Tôi lập gia đình khi chưa đến 24 tuồi. Chồng tôi
hơn tôi 5 tuổi. Sau 1 năm chúng tôi sanh bé gái đầu
tiên. Khi ấy anh là nhân viên nha Y-Tế Công Cộng, đến cuối tháng 8,
1973 anh được cử đi tu nghiệp ở Mỹ.
Chương trình khóa Master of Public Health ờ University of Michigan dài 2 năm. Khi bế con mới 7 tháng ra phi trường tiễn anh đi tôi buồn lắm nhưng tự an ủi 2 năm rồi sẽ trôi qua rất nhanh. Không ngờ biến cố 30 tháng 4 mất miền Nam, cuộc chia ly tưởng 2 năm kéo dài đến gần 8 năm.
Những ngày trước khi Saigon bị mất, chúng tôi rất hoang mang
và lo sợ không biết số phận sẽ ra sao.? Nhìn cảnh 2 triệu dân
Campuchia bị bọn Khmer Đỏ tàn sát chúng tôi rất kinh hoàng, sợ hãi và chắc chắn
tính mạng rồi đây cũng sẽ bị nguy hiểm. Cũng may chuyện này đã không
xảy ra. Có thể vì thấy thế giới bên ngoài lên tiếng phản đối mạnh mẽ
khi cuộc tàn sát dân ở Campuchia xẩy ra nên họ sợ không dám thực hiện việc này.
Lúc này Việt Cộng đã bắt đầu chiếm rất nhiều nơi trong
Saigon. Đề tránh lạc bom, đạn của hai bên đánh nhau, bố mẹ chồng tôi
và tôi bế con nhỏ sang nhà một người em họ chồng để trốn dưới hầm cho an toàn
hơn. Từ chỗ chúng tôi ở đến đấy cũng không xa lắm nhưng tôi cảm thấy
nó dài vô tận, vì quá sợ hãi, hai chân tôi run lẩy bẩy, không thể nào bước
đi được nhưng phải cố cắn răng, lấy hết can đảm bế con đi. Chưa bao
giờ tôi thấy cận kề với cái chết đến như thế.
Bố mẹ tôi cũng như gia đình bên chồng đều là dân Bắc Kỳ di
cư, bỏ quê quán tránh Cộng sản vào Nam, đến nay lại phải sống dưới chế độ Cộng
sản cho nên nỗi sợ hãi của chúng tôi càng tăng lên bội phần. Càng sợ
hơn khi bố chồng tôi là chú ruột bà Ngô đình Nhu, người con trai duy nhất lại
đang ở Mỹ nên đã đốt hết giấy tờ, hình ảnh, sách vở tiếng Anh của chồng
tôi. Nhìn những kỷ niệm trở thành tro bụi tôi cảm thấy thật bùi
ngùi, thương tiếc. Sau đó bố mẹ chồng tôi, tôi và con gái 2 tuổi phải
rời khỏi căn nhà khang trang trong cư xá sĩ quan Chí Hoà đến cư ngự trong một
căn phòng nhỏ chung với một gia đình khác ở khu Vườn Xoài. Cũng may
trước phòng chúng tôi ở có một hành lang nhỏ vừa đủ chỗ cho mẹ chồng tôi dùng
làm nhà bếp. Nhà tắm và nhà vệ sinh phải chung với mọi người trong
nhà. Cuộc sống bắt đầu trở nên chật vật. Tâm trạng tôi
lúc đó rất hoang mang, lo sợ. Tương lai mù mịt. Theo tình
cảnh này thì không biết bao giờ mới đoàn tụ với chồng và con bao giờ mới gặp được
cha? Tôi cũng không giám chắc là gia đình tôi sẽ có một ngày được
đoàn tụ. Không ai dám nghĩ đến ngày mai mà chỉ biết ngày hôm nay mà
thôi.
Vì phải lo cuộc sống hằng ngày nên tôi cũng tạm không để những
nỗi lo sợ này ám ảnh tâm trí nhưng những buổi đêm nằm cạnh con, trằn trọc không
ngủ được, nước mắt trào ướt gối, tôi để nỗi buồn và sự sợ hãi xâm chiếm trái
tim. Sự lo âu tràn ngập tâm hồn lảm tôi ngộp thở.
Vài năm sau khi mất Saigon, con gái chúng tôi đến tuổi đi học
nhưng vào trường được vài ngày tôi phải lôi về. Tôi
không chịu được cách dạy dỗ của họ lúc đó. Thế là con bé
trong 3 năm đầu bị mẹ bắt ở nhà. May có ông bà nội dạy học nên
khi sang Mỹ, con bé cũng không bị kém những trẻ em khác trong lớp. Tôi,
thì tối tăm mặt mũi lo công chuyện hàng ngày, nào đi làm việc, nào ra chợ trời
bán hàng để giúp đỡ gia đình bên ngoại nên cũng ít thời giờ chăm
con. Chuyện dạy dỗ con do bố mẹ chồng tôi chăm lo cả.
Tôi rất buồn và đau lòng không có nhiều thì giờ cho
con, chăm sóc con khi con còn bé. Điều đó làm tôi khổ tâm rất nhiều.
*
Trước 1975 tôi làm việc cho công ty Shell. Vì biết
tiếng Pháp nên được giữ nhiệm vụ giao dịch với những cố vấn người Pháp sang làm
việc ở công ty. Sau 30/4 rất nhiều nhân viên cao cấp cùng với tất cả
các cố vấn người Pháp rời bỏ Việt Nam. Những chức vụ này được thay
thế bởi các anh chị cán bộ có nhiều thành tích trong cuộc chiến chống Mỹ và lấy
lại miền Nam. Vì tính tôi không chịu qụy lụy nên bị họ ghét và tôi bị
chuyển xuống làm việc ở một trạm xăng bên Khánh Hội. Ở đây tôi không
được trả lương nhưng đến cuối tháng được phát gạo, muối, đường, bột mì, khoai,
sắn. Có tháng được ít thịt heo hoặc vài con cá khô. Những
thực phẩm này tôi không mang về. Với tiền tiếp tế ở Mỹ gửi về, gia
đình tôi tạm đủ sống.
Hàng ngày, từ khu Vườn Xoài đạp xe đạp đến Khánh Hội để làm
việc tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Nhìn những người
dân sau khi bị đuổi nhà đi kinh tế mới ở các nơi miền quê hẻo lánh, đất cằn cỗi
khó cày cấy, không sinh sống được phải bỏ về lại Saigon, sống lây lất trên các
hè phố tôi cảm thấy rất thương xót. Những lần nhận được thực phẩm
tôi đểu đem phân phát nhưng việc làm nhỏ nhoi của tôi như muối bỏ bể, không
giúp được ai bao nhiêu. Tôi rất đau khổ nhưng không biết phải làm
sao hơn.
*
Làm việc ở trạm xăng được 2 năm thì một hôm có một người
Pháp ghé đến đổ xăng. Anh trạm trường sai tôi ra đổ xăng và lau chùi
xe. Ông này thấy tôi nói tiếng Pháp rất ngạc nhiên hỏi sao tôi lại ở
đây. Tôi cho biết chồng tôi đang ở Mỹ còn tôi và con kẹt lại. Ông
tử tế hỏi ngay có cần giúp gì không?
Tôi cho biết chỉ muốn ông gửi thơ hộ tôi
thôi. Thơ gửi đi và nhận được mất 3 tháng. Thơ bị kiểm
duyệt nên tôi sợ không dám viết những gì tôi muốn thổ lộ với chồng. Ông
vui vẻ nhận lời và đưa vợ đến trạm xăng lấy thơ. Hàng ngày đi làm
tôi mặc áo bà ba, quần đen, đầu đội nón lá. Khi trao thơ tôi bỏ nón
lá xuống, giấu thơ ở trong nón và len lén trao cho bà đầm. Trong suốt
bao năm trời họ đều đặn đến trạm xăng lấy thơ để gửi sang Mỹ cho chồng tôi và
công việc này chỉ ngừng khi tôi bắt đầu làm đơn xin đi đoàn tụ vào đầu năm
1979.
Số tôi còn may nên gặp anh cán bộ trưởng trạm hiền lành và mặc
dù không biết một chữ tiếng Pháp vẫn để yên cho tôi chuyện trò với ông bà người
Pháp. Nếu gặp anh cán bộ Việt Cộng ác ôn khác chắc tôi sẽ bị vu khống
là gián điệp và sẽ ngồi tù rục xương.
Trong thời kỳ này ở Saigon, trẻ con bị binh xuất huyết rất
nhiều nên tôi rất lo sợ. Thấy tôi lo lắng ông Frédéric (tên ông người
Pháp) bảo tôi mang con đến nhà, vợ ông sẽ chích thuốc ngừa cho
bé. Khi ông đưa mẹ con chúng tôi về bị cảnh sát thổi còi (mặc dù bảng
xe mang số ngoại giao đoàn) bắt ngừng xe lại. Tôi sợ điếng người
nhưng ông Frédéric điềm tĩnh bảo tôi cứ ngồi yên và nếu cảnh sát đến mở cửa xe,
đừng nói tiếng Việt để họ không biết tôi là người Việt Nam. Không biết ông
Frédéric lo liệu như thế nào mà chỉ 5 phút sau ông trở lại xe (tôi chắc cảnh
sát đã được hối lộ) và mẹ con tôi về nhà bình an.
Thật là hú vía!
*
Chồng tôi nhiều khi không để ý, đã gửi những tấm ảnh rất
đẹp, rất vui về nhà cho bố mẹ và tôi xem, ảnh chụp những lúc anh lái xe
Cadillac đi chơi, những khi cưỡi ngựa trong rừng, những khi đi ăn uống với các
bạn (phần đông tôi thấy toàn các cô Mỹ trẻ). Tôi vừa tức cũng vừa tủi thân.
Tôi hàng ngày đứng nắng, bơm xăng, lau chùi xe, anh lại
ăn chơi sung sướng không biết vợ khổ cực bên nhà. Chuyện tôi lo nhất
là anh có ai khác. Nhiều lần viết thư cho anh tôi đã bảo anh “mặc dù
rất yêu anh nhưng nếu anh có vợ khác, khi sang Mỹ em sẽ bằng lòng ly dị. Vì
con, em có thể hy sinh tình yêu. Đối với em tương lai con quan
trọng hơn tất cả. Có gì xảy ra anh cũng phải hứa với em là sẽ mang
em và con sang.” Anh nhất quyết hứa không bao giờ bỏ mẹ con tôi. Tuy
được anh hứa nhưng tôi vẫn không an tâm. Làm sao tránh được chuyện
anh không bị quyến rũ bởi những cô gái Mỹ hấp dẫn và bạo dạn
kia? Nhưng số tôi còn hên nên khi sang Mỹ đã không gặp phải cảnh
trái ngang như nhiều người đàn bà kém may mắn khác.
*
Chồng tôi sang Mỹ tu nghiệp từ 1973, đến 1978 anh được định
cư tại Hoa Kỳ và được cấp thẻ “xanh”. Sau đó tôi mới bắt đầu nộp những
giấy tờ cần thiết cho việc đi đoàn tụ. Trước khi biết tôi và con sẽ
được đi Mỹ, tôi cũng nhiều lúc nghĩ đến chuyện vượt biên. Nhìn mọi
người lũ lượt tìm đường trốn ra nước ngoài tôi cũng nôn nóng.
Nhưng nghĩ thì nghĩ thế thôi chứ tính tôi nhát, và nhất là
có con nhỏ nên cũng không dám mạo hiểm. Cũng không riêng gì về tính
nhát gan của tôi, mà còn thêm lúc ấy bố mẹ chồng tôi cũng không có vàng bạc gì
nên chuyện vượt biên cũng không đi đến đâu cả. Dù thế, thỉnh thoảng
cũng có một vài người hứa cho đi không lấy tiền, khi sang Mỹ trả bằng đô
la. Những lần như thế bố chồng tôi rất giận dữ doạ đốt nhà chỉ vì lo
lắng cho mẹ con tôi bỏ thây ngoài biển cả hoặc bị hải tặc làm nhục. Ngoài
chuyện vượt biên ra mẹ chồng tôi không biết nghe ai mách chuyện làm hôn thú giả
với Tây lai có quốc tịch Pháp.
Chuyện này không nguy hiểm lắm nên tôi có lần đã bằng lòng
nhận lời đi gặp một anh Tây lai, nhưng khi gặp tôi kinh hoàng không thể nào
nghĩ mình có thể nhận lời làm vợ hờ của anh ta được. Thế là chuyện
vượt biên và chuyện làm hôn thú giả đã được dẹp sang một bên không bao giờ
nghĩ đến và tôi nhất quyết chờ đi đoàn tụ một cách chính thức.
*
Sau 1975 gia đình bố mẹ tôi và 2 em tôi cũng bị kẹt lại ở Việt
Nam.
Bố tôi khi trước làm việc ở nha Nông Tín Cuộc. Những
năm về sau khi cuộc chiến trở nên gay cấn, bố tôi lại hay phải đi công tác ở
các tỉnh xa và vì vấn đề di chuyển không được an toàn nên mẹ tôi khuyên bố tôi
về hưu sớm.
Chuyện trong nhà bố tôi để mẹ tôi điều hành. Từ
chuyện tài chánh đến việc dạy dỗ các con. Tính mẹ tôi rất thẳng thắn,
cứng rắn, lại nghiêm khắc nên chúng tôi rất sợ. Chúng tôi không dám
làm trái ý mẹ tôi bao giờ nhưng đối với bố, chúng tôi hay vòi vĩnh, nũng nịu.
Trước khi bố tôi về hưu, mẹ tôi, một phần vì thích buôn bán
và một phần vì muốn tài trợ thêm cho gia đình, nên đã mở một đại lý bán bia và
nước ngọt. Sau một thời gian khoảng 5 hoặc 6 năm (tôi không nhớ rõ)
mẹ tôi phải đóng cửa đại lý vì không cạnh tranh được với những đại lý khác, số
lượng bia và nước ngọt bán ra không đủ quota.
*
Tôi có một người em trai kế đi du học ở Bỉ từ
1969. Khi tốt nghiệp kỹ sư em tôi ở lại Bỉ và lấy vợ Bỉ. Sau
1975, tình trạng gia đình của bố mẹ tôi và 2 em tôi cũng rất chật vật và khó
khăn. Khi ấy em trai tôi ở Bỉ vì có vợ và con nhỏ nên sự tiếp tế tài
chính cho gia đình không được đều hoà. Tôi còn nhớ những lần bố tôi
đến bảo nhỏ tôi: “cô ơi, nhà hết gạo rồi”. Những khi như thế tôi tìm
đủ mọi thứ có được trong nhà đem ra chợ trời bán. Nhiều lần bị cảnh
sát đuổi, chúng tôi chạy tán loạn. Tôi mang những nữ trang mà tôi có
như nhẫn, hoa tai, giây chuyển vàng hoặc quần áo, thuốc men chồng tôi gửi riêng
cho tôi, tôi đều mang ra bán.
Lúc đó bố mẹ tôi và hai em tôi ở trong một căn nhà trống. Bàn,
ghế, tủ đều đã bán sạch chỉ còn giữ lại có chiếc giường cho hai bố mẹ tôi ngủ
mà thôi. Các em tôi ngủ dưới đất. Các bữa cơm hàng ngày
phần đông là rau, đậu hũ luộc chấm chao. Chỉ khi nào có tiền tiếp tế
gửi về mới dám mua ít thịt, cá về ăn. Cuộc sống rất cơ cực.
*
Năm 1974 em trai út của tôi vừa đậu bằng Tú Tài toán với điểm
tối ưu, đã nhận được học bổng đi du học ở Bỉ cùng với anh trai. Giấc
mộng đi du học không thành, mới đầu phải đi làm những việc lao động nhưng đến
năm 1978 khi xảy ra cuộc chiến tranh ở biên giới Việt-Miên, còn gọi là cuộc chiến
Tây-Nam, có một thời gian em tôi phải bỏ nhà trốn đi vì sợ bị bắt đi đánh nhau
bên Campuchia. Sau khi em tôi đi trốn, bố tỏi đã nhiều lần bị gọi
lên tra vấn nhưng bố tôi luôn khẳng định con lớn rồi, bỏ đi không biết tin
tức. Bố tôi dặn riêng 2 chị em chúng tôi: “Nếu bố bị tra
tấn 2 chị em cũng không được khai em con ở đâu. Bố già rồi có chết
cũng không sao, riêng em con còn trẻ, may ra nhờ phúc nhà sẽ đi được sang Bỉ. Vậy
các con phải hứa với bố điều này.” Nghe bố nói, tôi vừa sợ hãi vừa
đau xót và tự nghĩ thầm nếu bố bị tra tấn liệu chị em tôi có giữ được lời hứa với
bố không?
Tra hỏi mãi không được và thấy bố tôi khi ấy đã già yếu nên
họ cũng để bố tôi yên chứ không bị tra tấn như mẹ tôi và chị em chúng tôi đã lo
sợ.
Thật may cho gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ bố tôi
là một người đạo đức, hiền lành, một người chồng tốt, rất nể vợ (chúng tôi vẫn
cười thầm là sợ vợ), một người cha hết lòng yêu thương các con. Đối
với anh chị em trong gia đình bố tôi luôn trên kính, dưới nhường, đối với bạn
bè rất có tình và đối với người lạ lúc nào cũng nhã nhặn. Ai cũng
qúy mến.
Có lẽ vì ăn hiền, ở lành nên gặp nhiều điều lành chăng?
Ngay sau đó mẹ tôi ngã bịnh Khi ấy ở Saigon, các nhà thương
thiếu bác sĩ, thuốc men lại hiếm. Vì thiếu thuốc giảm đau
nên tôi đã bao lẩn đứt gan, đứt ruột nhìn người mẹ thân yêu của chúng tôi
quằn quại trong những cơn đau mà tôi không đủ can đảm để chứng kiến. Cho
đến ngày nay cảnh tượng thương tâm này, lúc nào cũng dằn vặt tâm trí
tôi. Những lần đến thăm mẹ ở nhà thương là những lần tôi đau đớn, cảm
thấy minh bất lực không giúp được mẹ vượt thoát những cơn đau ác liệt đang hành
hạ cơ thể, chỉ biết cầm tay, ôm mẹ mà nước mắt đầm đìa. Khi đạp xe về, tôi vừa
đạp xe vừa khóc thương mẹ, thương cả người cha già, sức yếu, nay phải chịu
đau khổ nhìn người vợ đầu ấp tay gối trong suốt hơn nửa thế kỷ, thân thề bị đày
đọa trước khi lìa trần. Người có thể giúp tìm thuốc giảm đau cho mẹ
tôi là vợ ông Frederic (bà làm việc trong phái đoàn Y-Sĩ Quốc Tế được cử sang
Việt Nam) nhưng lúc này 2 vợ chồng vị ân nhân đã về Pháp nên tôi đành bó tay
không biết phải nhờ ai. Thật đau khổ cho tôi vô cùng, không bút, mực
nào có thể nói hết sự đau đớn này của tôi lúc ấy. Mẹ tôi mất cuối
năm 1979.
*
Đến năm 1981, tôi và con gái được đi theo diện đoàn tụ sang
Mỹ. Tôi xin cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi gặp lại người chồng chung thủy,
một lòng đợi chờ trong suốt thời gian gần 8 năm xa cách.
Tôi ngày đến phi trường ở
Seattle năm 1981.
Chồng tôi và con gái, tại phi
trường ở Seattle.
*
Năm 1983, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bị giải tỏa bố mẹ chồng
tôi phải chứng kiến một cảnh đau lòng và thương tâm. Nhìn thi thể rã
rời của hai người con yêu quí (anh trai và em gái chồng tôi) mất sớm được chôn ở
nghĩa trang phải rỡ lên, xương cốt còn lại phải chính tay mình dùng búa đập nát
thành tro vụn để cho vào bình mang đến để ở nhà thờ vì lúc đó không có nhà hỏa
thiêu. Thật không gì đau đớn hơn!
Chuyện này tuy tôi không chứng kiến vì đã sang Mỹ, chỉ nghe
người em họ kể lại khi gặp vợ chồng tôi mà thôi.
*
Đoạn sau này không dính đến việc khi tôi còn ở lại Saigon
nhưng tôi xin được nói tiếp một chút ít về những gì đã xảy ra sau đó cho gia
đình chúng tôi và vì sao tôi đã tìm được vị ân nhân mà tôi không bao giờ quên
ơn, ông Frederic.
Bố chồng tôi mất năm 1990 tại Saigon. Cụ mất rất
nhanh, chỉ sau một giấc ngủ. Đau đớn cho chồng tôi vì cụ mất bất ngờ
nên không kịp thu xếp công việc và xin giấy nhập cảnh để về VN chịu tang &
đưa cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng may khi ấy còn một
người em con người cậu ruột vẫn còn ở lại Saigon. Anh đã thay thế chồng
tôi làm phận sự này. Sau đó cụ được hỏa thiêu.
Năm sau, 1991, mẹ chồng tôi, 85 tuổi, sang Mỹ đoàn tụ với
gia đình chúng tôi. Cụ được vào quốc tịch Mỹ năm 1997 lúc cụ 91 tuổi. Tôi
còn nhớ trước khi thi quốc tịch cụ được một người Mỹ, tối nào cũng đến kèm học. Anh
là chồng của một người bạn của chúng tôi. Cụ nhờ trí nhớ vẫn còn
minh mẫn nên đã trả lời được hết các câu hỏi làm mọi người phục
lăn. Cụ mất năm 2003.
Tôi may mắn, khi về làm dâu được bố mẹ chồng thương nên khi
cụ mất tôi rất buồn và thương tiếc nhưng cũng mừng là cụ đã hưởng được những
năm tháng êm ả, ấm cúng của cuộc đời còn lại của cụ bên cạnh con và cháu.
Một năm sau Bố tôi và hai em tôi cũng được em trai tôi bảo
lãnh sang định cư tại Bỉ.
*
Trong tâm khảm, tôi vẫn luôn nhớ ơn vị ân nhân đã giúp đỡ
tôi trong thời gian tôi và con gái nhỏ bị ở lại Saigon sau 1975. Một
hôm, ngồi nói chuyện với cô con gái út, vui miệng tôi kể cho con nghe về vị ân
nhân của tôi. Con gái tôi nghe mẹ kể xong có về cảm động liền đề nghị
tôi thử tìm ông Frédéric trên mạng. Nghe lời con, vợ chồng tôi vào LinkedIn tìm
ông. Tôi vui mừng tìm được ông Frédéric và sau đó đã viết thư liên lạc. Ông
vẫn còn nhớ tôi. Ông Frédéric hiện đang sống bên Nhật. Chúng
tôi vẫn giữ liên lạc với với ông.
*
Biến cố 30/4 đã làm đảo lộn đời sống không biết bao nhiêu
triệu dân Việt. Các sĩ quan và các nhận viên cao cấp trong chế độ Cộng
Hoà nếu không đi được ra nước ngoài, bị ở lại đều phải đi học tập cải tạo. Bị
đầy đọa rất nhiều năm ở trong tù, rất nhiều người đã phải chết vì lao lực, vì
thiếu ăn. Hàng loạt người bỏ nước đi tìm tự do, mong con cháu có một tương lai
tươi sáng hơn đã phải bỏ mình nơi rừng sâu, biển cả.
Không biết bao nhiêu phụ nữ đã bị hải tặc hiếp
dâm. Sự kinh hoàng không thể nào kể xiết.
*
Đã 50 năm trôi qua, dân Việt chúng ta sống rải rác trên khắp
các nước, lấy quê hương thứ hai làm nơi trú ẩn nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê
hương và mong cho con cháu không quên văn hóa và phong tục nước nhà, sống xứng
đáng với hai chữ con Rồng, cháu Tiên.
Cầu xin trái đất không bao giờ còn chiến tranh.
Việt Nam
Bellevue, 11 tháng 3, 2025