Mỗi năm, tôi đều nhận được điện thư hoặc thiệp chúc Tết từ một
số bạn, trong đó có nó. Nó không gởi thư Merry Christmas, Happy New Year, chỉ
duy nhất dịp Tết Âm lịch. Nó là dân miền Tây cần cù, hiếu hoc, là bạn thân của
tôi.
Email nó gởi kèm theo mấy tấm hình Tết ở Bạc Liêu, quê nó. Bạc Liêu bây giờ khác xa hồi đó, hồi chúng tôi còn là sinh viên những năm 70. Đêm thành phố Bạc Liêu sáng rực rỡ trên đường bày hàng bán Tết. Nó đứng hòa vào khung cảnh nhộn nhịp nhưng không khác xưa, vẫn áo chemise, quần Tây, giày sandal, nụ cười e lệ không điệu bộ. Thời trang là thứ xa xỉ trong cuộc sống của nó. Tôi quý nó chỗ đó!
Nó lên Sài Gòn học. Những tháng ngày trên
lớp, nó luôn đi học sớm và dành cho tôi chỗ ngồi kế bên. Không biết nó “kết”
tôi ở điểm nào mà chọn tôi làm “bạn tâm giao” tới lúc tốt nghiệp. Lúc đầu, tôi
không mấy để ý đến nó vì ngoại hình bình thường, học lực cũng bình thường, lại
không hoạt bát; nhưng lâu dần, tôi thấy mến nó hơn. Trong lớp, nó chỉ có vỏn vẹn
2 người bạn cùng quê và tôi, dân Sài Gòn. Năm đầu, nó ở chung nhà thuê với hai
bạn cùng quê. Sau đó, em gái nó thi đậu vào Đại Học Y Khoa Sài Gòn nên hai chị
em thuê nhà khác.
Bản chất thật thà, chất phác nên nó đã
không ít lần bị hai bạn kia mượn tiền không trả. Nó biết bị quỵt nợ mà không
dám làm cách nào lấy lại tiền, chỉ chọn cách tâm sự với tôi. Tôi làm “quân sư
quạt mo” kêu nó không đòi được tiền thì nghỉ chơi luôn cho khỏe, nhưng nó thà bị
mất tiền còn hơn mất bạn! Nó hiền lành và coi trọng tình bạn chứ không khờ khạo,
vẫn đối xử tử tế với hai bạn kia làm tôi bực mình. Tôi cấm nó không được kể lể
ba cái chuyện phiền phức đó nữa, nhưng nhìn bộ mặt buồn xo của nó, tôi đành mặc
kệ, tiếp tục im lặng nghe đủ thứ chuyện trời ơi của nó! Không cần biết người
khác nghĩ nó ra sao, tôi chỉ cảm thấy chơi với nó rất dễ chịu, không hao tâm tốn
sức đề phòng, mà chơi càng lâu càng thân. Trong bụng nó đầy chữ nghĩa từ sách vở
nhưng chưa từng đọc truyện Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy... thần tượng của tuổi trẻ
thời đó. Cho nên, thỉnh thoảng nghe tôi kể sơ một vài mẩu truyện ngắn của các
nhà văn này, nó tỏ ra thích thú như con nít, cứ như tôi đã mở ra cho nó một bầu
trời mới mẻ và hấp dẫn.
Nó thường rủ tôi về Bạc Liêu chơi mỗi dịp
Hè, Tết, hoặc những ngày nghỉ sau kỳ thi, nhưng sao tôi có thể đi trong khi nhà
nhiều việc được? Vì vậy, bất cứ lúc nào có thời gian, tôi xách túi ra bến xe miền
Tây, lên xe đò xuống Bạc Liêu mà không nhất thiết cùng đi với nó. Khỏi phải
nói, lần nào đón tôi ở bến xe, nó cũng mừng muốn khóc. Hai đứa lên xe thổ mộ,
xe ngựa có chỗ ngồi với mái che, về nhà. Tôi thích ngồi đằng sau xe, thả hai
chân xuống, nghe tiếng lóc cóc chậm rãi của vó ngựa, ngắm quán xá, xe cộ qua lại
trên đường; cảm giác thật tự do, sung sướng. Nó ngồi phía trong xe, cạnh tôi,
tay nắm chặt tay tôi làm như sợ tôi rớt xuống đường. Nó đâu biết bạn thân của
nó có máu “tiếu ngạo giang hồ” và “lì” nữa.
Căn nhà gạch đơn sơ của gia đình nó nằm
khiêm tốn trong một khoảng sân đất rộng, trống trải không hàng rào, vài chỗ lót
bê tông. Lần nào tôi về chơi cũng gặp má của nó đầu tiên. Bà thường ngồi trên
chiếc ghế dựa gỗ đặt trước hiên nhà, không biết chờ con gái học trên thành phố
về hay chỉ ngồi hóng gió? Tôi rất thích nghe tiếng “con” hoặc “bây” trìu mến đậm
chất Nam bộ của bà mỗi lần chúng tôi về nhà, như ‘Dìa rồi hả bây? Ngồi xe mệt
không con? Dô nhà tắm rửa ăn cơm đi, v.v…”
Nó còn một chị Ba chưa lập gia đình, ở
chung nhà. Chị nói chuyện tự nhiên và lanh lợi, không giống nó. Chị ân cần chăm
sóc tôi như khách quý. Có lẽ chị biết tôi là bạn thân hiếm hoi của nó, chịu khó
lặn lội từ thành phố về tỉnh lẻ thăm em chị. Chị là cô giáo trường Tiểu Học Bạc
Liêu nên dành nhiều thì giờ ở nhà chăm sóc gia đình.
Buổi tối, ba chị em ngủ chung một giường.
Cái giường đặc biệt này có một không hai tôi được thấy trong đời, và chắc chỉ
có ở nhà nó. (Mà tôi có biết nhà nào khác đâu?) Đó là một cái hồ chứa nước to,
diện tích khoảng 3mx4m, cao phải hơn 1m. Nắp hồ là miếng bê tông dày cứng cáp.
Chúng tôi chỉ cần trải chiếc chiếu trên nắp hồ là thành giường ngủ. Còn nữa, ở
đây không treo mùng mà không có muỗi. Tôi thắc mắc hỏi thì nó nói, chung quanh
sân nhà là đất cát, không cây cối, hồ nước lại xây trong nhà nên không có muỗi.
Đơn giản vậy sao?
Nó đưa tôi đi coi căn nhà cổ của Công Tử
Bạc Liêu, chỉ một lần cho biết thôi vì từ nhà nó tới đó khá xa. Còn hầu hết thời
gian trong ngày, nó dẫn tôi đi chợ, đủ các chợ gần xa, cũng bằng xe thổ mộ.
Thành phố Bạc Liêu nhỏ nên chợ nào cũng nhỏ. Chúng tôi đi chợ mua đồ về nhà nấu
ăn, có khi đi suốt ngày thì ăn hàng trong chợ. Nó giới thiệu mấy xe hủ tíu ngon
của các chú Tiều và các hàng chè đủ loại. Nó luôn luôn “bao” tôi ăn uống, không
để tôi trả tiền. Biết nó thật tình nên tôi không ngại. Bạc Liêu có một chợ bán
nhiều hàng hóa cũ-mới giống Khu Dân Sinh Sài Gòn. Chợ này dĩ nhiên không rộng lớn,
hàng hóa cũng không đẹp, nhưng đi dạo ngắm chơi cũng vui mắt.
Tôi nhớ mãi những bữa cơm do chị Ba nấu,
có canh bầu cá trê, thịt ba rọi luộc chấm mắm nêm, cá rô đồng kho tiêu; là những
món mà ở nhà, tôi không bao giờ thấy trên mâm cơm. Chị Ba nghe tôi khen đồ ăn
ngon nên thường để dành cho chúng tôi khi đi chơi về trễ. Ở nhà nó, tôi thật sự
thoải mái, tự nhiên vì đã xem gia đình nó như gia đình của mình. Nó cũng mồ côi
cha như tôi. Ba nó đi lính, chết trận năm Mậu Thân 1968. Nó còn chị Hai đang ở
Cà Mau, em gái học ĐHYK Sài Gòn là kế nó, và cậu em út, phụ công việc với chị
Hai, thỉnh thoảng về nhà. Chị em nó đều coi tôi như người trong nhà. Điều này
làm tôi rất vui.
Chị Hai lấy chồng Cà Mau, mở tiệm bán thuốc
Tây ngay chợ. Nó giúp chị mua thuốc ở Sài Gòn theo “toa” chị ghi, đem về cho chị.
Tôi thường theo nó đi xe buýt về Cà Mau. Lúc đó bến xe Cà Mau nhỏ xíu, còn nhỏ
hơn bến xe Bạc Liêu. Bãi đậu xe chỉ là một bãi đất, bụi bay mù mịt khi xe chạy.
Vậy chứ vẫn có những gánh hàng rong và những bàn trà đá, và người ta vẫn ăn uống
thản nhiên! Chúng tôi giao thuốc cho chị Hai xong là trở về ngay vì chị suốt
ngày bận rộn ngoài tiệm. Mỗi lần rời Cà Mau, chị luôn gói thêm cho tôi bánh Pía
và tôm khô mà theo lời chị, “trên Sài Gòn thích lắm!”
Trước ngày tôi trở về Sài Gòn, nó không
bao giờ quên thắng cho tôi một hũ lớn mỡ heo, bỏ thêm vài ký gạo. Trong chiếc
giỏ lát, ngoài gạo và mỡ heo, còn chứa đầy một tình bạn quý giá. Biết tôi không
ưa rườm rà, đi chơi chỉ xách một túi vừa đủ để áo quần và đồ dùng cá nhân, nên
nó tự tay xách “quà” giùm tôi ra bến xe. Tới nơi, nó leo lên xe tìm chỗ ngồi rồi
để cái giỏ ngay đó, dặn tôi đừng quên. Xuống xe, nó còn đứng tần ngần dưới cửa
sổ, không nói một lời, cho tới khi xe lăn bánh. Lần nào cũng vậy, vóc dáng nhỏ
nhắn của nó từ từ xa tầm nhìn của tôi, rõ nét, không bao giờ thay đổi.
Từ khi chúng tôi tốt nghiệp, nó về quê dạy học,
tôi ra tận Cam Ranh, hai nơi xa xôi ít gặp nhau. Vậy mà khi nghe tin mỗi dịp
tôi về Sài Gòn là nó ghé nhà thăm, không biết nó đi từ Bạc Liêu hay tỉnh thành
nào? Nó đã từng làm tôi ngạc nhiên như lần nó xuất hiện tại trường Trung Học
tôi đang dạy, chỉ để thăm và đem ít bánh trái cho tôi. Tôi mà rầy rà thì lại bị
nghe “Thương mới cho ăn chớ”, câu nói quen thuộc kiểu “bà già trầu” của nó. Nó
vậy đó, im-im lặng-lặng, chẳng nói-chẳng rằng nhưng toàn gây bất ngờ!
Khi em gái nó tốt nghiệp, làm việc tại bịnh
viện Bình Dân Sài Gòn, hai chị em mua căn nhà riêng ở Gò Vấp. Nó đổi nghề, mở
Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuất Khẩu thảm xơ dừa và dây thừng tại Long An. Tôi
hỏi nó học từ đâu mà dám kinh doanh một ngành nghề lạ hoắc như vậy, mới biết chồng
của nó có nghề này dưới quê, kêu nó bỏ tiền ra làm ăn riêng. Tưởng công việc
phát triển thuận lợi, không ngờ, vợ chồng nó phải li dị vì nó lấy nhầm một người
đàn ông nhậu nhẹt và nợ nần. Nó quyết định giữ lại công ty do nó gầy dựng và tiếp
tục việc sản xuất. Nó miệt mài làm việc, đã trả hết nợ, và bảy năm sau khi li dị,
nó lập gia đình với một anh chàng Việt Nam, đại diện cho một công ty của Mỹ, là
khách hàng của công ty nó. Đám cưới lần thứ nhì, nó cũng đích thân đem thiệp mời
tới nhà tôi. Trong ngày hôn lễ, nhìn nó ngượng ngùng trong chiếc đầm trắng hợp
thời, tôi nghĩ thầm “chắc nó đang bị thời trang làm phiền”. Đến nay, nó vẫn tự
làm chủ công ty, không theo chồng qua Mỹ. Hai vợ chồng nó tuy không sống gần
nhau, mỗi năm gặp nhau vài lần nhưng rất vui vẻ, hạnh phúc. Vậy mới nói, xa mặt
chưa chắc đã cách lòng! Tôi mừng cho cuộc sống và sự nghiệp nó chọn.
Tình bạn thuở học trò đẹp đẽ của chúng
tôi theo thời gian không phai nhạt, dù hiện tại chúng tôi sống ở hai nơi rất
xa, hiếm khi gặp nhau. Tết năm 2016, tôi về Việt Nam lo vài công chuyện. Nó biết
tin, từ Long An lên Sài Gòn thăm tôi. Tôi giữ nó ở chơi với tôi một ngày rồi
theo nó về Long An thăm xưởng sản xuất và nhà mới của nó. Gặp lại cậu út giờ là
thợ chính trong xưởng, đã có gia đình và một con gái. Thời gian qua nhanh quá!
Sẵn mấy ngày nghỉ Tết, nó chở tôi đi chợ
Tết Tân An bằng xe gắn máy. Tôi thích ngắm hoa nên chúng tôi chỉ cần tới chỗ
bày bán hoa tươi dọc theo bến sông. Dưới bến nước, nhiều ghe neo sát bờ, còn đầy
hoa trong khoang. Những chậu hoa lớn nhỏ đủ cỡ và bông trái đủ loại, tạo nên một
bức tranh đầy màu sắc Tết miền quê. Dạo quanh một hồi, tôi chọn mua 2 chậu mai
lớn, trả tiền trước khi nó quay lại. Nó đã mua 5 cặp vạn thọ và thuê xe ba gác.
Tôi nhờ khiêng lên xe 2 chậu mai chở về nhà luôn. Nó trố mắt nhìn, không kịp
“trở tay”. Ăn trưa xong, chúng tôi – nó, cậu út, và tôi – hì hục sắp xếp mấy chậu
hoa ngoài sân. Thợ đã nghỉ Tết nên chúng tôi phải lao động cho đến chiều tối.
Theo thư nó kể, qua năm sau, nó kêu thợ
đào hố và đem những cây vạn thọ trồng thẳng xuống đất, nhưng không sống được
lâu vì quá nắng, hay vì sao không biết? Trái lại, hai chậu mai tôi mua, vẫn để
trước cửa lớn, ra hoa đều đặn mỗi năm. Nó nói anh chồng nó rất thích vì đó là
mai tứ quý. Anh ta coi bộ rành cây cảnh, chăm chỉ lặt lá và tưới nước đầy đủ
nên cây lớn mạnh, nở rất nhiều hoa mỗi độ Tết về. Hai cây mai đẹp, có cái tên
cũng đẹp mà tôi đã may mắn mua được từ Tết năm nào vẫn sống bền bỉ, tươi tốt như
lời chúc Ăn Nên Làm Ra dành tặng nó.
Tình bạn của nó và tôi không màu mè,
khách sáo. Nó vẫn kêu tên tôi và xưng “tui”. Tôi thì cứ “bồ” và “tui” như xưa,
dù hai đứa nay đã qua thất thập. Nó là đứa bạn duy nhất của tôi, mộc mạc, thật
thà, còn giữ nguyên gốc dân quê Bạc Liêu như tên của nó, Nguyễn Thị S.