Đó là thời gian tôi bị đưa đi giám định tâm thần, phải trải
qua những ngày khủng khiếp mà tôi thà chết đi trăm lần còn hơn phải sống qua 6
tuần kinh khủng ấy.
Tôi không bao giờ muốn nhớ đến nó, nhưng thỉnh thoảng cơn ác mộng đó lại hiện về khiến tôi rùng mình không chịu nổi. Nên tôi quyết định một lần viết ra với hi vọng vĩnh viễn xua đi được cái ký ức kinh hoàng kia.
…..
Để nhập Viện Pháp y chữa bệnh, hoặc làm cơ sở cho việc truy
tố hay xử án, mỗi phạm nhân tâm thần phải trải qua khâu giám định để kết luận bị
tâm thần hay không, và tâm thần ở thể nào, mức độ nào, để quyết định mức án hoặc
phương pháp chữa trị.
Khu giám định nằm trong Viện Pháp y. Phạm nhân tâm thần phải
ở đây khoảng 6 tuần chịu sự theo dõi tâm lý, hành vi, và các bước kiểm tra thần
kinh, trước khi hội chẩn và kết luận.
Riêng tôi, từ khi bị bắt giam đến lúc mãn hạn tù đều là người
tù chính trị duy nhất ở nơi bị giam. Ở trại giam số 2, gần 4000 người tù chỉ
mình tôi là tù chính trị. Bởi vậy suốt thời gian ở tù tôi đơn độc, không bao giờ
có bạn tù đồng chí hướng nào cả.
Ở Viện cũng vậy, tôi chỉ có một mình, mà theo quy định thì
tù chính trị không được ra ngoài, và giam riêng. Nên tôi bị giam một mình ở buồng
số 1. Buồng này chỉ khoảng 5m2, cửa luôn khoá, ngoài cửa là một Công an nghĩa vụ
ngồi canh.
Trong buồng ngoài chiếc giường sắt và cái bệ xí xổm ngay
chân giường, thì chỉ còn lại khoảng trống 2m2. Cái bệ xí đen xì cáu bẩn nhiều
năm không cọ rửa, cũng không có chổi và dụng cụ khác để bệnh nhân tự dọn dẹp, cọ
rửa. Buồng số một nằm ngay cạnh khu vệ sinh công cộng, mùi khai thối sực lên suốt
đêm ngày, đến nỗi mũi tôi bị điếc luôn, chỉ ngửi thấy mỗi mùi nước tiểu.
Trong phòng có camera theo dõi cả ngày đêm, nên lúc vệ sinh
hoặc tắm rửa cũng ko thể riêng tư kín đáo được, mặt khác bên ngoài nhìn vào
cũng thông thống không có gì che chắn, rất ngượng. Đến bữa, một phạm nhân lùa
cái khay cơm vào qua khe cửa cho tôi chứ không mở khoá.
Tuy nhiên, tất cả những khốn khổ ấy không là gì so với nỗi
khổ của tôi từ bệnh tật. Ở chỗ tạm giam hàng ngày tôi được phát hai viên thuốc
thần kinh. Nhưng sang đây thuốc bệnh bị cấm, họ muốn bệnh phát triển tự nhiên để
bác sĩ đánh giá bệnh tật được chính xác hơn.
Không có thuốc, những cơn stress phát lên tột đỉnh, tôi điên
cuồng muốn vùng chạy thật nhanh, để đâm đầu vào bức tường ở đằng xa kia cho vỡ
tan ra. Nhưng phòng giam chỉ còn hai mét vuông trống thì tôi còn làm gì được?
Tôi thành con thú trọng thương bị nhốt trong cái lồng chật.
Những phạm nhân khác không bị nhốt như tôi, họ giam chung và
cho mở cửa ra sân đi bộ hoặc ngồi chơi, đến đêm mới khoá cửa lại. Hàng ngày các
phạm nhân nườm nượp đi qua cửa phòng tôi nhưng tuyệt đối không ngó vào, (mơ gì
đến chuyện họ dừng lại trò chuyện với tôi?). Bởi họ được khuyến cáo, rằng tôi
là “một tội phạm đặc biệt nguy hiểm cần phải tránh xa”. Tôi biết, người ta đề
phòng tôi vận động, tuyên truyền, lôi kéo những người tù ở đây. Những phạm nhân
đi qua nhìn tôi đúng như nhìn một con thú dữ đang bị nhốt trong lồng, sự kỳ thị
hiện rõ trong mắt những người điên đang có chút tự do ấy.
Chứng trầm cảm thường có một đặc điểm chung là BỒN CHỒN
trong người. Ở tôi nó nhiều hơn tất cả, nó khiến trong người tôi luôn như có lửa
đốt, cồn cào không thể ngồi yên, muốn đi, muốn chạy. Nhưng chỉ đi vài bước là
tôi lại muốn ngồi xuống, được vài phút lại muốn nằm, rồi lại ngồi dậy bước đi,
cứ như thế suốt đêm suốt ngày đám lửa đó không cho tôi yên lúc nào, cùng với cảm
giác chán sống, bất lực, sợ hãi tột đỉnh.
Kinh khủng nhất là ban ĐÊM. Đêm đêm tôi không ngủ, cứ bước
đi, rồi ngồi, rồi nằm, rồi lại đi, trong hai cái mét vuông khốn kiếp đó, chờ trời
sáng. Có lúc nửa đêm không thể chịu nổi, tôi gào lên thống thiết đòi thuốc ngủ,
nhưng tiếng kêu của tôi chỉ rơi tõm vào đêm tối, chẳng y tá nào phát thuốc cho
tôi. Hiếm hoi lắm có lần họ trả lời, thì cũng chỉ bảo: “Nằm xuống ngủ đi, lát nữa
vẫn không ngủ được thì sẽ mang thuốc cho”. Nhưng thuốc chẳng bao giờ tới.
Thôi thúc duy nhất trong tôi lúc đó là TỰ TỬ, để thoát khỏi
cơn khốn cùng này. Nhưng căn buồng trống trơn chỉ có 4 bức tường trơ trọi, chẳng
có vật gì để có thể tự sát. Đã thế bên ngoài lại luôn có một Công an canh gác,
và camera soi thường xuyên. Tôi sống không sống nổi mà chết cũng không chết được.
Trong vô vọng, tôi khắc khoải, nhọc nhằn đếm từng phút, từng
giờ mong thời gian 6 tuần chóng trôi đi để tôi sớm thoát khỏi cơn bĩ cực
này.
Thời gian cứ nặng nhọc chậm chạp nhúc nhích… Ba tuần trôi
qua, thì một hôm trong Viện có một bệnh nhân bị Covid, thế là họ giải tán hết bệnh
nhân, trả về các trại tạm giam. Tôi trở lại trại giam số 2, lòng kinh sợ nghĩ đến
việc sẽ phải quay lại nơi ấy thêm ba tuần nữa.
Lúc tôi mới nhận phòng, và trại chưa kịp bố trí hai phạm
nhân vào canh tôi như mọi khi, chỉ có tôi trong căn phòng, tôi vụt nhận ra cơ hội
duy nhất cho mình. Tôi xé vội chiếc quần dài, buộc 2 ống vào nhau qua cái song
sắt ở cửa trên, rồi trèo lên, chui đầu vào…
Bỗng bên ngoài có tiếng chân gấp gáp… Tiếng kêu la dừng lại ở
phòng tôi, tiếng chìa khoá tra vội vào ổ… Cửa bật mở, viên cảnh sát trực đêm xộc
vào, trừng mắt nhìn tôi giận dữ. Lúc đó tôi mới nhớ ra cái camera.
Vậy là nỗi khát khao được giải thoát của tôi đã thất bại.
*
Tôi tiếp tục ở trại tạm giam thêm một tháng, trước khi trở lại
Viện ở nốt 3 tuần khủng khiếp, rồi hội chẩn, kết luận, và chuyển sang Pháp y
tâm thần trung ương. Đoạn 3 tuần sau cũng giống như 3 tuần trước, nên tôi không
kể lại nữa.
P/S:
Sau này tôi mới biết buồng số 1 cũng chính là phòng từng
giam Trịnh Bá Phương* trước kia. Phương đã kiên cường vượt qua 6 tuần ấy, còn
tôi…
Nguyễn Thúy Hạnh