Lịch sử của những cuộc quyên góp giúp đỡ ở Việt Nam, đặc biệt
là đối với một người bị nhà nước Việt Nam đặt tên là “khủng bố”, đã có một kỷ lục
chưa từng có: chỉ hơn 2 ngày kêu gọi giúp cho gia đình ông Lê Đình Kình, đã có
hơn nửa tỷ đồng gửi vào từ hàng trăm người.
Lê Đình Kình là ai? Một cụ già 84 tuổi bị lực lượng công an
hơn 3000 người bao vây nơi ông ở, tra tấn và bắn chết chỉ vì ông trước sau như
một: Đất của nông dân, phải thuộc về nông dân. Nếu không có lời nhắn ra từ cụ
bà thều thào trong đau đớn và mệt mỏi về hành động dũng mãnh của những “chiến
sĩ” công an, không ai hình dung được cụ Kình đã ra đi như thế nào.
Nhà nước đã vận hết lực lượng truyền thông lẫn trấn áp thực
tế để giải quyết hậu kỳ, chuyện bê bết của một đạo quân trang bị đáng
sợ như hải chiến với Trung Quốc, đã tấn công bắt, đánh, giết… vào một ngôi
làng khoảng hơn 250 người. Sau đó, phía Nhà nước phải gồng lên, gán nhiều tội
danh cho cụ già và những đứa con của ông là quân khủng bố, có trang bị gì đó và
chuẩn bị hành động nguy hại đến an ninh quốc gia. Hàng chục ngàn dư luận viên,
tức các thành phần tay sai về đả kích ngôn luận bất cần danh dự được lệnh tìm
và diệt bất kỳ hình ảnh, bài viết, video… có cảm tình đứng về phía người dân bị
cướp đất ở Đồng Tâm. Đã có những người bị bắt làm gương. Đã có những bài
viết hay bình luận đã bị Đài truyền hình của công an điểm tên như tù nhân dự bị.
Phải kể như vậy, để biết rõ hơn về một cuộc cách mạng
thầm lặng đang diễn ra trong người dân. Trước bối cảnh xã hội căng thẳng, đến mức
Bộ trưởng Công an phải xuất tướng chụp ảnh, làm thơ cùng cháu bé, con một công
an viên té giếng qua đời, nhằm nâng tinh thần chiến sĩ cứu quốc, rồi thủ
tướng phải đăng đàn nói rằng xét lại mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân…
vẫn có rất nhiều người đã đứng lên, công khai tên mình để gửi tiền giúp cho một
gia đình nông dân bị thảm nạn – mà từ nay chắc sẽ vĩnh viễn không bao giờ
còn bình yên nữa.
Trước đó, chỉ share hay like trên các trang facebook về chuyện
Đồng Tâm, cũng ít người dám làm. Nhắn cho nhau về chuyện này cũng ngại bởi Nhà
nước và Bộ Công an đã bày tỏ một thái độ rất quyết liệt. Ấy vậy, mà giờ
thì người ta không ngại việc giúp đỡ, và cũng không ngại nói với nhau, thậm chí
còn dấy lên một làn sóng tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi đã phối hợp với
công an để khóa, chặn không cho rút tiền những phần tiền giúp đỡ những người
nông dân, và dù là phúng điếu cho đám tang cụ Kình, cũng nhất quyết không.
Lòng dân đã rõ. Họ không buồn nói đến nhà cầm quyền và những
lời đe dọa. Họ hành động với mục đích cụ thể, như một đối thoại im lặng của phản
kháng.
Những bài bản hôm nay diễn ra từ phía nhà cầm quyền, rất
quen thuộc với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Và người dân Việt Nam cũng – rất
bất ngờ – đã làm giống như những gì người dân Trung Quốc từng im lặng đối
thoại với Bắc Kinh.
Năm 2011, Bắc Kinh tức giận trước thái độ phản kháng của nghệ
sĩ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), đã kiếm cớ phạt ông khoảng 2,4 triệu Mỹ kim, và buộc
phải đóng một số lớn, nếu không sẽ bị bỏ tù. Dù Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ tầm
thế giới, nhưng số tiền đó với ông là quá sức, thậm chí quá sức tưởng tượng.
Chuyện không ngờ xảy đến, là người dân Trung Quốc lâu nay vẫn
lầm lũi làm ăn, luôn cúi đầu vâng-dạ với chính quyền, bỗng im lặng cùng
nhau đến góp tiền cho ông Ngải Vị Vị, giúp ông đóng mức phạt bắt buộc ban
đầu. Theo ghi nhận của báo chí, có đến 20.000 người đến góp tiền trong một
thời gian rất ngắn, lên đến 800.000 Mỹ kim. Dĩ nhiên giới tay sai tuyên truyền
cũng được lệnh mở chiến dịch mạt sát, nguyền rủa Ngải Vị Vị là “phản động”
và những ai giúp đỡ cho ông là “đu bám bọn phản động”. Công an địa phương cũng
cử lực lượng đến gác trước cửa để ngăn chận nguồn tiền đầy sỉ nhục với nhà cầm
quyền như vậy. Sợ, nhưng người dân vẫn gửi đến. Có những người gấp tiền thành
hình máy bay và ném vào nhà ông. Có những người quăng bao tiền đồng gom góp được,
kèm theo dòng chữ “xin cho tôi là chủ nợ của ông”.
Trở lại với làng Đồng Tâm, nơi cuộc giết người kỳ quái diễn
ra, chỉ còn cách Tết Nguyên Đán Canh Tý hai tuần. Người dân Việt Nam đã quên cả
việc chuẩn bị Tết bằng cách chuyền tay nhau tin tức, tự mình ra mặt đáp trả các
ngôn luận hèn mạt của bọn tay sai tuyên truyền, và gửi tiền giúp cho gia đình
ông Kình. Cũng giống như cách mà người Trung Quốc không muốn Ngải Vị Vị phải nợ
nần gì với Bắc Kinh, hàng triệu người dân Việt Nam cũng thay nhau, dùng sự thật
để đáp trả cuộc chiến nối tiếp mà thế lực nào đó đang điên cuồng chà đạp và hủy
diệt người dân Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình.
Cuộc đối thoại đó im lặng đó, đang diễn ra từng ngày, âm thầm
dữ dội trên bề mặt rất nhẹ nhàng của xã hội. Cuộc đối thoại đó giới thiệu một đất
nước Việt Nam khác: Người dân vẫn mỉm cười và cúi chào nhà cầm quyền, nhưng nụ
cười đó và cái cúi đầu mang nội hàm gì, thì khó mà biết được.
Tuấn Khanh