Cậu bé tám mươi ba
Hôm qua, giờ Dậu, Ngọc Anh đã sắp xếp xong hành lý.
Hành lý của cậu bé tám mươi ba tuổi bao giờ chẳng gọn gàng.
Thậm chí tã lót cũng không mang. Quanh giường đầy bỉm. Nhưng Ngọc Anh chỉ mang
theo tấm vải liệm. Trắng nhạt nhẽo. Lạnh.
Cần gì vải ấm. Ngọc Anh đang trên đường tới nhà xác. Trên một băng ca có năm
bánh xe.
Bánh xe quay ba trăm sáu mươi. Đi đằng nào cũng xong. Phòng chờ. Phòng mổ.
Phòng hồi sức cấp cứu. Nhưng giờ Dậu, hôm nay, chiếc băng ca đi sang nhà xác. Ở
đó nhiều ngăn. Mỗi ngăn có một người chẳng mang theo hành lý. Nằm như cá đã bị
cạo vảy từ biển rồi quấn giấy bạc trong khay lạnh.
Ngọc Anh nằm ngăn nắp, đợi đến lượt. Miệng ung dung ngậm một đồng
tiền. Lộ phí. Lót tay cho người chèo thuyền qua bến sông Mê. Qua sông Mê là đến
Trời.
Ngọc Anh từng ngần ngừ trước nhiều món đồ, khi sắp xếp hành lý, cách đây hơn một
năm, khi biết chắc rằng mình bị bệnh ung thư đại tràng.
***
Tập thơ này mình có mang theo không?
Không mang.
Thế những bài thơ về chị Hồng của Ngọc Anh, Ngọc Anh có mang không?
Không mang.
Chị Hồng đẹp thế. Đời chị như một viên ngọc bị đập vỡ, rồi bị nhay cắn giữa đôi
hàm răng lởm chởm. Sao Ngọc Anh không mang theo?
Thế bài thơ về chị Phượng, người chị cả lầm lụi, chịu phận mù chữ ngày ngày lam
làm cật lực cho đàn em ăn học, rồi có tám đứa con đói khát. Chị chết trong cơn
mơ có đủ tem phiếu cho đàn con được một bữa no, Ngọc Anh có mang theo không?
Đương nhiên là không.
Đời chị Phượng hiu hắt thế, sao Ngọc Anh không mang?
Thế chiếc tráp sơn son thiếp vàng đựng đầy sách của cha. Ông Cửu, một người từ
quan về làng dạy học và bốc thuốc. Ông không lấy tiền chữa bệnh của người
nghèo. Ông lại chết bởi tay của những người ông đã cứu sống. Bây giờ Ngọc Anh
có mang theo?
Không mang.
Sao không?
Vì ta làm sao mang được nỗi oan ức lên trời.
***
Rồi vợ, rồi con, rồi cháu, rồi còn hai người chị. Chị Nhạ đang sống mà hồn đã
phiêu du tận chín tầng trời, chẳng dính dáng gì đến chiếc giường đầy tã lót và
bỉm. Toàn thân chị bé xíu như thân con sáo sậu. Ngày ngày chị được người nhà bế
vào ra xê dịch giữa chiếc giường và toilet như đứa trẻ ba tháng tuổi. Còn chị
Tân, mắt bồ câu mở to táo tợn, người đẹp của vùng xưa kia, tính khảng khái, thề
không lấy chồng, ngón tay trỏ chĩa ra đằng trước bặm trợn chỉ vào thế sự, Ngọc
Anh có mang theo không?
Không.
Cả những viên thuốc mua từ bệnh viện. Thuốc đặc trị. Thuốc biệt dược. Thuốc mới
sản xuất đang được thử nghiệm trên cơ thể chuột bạch, khỉ, chó và trên cơ thể
người của các nước đại loại như có cùng tầm cỡ và thể chế như nước của Ngọc
Anh. Mạng của một nhà thơ tám mươi ba tuổi cũng có giá trị gần ngang mạng một
con thỏ hoặc con khỉ vàng về phương diện thử mức độ tác dụng của các loại thuốc
mới toanh.
Chẳng mang theo gì, kể cả ngôi nhà bên vườn hoa Thiên chúa. Người ta gọi thế, là
vì vườn hoa ấy đã mọc lên thật nhanh, khỏa lấp những tiếng khóc, những kẻ chôn
chân và tiếng cầu nguyện. Sáng sáng chiều chiều Ngọc Anh ra vườn hoa, sải bước
qua lại dối già, trong tâm trí lại duyệt qua duyệt lại cảnh bắt bớ tù đày và những
lời nguyền rủa.
Ngọc Anh để lại hết. Chỉ mang theo tấm vải liệm và một đồng tiền đơn độc qua bến
sông Mê.
***
Ở nơi Ngọc Anh bỏ lại, là tiếng khóc.
Vợ khóc ngất. Dù biết trước cả hai năm về cuộc sửa soạn hành lý của Ngọc Anh.
“Em hãy ngừng khóc? Được không?
Tám mươi ba năm trên trần thế là một chuyến nhảy cóc quá dài. Giá như ta có thể
tùy ý chọn đường nhảy cóc ngắn hơn. Đằng nào thì cũng chỉ trong chiếc đĩa ngột
ngạt ấy. Nhảy chi cho mệt.
Em là người hiểu biết. Vậy thì hãy xắn tay áo tang, đi mua lụa đỏ. Em quấn lụa
đỏ vào người, trông đẹp như một cô dâu già vẫn còn bảy phần xuân sắc. Thì cứ
coi như em là cô dâu. Thời ta cưới em đâu có mặc áo cô dâu. Hồi đó ta cố tỏ ra
giản dị áo nâu chân lấm để được sống sót. Giờ thì em mặc áo cô dâu đi. Cô dâu
không còn trinh trắng thì mặc áo đỏ. Tại sao cô dâu lại phải còn là trinh trắng?
Ta đã nhiều lần nói với em rằng chẳng lẽ cái màng mỏng dớ dẩn ấy lại ngang giá
một kiếp người hay sao?
Nên cô dâu thì mặc áo đỏ. Em hát đi. Ta chỉ cần hát ru. Ta không cần tiếng
khóc. Ta được em hát ru mà tiễn đưa ta qua bến sông Mê mới phải. Ta đi trước.
Ta đứng bên kia bờ sông Mê mà hát, đợi em qua. Ta không bắt em phải cười mừng.
Nhưng hãy thôi khóc. Đám tang của ta là lễ mừng. Mừng ta đã ra khỏi cuộc đời
này.
Cớ gì mà em phải khóc. Ta đi.
Kể từ giờ này, phút này, em khỏi phải vờ vịt. Em khỏi phải nặn ra vô số nụ cười,
trước mặt những người chỉ bằng tuổi con cháu em. Ta nằm trên giường, cố chống đỡ
với những cơn đau, xót xa thấy cái cột sống thẳng thớm của em chùn nhụt xuống,
vai so lại như một mụ gù. Em không quen nịnh nọt. Em có gì phải xin đâu. Em dốc
hết chỗ vàng mồ hôi nước mắt gom góp cả đời trong con lợn đất phòng khi đói
khó. Đưa ta vào bệnh viện, chỗ vàng trong con lợn đất của em chỉ nuôi ta được một
năm.
Năm nay, em đã phải vay giật cầm cố chỗ nọ chỗ kia. Bà vợ ông hàng xóm giường
bên, cũng bị bệnh ung thư, thì thào kể rằng bà ta trông thấy em ở chỗ bán máu.
Ta đã trốn khỏi giường bệnh. Ta đã sống đủ rồi. Mà sao em cứ ngang ngạnh như một
con lừa. Em gầy hốc má vì nhịn cho ta chữa bệnh. Ta là một con bò đã bơi qua
sông. Bên kia sông chưa hẳn đã có cỏ non nhưng bên này sông thì cỏ đã chết khét
hết rồi, sao em còn bắt ta trở lại. Thì em cứ để cho lũ “lương y như hổ báo” ấy
quẳng ta chỏng chơ ngoài sân, như bao người không có tiền đút lót hoặc ngờ nghệch
đang kêu khóc ngoài kia, cho ta đi nhanh tới miền cực lạc. Thế mà xấp phong bì
trong túi em cứ cộm lên như một chiếc bướu ghê tởm. Khi em nhìn thấy mũi tiêm của
cô y tá vừa chọc vừa xoáy vào bắp tay ta khiến mặt ta tái mét vì đau, mặt em
đanh lại, từ đó em đã học được cách biến hoá với những chiếc phong bì. Cũng như
khi em đi xin học cho cháu nội. Cũng như khi em có việc phải đụng đến những
công quyền.
Ta nhìn em phải co rúm trước người khác. Ta vô dụng quá. Ta trốn khỏi bệnh viện
ba lần. Ta đã nói với em rằng tính ta ưa ngọt. Ta run lẩy bẩy. Chỉ còn chút hơi
tàn, nhưng mỗi ngày ta những muốn cầm dao giết người hàng chục lần. Một kẻ mặc
đồ bệnh viện màu cháo lòng, đứt hết cúc như ta, mặt gầy má hóp mà múa dao giết
người, kể cũng là cảnh hấp dẫn đáng xem đấy chứ. Giết xong cái lũ vô đạo ấy, ta
sẽ tự giết ta và có thể em nữa, vì ta cũng nổi điên lâu rồi và một người cứ nai
lưng ra mà phục vụ một kẻ điên vô dụng đằng nào cũng chết như ta thì còn đáng sống
nữa không. Mỗi khi thấy người bệnh bị hắt hủi, mạt sát, thấy những bàn tay héo
hon gầy guộc run rẩy rút phong bì đút lót, là ta lại nổi điên. Hoá ra ta cũng
có máu giết người. Em nói bây giờ ai cũng trở nên hung hãn khác thường. Ta cũng
thế thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng chắc ta sẽ không giết em đâu. Làm
sao có thể chém vào cái cổ ba ngấn trẻ cả trăm năm như cái cổ của em được nhỉ.
Cái cổ ta đã dành cả đời để hôn và để có cảm hứng sống.
Thế thì em sẽ bỏ đi ngay khi ta ra viện và ngủ một giấc thật dài cho bõ chứ. Em
không thể ở cùng với cái giống người hung hãn như ta. Ta cũng đã nói với em rằng
ta không thể đến bệnh viện để nhìn cảnh những người bị cụt chân, vỡ đầu, máu me
lênh láng, nằm suốt đêm kêu xin van lạy trên chiếc cáng ngoài hành lang bệnh viện.
Khách ở chiếc khách sạn khổng lồ quái gở này quá đông. Mỗi ngày là một chuyến
tàu tốc hành chở đến bệnh hoạn và tai nạn. Khách đi tàu còn chen chúc thêm những
kẻ chết mòn trong chất độc tẩm ướp vào đồ ăn rẻ và áo quần đang ùn ùn chở về từ
bên kia biên giới, vì bụi bẩn và khí thải, rồi đang tự diệt chủng vì tai nạn
giao thông và nhiều thứ hay ho khác.
Hành khách đông không đếm xuể, trên những con tàu chết chóc. Họ nằm đấy, tha hồ
kêu khóc rên siết. Nếu người nhà không tống tiễn họ vào giường bệnh bằng một
phong bì, họ sẽ chết. Mà ta mong họ chết đi cho rảnh nợ. Như ta đã từng mong ta
chết vậy. Có hay gì ngâm mình mãi trong những vũng lầy này. Tất cả đã chai sạn,
tim đã luyện thành gang thép. Máu chỉ về tim ấy khi nghe tiếng xào xạc của đồng
tiền.
Ngừng đi. Sao em cứ khóc. Một cậu bé tám mươi ba tuổi chết thì có gì đáng tiếc.
Ta đã sống quá dai dẳng trên cõi này. Xưa nay em vẫn cứ hay khóc thế mà thôi.
Ngày ngày em nấu nướng, giặt giũ, chăm bẵm. Em nhìn và nghe ta đọc thơ như nghe
một đứa trẻ. Em bao dung. Em lượng hải
hà. Em là kẻ độc ác. Em níu giữ ta với cuộc đời này quá lâu. Một cuộc nhảy cóc
khổ hạnh.
Lẽ ra, ta đã được ngậm món lộ phí này mà qua sông Mê từ rất lâu rồi, nếu không
có em ngăn ta lại.
Ta chỉ muốn làm một đứa trẻ. Một kẻ đồng ấu ngay giữa tuổi hai mươi. Rồi ba
mươi rồi bốn nhăm rồi năm mươi rồi bảy mươi. Trời để ta sống lâu là trời đày ta
đó. Ta đâu muốn trải bể dâu.
Đừng khóc nữa em, người đàn bà thương khó.
Dưới tấm vải liệm lạnh lẽo của bệnh viện, ta chợt thấy nhồn nhột. Hình như khi
tắm nước thơm cho ta, em còn quên một vật nho nhỏ.
Vật đó nằm ở khuỷu tay ta. Thâm và cứng. Như một con vắt đã chết tái. Nhưng
không để ý kỹ thì không biết. Tay ta trắng, dày, hồng và mịn. Ngoài nhìn lành lặn
như không xây xước. Cha ta đã lặng người khi nhìn thấy bàn tay của ta. Người
nói bàn tay này sẽ an nhàn và không phải chạm tay đến gươm đao giết người.
Riêng ta biết. Em biết. Và chị Hồng ta thì biết.
Đó là vết cắt ngang động mạch. Khi em tìm thấy ta. Trong cái lô cốt mà ta đã tự
giam mình.
Ta đã giam mình được bao lâu ? Ta không biết. Ta chỉ đếm ngày nắng. Ta không đếm
ngày mưa.
Lần đầu tiên ta vào xà lim, ta chưa có em. Trước khi tự giam mình trong chiếc
xà lim chật hẹp tại gia, ta sửa soạn đã chu đáo. Một chiếc giỏ bé xíu, đủ để đựng
gạo rang và nước. Khi đói, ta thả giỏ xuống. Chị ba ta bỏ vào đó vài nắm gạo
rang. Nếu là cơm hay thức ăn khác, ta sẽ dốc tuột giỏ xuống và nhịn đói. Ôi ta
làm khổ chị ta biết bao nhiêu. Một kẻ thấy mình bất lực, tự giam trong xà lim để
trừng phạt. Nước uống cũng là nước gạo rang. Ta nhai nuốt chầm chậm để chầm chậm
qua ngày.
Ta giam mình vào đó, sau bữa cha ta và mẹ ta bỗng dưng bị người ta đuổi ra khỏi
nhà. Cha ta chết trong hắt hủi và bệnh tật mà ta không thể làm gì được. Người bị
lôi xềnh xệch ra khỏi gian nhà đầy sách và đàn và sáo cùng chiếc tủ to bằng cả
gian nhà chứa đầy ngăn kéo đựng các vị thuốc bắc. Rồi cha ta và mẹ ta, hai người
ngơ ngẩn đi về hai hướng. Họ không cắt nghĩa nổi điều gì đã xảy ra.
Cha ta phải để lại hết quần lành áo tốt. Rách rưới lỗ chỗ như tổ ong, không còn
chốn nương thân, người đi ở nhờ con rể. Nhà con rể cũng bị cướp đoạt, chỉ còn
chiếc vại mẻ. Con rể bị chết trong tù ngục của cái chính quyền mà anh ta và chị
ta cùng các anh em của anh đã hiến của cải và máu xương để dựng nên. Anh rể ta
chết dưới lưỡi rìu vung lên từ các đồng chí của mình. Cha ta bị tra tấn, chết
trong ốm đói và tủi hận.
Ta đã giam mình vào xà lim ấy sau khi chị ta, người chị thắt đáy lưng ong, miệng
cười ngơ ngác, đẹp nhất vùng. Bao nhiêu tri phủ rồi quan đầu triều đánh tiếng mối
mai đều từ chối, chỉ tính chuyện hiến mình cho độc lập tự do và người cày có ruộng.
Rồi một đêm nắm tay đồng chí vào sinh ra tử có nhau, trở thành vợ chồng. Lấy
nhau rồi khi giành được chính quyền, đã tưởng là từ nay dân chủ cộng hoà độc lập
tự do hạnh phúc, thì lại bụng chửa vượt mặt chạy đôn đáo đưa cơm cho chồng bị bắt
đi đày nơi rừng thiêng nước độc. Chị được gì nhỉ ? Của cải lớn nhất mà chị có
là một cái dạ dày trống rỗng và bệnh hậu sản mòn. Nhịn cho người khác ăn là sự
nghiệp của chị. Nhịn ăn nuôi chồng trong lao tù. Thời trước, chồng chị bị đày biệt
xứ trong những nhà tù chốn rừng thiêng nước độc thuộc địa. Còn thời sau, may mắn
hơn cho chị, chồng chị chỉ bị các đồng chí bần cố nông bỗng dưng bắt quỳ gai
mít phơi nắng ngoài sân đình, bị cả làng nhảy vào mặt xỉa xói là thành phần bóc
lột rồi trói chân tay, giam vào nhà kho đợi xử tử. Những gian nhà kho nhung
nhúc rắn rết thì ở đâu cũng có.
Ta đã buộc mình ở đó, sau khi thấy chị đói ăn vàng mắt. Nếu không có đứa con nhỏ
mới sinh, đương nhiên là chị ta nhảy xuống bến Đò Oan. Đã nhiều lần, ta nhìn thấy
đuôi mắt chị. Chị âu yếm nhìn sóng nước bến đò Oan. Chị nghĩ đến những người
oan khổ đã chọn nơi này để giải thoát kiếp nạn. Chị cuối cùng cũng không dám chết.
Và chị bị hậu sản mòn. Cả đời ta đã trôi qua trong một góc trái tim tê lạnh,
khi nghĩ đến đôi mắt của chị ta.
Ta giam mình vào xà lim của ta, để tự cắt nghĩa: “Cái gì thế nhỉ?”.
Chị ta đã cứu ta ra khỏi xà lim, bằng đôi mắt trũng sâu của chị. Chị xanh rớt.
Tay bế đứa nhóc mới sinh. Nó dài như một cái giẻ rách. Chị đến trước cửa xà lim
ta. Chị nở nụ cười ngây thơ ở tuổi bốn mươi lăm. Thân chị chẳng còn thịt, chỉ
còn da. Mà cái đứa trẻ trên tay chị cũng toét miệng cười ngây ngô.
Trời ạ. Ta ra khỏi xà lim. Tóc ta bạc trắng. Tóc chổng ngược lên trời như rễ cỏ.
Chân ta sụm xuống. Nắng và gió. Ta thấy ngoài kia tiêu điều như vừa qua một trận
lốc dữ dằn.
Em biết không.
Em thì em biết rõ lắm về cái vệt nâu như một con vắt chết tái, đang cồm cộm lên
dưới lần vải liệm của ta này, vì cái ngày đó cũng chưa xa.
Khi đó, ta đã là một ông già.
Thế mà cậu bé ham chơi trong ta vẫn trỗi dậy. Nó thích nghịch ngợm. Nó không ở
nhà ngâm vịnh cùng một ông già. Nó bỏ thân mình già nua của ta để đi chơi.
Nó ra trường học. Nó tới cửa hàng. Nó đi thăm thú người quen cũ. Nó đến công sở.
Nó bật ti vi. Nó nghe đài đọc báo. Nó tới nhà chùa xem người ta dâng cúng kiếng.
Nó tới nhà thờ nghe người ta cầu nguyện. Nó đi khắp chốn khắp nơi. Nó thăm thú
những tượng đài. Nó thật mải chơi.
Rồi nó trở về. Lúc đó, vào giữa trưa. Ta thấy rùng mình, lên cơn sốt rét. Thế
là đứa trẻ mải chơi đã trở về. Nó trở nên còm nhom. Nó run lẩy bẩy, nép vào
thân ông già này. Nó van vỉ ta rằng hãy giam hãm nó. Van vỉ ta rằng hãy mau mau
chết đi. Hoặc chí ít, cũng đừng bao giờ để nó xổng ra ngoài nữa.
Đứa trẻ tươi tốt ấy mắt bỗng đỏ ngầu. Và nó bất giác sai khiến cánh tay già nua
của ta. Cánh tay già nua của ta cầm lấy con dao thái rau. Rồi chúi vào một xó.
Rồi nhanh nhẩu đoảng, nó cắt ngang động mạch ở khuỷu tay ta.
Ta nhìn thấy máu chảy. Ngoài cái màu đỏ đáng ghét ra thì cũng không có gì ghê gớm
như ta tưởng. Ta thiu thiu ngủ. Thì cứ chết đứa trẻ. Nó sợ hãi. Hết chỗ ẩn náu.
Thì chi bằng cho nó cùng tấm thân già nua này qua bến sông Mê. Sớm ngày nào hay
ngày ấy.
Thế mà em lại về. Tiếng guốc. Ta nghe như trong mơ. Rồi thì là tiếng kêu khóc.
Rồi cấp cứu. Rồi em gọi chị Hồng đến. Chị chẳng thương xót, chẳng dỗ dành.
Giang thẳng cánh tay gầy guộc tát cho ta một chiếc. Nẩy đom đóm mắt.
Ta mỉm cười.
Thế mà sống thật. Thế rồi thì lại giỏ gạo rang và sợi dây. Ta tự giam mình vào
xà lim lần thứ hai.
Em không biết đâu. Những ngày trong xà lim đó là những ngày hạnh phúc.
Ta thấy cha ta, mẹ ta. Ta thấy các cô dì chú bác. Ta thấy các đồng chí môi hở
răng lạnh nhưng máu chảy mà ruột không mềm.
Cha ta và mẹ ta nói : Con ơi ! Con là đứa trai duy nhất trong nhà. Đích tôn đấy.
Nay chúng ta chết đi mà chẳng có chỗ để thờ. Căn nhà cũ sau sửa sai người ta vẫn
cướp thế, không trả lại. Sao con không về tìm nền nhà cũ ? Ta còn ba rương sách
và một cây đàn tỳ bà chôn ở dưới đó.
Ta thật bất hiếu. Ta biết cái nền nhà đó. Mấy chục năm nay rồi. Những bàn chân
bẩn thỉu giẫm lên. Ta chẳng thể trở về nơi đó, đào bới cái nơi ấy lên mà tìm
đàn và sách cho cha. Thì ta trốn trong xà lim. Suốt đời, ta đã mang bụng chửa.
Cái thai trong bụng là rương sách và cây đàn tỳ bà của cha ta. Chửa mà không đẻ
được. Thế thì chết đi cho đỡ đau.
Thế thì đứa trẻ trong ta cũng được giữ yên.
***
Ta ơn em. Em biết không.
Nhưng mà cứ thế. Nay thân xác ta đã được sang phòng ướp lạnh. Bệnh viện này
đang đập bỏ nhà xác để xây lại. Kinh phí cũng chẳng đáng bao nhiêu. Chi nhiều
cho bệnh viện làm gì. Những kẻ phải lê thân vào bệnh viện này là những kẻ yếu.
Họ chỉ có một chiếc mồm. Chiếc mồm đang bận rên rỉ vì đau đớn thì làm gì còn
hơi mà kêu ca chỗ này chỗ khác. Cứ để tiền đó mà xây bao nhiêu chỗ nguy nga mà
bọn thường dân cùng nghệ sĩ như ta cả một đời chẳng thể bén mảng vào.
Và như thế thì ta đang nằm đây, sang cái nhà xác này, do con trai ta, cũng nhờ
ân oán mấy năm làm báo, đã liên hệ được cho ta một chỗ nằm. Ta nằm ngoan trong
ngăn lạnh. Giữa những cái xác khác.
Xếp hàng. Đợi đến lượt. Thế là trật tự. Muôn năm. Thân xác ơi ! Linh hồn ta
chào mi. Hỡi kẻ thân quyến. Ta gửi lại các người một thí dụ về thân xác.
Bây giờ thì ta ngậm đồng tiền, tung tẩy gặp kẻ lái đò qua sông Mê.
Một người đàn bà áo nâu. Chân choãi ra, nhỏ thó như đứa bé mươi tuổi, nách cắp
tám đứa con, đang cầm tờ tem phiếu, vẫy gọi ta bên này sông.
Ôi ! Chị Phượng. Chị chết trước em hai mươi mốt năm, sao giờ này chị còn nấn ná
nơi đây ?
Chị Phượng không trả lời, chỉ khóc.
Bên kia, có một người áo the nâu, khăn tím, tóc vấn trần. Miệng nở nụ cười ngây
ngô rạng rỡ.
Chị Hồng ! Chị qua bên kia bờ rồi. Kìa trong tay chị là chiếc roi ngũ sắc. Dải
mây vấn vít tha thướt. Chị đi chăn mây sao ? Cánh đồng mây lộng lẫy kia là của
chị.
Cho em đi chăn mây cùng chị nhé. Rồi ta sẽ đón chị Phượng qua.
Tội nghiệp chị Phượng. Tám đứa con. Đói khó. Giấc mơ có đủ tem phiếu để nuôi
con đã đông cứng trong chị. Chị chết vào ngày ấy, chưa có nổi một đồng tiền để
ngậm trong miệng mà qua bến sông Mê.
Kìa thấp thoáng bóng cha và mẹ. Nào, cha hãy đưa tay cho con. Móng tay dài nửa
tấc đã bị bật máu. Mà tay cha vẫn gẩy đàn. Trong không khí. Chẳng có cây đàn
nào. Mà tiếng đàn cha vẫn vang. Đục trầm níu sa ruột.
Nào đừng gẩy đàn nữa. Cha. Đưa tay đây. Dìu con qua sông. Rồi ta về thăm nhà
cũ.
Hôm nọ, cháu Bảo ở Hải Phòng kể chuyện. Con cho rằng là nó nằm mơ. Nhưng ta cứ
thử về xem.
Nó nói, ở nhà cũ của cha mà đã bị người ta cướp mất, đêm nào cũng văng vẳng tiếng
đàn sáo, tiếng ngâm thơ và múa hát.
Và bóng một người đàn ông cao gầy, tóc búi, cứ chấm bút lông vào mạch máu đang
chảy ở khuỷu tay mình mà viết lên những trang giấy trắng./.
Võ
Thị Hảo