23 February 2021

BIẾN CỐ MẬU THÂN TẠI HUẾ - Trần Văn Thuận

Noi gương các Thánh Mark, Matthew, John và Luke ghi lại cuộc đời Chúa Giêsu trên dương thế, tôi cũng ráng viết về một biến cố mà tôi là một nhân chứng bất đắc dĩ, nay lén trở về tắm lại một lần nữa trong “dòng sông ngày ấy”, cho dù đó là một đoạn sông đầy máu và xác người.

Tôi còn nhớ rõ, vào Tết Mậu Thân năm 1968, tôi chỉ thiếu 4 tháng là “tròn” 19 tuổi, đang học Dự Bị Văn Khoa Huế, Ban Pháp Văn. Như những Tết khác, Mạ tôi, làm gì thì làm, thế nào cũng phải làm vài hũ dưa món. Ngoài ra, thế nào cũng có một nồi sườn ram, một nồi thịt kho Tàu, vài chục lọn tré. Đặc biệt năm nay, ngoài nhiệm vụ bếp núc, nấu nướng, Mạ tôi đã “đề nghị” thực hiện thêm một dự án ngoài lịch trình, và chẳng có dính dáng gì đến chuyện Tết nhứt hàng năm: Xây một hầm cát kiên cố cho gia đình và phải làm xong trước Tết!

Đúng ra đây phát xuất từ những tin tức liên quan đến tình hình chiến sự ở Vùng 1 nói chung và của Huế nói riêng, vào thời điểm đó, với sự sôi động mặt trận ở Khe Sanh và các vụ pháo kích lẻ tẻ của Cộng quân vào nhiều địa điểm tại Huế. Vì nhà ở sát cạnh sông Phủ Cam, nên cát mua xong là được gánh từ đò lên giao tận nhà, bọn tôi với sự trợ giúp của một vài công thợ, chỉ việc dồn cát vào bao. Địa điểm được chọn xây hầm là khoảng trống ngay sát cạnh cửa phải phòng ăn, một căn phòng tuy không lớn lắm, nhưng bù lại, có mái đúc bằng bê tông cốt sắt, nối liền nhà trên, với khu nhà bếp. Hầm xây khá chắc chắn, không những nhờ chọn đúng vị trí, mà còn nhờ được chống đỡ bằng các khúc gỗ chắc chắn, lấy ra từ ụ gỗ còn sót lại, sau lần xây cất lại dãy nhà cho mướn, phía bờ sông. Sở dĩ nói dông, nói dài về cái hầm cát này vì, nếu không có nó, giờ này tôi cũng như gia đình chắc đã không toàn mạng, để giờ này, ngồi nhắc lại chuyện xưa!

Cũng Tết năm đó, Anh đầu tôi đang dạy học tại Qui Nhơn, cũng lấy phép về Huế ăn Tết với gia đình, sau khi đón chị Dâu tôi, đang bụng bầu gần 7 tháng, và bé Hạnh Linh, đứa cháu gái đầu lòng, hai tuổi, từ Quảng Trị vào.  Anh chị tôi kể lại, trong mấy ngày trước Tết ngắn ngủi ở Quảng Trị, trong tình hình quân sự khá bất ổn, Anh tôi cùng gia đình vợ đã bị một toán lính bất lương đột nhập vào nhà, trong đêm vắng, mở chốt lựu đạn, uy hiếp, hành hung và cướp sạch số tiền dự định mang vào Huế xài Tết, cộng thêm mấy cây vàng. May là không có ai bị thương ngoại trừ vết trầy trụa trên trán anh tôi, do bị tên lính dộng vào mặt, chỉ vì nhìn chằm chặp vào mặt hắn.

Đêm Giao Thừa, ai ai cũng đều hăm hở chuẩn bị đón ông bà về thăm và ăn Tết cùng con cháu trong mấy ngày Tết. Thành phố dù lất phất mưa, xen chút gió lạnh, trông thật bình yên, êm ả. Không bình yên sao được, khi “Hai Bên” đã thõa thuận tạm ngưng bắn 48 tiếng, để người Dân có thể yên tâm ăn Tết? Các đơn vị quân đội, do đó, đã cho phần lớn binh sĩ xả trại, về phép. Một số lớn người dân làm ăn, công tác xa suốt năm, cũng về vui Xuân, đoàn tụ với gia đình. Mọi người nao nức chờ đón giây phút linh thiêng mà không biết rằng cửa địa ngục đang từ từ hé mở, máu lửa, tai ương và Thần Chết sắp đổ ập xuống đầu những người dân hiền hòa, vô tội! Huế thơ, Huế mộng của tôi sắp được chính thức “khai tử” kể từ đây!

Thật vậy, trái với sự mong đợi của mọi người, đúng qua đêm Mồng Một, rạng ngày Mồng Hai Tết năm ấy, Cộng Quân đã tráo trở xé bỏ hiệp ước ngưng bắn, ra lệnh tấn công, không chỉ riêng Huế, mà trên hầu hết các đô thị lớn của Miền Nam Việt Nam.

Trở lại ngày đầu năm “Con Khỉ”. Ngày mồng một Tết năm nay sao có vẻ xanh xao, mõi mệt như một cơn bệnh. Tuy thế, Tết vẫn luôn là ngày lễ truyền thống lớn và đáng nhớ nhất trong năm. Sáng hôm đó cũng vậy, cả nhà thức dậy sớm hơn mọi khi. Buổi ăn sáng nay, ngoài cà phê sữa, đặc biệt hôm nay còn có bánh tét chiên, ăn kèm dưa món. Sau bữa ăn, các anh chị em tôi, năm nay, chỉ còn lèo tèo ba người, cháu Hạnh Linh, cùng hai người làm, tập trung lại để mừng tuổi Ba Mạ tôi. Sau khi nhận lời chúc Tết của các con, Ba tôi luôn đại diện mạ tôi, có vài lời “nhắn nhủ” đầu năm, sau đó là phần phát tiền lì xì. Thời đó chưa có bao lì xì, thay vào đó là những tờ giấy bạc mới cáu, mà Ba tôi đổi từ Ngân Hàng, còn thơm phưng phức.

Xong xuôi, cả nhà cùng đi bộ lên mừng tuổi “Ông” Bà Ngoại. Đúng ra, Ông Ngoại tôi đã mất. Nhưng nhắc tới ngày Tết khi ông còn sống là nói đến buổi gặp mặt bà con đông đủ nhất, thường tập trung ở nhà Ông Ngoại. Ông tôi họ Ưng, Hoàng Phái thuộc dòng Minh Mạng, vì “cao số” nên đến ba đời vợ, may mắn là không phải cùng lúc, với khoảng 12 người con, trong đó, Mạ tôi thuộc dòng thứ hai. Ăn uống no say xong, lại kéo nhau ra thăm khu mộ gia đình gần đó. Tết ở Huế thời đó, đối với tôi là những kỷ niệm của đại gia đình, sống động, êm đềm, và thật dể thương, trong một giai đoạn thanh bình của đất nước. Nó khác nhiều so với cái Tết của nơi khác và hiển nhiên càng khác xa với cái Tết của thời đại bây giờ, ở Việt Nam và nhất là ở Hải Ngoại.

Tối mồng một. Trời mưa rả rích và khá lạnh. Sau một ngày liên hoan vui vẻ với đại gia đình, tôi lên giường khá trễ, giữa những tiếng pháo vẫn còn đì đẹt đâu đó. Đi ngủ mà lòng háo hức chỉ vì nhớ tới cái hẹn với cô bạn gái, vào trưa mai, mồng Hai Tết. Chợp mắt chưa bao lâu, khoảng 1, 2 giờ sáng, tiếng con Minot gầm gừ mãi ngoài sân trước, đánh thức tôi dậy. Qua tấm vải mùng, mình còn cuộn trong mền vì trời khá lạnh, tôi thấy Ba tôi cũng đã thức dậy, trong bóng tối, đang hé nhìn qua khe cửa sổ. Một hồi sau, thấy tôi đã thức giấc, với vẻ mặt khẩn trương, Ba tôi ra dấu bảo tôi yên lặng và chỉ ra phía ngoài sân. Tôi xuống giường, rón rén bước lại gần và lén nhìn ra. Dưới ánh đèn đường mờ nhạt xuyên qua tàng lá cây nhãn trước nhà, cách tôi không quá mười thước, tôi nhìn thấy những bóng đen tựa những bóng ma, đang lố nhố tìm vị trí dọc theo bức vách xi măng đục lỗ, chia cách nhà tôi và dãy rạp cho thuê. Tôi không nhìn thấy rõ mặt mày họ, nhưng thấy nhóm người này có võ trang súng đạn. Họ ngồi đó im lìm, qua động tác, tôi đoán họ đang lặng lẽ móc thức ăn từ bị rết đút vào miệng. Giờ này thì cả nhà tôi đã thức giấc. Ba tôi thầm thì bảo tôi và anh tôi phải leo lên trốn trên trần nhà. Không sẵn thang, chúng tôi phải leo theo cánh cửa ngăn giữa nhà trên với phòng ăn cơm và khu nhà bếp, nhấc tấm ván ngăn của trần nhà, đu người lên, sau đó đóng tấm nắp lại. Tạm yên! Không bao lâu sau, tiếng súng bắt đầu vang vọng khắp thành phố. Riêng khu tôi, nhất là phía bên kia sông, súng nổ rền, vì ngay bên kia cầu là Đồn Công Binh, còn được gọi là Đồn Bá Công, rất lớn, nằm ôm trọn ba con đường: đường Phan Đình Phùng, dọc bờ sông Phú Cam, đường Nguyễn Huệ và đường Cây Muối. Đúng ra là bốn đường, nhưng mặt đường Nguyễn Trường Tộ, đồn bị che khuất bởi dãy “Nhà Đức Cha”.

Đến 4 giờ sáng, lúc này thì điện đóm đã tắt ngủm, giữa tiếng súng lớn nhỏ, có tiếng đập cửa dồn dập từ khu nhà bếp. Không chậm trễ, Ba tôi mở cửa. Một nhóm bộ đội chừng ba, bốn người, súng chĩa thẳng phía trước, thái độ khá căng. Không bước hẳn vào bên trong, câu hỏi đầu tiên của họ: “Trong nhà có Mỹ Ngụy không?” Ba tôi thật thà trã lời là không có. Sau đó, họ yêu cầu ba tôi “cho phép” họ tháo gỡ các cánh cửa sổ gỗ để họ làm công sự chiến đấu. Mùa Đông lạnh buốt mà tháo cửa thì chỉ có nước chết lạnh. Nhanh trí, Ba tôi hướng dẫn họ đến đống gỗ cũ, thu góp được sau đợt xây nhà vừa qua, nằm cách đó không xa. Họ đồng ý. Sau đó, Ba tôi may mắn được họ cho phép trở vô nhà, thay vì bị trưng dụng làm dân công như vẫn thường thấy. Trong suốt mấy giờ qua, trong nhà tôi mọi người đều đã thức giấc, hồi hộp, chờ đợi diễn tiến, trong khi tiếng bom đạn ngày một dồn dập.

Khoảng hơn 6 giờ sáng, tiếng nói là sáng, nhưng trời còn tối thui vì mùa Đông, mà lại không có điện, lại có tiếng đập cửa trở lại. Cửa lại được mở, và lần này, nhóm người thận trọng bước vào, súng vẫn chĩa phía trước, và cũng vẫn câu hỏi trước, bằng một giọng Bắc khá nặng: “Trong nhà có Mỹ Ngụy không?” Khác lần trước, lần này họ yêu cầu được khám xét nhà. Mạ tôi, thay Ba tôi, đốt cây đèn cầy, dẫn toán bộ đội vào nhà, đi từng phòng một, mở tung các tủ theo yêu cầu của họ. Họ chỉ nhìn vào nhưng tuyệt đối không lục lạo. Từ bên trên, chúng tôi nín thở, lắng nghe những diễn tiến ở bên dưới. Thời gian trôi qua, nặng nề, căng thẳng, cho tới khi khám xét xong, họ tuyên bố: “Chúng con về chỉ để giải phóng Thành Phố, nhà ở, đường đi, không sao cả, ba mẹ yên tâm.” Sau đó họ rút xuống khu nhà dưới, lúc đó đã được mở toang cửa. Nói chung lần tiếp xúc đầu tiên với “Việt Cộng” có thể nói là khá” ấn tượng”! Cũng dễ hiểu, hình ảnh, cung cách của nhóm người này thật khác xa với cái hình ảnh, “răng đen mã tấu” mình vẫn cưu mang lâu nay. Cái đáng nói nhất là trước đây, khi nghe nói đến Việt Cộng, ai cũng sợ hãi, vì đó là một bóng ma, một đe dọa, một kẻ thù không hình tướng, luôn gắn liền với giết chóc, ám sát, khủng bố để rồi hôm nay, cái bóng ma ấy bỗng xuất hiện, nhưng lần này, với một hình thể chẳng khác gì mình, cũng da vàng, mủi tẹt, cũng cùng một ngôn ngữ, cách xưng gọi. Không có gì là ma quỷ, không có gì là ghê gớm, đe dọa, sắt máu như mình đã nghĩ.

Trời tờ mờ sáng, tiếng súng lớn nhõ vẫn còn vang vọng, nhưng không gần kề như trước, có lẽ Đồn Quân Cụ bên kia sông chắc đã thất thủ. Thật ra, theo tôi, sự cầm cự, nếu có, chắc cũng chẳng có gì ác liệt: Quân nhân phần lớn đã xả trại và đã về vui hưởng Tết cùng gia đình, đồn bót gần như bỏ ngỏ trong mấy ngày Tết. Sau nhiều giờ lẩn tránh trên trần nhà, trong tư thế không được thoải mái, tôi và anh tôi, mặt mày khá bơ phờ vì mất ngủ và lo lắng, tìm cách nhìn lén qua khe hở lỗ thông hơi, xem động tĩnh bên dưới sân, quanh nhà. Dõi mắt nhìn phía bên kia bức tường ngăn, khoảng sân sau dãy nhà cho thuê, hướng cửa sổ phòng Ba tôi nhìn ra. Tôi thấy một nhóm ba, bốn tên bộ đội, đầu đội mũ “tai bèo”, chân mang dép râu, vai mang AK47, B40, mặt mày non nớt, xanh xao, đang đứng cười nói với nhau, trong khi một tên trong bọn, đang vạch quần ra tè vào bụi cây gần đó. Ủa, thì ra Việt Cọng cũng biết cười, biết nói, biết tè nữa sao? Nỗi sợ hãi trong tôi bỗng biến mất!

Tiếng máy bay “Bà Già” L19 quần lượn trên trời, đang phát thanh nhiều lần lệnh thiết quân luật trong toàn thành phố. Tim tôi chợt nhói: Thế là đi đong cái hẹn trưa nay với cô bạn gái của tôi! Thế mà tôi cứ nghĩ, đây chắc chỉ là một cuộc tấn công chớp nhoáng, chừng vài ba tiếng, rồi họ sẽ rút đi? Điệu này, không chừng sẽ kéo dài vài ba ngày, hoặc cả tuần cũng nên?

6:30 giờ sáng, tiếng súng lại dồn dập trở lại, xen lẩn giữa tiếng đạn giòn giã của súng nhỏ, tiếng đại bác từ xa câu về, nghe mỗi lúc mỗi gần kề hơn. Lo lắng cho hai thằng con vẫn còn vất vưởng trên trần nhà, Ba Mạ tôi, chị dâu tôi, quay quắt như gà mắc đẻ, và vì không còn lựa chọn nào khác, cuối cùng Mạ tôi đành kiếm tên chỉ huy của nhóm bộ đội để thú tội: “Tôi xin thú với mấy anh là tôi có hai thằng con, một thằng thầy giáo, một thằng sinh viên. Bọn nó lâu nay nghe tuyên truyền mấy anh dữ tợn lắm, nên hoảng sợ trốn trên trần nhà. Nay chính mắt chúng tôi nhìn thấy các anh xử sự nhân đạo, đàng hoàng, tử tế nên xin mấy anh thương tình bỏ qua và cho mấy thằng con tôi được ra trình diện!” Thấy hai người đàn bà, một già, một trẻ với cái bụng đi trước, đang mếu máo, thiếu điều quỳ mọp, van xin, tên chỉ huy, chắc mát dạ vì câu nói của Mạ tôi, mau mắn lập lại câu nói trước đây: “Ba Mẹ và chị cứ yên tâm kêu mấy cậu xuống. Chúng con về đây là để giải phóng Thành Phố, nhà ở, đường đi. Không sao đâu!” Lần này Ba tôi mang cái thang gỗ để sát vách, vì đã theo dõi và nghe rõ câu chuyện, chúng tôi lẹ làng leo xuống. Lòng tôi lúc ấy thật bình tĩnh, không chút sợ hãi. Tên chỉ huy nhìn chằm chặp vào chúng tôi, yêu cầu chúng tôi cho xem giấy tờ tùy thân. Anh tôi trình giấy Giáo Sư, riêng tôi, ngoài giấy chứng nhận Sinh Viên, còn kèm thêm giấy hoãn dịch vì lý do học vấn. Đọc xong giấy tờ, tên chỉ huy có vẽ thoải mái hơn và lại lập lại câu nói: “Các cậu yên tâm, chúng tôi về chỉ để giải phóng thành phố, truy lùng bọn ác ôn, có nợ máu với nhân dân, riêng người dân vô tội, quyết không hại một ai. Tuy nhiên, hiện tại, hai cậu nên ở trong nhà, không được đi đâu, đến chiều này, hai cậu chuẩn bị ít gạo và quần áo, lên Chùa Từ Đàm “học tập”!” Có lẽ tôi là một trong những “Công dân Miền Nam” đầu tiên được hân hạnh nghe hai tiếng “Học tập”, một từ hiền lành, quen thuộc, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, nghe ra thấy ngờ ngợ khó hiểu. Mặc dù trong bụng không hiểu rõ ý nghĩa, chúng tôi đều vui vẻ gật đầu đồng ý. Thật vậy, không những bây giờ, mà nhất là bẩy năm sau, khi Miền Nam hoàn toàn rơi vào tay CS, người dân miền Nam, hiền hòa dể tin đã phải trã một giá thật đắt, có khi bằng cã sinh mạng, cho sự hiểu lầm từ ngữ quái ác này!

Trời bắt đầu sáng tỏ, quang cảnh bên ngoài khá nhộn nhịp với các toán quân qua lại, vũ khí trang bị nặng nhẹ đủ loại, từ sân trước ra tới vườn sau. Khu vườn sau nhà tôi khá rộng, tiếp giáp với khu đất của “Cậu Cẩn” (Ngô Đình Cẩn), chỉ cách một bờ rào dây kẽm gai thấp ngang bụng. Khu nhà tôi ở, mặt hướng ra đường Nguyễn Trường Tộ, riêng dãy nhà cho thuê, cùng phần hông vườn sau nhà tôi lại hướng ra hướng đường Phan Châu Trinh, sát dọc bờ sông; hai khu tiếp giáp vuông vức ngay đầu cầu Phú Cam. Riêng khu nhà Cậu Cẩn lại không được nguyên vẹn, mà là hình chữ L ngược, một đầu hướng ra đường Phan Chu Trinh, đầu kia, nơi có cổng chính ra vào, lại hướng ra đường Nguyễn Trường Tộ, chỉ cách khuôn viên Nhà Thờ Phú Cam không quá vài trăm mét. Vườn nhà tôi cũng khá um tùm, với đủ loại cây: dừa, mít, cau, ổi, chuối, cam, chanh. Phía bên vườn ông Cậu, dọc hàng rào kẽm gai, là những bụi tre, ngoài ra cũng chẳng thấy trồng trọt gì. Mỗi lần thấy măng vừa kịp nhú lên là bọn tôi đã mau mắn “vượt biên” thu hoạch. Không những sau ngày “Cách Mạng” năm 63, khi ông Cậu không còn, mà ngay cả trong thời kỳ vàng son của dòng họ Ngô cũng thế. Măng tươi mà kho với tôm và thịt heo ba chỉ, tuy món bình dân nhưng ngon đáo để.

Phải nói những toán quân chính quy BV rất kỷ luật, không cướp bóc, hỗn độn, kiêu binh. Họ ăn mặc giản dị, áo quần màu vàng cháy hoặc xanh lính, rộng thùng thình, cắt sửa qua loa, không gọn ghẽ, gồ ghề, thẳng nếp theo cung cách lính tráng phe ta. Đầu đội nón “tai bèo” hoặc để trần, cổ quấn khăn rằn, chân mang dép râu làm bằng vỏ xe. Phần lớn, nét mặt còn rất trẻ, điểm chút quê mùa, mộc mạc, tóc hớt “một mái”. Điều đặc biệt là không thấy họ mang dấu hiệu binh chủng, cấp bậc, tên tuổi. Trong sân trước, bên cạnh những nhánh cây gẫy đổ do súng đạn, tôi thấy một vài hố cá nhân được đào dọc theo bức vách, ngụy trang. Nhìn phía bên kia cầu, phía dãy Nhà Đức Cha, một vài bộ đội, trong đó có vài nữ du kích, với mái tóc kẹp dài, đang hì hục chất lên xe một số đồ, mà tôi đoán có lẽ là súng đạn, chuyển ra từ đồn Quân Cụ, qua ngã một khoảng trống hàng rào phòng thủ bị san bằng.

Khoảng gần trưa, để tránh hư hại do bom đạn đang mỗi lúc mỗi nổ dồn, tôi phụ ông anh tháo gỡ cái TV mà anh tôi đã mua tặng gia đình không bao lâu trước Tết. TV được cẩn thận bỏ lại vào thùng giấy và chất lên đầu tủ áo quần, trong phòng anh tôi. Ngoài cái TV, một mặt hàng xa xỉ khác thời đó là cái tủ lạnh. Cũng không bao lâu trước Tết, Ba tôi, lúc đó đang làm Tổng Thư Ký của Đại Học Y Khoa Huế, cũng đã mua lại được một cái tủ lạnh còn rất mới, của Ô. Bà BS. Krainick, một Giáo Sư Bác Sĩ người Đức, đang giảng dạy tại ĐH. Y Khoa Huế và cũng là một người bạn khá thân của Ba tôi và gia đình. Điều đau đớn là Ông Bà, cũng như một số đồng nghiệp khác của họ như: Dr Alteköster, Dr Discher, Dr. Gunther Krainick cùng giảng dạy tại ĐH. Y Khoa Huế đều đã bị Cộng quân bắt giữ và thảm sát trong biến cố Tết Mậu Thân năm đó. Tôi còn nhớ, trước đó không lâu, có lần Ba tôi kể lại chuyện Sinh viên Y Khoa Hoàng Phủ Ngọc Phan, bị đuổi khỏi phòng thi vì đã xử dụng tài liệu sao đó, nhưng vụ việc về sau được BS. Lê Khắc Quyến, Khoa Trưởng ĐHYK Huế, đề nghị bỏ qua, với lập luận: “Thôi tha cho nó, xử dụng tài liệu như rứa thì coi như nó cũng đã học rồi.” Tôi tự hỏi với tất cã sự dè dặt, không biết “ông tướng” này, khi từ Bưng trở về, dịp Mậu Thân, có dính dáng gì đến vụ tàn sát dã man các giáo sư ân nhân người Đức kể trên, do thù oán cá nhân không?

Đường sá ngoài kia vẫn tiêu điều, hai cây nhãn và mấy cây dừa xiêm, dừa lửa, nằm dọc bờ rào, tơi tả, bầm dập, sau một đêm tiếng đạn thay tiếng pháo, mở đầu năm mới con Khỉ. Dưới bầu trời xám lạnh, điểm chút mưa phùn, thỉnh thoảng, một vài nhóm người, già có, trẻ có, chừng vài chục người, quần áo xốc xếch, mặt mày phờ phạc, tay ôm, vai vác thường dẫn đầu bởi một người cầm cờ trắng, hối hả nối đuôi nhau, như bị ma rượt, hướng về phía nhà thờ Phủ Cam. Trong một nhóm, tôi nhận ra Duyên, một người đẹp khu Nhà Thờ Nhà Nước, đang thất thểu bước cạnh bà chị. Cho đến giờ này, tôi vẫn luôn mãi thắc mắc: Tại sao nhà tôi, một gia đình Công Giáo mộ đạo, nhà thì chỉ ở cách nhà thờ Phủ Cam vỏn vẹn một con dốc, không quá vài trăm thước, trong một biến động tầm cỡ này, mà không một ai trong nhà nghĩ đến, hoặc đề nghị, chạy lên Nhà Thờ ẩn trú, như giáo dân, mọi nơi, mọi lúc, vẫn thường làm, mỗi khi có biến động, với suy nghĩ “Nhà Chúa” là nơi bất khả xâm phạm? Quả thật hy hữu, nếu không nói là một phép lạ nhiệm mầu, đã cứu sống gia đình chúng tôi! Sau ngày Thành Phố Huế được giải phóng, thành phần nạn nhân bị Cộng Quân bắt theo, giết chết, trên đường rút quân, và xác được tìm thấy trong các nấm mộ tập thể chôn lấp vội vàng số lớn là giáo dân, gồm thanh niên ở lứa tuổi sinh viên, học sinh, các quân nhân, công chức đã bị VC bắt giữ khi chúng đột nhập vào khuôn viên các nhà thờ Phủ Cam, Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế hoặc những người đem mạng trình diện “Học Tập” ở Chùa Từ Đàm! Cộng Sản, đội quân Vô Thần “bách chiến, bách thắng” là ở chỗ đó: Với họ, các nơi thờ tự như Nhà Thờ, Chùa Chiền không đủ linh thiêng, trang nghiêm, để chở che sinh mạng người dân vô tội, những lúc cùng đường kẹt lối.

Mấy tuần trước Tết, họ đạo Phủ Cam, trước tình hình chiến sự sôi động, cũng đã vội vã tổ chức các nhóm tự vệ võ trang, trong đó, ngoài những giáo dân ngoan đạo, hăng say chống Cộng, có lẫn lộn một số thuộc thành phần du đãng, khá nổi tiếng trong họ đạo, như nhóm Phú Rỗ, Trọng Hê… Các ụ cát được dựng lên ở cổng xe lửa, dốc đường dẫn đến nhà thờ, ngay sát cổng trước tư dinh ngày xưa của Cậu Cẩn, cũng như các ngõ ra vào khác của họ đạo. Đêm đêm các nhóm tự vệ, trang bị súng Carbin, lựu đạn tụ tập lại, canh gác cũng có, nhóm bạn đùa giỡn, chọc phá cũng có. Cái đáng nói là thành phần nạn nhân trong họ đạo bị thảm sát dịp Tết Mậu Thân, lại toàn là những thanh niên con nhà, hiền lành, trong đó có một số bạn bè, quen biết của tôi, một số ngày trước học cùng trường như: Kha, hiền lành như con gái, bị bắt và sát hại cùng Bố là cựu DB Bùi Tuân; Quang, con Ô. Tống Viết Văn, có thời làm Giám Đốc Nha Du Lịch Huế; Duyệt, Ánh, và còn nhiều nhiều nữa. Riêng đám “phá làng phá xóm” thì chẳng thấy thiệt mất mạng nào!

Trời vẫn u ám, không chút mặt trời, mưa vẫn rả rích. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe Jeep của phe “Ta” chạy vút qua, nhưng lại do bộ đội của “Chúng” lái, với lá cờ nửa đỏ, nửa xanh da trời, với ngôi sao máu mà mãi về sau, tôi mới biết đó là cờ “MTGP”. Nản thật, điệu này, chắc Thành Phố Huế mình đi đong rồi, tôi thầm nghĩ, biết đến bao giờ mới bình thường trở lại? Lợi dụng những lúc rảnh rỗi, tôi xử dụng một tập giấy nhỏ, cỡ bằng một phần tư trang giấy, làm thành một tập “nhật ký dã chiến”, không những viết cho tôi mà chủ yếu là viết cho cô bạn gái, với ý nghĩ, đó sẽ là món quà thật đặc biệt mà tôi sẽ trao lại cho cô ta, khi tình hình yên ổn trở lại. Với nét chữ cố hữu, vừa nhỏ như con kiến, vừa xiên xẹo, tôi ghi chép lại những suy nghĩ linh tinh, những sự kiện trong ngày, và hiển nhiên cả những nổi nhớ nhung, thiếu vắng. Thời gian còn lại, tôi thường lên xuống khu nhà bếp, tò mò theo dõi sinh hoạt của số binh lính đang dừng chân nghỉ ngơi ở đó. Vào khoảnh khắc đó, phải nói, tôi chưa biết gì về các vụ giết chóc, tắm máu đang xảy ra trong một số khu vực thành phố, vì vậy tôi không cảm thấy sợ hãi, trái lại, tôi muốn lợi dụng cơ hội để quan sát, “gần gũi” những người mà trước đây vẫn được gọi là Việt Cộng, là kẻ thù không đội trời chung, những người, mà chỉ cần nghe tên, ai cũng muốn co giò trốn chạy.

Tôi bắt chuyện với viên chỉ huy, người mà tôi đã có dịp “trình diện” trước đó. Y khoảng 24, 25 tuổi, đang đứng riêng một chỗ. Y ít nói, trầm ngâm, mặt mày tương đối sáng sủa, có học. Vẻ trầm ngâm đó, giờ đây, tôi đoán, có thể do sự xúc động, bàng hoàng trong lần tiếp cận đầu tiên với xã hội Miền Nam, một sự tiếp cận dù còn quá mới mẻ, hạn chế, nhưng rõ ràng đã cho y thấy một Miền Nam hoàn toàn khác xa với cái Miền Nam mà y và dân chúng Miền Bắc đã được biết qua bưng bít, qua tuyên truyền láo khoét, ròng rã suốt bao năm qua, một miền Nam đói khổ, bị Mỹ Ngụy kềm kẹp, bóc lột thê thảm, một miền Nam đói cơm, rách áo. Trong giờ phút đó, dù ngu ngốc đến đâu, tôi nghĩ, những người “chiến binh miền Bắc”, chưa kịp “hồ hỡi” trong men say chiến thắng, đã hiểu ra rằng lâu nay, họ đã bị Đảng lừa dối đưa vào cỏi chết. Từ đó, một suy nghĩ khác chợt làm tôi lạnh người. Dù không thuộc thành phần chống Cộng cực đoan, giờ này, tôi tin chắc một điều dù không có chứng cớ: Chính quyền Miền Bắc, sau khi “xô đẩy” con em nhân dân vào mặt trận phía Nam, dứt khoác không bao giờ mong muốn đón nhận những người đó trở lại miền Bắc, đặc biệt là những bộ đội đã từng trực tiếp chiến đấu trong các thành thị lớn miền Nam, đặc biệt như tổng công kích Tết Mậu Thân chẳng hạn. Lý do dể hiểu là họ không muốn bị lật mặt nạ là đã lừa đảo nhân dân miền Bắc quá lâu, về hiện trạng miền Nam. Phải chăng vì vậy mà “bộ đội Cụ Hồ”, trước khi xâm nhập Miền Nam, đều được chỉ thị xâm vào tay hàng chử “Sinh Bắc, Tử Nam”? Thoạt nghe, như một lời nguyện hào hùng, nhưng nghĩ kỷ lại, đó là một lời…nguyền rủa, một bản án vô nhân dành cho đoàn quân Nam Tiến:” Hãy đi vào Nam chiến đấu…xong rồi…CHẾT ĐI, đừng bao giờ trở lại!” Bằng chứng khả tín cho những điều tôi vừa nói: Ngay sau ngày Miền Nam thất thủ, không thiếu những gia đình có thân nhân ngoài Bắc vào thăm, đều kể cùng một nội dung: “Họ trịnh trọng mang vào vài ba ký gạo, nữa ký đường vàng, vài cái tô đất“nói là để tiếp tế cho gia đình bà con trong Nam”. Điều này chứng tỏ, đến giờ phút chót của cuộc chiến Nam Bắc tương tàn, người dân miền Bắc chưa bao giờ biết được sự thật về Miền Nam, vì đã không tiếp xúc được với bất cứ một cán binh nào đã có thời gian chiến đấu trong Nam, hoặc những tù binh CS được trao trả trước đây. Số phận những người nắm giữ “sự thật về miền Nam” này ra sao? Bị thủ tiêu hàng loạt? Bị cô lập vĩnh viễn trong một trại tập trung nào đó? Tôi thật tình không biết, điều tôi biết chắc, nếu những người này đã cơ may sống sót và được trở lại với gia đình ở miền Bắc, chắc chắn những gì họ đã biết về xã hội miền Nam, dù ít ỏi…cũng đã bị rò rỉ ra ngoài. Điều này đã không xảy ra. Tôi e rằng, chẳng có một ai đã may mắn sống sót để trở về và kể lại.

Viên chỉ huy lơ đãng nghe đài Hà Nội qua cái “đài” nhỏ y để trên bàn. Bổng xuất hiện một tên du kích, tên du kích đầu tiên tôi nhìn thấy tự sáng sớm. Y mặc bộ đồ màu xanh lục tươi, không giống đồng phục của bộ đội. Nhìn tên này quả tình tôi thấy ơn ớn. Người khá to con, tóc hớt một mái, cặp mắt đỏ lừ, trông dữ tợn, tay lăm le một khẩu súng Colt 45. Đang bước, bổng nhận ra tiếng “đài”, y dừng phắt lại, quay cổ nhìn hướng chúng tôi, từ từ bước lại, mở miệng hỏi cộc lốc:” Đài ta?” Viên chỉ huy chẳng thèm trả lời, chỉ gật đầu nhẹ. Sau khi ném cái nhìn về phía tôi, tên du kích quay người, vội vã tiến về phía trước. Qua diễn tiến vừa qua, tôi nhận ra hình như có chút gì mâu thuẫn, kỳ thị, phân biệt giữa Bộ Đội BV với đám du kích miền Nam. Chẳng bao lâu sau, Mạ tôi kêu tôi lên nhà trên và la tôi: “Răng mà không dấu mặt đi mà còn lẩn quẩn, chuyện trò với bọn nó nữa, ngu dữ rứa?” Đúng là bản năng bảo vệ tuyệt vời của Gà mẹ!

Chiều hôm đó, thật may mắn, toán quân buổi sáng được thay thế bằng một toán quân chính quy khác. Chắc nhờ vậy mà chẳng ai nhớ ra sự hiện diện của hai anh em tôi để nhắc nhở vụ lên Chùa Từ Đàm “học tập”. Hiển nhiên bọn tôi cũng đủ thông minh để phớt lờ luôn.

Một bất ngờ, Bà Cô Tuyết, cô ruột của Ba tôi, tuổi cũng đã trên 80, sống đơn độc trong căn nhà dọc bờ sông, cách nhà tôi không bao xa, không biết bằng cách nào, đã lúc thúc đến được nhà tôi “xin” tỵ nạn, nâng tổng số người trong nhà lên 9 mạng, đúng ra phải nói là 9 người rưởi mới chính xác, lý do là Chị Dâu tôi lúc đó đang mang bầu đứa con thứ hai, cháu Thanh Phong.

Càng về tối, tiếng súng càng dồn dập, phần lớn là đạn đại bác mà tôi đoán chừng là của pháo binh Mỹ, từ xa rót về, có lẽ sau khi máy bay quan sát, phát hiện sự tập trung của Cộng Quân. Tiếng đạn, gầm thét nghe kinh hoàng như tiếng một đầu tàu xe lửa, hùng hục nhắm ngay đầu mình phóng tới, theo sau là tiếng nổ xé tai, bung ngực. Bóng đêm trở lại mang theo nỗi sợ hãi không tên. Dưới ánh đèn leo lét của ngọn đèn cầy, cả nhà sinh hoạt tựa những bóng ma. Trong bữa ăn tối, mọi người im lặng, cố nuốt những thức ăn mà bình thường ai cũng ham thích. Với vẻ lo lắng, Ba tôi dặn dò: trường hợp nguy hiểm, cần phải tháo chạy, điểm tập hợp được chọn sẽ là khu nhà bỏ hoang của Cậu Cẩn, nằm ngay phía bên kia khu vườn nhà tôi. Tối hôm đó, tùy theo mức độ của đạn pháo, chúng tôi phải di chuyển, khi thì phòng ngủ, khi thì phòng ăn, khi thì bò vô hầm, vì dù hầm an toàn thật, nhưng không thể cùng lúc chứa hết số người trong nhà, nhất là trong tư thế nằm, dù co quắp. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi rùng mình nghe tiếng nửa la nửa khóc, từ bên phía nhà hàng xóm: “Mạ ơi, Mạ ơi! Mở cửa cho con!”. Tôi nhận ra giọng của thằng Bé, nhỏ hơn tôi vài tuổi, con người hàng xóm, mới dọn vô ở không bao lâu. Về sau nghe nó kể lại, nó cũng được bộ đội “mời” lên Chùa Từ Đàm học tập. Nó “nghiêm chỉnh chấp hành”, nhưng khi lên đến Chùa, không tìm thấy ai, hình như tất cả đã di chuyển đi nơi khác, nên nó lại lò mò trở về lại nhà. Phước đức nhà nó vậy mà còn lớn! Trong đêm, ngoài tiếng súng nổ, xen lẫn tiếng kêu như tiếng cú rúc của các hỏa châu, do máy bay thả hoặc qua đạn pháo binh, mang đến chút ánh sáng vàng vọt giữa bóng đêm đen sánh, lạnh ướt và đầy chết chóc.

Dù chậm chạp, mệt mõi, màn đêm rồi cũng qua đi, thay vào đó chút ánh sáng xám xịt của một ngày mưa lạnh, không phải của bất cứ một ngày mưa lạnh nào, mà đúng ra là ngày mồng Ba của một mùa Xuân tráo trở. Còn đâu hình ảnh lãng mạn của một “Huế thơ, Huế mộng”, thật vậy, Huế của tôi đang hấp hối với vết thương chí mạng, mà mãi gần nửa thế kỷ sau, vẫn còn rướm máu, chưa thành thẹo, trong ký ức của mỗi người con xứ Huế.

Sáng mồng Ba Tết, mưa vẫn còn đó, nhỏ hột, nhưng rả rích, liên tục. Khoảng 9 giờ, đạn pháo mỗi lúc mỗi dồn dập, mỗi lúc mỗi khép lại gần hơn. Không ai bảo ai, cả nhà tự giác chun vội vào hầm cát, khẩn trương, ngột ngạt. Tiếng Mạ tôi lắp bắp “lần chuỗi” càng làm không khí thêm nặng nề. Phần tôi, tôi ngồi thúc thủ cạnh cửa hầm cát, tay ôm siết một cái gối, đầu lạnh lùng, trống rỗng một cách kỳ lạ. Càng về sau, tôi càng quen thuộc hơn với cái phản ứng mà tôi xem là khá kỳ lạ của tôi: cứ mỗi khi phải đối diện với hiểm nguy, tôi cảm thấy mình như bị tách làm hai: một nửa, đang sống, đang hiện diện tại đây, lúc này; nửa kia, đứng bên ngoài, dửng dưng, vô can nhìn vào như đang chứng kiến một ai đó, không phải mình. Ba tôi, một lần nữa, như đã cảm nhận được tai ương đã kề cạnh, luôn miệng nhắc nhở điểm tập trung bên khu nhà Cậu Cẩn.

Và điều mà mọi người lo sợ đã đến, nhanh chóng, nhẹ nhàng. Một lằn chớp như sét, xé toạc bóng tối ngột ngạt, ánh sáng chói chang chụp xuống, sau đó là một tiếng nổ xé ngực, xé gan. Bầu trời xám ngắt bỗng nhiên xuất hiện trước mắt mọi người như một phép lạ. Nửa căn nhà trên hoàn toàn biến mất trong khói bụi ngập trời, như dưới chiếc đũa thần của tên phù thủy gian ác. Trong cơn hỗn loạn, con người bổng nhiên biến thành những con vật, trang bị với những phản ứng tự vệ, bản năng sống còn tuyệt vời. Tất cả năng lực tích tụ cả đời người, chỉ thật sự được mang ra xử dụng trong phút giây sinh tử như lúc này. Bà Cô tôi bình thường, lưng còng, đi lúc thúc như chỉ chờ vấp ngã, giờ chạy như một lực sĩ việt dã. Một tên trai trẻ, đang sức lớn, khoẻ mạnh như tôi, nếu có mọc cánh, chắc cũng là chuyện bình thường! Điều đáng nói và có lẽ đấng xấu hổ, là trong giờ phút “thập tử nhất sinh” đó, tôi không chắc mình đã nhớ, đã nghĩ đến cha, đến mẹ, đến anh chị, cháu chắt, có thể đã cần sự giúp đỡ của tôi? Sự thật là trong khoảnh khắc đó, bản năng đã lấn lướt ý thức, và tôi cũng chỉ là một con thú trong những con thú khác, bị săn đuổi và đang vô vọng tìm đường sống. Ưu tiên nào cho chọn lựa phải trái, đúng sai? Đây là một nhận xét và còn là một lời thú tội muộn màng, đến sau gần nửa thế kỷ. Trước đây, tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến.

Hình như tôi là người đầu tiên có mặt tại “điểm hẹn”, tay vẫn ôm ghì chiếc gối. Đàng sau tôi là anh chị tôi và đứa con gái hai tuổi. Đạn pháo vẫn tiếp tục đào xới và có vẻ như đang hả hê truy đuổi theo bầy người khốn khổ. Trong cơn hốt hoảng, giữa những tiếng nỗ long trời lở đất, sỏi cát tung toé hòa lẫn với miểng đạn. Tôi phóng đại vào một bể chứa nước vuông vức, làm bằng xi măng, cúi mọp người, đầu gần chạm đáy. Cũng may, bể chắc đã cạn nước từ lâu, chỉ tích tụ chút nước mưa những ngày đầu Tết. Tôi nằm đó một hồi, cố lấy lại thần hồn; sau đó, tôi la to, cố cho mọi người biết địa điểm tôi đang núp. Tôi nghe tiếng đáp trả của anh tôi, hình như cũng đang nằm trong một bể nước khác, cách xa chỗ tôi chừng mươi thước. Tiếng đạn vừa tạm êm, tôi nhanh chóng chọn một nơi ẩn khác, nằm giữa hai bức vách, một bằng xi măng, một bằng gỗ, với khoảng cách vừa đủ để tôi chui vào. Con bé Hạnh, người giúp việc, mới chừng 12 tuổi, cũng đã chui tọt vào chổ tôi đang núp. Một tay ôm gối, một tay móc tập “nhật ký”, tôi nguệch ngoặc viết vội vài hàng, một lời trăn trối thì chính xác hơn: “Nếu có điều gì xảy ra cho tôi, xin ai đó giao lại tập nhật ký này cho người bạn gái xui xẻo của tôi.” Dĩ nhiên tôi ghi thêm tên và địa chỉ nhà nàng bên dưới. Thấy bé Hạnh đứng hơi lố ra bên ngoài, hình như đang cố nhìn xem chiếc xe Jeep của Ông Quận Trưởng hàng xóm đang bốc cháy dữ dội, tôi tính kêu nó bước lui sâu vào bên trong, nhưng không còn kịp. Một tiếng nổ chụp xuống. Qua đất cát mịt mù, tôi nhìn thấy con bé ngã quỵ xuống. Tai lùng bùng, mắt đổ sao, tôi hốt hoảng nhoi người kéo nó sát vào trong. Qua chút ánh sáng lờ mờ giữa hai bức vách, tôi nhìn thấy vết máu đỏ đang chảy thấm qua lớp quần, từ bắp chân trên của con bé. Tuy nhỏ nhưng khá can trường, dù bị trúng mảnh đạn, nó chỉ khóc khẽ chứ không thành tiếng. Tôi ôm nó trong tay, mắt dáo dác nhìn quanh như đang muốn tìm hướng giải quyết. Nhìn xuống hai bàn chân mình, tôi thấy máu như đã tươm ra, sống bàn chân lốm đốm đỏ ửng, kèm theo cảm giác rát bỏng, như bị ai xát muối, có thể kết quả do cát sỏi bắn ra từ tiếng nổ. Trong hỗn độn, tôi cũng đã nghe được tiếng của ba mạ tôi, cùng với bà Cô cũng đang ở đâu đó không xa. Tôi cho mọi người biết về thương tích của bé Hạnh và gợi ý tất cã tập trung về hướng một căn phòng, nằm gần cổng trước nhà ông Cậu, với mái bê tông coi bộ khá kiên cố.

Nếu tôi không lầm, thời trước Đảo Chính 63, căn phòng đó là nơi trú ngụ của toán lính gác tư thất Cậu Cẩn. Không bao lâu sau, cả gia đình tôi đã hiện diện đầy đủ trong căn phòng. Cảm tạ Trời Đất, tất cã đều vô sự, ngoại trừ bé Hạnh, với vết thương, mà qua nhận định tại chỗ, có vẻ “lành”, chắc không ảnh hưởng gì tới động mạch hoặc xương. Trong hoàn cảnh hiện tại, thuốc men không có, cách giải quyết tạm bợ là đắp thuốc lá để cầm máu, và dùng mảnh vải để tạm băng bó. Nhìn xéo xuống chiếc gối mà tôi đã vô tình ôm theo, lúc nhà bị pháo sập, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một lổ thủng bằng cỡ đầu ngón tay út, ở góc trên chiếc gối. Nhìn kỹ, tôi nhận ra lỗ thủng xuyên suốt từ trước ra sau, hơi cháy sém, hình như do mảnh đạn tôi ôm vội gối vào lòng, trong cùng tư thế sáng nay, lúc bé Hạnh bị trúng miễng đạn pháo. Theo hướng lỗ thủng trên gối kéo dài, tôi lạnh mình nhìn thấy một lỗ thủng khác, trên ống tay trái, chiếc áo veste màu xanh tôi đang mặc. Thì ra tôi suýt lãnh đạn mà không biết, có thể cùng một mảnh đạn đã xuyên qua chân con bé Hạnh và chui thẳng vào chiếc gối thần diệu của tôi? Một vài phân thấp hơn, cánh tay tôi đã không còn nguyên vẹn, một gang tay nhích về hướng phải, tôi đã vĩnh viễn mất khả năng yêu thương, hờn giận!

Nhà của tác giả

Khi tiếng pháo đã ngưng hẳn, tôi và anh tôi lò mò trở lại nhà để kiểm điểm thiệt hại, xem cái gì còn, cái gì mất. Ngoài ra, cũng để tìm kiếm thêm một vài thứ cần thiết như chăn mền, quần áo ấm, thuốc men…và nhất là để “thu vén” một ít thức ăn Tết còn sót lại cũng như vài thứ căn bản khác như gạo, nước uống, đèn cầy để di chuyển sang nơi trú ẩn mới. Thật xót xa khi nhìn thấy căn nhà thân yêu giờ chỉ còn lại một nửa, mà lại một nửa chẳng nguyên vẹn chút nào, mái ngói và vách lỗ chỗ vết đạn. Phòng ăn và khu nhà bếp, ngược lại, vẫn còn hiên ngang đứng vững. Phòng ngủ của Ba tôi đã biến mất, trong đó có cái radio Philip thật bự, với ánh đèn xanh như mắt mèo. Tuy là một đồ vật vô tri, vô giác, nhưng với tôi, nó mang vô vàn kỷ niệm. Hằng đêm, ba tôi luôn chăm chú theo dõi tin tức của đài BBC vào lúc 7:30 mỗi tối, tuyệt đối không quên sót. Nghĩ lại, rõ ràng, về già, tôi cũng học cái tính “độc tài” đó của Ba tôi. Ngày nào cũng phải xem trọn liên tiếp 3, 4 chương trình tin tức Thế Giới, không thể nghe cùng lúc, tôi thâu trước, xem sau. Ai nói năng ồn ào, hoặc điện thoại mà reo, thì cái mặt tôi nhăn nhó, chắc còn hơn …khỉ ăn ớt! Tôi còn tiếc một món đồ khác, cũng bị chôn vùi trong phòng Ba tôi: Một chiếc đồng hồ báo thức, chạy bằng giây thiều, hình chữ nhật, kích thước bằng cỡ cái hộp bánh biscuit nhỏ, thuộc loại đồ khá cổ của Pháp, làm bằng đồng, với các hình khắc chạm khá công phu. Sau này nghe Ba kể lại, cái đồng hồ đó do Ông Cố Nội tôi nhờ đặt mua bên Pháp. Cái tôi mê nhất ở cái đồng hồ này là điệu nhạc đánh thức, tuy hơi buồn, nhưng giòn giã tựa tiếng đàn tranh. Ba tôi quý cái đồng hồ đó lắm, bọn tôi chỉ lén “mượn” chơi. Những lần duy nhất tôi được phép chính thức mượn nó, là vào những lúc tôi ngã bệnh, trở trời, nóng da. Trước khi đi làm, Ba tôi âu yếm lấy tay để lên trán, xem tôi nóng lạnh ra sao, sau đó mang đồng hồ đến, để cạnh thằng Út. Tôi liên tục vặn giây thiều, nghe đi, nghe lại mãi cái âm điệu thánh thót đó, đến đổi giờ này, tuổi gần… thất thập, âm điệu đó vẫn còn in đậm trong ký ức tôi.

Ngoài phòng ba tôi, những thiệt hại kế tiếp là “phòng trang điểm” của mạ tôi, trong đó, có bộ bàn ghế trang điểm, với cái kiếng hình ovale đứng, dáng vẻ rất Tây phương, làm bằng gỗ màu vàng mật láng lẩy. Bên cạnh là tủ lớn đựng chén, đĩa, ly, tách xưa quý và thường chỉ được dùng đến khi có khách “quý”. Trong danh sách thiệt hại còn phải kể đến phòng khách, với bộ bàn ghế bằng gỗ mun đen bóng, đường nét Tây phương nhưng khá cổ điển, nơi mỗi ngày mạ tôi tiếp khách chủ, hoặc các bà bạn. Cũng trong phòng đó, còn có cái bàn thờ, nói là “bàn thờ” nhưng thật ra đó là một “kiến trúc” bằng gỗ khá đồ sộ, trên đó có luôn cả “Nhà Tạm” như ở nhà thờ, tượng ba Đấng với đường nét khá sắc sảo toàn bộ được cách ly bởi tấm màn voile mỏng. Không xa đó là cái tủ lạnh, niềm “mơ ước” một Thời. Vào những ngày nắng nóng, tôi vẫn hay quậy sữa cà phê, đổ khuôn đá, “sản xuất” cà rem kiểu du kích. Tất cả giờ chỉ là phế thải chôn vùi giữa đống gạch vụn.

Phía phải căn nhà là một phòng khách thứ hai, với bộ bàn ăn lớn, một bộ salon màu xanh lục với nệm lò xo kiểu tân thời, cộng thêm hai phòng khác: một của tôi, một của anh tôi…Tất cả tạm thời còn đứng vững mặc dầu mái ngói và vách đã bị mảnh đạn bắn vỡ nhiều mảng lớn. Cái TV mà tôi và anh tôi đã kỹ lưỡng đóng thùng và cất dấu lên đầu tủ, cũng đã là “nạn nhân” xui xẻo của trận pháo vừa qua. May mắn cho tôi, chiếc xe Honda của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Không dám khinh địch như trước đây, tôi đem xe vào dấu trong hầm cát, lại cẩn thận khóa cổ xe và luôn cả càng chống bằng ổ khóa đồng thật bự. Tôi còn lấy thêm cái mền cũ đắp lên che dấu.

Những ngày sống tạm trong khuôn viên nhà “ông Cậu” khá yên ổn, hiển nhiên cuộc chiến vẫn còn đó, súng vẫn nổ, khi thưa thớt, khi dồn dập, chụp xuống đầu chúng tôi căn phòng tuy hẹp nhưng mái lại đúc bằng bê tông, nên vẫn cho chúng tôi được sự bảo vệ cần thiết. Điều đáng ngạc nhiên là sau gần một tuần lễ, ký ức tôi hầu như đã không có bất cứ một ghi nhận nào về cái địa điểm, có thể nói là khá “lịch sử” này, nơi đã cho gia đình chúng tôi một nơi nương náu tạm thời trên đường chạy loạn: “Dinh thự” của dòng họ Ngô Đình, gia đình quyền lực một thời của Miền Nam Việt Nam, nơi mà chỉ chừng năm, sáu năm trước, đã từng chứng kiến cảnh “ngựa xe tấp nập”, người vô, kẻ ra: công thần cũng có, mà nịnh thần, phản trắc chắc…còn nhiều hơn. Những nhân vật một thời tên tuổi, địa vị, quyền lực, nay đã đi dần vào quên lãng. Suốt hơn mười tám năm, dù sống kề cận, tôi vẫn chưa một lần “được” hân hạnh đặt chân vào “đặc khu” này, trước ngày TT Diệm bị lật đổ, cũng như sau đó. Đúng ra điều đó đã có thể dể dàng xảy ra. Lý do là gia đình bên Ngoại tôi có quan hệ khá gần với gia đình họ Ngô: Bà Ngoại “sau” của tôi và Bà cụ Khả, mẹ Ông Diệm, là chị em ruột. Một số các Cậu, các Dì của tôi, nhờ có qua lại, gần gũi, đã hưởng được ít nhiều ân sủng của chế độ. Riêng gia đình tôi thì tuyệt đối không, cũng chỉ tại ba tôi tánh tình bướng bỉnh, không ưa điếu đóm, lại có vẻ hơi coi thường trình độ văn hóa của Ông Cố Vấn. “Phật nhà không thiêng” là thế! Vì vậy suốt thời gian làm “hàng xóm”, tôi chỉ biết giang sơn Ông Cậu qua những lần leo rào bẻ măng. Tôi không hề tò mò về cái “Dinh-Thự-một-thời” ấy. Ngay cả vào giờ phút này, do bom đạn đẩy đưa, dù đã ở gần hết tuần lể trên phần đất một thời là vùng đất cấm này, tôi vẫn dửng dưng, vẫn đã không nhìn thấy gì, ngoài bốn bức vách khá kiên cố đang che chắn cho gia đình tôi.

Sau một đêm bị đạn pháo liên tục và khá gần kề, gia đình tôi một lần nữa, lại phải tính chuyện “di tản chiến thuật” đến một nơi nào khác an toàn hơn. Tất cả đồng ý kéo nhau lên họ đạo Phủ Cam, vì rất gần nơi chúng tôi đang ở. Đoàn người gồm chín mạng do tôi dẫn đầu. Nhiệm vụ của tôi là ẵm con bé Hạnh, bị mảnh đạn ở chân. Bước ra khỏi cổng trước, vừa quẹo trái, hướng về phía sân trước nhà thờ, chỉ cách đó chừng hơn trăm thước. Vừa đến cổng xe lửa, đoạn đường sắt nằm giữa Dinh Cậu Cẩn và Lầu Ông Bửu, tôi giật bắn người khi nhìn thấy một nhóm Bộ Đội chừng ba, bốn tên, đang ngồi sau bức vách hông. Họ dí súng về phía bọn tôi đồng thời hỏi dồn: “Đi đâu?” Tôi bất ngờ, miệng méo xệch, trả lời: “Em tôi bị trúng đạn, máu ra nhiều quá, cần di chuyển gấp, xin mấy anh thương cho qua.” Họ hỏi tiếp: “Bên kia có Mỹ Ngụy không?” “Dạ không có!”, tôi mau mắn trả lời. Một chút ngập ngừng quan sát, họ gật đầu đồng ý. Một phen lên ruột! Tôi đoán chừng chắc cũng tại số Bộ Đội tập trung phía ngoài bức tường này, mà đêm qua, chúng tôi đã bị đạn pháo phủ đầu.

Di tản

Đoàn chúng tôi tiến về phía họ Đạo, thay vì đi thẳng, trực diện vào khuôn viên nhà Thờ, chúng tôi quẹo phải, vòng theo đường hông, đi ngang trước nhà Cụ Ưng Trạo. Không bao xa, chúng tôi lại một phen hoảng sợ, phía trước mặt, nằm chênh vênh bên lề đường, là xác một người đàn ông, đã ngả màu xám đen, nằm sấp mặt, tay co quắp như cố bám lấy mặt đường trơn lạnh … Vài ba con chó ốm đói đang vần lượn chung quanh. Hình ảnh chết chóc đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được. Chúng tôi rón rén bước vòng tránh xác chết, tiến về phía trước.

Cả họ đạo ngày nào đông đảo, ồn ào, chộn rộn…giờ yên lặng đến phát sợ, vườn không, nhà trống, không một bóng người. Còn chăng là một những con vật bị chủ bỏ lại: chó, mèo, heo, gà đang chạy quanh quẩn, tìm kiếm miếng ăn. Cứ vậy chúng tôi cứ nhắm mắt tiến sâu khá xa vào một khu xóm mà trước đây tôi chưa hề lai vảng. Chúng tôi chưa biết phải quyết định ra sao: đi tiếp hay tạm dừng chân? Ba tôi đề nghị tìm một nơi để tạm dừng chân, nghỉ ngơi và cũng để ước tính lại tình hình. Chúng tôi chọn được một căn nhà không đến nổi tệ, nhưng với ưu điểm là đã có sẵn một hầm cát khá chắc chắn. Sau khi nghỉ tạm chốc lát, tôi và anh tôi quyết định đi một vòng thám sát chung quanh, xem còn sót lại ai không và cũng để tìm kiếm thêm chút lương thực, vì số mang theo rất hạn chế và thời gian dừng chân lại đây không biết sẽ bao lâu?

Tôi mừng rỡ phát hiện được một hộp bột trái cherry, loại của quân đội Mỹ, trong còn chứa chừng 10, 15 gói nhỏ. Riêng Anh tôi mang về từ nhà kế cạnh, một hũ tai heo ngâm nước mắm đường đã bắt đầu nổi mốc. Trong suốt thời gian chạy giặc, tôi không nhớ có lúc nào mình thực sự cảm thấy đói, hoặc thiếu thốn miếng ăn? Phải chăng trong cơn sợ hãi, ăn uống không còn là ưu tiên hàng đầu hay tại khâu tiếp vận của gia đình tôi tốt???

Sau một ngày tạm ổn định, chúng tôi thấy có một gia đình còn sót lại, ở ngay đầu ngõ, không cách căn nhà chúng tôi đang trú ngụ bao xa. Họ cho biết vì gia đình khá đông và nhiều con trẻ, nên đành nằm chịu trận, thay vì theo các gia đình khác di tản xuống Phú Bài, nơi mà theo lời đồn đoán, quân đội Mỹ đang tập trung trong nỗ lực tái chiếm Huế. Sau hai ngày đầu khá yên ổn, dù phải chui rúc trong một không gian khá chật chội, tiếng súng đại bác lại bắt đầu rượt đuổi trở lại. Đất đai, nhà cửa rung chuyển như qua cơn địa chấn. Sau khi bàn thảo với gia đình còn sót lại, dù biết nguy hiểm cùng cực, chúng tôi lại quyết định rời bỏ vị trí này, với ý định tìm cách thoát về Phú Bài. Sáng hôm sau, sau một đêm chuẩn bị, hai gia đình hẹn gặp nhau đầu ngõ để khởi hành. Trời vẫn lạnh và xám ngắt. Khung cảnh xóm làng tang tóc, xơ xác, sau gần hai tuần lửa đạn, cây cối ngã đổ, nhà vách lỗ chỗ vết đạn. Lần này vì dự trù đường xa, tôi và anh tôi đã tự chế một cái cáng, để di chuyển con bé Hạnh, vết thương ở chân nó có vẻ sưng lên và vẫn còn nhức nhối, dấu hiệu nhiễm trùng. Gia đình kia cũng khoảng trên dưới mười người, trong đó hết phân nửa là trẻ con, mặt mày dáo dát, chạy theo mấy người lớn. Chúng tôi luồn lách theo những ngõ hẹp khá lâu, trước khi đụng tới đường cái. Tôi không còn nhớ tên, nhưng con đường đó nối dài, từ cầu Kho Rèn kéo lên ngã An Lăng. Chúng tôi lầm lũi bước đi như đoàn ma trơi, không ai nói với ai một tiếng. Đường sá, nhà cửa tiêu điều như bãi tha ma, không một bóng người, không một dấu tích của sự sống. Súng vẫn còn nỗ, khi xa, khi gần, tiếng lóc chóc của các loại súng nhỏ, thỉnh thoảng vang vọng tiếng trọng pháo làm rung chuyển mặt đất. Rải rác một vài xác chết vẫn còn nằm vạ dọc đường, xác đã chương sình, đen đủi, lở loét, với một lũ heo đói đang vần vũ chụp giựt. Cũng vì những hình ảnh đó mà dân Huế, mấy tháng sau biến cố, không ai dám bán thịt heo, mà cũng chẳng ma nào dám mua, mặc dù thực phẩm vẫn còn khan hiếm trầm trọng. Khi còn cách cầu Kho Rèn chừng vài trăm thước, chúng tôi giật mình thấy một đám bộ đội đang lúc nhúc đứng trong khu nhà vườn, nằm bên trái, dọc theo đường đi. Cho đến giờ tôi vẫn luôn tự hỏi: tại sao bọn họ đã không chặn đoàn người chúng tôi, để làm khó dễ, hoặc để truy tìm “ngụy quân”, “ngụy quyền” đang tìm đường tẩu thoát, như họ vẫn thường làm, trong hoàn cảnh tương tự? Hay là bọn họ cũng đã mỏi mệt, chán ngán với trò chơi giết chóc? Thôi thì cứ xem như là một phép lạ, Ơn Trên che chở, phước đức ông bà.

Ra đến được bờ sông, nhóm chúng tôi đã không vượt được cầu Kho Rèn để theo đường Lý Thường Kiệt, đến khu Trường Thiên Hữu vì cầu đã bị giật sập. Do đó chúng tôi phải quẹo phải, đi dọc theo bờ sông, hướng về phía cầu An Cựu, cách đó cũng không bao xa.

Dù thành phố đang trải qua một cơn máu lửa ngập trời nhưng nhìn xuống, vẫn là dòng sông quen thuộc mọi ngày, vẫn mãi là hình ảnh của một dòng sông êm ả của những tháng ngày an lành, hạnh phúc. Dòng sông xứng đáng là biểu tượng của sự chịu đựng, tha thứ.

Nút chặn

Khi đến gần cầu An Cựu, từ đàng xa, tôi đã có thể nhìn thấy có khá nhiều sự đi lại, tấp nập, người có, xe cộ có. Càng đến gần, chúng tôi mừng rỡ nhận ra trong đám người có một số TQLC Mỹ lẫn Việt, trang bị súng ống, đạn dược, nón sắt, áo giáp đang làm nút chặn ngay đầu cầu. Sau gần 20 ngày trôi giạt, bất định giữa cái sống và cái chết, đây là lần đầu tiên, ý niệm sống có vẻ đang chiếm ưu thế! Trong suốt cuộc đời, chưa bao giờ hình ảnh người lính “quốc gia”, người lính Đồng Minh lại trở nên thân quen, gần gũi, trấn an như hiện giờ. Chưa bao giờ ý niệm “Phe ta”, “Phe địch” lại rõ nét như giờ phút hiện tại. Người lính tầm thường, quen thuộc đến nhàm chán mọi khi, nay bỗng nhiên biến thành hình ảnh oai vệ của một Thiên thần Micae hộ mạng.

Câu hỏi đầu tiên của họ: “Đằng kia có thấy Việt Cộng không?” Bà chị Dâu tôi vô tư, vung tay chỉ chỏ: “Đầu tê tề, nhiều lắm, nơi khúc quẹo!” Mạ tôi, có vẻ chưa thoát cơn sợ hãi, dặn chừng chị tôi: “Chưa yên mô con, coi chừng, đừng nói bậy bạ!” Mà cũng đúng vậy, tiếng súng lớn nhỏ, khi xa, khi gần, vẫn còn ầm ĩ quanh đây. Khi được hỏi thăm, mấy người lính, tay chỉ số người đang gồng gánh đi ngược lại, vừa giải thích: “Khỏi cần về Phú Bài nữa, không thấy Dân ở dưới đó đang gồng gánh trở về đó sao? Phía Hữu Ngạn, phần bên kia sông An Cựu coi như đã yên ổn, khu vực Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên Hữu, Đồng Khánh, Quốc Học đã khá bình thường trở lại, tụi nó rút đi hết rồi.” Theo họ, phía Tã Ngạn vẫn còn đánh đấm, đặc biệt ở khu vực Đại Nội thì vẫn còn đánh lớn, máy bay lên xuống ném bom liên tục.

Thật may mắn, vì nếu phải chạy xuống tận Phú Bài, cách đây hơn mười cây số, với một nhóm người tuy không đông, nhưng gồm một bà Cô trên 80, một cô bé đang mang thương tích phải cáng, một bà bầu cũng gần đến ngày sinh nở hành trình chắc chắn sẽ vất vả lắm lắm. Vừa qua được cầu, chúng tôi quyết định thay đổi lộ trình, nhắm hướng Dòng Chúa Cứu Thế và Trường Thiên Hữu. Tinh thần mọi người bỗng trở nên phấn chấn hơn, nói cười vui vẻ, chứ không lo lắng, sợ sệt, như ở đoạn khởi hành. Tội nghiệp Mạ tôi, hai mươi ngày qua, không nghe một lời than thở, nay vừa bước đi, vừa chép miệng:” Làm răng có được một miếng trầu nhai cho đỡ thèm!” Thật ước sao được vậy, vì không bao lâu sau, khi đi ngang qua Cung An Định, nơi trú ngụ của Bà Từ Cung, mẹ Vua Bảo Đại ngày xưa, chị dâu tôi nhanh mắt, thấy có bà cụ ngồi bên đường, rao bán cau trầu. Mắt Mạ tôi sáng lên khi nhìn thấy mấy lá trầu xanh… dù hơi bầm dập, mấy miếng cau khô mà giờ đây, coi còn quý hơn cã sơn hào, hải vị. Khỏi cần nói, ai cũng có thể đoán là bà già bán trầu kia, có thể hí hửng ra về ngay, vì đã có đủ tiền nấu một bửa cơm khá thịnh soạn cho gia đình đêm nay. Riêng bà già tôi, miệng nhai miếng trầu đầu tiên sau hơn hai tuần chạy loạn, cũng hạnh phúc không kém!

Khi gần đến khu vực nhà thờ DCCT, chúng tôi được tin Trường Thiên Hữu nay đã được tổ chức tạm thời thành một trung tâm tỵ nạn, đón nhận những người chạy loạn suốt gần cả một tuần qua. Thế thì còn gì bằng, cả ba anh em trai chúng tôi, và ngay cả chị dâu tôi, đều là những học trò kỳ cựu của Trường Thiên Hữu này.

Đến nơi, chúng tôi mừng rỡ khi thấy không khí tấp nập trong khuôn viên nhà trường, người qua, kẻ lại, dù trên khuôn mặt, dường như vẫn còn in đậm nỗi kinh hoàng của những ngày máu lửa. Để gia đình ngồi nghỉ tạm ở một góc sân trường, tôi và anh tôi đi một vòng thị sát, tìm hiểu tình hình. Gần như toàn bộ các lớp học, ngay cả những hàng lang, Phòng Khánh Tiết… nay đã đầy đặc người, nằm ngồi hỗn độn, giữa những hành trang, bao bị lỉnh kỉnh, choán hết cả lối đi. Đang bối rối vì chưa biết phải làm sao, bỗng thấy xuất hiện một khuôn mặt thật thân quen: Cha Oxarango, Linh Mục đặc trách phòng thí nghiệm, và cũng là vị Thầy của chúng tôi trong suốt thời gian học ở trường Thiên Hữu, và luôn cả tại Đai Học Văn Khoa và Sư Phạm. Phải nói là cả “hai bên” đều thật sự mừng rỡ khi nhận ra nhau. Sau khi ôm choàng chúng tôi và thăm hỏi tình hình, Cha đã có ngay giải pháp cho gia đình chúng tôi. Cha lật đật dẫn hai chúng tôi đến trước Phòng Thí Nghiệm, móc túi lấy chìa khóa, mở cửa, trịnh trọng trao chìa khóa cho chúng tôi, với một nụ cười thật tươi và nói: “Depuis aujourd’hui, c’est ici, votre refuge, mes enfants! Je vous fais confiance!” (“Kể từ hôm nay, đây là nơi tạm trú của các con! Cha đặt tin tưởng vào các con!”) Chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, Thầy của chúng tôi. Phải nói, Phòng Thí Nghiệm này là “nơi bất khả xâm phạm” của Cha Ox., Ngài đã đổ bao công sức xây dựng, phát triển và bão trì cơ sở này. Vì vậy, phòng này bao giờ cũng cửa đóng, then cài, ngoại trừ khi Phòng được xử dụng trong quá trình giảng dậy. Suốt thời gian dài theo học tại trường, chưa bao giờ tôi thấy Phòng thí nghiệm mở cửa mà không có bóng dáng cha Ox. Vậy mà giờ đây, cha đã sốt sắng cho gia đình chúng tôi vào trú ngụ không chút ngập ngừng.

Trở lại những ngày tạm trú tại Trường Thiên Hữu, sau những ngày chạy loạn biến cố Tết Mậu Thân. Phòng Thí Nghiệm dù không rộng lắm, cũng đã cho chúng tôi một nơi chốn tá túc tạm bợ khá ưu đãi, riêng rẽ, so với đa số những người cùng hoàn cảnh. Sinh hoạt trong khuôn viên trường khá tấp nập chẳng khác một chợ phiên. Trong sân trường, người ta tụ tập từng nhóm nhỏ, ngồi kể lại cho nhau nghe những kinh hoàng vừa qua, người nào mặt mày cũng khẩn trương, có người vẫn còn khóc thút thít vì tang tóc trong gia đình. Một số khác đem ra bày bán bất cứ cái gì có thể bán được: vài bó rau, trái bầu, trái bí, ít lá trầu, vài miếng cau khô, thuốc lá…thỉnh thoảng có cả thịt gà, heo, trâu với giá cả không “hữu nghị” chút nào. Sau mấy tuần ăn chay, nằm đất, miệng mồm đã bắt đầu nhớ tới thịt, cá, nhưng nói tới thịt heo thì xin chịu thua, hình ảnh mấy con heo đói, gỡ gạc bên cạnh những xác chết sình thối, vẫn còn ám ảnh đa số người dân chạy giặc. Gạo được phân phát miễn phí cho các gia đình tỵ nạn, căn cứ trên số đầu người kê khai. Cũng có bàn y tá phát thuốc cho người bệnh, cũng như chăm sóc cho những người bị thương tích nhẹ. Nhờ vậy mà vết thương của con bé Hạnh cũng đã khả quan hơn.

Trong những ngày đầu tại Trung Tâm Tỵ Nạn này, tôi ngạc nhiên nghe tin Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thành Phố Huế, trong thời gian biến động vừa qua, chẳng ai khác hơn là một vị Thầy của tôi, tại ĐH Văn Khoa Huế: GS. Tiến Sĩ Lê Văn Hảo, một trí thức người Huế, tốt nghiệp từ Pháp về, nghe đâu vào khoảng năm 64, 65.

Ông cỡ “băm mấy”, vừa người, khá đẹp trai, dáng vẻ trí thức, theo kiểu tài tử Gregory Peck. So với các giáo sư khác như thầy Quới với đầu hói, thầy Bùi Thế Cần, vừa thấp, vừa nhỏ con, kiểu Tintin, có thể nói thầy Hảo khá nổi bật, với cách ăn mặc khá “chic”, thầy thích mặc mấy bộ “complet” loại vải “Tussor”, mềm, mát, màu sáng. Tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu thầy là “thần tượng lòng em” của nhiều nữ sinh viên VK Huế thời đó dù Thầy đã có gia đình. Nói thật, tôi không còn nhớ chính xác tên gọi môn dạy của thầy, chỉ nhớ nó mang nội dung về Triết và được giảng dạy bằng tiếng Việt. Nghĩ lại, rõ ràng Thầy đã cố tình hé lộ những biến động sắp xảy ra, cũng như chân tướng của mình, trong một bài giảng, mà không một ai trong chúng tôi đã nắm bắt được. Một hôm, không bao lâu trước cuộc binh biến Mậu Thân, cỡ một tháng, tháng rưỡi, nội dung bài học hôm đó nói về “cái Đẹp”. Tôi nhớ Thầy thao thao bất tuyệt khi nói về cái đẹp, có một đoạn, tôi còn nhớ đại khái: Khi nói về cái đẹp, chúng ta hay có khuynh hướng liên tưởng về một cái gì đó yểu điệu, mong manh, lả lướt, một cái gì đó thuộc phái yếu… vẻ đẹp của một cành lan, một thiếu nữ, nhưng thưa các bạn, cái đẹp cũng có thể là một cái gì đó mạnh bạo, kiêu hùng, nam tính như cái đẹp của một đoàn quân chiến thắng đang tiến vào thành phô. Thầy đã nói rõ đến vậy, chỉ tại tôi và các bạn không ai chịu nghe và hiểu đấy thôi. Thật là một ngạc nhiên không ai ngờ, đẹp trai, học giỏi, mà lại học ở Pháp về, cùng lắm, có thể là một trí thức thiên Tả, chứ trực tiếp gia nhập và hoạt động cho VC thì đúng là hết biết. Ngoài thầy Lê Văn Hảo, còn có một số khuôn mặt trí thức, sinh viên nổi bật khác của Huế, trước là thành viên tranh đấu chống Chính Phủ, đặc biệt qua Phong Trào đấu tranh Phật Giáo giờ đây đã để lộ bộ mặt VC của mình, một số đã vô bưng trước đó không bao lâu, nay trở về với lực lượng chiếm đóng, như GS Việt văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, SV Y Khoa Hoàng Phủ Ngọc Phan, SV Sư Phạm Nguyễn Đắc Xuân, GS Nguyễn Đóa, hoặc những khuôn mặt mới xuất hiện như Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, SV Nguyễn Thị Đoan Trinh. Trong những người này, ai là kẻ chủ động tự nguyện? Ai là kẽ bị dụ dỗ? Ai bất đắc dĩ, cùng đường kẹt lối nên phải vào bưng? Chỉ có họ mới có câu trả lời chính xác.

Sau mấy ngày nghỉ ngơi, bồi dưỡng, và khi nghe tin tình hình dọc theo sông An Cựu, Phủ Cam đã khá yên ổn, Ba tôi theo chân một số người, về thị sát khu nhà ở, mà không cho phép mấy thằng con trai đi theo, lý do dễ hiểu là không an toàn cho những người độ tuổi thanh niên. Không ngờ chuyến đi thăm dò đầu tiên đó, lại mang đến một kết quả hết sức bất ngờ. Ba tôi đã trở lại được nhà cũ và đã mang về lại được chiếc xe Honda của tôi. Đúng ra đó là một việc làm muôn vàn khó khăn, vì chiếc xe của tôi đã bị khoá, vừa cỗ xe, vừa chân chống, mà ba tôi lại không mang theo khóa; mà dù có khóa, ông cũng không biết xử dụng. Cũng may ông lanh trí, bỏ tiền thuê vài cậu thanh niên, khiêng hẳn chiếc xe từ hầm cát nhà tôi về đến tận sân trường! Nhìn lại chiếc xe “thân yêu” còn nguyên vẹn, sau nhiều tuần xa cách, tôi vô cùng mừng rỡ vì đúng là…của mất đi, nay tìm lại được! Các cây xăng vẫn còn đóng cửa, nhưng xăng quân đội chợ đen thì cũng dể kiếm. Thế là chim lại mọc cánh, mặc sức tung bay. Tôi bắt đầu vác xe chạy lòng dòng, rồi khi tình hình cho phép, ngày một xa hơn, chủ yếu là các trung tâm tỵ nạn, mong tìm tin tức cô bạn gái. Thành phố, phía Tả Ngạn, đặc biệt khu Thành Nội, bom đạn vẫn còn dồn dập. Đứng bên này sông Hương, nhìn máy bay Phantom của Không Lực Mỹ tung lượn, ném bom, cố vùi dập những ổ kháng cự cuối cùng của VC trong khu Hoàng Thành, chẳng khác nào như đang xem phim Đệ Nhị Thế Chiến. Một số người vẫn còn chạy giặc, số khác lại quyết định hồi cư, như một đám Cái Bang, quần áo xốc xếch, gồng gánh, bồng bế, chen lấn không phải để đi qua cầu, mà phải nói là leo qua cầu, vì đoạn giữa cầu Tràng Tiền đã bi giật sập. Nhìn cảnh hỗn độn, trượt ngã, la hét mà cười ra nước mắt.

Thành phố điêu tàn, đổ nát, không nhà nào còn nguyên vẹn, đặc biệt nhà Bưu Điện và Ty Ngân Khố bị thiệt hại nặng nề, vách lỗ chỗ vết đạn, mái ngói vỡ vụn. Mùi tử khí nặng nề bao trùm thành phố, do nhiều ngôi mộ được đắp vội dọc bên đường. Còn đâu thành phố Huế với Sông Hương, Núi Ngự, biểu tượng của thanh bình và lãng mạn trong bao tác phẩm văn học, thi ca?

Sau bao tìm kiếm, cuối cùng tôi đã gặp lại cô bạn gái cùng gia đình, đang tá túc tại trung tâm tỵ nạn, đặt tại Trường Quốc Học. Gặp nhau sau cơn lửa đạn, hai đứa mừng mừng, tủi tủi. Tôi cầm nhẹ tay nàng. Mắt nàng chớp nhanh cảm động, khi nhận tập giấy nhỏ khá dày, chi chít những dòng chữ “kiến bò”, cong queo, lấm láp mà tôi đã ấp ủ, đã viết cho nàng mỗi ngày, từ những giờ phút đầu tiên của cuộc biến động. Tôi cũng nhận được từ nàng, một cái bao gối, với một đóa hồng thêu thật lớn, thật khéo, tỉ mỉ, với chử LOVE nằm trên cùng. Tôi cảm động vô cùng! Qua trao đổi, tôi được biết, gia đình nàng bình yên. Ngôi nhà nàng nằm ở phía Tã Ngạn, may mắn còn khá nguyên vẹn, và nàng đến khu định cư này cũng khoảng gần một tuần nay.

Sau 26 ngày bị chiếm đóng, Thành phố Huế được tái chiếm, được THỰC SỰ giải phóng bởi lực lượng Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong đó chủ lực là các Sư Đoàn Nhảy Dù và TQLC.

Huế không những bị tấn công nặng nề, mà còn bị chiếm đóng lâu nhất, suốt 26 ngày đầu năm Âm Lịch, đứng đầu danh sách thiệt hại trên toàn quốc, về cơ sở vật chất, nhà của. Đáng nói nhất là thiệt hại về nhân mạng, với tổng số trên bốn ngàn người dân, bao gồm không những quân nhân, công chức, thân hào, nhân sĩ, mà còn vô số thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, dù còn đang ở độ tuổi 15, 16 đã bị VC “tập trung”, một số bị xét xử qua loa, bị kết án tử hình và bị hành quyết trước mắt gia đình, vợ con, xóm giềng, bị vùi dập vội vã xuống các hố chôn đôi khi do chính nạn nhân đào lấy; số khác bị bắt dẫn theo và thảm sát một cách dã man, bằng súng đạn, bằng cán cuốc đập vào đầu hoặc bị chôn sống. Xác của họ đã được tìm thấy, nhiều tháng sau khi Huế được tái chiếm, ở một số địa điểm nằm rải rác các vùng ngoại ô Huế, mà nổi tiếng nhất là khu Khe Đá Mài. Đấy là chưa kể đến những thiệt hại của hàng ngàn sinh mạng khác do bom đạn từ hai phía, qua các trận đánh đẫm máu, trên khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố.

Cộng Quân bị thiệt hại nặng nề, đã mở đường máu, rút lui vào rừng rậm và vẫn còn bị truy kích bởi các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Quang cảnh đường phố từ từ nhộn nhịp trở lại, chợ búa dù thiếu hụt hàng hóa, cũng bắt đầu nhóm họp trở lại, chủ yếu là rau quả, mắm muối. Các ngôi mộ tạm bợ bên lề đường cũng được di dời. Nhìn cảnh đào xới, gia đình khóc lóc, xì xụp vái lạy, bên cạnh quan tài, giữa hương khói nghi ngút là những hình ảnh ảm đạm, u uất, trong những ngày sau khi thành phố được tái chiếm. Một điều đáng ngạc nhiên là sau những ngày chạy giặc, tôi lại mập ra, cân trên 60 ký, thay vì 55, 56 như mọi khi. Chị Dâu tôi cũng mập hẳn ra, cái bụng thì lắc lư một cách đáng báo động. Trong suốt hai tuần sau đó, chúng tôi, dù vẫn còn tạm trú tại Thiên Hữu, đã trở lại nhà cũ để kiểm kê và cũng để thu nhặt lại những gì còn có thể cứu vãn, thuê người phụ dọn dẹp đổ nát.

Bây giờ nghĩ lại, thấy thật buồn, bao nhiêu công sức cha mẹ suốt một đời hy sinh, gầy dựng, chắt chiu, mong ngày sau có chút gì để lại cho con cháu, nay bỗng chốc biến thành mây khói. Nhà ở đổ nát, mà ngay cả dãy nhà bốn căn cho thuê, xinh xắn, nằm gần cầu, dọc theo bờ sông Phủ Cam, mà ba mạ tôi vừa bỏ bao công sức, tiền của, xây mới lại, chưa được bao nhiêu lâu, nay cũng thành đống gạch vụn.

Sở dĩ tôi nói: “Bây giờ nghĩ lại…” vì thú thật, vào thời điểm đó, cái ý nghĩ tuy đơn giản ấy đã không đến “kịp” trong suy nghĩ còn khá non nớt của tôi. Tôi cũng không nhớ đã nghe một lời than vãn nào thốt ra từ miệng của ba mạ tôi. Phải chăng nổi đau đớn của mất mát to lớn quá, mới mẽ quá, để cảm nhận? Cũng có thể, với niềm tin tôn giáo vững chắc, khi nhìn thấy cảnh tang tóc cùng khắp, riêng gia đình mình, dù cửa mất nhà tan, nhưng gia đình còn nguyên vẹn, cám đội ơn trên che chở không hết, giờ đâu nghĩ đến tiếc nuối của cải vật chất?

Trần Văn Thuận