(Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Chưa bao giờ cái học trở nên vất vả cho nhiều học sinh như ở
Việt Nam ngày nay. Phải đi bộ mất cả nửa ngày đường mới đến được trường để học
“cái chữ,” các học sinh ở các vùng cao nguyên của Bình Định vẫn phải đến trường.
Ai cũng mủi lòng khi trời trở lạnh, mà thấy các em đến trường
mong manh trong chiếc áo mỏng, chân đất không giày dép, đầy bùn đất, đỏ ửng.
Trường thì bốn bề gió lộng, không có vách che chắn. Phần ăn trưa mang theo chỉ
có nắm cơm với muối.
Đến trường, học sinh phải tự đu dây kéo bè, ghe tự vượt sông
đến trường và về đến nhà khi trời đã tối mịt. Trong một trường hợp “bi thảm,”
19 em học sinh trong 57 em học sinh trường Lãng Khê, Nghệ An, phần lớn là gái,
chết không tìm được xác, trong buổi sáng mùa mưa năm 2007, nước sông chảy xiết,
thuyền nhỏ, chở nặng chết máy, bị sóng đánh chìm.
Cha mẹ như vậy, ai không khỏi xót xa chạnh lòng vì thương
con, không cho con đến trường thì ngu dốt, mà cho con đi học, mạng treo sợi tóc,
khốn khổ trăm bề, trong khi việc đồng áng không ai làm phụ, cơm ngày hai bữa
không đủ ăn, tiền trường không đóng đủ, không áo quần cho con trẻ, lấy gì ăn để
cho các con đi học.
Kỳ Anh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề
do thảm họa cá chết và đổ chất thải do công ty Formosa gây ra, cả nghìn học
sinh tại địa phương này không đến trường trong năm học mới. Các phụ huynh cho
biết nguyên do là họ không đủ tiền đóng học phí cho con. Mức học phí cho mỗi em
là 1.7 triệu đồng, chính quyền cho giảm miễn 400,000 đồng, nhưng lấy đâu ra 1.3
triệu đồng để đóng cho con em, vì ngư dân không kiếm ra tiền, ngay hạt muối làm
ra cũng không bán được.
Ở những nơi khác thì không thiếu những tệ nạn vô đạo đức của
các giới chức trong ngành giáo dục, từ giáo viên đổi điểm lấy tính dục, hiệu
trưởng khai gian, lạm thu nhiều khoản ngoài quy định của học sinh nghèo, cắt
xén tiền ăn trưa của học sinh…
Trong tình trạng khó khăn của đời sống và hoàn cảnh xã hội
như thế, nhiều phụ huynh học sinh nản chí, không muốn cho con đến trường để kiếm
“cái chữ” như cách nói của người thiểu số vùng cao.
Vào thời buổi này, học chữ để làm gì?
Hơn 200,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang được Bộ Lao Động
xây dựng đề án xuất khẩu lao động kiếm việc làm ở nước ngoài.
Hàng chục nghìn thanh niên cần có tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật,
tiếng Anh… để xuất ngoại kiếm việc làm, liệu có cần học tiếng Việt?
Quyền cao chức trọng trong xã hội này, chỉ cần lươn lẹo, luồn
lọt, mềm lưng, phe đảng, hiến vợ, đâu cần đến kiến thức chuyên môn hay văn bằng
thích hợp. Hoạn lợn như Đỗ Mười, bẻ ghi đường ray như Lê Duẫn gặp thời cũng là
bậc Đế Vương, học luật trong rừng, đọc một tiếng Anh cơ bản “Made” chưa xong,
cũng làm được Tể Tướng.
Thời nay có nên dạy con chữ trung tín, thật thà, để con chết
đói không, hay nên dạy con mánh mung, luồn lọt!
Thời buổi sản sinh ra nhiều bí thư, chủ tịch, đại gia, thì
đàn bà con gái, Trời cho có cái nọ, chẳng cần có thêm “cái chữ” làm gì!
Ở xứ “địa linh nhân kiệt” như đất Thanh Hóa, cô Trần Quỳnh
Anh xuất thân chỉ là nhân viên tạp vụ (lao công tạp dịch) của liên đoàn lao động
tỉnh, học vấn cỡ lớp Ba trường làng, nhờ nghệ thuật “lên giường” cũng được bí
thư tỉnh ủy bổ nhiệm làm trưởng phòng nhà và bất động sản Sở Xây Dựng Thanh
Hóa, một chức vụ dành cho những ứng viên có bằng đại học, tài sản không dưới
triệu đô la. Nhờ thân xác Quỳnh Anh lại được ưu ái học thạc sĩ “tại chức,” được
cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị để “làm hạt giống đỏ,” “cán bộ nguồn”
và sắp sẵn vào vị trí phó rồi giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa nay mai, mà chẳng
thấy đảng nói gì.
Ngay một tờ báo mang tên là Giáo Dục Việt Nam cũng công nhận:
“Dù là do gì đi nữa thì phải thấy rằng, từ khi vòng 1 của các kiều nữ Việt căng
tròn và đẫy đà hơn thì tên tuổi của họ cũng lên như ‘diều gặp gió.’ Một nhân vật
‘lừng danh’ của Việt Nam là Ngọc Trinh, xuất thân từ thị trấn Tiểu Cầu, tỉnh
Trà Vinh, trong một gia đình nghèo, học hành dở dang, nhưng nhờ cao 1m72, nhờ
vòng số 1, số 3 phổng phao, eo thon, da trắng cũng trở thành “Nữ Hoàng Nội Y,”
“Hoa Hậu Trang Sức,” “Người Đẹp Ăn Ảnh,” “ Siêu Mẫu Việt Nam.” Dù thiên hạ có
ganh ghét gọi cô là” “chân dài não ngắn” hay “hoa hậu ao làng” gì gì đi nữa, giờ
đây Ngọc Trinh cũng là chủ nhân khối tài sản hàng trăm tỷ đồng, nghĩa là có
trong tay hằng triệu đô la, có đủ mọi thứ mà mỗi cô thiếu nữ Việt Nam lớn lên đều
mơ ước.
Có nhan sắc như hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương, thì dù trong thời
gian ở Đại Học Hoa Sen, học hành quá tệ, bị 7 môn thi với điểm 0 và nhiều điểm
3, bị báo chí “lắm chuyện, ganh tỵ” phanh phui ra, thì cũng có sao đâu? Hoa hậu
Thùy Dung chưa tốt nghiệp phổ thông, làm học bạ giả, cũng có sao đâu? Cái dốt
không làm cho vòng eo con gái lớn ra, cũng không làm cho vòng ngực nhỏ lại kia
mà.
Học chữ để làm gì, rốt cuộc sinh viên cũng… lên giường!
Các cụ ta ngày xưa vẫn khuyến học con cái bằng lời khuyên: “Ấu
bất học, lão hà vi?” (nhỏ không học, lớn lên làm gì!). Ngày nay, dưới chế độ
này, “Trí thức không bằng cục phân, chẳng bằng năm năm thẻ đảng!”
Xin các cụ đừng lo, ca dao thời đại lại có câu: “Học cho lắm
tắm cũng ở truồng, học bình thường cũng cởi truồng rồi mới tắm!” Thời nay nghề ở
truồng lại làm ra nhiều tiền hơn nghề mặc quần áo!
Huy
Phương