Nàng áp điện thoại sát tai, lắng nghe. Tiếng Hường rộn
ràng:
-Ê, bữa nay tao có tin hấp dẫn cho mày nè.
Gọi miễn phí qua messenger, may rủi lắm. Thì vậy, người
ta chẳng nói, của rẻ là của ôi sao. Mà đây lại là của không tốn tiền, nghe tiếng
được, tiếng mất cũng hợp lý thôi. Với nàng, và có lẽ với cả nhỏ bạn, nghe rõ
hay không rõ, chẳng quan trọng. Hai đứa chỉ cần nhắc đến chữ ngày xưa, hồi
đó... là lòng tràn ngập niềm vui. Lắm khi cả hai cùng nhận ra, mình kể câu chuyện
đã năm bảy lần, mà nghe lại, vẫn cứ xuýt xoa: “Ôi, vui quá, đẹp
quá.”
-Mày nhớ anh Nguyên bạn anh Hưng tao không? Hồi đó, anh
Nguyên trụ trì nhà tao thường lắm.
Suýt nữa, nàng đã buột miệng: “Nhớ! Chứ sao không nhớ!” Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh. Nhưng khi nghe giọng nói trầm ấm của anh Nguyên: “Chào cô bé”, nàng quýnh quáng, ngượng nghịu, líu ríu theo chân Hường, chẳng dám ngước nhìn, đáp chào anh. Lần ấy, nàng đến chơi, Hường vắng nhà. Chỉ có anh Hưng và các bạn đang tụ tập. Anh Hưng vui vẻ: “Hường theo Má anh đi công chuyện, chắc sắp về tới rồi.” Anh Nguyên đứng dậy, nhường ghế, ân cần: “Cô bé ngồi đây với tụi anh nha.” Nàng bối rối, vẫn đứng xớ rớ, lí nhí trong miệng: “Dạ, dạ.” Tiếng anh Nguyên nghe như rất gần bên tai nàng: “Cô bé biết không? Thi sĩ Nguyên Sa ngâm nga thế này: Em gầy như liễu trong thơ cổ/ Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường. Tuyệt vời! Phải không cô bé?” Nàng luống cuống cúi đầu, mặt mũi nóng ran, nhìn trân trối sàn nhà. Nghe tiếng Hường lao xao ngoài cổng, nàng mừng rỡ, phóng chạy ra với bạn.
Tiếng Hường ríu rít, kéo nàng khỏi dòng hồi tưởng:
-Ui, ui, chuyện dài ngoằng, từ đông sang tây, từ thế kỷ 20
qua thế kỷ 21. Đây, đây, mày nói chuyện với Nam nha.
Nàng chạy theo lời huyên thuyên của Hường muốn hụt hơi. Nàng
hỏi với:
-Nam nào vậy hả? Học chung với tụi mình năm nào?
Hường cười ha ha:
-Bạn học đâu nà. Nam là thằng Tí Anh, em kế tao đó.
Ô, nàng nhớ rồi. Hường hơn nàng hai tuổi, nhưng bị học trễ.
Bạn bè cùng lớp, coi như bình đẳng, mày tao mi tớ thoải mái. Hồi đó, nàng đã nhổ
giò, cao suýt soát Hường, nhưng ốm nhách, ốm nhom. Tí Anh cùng tuổi nàng, học
ngang lớp nhưng khác trường. Hường “ép” Tí Anh gọi nàng là chị, vì nàng là bạn
của Hường. Tí Anh, theo lệnh của chị, dạ thưa kính cẩn. Nhưng nàng ngại,
gặp Tí Anh, nàng chỉ nói trống không, chả xưng, mà cũng chẳng hô. Có tiếng lịch
kịch. Có lẽ Hường trao điện thoại cho Nam.
-Chị Thi ơi, Nam đây nè.
Trong trí nàng lờ mờ hình ảnh “cậu em” lém lỉnh, hiếu động
nàng gặp những lần đến nhà Hường chơi. Kỷ niệm với Nam lại là kỷ niệm sầu. Lần
đó, Nam hát ông ổng theo radio: “Thi ơi Thi ơi Thi Thi có biết không
Thi”, rồi cười toe toét: “Ông nhạc sĩ viết bài hát này tặng chị Thi
hả?” Nàng tức lắm, mím môi, không thèm trả lời. Nam thấy mặt “quặm xà
mâu” của nàng, rét quá, giả lả: “Giỡn chút xíu mà.”
Vài phút đầu, nàng hơi ngỡ ngàng. Nhưng Nam đã nhanh chóng vẽ
đường cho nàng, trở về không gian thị xã của thế kỷ trước. Nam kể chuyện như thể
Nam là một người bạn thân trong nhóm bạn học của nàng. Lần tái ngộ trên điện
thoại với Nam sau mấy chục năm đã mở màn cho những buổi chuyện trò “cháy máy”
giữa nàng và Nam. Trong tuần, ở Âu châu, nàng đi làm về, bên Việt Nam đã nửa
đêm. Thứ Bảy, nàng bận rộn với những sinh hoạt cộng đồng. Bởi thế, nàng phải chờ
đến Chủ Nhật, mong Nam có thể thu xếp thì giờ, ôn chuyện xưa với nàng.
* * *
Mẹ Hường rất quý bạn bè của con cái, nhất là bạn người con cả.
Bởi thế, nhà Hường ngày đó là trụ sở của nhóm bạn anh Hưng. Thi là bạn thân của
Hường. Ở trường, hai đứa ngồi sát nhau. Cuối tuần, nếu gia đình Thi không đi
chơi xa, Thi xin phép lên nhà Hường. Hai đứa vừa rù rì chuyện trò, vừa tỉ mỉ
làm đồ chơi thủ công. Khi dùng tăm gỗ ghép thành nhà sàn, cầu tre. Lúc xếp giấy
thành hình chim cò. Anh Nguyên hay hỏi Hường về Thi. Hường đoán, anh ấy muốn
làm quen với chị Quỳnh, chị của Thi. Một hôm, anh Nguyên đưa Hường một tờ
giấy, nhờ Hường chuyển cho Thi. Hường hỏi gặng:
-Em biểu con Thi đưa tờ giấy này cho chị Quỳnh hả?
Anh Nguyên lắc đầu nguầy nguậy:
-Sao lại đưa chị Quỳnh! Anh gửi Thi mà.
Hường thấy khó hiểu ghê. Chị Quỳnh yểu điệu thục nữ, xinh ơi
là xinh. Chị bằng tuổi anh, cũng học ban C, mới xứng đôi, vừa lứa với anh chứ.
Hường cười hí hí:
-Trời ơi, nhỏ Thi nó con nít chay hà. Anh Nguyên biết hông,
lớp Chín tụi em, con gái mặc áo dài hết trọi trơn. Chỉ mình nó và con Diệp còn
mặc áo đầm đi học.
Anh Nguyên chẳng quan tâm thông tin đặc biệt Hường vừa cung
cấp, vỗ vỗ vai Hường:
-Giúp anh nhen. Mai đi học, đưa thư này cho Thi. Nhớ để ý, đừng
cho các bạn khác thấy.
Hường bỗng thấy mình quan trọng:
-Anh yên tâm. Em sẽ bí mật nhét vào cặp của nó.
Nhìn tờ giấy gấp đôi, Hường cầm lòng không đậu, liếc sơ sơ
vào: một bài thơ. Anh Nguyên ghi phía trên: “Gửi T”, phía dưới anh ký mỗi chữ
“N”. Hường không dám liếc thêm. Định bụng, khi đưa Thi, sẽ xin đọc ké. Lúc đó,
mẹ Hường gọi vào nhà bếp nhờ làm gì đó. Hường để vội tờ thư nơi bàn học, trên mấy
cuốn vở của Hường. Hường quên bẵng sứ mệnh anh Nguyên giao phó. Đến tối, chuẩn
bị sách vở, Hường sực nhớ đến tờ thư. Hường tìm khắp nhà. Tờ thư không cánh mà
bay mất tiêu. Hường tức mình quá trời. Hổng lẽ ma giấu. Gặp anh Nguyên, Hường
lơ lơ, đâu dám kể lỗi của mình. Gặp Thi, Hường nín thinh. Hường tự nhủ, có đưa
cho Thi, con nhỏ khờ khờ, đọc bài thơ, chắc gì đã hiểu. Hường nghe kể, anh
Nguyên làm thơ hay lắm. Bởi thế, Hường tiếc, chỉ mới thấy tựa bài thơ Tặng vật
mùa xuân, chứ chưa đọc được câu nào. Anh Nguyên tưởng Hường đưa thư, mà Thi
chẳng có phản ứng. Cho nên, gặp Hường, anh không hỏi về tờ thư. Anh cũng thôi hỏi
Hường về Thi. Chuyện tờ thư trở thành chuyện nhỏ, Hường mau chóng quên luôn.
Sau tết Nguyên Đán 1975, chiến cuộc ngày càng nóng bỏng. Gia đình Thi vội vã rời
thị xã trước khi cơn lốc đổi đời chụp xuống miền nam. Thi chẳng kịp gặp Hường từ
giã. Hai đứa mất liên lạc mấy thập niên. Cách đây không lâu, nhờ internet,
bạn bè tìm được nhau. Gia đình Hường ở Việt Nam. Cả nhà Thi sang Đức vài chục
năm. Ai nấy giờ đây tóc đã phai màu, con cháu đầy đàn. Thế mà, mỗi lần họp mặt,
đề tài ngày xưa lúc nào cũng sôi nổi. Nam dặn, nếu Thi về Việt Nam, nhớ cho Nam
gặp. Nam sẽ bật mí một bí mật ngày xưa. Hường thắc mắc:
-Sao phải chờ chi lâu vậy? Chị gọi điện thoại Thi đều đều.
-Ủa, vậy à. Lần sau chị gọi chị Thi, cho em nói chuyện với
chỉ nghe.
Nhớ chuyện hồi xưa, Nam áy náy lắm. Ngày đó, Nam thấy tờ giấy
rơi xuống cạnh bàn học. Nam nhặt lên, táy máy mở ra đọc: Ồ! một bài thơ. Người
nhận không phải chị Hường. Mà người gửi chả là anh Hưng. Ba Má chắc chắn chẳng
liên quan gì đến chuyện này. Thế thì tại sao có tờ thơ ở nhà mình nhỉ. Mình sẽ
trổ tài thám tử, tìm tông tích của tờ thơ. Điều làm Nam thích thú là người gửi
ký tên N. Nam xếp nhỏ tờ thơ, nhét vào túi áo, trèo lên cây ổi sau vườn, vừa
nhâm nhi trái ổi, vừa đọc bài thơ. Nắng rất nhẹ cho em hồng đôi má/ Trời vào
xuân màu lá rất tinh khôi. Điểm môn Việt Văn của Nam quanh quẩn mức trung
bình. Tuy vậy, Nam rất thích thơ văn. Nam ngưỡng mộ anh Hưng và bạn bè của anh.
Các anh là dân ban C, văn chương lai láng. Em ngậm chồi lộc mới giữa đôi
môi/ Cười khe khẽ bên anh chiều hút bóng. Nhẹ nhàng, mướt mát. Nam thích
bài thơ. Đột nhiên, Nam có sáng kiến. Nam sẽ chấm điểm mấy con nhỏ học cùng lớp
có tên bắt đầu bằng mẫu tự T. Nhỏ nào đủ điểm, Nam sẽ đĩnh đạc tặng tờ thơ.
Danh chính, ngôn thuận. Thuở ấy chưa có điện thoại cầm tay. Máy chụp hình, máy photocopy
chỉ dành cho việc lớn. Nam giữ tờ giấy có bài thơ một thời gian. Nam bỏ ý định
làm thám tử tìm tác giả tờ thơ. Mấy con bé Nam thích, tên chẳng bắt đầu bằng T.
Con Trinh, xinh xắn nhưng lanh chanh và hung dữ. Nam ngán nó lắm. Tặng nó bài
thơ, lỡ nó không thích, đọc oang oang cho cả lớp nghe, mất mặt bầu cua. Chưa kể,
rủi khi tác giả thật lộ mặt, Nam thêm tội đạo chích. Tờ thơ lạc mất hồi nào Nam
không biết. Chẳng sao! Nam đã thuộc lòng bài thơ rồi. Nam định bụng, khi nào muốn
tặng ai, chép lại, cũng bắt chước tác giả, ghi vắn tắt: Gửi A, B, C gì đó và ký
N. Như vậy, có vẻ vừa kỳ bí, vừa nghệ sĩ. Thế mà, suốt những năm trung học, Nam
chưa gặp được cô nào xứng đáng với bài thơ. Một hôm, nhóm bạn bè anh Hưng quây
quần ở phòng khách như thường lệ. Nam tự nguyện lăng xăng chờ các anh sai vặt,
để được nghe lóm lời thơ, tiếng nhạc. Tiếng anh Nguyên khe khẽ: “Bàn tay
trên mái tóc bâng khuâng/ Lắng nghe em tình khúc mùa xuân...” Nam giật bắn
người, lấm lét ngó anh Nguyên. Anh Nguyên dường như chẳng nhìn ai, chỉ lim dim:
“Một chút nắng cũng làm nên thương nhớ/ Một chớp mắt cũng làm nên mong đợi...”
Anh Nguyên đã đọc xong câu cuối bài thơ. Anh Hưng lên tiếng:
-Mày viết bài thơ này tặng...
Anh Hưng chưa dứt câu hỏi, anh Nguyên đã gật đầu.
-Con bé có nói gì không?
Anh Nguyên đưa điếu thuốc lên môi, lắc đầu. Nam chợt nhận
ra, mình u mê thiệt. Mình phải biết anh Nguyên là tác giả tờ thơ chứ. Và T phải
là chị Thi chứ. Tội mình lớn quá. Giờ phải làm sao đây. Phải thú tội với anh
Nguyên, xin anh ấy viết lại. Mình sẽ tự tay đưa chị Thi. Mình sẽ hết lời ca ngợi
anh Nguyên để chị ấy xiêu lòng. Ô, sao lâu nay không thấy chị Thi đến chơi nữa.
Nam tính toán lung lắm, nhưng vẫn chưa tìm ra cách thoát thân. Nam hỏi chị Hường,
bao giờ chị Thi đến chơi. Chị Hường buồn buồn:
-Gia đình Thi đã dọn đi rồi. Bất ngờ lắm, chị chẳng biết nhà
nó đi đâu.
Thôi, vậy là Nam chẳng còn dịp chuộc tội. Thời gian sau đó
là tan tác, thống khổ. Gia đình Nam gồng gánh bỏ thị xã, đi làm rẫy, làm nương.
Hơn hai mươi năm sau, Nam tình cờ gặp lại anh Nguyên. Anh em chuyện trò thật
lâu. Nam nhắc những ngày tháng cũ, nhắc bài thơ, nhắc đến tội tày trời, kể luôn
ý định đoái công chuộc tội của mình. Anh Nguyên cười độ lượng:
-Không sao đâu Nam. Vậy mà hay! Có nghĩa là thuở ấy Thi
không từ chối tặng vật mùa xuân của anh. Ngày xưa dễ thương quá hả Nam.
Anh Nguyên nhẩn nha: “Hồn ấm lại những ngày thơ mộng
cũ...” Nam tiếp lời: “Trong quên lãng một đóa hồng hé nụ...” Khuôn mặt
buồn buồn của anh Nguyên vui hẳn.
-Ô, bao nhiêu năm mà em còn thuộc bài thơ à.
Ngày ấy, điện thoại, internet chưa phổ biến. Chia tay
nhau, hai anh em chẳng trao đổi địa chỉ liên lạc, bởi cả hai cùng nghĩ, nếu có
duyên sẽ gặp lại.
* * *
Nam xuống giọng:
-Anh Nguyên đã tha tội cho Nam. Bây giờ chị cũng xá tội cho
Nam nhé.
Tiếng Nam xen lẫn với tiếng sột soạt nhiễu sóng: “Hạnh
phúc nầy có thật ở quanh đây/ Giản dị như tay đã nắm trong tay...” Nàng vội
cắt ngang:
-Nam ơi, đường dây tệ quá. Nghe chữ được, chữ mất. Với lại,
đọc nhanh như vậy, làm sao nhớ hết. Nam chịu khó chép ra nha.
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những
rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
Nàng nhìn xuống sân, mấy chục củ hoa uất kim hương nàng cặm cụi ươm trồng theo
hình trái tim hồi cuối thu năm ngoái, bây giờ xúm xít bên nhau. Trái tim hoa dần
rõ nét trên vạt cỏ xanh. Cám ơn người ngày xưa đã gói món quà xuân tặng nàng.
Cám ơn người ngày nay đã mang món quà xuân đến cho nàng. Nàng ngước lên, chờ
đón ánh nắng xuân, lòng lâng lâng niềm vui khó tả. Xuân đang về, với nhân gian,
với nàng.
Hoàng Quân
Những câu thơ, nhạc trích trong:
Tặng vật mùa xuân, nhà thơ Trầm Thụy Du.
Em gầy như liễu trong thơ cổ, nhà thơ Nguyên Sa