Nhớ Ân, Khánh, Oanh.
The Snow of Kilimanjaro (Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro) của Hemingway là một truyện ngắn đặc sắc. Cùng với những hồi ức của một nhân vật, một nhà văn, sống sôi nổi, thích phiêu lưu, là cái ân hận đã không ghi lại, viết lại, trước khi lìa đời, những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của mình.
Chẳng hạn, nhân vật đó đã trải qua một Giáng Sinh đã xẩy ra
rất lâu và đầy biến cố, “Nhưng hắn không hề viết một dòng nào về chuyện ấy,
cũng không viết gì về ngày Giáng Sinh lạnh lẽo, sáng rực, có những ngọn núi chạy
băng ngang qua những đồng bằng …” [1]
Trong một đoạn khác nói về cuộc tình đổ vỡ trong bối cảnh của
một thế giới lắm đổi thay mà hắn là nhân chứng – “hắn là người trong cuộc,
đã nhìn thấy cuộc sống ấy, và có bổn phận ghi chép lại; nhưng bây giờ hắn không
còn viết được nữa rồi.” [2]
Lại một đoạn khác: “Không, hắn không bao giờ viết về
Paris. Không phải thứ Paris mà hắn quan tâm. Nhưng những thứ khác hắn cũng chưa
bao giờ viết đến thì sao? Chẳng hạn cái trang trại và màu xám bạc của
lùm ngải đắng, dòng nước trong chảy nhanh dưới những mương rãnh, và màu xanh đậm
của cỏ linh lăng. Những con đường mòn chạy lên những ngọn đồi và đàn gia súc
vào mùa hè nhút nhát như nai. Tiếng kêu và tiếng động đều đều và cả đàn súc vật
di chuyển chậm chạp làm bụi tung lên khi người ta lùa chúng xuống vào mùa thu
…” [3]
Cứ thế, chen lẫn những hồi ức là những ăn năn, hối tiếc đã
không ghi lại những trải nghiệm đáng nhớ trong đời mình. Có lẽ người viết nào
cũng hơn một lần mang tâm trạng ăn năn, hối tiếc đó của Hemingway. Nhất
là những người sống xa quê hương hoặc lưu vong như chúng ta.
Tôi bỏ nước ra đi đã lâu ngày. Cách đây trên dưới 20 năm,
tôi trở về thăm. Bà con, bạn bè đón tiếp quá ư niềm nở c — điều đó khỏi phải
nói nhiều. Nhưng có điều này tôi rất ngại. Tôi không muốn gặp công an
khóm phường để phải khai báo tạm trú, tạm vắng. May thay, mấy người em họ của
tôi biết ý đã rất chu đáo làm công việc đó cho tôi. Chuyến về thăm ấy đã để lại
trong tôi ngổn ngang trăm thứ chuyện, vui buồn lẫn lộn. Lẽ ra tôi phải ghi lại
những mẩu chuyện đáng nhớ đã xẩy ra khi những người bạn rất thân yêu của tôi
còn tại thế. Gọi là giữ lại cho nhau chút ít kỷ niệm. Nhưng, một cách tình cờ,
tôi có ghi trong cuốn sổ nhỏ mấy chi tiết về chuyến đi trên sông nước. Chỉ chừng
đó thôi.
Ghi lại rồi để nằm yên đó. Cuốn sổ bỏ quên lâu ngày trong kệ
sách.
Một số bạn tôi đã qua đời. Tôi bỗng cảm thấy như mang một
món nợ đối với họ. Cho nên, hết nằm lại ngồi, giở cuốn sổ tay ra đọc, cố nhớ
thêm những gì đã xẩy ra của quãng thời gian xa xôi đó. Và loay hoay viết.
Sau khi ở lại Sài Gòn mấy ngày, thăm bạn bè, phố phường, tôi
ra Huế. Cùng đi, có người em họ, Â., và người bạn, O. Hai người rất thân thiết.
Hai bạn đã phải rán thu xếp công việc làm ăn hàng ngày để có thể dành riêng hơn
một tuần lễ cho tôi. Chúng tôi đồng ý với nhau đi bằng xe đò để được dễ dàng
ghé lại nhiều nơi, hay chí ít, từ trên xe nhìn quê hương cũ. Soát lại trí nhớ,
lòng bồi hồi. Có nơi nguyên vẹn như xưa, có nơi đổi thay không nhận ra nổi.
Xe ghé lại Nha Trang khá lâu cho hành khách nghỉ ngơi, giãn
tay giãn chân, và ăn trưa. Quán ăn khá lớn và tươm tất. Tôi và Â. ngồi vào bàn
chọn món ăn trên thực đơn trong khi O. đi quanh. Chàng này tính vốn hiếu động.
Xe dừng nơi nào hắn ta cũng rảo chân đi nhìn cái này, ngắm cái kia, hỏi han các
cô bán hàng, cười đùa.
Chỉ một chốc sau, O. trở lại bàn ăn với nụ cười toe toét,
bên cạnh là một cô nàng mắt xanh, tóc vàng. Xin mở dấu ngoặc: Trước 1975, cả ba
chúng tôi đều có dạy môn Anh văn ở Sài Gòn.
O. nói:
“Cái con nhỏ này ngồi một mình trước bàn ăn trông tội nghiệp
quá. Moa dẫn nó tới đây với tụi mình cho vui nghe.”
Hai chúng tôi đồng ý ngay. Một cô nàng phương Tây trẻ tuổi,
khoảng dưới 30, khá đẹp. Hỏi ra, cô là người Anh, tên là Katherine Faulkner.
Sau biết thêm cô là bác sĩ mới ra trường, đang đi du lịch mấy nơi ở Châu Úc,
châu Á, trước khi trở về Tô Cách Lan làm viiệc cho một bệnh viện. Cô cho biết
cô vừa từ nước Lào qua, và rất thích phong cảnh êm đềm bên Lào, và nhất là dân
Lào hiền hòa.
Chúng tôi vẫn biết người Tây phương, kể cả phái nữ, không ngại
đi du lịch một mình ở những nơi xa lạ.
Từ đó về sau, chúng tôi đi đâu, Katherine vui vẻ theo đấy, ở
chung khách sạn, riêng phòng.
Ra đến Hội An, chúng tôi ở lại qua đêm tại một khách sạn lớn.
Sáng hôm sau dậy sớm, Â và tôi định rủ O. đi bộ xem những con phố cổ ra sao.
Nghe nói Hội An trong buổi sáng sớm đẹp lắm, êm đềm và tĩnh lặng vô cùng. Nhưng
không thấy O. đâu cả. Chờ khá lâu, cũng không thấy. Có lẽ anh chàng hiếu động
này lại xuống dưới kia tán chuyện với cô tiếp tân xinh đẹp. Một khi O. đã bị
người đẹp hút hồn, khó kéo hắn đi nơi khác.
Â. và tôi cùng đi với nhau vậy. Danh bất hư truyền, Hội An
sáng tinh sương đẹp ngoài cả mong ước. Lúc trở về, cũng không thấy cái anh
chàng mê gái này, chúng tôi tới phòng tiếp tân hỏi. Họ cũng không biết gì hơn.
Một người bảo thử ra tìm ngoài hồ bơi, khá xa. Tôi hỏi đường đi.
Quả nhiên O. và Katherine đang ngồi bên nhau chuyện trò, ăn
mặc bình thường, nghĩa là không mặc đồ tắm. Thấy chúng tôi, Katherine vồn vã.
O. “thanh minh thanh nga.” Khi chia tay trở về phòng chuẩn bị đi ăn sáng, O. mời
cô nàng cùng đến ăn, và bạo mồm tỏ tình với cô nàng trước mặt hai chúng
tôi: I love you. Sau một cái mỉm cười nhẹ nhàng, cô ta nói với
chúng tôi rằng rằng bạn của hai anh quả là người nhanh nhẩu, tốt bụng, vui
tính. Anh ấy luôn luôn muốn làm vui lòng kẻ khác. Xoay qua O., cám ơn anh nhiều.
Ra đến Huế, chúng tôi ở tại một khách sạn gần sông Hương.
Sau mấy ngày đưa chúng tôi đi thăm bà con, thăm mộ, thăm lại những thắng cảnh,
mấy đứa em họ rủ đi “chơi trên sông, trên nước, mênh mông. Sẽ là một
chuyến đi ướt át đó anh.” Chúng tôi hoan nghênh ngay, dù mùa này Huế đang
mưa dầm. Katherine xin đi theo.
Một chiếc thuyền có hai mái chèo, có máy nổ, có mái che.
Thuyền khá lớn đủ để chở bốn người chúng tôi và khoảng mươi người nữa — đó là
những người em họ, vài đứa cháu của tôi, và vài đứa bạn của các cháu. Nhưng
không có phao nổi để phòng thuyền đắm. Katherine nêu lên điều đó. Chúng tôi bảo
không phao cũng không sao, chúng tôi quen vậy rồi. Cô nàng có vẻ ngạc nhiên, và
im lặng. Thật ra về sau này nhờ “văn minh” có nhiều phương tiện, và biết quý mạng
sống, nên đi thuyền trên sông, trên biển phải có phao, hoặc áo phao. Trước kia
khác. Chúng tôi lì lợm, chẳng cần phao, giống như trước kia.
Chúng tôi sẽ theo đường thuỷ đến núi Tuý Vân, có ngôi chùa cổ.
Khá xa. Tuý Vân gần cửa Tư Hiền, đi thêm một đoạn sẽ đến vùng Cảnh Dương rồi Cảng
Chân Mây. Tiếp theo sẽ đến Lăng Cô, và Đèo Hải Vân, nối liền Quảng Nam với Thừa
Thiên, Huế.
Mưa nhẹ. Thuyền neo tại bến đậu gần cầu Trường Tiền. Lên
thuyền lúc 8 giờ sáng, và hướng về Ngã Ba Sình, chỗ gặp của sông Hương và sông
Bồ. Nhìn phía trái, xa xa là lò gạch Nam Thanh chìm trong mưa mù, nằm giữa những
cánh đồng xanh man mác và ướt át. Khói từ lò gạch bay lên uốn éo trong khoảnh
khắc ngắn rồi lẫn trong màn mưa. Sóng càng lúc càng lớn khi thuyền đến gần ngã
ba sông.
Tới ngã ba sông, nếu rẽ trái sẽ đi trên sông Bồ, sẽ chạy qua
các làng Vân Cù, Liễu Cốc, Hương Cần bên trái con sông. Làng Phù Lương bên phải,
cũng gần đấy. Sông Bồ dài lắm, chảy qua nhiều làng quê khác nữa. Nhưng chúng
tôi rẽ về hướng cửa Thuận An, từ đó nếu theo hướng bắc sẽ đến bến đò Ca Cút,
các làng Thế Chí, Quảng Công, v.v …, và Phá Tam Giang. Chúng tôi sẽ theo hướng
nam.
Thuyền ghé lại chợ Quy Lai mua thịt heo, đùi heo còn
tươi gói vào lá chuối xanh, rau sống, ớt tỏi, chai nước mắm, bánh mì và mươi
lon bia. Nhân tiện tới thăm đình làng Quy Lai cổ kính cách chợ không xa, được xếp
vào Di Sản Văn Hóa Quốc Gia. Trở lại thuyền, chúng tôi hướng đến đầm Thanh Lam
rồi đầm Hà Trung, v.v…
Mưa càng lúc càng nặng hột, sóng càng lớn, đánh tung vào mạn
thuyền, nước bắn ướt mọi người. Mái thuyền hơi nhỏ không đủ che kín con thuyền.
Thảo nào mấy em họ của tôi đã nói đây là “một chuyến đi ướt át.” Phái nữ được
ngồi bên trong. Cũng may trên thuyền có mấy cuộn bao ny-lông. Những chàng thanh
niên vội lấy kéo cắt cuộn ny lông ra thành từng vuông quấn quanh vào người. Tuy
thế ai nấy đều bị ướt át, vì trên thì mưa to, dưới thì nước bắn vào.
Thuyền vẫn bươn bươn tiến nhanh. Cá dưới đầm tránh thuyền chốc
chốc nhảy tung lên khỏi mặt nước khoe cái bụng trắng xoá lóng lánh. Có những
vùng nước trên đó bèo hàng nối hàng trôi nổi lềnh bềnh. Thuyền chạy xuyên qua,
bèo rẽ thành lối, rồi tụ lại. Năm ba cánh bèo bị giạt ra xa hơn hoặc bị thuyền
kéo đi theo một quãng khá dài.
Thuyền đi hơn 3 tiếng đồng hồ thì mọi người đều ướt mèm và
đói.
Các cô, các cậu bèn hè nhau, người thì lấy gàu múc nước từ
dưới sông, dưới đầm lên để rửa sạch những gói thịt heo, kẻ thì chặt thịt ra
thành những miếng to bằng mấy ngón tay, rồi cho vào nồi đun sôi lên bằng lò ga
mang theo. Khi nước vừa sôi, thả thịt heo vào, nước nguội bớt. Chờ nước sôi lại,
cái nồi gần cạn nước, lại thêm nước lạnh vào. Nước thì khỏi lo, chỉ việc lấy nước
ngay bên mạn thuyền từ dưới đầm màu bạc trắng đục chứ không trong trẻo như nước
máy. Cứ để cho nước cạn rồi thêm nước vào như thế mấy lần, cho đến khi thịt heo
chín. Tôi ngạc nhiên hỏi, một cô em nói luộc thịt heo theo cách đó thì mới
thơm, ngon.
Katherine chẳng biết phải làm gì, vả chăng chẳng được ai
giao việc gì để làm. Cô ta ngồi yên nhìn ngơ ngác, ngạc nhiên. Một em có vẻ ngại
ngùng nói:
“Chắc cái o con gái da trắng này “gớm” cái lối nấu ăn của tụi
mình.”
Một em khác tiếp lời ngay:
“Mặc kệ cái o nớ.
Nhập gia tùy tục.”
“Đừng nói rứa.
Người ta buồn. Tội nghiệp.”
“Không răng mô.
Mình nói tiếng Việt nó không hiểu đâu.”
Quên mang theo
chén, dĩa, đũa, muỗng. Những ngón tay làm đũa, muỗng; lá chuối làm chén, dĩa.
Nước mắm chế vào lon bia đã uống cạn được cắt ra làm hai, lấy phần dưới. Nước mắm
chia làm hai loại, một nửa có cho vào chút ớt thôi, nửa kia rất nhiều ớt và tỏi.
Tỏi tươi và ớt trái còn xanh. Mỗi trái ớt to bằng và dài hơn ngón tay cái, cay,
giòn, thơm, cắn nghe rốp rốp. Cầm nguyên trái ớt cạp mạnh, khỏi lấy dao xắt
lát. Bánh mì thì dễ, ai muốn ăn bao nhiêu bẻ lấy ra mà ăn, khỏi cần lấy dao cắt.
Từ lâu tôi biết
thịt heo tại những vùng quê ở Huế ngon lắm. Heo cỏ nhỏ con được cho ăn thân chuối
tươi trộn với nước mả (nước vo gạo) và cám, nấu sôi lên. Hồi trẻ còn đi học tại
Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi nhận được quà Huế của hai O gởi vào trong đó có cái
đùi heo luộc — đùi trước nhiều thịt, mỡ, da, núc ních. Mấy chàng sinh viên nhớ
nhà, nhớ món ăn quê hương, tranh nhau “đớp” như điên, trầm trồ khen nức nở. Lần
này trên con thuyền trôi nhanh, dưới cơn mưa rào rào và lạnh, sóng nước lênh
láng, mà bụng thì đói, món thịt heo luộc chấm nước mắm cay “xé họng” ăn với
bánh mì nướng nóng hổi, và được trợ hứng bằng bia lon. Sao mà ngon đến thế.
Katherine nhìn
chúng tôi ăn uống “xộc xộc”, sửng sốt. Cô ta chỉ khe khẽ ngứt chút bánh mì gặm
gặm như thỏ ăn lá bìm bìm. O. mời cô ta ăn thịt heo, cô cười nhẹ và lắc đầu.
Tôi bồi thêm:
“Ngon lắm, ăn thử
một miếng chơi thôi. Không sao đâu, không răng mô (Trong lúc quá vui, tôi định
nói no star where, no tooth where, sợ cô không hiểu).”
Nể mất lòng, cô
nàng thò hai ngón tay nhón lấy miếng thịt heo nhỏ không mỡ. Tôi vội dặn thêm:
“Nhớ chấm thịt
vào cái lon ít ớt nhé.”
Ăn xong miếng thứ
nhất, không đợi ai mời thêm, cô đã vội vàng “vồ” miếng thứ hai, rồi thứ ba, thứ
tư … không chút ngại ngùng.
Chúng tôi cười
to, mấy người em cũng kín đáo cười. Katherine cố làm tỉnh.
Trong mấy người
đó, cũng có một người em dạy tiếng Anh tại một trường trung học ở Huế, một người
cháu làm việc tại sở Du Lịch thành phố, cả hai đều nói tiếng Anh khá lắm. Nhưng
không hiểu vì sao không ai chịu bắt chuyện với Katherine. Hay là họ muốn đặc biệt
dành cho ông O. đa tình cái hân hậnh độc quyền thù tiếp “người đẹp của riêng
ông”. Bù lại họ luôn luôn giữ một thái độ nhã nhặn vừa phải, không quá vồn vã,
cũng không lạnh nhạt. Mọi người đều cảm thấy vui vẻ, tự nhiên, thoải mái.
Tuổi trẻ bây giờ
tự tín hơn. Ngày xưa có người gặp dịp nói chuyện với người nước ngoài, nhất là
người Âu, Mỹ, thường vồ vập xoắn xuýt quá đáng.
Thuyền vẫn chạy
dưới cơn mưa tạnh dần giữa cái đầm mênh mông, sóng nước lênh láng. Lắm lúc tiếng
máy nổ chát chúa, và tiếng sóng vỗ mạnh vào mạn thuyền, át cả tiếng hát vang dậy.
Vâng, có mấy em hát hay.
Tôi thích đi thuyền
bằng mái chèo hơn, nhưng đường xa, chèo thuyền thì bao giờ mới tới.
Trời lạnh thêm. Một
lần chúng tôi đi lạc vào vùng có đăng đó bao quanh nhiều vòng. Đó là vùng
ngư dân đánh cá. Phải mất hơn một tiếng chúng tôi mới thoát ra khỏi “mê cung”.
Chúng tôi đã cẩn thận quay thuyền lại con đường cũ, và tìm đường mới mà đi chứ
không giở trò “làm liều” phá những cái đó cái đăng để băng qua cho mau.
Và thế là đã đi gần
hết đầm Hà Trung. Sắp đến đầm Cầu Hai. Nghe nói cá dưng, cá dìa tại đầm Cầu Hai
ngon lắm. Nhìn xeo xéo bên phải, núi Bạch Mã ẩn hiện khi mờ khi tỏ theo những
cơn gió thổi khiến những làn mưa uốn éo trông như những dải lụa trắng xoá khổng
lồ vờn vờn trước núi. Bên trái chúng tôi là một vùng cây cối xanh tươi, thỉnh
thoảng điểm những cánh cò trắng xiêu lạc trong mưa. Đó là làng Mỹ Lợi nổi tiếng
trồng thuốc lá và cau.
Qua gần hết đầm Cầu
Hai, thuyền rẽ trái, và tới neo lại gần chân núi Tuý Vân. Núi thấp, leo lên đỉnh
dễ dàng. Chúng tôi tới thăm ngôi chùa cổ đã gần như mục nát. Chùa vắng teo.
Không thấy thầy trụ trì. Chắc thầy đã đi “vân du hái thuốc”. Cũng không gặp mấy
chú điệu (chú tiểu) tóc ba chòm. Thế mà chúng tôi cũng rắn mặt vào sâu trong
chùa, trèo lên thang gác chuông ọp ẹp, nhìn xa bốn phương.
Đã trưa rồi,
nhưng 2 giờ chiều chợ mới nhóm. Sau khi thăm chùa, ngồi bệt xuống đất chờ độ nửa
tiếng tại một ngõ trúc xanh biếc, chúng tôi vào chợ mua cá thu nướng, chả Cầu
Hai và dâu từ Truồi mang đến. Đem vể thuyền ăn với bánh mì còn lại. Cũng ngon
quá đi lận. Và sửa soạn trở về.
Thế là chuyến đi
đã tới đích, nay chờ chuyến về. Niềm vui hiện rõ lên nét mặt, lên cặp mắt của mọi
người. Nhưng cái vui không phải vì tới đích mới vui. Vui đã tràn ngập
trên dọc đường đi, trong sự hăm hở, trong chờ đợi.
Lúc quay trở lại
thành phố Huế, thì trời đã chiều. Mưa lớn. Mọi vật phía trước cách khoảng vài
mươi mét đều chìm trong cơn mưa tầm tã, mù mịt. Thuyền đi lạc. Quay lui tìm đường
lại mất cả tiếng đồng hồ. Lạnh quá. Cháu H. con của K. cho mượn chiếc áo mưa
ny-lông trong và mỏng dính. Tôi thầm nghĩ cái áo này ăn thua gì, nhưng cũng nhận
lấy. Thế nhưng khi khoác áo vào, thấy ấm hẳn lên. Để đền ơn, tôi ngồi đằng trước
án ngữ che mưa cho cháu.
Chiều xuống nhanh
trên đầm và tối nhanh. Thuyền lại không có đèn pha. Mấy người có đèn bấm đều
mang ra soi đường cùng một lúc, sợ thuyền lủi vào bờ sông, bờ đầm, hoặc đâm vào
những hàng đăng đó, hoặc chui vào những đám lau lách san sát. Hoặc có thể đụng
vào những thuyền khác đang ngược xuôi.
Thế là trong chuyến
đi, một lần bị lọt vào “mê cung đăng đó”, và trong chuyến về, bị lạc trong mưa
mù.
Trời tối hẳn, đường
về còn xa. Cuối cùng, may quá, chúng tôi cũng tìm thấy bến sông trước chợ Quy
Lai nơi chúng tôi mua thức ăn hồi sáng. Không dám chạy tiếp vào ban đêm tối
tăm, không đèn đóm, không phao nổi, chúng tôi neo thuyền ở đó. Dùng cell phone
gọi tắc-xi. Gần 11 giờ tối mới về đến nhà.
Tôi nhiều lần tự
hỏi rằng nếu thích phiêu lưu, mạo hiểm trong một chuyến đi xa, hay muốn thoát
ra khỏi nếp sống đều đặn nhàm chán hàng ngày, hay muốn gặp chuyện bất ngờ, hay
muốn có những kỷ niệm khó quên, thì phải làm gì? Câu trả lời có thể như thế này
chăng. Trước khi ra đi, đừng nhọc công nghiên cứu phong tục, tập quán, địa
hình, địa vật, sinh hoạt, của nơi sắp đến. Đừng quan tâm đến mưa nắng, dự báo
thời tiết. Đừng sửa soạn, tính toán kỹ lưỡng, nào thức ăn thức uống quen bụng,
quen miệng, nào áo quần ấm hay mát cho hợp thời tiết, khí hậu, nào thuốc men
cho đầy đủ, phủ phê phòng khi ăn ngộ độc, bị té ngã, thương tích, vân vân. Làm
như thế là vô tình đánh mất tất cả mọi cái bất ngờ, kinh ngạc, hăm hở.
Chắc hẳn trong số
những người vừa trải qua chuyến đi trên “sông nước ướt át” cũng có khá nhiều
người chấp nhận cái ý nghĩ “tào lao” nói trên của tôi. Cho nên khi chia tay,
đói lạnh, và ướt át, nhưng mọi người đều không vì thế mà tỏ ý khó chịu, hay
phàn nàn, bực bội. Trái lại rất hài lòng, rất vui vẻ, và nhanh nhẩu hẹn nhau tổ
chức những cuộc “phiêu lưu” khác nữa. Chẳng hạn sau khi đi thuyền, hãy
leo núi. Huế có rất nhiều thắng cảnh ở vùng đồi núi, đồi Vọng Cảnh, núi
Ngự Bình, Tâm Thai, Núi Tím, v.v… Tôi nhớ câu ca dao:
Lên non thiếp
cũng lên theo
Xuống thuyền
thiếp sẽ cheo leo mạn thuyền
O. cười sung sướng
khi tôi nói chữ “thiếp” là Katherine đó.
Một cuộc phiêu
lưu khác? Khi nào? Một tương lai gần nhé. Vài tháng hay vài năm?
Nhưng chỉ một thời
gian sau, tôi bàng hoàng nhìn lại. Bị mất mát quá nhiều. K. đột ngột qua
đời. Cháu H., con gái cưng của K. sang sinh sống tại Pháp, hiếm có dịp liên lạc.
T. thì đi nơi nào không ai biết. Â. mất tại Sài Gòn vì bạn bè đã đi ra nước
ngoài gần hết, buồn phiền, trầm cảm, và hút thuốc lá liên miên, nên bị ung thư.
Tôi đã kịp về Việt Nam để nhìn Â. lần cuối. Vậy chỉ còn lại O. mà thôi hay sao?
Thế mà cũng không còn. O. lại bị bệnh nặng, nhanh chóng qua đời. Thế Katherine?
Ngay trước khi mất, O. đã không liên lạc được.
Nhớ lại chuyến đi
trên sông nước ướt át năm đó. Nhớ lại buổi chia tay trong đêm hôm khuya khoắt.
Mọi người hăng hái, hăm hở, và tin tưởng rằng sẽ dễ dàng có ngày tái ngộ, mà
quên bẵng đi rằng mỗi người trong chúng ta, vào thời buổi này, có khác gì một cụm
mây trong đám mây đang trôi, một cánh bèo trong đám bèo đang giạt. Khi cụm mây
đã tách rời đám mây, cánh bèo đã xa lìa đám bèo, có thể nào cụm mây quay trở về
với đám mây cũ, cánh bèo gặp trở lại với đám bèo xưa.
Ngự Thuyết
[1] But he had never written a line of that, nor of that
cold, bright Christmas day with the mountains showing across the plains
…
[2] he had been in it and he had watched it and it was his
duty to write of it; but now he never would.