Dễ cũng vài mươi năm nay, cứ vào tháng Tư bất kể ngày nào, miễn là ngày đó bạn bè có thể thu xếp được là phải hẹn gặp nhau. Buổi họp mặt Tháng Tư lặng lẽ hơn so với những buổi họp mặt khác. Vẫn tay bắt mặt mừng bạn cũ lâu ngày, đâu đó nếu nghe tiếng cười, có chăng là gượng gạo.
Trong bữa cơm chiều hôm đó cùng nhóm bạn thân, khoảng dăm cặp
vợ chồng, trong số đó có một anh thuộc Quân chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Anh Không Quân nhắc về một ngày tháng Tư 1975 khi anh đang điều khiển chiếc trực
thăng trên vùng trời miền Trung, nghe tin vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam
đầu hàng, anh bèn bay ra biển Đông tìm đường thoát thân.
Trong nhóm bạn bè có người hỏi:
“Lúc đó vợ con anh ở đâu?”
“Tôi chưa có người yêu nói chi đến vợ.”
“Rồi anh cùng trực thăng bay đi đâu?”
“Tôi bay ra biển, trực thăng báo hiệu hết xăng. May quá tôi
gặp một con tàu, tôi báo tín hiệu xin đáp xuống và họ đồng ý. Khi trực thăng của
tôi vừa đáp xuống, viên chỉ huy tàu ra lệnh cho các thủy thủ đem sơn xịt trắng
hết chiếc trực thăng của tôi. Tôi bậm môi ứa nước mắt vì biết rằng thế là mất tất
cả.”
“Anh có nghĩ về gia đình của mình lúc đó?”
“Tía Má và anh em tôi ở bên bờ kênh Cái Sắn, tỉnh Cà Mau.
Tôi biết gia đình mình ở gần bà con ruột thịt nên tôi an tâm. Nhưng về phần gia
đình của tôi thì trái lại, họ lo lắng chờ mong tin tôi sau nhiều năm bặt
tin.”
Anh kể tiếp:
“Tía Má tôi tìm đến một ông thầy bói hàng xóm xem quẻ hy vọng
tôi vẫn còn sống sót đâu đó mà trở về. Nhưng hy vọng đã tan vào mây mờ và khói
nhang che phủ căn nhà của Tía Má vì ông thầy bói phán một câu chắc nịch: “Chết
rồi!” Má tôi khóc nhiều nhất sau khi xem bói về. Kể từ đó, Tía Má tôi cho phóng
to tấm hình chân dung của tôi để đặt lên bàn thờ, chọn ngày giỗ của tôi là ngày
ba mươi tháng Tư hàng năm.”
“Nhưng rồi câu chuyện đến lúc nào mới có hồi kết?”
“Sau 12 năm, một khoảng thời gian đủ dài, chú Hai, thầy giáo
làng và là hàng xóm kế bên nhà Tía Má tôi, từng có con trai theo anh em bạn vượt
biển tìm tự do và bị mất tích, là người biết tôi còn sống. Ngày nào chú Hai
cũng đạp xe ra bưu điện xã để lục lọi thùng rác bưu điện với mong mỏi biết đâu
một ngày nào đó nhận được thư từ con trai của chú để biết rằng nó còn sống.
(Bưu điện xã thực chất chỉ là cái chòi lá bỏ hoang của bà Tám. Cán bộ không ưa
những nhà dân có liên hệ đến chế độ cũ nên các thư gửi về từ nước ngoài thường
bị ngấm ngầm xé bỏ). Một hôm, tình cờ chú Hai lục thùng rác thấy một cái phong
bì lớn màu hồng chưa bị xé rách. Tên người nhận là Tía Má tôi và tôi là người gửi
cái thiệp đó. Nhìn tên tôi là chú Hai nhớ ngay ra đứa nhỏ hằng ngày được chú
Hai chở quá giang trên chiếc xe đạp để đến trường.”
“Nhưng có gì trong thư đó?”
“Từ từ để tôi kể đầu đuôi. Chú Hai đạp chiếc xe cọc cạch về
xóm, mừng vui hét to cho cả làng rằng tôi vẫn còn sống. Kéo dài sự háo hức của
mọi người, chú Hai còn kể dài giòng: “Tui nhìn vô thùng rác thấy có một phong
bì lớn màu hồng đẹp lắm, may mắn phong bì này còn nguyên không bị xé. Nhìn rõ
ràng địa chỉ nhà hàng xóm ngay cạnh nhà của tui, tên người gửi là tên của thằng
học trò của tui xa xưa nè. Ngày xưa Tía Má nó không cho nó đi học, lý do là Tía
Má nó nói nhà cửa ruộng lúa của họ mênh mông ngút ngàn…ăn và sống cho đến đời
con cháu của họ cũng chưa hết nên muốn thằng nhỏ ở nhà giúp làm ruộng rẫy. Tui
thấy mặt mũi nó sáng sủa nên tình nguyện chở nó đi học mỗi ngày.” Chú Hai kể dứt
lời thì chiếc phong bì được mở ra, trong đó có một thiệp cưới màu hồng báo tin
tôi lập gia đình. Cả làng chuyền tay nhau xem thiệp và cười vui chúc mừng.”
Kể đến đây giọng anh bạn hơi nghèn nghẹn:
“Nhớ ngày còn nhỏ tôi được ngồi trên chiếc xe đạp của chú
Hai. Cũng nhờ chú khích lệ việc học nên tôi còn ra đến tỉnh học thi Tú Tài và
sau đó được tuyển vào Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Tôi biết ơn Chú Hai vì nhờ
ông mà tôi được đi học để mở mang kiến thức mà cũng do ông nên gia đình biết
tôi còn sống.”
“Vậy chớ anh có giận ông thầy bói không?”
“Cớ gì mà giận? Ngay lúc biết được tin tôi còn sống, có người
la lớn: “Qua nhà ông thầy bói quở ổng bói sai rồi.” Rồi cả xóm ổn ào, người thì
đòi ông thầy bói trả lại tiền xem bói, người thì nói thôi bỏ qua vì không ai chết
là vui rồi. Thế rồi ngày hôm sau ông thầy bói qua nhà Tía Má tôi nói lời xin lỗi
và giúp hạ tấm hình của tôi trên bàn thờ xuống, hứa sẽ giải nghệ không làm nghề
thầy bói nữa. Nghe đâu sau này ổng bỏ xứ đi chỗ khác. Tôi tiếc là không gặp được
ổng.”
“Trời, tiếc chi nữa
anh?”
Anh bạn cười ha hả:
“Để bắt tay ông
thầy bói rồi nói với ổng một câu là: “Nhờ Thầy mà cứ đến “Ngày Tui Chết” thì cả
xóm của Tía Má tui được ăn Gà Khoả Thân”.
Bạn hữu sum họp
cùng nhau để sống lại những kỷ niệm, chuyện cũ ôn đi ôn lại nói hoài mà vẫn tưởng
là chuyện chưa kể trong khi chuyện mới thì hiếm được nghe. Năm nay, mọi người tề
tựu tại nhà Anh. Chị thì thầm bên tai nhắc Anh uống chừng mực, Anh càng lầm lì
rót thêm. Rượu vào mềm môi, tê đầu lưỡi, khiến Anh đang cảm giác mình ở nơi xa
xăm lắm, giọng nói trở nên chơi vơi. Câu chuyện về cái bàn thờ của anh bạn
Không Quân khiến Anh chạnh lòng nhìn lên bàn thờ có hình cha mẹ mình. Quên hẳn
mình đang ngồi bên đám bạn hữu, Anh khề khà:
“Ba Má à, giờ con
gần tám chục tuổi rồi…Con nhớ …ngày mới lớn …con mê chơi quá, lười học theo đám
bạn lêu lổng phá làng, phá xóm … “cúp cua” không đi học, đàn đúm bạn bè vào rạp
hát xem phim, không chịu vào trường học …Má gửi con lên Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng ở
cùng gia đình anh chị Ba. Anh Ba là con rể của Má đó, Má nhớ không?”
Trên bàn thờ, tấm
hình Má vẫn cười tươi nhìn thằng con “bất trị” ngày trước. Chuếnh choáng, Anh
xưng Tui với Má:
“Má nhớ không,
lúc đó anh Ba con rể của Má làm chức lớn gì đó trong tỉnh. Ảnh có một cái xe
máy loại giành riêng cho cấp Tỉnh …Tui bèn “mượn tạm” xe đó chạy khắp nơi … Hôm
sau anh Ba bị cấp trên khiển trách …Rồi Má lại phải xe đò lặn lội lên Bảo Lộc,
Lâm Đồng rước tui về, vì Anh Chị Ba sợ trách nhiệm do Má giao không hoàn thành,
vì tui trốn học hoài…Nghĩ lại tui thương Má quá, Má ơi! May quá, khi về Sài
Gòn, tui thi đậu Đệ Thất (là lớp Sáu bây giờ), Má mừng quá chừng, tui lo học
hành trong ngôi trường lớn nơi mà kỷ luật đâu vào đó. Rồi tui thi đậu Tú Tài
khi chiến tranh tràn lan khắp nước. Tui khoái màu áo rằn ri nên xung phong đi
lính luôn.”
Bạn bè yên lặng
rót rượu mời nhau. Họ tôn trọng những phút giây Anh thì thầm độc thoại: “Ba Má
à, Tháng Tư 1975 “bên thắng cuộc” không cùng chiến tuyến chiến tuyến với con đã
buộc con cũng như các quân nhân của nhiều binh chủng khác vào nơi rừng thiêng
nước độc để “tập trung cải tạo”. Con tơi tả xác thân. Sau tám năm tù đày, trong
trại tù bắt đầu xôn xao nghe tin một số người “được thả”, được “tha về” nhưng
tên con thì không được gọi. Con biết một số bạn tù được tập trung nơi cái chòi
riêng, được ăn uống đầy đủ hơn một chút, được sự chuẩn bị tinh thần, thư từ nhắn
gia đình đến đón về…Riêng con, vẫn hàng ngày vác cái cuốc xẻng, vẫn đói, vẫn
xác xơ lao động. Rồi cái ngày lạ lùng đó đến khiến con nhớ mãi. Hôm ấy con chuẩn
bị vào rừng sâu lao khổ, một tên cán bộ coi tù đến trước mặt:
“ Lên văn phòng gặp
tôi.”
Con tự hỏi chúng
lại tìm lý do nào đó để hành hạ mình nữa đây, chắc chúng lại nhốt con trong
CONEX thôi.
“Ngồi xuống
đi!”
Tên cán bộ hất
hàm. Con ngồi bình tĩnh chờ việc gì sẽ xảy ra với mình. Hắn nhìn con chằm chằm
vài giây rồi nói cộc cằn:
“Được thả, lý do
sơ sót tên. Anh về lán gom đồ đạc rồi ra đây gặp lại.”
Có phần ngỡ
ngàng, con không tin vào điều vừa nghe. Quay bước về lán trại gần mà tưởng như
xa tít tắp, con gom mớ vật dụng cá nhân ít ỏi của mình đem phân phát lại cho
vài bạn tù thân thiết còn lại.
Miệng khô khát,
Anh nhếch cười gằn giọng:
“Ba Má có biết
không, gia tài duy nhất của con là Giấy Được Tha và tờ tiền một trăm đồng thời
đó.”
Trí nhớ Anh dường
như chứa cả một kho ký ức nhưng sao kể lại thì khó khăn quá. Chẳng phải vì Anh
say. Chẳng phải vì Anh líu lưỡi do men cay. Có lẽ tâm tư về những năm tháng ấy
trĩu nặng. Dù gì Anh cũng phải nói ra cho vơi buồn dẫu người nghe ở tận nghìn
trùng hay cận kề. Anh chỉ biết mình cần nói cho hả, hay nói theo kiểu người bạn
đời của Anh, nói cho tiêu sầu.
“Một mình con lếch
thếch ra trại, cảm giác khó tả Ba Má ơi! Áo quần tơi tả, giữa ngã ba đường chờ
xe đò lâu quá. Con đi bộ một đoạn đường dài lắm. May mắn, con gặp một bà cụ bán
cơm tấm gần ga xe lửa. Bà thoáng nhìn con là nói ngay: “ Anh là người tù được
thả, phải không? Ngồi đây ăn một dĩa cơm tấm thịt trứng. Nhớ là ăn chầm chậm.
Bà không lấy tiền, con cất tiền mua vé, tiền ăn dọc đường nhen con.” Đến lúc
con ăn xong thì bà gọi thằng cháu chở con ra trạm xe lửa bằng chiếc xe đạp cũ kỹ
rồi dặn dò: “Con không thể mua vé được đâu, vé chợ đen mắc hơn số tiền trại tù
đưa con thì còn tiền đâu nữa trong khi đường về nhà Sài Gòn còn xa lắm nên cứ
nhảy đại lên toa gần cuối nơi có nhà bếp rồi từ từ năn nỉ họ nếu bị soát vé.”
Đúng như bà cụ bán cơm tấm dự liệu, con bị người soát vé kiểm tra và đương
nhiên con không có vé tàu. Nhưng có lẽ người soát vé nhìn con gầy quá nên không
nỡ đuổi xuống tàu. Ông ta cho con đứng giữa những thanh sắt nối tiếp các toa
tàu. Cũng may gió không hất con rơi rụng vì con quá ốm. Cám ơn gió. Cám ơn Trời.”
Một vài tiếng thở
dài đâu đó nhưng vẫn không ai lên tiếng. Bất chợt Anh bật khóc rưng rức:
“Ba Má có biết
không, con tiếc quá, sao lúc đó không cho thằng bé tiền, rồi sao không hỏi địa
chỉ và tên tuổi để sau này ghé thăm và đền ơn hai bà cháu? Bao nhiêu câu hỏi dồn
dập bây giờ thì cũng đã muộn rồi. Tình người để lại ấm trái tim con. Hôm nay
con nhắc, con nhớ ơn bà bán cơm tấm và cháu trai bé nhỏ của bà. Con đã nợ ân
tình của hai bà cháu mà kiếp này chưa trả được. Rồi con tự hỏi lúc đó sao thằng
bé có thể chở được một người tù trên chiếc xe đạp ọp ẹp qua những đoạn đường
khúc khuỷu? À, con nhớ ra rồi, thì ra số cân nặng của người tù lúc đó nhẹ hơn số
cân của thằng bé.”