1.
Sơn bắt đầu công việc sớm hơn thường lệ vào sáng mùng một tết.
Lúc anh ra khỏi nhà thì Ly vẫn còn ngủ. Anh nói bà Guadalupe cứ để cô ngủ và
anh sẽ đưa thằng bé đến trường. Dù tối hôm trước anh đi dạ tiệc khuya và uống
nhiều rượu, sau đó anh còn ghé bệnh viện thăm một bệnh nhân vừa tự tử và đến
hơn ba giờ sáng mới về nhà, anh vẫn nhất quyết phải có mặt ở phòng mạch đúng
tám giờ rưỡi. Không hẳn vì anh là một bác sĩ tận tâm. Người ngoài có thể tưởng
là anh tận tâm, nhưng Sơn lại không nghĩ vậy. Anh cho rằng chuyện anh làm việc
siêng năng chỉ là vì anh không còn lựa chọn nào khác.
Thả thằng bé ở cổng trường lúc 8 giờ 10 phút, mở cửa phòng mạch
lúc 8 giờ 20 phút, anh hài lòng với những tính toán chính xác của mình. Những
trù liệu của anh đang ăn khớp với bước đi của thời gian. Không hấp tấp và không
trễ nãi, tất cả xảy ra kịp thời như nốt nhạc rơi đúng vào nhịp đang chờ sẵn. Tất
cả những dụng cụ đo đếm thời gian đều khe khắt và tàn nhẫn, đòi hỏi phải tính
toán chặt chẽ để có thể điều khiển nó. Như tiếng đàn điều khiển cái máy gõ nhịp
metronome. Anh bước vào phòng mạch với ý nghĩ mình đang tác động lên thời gian,
vì anh mở cửa nên đồng hồ mới nhảy. Khi cửa đóng lại thì đồng hồ trên tường sẽ
chuyển sang con số 8:20 sáng.
Đứng chơ vơ giữa phòng, nghe âm vang tiếng cửa xập lại, anh
giật mình nghĩ: mình vừa xông đất phòng mạch. Lúc mới bước vào, trước đó một
giây, hoàn toàn anh không nghĩ đến khái niệm xông đất. Đó không phải mục đích của
anh. Anh cũng không tin chuyện xông đất. Vậy mà bắt đầu từ đó đến hết ngày, cái
ý tưởng xông đất bám dính lấy anh. Nó len lỏi vào đầu anh thật kỳ cục.
Như thể chuyện anh bước vào phòng làm việc xảy ra cùng nhịp với
chuyện ý tưởng xông đất đi vào trong óc - và chúng hợp nhất lại cho anh
thấy rằng “anh đang xông đất.” Khi suy nghĩ như vậy, Sơn cảm thấy chúng đang bẫy
anh - tất cả không gian, thời gian, vô thức và ý thức của anh đang mưu toan bẫy
anh. Chúng muốn bắt quả tang anh đang xông đất, và anh đuối lý, không chối cãi
được.
Cuối cùng thì đúng là anh vừa làm chuyện đó, chuyện xông-đất.
2.
Không mở đèn, anh đi thẳng đến cửa sổ, kéo màn lên. Sương
giá đang rịn nước bên ngoài cửa kính. Ở đây sương còn dày hơn bờ biển mình vừa
đi qua. Sơn nghĩ. Nơi nào nhiều sương cũng gây cảm tưởng gần biển. Anh đứng lại
bên cửa sổ vài phút, ngắm sương và để cảm giác lạnh lẽo thấm vào người. Tất cả
những buổi sáng sương mù đều khó hiểu. Như thể có một âm mưu đằng sau lớp
sương. Như thể trong màn sương ấy có người đang đứng đợi. Như thể sau mỗi gốc
cây là một khuôn mặt lạ. Và tất cả đều mang mặt nạ để không ai có thể nhận ra.
Phòng đầy khí lạnh. Dù vậy theo thói quen anh vẫn cởi áo
khoác trước khi ngồi vào bàn làm việc. Anh nhấp vài ngụm cà phê nóng rót từ
bình thủy. Cà phê luôn làm anh thấy dễ chịu, anh xoa tay khoan khoái trước khi
bắt đầu công việc. Vị cà phê đắng, ngọt và béo. Nhưng mùi thì không. Anh ngẫm
nghĩ: cà phê sao không có mùi cà phê gì cả. Cà phê này do chính bà Guadalupe
pha theo lối Pháp sáng nay, bao giờ cũng đậm đặc và thơm lừng kia mà? Anh thử một
ngụm nữa, vẫn thế.
Trong bao nhiêu năm qua, ngày nào anh cũng vừa uống vừa ngửi
mùi cà phê. Thậm chí anh còn thấy chuyện ngửi thú vị hơn chuyện uống. Mùi cà
phê ấy anh đã coi như một sự thật không thay đổi, hoặc giả còn chắc chắn hơn sự
thật - vậy mà bây giờ biến mất. Trong lúc nghi ngờ khả năng ngửi của mình, anh
kiểm điểm lại những thứ vừa làm, và nhớ mình đã uống thuốc dị ứng trước khi rời
nhà. Khi thấy trời đầy sương anh còn cẩn thận bơm thuốc vào mỗi bên mũi hai lần
để phòng ngừa. Để trắc nghiệm, anh hít một hơi dài. Một luồng hơi thông suốt từ
cánh mũi chạy lên trán, rồi tỏa xuống hai bên xoang. Anh thở ra nhẹ nhõm: không
có vấn đề gì cả!
Anh dí mặt thật sát ly cà phê, hít vào thật sâu như cách người
ta xông lá. Khói bốc lên làm mờ mắt kiếng. Anh hít vài hơi liên tiếp. Rồi anh
ngửi thấy.
Nhưng không phải mùi cà phê.
Một thứ mùi khác đang xông lên trong phòng.
3.
Cái mùi ấy xộc vào mũi anh một hương vị nồng nồng tanh tanh.
Mùi đất!
Một mùi đất mềm, và ẩm, đầy hơi nước, và thoáng lo ngại.
Khi nhận ra mùi đất ấy, tim anh nhói lại vì sợ hãi.
Đó là mùi đất mới xới ngoài đồng. Đất ấy là của một ngày
mưa, bốc lên từ một huyệt mộ mới đào. Một mùi đất anh đã ngửi từ một đám tang
ngày bé. Mộ của ai, đám tang ai, ai là người chết ngày hôm đó, ai đã nằm xuống
đó... thì anh không nhớ, thậm chí không biết vì lúc đó hãy còn quá nhỏ. Hơn bốn
mươi năm rồi. Vậy mà bây giờ nó trở về - xông lên đậm và nồng quanh anh. Như thể
bao nhiêu năm qua nó không hề phai lạt đi - dù nó không hề chường mặt ra một lần
nào cả, cho đến hôm nay.
Ký ức về mùi của con người gắn liền với một sự kiện trong đời.
Con người không có khả năng nhớ sự kiện bằng nhớ mùi hương. Một con người bình
thường có thể “nhớ” ba mươi ngàn thứ mùi nhưng chưa chắc nhớ nổi ba mươi ngàn dữ
kiện. Một khoa học gia đoạt giải Nobel hóa học đã nói vậy. Sơn tự hỏi, vậy thì
cái gì là sự kiện của mình, mùi đất hay người chết? Hay cả hai? Có thể lần
đầu tiên chứng kiến cảnh hạ huyệt, lần đầu tiên ngửi mùi đất bốc lên; và ý thức
một đứa bé lập tức kết hợp hai chuyện đó với nhau thành một sự thật: mùi đất gắn
liền với tang tóc.
Mùi đất đi với người chết.
4.
Một kỷ niệm - tưởng là không hề tồn tại - vừa quay lại, chỉ
vì một thứ mùi bất chợt. Mà cái mùi ấy ở đâu ra? -Chẳng ở đâu ra cả. Vì trong
phòng này làm gì có đất? Sơn bàng hoàng: Thì ra anh không ngửi bằng mũi. Anh
đang ngửi bằng óc.
Óc anh đang ngửi một thứ mùi quá khứ.
Nhưng tại sao một buổi sáng đầu năm lại đi mất thời giờ với
những liên tưởng kỳ quặc này? Sơn tự hỏi. Chỉ vì cái ý tưởng xông đất làm mình
ngửi thấy mùi đất, và mùi đất làm mình nghĩ tới người chết? Hay người chết làm
mình nghĩ tới mùi đất? Có thể cái chết vẫn lảng vảng trong óc anh từ suốt đêm
qua. Điều này không có gì lạ. Thật sự anh biết mình bị cái chết thu hút đến nỗi
vì thế mà quyết định trở thành bác sĩ. Đã có lúc anh coi đó là điều kiện cần để
hành nghề và để yêu nghề. Một bác sĩ nếu thờ ơ với cái chết sẽ không thể nào tận
tâm được.
Anh nghĩ tới cô gái vừa chết. Anh vẫn không thể
tin rằng với cô ta thì chết là hết. Cái chết ấy làm anh buồn bã hơn anh tưởng.
Cái chết ấy không chỉ chứng minh sự thua cuộc của bác sĩ và chiến thắng của bệnh
tật. Cái chết ấy chứng tỏ sự tuyệt vọng đã thắng thế, cô ta không còn tin tưởng
vào bất cứ điều gì nữa. Ý nghĩ đó làm anh đau đớn. Sơn tha thiết muốn biết tâm trạng
cô lúc đó: Điều gì đã xảy ra trong đầu cô? -Lúc gần kề cái chết trong một thân
xác còn sống, cô đã tuyệt vọng vì không thể nào vui sướng - hay cô vui sướng vì
sẽ không còn tuyệt vọng? Cô gái ấy đã lao vào hư không trong cách-thế nào?
-Cách lạnh lùng của một người tự tay bóp nghẹt hơi thở mình, hay cách buông thả
của một thân xác mỏi mệt đang cần ngủ? -Cách ta quăng một thứ phế thải vào
thùng rác cho nhẹ người, hay cách một kẻ bị truy lùng ráo riết phải nhảy lầu trốn
thoát? Bao nhiêu khả năng có thể xảy ra mà anh muốn biết. Toàn là những câu hỏi
không thể biết, vì nó đến sau kiến thức, sau cái chết. Nhưng vì là bác sĩ, anh
phải biết những điều không thể biết. Đó là lý do mà anh tồn tại và làm việc.
5.
Bao nhiêu điều sẽ còn tiếp tục xảy ra sau cái chết nhất định
của một con người nhất định. Vì vậy tin tưởng rằng chết là hết chỉ
là một tin tưởng hão, để cốt đánh lừa chính mình. Thật sự họ không chết đối với
anh. Nếu họ ra đi vì một bệnh tật thuộc phạm vi điều trị của anh, họ vẫn còn sống
trong tâm trí anh. Họ vẫn đầy quyền lực với anh, họ vẫn bắt anh phải tiếp tục
suy nghĩ về họ. Hơn thế nữa, họ còn buộc anh phải viết sách về họ.
Trong một lúc bực bội anh đã nghĩ vậy.
Anh càng bực bội hơn khi nghĩ tới cuốn sách anh đang viết. Hội
Chứng Tuyệt Vọng và Khuynh Hướng Tự Tử, đầu đề cuốn sách là như vậy. Cô gái mới
tự tử hôm qua là trường hợp anh cần nhắc tới. Trước đó anh không có ý định viết
về cô, nhưng bây giờ thì anh không còn lựa chọn nào khác. Vốn không phải người
tin dị đoan, vậy mà anh bắt đầu nghĩ: chết vào ngày đầu năm là chuyện chẳng
lành, ít nhất là nó báo trước một năm đầy bất ngờ, công việc dồn dập, và cuốn
sách ấy sẽ còn lâu mới xong.
Khi mới khởi viết anh không ngờ công việc sẽ kéo mình đi xa
như thế. Thời hạn hai năm đã qua từ lâu. Sau đó anh gia hạn thành bốn năm. Bây
giờ đã gần hết năm thứ năm của cuốn sách. Và anh bắt đầu sợ nó sẽ theo mình, suốt
đời.
6.
Số người tự tử đã gia tăng bất thường trong vòng một thập
niên qua.
Khối lượng thống kê và nghiên cứu dồn dập khiến cuốn sách của
anh cứ kéo dài ngoài ý muốn. Khi anh mới khởi viết số người chết không nhiều
như vậy. Đáng lẽ anh phải viết xong từ hai năm nay. Nhưng trước khi anh kịp viết
chương kết thì một sự kiện mới lại xuất hiện, một vấn đề mới lại phát sinh, những
cái chết lại xảy ra vô phương cứu chữa. Đôi lúc anh có cảm tưởng chuyện viết
sách đã ảnh hưởng đến con số của hiện thực, hoặc hiện thực tìm cách chứng minh
cho lý thuyết, hoặc nghiên cứu về cái chết sẽ thúc đẩy cái chết đến nhiều hơn.
Không thể nào kết thúc cuốn sách được, vì không thể ngăn cản cái chết được.
Anh ghi chú vào sổ tay:
Thêm một nạn nhân nữa là đủ 100,000 người tự tử vì tuyệt
vọng. Tức là số lượng tăng gấp đôi trong vòng ba năm qua. Hay là tăng gấp ba từ
khi mình bắt đầu viết sách.
Phía dược khoa có trách nhiệm một phần, có thể quy lỗi cho họ
được, nếu muốn. Trong bản tin y học mới nhất, người ta đã xác nhận đa số thuốc
trị bệnh trầm cảm có thể làm gia tăng ý muốn tự tử. Phần lớn các bệnh nhân đều
dùng những thuốc
này.
Ngẫm nghĩ một chút, anh viết tiếp: Người tự tử là Nguyễn
Như Mân, 27 tuổi, trong vòng 10 năm đã dùng những thứ thuốc sau: Anafranil –
Elavil – Ludiomil (1993 – 1997), Celexa – Cymbalta – Pexeva (1997 –
1999), Marplan – Sarafem –Zyban (1999 – 2002)
Anh ngừng tay, nhìn lên: những hộp thuốc đang đứng xếp hàng
trên bàn làm việc. Đây là đợt thuốc mới nhất, theo đúng luật ban hành ngày
22-10-2004 về dược phẩm chống trầm cảm. Bên ngoài các bao thuốc đều có lời cảnh
cáo của FDA (The Food and Drug Administration) in trong khung đen đậm:
WARNING:
...increase the risk of suicidal thinking and behavior
in adolescents with major depressive disorder...
Anh không ưa cái khung đen này. Nó là sự đe dọa. Nó gợi nhớ
những giải băng tang. Nó mở ra những ý tưởng u ám. Và thay vì ngăn ngừa, nó trở
thành lời mời gọi người ta tự tử.
Vậy là cùng một loại thuốc mà có hai công dụng trái ngược
nhau: uống để tự tử, và uống để đừng tự tử. Sơn viết tiếp: Vậy thì uống thuốc
hay không uống thuốc? -Phía bác sĩ tâm thần cho rằng cứ nên uống thuốc. Vì nếu
kết cục tự tử là điều không thể tránh khỏi, thì việc uống thuốc làm người ta tự
tử trong tinh thần dễ chịu. Ngược lại, trường hợp không uống thuốc, bệnh trầm cảm
sẽ gia tăng khốc liệt, cũng dẫn đến tự tử, nhưng sẽ là tự tử trong tuyệt vọng.
Vậy Mân đã tự tử vì uống thuốc hay vì
không uống thuốc? Nếu cô đã uống thuốc theo đúng toa bác sĩ để ngăn ngừa,
nhưng rồi vẫn tự tử, thì đó là trách nhiệm của anh (nhưng cô đã quá tuổi vị
thành niên từ lâu, và lời cảnh cáo trên chẳng ăn nhập gì đến cô nữa). Còn nếu
cô không chịu uống thuốc anh cho, và vì thế cô tự tử, thì đó là lựa chọn của
cô. Khám nghiệm tử thi không giải đáp được câu hỏi này, vì trong máu cô chỉ
toàn là thuốc ngủ.
7.
Sơn làm việc đến mười rưỡi sáng thì cô Hạnh đến.
Hôm qua Hạnh đã dặn là sẽ đến trễ hơn ngày thường. Mùng một
tết có nhiều nghi thức phải tuân theo cẩn thận, nhất là vì năm nay cô gặp sao hạn.
Cô nói sẽ xuất hành vào lúc chín giờ sáng, giờ tốt nhất trong ngày. Cô sẽ đi lễ
chùa gần nhà. Sau đó cô phải đi vòng về phía biển – ngược hướng phòng mạch -
cho đúng lời dặn xuất hành về hướng đông nam. Cô còn phải hái một cành hoa
tươi, đem về nhà cắm ngay vào lọ. Xong xuôi cô mới được quyền đến đây. Còn ngược
lại, nếu cô từ nhà đi thẳng đến phòng mạch thì trong năm cô sẽ gặp xui xẻo, tai
nạn, có thể chết được vì phòng mạch ở hướng tây bắc - tử địa và kỵ tuổi cô.
Khoa tử vi vậy là đã đánh cắp một tiếng quý giá của một đời người, hay đây là một
trao đổi có lợi: mất một tiếng để sống thêm một năm? Vì sinh mệnh của Hạnh, anh
đã dặn cô hãy thư thả, hãy làm tất cả những gì cần làm, hãy làm với tất cả lòng
tin tưởng thiêng liêng nhất, đừng quên rằng tỷ trọng của một buổi sáng đầu năm
rất nặng, và tác động của nó quả là khôn lường. Thật ra cô đến trễ hơn nữa cũng
được, hoặc không cần phải đi làm, nhưng vì anh hợp tuổi cô nên việc gặp anh vào
đầu năm là có lợi, theo lời thầy bói.
Hạnh mặc áo lụa vàng tươi thêu lá trúc, khoác một tấm khăn voan
mỏng dệt bằng tơ tằm, tóc chải cao cài trâm bạc, cô giống người mẫu áo dài
trong chương trình video ca nhạc xuân. Cô đứng ở ngưỡng cửa phòng, cười rạng rỡ:
“Chào bác sĩ.”
“Chào cô Hạnh. Chúc mừng năm mới.”
Anh nói máy móc một câu chúc mà theo anh là rất vô nghĩa (vì
người Việt ở Việt Nam hình như không chúc tụng như thế, cách chúc của họ văn
hoa và tinh tế hơn nhiều, linh động tùy theo nghề nghiệp, địa vị và vai vế của
người đối diện), rồi anh không biết nói gì nữa. Hạnh nhếch môi cười, cô luôn có
một nụ cười nửa như chế diễu, nửa dịu dàng như thế:
“Năm mới chúc bác sĩ được sức khỏe dồi dào. Công việc thì
may mắn, thành công, phát đạt, càng ngày càng nhiều bệnh nhân hơn...”
Sơn xua tay:
“Ấy chết, cô đừng nói thế, tôi sợ bệnh nhân lắm.”
Hạnh che miệng cười, cô nhận ra vẻ hoảng hốt trên mặt bác
sĩ:
“Không sao. Bác sĩ đừng lo. Nhiều bệnh nhân nhưng tất cả đều
khoẻ mạnh. Nhiều bệnh nhân nhưng bác sĩ chữa mát tay, họ sẽ khỏi hết ấy mà. À,
một điều nữa, em chúc cuốn sách của bác sĩ sẽ xong trong năm nay nhé.”
8.
Bệnh nhân đến. Hạnh ra ngoài chuẩn bị hồ sơ. Sơn nhấm nháp
chỗ cà phê còn lại, ngồi lặng yên suy nghĩ. Câu nói của Hạnh ban nãy vẫn lảng vảng
trong đầu.
Càng ngày càng nhiều bệnh nhân hơn!
Đấy là một câu chúc ác.
Nó có nghĩa là: càng ngày càng nhiều người điên hơn, càng
ngày càng nhiều người tuyệt vọng hơn, càng ngày càng nhiều người tự tử hơn.
Trong câu chúc đó ẩn chứa nhiều tai họa. Hạnh thông minh phải biết điều đó.
Đúng là một bác sĩ muốn phát đạt phải có nhiều bệnh nhân. Họ là tiền, là nguồn
lợi bất hạnh trời mang đến cho anh. Nhưng anh không thể xây dựng sự nghiệp mình
trên tuyệt vọng, bệnh hoạn và điên loạn được.
“Tôi sợ bệnh nhân lắm.”
Anh tự nói với mình.
9.
Hạnh mang vào phòng làm việc của anh một giỏ hoa cúc trắng,
cô nói đầu năm bác sĩ có người tặng hoa là may mắn lắm. Cô lại nháy mắt với anh
khi cài tấm thiệp vào giỏ cúc thanh nhã cắm theo kiểu Nhật Bản. Cúc trắng có
mùi hắc làm anh nhảy mũi liên tục. Đi kèm với giỏ cúc là tấm thiệp xuân, phong
bì làm theo kiểu thủ công, bằng một loại giấy kính trong, điểm vài cọng lá vẽ bằng
màu nước như những chữ viết ngoằn ngoèo.
Thoạt tiên anh nghĩ là của gia đình một bệnh nhân. Nhưng thật
ra một tặng vật chỉ có giá trị nghệ thuật kiểu này không có vẻ đến từ một thân
chủ thông thường. Và thiệp cũng không đề tên người gửi, khiến trò tặng hoa này
trở nên khác lạ. Nhưng anh lầm, quả thật chính là của một bệnh nhân, đọc vài
dòng chữ thì anh rõ. Thiệp viết chi chít với những nét nghiêng ngả, kèm theo một
CD nhạc, không phải CD gốc mà chỉ là bản thu lại.
Những lời lẽ trong thiệp cũng hết sức bất thường.
Trước tiên, người ấy cảm ơn anh, nhờ sự tận tâm của anh mà
nay người ấy đã hoàn toàn khỏi bệnh, và chắc chắn sẽ không trở bệnh lại nữa.
Người ấy có lẽ muốn diễn đạt và nhấn mạnh vào ý chính “không bao giờ, không bao
giờ bệnh nữa” - anh bắt được dụng ý đó qua giọng điệu hơn là cách dùng chữ cụ
thể. Vài đoạn sau, người ấy nhắc đến một bản nhạc của Mozart, nói là nhờ bản nhạc
đó mà tìm ra hạnh phúc. Bây giờ người ấy thu vào CD, gửi kèm theo thiệp – trước
là để gửi đến anh những giai điệu vào một sáng đầu xuân, như cách người ta tặng
nhạc cho nhau trên đài phát thanh; sau là để anh dùng làm tư liệu cho cuốn
sách. Người ấy nhắc đến cách anh chữa trị, sự quan tâm đáng cảm động với
những người điên loạn, đôi khi vượt quá cương vị của một bác sĩ. Người ấy căn dặn:
“bác sĩ hãy vừa nghe nhạc vừa đọc tiếp những gì tôi viết, bởi vì tôi không đủ
chữ để diễn tả cảm giác sung sướng tột độ của mình đâu...”
Kỳ quặc. Lập dị. Điên. Sơn nghĩ. Nhưng anh vốn thích những
gì bất thường, và bị lôi cuốn theo lời dặn trong thiệp. Người gửi quà này biết
rất rõ nhược điểm của anh nên hẳn đã cố tình làm mọi sự trở nên cầu kỳ để thu
hút chú ý. Anh cho CD vào máy, nhấp một ngụm cà phê, lắng nghe. Một giai điệu
quen của Mozart, hòa tấu khúc viết cho đàn dương cầm, còn gọi là Elvira Madigan
nhờ cuốn phim nổi tiếng của Widerberg. Anh đọc tiếp.
Elvira đang yêu, nàng đang đau khổ trong tình yêu, vì đấy
là tình yêu không lối thoát. Trong phim, bác sĩ còn nhớ không, khi nhạc
trổi lên. Nàng lại bước đi, nhưng bây giờ là bước đi rất khác. Đấy là những
bước đi của một người hạnh phúc.
Sơn biết cuốn phim, nhưng anh đã quên hầu hết những tình tiết
và hình ảnh trong phim. Qua miêu tả trong thư, anh cố hình dung ra một
Elvira, tuyệt vọng và cuối cùng hết tuyệt vọng. La - là Lá - là Lá! Năm nốt nhạc
đầu tiên của Elvira khi cô đi những bước lâng lâng không chạm đất. La - là Lá -
là Lá! Có thể hình dung như thế này: Một tiếng la lên, một bước nhẹ, một bước
cao, và con người trở thành nốt nhạc. Elvira đang đi thì bị một ý tưởng ùa đến,
xâm chiếm. Đột nhiên như ánh chớp. Thình lình như sét đánh.
Người ấy viết “Đây là điệu nhạc của một người hạnh phúc cực
độ. Một người hạnh phúc sẽ bước đi loạn như thế, vừa đi vừa nhảy nhót
theo điệu nhạc, thực sự là điều khiển nhạc bằng bước đi của mình. Những bước đi
không đều, những bước đi khi nhanh khi hụt, khi vấp té khi cao vút, với dáng vẻ
kinh ngạc vì điều mình chợt vừa tìm thấy. Người ấy đã tìm ra một lối thoát ở cuối
con đường. Một lối thoát mãi mãi...”
Hợp âm Fa trưởng ở đầu câu số 3, người ấy viết, như một niềm
vui choáng ngất. Một kiểu choáng nắng, đến chóng mặt, đến xây xẩm, như trúng một
luồng gió độc trên hè phố. Rồi ý tưởng ập tới, bất ngờ, khi những hợp âm ném giữa
lối đi. Sơn ngẫm nghĩ: Giai điệu hoàn toàn lạc quan, đến độ ngây thơ, gần như
mù quáng. Một niềm vui lớn bao giờ cũng có chút mù quáng. Một hoan lạc cực độ
luôn luôn là điên dại, và vì thế mà ngây ngất. Giai điệu của một người say, say
la ngà, say loạng choạng. Say nhưng không té ngã, nhưng vẫn thấy đường về. Hoặc
giả tất cả các con đường đều là lối về. Tiếng dương cầm nện những gót giầy trên
hè phố. Những nốt gõ trong vắt. Toàn thể bản nhạc là một niềm vui ngây dại.
Không phải một niềm vui thông thái.
Anh huýt gió theo. Anh chờ đợi một niềm vui sẽ len lỏi vào
người, như nốt nhạc mi giáng đang lẩn vào cung Fa trưởng. Nhưng kỳ lạ thay, anh
chỉ thấy buồn ảm đạm. Càng nghe càng buồn, một nỗi buồn ẩn giấu rất kín đáo bên
dưới niềm vui.
Bản nhạc là một nghịch lý. Nó thẩy ra niềm vui hào phóng,
hóa ra chỉ là niềm vui bao trùm bề mặt, sau đó chỉ toàn buồn bã. Lắng nghe những
hợp âm ẩn ở bè dưới thì sẽ thấy hạnh phúc ấy thật ra thê thảm lắm. Nó ném ra một
lời khẳng định, mà cuối cùng chỉ làm người ta hoang mang nghi hoặc. Không thể
nào lý giải được những phức điệu trong những bước đi của hoà âm, trong con người
Elvira, trong tâm hồn người viết.
Người viết lá thư này là ai?
Không đề tên, không chữ ký. Một thư nặc danh, kèm theo hoa
cúc trắng. Nét chữ khó đoán của đàn bà hay đàn ông, nhưng giọng văn và toàn bộ
cách gửi hoa tặng thiệp hẳn là phụ nữ. Sơn không nghĩ trong đám bệnh nhân nam của
anh lại có người chịu khó làm việc đó.
Tại sao người ấy có thể đoan chắc là không bao giờ bệnh lại
nữa?
Những bệnh nhân của Sơn là những người không bao giờ khỏi bệnh.
Công việc chính duy nhất của anh là ngăn họ đừng chết. Họ sống và được duy trì
trong một thứ bệnh tật kinh niên. Họ chỉ hoàn toàn khỏi bệnh khi họ thoát khỏi
cuộc sống. Sơn lạnh người. Anh đã hiểu ẩn ý của người viết thiệp. Người ấy đã
chọn đường tắt ra khỏi cuộc đời, như Elvira, một lối thoát mãi mãi.
Người ấy là ai?
Anh nghĩ tới cô gái chết đúng vào đêm giao thừa hôm qua. Lúc
đó họ đã rửa ruột. Rửa ruột mà như lọc rửa cả thân thể nên da mặt và da cổ tay
trắng nuột, tương phản với màu tóc đen nhánh xõa sượi trên gối. Hình ảnh người
chết nửa như đang tan rữa, nửa hãy còn tươi. Lúc chết có phần còn đẹp hơn lúc sống.
Khuôn mặt tuy tiều tụy nhưng đã bắt đầu thanh thản. Đôi môi căng mọng như sắp bật
máu đang từ từ chuyển sang hồng lợt. Đôi mắt thường mở to đầy vẻ hờn oán nay đã
hoàn toàn khép chặt, đóng lại vĩnh viễn những tia nhìn đau đớn.
Anh nhìn tấm thiệp, của Mân chăng? Nếu vậy, anh đã chứng kiến
cái chết trước khi nghe được lời trăn trối. Lời trăn trối đến muộn, là bây giờ
cô sung sướng lắm, và cô cảm ơn anh. Tại sao lại cảm ơn chứ? Đáng lẽ cô oán
trách anh mới phải, vì hơn mười năm chữa trị, đã bao lần anh ngăn cản cô với niềm
hạnh phúc của cô: niềm hạnh phúc vĩnh cửu của cõi chết.
10.
Sáng hôm ấy Ly cũng nhận được một giỏ hoa cúc trắng, không
kèm tên người gửi. Cô gặng hỏi bà Guadalupe và biết người đưa hoa là một nhân
viên của hãng Conroy’s Flower thuộc thành phố Huntington Beach. Bà đoán là của
một bệnh nhân vừa khỏi bệnh đem tặng, nhưng Ly không nghĩ vậy. Bệnh nhân của
Sơn sẽ không bao giờ khỏi bệnh, họ sẽ theo anh suốt đời, trừ khi cuối cùng họ tự
tử vì tuyệt vọng mà thôi. Ngoài ra, ai lại đem tặng hoa cúc trắng vào ngày đầu
năm? Cô nghĩ bó hoa dành cho cô. Cô nghĩ bó hoa đến từ một cõi khác. Nó đến từ
một giấc mơ, giấc mơ tối hôm qua, hay là những tối xa hơn nữa.
Đặng
Thơ Thơ