06 July 2015

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐÁNG HÃNH DIỆN - Ngô Nhân Dụng

Sau khi chiến tranh đã chấm dứt 25 năm, một người lính còn tiếp tục “chiến đấu” là Thiếu Tá Vương Mộng Long, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân. Ông kể chuyện cuộc đấu trí giữa ông và một giáo sư dạy sử người Mỹ, trong năm 2000, ông theo học một lớp “Sử Chiến Tranh Việt Nam.” Vương Mộng Long đã cho nhà giáo này thấy rằng những gì ông ta biết về cuộc chiến Việt Nam chỉ dựa trên sách vở, hoàn toàn sai sự thật. Ðặc biệt là những nhận định sai lầm về quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mà người sinh viên lớn tuổi đã từng cầm súng chiến đấu trong đó. Cuối cùng, vị giáo sư được thuyết phục, bắt tay Vương Mộng Long, công nhận: “Chiến sĩ, ông vừa lập một chiến công!”


Những nhận định sai lầm trong sách vở tại Mỹ về quân đội Việt Nam Cộng Hòa có nguồn gốc sâu xa hơn các lớp học sử trong nhà trường. Căn nguyên là chính sách sai lầm của chính phủ Mỹ ngay từ đầu, khi họ muốn áp dụng bài học cuộc chiến Cao Ly khi tới Việt Nam. Từ năm 1964, quân đội Bắc Việt đổ vào miền Nam ngày càng nhiều không khác gì quân Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn năm 1950. Chính phủ Mỹ phải quyết định tham chiến, và họ nghĩ quân đội Mỹ sẽ đóng vai chính trên chiến trường, không khác gì hơn mười năm trước, trên bán đảo Cao Ly. Với quan niệm đó, họ không chủ trương giúp quân đội Việt Nam Cộng Hòa gia tăng quân số, vũ khí, hỏa lực và kỹ thuật để tự đóng vai chủ động trong tự bảo vệ lãnh thổ. Có thể họ đã thấy chiến tranh Cao Ly, dù có một triệu quân Trung Cộng tham dự, cũng chỉ kéo dài có ba, bốn năm; một thời gian ngắn không đủ để chuẩn bị cho một đạo quân miền Nam hùng mạnh hơn.
Khi chính phủ Mỹ quan niệm nước Mỹ đóng vai chính trong cuộc chiến đang diễn ra, thì giới truyền thông Mỹ và dân chúng Mỹ cũng nghĩ như vậy. Nguồn tin chính của các ký giả Mỹ là các đơn vị quân đội Mỹ, và họ chỉ đi săn tin về đạo quân nước họ, cung cấp cho các độc giả và khán giả ti vi người Mỹ. Cho nên họ nhìn lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa với con mắt thiên lệch. Năm 1970, Nixon bắt tay với Trung Cộng để chia rẽ khối cộng sản, thì họ quyết định rút quân, để mặc cho Nga và Tàu tranh giành ảnh hưởng trên nước Việt Nam.
Khi muốn rút quân, các viên chức chính phủ và Quốc Hội Mỹ tìm cách trút hết trách nhiệm thất bại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Giới truyền thông Mỹ đồng tình với lối giải thích đó. Và các “học giả” nghiên cứu chiến tranh Việt Nam cũng không nhìn thấy xa hơn. Họ vẫn coi cuộc chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến “của nước Mỹ.” Họ không thể hiểu nổi tại sao người dân miền Nam Việt Nam lại nhìn cách khác.
Thiếu Tá Vương Mộng Long đã dùng sách vở và cuộc đời của chính ông, để cho giáo sư dạy sử thấy một cách nhìn khác. Sau nửa khóa học, ông đã yêu cầu được nói chuyện tay đôi. Với những bằng chứng, tài liệu, các kinh nghiệm chiến đấu và 13 năm bị giam cầm trong các trại tù “cải tạo,” ông đã chinh phục được vị thầy giáo tại Shoreline Community College WA. Thiếu Tá Vương Mộng Long thành công. Ông thầy dạy sử thành thật nói: “Tôi tin lời ông, vì chẳng có lý do gì để ông nói dối. Có điều là, từ đó tới nay, hơn hai mươi năm dài, kể từ ngày những gia đình người Việt Nam đầu tiên tới định cư ở Hoa Kỳ, chưa ai nói cho tôi nghe những điều này... Tôi đã hiểu, và tôi phải cám ơn ông. Ông quả là một chiến binh thực thụ.” Trong buổi lễ lãnh bằng Cử Nhân (BA) của Thiếu Tá Vương Mộng Long tại Ðại Học Washington, Giáo Sư Dan nói: “Long, I’m proud of you” (Long, tôi hãnh diện về ông), và “My soldier, I’m loving you!” (Chiến sĩ của tôi, tôi yêu mến ông). Nhân Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa quý vị độc giả có thể tìm trên mạng để đọc đầy đủ cả câu chuyện dài này do chính người trong cuộc kể, một chiến sĩ vẫn tiếp tục chiến đấu.
Trong các hồi ký khác, ông Vương Mộng Long kể chuyện lần ông vượt “ngục cải tạo” lần thứ hai, vào năm 1978, bị bắt lại sau sáu mươi bốn ngày trốn. Trong khi “nằm chờ giờ ra pháp trường,” ông suy nghĩ: “Thôi thế cũng là xong! Cứ coi như một lần ra trận...” Sau khi ông ra khỏi tù, có lần ông Vương Mộng Long trở về một chiến địa cũ, nơi nhiều đồng đội Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân dự trận đánh đẫm máu bi hùng cuối cùng. Hôm đó đúng ngày Ba Mươi Tháng Tư, ông thấy, có lẽ dân chúng trong vùng này còn nhớ tới các chến sĩ hy sinh cho nên đã cắm những bó nhang, hương khói tưởng nhớ ngay bên đường.
Hình ảnh trên gợi nhớ lại cảnh những toán quân nhân đi tù cải tạo. Khi đoàn xe chuyển trại dừng lại bên đường, dân chúng nhận ra đã tự động đem đủ các thức ăn tới vội vàng tiếp tế cho họ. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa có thể hãnh diện vì đã được người dân ghi ơn và tưởng nhớ mãi trong lòng.
Mà không riêng gì người dân miền Nam Việt Nam. Anh Nguyễn Viết Dũng sinh ở Nghệ An ngày 19 tháng 6 năm 1986, trùng với “Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.” Anh đã dám treo cờ vàng ba sọc đỏ tại nhà, hát Quốc ca và mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã bị bắt giam cùng bốn người bạn khi đi biểu tình vào Tháng Tư vừa qua ở Hà Nội, cả nhóm đều đeo huy hiệu đại bàng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhiều người Mỹ vẫn nói về cuộc chiến tranh Việt Nam như là cuộc chiến của quân đội Mỹ. Giờ đây người Việt ở miền Bắc cũng thấy nhận ra đó là một cuộc nội chiến giữa hai chế độ, hai lối sống, giữa miền Nam tự do và miền Bắc Cộng Sản. Dân Việt đã bị Ðảng Cộng Sản đưa ra làm vật hy sinh phục vụ một cuộc tranh hùng quốc tế vì họ tưởng rằng khối cộng sản sẽ đè bẹp thế giới tư bản.
Người dân miền Nam đã thấy rõ điều đó khi họ hát khắp nơi: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày!” Cho nên, ngay trong thời chiến một người lính miền Nam như thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn vẫn nói với “địch quân” rằng: “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước - Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi! Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi - Suy nghĩ làm gì lao tâm tổn trí!”
Một chiến binh thi sĩ khác, mới in tập thơ viết về chiến tranh sau khi cuộc chiến đã chấm dứt 40 năm, là Nguyễn Lê Minh, một y sĩ phục vụ trong lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Giá trị nhân bản, văn minh của một quân đội được thể hiện trong những điều các chiến sĩ nghĩ trong đầu trong khi ra chiến trận. Tập thơ của Nguyễn Lê Minh biểu lộ bằng một bút pháp giản dị, trong sáng những điều diễn ra trước mắt và trong lòng anh, khi anh Vào Cơn Bão Lửa, với “Những chiến địa còn tươi xương máu thịt.” Làm bác sĩ, anh đã đau lòng vì, “Ðôi tay ta run rẩy biết bao lần - Vuốt cặp mắt đứng tròng bao lính trẻ.”
Nguyễn Lê Minh bắt đầu muốn làm thơ trong một ngày anh đi trong thành phố Quảng Trị hoang tàn, bên dòng sông Thạch Hãn. Anh chợt nghe thấy tiếng trẻ cười, giọng cười hồn nhiên trong vắt. Anh tìm thấy hai em bé đang đùa giỡn dưới sông, tiếng cười của các em bé 8, 9 tuổi “như tia nắng làm sáng khung trời chiều thu mây xám.” Nguyễn Lê Minh nhớ lại thời thơ ấu của mình, “thằng bé gầy còm sinh giữa mùa Hè năm Ất Dậu” rồi được di chuyển “trong thúng mẹ lủng lẳng tản cư.” Anh tự hỏi: “Có thể nào những đứa con chưa ra đời của tôi... 25 năm nữa lại khoác áo lính? 25 năm sau chúng có cầm khẩu súng của phe này chĩa vào những đứa bé đang đùa giỡn vô tư bên kia sông hay không?” Những ý tưởng dằn vặt đó khiến Nguyễn Lê Minh phải viết một bài thơ cho những em bé cùng thế hệ với các đứa con chưa sinh ra của mình. Một chiến sĩ trở thành một thi sĩ. Bài thơ đầu đời viết bên bờ sông Thạch Hãn đó không được in trong tập thơ Ðường Ta Ði mới xuất bản của Nguyễn Lê Minh. Bài thơ này anh cất trong chiếc ba lô bị bỏ lại trên bãi biển Mỹ Khê vào cuối Tháng Ba năm 1975, để tác giả bơi được ra tới tàu Hải Quân, thoát nạn. Còn tập thơ để ở nhà, đã được mẹ anh cất giấu, kín đáo qua tay nhiều người, gần đây mới được chuyển cho tác giả.
Giữa cảnh gạch ngói sập đổ ngổn ngang ở Quảng Trị, nhìn sang phía địch quân là “cánh đồng hoang ngút ngàn cỏ khô không một bóng người,” một người lính Việt Nam Cộng Hòa lại nghĩ đến và lo lắng cho số phận những đứa trẻ Việt thuộc thế hệ sau ở cả hai bên. Tâm trạng đó cho thấy tinh thần nhân bản của người lính được đào luyện thế nào. Cả xã hội miền Nam sống với nền văn minh tinh thần đó, trong truyền thống ngàn năm của dân tộc. Cho nên, Nguyễn Lê Minh biểu lộ tình yêu nước thương nòi của người chiến sĩ ngay trong lúc đang sống giữa cơn bão lửa nội chiến.
Nguyễn Lê Minh đi cùng đoàn Thủy Quân Lục Chiến tiến về phía Bắc trong khi những đoàn dân cư chạy loạn đi ngược chiều về phía Nam. “Mùa Hè Bão Lửa - Bắc Cộng vượt biên - Ðường ta đi đất rung chuyển cuồng điên - Cuộc thảm sát xe tăng, đại pháo. Ðường ta đi bày nhày xương, thịt máu - Suốt một vùng Bến Hải, Gio Linh...” “Ðường tiến quân nhìn dân cư chạy ngược - Tất cả kinh hoàng dưới lằn đạn Nga Hoa - Từng thây người bật ngửa rên la - Máu đỏ chan hòa vào cát nóng...”
Nguyễn Lê Minh đã bật tiếng gọi tên tổ quốc, như người con kêu mẹ: “Ðường ta đi của những ngày Hè bão lửa... Việt Nam ơi, Việt Nam!...” Bây giờ đã 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, lịch sử có thể ghi nhận tâm trạng một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên Ðại Lộ Kinh Hoàng. Anh chứng kiến trong đoàn dân chạy ngược chiều đoàn lính có người cha đang chở con trên xe máy thì bị đạn cộng quân bắn trúng, ngã xuống chết. Rồi cảnh một người mẹ ôm đứa bé sơ sinh lội qua sông, tới bờ mới thấy con đã chết vì ngộp nước. Người mẹ muốn ngồi lại khóc con, ông chồng vội kéo đi ngay. Nguyễn Lê Minh đã thấy gì, nghĩ gì, anh đã ghi lại và kể tâm sự thật của anh lúc đó:

“Mồ hôi nước mắt mẹ cha
“Quyện cùng bụi cát thối tha xác người 
“Máu trong ta, máu trong người
“Máu nào không thắm những lời mẹ ru?
“Máu nào là máu hận thù?
“Máu nào là máu rạng cờ hùng anh?
“Máu nào là máu hôi tanh?
“Máu nào không phải em, anh, họ hàng?

Một quân đội có thể hãnh diện về những chiến sĩ bền bỉ như Vương Mộng Long, mang tâm sự của Nguyễn Lê Minh, và như hàng trăm ngàn đồng đội khác. Họ chiến đấu mà không khát máu, không ai hô hào “giết, giết nữa bàn tay không biết mỏi.” Họ đứng thẳng hai chân làm những con người, không bao giờ biến thành những cái máy sát nhân. Họ viết những trang sử không bao giờ quên được. Chúng ta hãnh diện về những chiến sĩ như vậy. Các em bé ra đời sau năm 1975, như Nguyễn Viết Dũng và các bạn, cũng có thể hãnh diện về họ.

Ngô Nhân Dụng