27 April 2017

TỪ TẤM HÌNH “NAPALM GIRL”… - Trần Hoài Thư

(nguyên trung đội trưởng thám kích và phóng viên chiến trường)

Sau đây là hai câu hỏi được đặt ra: 
1.Tại sao lại có một đoàn quân phóng viên ngọai quốc và  phóng viên bản xứ  làm việc cho các hãng thông tấn ngọai quốc hiện diện một cách đông đảo ? Ai cho tin hay là họ có mặt tình cờ ?
2.. Việc máy bay ném bom không phải tự nhiên mà có. Phi công phải được lệnh. Lệnh đó do từ đâu ? Dĩ nhiên là trung tâm hành quân, không trợ, sau khi nhận được yêu cầu từ đơn vị tham chiến dưới đất. Vậy  đơn vị tham chiến là đơn vị nào? Trung đoàn nào, tiểu đoàn nào của Sư đoàn 25 BB ?
1. Thường thường, phóng viên chiến trường  một khi muốn săn tin trước hết phải được chấp thuận bởi Tổng Cục Chiến tranh chính trị ở trung ương hay ở quân đoàn. Bước đầu, phòng thông tin báo chí làm phiếu trình Tư Lệnh, đề nghị có nên chấp thuận hay không. Với một ký giả hay phóng viên đã có những bài làm bất lợi thì đề nghị không chấp thuận.  Khi đã chấp thuận rồi, phòng Thông Tin Báo Chí mới liên lạc với nơi mà phóng viên hay nhà báo muốn đến, giúp họ tất cả những phương tiện và bảo vệ sự an toàn cho họ.

Nhưng ở đây là khác. Sự việc dường như sắp đặt cho một cuộc ra quân do từ một bàn tay đạo diễn nào  đó. Khi không có một đòan phóng viên  truyền hình, nhiếp ảnh của các hãng thông tấn AP, AFP, BBC, Time, Newsweek – không có báo chí trong nước, tòan là ngoại quốc-  tự nhiên đến  tụ hội ngòai bìa quận Trảng Bàng, sẵn sàng đồ nghề máy chụp hình, máy quay phim.

Vậy thì ai cung cấp tin tức cho họ. Không thể đến từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH. Vậy thì ai cho?

Người ta nghĩ ngay đến Phạm Xuân Ẩn ? …Mỗi ngày đều có những cuộc gặp mặt giữa PXA và các phóng viên hay ký giả ngọai quốc tại khách sạn Continental.  Các phóng viên ngọai quốc hay các hãng thống tấn ngọai quốc khỏe ru, chẳng cần lấy tin đâu xa, chỉ nhờ một PXA là đủ.


Và đây là bảng đồng chứng tỏ thành tích của PXA tại Khách Sạn Continental: 

Thử tưởng tượng những ông phóng viên chuyên săn tin chiến trường làm việc cho các hãng thông tấn ngoại quốc, đang ngồi đấu láo ở Continental, thì bỗng nhiên có một nguồn tin có thẩm quyền cho biết, trên Quốc lộ Một ở Trảng Bàng có cuộc giao tranh ác liệt. Bắc quân muốn cắt đứt trục lộ huyết mạch. Và Nam quân bằng mọi cách giải tỏa. Hãy nhanh tay, nhanh chân kẻo lỡ bỏ cơ hội ngàn vàng. Trong số đó có Nick Ut làm việc cho hảng AP.


Đợi cho đám phóng viên này đến đông đủ, bây giờ mới xuất hiện chiếc khu trục. Nó mang 3 trái bom từ trên cao, sà xuống thấp, trút xuống ngôi làng. Lửa cháy, khói đen bốc lên cuồn cuộn. Cái cảnh oanh kích như một màn đón chào đám phóng viên. Rồi sau đó là một đám trẻ chạy ra, một đứa bé gái lõa lồ, một đứa bé trai kinh hoàng khóc thảm. Đàng sau là 6 người lính dàn ngang, như che chở đám trẻ.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là tại sao chiếc máy bay kia lại oanh kích  đúng vào lúc các phóng viên  có mặt đông đủ ? Tại sao không xảy ra trước đó, mà phải đợi đến khi những người phóng viên kia có mặt đông đủ mới ném ? 

Sự việc có vẻ như được xếp đặt để các phóng viên kia tha hồ bấm nút. Đúng là thảm kịch có một không hai trong chiến tranh. Khỏi cần đi đâu xa. Khỏi cần lội theo đội quân để làm phóng sự, vừa mệt vừa nguy hiểm. Nhất là cho phóng Viên Nick Út. Đối với ông ta bây giờ là cố gắng thu vào ống kính những hình ảnh mà chủ bằng lòng. Càng dữ dội, càng kinh hoàng, càng tàn bạo, càng thương tâm, càng tốt. Có vậy, hình mới được bán ra nhiều, chánh phủ mới hoảng hồn trước những lời cáo buộc, và đám phản chiến mới có dịp làm áp lực. Ông không cần bận tâm đên việc bỏ máy hình để săn sóc vết thương cho cô gái như người phóng viên ngọai quốc đang làm hay sự lo lắng của người lính chỉ huy mang cấp bậc trung sĩ nhất đội mũ rừng: 

2. 
Một người bạn  nguyên là sĩ quan Ban 3 (Trung tâm hành quân) thuộc trung đoàn 50 / SĐ 25 BB đã tham dự vào cuộc hành quân này cho  chúng tôi biết là trong vụ ném bom này, người phi công đã ném theo yêu cầu và dựa vào tin tức do tiểu đoàn 1, trung đoàn 50, sư đoàn 25 BB, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Lê Quang Ninh, cung cấp.
Tiểu đoàn này được xem là tiểu đoàn cưng của trung đoàn 50. Trước ngày 30-4-75, chính tướng Lý‎‎‎ Tòng Bá đã tin tưởng, và trung đoàn trưởng đã tin tưởng nên đã chỉ định tiểu đoàn này giữ phòng tuyến quan trọng nhất để ngăn chặn bước tiến của Bắc quân. (Nhưng sau đó không ngờ cả tiểu đoàn đã đầu hàng. Thiếu tá Ninh chạy xe cắm cờ trắng…)
Xin mời đọc để biết con người thật của ông tiểu đoàn trưởng Ninh, người chỉ huy đơn vị mà từ trung đoàn trưởng đến sư đoàn trưởng cho là ưu tú này. Bài đăng trên báo Quân đội Nhân dân về việc thiếu tá Ninh mang cả tiểu đoàn ra qui hàng Bắc quân. Theo đó ông đã là một đảng viên  cộng sản và được cài vào học trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức:
Ngọn cờ binh biến[1]
Điếu capstan thứ hai cháy tiếp trên tay Lê Quang Ninh. Bình thường Ninh ít hút. Nhưng sáng nay sau khi làm việc với chỉ huy các đại đội, một mình trong phòng nghỉ bên ly cà phê đã cạn, viên tiểu đoàn trưởng có vóc dáng to lớn, tướng mạo coi bộ rất oai vệ này đã lấy khói thuốc làm “bạn đồng minh” đắm mình trong suy tư. “Vậy là tính từ ngày chị Tư Nhẫn đến tận đồn Lương Hòa trao nhiệm vụ mà mình không có cơ hội thực hiện để “xổ lồng” đến nay đã bảy năm. Còn tính từ ngày anh Mười Hòa kết nạp mình vào Đảng rồi đưa mình cài vào trường sĩ quan trù bị Thủ Đức (ngụy) đến nay đã là mười hai năm. Mười hai năm phải sống hai mặt “xanh vỏ, đỏ lòng”. Lộ danh, lộ diện nhưng lại phải “ẩn tích” nhập vai tài giỏi, mưu trí để từ một học viên đến nay đã leo lên được cấp thiếu tá, chỉ huy một tiểu đoàn chủ lực tinh nhuệ của địch. Nhưng mười hai năm ẩn tích với cương vị ấy, mình sẽ làm gì trước tình hình chiến sự toàn miền đang như trào dâng, thác đổ, các cánh quân lớn của ta đang áp sát Sài Gòn để bao công phu của tổ chức và của mình khỏi như công dã tràng lúc này…”.
Chúng tôi  chỉ đưa ra những dữ kiện, với tất cả sự dè dặt, để quí bạn đọc thẩm định và tìm ra lời giải.  Tình cờ hay là một dự mưu để  tạo nên một vở kịch về tội ác lấy  trẻ con vô tội làm nạn nhân, trước những ống kính ngoại nhân hay những kẻ làm việc cho ngoại nhân? 

Trần Hoài Thư

[1]  “Ngọn cờ binh biến” đăng trong tập Vỏ bọc nhiệm màu của Hà Bình Nhưỡng, NXB Công an Nhân dân 2005.