15 April 2025

BẢN LÃNH EM TÔI - Nguyễn Ngọc Hoa

Trọng em út sinh sau tôi một con giáp và cầm tinh con chuột như tôi, nhưng có lẽ thông minh hơn tôi . . . một chút.  Ngày nó lên ba, tôi thấy nó cầm cuốn sách học vần của Lâm (anh kế nó, năm tuổi) lật từng trang và đọc rạch ròi.  Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì không biết nó học đọc lúc nào.  Hỏi ra mới biết nó xem anh học bài rồi nhớ nằm lòng và theo hình trong sách mà nói lại y chang chứ không hề biết đọc.  Tôi là người duy nhất trong nhà nhận ra tài năng khác thường của nó vì anh em tôi đứa nào cũng cố thu mình trong chiếc vỏ ốc đóng kín và sống riêng một mình để khỏi bị cha để ý tới.  Chúng tôi chỉ có một điểm chung – sợ bị cha đánh đập.

Trong đời, hai lần tôi phục Trọng sát đất vì đã làm chuyện tôi không làm nổi.  Lần đầu, năm em tôi 14 tuổi, khi cha đã về hưu trong tay không còn quyền hành hay tiền bạc, nhưng vẫn hay nổi cơn thịnh nộ bất chợt, thường ra lệnh vô lý, và đối xử với vợ con như thể là quân nhân dưới quyền.  Một buổi chiều tôi đi dạy về, mẹ đứng đón ở cửa và khóc kể Trọng bị cảnh sát bắt giam.

Hồi trưa cha ăn cơm xong, nhưng không đi ngủ trưa như thường ngày mà đi ra đi vào nôn nóng chờ người tới mời đi đánh bạc.  Sau khi chờ hơn một tiếng đồng hồ và biết sòng bạc không thành, cha bày chuyện đóng đinh treo hình trên tường để giết thì giờ.  Chỉ có mẹ và Trọng ở nhà, cha biểu nó lấy đinh và búa trong thùng đồ nghề của tôi và chỉ chỗ cho nó đóng.  Cha không biết, và Trọng không thể biết, là tường nhà đúc bằng bê-tông, muốn đóng đinh phải dùng đinh thép; đinh sắt thường chỉ làm vỡ mặt bê-tông mà không xuyên vào.

Nhà chúng tôi trong cư xá Bắc Hải, trước gọi là cư xá Sĩ quan Chí Hòa, đã được bộ Quốc phòng xây và bán trả góp cho cha.  Dù đó là căn nhà cuối cùng để sống đến hết đời, nhưng mỗi khi thua bạc cần tiền trả nợ, cha dụ ngon dụ ngọt mẹ bán đi rồi “ra ngoài thuê nhà có máy nước nóng ở cho sướng”; dĩ nhiên không đời nào mẹ chịu.  Khi Trọng đóng đinh vào tường, mặt bê-tông vỡ ra, đinh văng xuống sàn nhà, và cha tức giận chửi mắng khiến thằng bé luống cuống làm tường vỡ thêm.  Cha cáu tiết nắm tay lấy hết sức bình sinh cú mạnh vào đầu nó.  Đau thấu xương và trong một phút tức nước vỡ bờ, nó quay lại bặm miệng trợn mắt nhìn cha và giơ cây búa lên cao.  Không nói không rằng.

Mẹ nói cha miệng hùm gan sứa, đột nhiên thấy thái độ nổi loạn của Trọng liền thối lui, hối hả kêu xe ra chi cảnh sát nằm trên đường Hòa Hưng đi vào khám Chí Hòa, và yêu cầu bắt giam nó.  Cảnh sát đến nhà đưa nó về bót “câu lưu.”  Theo lệnh mẹ, tôi đến xin gặp vị đại úy trưởng chi, xuất trình chứng minh thư là giảng viên trường Đại học Kỹ thuật viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, và xin lãnh Trọng về.  Ông ta cho biết nó chưa làm gì phạm pháp, cảnh sát chỉ tạm giữ nó để dằn mặt vì vị nể cấp bậc và chức vụ cũ của cha.  Mà dù nó phạm pháp đi nữa thì nó là trẻ vị thành niên, chính cha sẽ là người chịu trách nhiệm.

Tuy vậy, tôi làm đơn xin “bãi nại” nộp cho cảnh sát rồi về nhà giải thích với mẹ.  Mẹ năn nỉ ỉ ôi với cha, nhận lỗi con dại cái mang, và xin cha “tha tội” cho “thằng nhỏ trẻ người non dạ.”  Cha biết không có lối thoát nào khác hơn bèn làm bộ rộng lượng xiêu lòng và biểu tôi chở ra chi cảnh sát ký giấy “bãi nại.”  Trọng được “tha” về, không tỏ vẻ ngán sợ, và được tôi phục lăn.  Tôi không làm được như nó một phần vì sợ cha như sợ cọp và một phần vì những ràng buộc của văn hóa Khổng Mạnh, các bài học luân lý, và câu ca dao,

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Tôi khám phá ra trong nhiều tháng qua, Trọng không hề đến trường.  Buổi sáng nó dậy sớm lấy xe Honda PC chở chị là Bình ra chỗ đón xe lô lên Thủ Đức học; Bình là giáo sinh ban Anh văn trường Đại học Giáo dục viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.  Sau đó, nó tha hồ sử dụng chiếc xe gắn máy, đi đâu cả ngày không ai biết, và chiều ra đón Bình về nhà.  Ngoài ra, một hôm mẹ kéo tôi ra nói riêng nhờ đưa nó đến phòng mạch bác sĩ quen để chữa bệnh phong tình; lúc đó nó 15 tuổi.

* * *

Chiều ngày 28 tháng Tư năm 1975, khi tôi đề nghị cả gia đình theo tàu Hải quân di tản ra khỏi Sài gòn, cha giận dữ bác bỏ và mắng xối xả, “Mi mần [làm] tầm bậy không chết bỏ xác ngoài biển thì cũng tù rục xương!” và cương quyết không đi.  Tôi và các em khóc sụt sùi lạy sống cha mẹ để tạ ơn sinh thành rồi từ biệt.  Chúng tôi đến đảo Guam, sang trại tỵ nạn Trại Pendleton ở nam California, và cuối cùng được bảo trợ về Bismarck, North Dakota.  Ở nhà, trong hai ngày liền, cha tức tối không ngớt chửi rủa tôi đã “đành đoạn bỏ cha bỏ mẹ ra đi.”  Sáng ngày 30, Sài gòn thất thủ, cha mới chịu nghe lời mẹ chạy ra bến tàu, lên thương thuyền Viễn Đông, và sang Hương Cảng tạm trú ở trại tỵ nạn Cửu Long.

Trong những ngày chờ đợi ở Trại Pendleton, tôi ra sức dạy Anh văn cho Lâm và Trọng để chuẩn bị cho hai em vào trường trung học Mỹ.  Hai đứa mê đi chơi hơn ngồi học; Lâm đá banh với bạn, còn Trọng làm gì không biết.  Khi bị tôi la rầy, Lâm biết lỗi im lặng, nhưng Trọng mím môi trả lời, tỏ ra là một thiếu niên có bản lãnh,

“Anh khỏi lo cho em!  Em sẽ xin vào nhóm unaccompanied minors [trẻ vị thành niên không có người tháp tùng] là yên chuyện!”

Trọng biết tôi sẽ không bao giờ dám để nó tách riêng như thế nên thách thức để tôi xuống nước năn nỉ.  Và tôi năn nỉ nó thật!  Xuất trại ra Bismarck, tôi và Sang em kế có việc đi làm, Bình học trường đại học cộng đồng, và Lâm và Trọng học trung học – đứa lớp 11, đứa lớp 10.  Cha mẹ từ Hương Cảng sang trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở Arkansas, và cha một mực muốn đi Texas ở với Triết, em kế Sang sang Hoa kỳ du học từ đầu năm 1972.  May cho Triết, em chưa ra trường, phải nghỉ học làm thợ tiện sinh sống, thuê apartment ở chung với bạn, và không đủ điều kiện bảo trợ cha mẹ.  Cha bấm bụng lên North Dakota nhập chung với anh em tôi, nhưng lòng vẫn oán hận tôi.

Trở lại địa vị chúa tể gia đình, cha xem tôi như kẻ hầu cận để cha sai sử và không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để hạ nhục.  Sáng mồng hai Tết Bính Thìn (1976), cha uống rượu say, đập phá đồ đạc trong nhà, và chửi bới “thằng con bất hiếu bất mục” đã “khinh cha chưởi tổ” và “đội con vợ lên tran mà thờ.”  Tôi và Quỳnh Châu sợ hãi, vội vàng thu dọn áo quần và vật dụng cá nhân, cho vào hai bao rác lớn và cái rổ đựng quần áo giặt, và mang chất lên xe.  Chúng tôi ra đi.

Từ đó, các em tôi kiếm cách ra khỏi nhà vào cơ hội sớm nhất.  Lần lượt, Sang dọn ra ở riêng, Bình đi Austin, Texas học cử nhân điều dưỡng, và Lâm vào nội trú trường đại học, chỉ còn Trọng ở nhà với cha mẹ.   Nó học rất giỏi và tốt nghiệp trung học sớm hơn một lục cá nguyệt.  Rồi giận cha bỏ nhà ra đi.  Tôi không biết chuyện Trọng bỏ đi cho đến khi cha cho gọi đến và biểu báo cáo với sở xã hội là gia đình (“ăn welfare”) của cha không còn có đứa trẻ vị thành niên là Trọng.  Thấy cha chỉ quan tâm về trách nhiệm người lãnh trợ cấp mà không một lời quan hoài đến nó, tôi ngao ngán “dạ dạ” cho xong chuyện mà không báo cáo.

Một năm rưỡi kế tiếp, nhiều người quen của gia đình gặp Trọng lang thang không cửa không nhà ở California, Texas, và Florida với thân tàn ma dại, đói khát, và nghiện ma túy.  Khi cuộc đời xuống tận đáy vực, Trọng tìm đến Bình ở Austin và tỏ ý muốn về North Dakota làm lại cuộc đời.  Là sinh viên nghèo xác xơ, Bình dốc túi tận dụng số tiền tối đa được phép mắc nợ trong thẻ tín dụng để mua vé máy bay cho nó.

Đồng thời ở Bismarck, tôi và ông bảo trợ ra tòa án quận gặp ông chánh án, trình bày hoàn cảnh Trọng, và xin lệnh tòa bắt nó đi cai nghiện.  Máy bay đáp xuống, Trọng vừa bước khỏi cầu thang thì bị hai vị cảnh sát quận áp giải thẳng tới trung tâm cai nghiện.  Trong sáu tuần lễ sống cô lập trong trung tâm, hằng ngày Trọng đi học lớp cai nghiện do các vị cố vấn tâm lý chỉ dạy.  Trong thời gian này, họ đòi hỏi gia đình phải “học” cùng với resident (“người cư trú,” tức là người cai nghiện) một tuần lễ.  Tôi nghỉ làm và đưa mẹ đến dự “tuần lễ gia đình” này.

Trọng được các vị cố vấn tâm lý tin tưởng, nồng nhiệt khen ngợi, và cho đặc ân về nhà ngủ một cuối tuần.  Ngay trong cuối tuần đó, nó đàn đúm với đám bạn giang hồ cũ và chơi ma túy vũ như cẩn.  Thì ra, nó có đủ mánh khóe để qua mặt các vị cố vấn tâm lý.  “Tốt nghiệp” khóa cai nghiện, nó về nhà cha mẹ ở ít lâu rồi ngựa quen đường cũ lại bỏ nhà ra đi.  Trước khi đi, nó lén lấy chi phiếu và giả chữ ký của cha rồi ra ngân hàng rút tiền.  Khi cha khiếu nại, ngân hàng kiểm chứng đoạn phim chụp hình nó nhận tiền tại quầy và đồng ý trả lại tiền cho cha.

Ngân hàng kiện Trọng về tội ăn cắp.  Nó bị bắt giam ở county jail (nhà giam quận) đợi ngày ra tòa.  Mấy đứa bạn giang hồ bèn dàn xếp cho nó vượt ngục; nó dùng drap trải giường nối lại làm dây thừng và chui qua cửa sổ leo từ lầu ba xuống đất.  Chân nó vừa chạm đất thì cảnh sát quận đã chờ sẵn.  Cuộc vượt ngục táo bạo được tờ Bismarck Tribune tường thuật, cùng với hình ảnh, trên trang nhất.

Trọng bị tuyên án sáu tháng tù giam ở penitentiary (nhà lao tiểu bang) North Dakota.  May mắn thay, sáu tháng mất tự do đã hoàn toàn chuyển đổi cuộc đời em tôi.  Mãn hạn tù, nó đi học ở trường Đại học North Dakota (UND) ở Grand Forks, nơi Lâm đang học kỹ sư điện.  Trọng vừa đi học vừa làm đầu bếp cho nhà hàng Tàu và học một lèo lấy luôn hai bằng kỹ sư – một về cơ khí, và một về điện toán – cộng thêm bằng Cao học Cơ khí.  Trong thời gian này, cha mất vì chứng liệt tim, nó về dự đám tang và được mẹ cho món tài sản duy nhất cha để lại là chiếc xe Plymouth Volaré cũ.  Ngày nó lãnh bằng tốt nghiệp, tôi đưa mẹ lên Grand Forks dự lễ.  Mẹ lấy khăn chặm nước mắt cười rạng rỡ.  Đó là lần thứ hai tôi thấy mẹ cười rạng rỡ như thế, lần đầu là ngày mẹ dự lễ tốt nghiệp kỹ sư của tôi.

Trọng đưa mẹ sang Goshen, Indiana làm lễ cưới Kiên Tính, cô bạn học chung trường tiểu học với nó ở Tuy Hòa.  Phía nhà trai chỉ có mẹ và vợ chồng tôi và bé Mạc con đầu lòng.  Sau một lục cá nguyệt dạy lại ở UND, Trọng dời đi Fort Collins, Colorado làm kỹ sư cơ khí cho một công ty chế tạo bộ phận điều chỉnh tốc độ máy phát điện có công suất lớn.  Ngày Kiên Tính sinh con, mẹ về ở với vợ chồng nó để giúp nuôi đứa con đầu lòng, một cô bé xinh xắn.

Con gái thứ nhì của Trọng chào đời ở Orlando, Florida vì nó dời về đây làm kỹ sư điện toán cho một công ty thầu cung cấp cho bộ Quốc phòng rất lớn.  Kiên Tính học nghề uốn tóc và sau vài năm hành nghề, mở tiệm làm chủ và làm ăn phát đạt.  Trọng mua đất hoang ở Chuluota thuộc ngoại ô Orlando, thuê ũi cây cối, phân lô và đặt hệ thống điện nước, bán lại cho bạn bè thân thuộc người Việt, và giữ lại một lô một mẫu Anh để xây căn nhà hơn 5,000 square feet (khoảng 470 mét vuông) cho mình.  Khu nhà Việt nam của nó nằm trên con đường ngắn mang tên “Vina Lane.”

Khi đời sống vượt quá ngưỡng cửa mà người Mỹ gọi là American dream (“giấc mơ người Mỹ”), Trọng nghỉ việc và đi học tiến sĩ cơ khí tại Đại học Trung tâm Florida ở Orlando.  Chương trình PhD của đại học Hoa kỳ đòi hỏi sinh viên phải dành trọn thì giờ cho việc học và phải nghiên cứu tại khuôn viên đại học – cả hai điều đều quá tầm tay của tôi.  Hai năm sau, Trọng trở thành Dr. Nguyễn đầu tiên của dòng họ.  Đó là lần thứ hai tôi phục em tôi.

Lần này, tôi phục Kiên Tính nhiều hơn.  Trong hai năm dài, gánh nặng gia đình con cái trút cả lên vai nàng.

Nguyễn Ngọc Hoa