũng như biểu hiện của cái đẹp trong thi
ca của nhà thơ hoàn toàn thay đổi. Lấy cái chết, tha ma bia mộ làm đối tượng thẩm
mĩ, giãi bày cảm xúc. Thật vậy, nếu Đinh Hùng đã đi vào hầm mộ sâu: “Nằm
bên đất lạnh chắc em sầu?/ Thu ơi đánh thức hồn ma dậy/ Ta muốn vào thăm nắm mộ
sâu” thì Minh Đức Hoài Trinh mong được tìm đến nơi của sự chết. Sự so
sánh (ngầm) ấy, cho người đọc thấy nỗi đau và giá trị tận cùng của tình yêu. Và
có lẽ, lối nói với hình ảnh ẩn dụ độc đáo này, chỉ có duy nhất Minh Đức Hoài
Trinh dám liên tưởng, đủ can đảm viết ra mà thôi: “Chết đi anh cho em
được ngồi bên mộ/ Cho nước mắt hồng chảy thấm xuống thịt xương/ Xin hãy chết đi
trong một chiều bão tố/ Cho suốt đời vũ trụ khoác thê lương”. Trong một xã
hội đảo điên ấy, với Minh Đức Hoài Trinh tình yêu là tuyệt lộ: “Anh còn
sống là mình còn xa cách”. Cho nên, tâm hồn u uẩn, lời thơ Minh Đức Hoài
Trinh sắc lạnh, dữ dội, song đắm đuối đến khôn cùng, làm cho người đọc luôn phải
chờn chờn, rợn rợn:
“Nếu anh chết em sẽ ở gần anh mãi
Mỗi chiều về sẽ đốt nén hương xanh
Nghĩa trang tím bước hoàng hôn chậm rãi
Em gục đầu và sẽ gọi tên anh.” (Tình chúng
mình sẽ được vẽ lên tranh)Dứt khoát, và mạnh mẽ là vậy, nhưng dường như trong
tâm hồn Minh Đức Hoài Trinh có sự mẫu thuẫn. Bởi, nếu ở “Tình chúng
mình sẽ được vẽ lên tranh” với tâm trạng cầu mong về sự chết, thì đến “Đừng
bỏ em một mình” lời thơ Minh Đức Hoài Trinh như lời thỉnh cầu đừng rời
xa, trong sự cô đơn sợ hãi. Có lẽ, chính sự ám ảnh, mâu thuẫn nội tâm đó đã cho
Minh Đức Hoài Trinh viết nên “Đừng bỏ em một mình”. Một bài
thơ ngũ ngôn đánh đúng vào tâm trạng của nhạc sĩ Phạm Duy. Sự rung động ấy,
giúp Phạm Duy phổ thành bản nhạc cùng tên, sắc lạnh, nghe sởn cả tóc gáy.
Có thể nói, “Đừng bỏ em một mình” có lời
thơ rờn rợn, và u hoài nhất mà tôi đã được đọc. Và lời khẩn cầu ấy, làm cho tôi
thật khó phân định: đến với người tình, hay tiếng vọng lên bất lực nhỏ bé của
con người trước quy luật thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn kia: “Đừng bỏ em
một mình/ Biển đêm vời vợi quá/ Bước chân đời nghiêng ngả/ Vũ trụ vàng thênh
thênh”. Để rồi tiếng búa đóng vào đinh khép lại hành trình của kiếp người,
hay chính lời độc thoại của nhà thơ cho mấy ngàn năm sau nữa: “Đừng
bỏ em một mình/ Bắt em nghe tiếng búa/ Tiếng búa nện vào đinh/ Hoà trong tiếng
u minh/ Đừng bỏ em một mình/ Mấy ngàn năm sau nữa/ Ai mái tóc còn xinh”. Đọc
những câu thơ này của Minh Đức Hoài Trinh làm tôi nhớ đến “Dấu hỏi vây
quanh trọn kiếp người” của Vũ Hoàng Chương, với những câu hỏi, trả lời
luẩn quẩn, không bao giờ trọn vẹn cho một kiếp người: “Chiều nay một dấu
than buông dứt/ Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.”. Bởi vậy, dường như Minh
Đức Hoài Trinh đến gần với nơi cửa Phật, tìm lời giải đáp và giải thoát linh hồn
chăng? Lạnh lẽo, tối tăm là vậy, song ta thấy, lời thơ ấy vẫn toát lên hình ảnh
nhẹ nhàng, thanh thản đến vô cùng:
“Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh”Tình yêu trắc trở là nỗi đắng
cay, day dứt đi qua những năm tháng đầu đời Minh Đức Hoài Trinh. Nó như một vết
thương không bao giờ thành sẹo trong lòng thi sĩ. Bởi vậy, sự chuyển biến nội
tâm: từ nguyện cầu, cho đến lời khẩn cầu, song tâm hồn Minh Đức Hoài Trinh vẫn: “Rượu
yêu nồng cay đắng/ Sao cạn mình em thôi”. Sự bất hạnh, và cô đơn ấy đủ
cho thi sĩ cô lại thành: “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”. Một bài thơ,
hay một câu hỏi tu từ, không lời đáp trong nỗi buồn tuyệt vọng. Tôi chưa thể đọc
hết thơ Minh Đức Hoài Trinh, nhưng có thể nói, bài thơ tình ngũ ngôn nào của bà
cũng hay, giàu nhạc tính. Vì vậy, ngay sau khi đọc, Phạm Duy đã tóm gọn được hồn
vía“Kiếp Nào Có Yêu Nhau” rồi chuyển thành bản nhạc cùng tên, nghe
thật tha thiết, và xót xa.
“Kiếp Nào Có Yêu Nhau” được viết cách nay có lẽ
đã trên (dưới) bảy chục năm, song đọc ta vẫn thấy từ ngữ, hình ảnh lời thơ mới
lạ. Và trích đoạn lời thơ tự sự, với những hình ảnh (ẩn dụ) đẹp, buồn xót xa dưới
đây, cho ta thấy rõ, tài năng thơ ngũ ngôn của Minh Đức Hoài Trinh:
“Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ”
Có thể nói, không có sự đổ vỡ tình yêu, với sự ám ảnh đến
khôn cùng đó, chắc chắn Minh Đức Hoài Trinh không thể viết được những bài thơ
tình hay đến vậy. Nó là mảng sáng tạo quan trọng nhất làm nên sự nghiệp Minh Đức
Hoài Trinh. Tuy sinh trưởng trong một gia đình gia giáo quan lại, song hồn thơ
Minh Đức Hoài Trinh luôn quẫy đạp vượt ra khỏi ràng buộc lễ giáo ấy. Và chỉ có
Minh Đức Hoài Trinh mới cho ta cảm nhận hết được những khoảnh khắc vĩnh cửu của
tình yêu.
Hồn thơ về mẹ.
Sống và làm việc ở châu Âu đã rất lâu rồi, nên tôi hiểu, đồng
cảm với diễn biến tình cảm của một người (gần) cả cuộc đời xa tổ quốc như Minh
Đức Hoài Trinh dành cho mẹ. Có thể nói, viết về mẹ mỗi văn nhân, thi sĩ đều có
những phương thức biểu cảm khác nhau. Với Minh Đức Hoài Trinh, những năm tháng
dài như vậy, bà thường mượn cảnh vật thiên nhiên để bộc lộ nỗi cô đơn và nhớ
thương ấy. Và Hỏi Mẹ là một bài thơ thất ngôn điển hình cho hình thức nghệ thuật
này của Minh Đức Hoài Trinh: “Mẹ ở phương nào chiều hôm qua/ Trăng
thương nhoà nhạt dải Ngân Hà/ Mùa thu lá đỏ như mầu lửa/ Ai có nghe tình ai thiết
tha “. Ngày mẹ mất, có tiếng khóc trong thơ Minh Đức Hoài Trinh, hay gió bấc
rít từng cơn trong lòng người thi sĩ? Khóc Mẹ, bài thơ tự sự được Minh Đức Hoài
Trinh viết trong hoàn cảnh, tâm trạng như vậy. Vẫn biện pháp so sánh ẩn dụ, mượn
thiên nhiên (gió bấc), nhà thơ nói về nỗi đau (mất mẹ) này. Lời thơ tuy giản dị,
song hình ảnh lạnh lẽo, cô đơn hiện lên một cách chân thực, làm ai cũng phải thấy
xót xa:
“Dưới mộ sâu lạnh lắm
Một mình mẹ cô đơn
Ngày me chết con xa me muôn dặm
Ngày đưa me gió bấc rít từng cơn” (Khóc Mẹ)
Đã đọc rất nhiều, nhưng tôi thấy, không ai đưa vào trong thơ
nhiều hình ảnh, từ ngữ được cho là tối kỵ đối với thơ ca như Minh Đức Hoài
Trinh: tha ma, nghĩa địa với những quan tài búa nện đinh… Bởi vậy, thơ của bà
luôn gieo vào hồn người đọc sự ảm ảnh, song cũng đưa đến nhiều điều thú vị. Và
có lẽ về nỗi đau, rất ít người viết mộc mạc mà sâu sắc được như Minh Đức
Hoài Trinh. Thật vậy, bởi những chiếc đinh kia đóng sâu vào quan tài của mẹ,
hay ghim sâu vào chính tâm hồn Minh Đức Hoài Trinh, với nỗi đau tận cùng:
“Hồn thân yêu ơi,
Trong quan tài chật chội
Có đau chăng khi búa nện đinh vang
Có nghe chăng đây lời kinh sám hối
Giọng ai buồn cắt đoạn nẻo trần gian”. (Khóc mẹ)
Có thể nói, Khóc Mẹ là bài thơ không chỉ viết về mẹ xúc động
nhất của Minh Đức Hoài Trinh, mà còn là một trong những tác phẩm hay nhất của nền
Văn học Việt Nam. Với những từ ngữ tưởng chừng rất cũ, nhưng bằng tài năng, trí
tưởng tượng của mình, Minh Đức Hoài Trinh vẽ nên bức tranh có hình ảnh rất mới,
mang một ý nghĩa hoàn toàn khác lạ, sâu sắc hơn: “Bình xác khô cằn cỗi/
Cắm bông linh hồn tươi”. Bới vậy, tôi nghĩ, tiếng khóc Minh Đức Hoài Trinh
không hẳn riêng về mẹ, mà còn mang mang nỗi đau trần thế, dưới cái nhìn chân thực
của nhà thơ:
“Thượng Đế ơi, đường xuống mồ u tối
Xác còn đây, hồn đã tận muôn nơi
Bẽ bàng chưa, kẻ sống
Ngơ ngác bốn phương trời
Là cõi thực hay là cơn ác mộng
Vành khăn tang ướt đẫm lệ còn rơi”. (Khóc mẹ)
Không chỉ có tiếng kêu Thượng Đế, mà hồn thơ Minh Đức Hoài
Trinh dường như đang đến gần với giáo lý Nhà Phật. Triết lý sống ấy cho Minh Đức
Hoài Trinh viết nên: “Mẹ Bảo Ta Đừng Nhìn Qua Cửa Sổ”. Một bài thơ, với tôi hay
nhất trong sự nghiệp sáng tạo (thi ca) của bà. Ở đó, Minh Đức Hoài Trinh mượn lời
của mẹ như thể răn mình và răn đời. Mỗi khổ thơ mang trạng thái tâm lý khác
nhau, có thể đứng độc lập, như một bài bát ngôn tứ tuyệt. Đoạn trích dưới đây vẫn
từ ngữ gần gũi, giản dị, song mang đến cho người đọc những hình ảnh sống động,
mới lạ và rất sâu sắc. Âu cũng là tài năng so sánh, liên tưởng của nhà thơ vậy:
“Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ
Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ
Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ
Hãy xuống hàng, chấm dứt một bài thơ”.
Gần như cả cuộc đời sống xa tổ quốc, do vậy nỗi nhớ thương mẹ,
và quê hương luôn thường trực trong lòng Minh Đức Hoài Trinh. Nỗi niềm ấy, buộc
bà phải gửi vào những trang thơ, nhằm xoa dịu nỗi đau. Nhìn lại văn học sử, dường
như ít có nhà thơ viết nhiều về mẹ như bà. Từ tình yêu đó, cho Minh Đức Hoài
Trinh đủ can đảm đi sâu vào thực trạng xã hội, và cảm thông trước nỗi đau của đất
nước, con người.
Tiếng khóc cho quê hương.
Ngay từ thuở niên thiếu Minh Đức Hoài Trinh đã có ý thức xã
hội. Bà theo kháng chiến, rồi trở về thành, và đi du học. Sự thất vọng ấy càng
làm cho giọng thơ bà trầm buồn, tha thiết: “Ai trở về xứ Việt/ Thăm
giùm ta người ấy ở trong tù/ Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc/ Thay giùm ai mầu
trời ngục âm u”. Vâng, đó là bài thơ Ai Trở Về Xứ Việt, được Minh
Đức Hoài Trinh viết năm 1962, tại Paris. Bà đã chia sẻ nỗi đau, gửi lời cảm
thông đến bạn bè ở nơi quê nhà, trong bầu không khí sục sôi của phong trào Phật
giáo. Bài thơ được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc và được lưu hành rộng rãi. Lời
thơ đánh đúng vào hoàn cảnh, tâm lý các bác tị nạn, thuyền nhân hay cán binh tù
cải tạo, làm cho nhiều người tưởng bài thơ được viết sau 1975. Bởi vậy, ở trong
nước các bác cũng bị chạm nọc, đưa: Ai Trở Về Xứ Việt vào danh sách đen (cấm). Có
thể nói, đây là một trong những bài thơ viết về thế sự xã hội hay và cảm động
nhất mà tôi đã được đọc từ trước đến nay:
“Ai trở về xứ Việt
Nhắn giùm ta người ấy ở trong tù
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên siết
Dài lắm không?… Đằng đẵng mấy mùa thu…
Người bạn tù ơi, ta không quên đâu
Nhớ hôm xưa nhìn đôi tay cùm xích
Hàng song thưa chia cách vạn tình ngâu
Ai tra tấn
nghe lòng ai kim chích…”
Cùng thế hệ, có lẽ
không có nữ nhà văn nào quan tâm, và viết nhiều về thế sự xã hội như Minh Đức
Hoài Trinh. Bất kể sự kiện nào, và ở đâu, dù là Cộng Hòa, hay Cộng Sản, bà cũng
đưa vào trang viết, với ngòi bút công tâm, luôn đứng về lẽ phải, và những người
bần cùng.
Xuất thân từ nhà
báo, phóng viên chiến trường từ châu Phi, Trung Đông cho đến ᴄhiến trường Việt Nam, nên hơn ai hết Minh
Đức Hoài Trinh chứng kiến cái bi thương, và con đường dẫn đến cái chết của chiến
tranh: “Quê hương mình/ Đường Bắc Nam thăm thẳm/ Từng đoàn quân chen
chúc tới tha ma.” (Lời ca của đất). Hiện thực ấy, đã cho Minh Đức Hoài
Trinh vẽ nên bức tranh sặc mùi tử khí. Với sự tưởng tượng, và tài năng liên tưởng
của mình, Minh Đức Hoài Trinh đã làm cho người đọc phải rùng mình, sởn gáy:
“Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của
màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn
thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê
bết
Lấy đất bùn
thay nệm ấm chăn êm” (Lời
ca của đất).
Phóng viên chiến trường Minh Đức Hoài Trinh. Nguồn
ảnh: Trung tâm Minh Đức Hoài Trinh
Hận thù, chết
chóc là vậy, song ở đó vẫn thấy hiện lên khát vọng sống, khát vọng yêu của con
người. Khát vọng ấy, dưới ngòi bút nhân bản của người thi sĩ, nhà báo chiến trường Minh
Đức Hoài Trinh, dường như làm dịu đi một chút nóng bỏng nơi chiến trường chăng?
Thật vậy, con đường hận thù, tối tăm ấy, đã được nhà thơ mở ra bằng cánh cửa của
tình yêu thương:
“Đêm mờ hơi
sương
Đi đâu anh, đi
đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm
nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm
khói lửa
Mải hận thù
quên nói chuyện yêu đương”.
Tôi không rõ, Quê
Nhà được sáng tác vào thời gian nào, song có thể nói, đây là bài thơ có hình ảnh
và lời thơ rất đẹp của Minh Đức Hoài Trinh. Ở đó, có những hoài niệm về tuổi
thơ nhẹ nhàng, và thân mật: “Trở về thành phố của màu rêu tuổi nhỏ/ vẫn
còn nghe trong gió/ bầy chim sẻ trên nóc chuông nhà thờ/ gọi tên rất khẽ/ hoài
trinh”. Tình yêu đầu đời chợt trở về, khi chân bước trên con đường cũ, làm
nhà thơ buồn tênh, trống vắng, bởi phố thênh thang mà thiếu một môi cười: “kỷ
niệm xưa thức dậy dưới bàn chân/ khiến em như trượt ngã/ tình thơ dại ùa vào
trong mắt/ buồn tênh”. Và thời gian làm cho Minh Đức Hoài Trinh tĩnh tâm, hồn
thơ sâu lắng hơn. Thật vậy, nếu đặt Quê Nhà cạnh những Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Đừng
Bỏ Em Một Mình…có lẽ, không ai nghĩ cùng một tác giả. Bởi, giọng điệu, phương
thức nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Và đoạn thơ kết trong Quê Nhà dưới đây
không chỉ cho ta thấy sự khác biệt đó, mà còn chứng minh thêm tài năng sử dụng
từ ngữ hình ảnh ẩn dụ (biện pháp tu từ), mượn cảnh vật thiên nhiên bộc lộ cảm
xúc của Minh Đức Hoài Trinh:
“vẫn lối đi
quen hò hẹn dẫn nhau về
từng có lúc mười
ngón tay lạnh cóng
hoa cúc vàng
ve vuốt những cơn mê
ngày tháng đi
qua
từng ngày khôn
lớn
vẫn một màu
rêu trên mái ngói chưa nhoà
một mình em
đi, một mình em gọi”.
Là một nhà thơ đa
tài, mạnh mẽ, can đảm đi đến tận cùng con chữ, bởi vậy ngòi bút Minh Đức Hoài
Trinh đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc, người nghe. Và cả cuộc đời hoạt
động không mệt mỏi, Minh Đức Hoài Trinh đã đạt được nhiều thành công trên các
lãnh vực văn học và đời sống xã hội. Ngay từ sau biến cố 1975, từ Paris bà đứng
ra thành lập Hội văn bút Việt Nam hải ngoại, thuộc Văn bút Quốc Tế để đấu tranh
cho tự do, và cho các văn nghệ sĩ bị cầm tù. Cuộc đời, cũng như thơ văn Minh Đức
Hoài Trinh là tấm gương sáng soi rọi cho các thế hệ mai sau. Và tôi nghĩ, với
bài viết này, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Bởi, cuộc đời, cũng như sự nghiệp
sáng tạo của Minh Đức Hoài Trinh dày, và đồ sộ, không thể gói gọn trong một vài
bài viết, mà cần phải có cả một công trình nghiên cứu…
Leipzig ngày 12.3.2025