Mỗi năm, vào độ cuối đông, những loại hoa được trồng trên phố, nơi công viên từ mùa trước hầu như đều được nhổ bỏ, thay thế bằng những loài hoa mới. Mùa xuân chưa qua, nên hoa vẫn rực rỡ muôn sắc màu dưới con nắng chớm hè.
Tôi không ngắm hoa, tôi dừng lại nơi một cội cây. Hai cánh
tay tôi hẳn không thể nào ôm trọn hết vòng thân của nó. Nhưng nhìn nó không có
vẻ gì to lớn lắm, cũng không cao ngất với lấy đỉnh trời, vì ngước lên, tôi có
thể nhìn rõ những chùm lá nhòn nhọn đan nhau. Những chiếc lá kích cỡ như bàn
tay của tôi. Lá không xanh màu biếc, lá đậm một màu rêu. Lá của một thân cây
già nua đầy những vết nhăn, mà rễ của nó trồi lên khỏi mặt đất như cái xác khô
của những sinh vật bò sát đã chết từ một kiếp nào.
Cách thân cây năm bảy bước chân là một trạm xe buýt, có băng
ghế và mái che mưa nắng. Tôi thản nhiên như một người chờ xe, thích đứng một
góc của riêng mình và hồn nhiên như một đứa trẻ. Tôi rờ rẫm mân mê những lớp vỏ
khô ngoằn ngoèo, chia nhau những đường cắt thời gian. Tôi ngó lên những tán lá
dày và chợt nghĩ đến một cơn mưa. Mưa rơi trên lá! Những phiến lá lặng lẽ kia,
liệu chúng có đủ làm một mái dù che tôi khỏi ướt, nếu trời mưa?
Tôi không biết cây tên gì? Con đường này tôi qua lại khá nhiều
lần sao bây giờ tôi mới nhìn thấy nó? Nó đã sống trên con phố này được bao lâu?
Nơi đây không phải là Thảo Cầm Viên và nó cũng không là một loại thảo mộc đặc
biệt để được khắc tên, đề bảng. Nó hiện hữu nơi này như bao loại cây khác, những
sinh vật dịu dàng tỏa bóng đường trưa. Phố xanh mát, tươi vui vì cây, vì lá.
Tôi nhìn suốt con đường phía xa. Chút gió nhẹ, chút bụi đường
bay lên… Dường như, hồ như, như thể… Tất cả những thứ “như” và “mơ hồ” nào đó
đang lay động, chờn vờn trên đôi chân tôi trong chiếc váy hoa lấp lửng qua đầu
gối. Áo mùa hè được may bằng một loại vải dệt từ những sợi lanh thô chống nóng.
Chất vải không được mịn màng, thẳng thớm, nhưng sao cảm giác mát mềm như được
vuốt ve từ một loại tơ tằm của áo cũ một thời nào, xôn xao từng tế bào da thịt.
Cuối đường ấy sẽ dẫn về đâu? Cây xanh ngăn ngắt. Trong cái
khối xanh chập chùng giữa buổi chiều nắng ấm, cùng chút gió hiu hiu… Thứ không
khí ấy có gì rất quen thuộc. Lòng tôi lâng lâng.
Bây giờ, đứng trên tầng lầu này, tôi vẫn nhìn thấy nó
dưới kia, ngọn cây, nhánh lá. Trên cao nhìn xuống, những tán lá ngập nắng. Cái
màu rêu buồn mà khi nãy tôi đã ngước nhìn lên xem chừng vui hơn, tươi hơn. Bóng
cây đổ xuống đường. Bóng luôn là một hình ảnh đẹp, cái đẹp mong manh vì dễ dàng
tan biến, đổi thay cùng ngoại cảnh. Nhưng nó không phải là ảo ảnh. Cách nào thì
tôi cũng đã sống vui buồn với những chiếc bóng khi ẩn, khi hiện. Tôi sẽ không
còn là tôi khi những chiếc bóng bay đi.
Tôi vừa lan man
gì đây? Trước khi đến đây tôi đã muốn xua đuổi mọi thứ trong đầu…
Nơi tôi cần đến là một trong hai căn phòng
được xây sát theo chiều dọc, trên tầng lầu của thư viện. Phòng khá rộng với những
dãy bàn ghế xếp ngay ngắn như một lớp học và cửa phòng luôn được đóng kín. Gọi
là kín nhưng tất cả những gì bên trong, đứng phía ngoài nhìn vào đều thấy rõ mồn
một, bởi cửa phòng là một khung kiếng rộng, trong suốt.
Ngoài những kệ
sách uy nghi, thư viện còn có những chiếc bàn tròn, những ghế bành thấp được đặt
rải rác khắp nơi, mang đến một cảm giác thoải mái, mời gọi những bờ lưng. Ngồi
đó, người ta có thể nhìn thấy đường phố, nhà cửa, cây cỏ, hoa lá bên ngoài qua
những bức tường kiếng. Tất cả chừng ấy thứ cho thấy, đọc, không phải chỉ cần những
trang sách.
Nhưng bây giờ tôi
lại do dự không biết mình chọn chỗ ngồi nào? Vào hẳn trong căn phòng kia như
bao lần hay ngồi nơi góc nhỏ này, trong chiếc ghế mây lót nệm mà vải bọc in
hình những ngọn trúc xanh tươi mát, như có ý ngầm bảo chiếc ghế này được tạo ra
từ những thân trúc ở một xứ sở nhiệt đới nào đó. Và biết đâu nó được mang đến từ
Việt Nam.
− Lâu lắm mới thấy
bà trở lại, có lẽ bà đang tập trung viết gì đó phải không?
Câu hỏi làm tôi
giật mình. Tôi nhìn người đàn bà ngơ ngẩn:
− Tôi viết gì nhỉ?
Tôi có viết gì đâu…
Nụ cười của người
đàn bà như cái chốt khóa xinh xắn của một chiếc hộp ký ức. Chỉ nhấc nhẹ một nấc,
chiếc hộp được mở ra. Gương mặt bà và những gì vừa hiện về trong tâm tưởng làm
tôi cảm động.
Bao năm rồi tôi mới
quay lại nơi này, vậy mà người quản thủ thư viện vẫn nhìn ra tôi. Hình như tôi
chưa từng nói gì về mình với bà ấy, nhất là chuyện viết lách. Chúng tôi chỉ
chào nhau khi tôi đến và chia tay lúc về. Nếu có, là vài câu chuyện về nắng
mưa, thời tiết.
Bà ngồi nơi quầy
tiếp tân này và tôi ngồi trong kia. Hai chỗ ngồi cách nhau bởi một lối đi nhỏ,
nhưng vị trí cả hai nơi gần như đối diện. Vô tình hay cố ý tôi không rõ, nhưng
tôi biết bà đã từng quan sát những động tĩnh của tôi qua bức tường thủy tinh
trong suốt.
Phòng dành cho những
sinh viên, học sinh đến luyện bài vở, nhất là vào mùa thi. Với họ, có lẽ tôi là
người già nhất, và thường xuyên lui tới. Tôi không mang dáng vẻ của một cô giáo
vào thư viện soạn bài, hay một nghiên cứu sinh đang dày công tìm tòi một luận
án nào đó. Chỗ ngồi của tôi được thu hẹp gọn gàng, không một thứ sách vở, giấy
tờ nào vương vãi trên bàn, ngoài chiếc máy tính. Tôi cũng không cắm dây nghe từ
máy vào tai như bọn trẻ. Hoặc tôi đọc, hoặc tôi viết. Nhưng ai có thể mang máy
đến thư viện ngày này sang ngày nọ chỉ để đọc. Hẳn bà đã nghĩ điều này. Tôi viết,
bà ấy tin là tôi viết gì đó, cũng nào có sai.
Năm tháng ấy là
những ngày hè mà cái nóng hung hãn khác thường. Tôi tìm đến đây tận hưởng thứ
không khí mát lạnh là chính, viết là phụ. Bởi vì khi cần viết thì bất kỳ nơi chốn
nào, ngồi đâu tôi cũng viết được. Ở nhà, một góc trong căn bếp nhỏ, cũng là một
bàn viết lý tưởng của tôi.
Tôi hướng mắt
nhìn vào căn phòng:
− Tôi không viết
gì cả, tôi cần đọc. Tôi sẽ ngồi đây, dành chỗ trong ấy cho bọn học trò.
Tôi nói và chỉ
chiếc ghế mây, nơi tôi có thể nhìn thấy tàn cây và con đường phía xa. Nếu muốn,
tôi có thể đếm được bao nhiêu chiếc xe bus đã dừng lại trên quãng đường này.
Những lời tôi vừa
nói với người đàn bà là những lời rất thật. Tôi không có một ý tưởng nào để viết
trong lúc này. Nhưng tôi đến đây vì rảnh rang, vì cần một sự yên tĩnh. Dẫu căn
nhà tôi ở, những tiếng động ồn ào chỉ có khi những cánh cửa sổ được mở ra.
Sau khi hoàn tất một cuốn tiểu thuyết. Một
câu chuyện mà khi viết, tôi cảm tưởng như đang trầm mình trong một cơn sốt. Tôi
mê man, mộng mị. Tôi viết như mở cánh cửa của một căn nhà từ lâu đóng kín. Căn
nhà tôi đã từng sống và bỏ đi. Tôi hân hoan tìm lại những chiếc bóng của mình ẩn
hiện trên từng đồ vật. Căn nhà có một chiếc tủ thấp nhiều ngăn. Mặt tủ đầy bụi
bám và có những khe nứt ràn rụa, chạy dài theo từng sớ gỗ. Chúng như những giọt
lệ tức tưởi vì bị ruồng rẫy, lãng quên.
Những gì đã được
cất giấu bên trong các ngăn kéo kia? Tôi kéo thử một ngăn, nhưng không cách nào
mở được. Một nơi không có sinh khí, hoang liêu, chiếc tủ không được ngó ngàng tới
có khác nào một xác chết của thời gian, khác nào một quan tài.
Và tôi đã mở tung
chiếc tủ, những ngăn kéo, bằng tất cả sức lực của mình. Ngôi nhà này không thể
là một nghĩa trang, mãi mãi. Tôi phải tháo khối gỗ này ra từng mảnh nhỏ, mang
nó ra khỏi nhà đến một nơi của riêng nó, một cánh đồng, một khu rừng, một hố
sâu.
Tôi tưởng khi cái
xác gỗ nặng nề không còn hiện diện trong ngôi nhà này nữa, ngôi nhà sẽ thoáng
hơn, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nhưng tôi lại chơi vơi như thân thể bị mất
trọng lực. Tôi rơi trong tịch mịch buồn bã.
Nhiều tháng nay
tôi đã như thế.
Cuốn sách được kết
thúc cũng vào giữa tháng 4. Vì những háo hức, những cơn tỉnh-mơ của tác giả.
Trong những trang chữ, có những chữ bị nhầm lẫn trở thành sự sơ suất tệ hại.
Tôi tạo ra nó, nhưng không quyết định nó sẽ được ra đời vào khoảng thời gian
nào. Sao lại là tháng 4? Mà đâu phải chỉ có cuốn tiểu thuyết ấy? Tôi còn bao
nhiêu truyện ngắn mà những con chữ trượt ngã, chấp chới, hụt hẫng trên những muộn
phiền.
Tháng 4, ngọn
tháp cao lừng lững, đỉnh giáo đường, dòng sông, cây cầu xám, đền đài, và những
pho tượng trên phố, vào những sớm mai, vẫn còn huyễn hoặc một màu sương đục.
Nhưng những hoa cúc dại đã nở trắng trên bao thềm cỏ.
Tháng 4, thiên
nhiên dậy thì, hứa hẹn một mùa xuân sắc. Những cánh primevère đủ màu đã hé cánh
trên những mảnh sân, những con đường đất sau nhà. Chẳng bao lâu nữa sẽ là hoa
muguet, jonquille, iris, lavande…, nhưng dường như tôi không còn háo hức với sự
thay đổi sống động của mùa màng, thời tiết.
Tháng 4, tôi muốn
đóng mọi cánh cửa. Cánh cửa của ký ức, tưởng tượng, tưởng nhớ.
Tôi không muốn thấy
lại hình ảnh những chiếc tàu trên biển, những cánh tay chới với đưa lên, những
vòng kẽm gai, những con mắt thất thần, ngơ ngác. Tôi không muốn nhìn thấy phố
phường tán loạn, tan hoang. Nghe động cơ hối hả cất lời vĩnh biệt từ những khối
sắt lạnh lẽo bay trên bầu trời. Những khối sắt lù lù chuyển mình trên phố tôi,
nghiến nát bao lòng đường êm ả. Tôi không muốn nghe lại những bài hát não nề
khúc ly hương, di tản. Tôi không muốn đọc báo, những bài báo mới hoặc cũ đều có
những chữ “cuối cùng” hay “sụp đổ”. Những từ ngữ như những vết dao đâm.
Tôi không muốn
nhìn thấy những bộ xương khô với những miếng kim khí hoen rỉ, mà cho đến bây giờ
người ta vẫn tìm thấy nơi một góc rừng, một cánh đồng, một hầm hố…, một nơi của
đất trên quê hương tôi.
Tôi muốn quên,
quên luôn những gì đã viết ra, dù truyện tôi không hề có những hình ảnh tang
thương này. Nhưng đó là một dấu mốc khởi đầu, nhỏ nhoi, nằm trong một vòng vây
bao la nghiệt ngã của định mệnh, vận mệnh. Thứ vận mệnh thống khổ, phủ trùm lên
số phận nhược tiểu của một dân tộc.
Một độc giả trẻ
nói rằng: văn chương tôi được viết bằng một ngòi bút tận tụy với quá khứ. Bạn
đâu biết, khi mở lại những ngăn ký ức, dù đẹp, dù vui là đã tự bóc ra những vết
thương của chính mình. Những vết thương không bao giờ lành, vì chúng ta đã mất
đi nơi chốn mà từ đó những kỷ niệm đã được sinh ra. Cách nào thì tất cả đã mất
từ một mùa xuân.
Tháng 4, tôi muốn
quên tôi, đừng là tôi nữa.
Nhưng làm sao tôi
có thể hóa thân là một người khác?
có người Việt
nào không thương về dĩ vãng
có người Việt
nào không tôn thờ kỷ niệm
có người Việt
nào không cảm nhớ chiều
có người Việt
nào không hoen ướt mưa [1]]
Phải rồi, tôi
cũng như bạn thôi, hỡi người họa sĩ làm thơ!
Tôi là người Việt
Nam không còn tuổi trẻ, không còn tương lai để hướng tới. Tôi ngoái về quá khứ,
quá khứ của một người Việt ly hương, từ một quê hương rách nát.
Tôi ngồi đây với chiếc máy tính. Tôi không
viết, không đọc. Tôi ngồi ngắm một tàn cây trong nắng. Chỉ là một thân cây già
nua, những bóng lá, đường trưa và những hạt bụi vô hình cũng khiến tôi nhớ phố
xưa. Nhớ những cơn mưa nhỏ ngày nào rơi đều trên lá, những cánh áo tình nhân dập
dìu, vui, chiều hò hẹn.
Nếu còn viết nữa,
những con chữ của tôi lại sẽ nói về những phiền muộn, những chiếc bóng âm u tiếc
nhớ. Không thể nào khác hơn, vì những chiếc bóng thủy chung như hơi thở, chúng
sẽ theo tôi đến cuối đời. Nhưng thực sự, bóng theo tôi hay chính tôi đã khư khư
ôm giữ nó như một thứ gia tài chắt chiu, dành dụm? Tất cả được trải rộng bằng
chữ. Tôi và chữ, chữ và tôi lại cùng nhau thủ thỉ những nỗi buồn, nếu tôi còn
viết nữa.
Ngồi nơi này,
trong ánh nắng chiều chợt tưởng về một nơi khác. Bóng ngày chập chờn, hòa nhập
bóng đêm.
Đêm, trăng thật
sáng, sương thật mềm
Ngày, nắng-gió
cùng hương khói bay lên
Nơi, một không
gian bát ngát tịch lặng, mặc nhiên đón nhận bao thời tiết của đất trời. Vì những
con người ở đó không kêu ca, than phiền hay kháng cự.
Một nơi, đất thơm
lừng mùi vàng mã.
Tháng 4, tròn 50 năm thương tiếc. Trọn vẹn
nửa kiếp người. Nhưng từ đó đã là một thiên thu.
Đặng Mai Lan
(Mùa thương tiếc/
2025)
[1] Thơ của Đinh Trường Chinh