Đó là những ngày tháng rất khó khăn sau 1975, mà ngày nay ít ai trong giới trẻ biết dù họ thỉnh thoảng nghe đến cái gọi là ‘Thời Bao Cấp’. Càng ít người nghe qua về chế độ tem phiếu, đốt sách, Đánh tư sản, Kinh tế mới, tù cải tạo, thảm nạn Thuyền Nhân, v.v.
Tem phiếu
Tem phiếu thời sau 1975. Ví dụ: Một người dân được
tiêu chuẩn 150 gram thịt mỗi tháng (tương đương với mức tiêu thụ thịt trung
bình trong 1 ngày hiện nay của người trưởng thành), nhưng các cán bộ nhà nước
thì được hưởng 300 gram đến 500 gram mỗi tháng, tuỳ theo cấp bậc. Gạo cũng được
phân phối theo chế độ tem phiếu, và tiêu chuẩn theo giai cấp rất rõ rệt.
Một phần trong nền kinh tế mới sau 1975 là ‘chế độ tem phiếu’.
Mặc dù nó đã có từ 1957 ở miền Bắc, nhưng dân trong Nam chẳng biết gì! Theo
chánh sách tem phiếu này, tất cả nguồn lương thực, thực phẩm và nhu thiết yếu
cuộc sống được phân phối qua tem phiếu được cấp cho mỗi gia đình.
Nhà nước có những tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi giai tầng trong
xã hội. Một người dân được tiêu chuẩn 150 gram thịt mỗi tháng (tương đương với
mức tiêu thụ thịt trung bình trong 1 ngày hiện nay của người trưởng thành),
nhưng các cán bộ nhà nước thì được hưởng 300 gram đến 500 gram mỗi tháng, tuỳ
theo cấp bậc. Gạo cũng được phân phối theo chế độ tem phiếu, và tiêu chuẩn theo
giai cấp rất rõ rệt.
Những tiêu chuẩn như thế không thể nào đủ sống. Hậu quả là
người dâ bị đói. Nên nhớ rằng miền Nam, đặc biệt là miền Tây, là vựa lúa của cả
nước và người dân ở đây chưa bao giờ thiếu gạo ăn. Ấy vậy mà sau 1975 người dân
bị đói vì thiếu gạo! Người ở thành thị đói hơn người ở nông thôn.
Danh từ ‘ăn độn’ có nghĩa là người ta phải trộn gạo với các
nguyên liệu khác như khoai mì, đôi khi lên đến 60-70% để có một bữa ăn. Kiên
Giang là tỉnh nông nghiệp, vậy mà ở Rạch Giá gạo được xem là hàng quí hiếm đến
mức người ta phải cất giữ nó như sâm quí, chỉ dùng để nấu cháo khi đau ốm.
Đổi tiền
Ngày 22/9/1975, chánh quyền mới ra lệnh đổi tiền, 500 đồng
tiền VNCH đổi lấy 1 đồng tiền Ngân hàng Việt Nam tức loại tiền mới. Mỗi gia
đình (hộ khẩu) được đổi tối đa 200 đồng mới. Tiền cũ còn dư phải gởi vào ngân
hàng, rút ra và đổi từ từ.
Người dân xem là một biện pháp làm nghèo dân chúng. Sau 1975
ai cũng nghèo. Lúc đó, xuất hiện câu ca dao: “Năm đồng đổi lấy một xu,/ Người
khôn đi học [tập], thằng ngu làm thầy.”
Đốt sách
SGGP 26-10-1975. Chụp lại từ microfilm. Không ai biết
con số chính xác là bao nhiêu, nhưng có vài con số đã được báo cáo. Nhưng năm
1977, một cán bộ tại TPHCM nói với báo chí quốc tế rằng có khoảng 700 tấn sách
của miền Nam đã bị tịch thu và nghiền nát sau hai năm giải phóng. Ở Huế, một
cán bộ cho biết hàng chục ngàn cuốn sách và tranh ảnh ‘lạc hậu’ về ‘tình yêu ủy
mị’ và ‘tìm kiếm niềm vui thể xác’ đã bị đốt bỏ. Trớ trêu là sau này các sách
này trở nên quí hiếm hoặc được in lại.
Sau 1975, rất nhiều sách báo xuất bản trước 1975 ở miền Nam
bị thiêu huỷ. Nhà nước huy động thanh niên, thậm chí là trẻ em mang băng đỏ vào
nhà của người dân để lục soát, tịch thu các thể loại sách vở, báo chí, băng
đĩa. Một chủ tiệm cho thuê sách cạnh nhà thờ Ba Chuông (Quận 3, TPHCM) đã cho nổ
một quả lựu đạn khi các em nhỏ đeo băng đỏ xông vào nhà để tịch thu sách.
Không ai biết con số chính xác là bao nhiêu, nhưng có vài
con số đã được báo cáo. Nhưng năm 1977, một cán bộ tại TPHCM nói với báo chí quốc
tế rằng có khoảng 700 tấn sách của miền Nam đã bị tịch thu và nghiền nát sau
hai năm giải phóng. Ở Huế, một cán bộ cho biết hàng chục ngàn cuốn sách và
tranh ảnh ‘lạc hậu’ về ‘tình yêu ủy mị’ và ‘tìm kiếm niềm vui thể xác’ đã bị đốt
bỏ.
Linh mục André Gelinas cho biết một số lượng lớn trong khoảng
80,000 cuốn sách của thư viện Trung tâm Giáo dục Alexandre de Rhodes tại Sài
Gòn đã bị đốt bỏ theo chánh sách tiêu diệt ‘văn hóa tư sản’.
Đánh tư sản
Có đến ba chiến dịch “Cải tạo công thương nghiệp tư nhân”,
thường gọi là “Đánh tư sản” ở miền Nam. Các đợt Đánh tư sản được đánh mã số X1,
X2 và X3.
Đợt X1 khởi động sáng 9/9/1975, diễn ra tại 17 tỉnh thành miền
Nam và Sài Gòn. Mục tiêu chánh là nhà ở đô thị, tịch thu tài sản và buộc cư dân
phải di dời đến các vùng Kinh tế Mới.
Đợt X2 bắt đầu từ tháng 3/1978, kéo dài đến sau Đổi Mới (khoảng
1990). Đợt này tập trung vào tư thương, tiểu tư sản và các cơ sở sản xuất nhỏ –
vốn là nền tảng kinh tế tự do được chính quyền VNCH hỗ trợ.
Song song với X2, đợt X3 diễn ra mạnh mẽ tại Sài Gòn, do Đỗ
Mười trực tiếp chỉ huy. Mọi cửa hàng kinh doanh, từ lớn đến nhỏ, đều bị UBND
TP.HCM ra lệnh đóng cửa. Các cơ sở buôn bán, nhà hàng, kho bãi, dịch vụ bị niêm
phong. Tổ công tác bất ngờ ập đến, kiểm soát tài sản, khống chế gia đình, không
cho ra vào. Mỗi tổ niêm phong gồm ít nhất ba người từ các cơ quan khác nhau,
không quen biết nhau, bao gồm thanh niên xung phong, công nhân, sinh viên và
thanh niên địa phương.
Hậu quả là ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng và
gia dụng bị phá hủy hoàn toàn. Các nhà máy nhỏ sản xuất nhu yếu phẩm như đường,
bột giặt, giấy cũng ngừng hoạt động do chủ sở hữu bị quốc hữu hóa.
Nhà báo Huy Đức viết: “Không chỉ bị ‘tước đoạt tài sản’, các
nhà tư sản còn bị buộc phải rời thành phố, cho dù, cũng như nhiều chính sách
làm xáo trộn xã hội lúc bấy giờ, chủ trương đưa các nhà tư sản đi kinh tế mới
cũng không được công bố một cách công khai, minh bạch. Ngày 10-4-1978, trên báo
Sài Gòn Giải Phóng xuất hiện một bài báo dưới dạng ‘hỏi-đáp’, kiểu như một tài
liệu được soạn sẵn rồi phát cho các cơ quan báo chí. Tính cưỡng bức của chính
sách mà tài liệu này thể hiện là rất mạnh mẽ.”
“Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: ‘Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải
tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền
Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo
tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản
nhưng tràn lan hơn. Anh Đỗ Mười làm cải tạo cũng thành thật lắm. Giữa thập niên
1980, khi tôi ra Hà Nội vẫn thấy anh Đỗ Mười kêu những người buôn bán là bọn
con buôn’. “
Kinh tế mới
Ngày nay, ít ai nhớ đến danh từ ‘Kinh tế mới’, nhưng thời đó
(1975) là một nỗi ám ảnh lớn của cư dân Sài Gòn. Chủ trương là di dời 5 nhóm
dân sau đây ra vùng kinh tế mới (theo lệnh ngày 19/5/1976):
• Người thất nghiệp
• Người cư ngụ bất hợp pháp
• Người cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức
và quân nhân VNCH
• Tiểu thương gia, tiểu địa chủ, đại thương gia
• Người gốc Hoa, dân theo đạo Công giáo.
Có lẽ ý tưởng chánh là giảm số người thuộc VNCH tập trung ở
những đô thị. Trong thời gian 1975-80, đã có 832.000 người từ Sài Gòn bị di dời
về vùng nông thôn. Phương pháp di dời bao gồm cưỡng bức, thu hồi hộ khẩu, rút
thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di
chuyển ra vùng nông thôn.
Cư dân thành thị bị di dời đi vùng Kinh Tế Mới. Trong
thời gian 1975-80, đã có 832.000 người từ Sài Gòn bị di dời về vùng nông thôn.
Phương pháp di dời bao gồm cưỡng bức, thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các
nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải di chuyển ra vùng
nông thôn.
Theo tài liệu trong nước: “Chỉ trong vòng vài năm,
chúng ta đã đưa được 1,300,000 người từ các nơi trong cả nước đến các vùng kinh
tế mới và đã khai hoang, phục hóa được ngót một triệu hecta đất. Ủy ban nhân
dân thành phố Sài Gòn vạch kế hoạch đưa trên trên một triệu đồng bào không trực
tiếp lao động sản xuất đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn một năm sau, đến tháng
6-1976, Sài Gòn đã tổ chức cho gần 30 vạn dân đi các vùng kinh tế mới, lập
thành 94 xã, trong đó 82 xã ổn định về đất canh tác và thổ cư.” (Lê Mậu Hãn, Trần
Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục,
2001, tr. 282.) Một thống kê khác cho thấy từ năm 1976 đến năm 2000 (25 năm),
có 5 triệu người bị cưỡng bách di dân đi vùng kinh tế mới. (Lâm Văn Bé, bđd.
tr. 134.)
Tù cải tạo
Tù cải tạo là một vấn đề nhức nhối cho đến ngày nay. Sau
1975, nhiều người từng phục vụ trong chế độ VNCH tình nguyện đi học tập vì nghĩ
rằng chỉ vài tuần là xong, nhưng không ngờ có nhiều người phải đi cả chục năm
trời. Có nhiều người qua đời trong các trại tù cải tạo.
Chánh quyền mới không cho biết con số tù nhân cải tạo là bao
nhiêu. Nhưng Encyclopedia of the Vietnam War, sau năm 1975, số sĩ quan, công chức
và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số NVN lúc đó
khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam; theo đó khoảng
500,000 được thả về trong 3 tháng đầu; 200,000 bị giam từ 2 đến 4 năm; 250,000
bị giam ít nhất 5 năm, và năm 1983 (tức sau 8 năm) còn khoảng 60,000 người bị
giữ lại.
Theo một bài báo: “Trong số trên 1,000,000 người bị tù sau
năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165,000 nạn
nhân đã từ trần trong các trại tù cải tạo”.
‘Thuyền nhân’
Sau 1975, nhiều người (kể cả giới trí thức) không thấy tương
lai trên quê hương, nên họ tìm đường vượt biên. Nhiều người tù cải tạo sau khi
được trả tự do họ đều tìm đường vượt biên.
Chế độ mới áp dụng ‘chủ nghĩa lí lịch’, nên ngay cả con em của
họ cũng không có cơ hội học đại học và đóng góp. Chẳng hạn như trong qui chế chọn
sinh viên đại học, họ chia học sinh thành 14 nhóm theo lí lịch của thân nhân.
Nhóm 1 và 2 là con em của ‘gia đình cách mạng’ và được ưu tiên cho học dù năng
lực học tập của họ rất kém. Ngược lại, những học sinh trong nhóm 13 và 14 sẽ
không được đi học đại học vì được xem là con em của ‘những sĩ quan cao cấp, hay
là sĩ quan công giáo’.
Những người không thấy tương lai đành phải ra đi: vượt biển.
Rất khó biết chính xác có bao nhiêu người Việt đã vượt biên.
Nhưnh theo Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong thời gian 1975-1995, có chừng
800,000 người Việt vượt biên bằng đường biển và chừng 100,000 bằng đường bộ. Đa
số là xảy ra trong thời gian 1975-1985 vì đó là ‘cao trào’ của làn sóng vượt biển.
Theo một nghiên cứu trên những thuyền nhân tới Thái Lan thì
đa số (trên 50%) thuyền tới bờ bị hải tặc Thái Lan tấn công. Vẫn theo Cao Uỷ Tị
Nạn Liên Hiệp Quốc, có ít nhứt 10% người vượt biển bỏ mạng ngoài khơi, ‘vĩnh viễn
không bao giờ tới miền đất hứa’. Dựa vào đó, chúng ta có thể ước tính rằng có
ít nhứt 100,000 người Việt đã nằm trong lòng Biển Đông.
***
Sau năm 1975, miền Nam Việt Nam trải qua những biến đổi sâu
sắc và đau thương dưới các chánh sách mới. Chế độ tem phiếu đẩy người dân vào cảnh
thiếu đói, đặc biệt tại các đô thị, nơi gạo trở thành hàng hiếm ngay cả ở vùng
lúa gạo như miền Tây. Chiến dịch đốt sách phá hủy di sản văn hóa miền Nam, với
hàng ngàn (?) tấn sách bị nghiền nát, xóa bỏ dấu ấn của một nền văn hóa tự do.
Các đợt “Đánh tư sản” (X1, X2, X3) triệt tiêu nền kinh tế tư nhân, tịch thu tài
sản, buộc hàng ngàn người rời bỏ thành phố đến vùng Kinh tế Mới trong điều kiện
khắc nghiệt.
Chánh sách di dời dân, tù cải tạo, và chủ nghĩa lí lịch gây
ra sự phân biệt đối xử nặng nề, đẩy hơn một triệu người vào các trại giam,
trong đó hàng chục ngàn người thiệt mạng. Hậu quả là làn sóng vượt biên ồ ạt, với
khoảng 1 triệu thuyền nhân, nhưng ít nhứt 100.000 người đã bỏ mạng trên biển.
Những tổn thất về vật chất này để lại một vết thương tinh thần
và xã hội, khiến hàng triệu người mất đi cơ hội xây dựng tương lai trên chính
quê hương mình.
Cũng may vì từ giữa thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu quá
trình Đổi Mới (thật ra là quay về cách làm đúng, chứ chẳng ‘mới’), đánh dấu bước
ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị
trường. Chánh sách này đã mở ra cơ hội phục hồi kinh tế và cải thiện đời sống
người dân.
Các hạn chế từ chế độ tem phiếu dần được gỡ bỏ, người dân được
tự do kinh doanh, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhẹ khởi sắc trở lại.
Nông dân được giao quyền sử dụng đất, sản lượng lương thực tăng, đưa Việt Nam từ
chỗ thiếu đói trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhìn vào quá trình phát triển sau ‘Đổi Mới’ ai cũng nghĩ rằng
Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội phát triển hơn ngày nay. Đáng lí ra Việt Nam ta đã
khá hơn nhiều.
Việc tập trung vào tăng trưởng kinh tế ngắn hạn thay vì đầu
tư dài hạn vào giáo dục, công nghệ, và cơ sở hạ tầng chất lượng cao khiến Việt
Nam chưa thể sánh ngang với các ‘“con rồng’ châu Á như Nam Hàn hay Singapore.
Ngoài ra, sự lệ thuộc vào Tàu và xuất khẩu thô và gia công, đã hạn chế khả năng
cạnh tranh toàn cầu. Dù vậy, với dân số trẻ và hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt
Nam vẫn còn cơ hội vươn lên nếu tập trung vào đổi mới sáng tạo, giáo dục, và quản
trị hiệu quả trong tương lai.
Nói thêm:
– Chưa nói ở nông thôn thì nông dân cũng khốn khó với chánh
sách hợp tác xã. Với chủ trương “ruộng đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân,
nhưng do nhà nước quản lí”, tất cả ruộng đất tư nhân đều bị quốc hữu hóa và
nông dân, điền chủ đều phải vào hợp tác xã nông nghiệp. Gia đình tôi cũng
mất cả 200 công đất và 3 chiếc máy cày cho hợp tác xã.
– Dạo đó (1978), Nhà nước lên một kế hoạch đưa người
Hoa vượt biên theo cách thức có tên là “Phương Án II”. Theo đó, Nhà nước thu
vàng và tiền của dân để đóng tàu cho họ vượt biên, với lời hứa là công an sẽ
không ngăn cản hay bắn khi họ còn trong vùng biển Việt Nam. Sự ra đời của
Phương Án II (PA2) này được ghi lại trên giấy trắng mực đen của Ban 69:
“Cay cú trước thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải
phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc của nhân dân ta, bọn bành trướng Bắc Kinh sử
dụng bọn Pôn-pốt đánh phá ta từ phía Tây Nam, đồng thời âm mưu dùng đội quân thứ
năm để gây bạo loạn lật đổ từ bên trong phối hợp với hành động chiến tranh từ
bên ngoài, gây ra vụ ‘nạn kiều’ tạo nguyên cớ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở
biên giới phía Bắc. Phối hợp với các thế lực đế quốc, phản động quốc tế, chúng
mở chiến dịch tuyên truyền nói xấu ta; vừa kích động người Hoa chạy về Trung Quốc
với cái chúng gọi là ‘nạn kiều’. Để phá tan một nguy cơ có thể gây ra tình hình
phức tạp về chính trị, Trung ương chủ trương giải quyết đối với người Hoa với
ba phương án: cho họ ra nước ngoài theo con đường Liên Hợp Quốc HCR (gọi tắt là
PA1); cho họ ra nước ngoài làm ăn (gọi tắt là PA2); cho họ đi các địa phương sản
xuất theo khả năng của họ (gọi tắt là PA3). Nhưng họ chọn con đường đi làm ăn ở
nước ngoài, Trung ương giao cho Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức thực hiện PA2 này”.
Chỉ non 1 năm (từ 8/1978 đến 6/1979) có 15 tỉnh thành tổ chức
vượt biên theo PA2. Số người ra đi là khoảng 134000 người, và Nhà nước thu được
16181 kg vàng cùng 164505 USD, 538 xe hơi, 4154 căn nhà hay gian nhà. (Tuy
nhiên, địa phương báo cáo chỉ có 60,000 người đi, và Nhà nước đã thu về 5612 kg
vàng cùng 57000 USD, 235 xe hơi, 1749 nhà và gian nhà). Báo cáo láo đã có từ thời
đó.
Một trong những sự kiện bi thảm nhứt trong những chuyến tàu
vượt biên bán chánh thức này là vụ Cát Lái. Giữa tháng 7/1979, dưới sự canh gác
của công an, một nhóm người chờ lên tàu vượt biên. Chiếc tàu vượt biên mới đóng
có 3 tầng, dài 30 m và rộng chỉ 10 m. Những người mua vé tầng dưới thì do diện
tích quá nhỏ, nên cảm thấy ngột ngạt, và họ phải trèo lên tầng trên. Số người ở
tầng trên quá nhiều làm cho con thuyền bị mất cân bằng, chao đảo, dẫn đến hỗn
loạn trên thuyền, và sau cùng là chìm. Đa số những người đi trên tàu là người
Hoa làm nghề buôn bán, nên họ không biết bơi lội. Thật ra, dù biết bơi lội thì
họ vẫn khó sống sót, nhứt là khi ở trong 2 tầng dưới của tàu.
Phải đến 3 ngày sau, nhà chức trách mới kéo con tàu lên. Nhà
chức trách đếm được 227 người chết, chỉ có chừng 40 người sống sót. Một viên sĩ
quan cứu hộ kể về những trường hợp mẹ con cùng chết:
“Chúng tôi vét sạch hòm ở các quận. Khâm liệm xong vẫn còn
dư mấy cái vì có bốn trường hợp phải chôn đôi bởi các bà mẹ trước khi chết ôm
chặt lấy con mà chúng tôi thì không nỡ tháo khớp tay họ ra để chia lìa tình mẫu
tử”.
Nhưng Cát Lái không hẳn là sự kiện duy nhứt, vì trong thực tế
có vài sự kiện Cát Lái khác ở các tỉnh Bến Tre (1 tàu chìm, 54 người chết);
Long An (1 tàu chìm, 38 người chết); Nghĩa Bình (1 tàu chìm, 78 người chết); và
bi thảm nhứt là Tiền Giang (3 tàu chìm, 504 người chết). Tính chung, Phương Án
II đã trực tiếp hay gián tiếp gây cho 902 cái chết.
Câu chuyện trên được Huy Đức viết trong Bên Thắng Cuộc.