Buổi học đầu của lớp Toán Cao học. Người thiếu nữ đã đến lớp từ lâu, và
người đàn ông, ngồi đằng sau, biết mình sắp chết đuối về bờ vai mềm và cái dáng
dấp nhỏ bé rất Đông Phương ấy. Ông giáo sư già vào lớp, ngồi trên chiếc ghế và
rảo mắt nhìn đám sinh viên. Sáu người học trò. Ông trao tờ giấy điểm danh xuống
người ngồi hàng đầu. Tên tuổi. ID. Nhan thi Nguyen. Đến phiên người đàn ông.
Việt Nam. Niềm vui nho nhỏ dấy lên. Nguyễn thị Nhàn hay Nguyễn thị Nhân. Nhàn
hay Nhân. Nhàn. Tôi thầm thì. Tên của một người xưa. Tên mà tôi viết cả ngàn
lần trong những đêm ngày nhớ nhung chất ngất. Tên tôi gọi khi tôi quằn quại
cùng vết thương, khi tôi đứng trên cao để nhớ đồi Nam Ô, và nhìn xuống thấp để
nhớ về biển xanh dưới chân đèo Hải Vân. Tên trên phong bì, trên trang thơ, trên
những giờ, những phút trải trong lòng nhật ký từ một nơi nào của thành phố Đà
Nẵng.
Tôi nhắm mắt lại. Con tim già nua hôm nay bỗng nhiên rạo rực lại rồi. Tôi
nhìn lên, gặp đôi bờ vai nhỏ. Ngày xưa, em cũng gầy guộc, em cũng dịu dàng, em
cũng mong manh. Ngày xưa, Nhàn ơi, anh về phép, đội mưa ngoài cổng, để em phải
bối rối tội tình trong chiếc áo mưa màu tím hoa cà. Ngày xưa cổng trường Phan
Châu Trinh, học trò con gái khúc khích cười trước một cây si cổ thụ. Ngày xưa
người về một ngày rồi lại bỏ đi, người đợi một ngày rồi lại ôm mặt khóc. Một
người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau…Ông giáo sư
bắt đầu giảng bài. Ông dùng vụ án O J để chứng minh về vai trò quan trọng của
Toán học. Ông đùa: “Bọn mày xem, bây giờ ai ai cũng trở thành toán gia.
Luật sư, bác sĩ, ông quan toà, bồi thẩm đoàn, những tên không bao giờ thích
Toán học bây giờ luôn luôn nói về xác xuất probability trong việc thử máu, và
dùng toán thống kê để chứng minh… Sự thật là tuyệt đối. Cho dù xác xuất sai là
1 phần tỉ tỉ đi nữa, kết quả vẫn không phải là sự thật. Có nghĩa là không thể
chứng minh OJ phạm tội. Phải nhờ Toán học O J mới thắng. Còn nữa,
Unabomber, cái ông toán gia làm điên đầu FBI cả hai mươi năm qua…” Ông
già nói liên tu bất tận. Có lẽ ông muốn trút hết nỗi hẩm hiu của một lớp quá
chừng ít ỏi cũng như cái kiếp toán gia bạc bẽo của ông. Thật vậy, trong khi các
lớp cao học khác, học trò chen lấn, đông đúc, thì mỗi lớp Toán, vỏn vẹn vài
sinh viên. Cái thê thảm của một xã hội kim tiền. Có phải vậy không?
Cuối giờ, ông giáo sư đọc một mạch những bài homework cho kỳ đến. Tôi thấy
Nhàn bối rối, chừng như không bắt kịp câu nói của vị thầy. Rồi lớp học tan. Bọn
sinh viên mấy người hối hả đứng dậy. Chỉ còn Nhàn. Em ngồi lại. Như một con nai
nhỏ tội tình. Vâng, tôi biết, ngày xưa, tôi cũng đã từng có những giờ phút khốn
khổ như em hôm nay. Giờ đầu tiên tôi cũng đã từng tuyệt vọng nghĩ đến một cuộc
đầu hàng. Tôi đến bên người con gái đồng hương, thăm hỏi. Nỗi buồn đến tội
nghiệp. Và em đã bấu viú vào tôi.
Người đã gọi bên trời. Con sáo đã sổ lồng. Con sáo qua sông. Tôi như thằng
bé nào cầm chiếc lồng trống trơn buồn so bên dòng sông đỏ máu. Hai toà lầu Twin
Towers. Toà Empire State Building. Chinatown. Holland Tunnel. Tượng Nữ thần Tự
Do. Cầu Pulaski Skyway. Những ngày hôm qua, tôi và người và Nữu Ước. Hôm nào
trời Nữu Uớc mưa bụi. Mưa làm dòng Hudson mờ đi, để buổi học đêm, bên kia bờ,
triệu triệu ánh đèn phải trở thành những con mắt ràn rụa lệ. Để giờ break time,
người và tôi, đứng trên lầu cao, và nhìn qua thành phố. Tôi kể những gì tôi
biết về Nữu Ước. Tôi kể về một đêm đứng trên chóp đỉnh của toà Twin Towers mà
nhìn xuống những con đường ngang dọc đan kết những chuỗi kim cương ngọc ngà,
ngời sáng hầu như bất tận. “Nhàn biết không? Đó là những đoàn tắc xi Nữu
Ước”. Tôi kể về quả cầu được thả xuống tại khu Times Square vào lúc giao
thừa duơng lịch với hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ xô về. Trai gái hôn
nhau. Những chiếc hôn dài của mùa hạnh phúc. Và tiếng còi xe, tiếng kèn
giấy, tiếng phong cầm, và rượu chát, rượu mạnh, nút chai bật tung như pháo nổ.
Và người ta nắm tay nhau khiêu vũ… Em thốt lên: “Vui quá hả ông? Ông có bao
giờ đến đấy tham dự chưa?” “Chưa cô à. Nếu cô muốn, tôi sẵn sàng làm
người hướng dẫn”. “Vâng, thế nào em cũng nhờ ông”. Nhàn ơi, tôi nhắm
mắt lại đây. Cám ơn em, cho tuổi trẻ của tôi một lần trở dậy. Đêm nào như đêm
hôm qua, khi tuyết trắng xoá phủ xuống Nữu Ước, khi muôn triệu ánh đèn kinh
thành càng làm màu tuyết lung linh hơn, và rực rỡ hơn. Đêm cuối năm, em xa nhà,
và tôi cũng xa quê hương. Xe chờ em ngoài khu nội trú. Em khoác chiếc áo dạ
đen. Mưa tuyết dập dìu trên đầu. Mưa tuyết óng ánh dưới ánh điện nhiều nến. Khu
nội trú nhiều cửa sổ đèn tắt. Chắc hầu hết sinh viên đã trở lại nhà. Tôi mở cửa
xe. Mở thêm quạt tuyết. Xe theo con đường chánh của quê hương Frank Sinatra. “Nhàn
ơi, Nhàn có bao giờ nghe Frank Sinatra hát chưa?.” “Frank Sinatra là
ai hở ông?” “Là một danh ca nổi tiếng của Mỹ. Ông ta có
giọng hát thật ấm. Nơi đây là nơi ông lớn lên. Cả thành phố đều hãnh diện vì
ông. Các quán cà phê, nhà hàng đều treo hình có cả chữ ký của ông nữa.” “Thế
thì được làm ca sĩ hạnh phúc quá ông nhỉ?” “Vâng, bởi vì ít ra
ông cũng mang hạnh phúc cho một số người.” FM106.7. Âm hưởng của một
bản nhạc Giáng Sinh Holy Night. Vâng Đêm Thánh Vô cùng. Đêm ngày xưa hay là đêm
nay. Cửa xe mở ra và em ngồi thu mình như con mèo nhỏ. Trời lạnh, nhưng hồn tôi
ấm lắm. Xe chạy dưới mưa tuyết. Chiều cuối năm, khác với quê nhà, không có cảnh
hối hả bồi hồi cho một cuộc trở về. Hay là tại lòng tôi, quá quen đến dửng dưng.
Hơn mười năm xa quê hương, thời gian quá dài để làm chai sạn những nỗi nhớ
nhung quay quắt. Con tim ngỡ đã ngủ yên. Bây giờ tự dưng em làm con tim tôi
thức dậy. Em hay Nhàn xa xôi vời vợi ngàn trùng. Em hay Nhàn một thời để
yêu và một thời để chết. Em làm tôi cứ nghĩ đến một người.
Xe đã ra ngoài xa lộ. Nhàn co ro. Đôi mắt mở lớn nhìn đêm. Đêm sáng lòa như
tấm thảm kim cương mờ nhạt lệ mềm. Đêm đẩy đưa hai kẻ không quen bỗng nhiên
gặp. Em có biết là tôi quá hạnh phúc không. “Nhàn muốn nghe nhạc
không?” “Ông có nhạc Bảo Yến không?” ” Không. Tôi chỉ biết Lệ Thu, Khánh Ly,
Mai Hương, Thái Thanh.” “Họ hát ở bên này, phải không ông?” “Không.
Họ là những ca sĩ nổi tiếng tại miền Nam trước 1975.” “Thế ư?” Rồi
tiếng hát cất lên. Nhắm mắt. Cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Nhàn có vẻ thờ ơ, lơ đãng nhìn ra ngoài đêm. Mưa tuyết rơi để đua tranh cùng
cây quạt nước. Hàng xe đang chờ đợi nối đuôi. Dưới cầu phía Nam là phi trường
Newark. “Nhàn thấy gì không, phi trường quốc tế Newark, đèn đuốc sáng
trưng, cứ năm phút là mỗi chuyến bay đáp xuống hay cất cánh”. Tôi
nói. “Quả thật vậy, thưa ông?” “ Vâng. Như vậy làm sao đủ thì giờ để
người ta từ biệt, phải không ông?” “ Vâng, đời sống ở xứ sở này đều hối hả, gấp
rút, ngay cả nỗi chia ly. Không còn cảnh người đứng trên ngôi nhà gió nhìn ra
phi đạo, thấy bóng người thân yêu của mình lẩn khuất vào lòng tàu”. “Ông ơi.
Chắc ông có nhiều người để ông phải đưa tiễn.” “Tại sao Nhàn lại hỏi thế. Vâng,
thì trong đời của bất cứ một ai đều có một lần từ ly.” “Thế ông đã có lần từ ly
nào để mà ghi nhớ ? “Tại sao Nhàn lại hỏi như thế. Vâng, tôi đang nhớ đây.
Nhớ một người tên Nhàn. Nhớ một người mong manh như sương như khói. Nhớ người
nào luống cuống bên tôi, má au hồng, đêm đêm viết về tôi bao nhiêu giòng nhật
ký…Nhớ để mà hiểu rằng, có nhiều chuyện không thể ngờ nổi, tưởng tượng nổi. Như
Nhàn của một thời bây giờ lại trở lại bão bùng…
Rồi tiếng hỏi bên tai.
“Ông ơi, có phải hai tòa lầu chọc trời kia là Twin Towers?
“Vâng.”
“Tại sao gọi là Twin?”
“Tại vì chúng giống nhau như đúc. Chúng sinh đôi. Tại vì người ta không
muốn thấy chúng lẻ loi. Nếu lẻ loi, chắc chúng buồn lắm…”
Người con gái không nói. Em làm sao hiểu được thế nào là nỗi lẻ loi của một
đời người. Muốn đọc lại câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: ôi những người
khóc lẻ loi một mình, nhưng không dám. Tuổi em không phải là tuổi tôi.
Không thể mang nỗi buồn rầu của thế hệ tôi về thế hệ em.
Xe vào khu Chinatown lúc hơn 8 giờ tối. Giờ này hầu như khu phố Tàu trở nên
vắng vẻ. Chúng tôi tìm một quán ăn Việt Nam. Nhàn ăn rất ngon miệng. Tôi vừa
uống bia vừa nhìn nàng. Cảm tạ Đất Trời đã cho tôi được gặp lại một bóng hình.
Cảm tạ gương mặt thanh tú, mái tóc cắt ngắn, đôi vai gầy mảnh mai, để đêm nay,
tâm hồn tôi phải ấm áp. Đêm cuối năm, tôi thèm phà khói thuốc để mờ đi gương
mặt của người bạn học. Để bóng hình như hình sương và bóng khói. Như niềm hạnh
phúc mà tôi bắt gặp đêm nay.
Sau đó chúng tôi lái xe đến Twin Towers. Trời đã bớt tuyết, nhưng gió từ
sông Hudson thổi về lồng lộng giữa hai dãy lầu cao khiến chúng tôi phải co rúm
lại trước những cơn gió thốc. Hơi thở thành khói. Dưới hàng hiên, một người
homeless đang nằm ngủ. Không hiểu sao y lại ngủ được giữa cái giá rét cũng như
náo nhiệt của một đêm cuối năm. Trong một quán cà phê, những mái đầu chạm nhau.
Xe cộ vẫn tấp nập. Không khí của đêm giao thừa ở đây khác với quê nhà. – đây
hình như người ta đổ xô ra đường. Còn ở quê nhà, người ta về bên trong cánh cửa
của đoàn tụ, của giây phút gần gũi giữa người sống và người khuất. – đây niềm
vui mở ra trên những vỉa hè tấp nập người, trên những con đường tấp nập xe cộ,
trên những tiếng cười nói rộn ràng và tiếng nhạc vui mừng rộn ràng cả lòng phố.
Nhất là ở khu vực World Trade Center này. Hình như người ta từ các nơi khác
dùng xe bus, xe điện ngầm để về đây, rồi chuyển xe để về Times Square. Và trước
khi đến Times Square họ muốn nhìn cả một New York về đêm. Bởi vậy, chúng tôi
phải vất vả lắm mới tìm một bải đậu xe. Sau đó chúng tôi hướng về Twin Towers.
Hai bên đường, hầu hết các cửa tiệm đã đóng cửa. Những đoàn tắc xi vàng
tiếp tục nối đuôi trên đường Church, Broadway, Chambers. Từ dưới chân tòa lầu
chọc trời, nhìn lên muốn chóng mặt. Rồi mua vé. Rồi thang máy mở ra. Người phụ
trách bấm nút. Thang máy vụt phóng lên, đưa người chạm với tầng không. Rồi cửa
mở. Hơi lạnh ùa vào. Hai tai đã nghe hơi ù và một cảm giác hụt hẩng như ta đang
ở trong vùng không trọng lực. Mắt người bạn gái chợt sáng lên như bắt gặp một
niềm kinh ngạc thích thú. Tầng cuối cùng 110 như chạm lấy trời. Trên cao,
một chấm sáng rất mờ nhạt giữa cõi. Không biết là ngọn đèn của chuyến
bay đêm hay là một tinh cầu lạc lỏng. Nhìn xuống, nhìn quanh, cả Nữu Ước
như ngập cả một biển kim cương lộng lẫy xen kẽ những mái nhà tuyết trắng như
tấm thảm óng ánh bạc. Dưới nữa là những con đường xen kẽ dày đặc, với hằng hà
ngọn đèn sáng rực như đuổi nhau không bao giờ dứt. Nhàn reo lên: “New York.
Đẹp quá ông ơi…” Tôi chỉ nàng Tượng Nữ Thần Tự Do nằm bên sông
Hudson. Tôi chỉ nàng hướng cửa biển, kể với nàng về những con tàu mang người di
dân đến Nữu Ước đầu tiên. Tôi chỉ cho nàng cầu treo Brooklyn, với những sợi
cable khổng lồ. “Nhàn biết không, đêm nay New York không ngủ. New York làm
cả một nước Mỹ cũng không ngủ luôn”. “Tại sao vậy, thưa ông”. “Tại
vì mọi người đang hướng về New York trong đêm giao thừa. Có lẽ mọi người đều mở
máy truyền hình để nhìn quả cầu khổng lồ ở Times Square được thả xuống đúng vào
lúc đêm bước sang năm mới… Nhàn có thấy dưới đường kia không. Đại lộ American
và đường số 5, rộng đến 6 lanes. Nhàn thấy cả đoàn xe đứng yên”. “Sao ông
biết?” “Bởi vì chúng ta không thấy những ngọn đèn kia di động nữa”. “Đúng rồi.
Ông hay quá. Chắc ông yêu New York lắm phải không?” “Vâng. Nó làm tôi tìm lại
một Sài Gòn xưa. Nó cũng có Phố Tàu, cũng có những quán cà phê lộ thiên, những
vỉa hè đông như hội. Khi mình bước đi, mình không còn là mình nữa. Mình hòa
nhập vào đám đông như dự phần vào một cuộc đại khiêu vũ…” “Chao ơi, ông kể làm
Nhàn muốn chảy cả nước miếng…” “Nhàn ơi.” “Dạ. Thưa ông.” “Nhàn hãy tìm dùm tôi
hướng nào là Việt Nam của mình.” Tôi hỏi Nhàn. Nhàn nhìn vào cõi
đêm. “Thưa ông, hướng nào là Việt Nam. Em tìm không ra. Còn
ông?” Tôi im lặng. Muốn nhìn thẳng vào đôi mắt để nói: “Tôi
tìm được rồi. Qua đôi mắt của em, qua giọng nói Việt Nam của em”.
Nhàn nhìn xuống thành phố. Người bạn gái nhỏ bé chắc buồn. Đôi mắt nàng
long lanh. Hay là màu rực rỡ của New York phản chiếu. Nhàn hãy đứng yên để tôi
chụp một tấm hình. Tôi nói. Nhàn nghe lời. Tôi điều chỉnh ống kính. Phía sau
nàng, là cả một thành phố với muôn triệu ức ngọn nến đêm lung linh trang điểm
như một bức tranh vĩ đại. Nhàn ơi, em biết không, tay tôi đang run đây. Tim tôi
đang đập đây. Lòng tôi đang bồi hồi đây. Hãy cười. Hãy lung linh đôi mắt. Hãy
co ro trong chiếc áo lạnh. Để tôi không bao giờ quên có một cơn mơ, một giấc
chiêm bao trên tận cùng của chóp đỉnh Twin Towers, đêm cuối năm huyền nhiệm
này.
Đêm còn lại, hai người đã hoà mình vào dòng thác người đông như kiến cỏ. Hầu
như người mọi nơi đều đổ xô về Times Square. Đêm lạnh căm căm cùng những cơn
gió lồng lộng thổi về từ sông Hudson. Trái cầu khổng lồ vẫn chờ đợi ở trên dàn.
Đường Broadway, đường số 5, 6, 7 không còn di chuyển xe cộ được nữa. Nhạc Giáng
Sinh tiếp tục lướt thướt từ những khu shopping gần đấy. Trời không tuyết nhưng
trời lạnh xuống dưới độ đông. Hai người cầm tay nhau để khỏi lạc. Không
ngượng ngùng. Không có cả một áng mây vẩn đục che xám cõi lòng. Đêm nay. Đêm
của điều ao ước. Đêm của rượu nồng hạnh phúc cho cả năm và cả đời. Đêm của
resolution. Dù phương Tây hay phương Đông. Thì ra ở đâu, nhân lọai vẫn có những
giây phút hướng về hy vọng. Dẹp nỗi buồn sang một bên. U uẩn mãi có ích gì.Nhàn
ơi, cám ơn cô bạn nhỏ, cám ơn tuổi trẻ, cám ơn cái giây phút mầu nhiệm, để mọi
điều chân thiện mỹ, hạnh phúc, tốt đẹp, bình an, len nhập vào trái tim của mỗi
con người. Cám ơn Nữu Ước, thành phố không phải là quả táo mà là trái tim…Rồi
quả bóng khổng lồ đã được thả xuống thật chậm. Chiếc kim đồng hồ to lớn trên
khu Times Square vẫn tiếp tục nhích từng giây, cùng theo tiếng đếm vang rền:
ten, nine, eight, seven, six, five, four, three, two, và one. Rồi một tiếng
pháo nổ lớn cùng cả muôn hàng tia pháo bông rực rỡ in trên bầu trời đen đặc,
tiếp theo là cả một tràng sấm động của mừng vui, của muôn lời chúc tụng, của
bài hát Auld lang syne: Should old acquaintance be forgot and
never brought to mind. Should all acquaintance be forgot and auld lang
syne. Và trong giây phút ngất ngây kỳ diệu, tôi và Nhàn đã ôm choàng lấy
nhau. Rõ ràng chúng tôi đã không thể cưỡng chống lại cùng niềm kích ngất này.
Có chất rượu nào say hơn. Tôi nhìn vào đôi mắt của người con gái: “Nhàn có
ước ao gì cho năm mới không?” Người con gái nhắm mắt lại. Ánh sáng từ
những tia pháo bông làm gương mặt nàng sáng lung linh. “Em ao ước...”
Nàng ngừng nói. Tôi hiểu. Rất hiểu. Ai cũng có một người rất thân yêu được cất
giữ trong con tim. Và Nhàn cũng vậy. Tôi cũng vậy. Cũng có một người nữ, đến
với tôi bằng tất cả linh hồn và thể xác. Nàng đã ngửng mặt, ngửng đầu vì tình
yêu, không bao giờ đặt những câu hỏi. Tôi nói với người bạn học: “Vâng, tôi
xin tôn trọng niềm ao ước của Nhàn. Này, Nhàn hãy đặt một bàn tay lên tim và ao
ước đi… Cả những gì Nhàn muốn thực hiện… Đêm nay linh thiêng lắm. Dường như mọi
lời ao ước của chúng ta đều được các thiên thần lắng nghe..”. “Thật như vậy,
phải không ông?” “Vâng. Nhàn thấy cả trăm ngàn người Mỹ đổ về đây đêm nay”
“Vâng, thì em sẽ ước. Ông đừng nhìn, em mắc cỡ lắm đó” Rồi Nhàn
nhắm mắt lại. Thành khẩn. Dịu dàng. Như một người nào. Xa xưa lắm. Mênh mông
lắm. Vô lượng lắm. Phải. Em đã lay động con tim ngỡ một lần chai sạn. Ngày ấy,
anh đã nằm trên giường bệnh xá, để quằn quại với vết thương, để đau đớn với
những cơn đau nhức, để cắn môi bụm miệng mà giữ chặt nỗi cô đơn cho khỏi trào
ra, biến thành nỗi hẩm hiu chai cứng. Mùi ê te hăng hắc. Chai nước biển bên
cạnh đầu giường càng lúc càng vơi dần. Người y tá gốc thiểu số mỗi ngày đẩy chiếc
xe dụng cụ y tế đến giường, thay băng. Viên bác sĩ với cặp kính cận thị đầy soi
mói, lục tìm dưới gối những viên thuốc ngủ… Vâng, qua em, tôi thấy lại một
người. Tội cho tôi, sương thì sương, suơng che tầm mắt, nhưng người thì hiện
bên trời. Dịu dàng như ngưòi nữ tu buớc vào cửa thánh. Mềm yếu như áng mây
trời, loãng đi, loãng dần trong vùng suơng và khói. Mong manh như chút hạt
sương. Người đã gọi tôi bên trời. Ai nói với tôi một câu: “Nhàn vẫn
đẹp như dạo nào, vẫn thánh thiện như dạo nào.” Trời ơi, tại sao tôi
lại tàn bạo đến như vậy. Đến gần cuối cuộc đời, cả lòng tôi vẫn còn sân si. Tôi
nhắm mắt trong một giây một phút. Cái kiêu hãnh của một tên đàn ông nay đã tàn
lụi. Tôi phải làm gì để tạ tình, để hết gọi kêu giữa trùng thẫm, để thôi chạy
Đông chạy Tây bắt chụp lấy hình. Tôi phải làm gì để trải con tim của tôi cho
một lần, rồi thôi rồi hết. Tôi phải làm gì để một lần nào đó, khi tôi nhắm mắt,
khi tôi khép lại cánh cửa thế gian, thì lòng tôi sẽ phải bình thản, vì có người
sẽ tha thứ cho tôi, từ bi từ độ vì tôi. Vâng. Tôi đã biết lỗi rồi. Con ma ám
chướng đã qui hàng ngã quị rồi. Vết thương lòng từ lâu ngỡ đã được vá lành giờ
đây lại thêm một lần bị vỡ nhọt. Vâng, Nhàn ơi, anh hiểu rồi. Và đêm nay, anh
cũng xin ao ước như mọi người. Không tiền bạc. Không sang giàu. Không nhà nhiều
phòng, xe tốt. Chỉ có một điều. Duy nhất. Cầu chúc những người gặp
nhau sẽ không bao giờ chia xa…
Bây giờ lại thêm một ngày cuối năm nữa lại về trên đất khách. Trở lại dòng
sông này mấy bận. Bên kia thành phố đã lên đèn. Cơn mưa nhòa nhạt hoàng hôn
lạnh. Chiều cuối năm trời mau tối thêm. Đàn chim biển trên bến phà gọi nhau náo
lọan. Những con tàu nằm bất động bên bờ xa. Đằng sau tôi, dãy building nội trú
im lìm. Vài ô cửa thấy thấp thoáng ánh đèn. Tôi biết hầu hết sinh viên đều trở
lại nhà trong mùa Season greetings này. Tôi tìm trên ấy một ô cửa. Ô cửa đã
không còn ánh đèn. Ô cửa đã đóng lại, bởi vì người bạn học nhỏ bé ấy đã bỏ
trường bỏ lớp để trở lại cùng quê hương. Tôi đang thấy lại người. Người đứng ở
bên này sông, sông mờ theo mây thấp, và tóc người bay cuống quít, và những ngón
tay người giữ lấy những sợi mây mềm. Tôi đang nghe tiếng nói của người. Tôi
thấy dáng dấp của người. Trong phòng lớp. Từ chiếc ghế đầu bàn. Trong thư viện.
Bên này, bên kia, bàn xanh, và hồn sách vở. Trong nhà ăn, trưa đói cồn cào, mệt
lả sau giờ lab, và những cọng french fries vàng ngậy giữa hai bờ môi xinh.
Trong câu lạc bộ sinh viên người lạc lỏng không bạn bè, đứng áp mình vào khung
cửa kính, nhìn dòng Hudson. Dưới ánh đèn đường vàng vọt của con đường Sinatra,
dẫn xuống phố. Gió sông thổi lạnh người, tôi thấy hai vì sao, và bờ vai gầy run
rẩy. Và một đêm trên Twin Towers. Một Twin Towers đã bị bức tử trước cái thù
hận ác độc của một lũ người man di mọi rợ. Một Twin Towers chỉ còn là giấc
chiêm bao mà em như đứng đó như cả trăm năm trong đời tôi. Và một đêm giao thừa
trên Times Square. Và cái giây phút vĩnh cửu khi chúng tôi cùng chúc tụng cho
nhau những lời chúc thành thật nhất, yêu dấu nhất. Chắc là những gì mà người
con gái ao ước khi nàng nhắm mắt lại, giờ đã được toại nguyện. Còn tôi, cuối
cùng, vẫn là một giấc mơ. Cánh chim đã bay về miền Nam, tìm nơi có nắng ấm. Chỉ
còn lại một mình tôi. Chờ đợi ai. Chờ đợi điều gì trên bờ sông Hudson của ngày
cuối năm này.
Trần Hoài Thư
6/12/1996 – 10/2001