Hoàng Uyển Văn tên thật là Nguyễn Văn Hòa, ông sinh năm 1956 tại Phú Nhơn (xưa) Thành Nội Huế, trưởng thành tại Phú Yên, hiện sinh sống làm việc tại Bình Chánh, TP HCM. Tác phẩm đã xuất bản: Qua mùa khói chênh vênh (Nxb Thuận Hóa tháng 8/2024). Cuối năm 2024, ông gửi cho tôi bản thảo chuẩn bị in tác phẩm mới có tựa đề: Phía nào ta ngắm vĩnh hằng trong em, dự kiến xuất bản vào tháng 3/2025.
Ông làm thơ
cách nay mấy chục năm rồi (theo ngày tháng ghi sau một số bài thơ) Tuy nhiên
mãi đến năm 2024, ông mới nhờ nhà thơ Võ Thị Như Mai tập hợp biên tập, viết lời
tựa và in ấn tập thơ đầu tiên Qua mùa
khói chênh vênh dày hơn 200 trang. Ấn phẩm xinh xắn, nội dung phong phú với
nhiều bài thơ chất lượng. Và bây giờ tập thơ thứ hai, tác giả lấy tên một bài
thơ tâm đắc để đặt tựa cho tập thơ Phía
nào ta ngắm vĩnh hằng trong em. Tập thơ này cũng dày hơn 200 trang với nhiều
bài thơ hay.
Tôi gặp ông
vào dịp ra mắt sách “Giá để ngày ấy em chờ” của Nhịp Điệu Việt. Gương mặt hiền,
tuy tuổi đã lớn nhưng vẫn nhanh nhẹn, từng trải, dấu vết của thời gian và những
thăng trầm của cuộc sống cũng đọng lại trên khuôn mặt, mái tóc điểm sương và những
vần thơ đầy xúc cảm.
Tập thơ Phía nào ta ngắm vĩnh hằng trong em chiếm đa số là những bài thơ
tình. Đặc biệt thơ tình buồn của mất mát chia ly nhưng lời thơ vẫn thiết tha,
say đắm. Giọng thơ nhẹ nhàng đằm thắm mà không kém phầm ngọt ngào và lãng mạn.
“Ta về gom
lại chiêm bao/ Nghe dư âm cũ mời chào ngày trôi/ Mùa yêu đã cũ bên trời/ Còn ta
lãng đãng bóng người qua hiên” (Còn đây ta với dư âm cùng người).
Tình đã
qua, mùa yêu đã cũ, ta vẫn còn đứng lại với chiêm bao, với “bóng người qua
hiên” với dư âm ngày cũ.
Thi nhân
luôn sống khiêm tốn, ẩn mình một cách lặng lẽ, yêu âm thầm, dẫu biết rằng quy
luật khó tránh khỏi: hợp rồi tan: “Ta giấu mình đêm trong vỏ ốc/ Nghe khuya đồng
vọng tiếng muôn trùng/ Chờ mỏi đàn chim di viễn mộng/ Đem về cho một nhánh mây
tan...”
Yêu và chia
tay trong lặng lẽ, thơ cũng nhẹ nhàng dẫu tình ly tan cũng day dứt lắm nhưng giọng
thơ hiền như chính cho người thi nhân, không vồ vập, cuồng nộ, không gào thét,
cũng không quay quắt tiếc nuối.
Cho dẫu viết
thơ tình thời hiện đại, viết về tình yêu đôi lứa thi nhân không cần phải đặt nặng
về nhục cảm, cồn cào da thịt hay bão liệt đường yêu. Giây phút bên nhau cũng chỉ
là mùi hương tóc bên gối, nụ tình ngày xuân. “Anh sẽ về, nghe hương tóc em/ Để
tìm trong suối tóc hương đêm / Để nghe thương nhớ vùi thương nhớ/ Một thuở tình
xanh xưa ngỡ quên”(Anh sẽ về). “Trăng tà nguyệt tận mù sương/Ta về đắm giữa
hoang đường môi em" (Nguyệt tận)
Nhẹ nhàng vậy
thôi nhưng thấm, cái thấm của hương gây mùi nhớ. Mùi hương tóc của người
thương, đeo đẳng trong suốt cả một đời thi nhân. Khi có nhau, tình xuân là bất
biến, là mãi mãi lưu giữ trong tim. Những giây phút bên nhau là những giây phút
sẽ đi vào vĩnh cữu: “Bao mùa cũ xa trôi/ Chỉ mùa yêu dừng lại/ Khi ta có nhau rồi/Tình
xuân là mãi mãi” (Tình xuân)
Khi buộc phải
chia biệt thì thi nhân cũng biết chấp nhận cái sự lỡ làng của duyên phận. Tình
tan dẫu thoáng nhẹ hều trên câu chữ nhưng dư âm thì vẫn lắng vào thơ có khi đeo
đẳng cả một đời, không thể phôi phai. “Vòng tay em khép mùa thu lại/ Bờ bãi hồn
tôi ngập lá vàng /Rồi từng thu đến, từng thu chết/ Lá vàng tôi khóc gió thu
sang” (Dấu thu).
Người làm
thơ chuyên nghiệp nói chung và Hoàng Uyển Văn nói riêng có một hồn thơ tình da
diết lãng mạn nhưng buồn và cô đơn. Một mình đối diện với chính mình và có lẽ
trong tận cùng cô đơn người ta mới có thể viết nên những vần thơ hay, mới chạm
tới con tim của giới mộ điệu thơ tình:
“Hồn ta sỏi
đá nghìn năm tuổi/Thơ ấu bao giờ dưới gót em/ Xin bước em về mưa phố núi/ Xanh
lại rong rêu mấy bậc thềm” (Xin bước em về)
Hoàng Uyển
Văn làm thơ cho mẹ, cho người thân tuy không nhiều như số lượng thơ tình nhưng
những vần thơ dành cho mẹ là những vần thơ hàm súc, giàu ý nghĩa của đứa con hiếu
thảo với một niềm hiếu kính thiêng liêng. Thơ nói lên nỗi vất vả gian truân của
mẹ qua hình tượng “thân cò”, “đôi vai”, cô động mà đủ ý: “Mẹ dồn cả tuổi thanh
xuân/ Thân cò trĩu nặng những gian truân đời/ Đôi vai Mẹ gánh cả trời/ Gánh cả
một đời, nuôi lớn khôn con...” (Đôi vai)
Ảnh hưởng của
cố thi sĩ Hàn Mặc Tử và thi ca cổ điển khi ông có cảm hứng nghệ thuật về trăng.
Dĩ nhiên trăng không có muôn mặt như trăng Hàn thi sĩ hoặc nhìn vẻ đẹp của
trăng để ngâm hoa vịnh nguyệt như thơ cổ điển. Vầng trăng của ông đơn giản đôi
khi là bạn hay đóng vai một tình nhân. Thi nhân cũng có cuộc tình với trăng và
khi tỉnh dậy thì trăng đã vuột mất, có tiếc nuối, nhưng niềm tiếc nuối nhẹ
nhàng không dằn vặt đớn đau. “Đêm qua ôm trăng ngủ/ Tỉnh mộng, trăng đi rồi/ Biết
nơi nào trăng náu/ Mà gọi trăng về chơi” (Vầng trăng qua đời)
Đọc thơ của
Hoàng Uyển Văn chúng ta thấy một người thơ phong trần, lãng tử với hồn thơ lãng
mạn và yêu thơ đến kiệt cùng. Trong thơ hiện ra một thi nhân với cõi lòng luôn
cô đơn, trống vắng, cuộc sống thanh đạm với bút pháp thơ trữ tình. Phần lớn là
thơ tình buồn. Có thể ngoài đời ở nơi xa vẫn có một mái ấm gia đình. Ông cũng
đã chăm lo cho con cái học hành trưởng thành. Khi bước vào tuổi bên kia triền dốc
của cuộc đời, ông với dáng người hơi gầy, vẫn nhanh nhẹn, vẫn đi làm xa nhà
hàng trăm cây số, có khi cả năm mới về thăm nhà một lần. Ông bảo: “Làm để nuôi
thơ”. Thi nhân nuôi thơ chứ thơ chưa nuôi ông. Đi làm để thấy mình còn khỏe mạnh,
mình còn có ích cho đời. Các cụm từ phản ánh cuộc sống phong trần gió bụi, tâm
trạng buồn và chất ngất nhớ nhung: Hồn cô lữ, trắng đôi tay, giang hồ sông nước,
biệt ly, giọt sầu, “Sân ga tôi cũng làm phiêu bạt/ Mượn lá thu vàng gói nhớ
nhung”. Có lẽ nhờ vậy thi nhân mới vắt ra những vần thơ hay từ cuộc sống của
mình.
“Thôi nhé!
Từ nay...Thôi từ nay/ Giang hồ sông nước đã bao ngày/ Vẫn nghe giá buốt hồn cô
lữ/ Khói thuốc hoài hương gió thoảng bay” (Chút gió ngậm ngùi)
Về hình thức
trình bày: Tác giả Hoàng Uyển Văn diễn đạt nỗi niềm qua các thể thơ: Thơ lục
bát, thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ tự do với những câu thơ dài ngắn
khác nhau, có khi chỉ là câu hai hoặc ba, bốn từ, thơ có vần và thơ không vần,…Thơ
hay là thơ xuất phát từ cảm xúc chân thành dĩ nhiên thông qua kỹ thuật và ngôn
từ nhưng yếu tố nội dung vẫn là quan trọng nhất. Có lẽ đối với phần lớn độc giả,
những bài thơ cố gắng gò theo một trật tự nào đó có tính cầu kỳ và khiên cưỡng
của hình thức không thuyết phục tôi và nhiều bạn đọc khác bằng cách viết tự
nhiên bằng chính cảm xúc của mình, dĩ nhiên muốn có thơ hay còn phải tùy thuộc
vào tài năng của người làm thơ. Thơ Hoàng Uyển Văn phong phú về hình thức diễn
đạt bằng nhiều thể loại. Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả là những vần thơ bảy chữ,
thơ năm chữ và thơ lục bát. Ở ba thể loại này ông có những bài thơ hay, những
câu thơ hay: “Hồn ta sỏi đá nghìn năm tuổi/ Thơ ấu bao giờ dưới gót em/ Xin bước
em về mưa phố núi/ Xanh lại rong rêu mấy bậc thềm” (Xin bước em về)
“Dấu chân
ta vẫn dã tràng/ Biển và em vẫn mênh mang vô thường/ Trăng tà nguyệt tận mù
sương/ Ta về đắm giữa hoang đường môi em” (Nguyệt tận)
“Thế rồi
người đi mãi
Tôi cũng
vào lênh đênh
Thuyền xưa
không bến đỗ
Dòng sông
buồn chênh vênh”.
(Hạ ơi)
Thơ Hoàng
Uyển Văn cũng phảng phất hơi hướng Nguyễn Bính. Khi ông nói về cô liêu, nỗi buồn,
sự cô đơn của thân lang bạt rày đây mai đó, có cảnh thanh bần của thi sĩ và có
cả những cuộc tình không trọn vẹn. “Lòng ta hôm ấy đi đâu vắng”. Thơ ông cũng
có nhiều ẩn dụ, tác giả nói với trăng, hay nói với bạn đọc, lời dặn dò cho mai
sau bởi biết đời người là hữu hạn, vầng trăng (nhân vật trữ tình dùng để đối
thoại, bày tỏ nỗi niềm). Vầng trăng, vũ trụ thì vô biên, bạn đọc thế hệ này có
thể tiếp nối thế hệ khác còn thi nhân thì đến một lúc nào đó cũng phải “về”
thôi. Về là đi vào viên miễn. Lời dặn, cũng là lời chào với trăng với bạn đọc
và hậu thế. Những câu thơ sau gieo vào
lòng người đọc một chút chơi vơi, ưu tư, chiêm nghiệm, một chút bùi ngùi và rất
nhiều xúc cảm.
“Đã trót
quen chân lữ khách rồi/ Một đời ở trọ với mây trôi/ Dăm cuộc chia tay hình bóng
cũ/ Rồi nhớ, rồi quên...Những kiếp người/ Cứ thế tôi đi giữa cuộc đời/Dại khờ
như một nhánh rong trôi/ Bàn tay vẫn trắng câu thành bại” (Vầng trăng ở lại).
Có thể nói ở
tập thơ này Hoàng Uyển Văn đã gửi gắm những cảm xúc chân thành. Bao nỗi vui buồn
về tình yêu hạnh phúc hay cách xa chia biệt đầy suy ngẫm, chiêm nghiệm qua lăng
kính nhà thơ. Cảm xúc dạt dào của nhà thơ gửi vào câu chữ ở tập thơ trước đã để
lại ấn tượng khó quên với không ít bạn yêu thơ. Tập thơ thứ hai Phía nào ta ngắm vĩnh hằng trong em, lần
nữa chứng tỏ Hoàng Uyển Văn là một nhà thơ tràn đầy nguồn cảm xúc. Ông sử dụng
thành thục các thể thơ từ lục bát truyền thống cho đến các thể thơ mới, thơ tự
do. Thơ giàu nhạc tính, diễn tả tâm trạng, cảm xúc đậm đà, tinh tế và giàu hình
ảnh. Ngôn từ bình dị có giá trị biểu đạt và dễ hiểu. Từ ngữ được chọn lọc thích
hợp để gieo vần, tạo nên những vần thơ mượt mà trau chuốt, cô đọng, tinh tế.
Thơ về tình yêu, tình đời với những sắc thái tình cảm và cách diễn đạt phong
phú dễ đi vào lòng người!