Vậy là má không cho tôi tắm sông nữa. Má nói, má coi truyền
hình, người ta biểu, nước sông bây giờ ô nhiễm lắm, trẻ nít tắm hư mắt. Tôi hỏi
ô nhiễm là gì, má tôi nói dơ. "Một chút thôi mà - tôi cố nài nỉ - có chút
xíu thôi". Má tôi dứt khoát, không là không.
Tôi chê lý do của má đưa ra lãng xẹt, chỉ vậy mà bắt hỏng cho tắm sông nữa. Buồn muốn chết. Những chiều ra đồng chạy rong chạy ruổi thả diều về, nực thôi là nực, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xách cái gàu ra ngoài cầu ao xối sàn sạt mà không thấy mát tí nào, thèm nhảy ùm cái xuống sông, sải tay sải chân vẫy vùng cho sướng người.
Tôi biết lội hồi sáu tuổi. Hôm đầu tiên xuống nước, tôi ở
truồng ngủng ngẳng cái cu bằng trái ớt. Ba ôm tôi xuống bến, ông đặt bàn tay to
bè lên cái bụng tròn ủm của tôi sướng quá, tay chân luýnh quýnh đạp lia lịa làm
nước văng sáng tran mặt ba tôi (nước mát thì thôi dị chớ). Má tôi ngồi trên bờ
hái đọt choại vừa ngó xuống, kêu:
- Anh khéo, ngộp con nó...
Ba cười to:
- Em đừng lo. Mai mốt thằng nầy lặn ngụp phải biết.
Chỉ năm hôm sau, khi ba tôi lặng lẽ bỏ bàn tay ra, tôi đã lủm
bủm lội được một tí đường. Cái đầu tôi ngoi lên còn cái mông chìm lỉm, ba cười,
chê: "Cái thằng bơi y hệt con chó phèn". Nhưng đám bạn cùng lứa của
tôi đang ngồi so bì, "Sao tao ôm dừa khô tập hoài mà hông biết lội".
Tôi tài khôn, "Mầy bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún á, biết lội liền
hà". Nó tưởng thiệt, đi bắt chuồn chuồn về cho cắn muốn tiêu cái rúng
luôn. Vậy mà tôi cố đổ thừa, "Tại mầy hỏng bắt chuồn chuồn đỏ, chuồn chuồn
đỏ cắn rún mới biết lội được". Sau nầy nhớ lại, tôi nghĩ nhất định mình
bơi giỏi là nhờ bàn tay ấm nóng của ba đã truyền cho tôi lòng dũng cảm và sức mạnh.
Ba nói, con nít ở vùng sông nước mà không biết bơi thì tội nghiệp, xuống bến trợt
chân, qua cầu gãy ván... Bất trắc không biết chừng.
Ai chớ tôi thì ba tôi khỏi lo. Đi học về, vừa cất cái cặp đã
nhảy um xuống sông. Tụi bạn phục lăn cái tài lặn dài hơi. Còn về khoản lội đua,
mỗi con Én là dám so kè với tôi, trời đất ơi, con gái gì mà lội thoi thót như
con ếch, lẹ ghê. Mà cũng tại nó cao, chân dài, tay dài, nó sải một nhịp, tôi đã
lọt lại phía sau. Vừa rồi, tôi với nó bơi thi, hỏng hiểu sao tôi lúm súm thế
nào mà để nó qua bờ bên kia trước, nó bắt tôi kêu nó bằng chị hai, thấy tức chết.
Thằng tèo bênh vực tôi, nó an ủi, "Mai mốt trả thù, hén
mậy?" Tội nghiệp, nó thần tượng tôi từ cái năm sáu tuổi tới giờ. Tôi hứa,
mai mốt trả thù. Nhưng từ má tôi cấm ngặt, coi như không còn cơ hội nữa. Sông với
tôi có biết bao nhiêu là chuyện với nhau, bây giờ biểu không tắm nữa, buồn ơi
là buồn vậy.
Ngày xưa đúng là sông không như bây giờ. Nước sông không như
bây giờ. Nước sông mát. Nước không trong như trong sách người ta hay tả mà cợn
phù sa. Xứ tôi là xứ phù sa mà. Sông có mùi thơm hơi ngòn ngọt của bẹ dừa nước
mọc chồm chồm ra ngoài bãi. Nước lớn, cá kìm kìm lội thành đàn nhộn nhịp. Nước
ròng sát bãi, tụi tôi chạy rượt với đám ca thồi lồi. Hồi đó, đất sình dưới đáy
sông chúng tôi chọi nhau cũng thơm, nên mặt mũi tèm lem bùn mà không thèm để ý,
có đứa bị chọi nguyên một cục sình vô miệng, trợn trừng không nói được tiếng
nào.
Từ từ, sông ngầu đục hẳn đi. Cứ nước lớn, mặt sông đầy rác.
Mới đầu, tụi tôi thích lắm, tụi tôi vớt được bao nhiêu là chai lọ, tha hồ nuôi
cá lia thia. Con Én coi tay chân quều quào vậy chớ siêng, nó vớt được bao nhiêu
là đồ chơi cúng cuội. Rồi tụi tôi cũng chán trò chai lọ, mặc kệ chúng, dưới
sông trôi đày kia kìa. Tôi hỏi ba tôi rác đâu mà nhiều vậy, ba nói là do người ở
chợ hay đổ rác xuống sông. Tôi gật gù, ờ phải, ở chợ người ta đông lắm.
Trong đám bạn, tôi biết chợ nhiều nhất. Nhà tôi có cái quán
cóc nhỏ bán bánh kẹo, đồ chơi con nít. Mỗi lần đi chợ đổ hàng, má đều chở tôi
theo. Ra ngoài đó, má lên chợ, tôi dom chừng chiếc xuồng. Sau nầy tôi thêm một
nhiệm vụ nữa là gỡ rác quấn chân vịt máy. Rác nhiều quá, cứ đi được một chút
nghe cái máy chạy rị mọ, biết thế nào chân vịt cũng bị quấn rác rồi. Một ngày nọ,
tự nhiên tôi nghĩ, mình gỡ ra rồi quăng xuống, thế nào nó cũng vướn vo mấy chiếc
xuồng khác, tội nghiệp người ta ghê lắm. Tôi lẳng lặng giở cái sạp xuồng lên, bỏ
mớ rác vào đó. Má tôi rầy, "rác rưởi mà để vô xuồng chi con, dơ hết".
Tôi nghĩ sao thưa vậy. Má tôi cười, không nói gì nhưng vẻ mặt rất hài lòng. Hôm
đó, về tới nhà, được hai thúng rác đầy vun. Tôi bưng lên nhà, ba như không giận
nó đã quăng con mèo chết xuống. Tụi tôi tự nhủ, bữa nay tắm lần này nữa thôi,
tui tôi chờ cho tới chừng nào sông sạch, trong trở lại. Tôi lén nhìn con Én, lặng
sải tay bơi một mạch qua bờ bên kia, "Mai mốt thể nào cũng trả thù chớ con
trai mà để thua con gái, kỳ lắm".
Nguyễn Ngọc Tư