Sài gòn của thập niên ’60 đang chuyển dần từ một thành phố thanh bình thời
ông Diệm sang địa bàn của một thủ đô đầy biến động không hẳn vì những xáo trộn
chính trị mà đã nhuốm màu của sắc thái chiến tranh khi ngoại ô đèn vàng sáng
lên các đóm mắt hỏa châu và kể từ Mậu thân ’68, các đợt pháo kích hỏa tiễn của
địch đã cận kề những con đường phủ lá me xanh khu trung tâm thành phố.
Gia đình Sương, một gia đình trung lưu với một trai ba gái đã sống ở thành
phố này, sau khi cha mẹ dứt bỏ cơ ngơi, dắt díu đàn con di cư từ một thị trấn
vùng cố đô Hoa Lư vào Nam khi đất nước chia đôi. Sương sanh đúng vào thời điểm
này và vô tình nhà quen gọi bé Ngọ, khi lớn lên ở tuổi dậy thì, tên Sương như
quyện với giai thoại của bài hát, thấp thoáng có câu, em tan trường về/ anh
theo Ngọ về từ một ca khúc của Phạm Duy, vì chính Sương nhờ hương sắc trời
cho vẫn tạo ra cái ‘đuôi’ từ các nam sinh mỗi giờ tan học.
Trong số bạn bè trai gái, Sương vẫn nổi trội như một khuôn mặt con gái nhà lành
nhưng có con mắt tinh nghịch, thích chép và thuộc nhiều bài thơ tiền chiến và
ít khi vắng mặt trong các buổi văn nghệ của trường. Sương cũng hay tham gia các
chuyến đi hát cho lính ở các tiền đồn, một phần cũng do có ông anh sĩ quan hải
quân, phần nhà trường cần có cô cho thêm phần tươi mát trong chương trình ‘hậu
phương yểm trợ tiền tuyến’. Giọng hát truyền cảm của Sương và hương sắc vốn có
nhiều người tưởng về sau khi lớn lên biết đâu Sương sẽ theo đuổi nghiệp ca.
Cách xử sự của Sương rất tự nhiên, cũng như bao cô gái lứa tuổi ngày xưa
thân ái, Sương cũng có các buổi hẹn hò, tuy chỉ là ăn kem, dạo phố, coi phim,
nhưng vì gia đình gia giáo, lại có ông bố nghiêm khắc, cô chưa bao giờ đi xa
hơn. Từ khi lên cấp ba, trái tim của Sương vẫn bỏ ngỏ dù cho cái ‘đuôi’ của
những chàng nam sinh theo đuổi càng ngày càng dài ra, cho đến khi gặp một chàng
trai bên văn khoa trong tình văn nghệ họ phải lòng nhau, rồi đi đến hôn nhân
khi chàng trở thành một giáo viên, cũng là lúc đất nước đổi đời, đời Sương bước
vào một chương mới.
Lúc này Sương đã trở thành thiếu phụ, bương chải cuộc đời với nhiều lo toan,
lại thêm một đứa bé chào đời và chồng do lý lịch chưa phải là ‘đỏ’ phải đổi đi
dậy trường xa mãi tận Bến Tre. Cô Sương ngày ấy vẫn trụ lại Sài gòn và xin được
việc làm tại xí nghiệp nhà nước chuyên chụp hình cho khách thăm viếng khu Thảo
cầm viên. Một nữ sinh tay ngang vào đời, khi nghiệp vụ được giao chẳng phải là
tay nghề hay đam mê tự chọn, nhưng với năng khiếu nghệ sĩ mầy mò thế nào, cô
trở thành tay săn ảnh ăn khách và đặc biệt có duyên với các trẻ em.
Chồng Sương cứ hai tuần một lần về với gia đình, lương tiền chẳng đủ ăn
nhưng cứ phải bám vào biên chế để hưởng tiêu chuẩn tem phiếu. Cũng may cột trụ
gia đình lúc này lại là tay Sương, đưa đẩy thế nào mà chỉ nhờ chiếc máy ảnh cũ
của ông chú cho trước khi vượt biên, cô đã có nhiều mối làm ăn những ngày cuối
tuần trong các dịp hiếu hỷ, họp mặt gia đình, vui chơi tập thể của một nếp sinh
hoạt như được khơi dậy sau ngày Sài gòn đứt bóng. Cô lo cho gia đình, lo cho
con, đam mê kiếm tiền, nhiều khi cuối tuần gặp khi chồng về, cô cũng chẳng màng
chuyện gối chăn. Chuyện cứ kéo dài như thế khoảng vài ba năm.
Sau khi Sương sanh đứa con thứ hai, hạnh phúc gia đình hình như có một lỗ
hổng. Khỏang trống xuất phát từ phía cha mấy đứa nhỏ vốn sống cảnh cơm hàng
cháo chợ nơi xứ dừa, đem lòng mê một thôn nữ con bà chủ quán. Họ cứ vụng trộm
như thế cho đến khi chuyện đến tai Sương, vỡ lở cũng chỉ vì ông giáo mê gái đem
cô bồ lên thăm thành phố, xui khiến thế nào hàng xóm bắt gặp học lại cho
Sương.
Bán tín bán nghi, Sương xuống tận Bến Tre tìm hiểu sự tình. Chuyện có thật,
chồng Sương xin lỗi, hứa quay về với vợ với con. Vừa thương con vừa không muốn cảnh
đổ vỡ thiên hạ dị nghị, Sương khuyên chồng bỏ việc, tự lo chạy chọt giúp chồng
quay về thành phố, làm chân kế toán ngay cho công ty dịch vụ du lịch nơi Sương
mới đuợc đề bạt giữ chức trưởng phòng.
Chuyện tạm yên, trùng hợp lúc này gia đình đang có hồ sơ bảo lãnh bên chồng,
do người chị chồng di tản hồi 75 đứng đơn từ Mỹ. Xã hội ngoài đời đang ở bước
đầu thời kỳ mở cửa, Sương làm ăn càng ngày càng khấm khá, nhưng cũng chân trong
chân ngoài, hễ hồ sơ bảo lãnh được gọi, gia đình sẵn sàng ra đi vì tương lai
các con.
Chuyện tưởng thế nhưng không phải thế, ông chồng lấy cớ về thăm mẹ già dưới
Vĩnh Long, tiện đường tình cũ không rủ cũng tới, họ lại gặp nhau, càng ngày
càng đậm, cho đến một hôm, Sương được tin chồng nàng…mất tích. Thăm hỏi khắp
nơi, vẫn bặt vô âm tín, có điều lạ là cô thôn nữ cũng rời khỏi căn nhà xưa,
chuyện gì xảy ra mẹ cô cũng chưa hề biết.
Chuyện tìm người mất tích vô phương, công an phường công an xã thụ lý vụ
việc qua loa, họ lo mất ăn chứ không lo mất người. Sương gần như kiệt sức, quay
về với bổn phận làm mẹ, chăm lo cho con. Đời Sương quãng này được kể là một
thách thức quá sức cho người vợ trẻ một thờì được cha mẹ nuông chiều, người
thân chăm sóc. Nếu không vì phúc lợi của hai đứa nhỏ chắc cô khó đứng vững đi
tiếp cuộc đời.
Cho đến một hôm, Sương nhận được tin tức qua điện thư từ người chị bên chồng
nhắn về là ba mấy đứa nhỏ đang ở trên đảo dành cho người tị nạn gần Mã Lai. Oái
oăm là không phải đi một mình, mà lại cùng một người đàn bà lạ. Sau này hỏi ra,
anh chồng tâm sự với chị ruột chính là cô thôn nữ. Họ gắn bó mê mẩn thế nào mà
cả hai rủ nhau vượt biên cho xa cái nơi mà Sương vì yêu chồng vẫn để tâm canh
chừng nhòm ngó.
Nghe được tin này Sương khóc. Cô ít khi khóc dù gặp nghịch cảnh, nhưng lần
này như chạm vào tự ái của một người đàn bà hết mực yêu chồng và thương con,
lại bị phản bội từ một kẻ tán tận lương tâm bỏ bê gia đình trốn chạy cùng một
phụ nữ khác. Suy nghĩ thì như vậy, nhưng dần dà cô cũng nhẹ lòng dù sao cha mấy
đứa nhỏ cũng còn toàn thân và sắp nhỏ không bị mồ côi vì người cha dại dột.
Những ngày ở đảo, chồng Sương xoay sở chuyện khai báo hồ sơ để được phỏng
vấn đi định cư tại Mỹ. Mê muội thế nào mà anh ta cứ khai cô bồ là ‘vợ’, lãng
quên là thời buổi internet hồ sơ bảo lãnh của anh từ Mỹ vẫn là ‘chủ gia đình
một vợ hai con’. Ngày được gọi phỏng vấn, không khó khăn khi phái đoàn Mỹ
phát gìác vụ này, anh chàng bị từ chối và được cho biết hồ sơ gốc từ Việt nam
cũng hết giá trị, riêng anh được xếp diện ‘vĩnh viễn bị từ chối nhập cư vào
Mỹ’. Hậu quả hai người bị lên danh sách chuyến bay trả về quê cũ theo chính
sách mới về tị nạn của Cao uỷ tị nạn.
Vào một sáng đầu thu cuối thập niên ’90, chuyến bay đầu tiên chở những người
không đủ tiêu chuẩn nhập cư nước thứ ba do Cao ủy tị nạn thuê đã đáp xuống phi
trường Tân Sơn Nhất, danh sách chuyến bay có chồng của Sương, kèm tên cô bồ của
anh. Về nước họ âm thầm chia tay, ai về nhà nấy, chấm dứt một chuyện tình mờ ám
và một cuộc viễn du trốn chạy đầy trắc trở.
Trở lại chuyện của chồng Sương, anh không dám về nhà vì biết tội mình quá
lớn, chắc chắn Sương không bao giờ cho phép trở lại. Anh lặng lẽ xuống quê mẹ
tá túc, sau một thời gian thăm dò anh nhờ bà mẹ già trung gian chủ động cho anh
ta xin lỗi Sương và xin được trở về xây lại tổ ấm cũ. Chuyện không thành dù năn
nỉ nhiều lần, chồng Sương chấp nhận đường ai nấy đi chỉ xin được có dịp cho con
về nội để được gặp mặt con, dù sao chúng chặng tội tình gì. Giòng đời trôi
chảy, nghe nói anh ta đã làm lại cuộc đời với bà vợ mới hơn anh vài tuổi, nhưng
có cơ ngơi giúp người đàn ông hòa nhập lại với cuộc sống.
Đời Sương thực sự bước sang chương chót khi nửa đời nhìn lại, con cái một
trai một gái đã tốt nghiệp đại học, đứa lớn đã lập gia đình. Trái tim Sương mải
lo cho con, lại bị chấn thương vì cuộc tình gẫy đổ, cô quyết định ở vậy và tìm
quên trong một sinh hoạt tâm linh giống như thiền định của một tổ chức quốc tế
có chi nhánh ở Việt nam. Không hẳn thuộc tôn giáo nào, nhưng về mặt giao lưu,
các thành viên của hội hay gặp gỡ nhau trong các cuộc hội thảo trao đổi quốc tế
cứ ba năm một lần tổ chức tại những quốc gia có nền văn hóa đa dạng từ Âu sang
Á. Vì là thành viên tích cực và thâm niên cao, Sương trúng cử đại diện cho
thành phố đi dự hội thảo tại Áo quốc. Chuyện xin hộ chiếu không khó khăn gì,
chuyến đi kéo dài 10 ngày, ăn ở di chuyển do tổ chức đài thọ.
Chưa một lần xuất ngoại, nhưng đã làm ngành du lịch, có vốn Anh ngữ khá,
Sương cảm thấy thoải mái trong chuyến đi, càng thú vị khi đuợc một gia đình
người Việt tại thủ đô Vienna tự nguyện hướng dẫn thăm thú cảnh sắc và giới
thiệu nét văn hóa phong phú của người Áo.
Nói về nước Áo, một vùng đất thơ mộng nằm cạnh nước Đức, những người yêu
nhạc cổ điển biết nhiều về vùng đất này. Tuy xa Việt nam về địa lý nhưng lại
gần vì quốc gia này do lòng nhân đạo đã tiếp nhận cả chục ngàn người di tản sau
75, trong đó những người nhập cư gốc Việt đa phần là trí thức hoặc chức sắc
thuộc chế độ cũ, có thân nhân ở Đức ở Pháp.
Người Việt nhanh chóng hội nhập với nước sở tại, nhiều bác sĩ, giáo sư, kỹ
sư đã đổi lại bằng, con cái họ trở thành các học sinh, sinh viên xuất sắc của
các trường trung đại học tại Áo. Trong số này có gia đình của một kiến trúc sư
trẻ, anh tốt nghiệp kiến trúc từ đại học Sài gòn trước 75. Không khó khăn lắm
anh hành ngề trở lại, thách thức là chuyện ngôn ngữ tiếng Đức (Áo không có ngôn
ngữ riêng), nhưng tay nghề và tài năng ngang ngửa với các đồng nghiệp mới.
Anh có một vợ hai con, cô vợ đang học dở dang y khoa từ Việt nam. Nhờ trợ
cấp xã hội dành cho hai đứa nhỏ từ chánh phủ, cô vợ ở nhà trông con và học học
thêm Đức ngữ, khi gia đình đi vào ổn định, anh chồng trẻ chịu để vợ ghi tên học
lại. Năm năm sau, vợ anh trở thành bác sĩ, được nhận thực tập thường trú tại
một bệnh viên ngay tại thủ đô. Anh vẫn là một kiến trúc sư làm cho chánh phủ,
có tay nghề cao, hai con một trai một gái được chuẩn bị đi theo đuờng của hai
cha mẹ nó. Cuộc sống thành đạt nơi xứ người như một giấc mơ trở thành hiện
thực, chuyện cũng không phải hiếm với nhiều hoàn cảnh di dân gốc Việt tản lạc
trên khắp năm châu.
Tuy nhiên hạnh phúc cũng có cái giá phải trả, định mệnh rớt đúng vào tổ ấm
của chàng lúc này đã vào tuổi trên dưới bốn mươi. Cùng lúc hai con được nhận
vào đại học với ngành nghề tự chọn, vợ anh đã xin ly dị vì phải lòng người giáo
sư trẻ nước sở tại đã kèm cặp và bảo trợ cho cô. Chuyện lúc đầu thầm kín sau
công khai, bước đi của người đàn bà như bị quỉ ám không thể giật lùi dù có
những lời khuyên bảo của gia đình và bạn bè thân quen. Người chủ gia đình chấp
nhận chia tay, nhưng khá quân tử khi chịu coi nhau như tình bạn vì cùng lo cho
tương lai các con.
Khi các con ở tuổi ra trường, ông chồng hình như xong bổn phận, xin về hưu
non, qua Mỹ thăm người thân một thời gian. Vài tháng sau thấy hạp sinh hoạt
trên đất mới, bạn bè cũ lại nhiều, anh xin việc vào làm cho một công ty của
người Đức, sau đó ở lại luôn vì có người anh đứng ra bảo lãnh. Mỗi dịp hè hai
năm một lần anh về lại Áo thăm con hoặc dự lễ cưới của chúng. Chuyện có người
yêu mới không hề bận tâm đối với anh sau lần gẫy đổ, anh lao vào công việc như
để quên thời gian và làm lợi cho hãng.
Hè năm nay về lại Áo anh ở chung với gia đình người chị, tình cờ cũng là gia
đình tự nguyện hướng dẫn cho Sương khi thăm thành phố thơ mộng này. Người chị
mau mắn giới thiệu cho em trai khi biết Sương cũng đang cảnh ‘bà mẹ độc thân’
dù ở tuổi vừa mãn chu kỳ sinh nở, nhưng khuôn mặt vóc dáng vẫn son sẻ dễ
thương.
Gặp cơ may hiếm có, con tim chàng kiến trúc như đã vui trở lại, họ thường
xuyên gặp gỡ, tìm hiểu nhau, dù chưa thân mật nhưng tình trong như đã mặt ngoài
còn e. Nàng về Việt nam, chàng quay lại Mỹ, nhưng anh xin kéo dài kỳ hè để
chiếm bằng được trái tim người nữ.
Định mệnh đã mỉm cười với họ. Hai người gặp nhau nhiều lần ở Sài gòn. Khi
mọi chuyện được thu xếp ổn thỏa về phía Sương, một đám cưới khá linh đình ra
mắt hai họ và thủ tục bão lãnh không mấy khó khăn khi anh chàng quyết đưa nàng
về Mỹ.
Đời Sương tưởng đã yên phận nơi quê nhà, nay lại làm lại từ đầu trên đất
mới. Vị ngọt của tình yêu đến muộn ở tuổi về chiều giúp cô gắn bó với người
chồng mới. Hai tâm hồn cô đơn, thương tổn như được tưới gội bởi ân sủng bù trừ.
Họ vui sống bên nhau tại một thị trấn vùng Ngũ Hồ, hay đi du lịch trong những
ngày không vướng bận bởi công việc bán phần, tất nhiên thăm lại các con, các
cháu vẫn nằm trong lịch trình chuyến bay luân phiên hằng năm của cả Sương lẫn
người bạn đời đến muộn.
Quân Cam, tháng 8. 2017
Đỗ Xuân Tê