10 May 2025

NGÀN NĂM MÂY TRẮNG BAY THEO… - Biển Cát

Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra.

Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa. Nhiều khi Ninh bực mình, gắt: 

- Hai đứa có vừa vừa, phải phải một chút không? 

Nhìn vẻ mặt tiu nghỉu của Thi và nhỏ út, mẹ nhẹ nhàng: 

- Đừng la em, tội nghiệp.  

Với mẹ, điều gì có thể, mẹ đều gắng làm cho các con vui, như muốn bù đắp bất hạnh mà con mẹ phải sớm gánh chịu. Cả Ninh lớn như thế, mà mỗi bữa ăn, mẹ vẫn giẻ từng miếng cá, gắp từng miếng thịt, nhắc nhở: 

- Ăn cho nhiều vào đi con.  

Mẹ là nhịp cầu nối những yêu thương. Nên thiếu mẹ, khoảng trống thật mênh mông. Tưởng chừng như có một nỗi mất mát to lớn, mà không bao giờ lấp đầy được trong tim. Nhỏ út như sực nhớ ra điều gì, buông vội đũa xuống: 

- Ti vi sắp có chương trình ca nhạc rồi. Anh chị ăn tiếp nhé. 

Ninh cũng đứng lên. Anh muốn thoát ra khỏi không khí nặng nề này: 

- Thi ăn sau nhé. Anh lên xem ti vi với Út đây.  

Gian bếp thênh thang khi còn lại một mình Thi. Cô nhìn chăm chăm vào tô canh chua, nghe ký ức trôi về những ngày xưa. Thi nhớ mẹ đã chỉ cô cách nấu canh chua sao cho đậm đà, có vị ngọt của thơm, của cá, có vị chua thanh thanh của me dầm, có mùi thơm thoang thoảng của hành ngò cùng lời căn dặn: 

- Nấu canh mà không có đủ vị, mẹ sẽ không cho ăn đâu nhé. 

Lúc đó, cô không hiểu sao mẹ lại nghiêm khắc như vậy, nhưng giờ đây, cô nhận ra rằng mẹ muốn dạy cô những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt.  

Khi Ninh bước ra, phòng khách còn tối om. Anh bật đèn lên và định đưa tay kéo rèm cửa sổ. Nhưng nhỏ Út đã ngăn lại: 

- Đừng anh, để em ngắm mưa. 

Ninh bước ra hiên, châm điếu thuốc, nhìn xa xăm. Đốm lửa lập lòe gợi cho anh nhớ đến mẹ.  

- Bỏ thuốc đi con. Hại phổi lắm đó. 

Câu nhắc nhở quen thuộc của mẹ ngày xưa làm anh đôi lúc khó chịu, sao bây giờ bỗng nghe cay cay sống mũi. Lặng lẽ, anh quăng điếu thuốc xuống đất, lấy chân di mạnh. 

Ninh ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện với hai em. Những ngọn đèn vàng tỏa ánh sáng hắt hiu lên căn phòng khách. Những chiếc ghế bọc vải màu xanh nhạt, chiếc đồng hồ treo tường từng đánh nhịp cho những buổi sáng rộn rã.  Mọi thứ vẫn giữ nguyên vẹn như lúc mẹ còn, chỉ có thời gian đi qua. 

Mưa rơi ngoài sân, những hạt mưa như những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống tấm kính cửa sổ. Không khí trong phòng đặc quánh bởi sự tĩnh lặng, như thể có gì đó đang treo lơ lửng trong không gian, chỉ chực chờ rơi xuống.  

… Mẹ ơi thế giới mênh mông. Mênh mông không bằng nhà mình

Dù cho phú quý vinh quang Vinh quang không bằng có mẹ.

 

Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa

Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi

Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu

Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi mẹ về đâu? 

(Mẹ tôi - Trần Tiến) 

Tiếng hát cô ca sĩ trên ti vi vang lên như nức nở. Tiếng khóc chợt bật lên từ phía nhỏ út đang ngồi co ro ôm lấy đôi chân: 

- Mẹ ơi! 

Nước mắt của Thi cũng tuôn xuống từng dòng. Nỗi đau mọi người cố nén lại từ nãy giờ chợt vỡ òa ra. Quá khứ theo tiếng mưa rỉ rả trong lòng những đứa con đang nhớ về mẹ. Chưa bao giờ sự mất mát lại trở nên rõ rệt như lúc này, khi mà tất cả đều không thể phủ nhận một sự thật đau đớn: mẹ không còn nữa. 

Sau những giọt nước mắt đầu tiên được thả tự do, không khí dường dịu lại, như thể ai đó vừa mở cánh cửa cho nỗi nhớ ùa vào, cho thương yêu được dịp chảy tràn. Ninh là người lên tiếng đầu tiên, với giọng nghèn nghẹn:

- Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần trời mưa như vầy, anh hay trốn mẹ tắm mưa. Có lần anh bị cảm lạnh, suốt đêm lên cơn sốt. Nửa khuya tỉnh dậy, anh vẫn thấy mẹ ngồi bên chườm trán cho anh. 

Dừng lại một chút cho lắng cảm xúc, anh tiếp: 

- Lúc đó, anh hối hận lắm, tự nhủ lòng là sẽ không tắm mưa nữa. Nhưng rồi, chứng nào tật nấy, không bỏ được. Sau này lớn rồi anh vẫn vô tâm như thế. Mỗi cuối tuần, mẹ nhắc nhở về sớm ăn cơm nhà, anh hay càu nhàu: “Mẹ cứ làm như con còn bé lắm. Mẹ chẳng hiểu gì cả.” 

Trời ơi, làm sao có thể nói những lời đó. Bây giờ muốn xin lỗi nghìn lần cũng không được nữa.  

Nhỏ út thút thít:  

- Em luôn nghĩ mẹ là người dạy em học bài, làm bài, nhắc em đi ngủ đúng giờ. Đôi lúc em muốn được tự do như tụi Hannah, Jim… và mong vào college để được đi xa. Em nghĩ sự quan tâm của mẹ nhiều khi không cần thiết chút nào. 

Thi di di ngón tay trên mặt bàn: 

- Em cũng vậy. Hồi nhỏ em luôn coi mẹ là điều hiển nhiên trong cuộc sống của mình. Mẹ lo cho em tất cả, từ quần áo, sách vở, đến việc đón đưa em đi học. Em chưa bao giờ nghĩ mẹ cũng mệt mỏi, cũng có những ước mơ, cũng cần có không gian riêng và cần được yêu thương, thấu hiểu. 

Đến khi mẹ không còn nữa, em mới nhận ra mẹ đã tự nhủ mình sẽ hy sinh mọi thứ để thấy con cái hạnh phúc, nhưng chính mẹ lại chẳng bao giờ được hưởng niềm vui trọn vẹn từ chính những đứa con mình đã chăm sóc. 

Lúc này, ba anh em mới hiểu rằng, sự vô tâm của mình trước đây - những lần không lắng nghe, không quan tâm đến mẹ - chính là nỗi đau lớn nhất mà họ đã để lại cho mẹ. Giờ đây, tất cả chỉ là sự nuối tiếc muộn màng. 

Thi bước đến lấy chiếc hộp đặt trên bàn thờ, nơi cất  dấu những kỷ vật của mẹ, mà chưa ai chạm tay vào từ sau ngày mẹ mất. Cô nâng niu chiếc hộp xà cừ như một vật quý báu, và run run mở nắp ra. Mắt cô nhòa đi.  

Ninh chuyển sang ngồi cạnh Thi, âu yếm vỗ nhẹ đầu em, rồi cầm quyển sổ nhỏ lên tay. Những dòng chữ nghiêng nghiêng của mẹ hiện ra, ghi lại mọi sự việc, như mới vừa xảy ra hôm qua thôi.

… “Sắp đến mùa lễ rồi mà nhà không có khoảng nào dôi ra để mua sắm cho các con. Nhìn những đôi mắt thèm thuồng của ba đứa nhỏ khi đi qua những cửa hàng sáng lóa ánh đèn, mẹ xót xa quá. Nghĩ mãi, mẹ quyết định mở một credit card đầu tiên để mua một cây thông nhỏ, hộp trái châu lóng lánh và một con gà Tây. Có thể chẳng đáng gì với người khác, nhưng với gia đình mình là một lễ hội tưng bừng.“

“Ngày đầu tiên dẫn con trai đến trường đại học, niềm vui trong lòng mẹ như òa vỡ. Con trai mẹ đã trở thành sinh viên Augusta University - ngôi trường được mệnh danh là “Harvard University on the Hill “, vì những yêu cầu tuyển chọn khó khăn, tiêu chuẩn dạy và học rất cao của bang Georgia. Mọi việc như một giấc mơ. Giấc mơ tuyệt vời rất đỗi.

Ngồi phía dưới khán phòng, mẹ đã không cầm được nước mắt khi nghe các giảng viên giới thiệu về trường mới của con, khi nghe họ nói, “Đưa con vào đến đại học là một có gắng vô cùng của các bậc cha mẹ; nỗi khó khăn càng nhân lên, với những cha mẹ đơn thân.”

Dù cuộc sống chẳng dễ dàng gì khi gia đình không toàn vẹn, một thân một mình bươn chải xứ người, nhưng mẹ thật sự cảm ơn đất nước và con người nơi đây đã mở lòng đón nhận và cho những di dân có cơ hội xây dựng cuộc đời, giúp gia đình mình từng bước vượt qua gian khó.

Cho dẫu con đường hòa nhập cuộc sống sẽ còn lắm chông gai, mẹ vẫn tin rằng con trai mẹ luôn vững vàng bước tiếp.”

“Mẹ đã đi gần hết phần đời của mình. Điều mẹ hạnh phúc nhất là được ở bên các con đến giây phút cuối cùng. Hãy cố gắng yêu thương nhau như mẹ đã yêu thương các con.” 

…. 

Ninh dừng đọc. Những dòng chữ đang hoa lên trước mắt anh.  

Cơn bệnh của mẹ đến thật nhẹ nhàng, như thể chỉ là một cơn cảm vặt, nhưng rồi nó cứ kéo dài, âm thầm. Ban đầu, mẹ vẫn cười, vẫn làm mọi việc hàng ngày. Nhưng rồi, là những đêm không ngủ, những lần mệt mỏi ngồi xuống mà không thể đứng dậy, những cơn đau khiến mẹ chỉ biết ngồi yên, thở dốc, lặng lẽ chịu đựng. 

Tình hình càng lúc càng xấu đi. Mẹ thường bỏ dở công việc giữa chừng, nằm thiêm thiếp trên giường. Khi tỉnh dậy, thấy các con ngồi bên cạnh lo lắng, mẹ gượng cười: 

- Các con đừng lo, mẹ chỉ mệt thôi... 

Nụ cười của mẹ đã không còn tươi như bình thường. Làm sao ba anh em có thể không lo. Cơn bệnh kéo dài, mỗi ngày mẹ yếu đi thêm một chút. Nhiều lần ba anh em đưa mẹ vào bệnh viện, nghe  bác sĩ nói rằng sức khỏe mẹ đang suy kiệt… Không ai trong họ muốn tin điều đó. Với họ, mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ, vững vàng. Tựa như cây phi lao trong cơn giông tố. Tựa như ghềnh đá sừng sững cản nhịp sóng tràn. 

Và rồi, trong một đêm yên tĩnh, mẹ ra đi. Không có tiếng thở dài, không có tiếng la thét. Chỉ có sự im lặng bao trùm, như thể mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc ra đi của mình, để lại ba anh em với những ký ức và tình yêu vô bờ bến. Mẹ đi trong giấc ngủ. Bình thản như thể mẹ sợ mình ra đi ồn ào quá sẽ làm các con giật mình. 

Căn phòng bệnh trở nên trống rỗng đến kỳ lạ. Những ống dây được tháo ra. Tiếng máy thở im bặt. Không còn tiếng mẹ gọi tên từng đứa con. Không còn lời dặn dò nhỏ nhẹ từng câu. 

Trong chiếc xe cứu thương lạnh buốt, người ta đưa mẹ đến nhà an táng, chứ không trở về ngôi nhà nhỏ - không gian hạnh phúc riêng của gia đình, nơi từng bức tường, từng chậu lan ngoài hiên vẫn còn lưu hương bữa cơm chiều mẹ nấu. 

Lúc người ta đặt mẹ vào quan tài, trời bên ngoài chợt đổ cơn mưa. Không mưa to. Chỉ lâm thâm - một thứ mưa của mùa nhớ. Hàng xóm đến viếng lễ tang. Họ im lặng nhiều hơn nói.  

Ninh cứ đứng mãi bên quan tài, mắt đỏ hoe, bàn tay run bần bật. Anh lặng lẽ sửa lại tấm ảnh chân dung mẹ. Tấm ảnh mẹ cười nhẹ, ánh mắt ấm như mọi lần. Nhưng lần này, mẹ chỉ cười bằng ảnh. 

Nhỏ Út thì ngồi thụp ở mộtgóc, ôm đầu gối, như năm nào còn nhỏ mắc lỗi, sợ mẹ la. Nhưng lần này, không ai mắng em nữa. Đến lượt Thi, cô không khóc. Chỉ lấy tay vuốt nhẹ mái tóc mẹ một lần cuối. Tóc mẹ mỏng như khói, còn vương lại mùi hương quen thuộc. 

Cô thầm thì: “Mẹ à... mẹ ngủ ngon nha mẹ.” 

Và cơn mưa vẫn rơi - như giọt nước mắt của đất trời tiễn một người mẹ đã sống hết đời mình cho yêu thương, và ra đi nhẹ tênh như chưa từng nỡ rời xa. 

** 

Im lặng bao trùm cả không gian. Tiếng mưa ngoài trời vẫn đều đặn rơi xuống. Phòng khách nhỏ như một thế giới riêng biệt của ba anh em, tràn ngập những ký ức về mẹ.

Bất chợt, một mảnh giấy rơi ra từ quyển sổ. Ninh cúi xuống nhặt lấy.  

Thì ra là bức tranh vẽ hình một vệt đậm thẳng đứng màu nâu giống hình cây cổ thụ, những chiếc lá xanh, có mặt trời màu vàng tỏa ra tia nắng chói chang - bằng những nét nguệch ngoạc, vụng về. 

Út cũng nhận ra bức vẽ. Em chồm đến lấy bức vẽ từ tay anh, ngắm nghía thật lâu. Hai vai em run lên theo tiếng nấc. Đây là bức tranh em vẽ tặng mẹ lúc còn bé. Và Mẹ đã ôm em vào lòng, thủ thỉ kể cho em nghe chuyện “Hạt mầm”. Em thích câu chuyện ấy đến nỗi xin mẹ kể đi kể lại hằng đêm. Mãi đến bây giờ em vẫn còn nhớ câu chuyện ngày xưa ấy. 

Út ngồi xuống thảm, giữa 2 anh chị. Em ngước lên nhìn họ, khi nước mắt còn ngân ngấn trên mi: 

- Mọi người có muốn nghe em kể câu chuyện “Hạt mầm” của mẹ không? 

Ninh và Thi cùng gật đầu. Út bấm vào đốt ngón tay bé xíu, bắt chước giọng mẹ thuở nào: 

Ngày xưa, trong một khu rừng yên bình, có một hạt mầm nhỏ xíu như thế này này- nằm ẩn mình dưới lớp đất mềm. Hạt mầm ấy rất yếu ớt, gió thổi cũng run rẩy, mưa rơi cũng lạnh buốt. Nhưng ngày nào cũng vậy, mặt trời dịu dàng soi sáng, từng tia nắng nhỏ len lỏi qua lớp đất, vỗ về hạt mầm bằng hơi ấm và lời thì thầm dịu ngọt:

"Cố lên, con nhé. Mẹ luôn ở đây, dõi theo con."

Hạt mầm không nhìn thấy mặt trời, chỉ cảm nhận được hơi ấm. Hạt mầm cũng không nghe thấy tiếng mặt trời rõ ràng, chỉ nghe bằng trái tim. Và thế là, từng chút từng chút một, hạt mầm đâm chồi, vươn lên, trở thành một cây non.

Cây non ấy lớn lên giữa bao giông gió, nhưng chưa bao giờ quên hơi ấm đầu tiên mình nhận được - hơi ấm của tình yêu thầm lặng và bất diệt.

Và cứ thế, dù lớn lên thành cây cao, dù tán lá chạm vào mây trời, cây vẫn thì thầm với gió mỗi ngày: "Con mãi nhớ hơi ấm của mẹ." 

Thi cúi xuống ôm ghì em vào lòng. Cô nhắc lại câu nói, rất khẽ: 

- Vâng, chúng con mãi nhớ hơi ấm mẹ. 

Ninh lật lại từng trang sổ. Cả ba cùng ghé nhìn. Những nét chữ nghiêng nghiêng, mực nhòe ở một vài chỗ - có thể vì mẹ vừa viết vừa khóc. Hoặc... là giọt nước làm rơi từ tay khi mẹ rửa chén xong.

Từng trang sổ là từng lát cắt thời gian. Mỗi câu mẹ viết là một dấu chân yêu thương mẹ để lại trong lòng những đứa con thân yêu của mẹ. Không ai nói ra, nhưng cả ba đều biết: mẹ không còn nữa, nhưng mẹ chưa từng rời xa. 

Mẹ ở lại - trong ký ức. Trong căn bếp có mùi canh chua. Trong ánh đèn vàng mỗi đêm các con vẫn quây quần. Trong những lần nhớ về, không chỉ bằng nước mắt, mà còn bằng cách sống sao cho trọn vẹn hơn, thương nhau hơn, gắn kết nhau hơn, cố gắng hòa nhập cuộc sống, trở thành một người Mỹ da vàng thành công như mẹ hằng mong ước. 

Vì tình yêu mẹ là thứ duy nhất... vẫn tồn tại mãi với thời gian, hóa thành nhựa sống nuôi những điều tử tế sau này.  

Biển Cát