Dinh Gia Long nằm ngay góc đường Công Lý và Gia Long. Năm
1978, tòa nhà này được trưng dụng làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM, đến 1999 lại
được đổi thành Bảo tàng TP.HCM như hiện nay. Sau năm 1975, hai con đường
trên cũng được đổi thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Lý Tự Trọng. Nguồn: Thời
Xưa.
Một dấu hiệu cho thấy một quốc gia còn non trẻ, chưa trưởng
thành, là mỗi lần thay đổi chính quyền thì người ta cũng thay đổi tên các đường,
thậm chí đến tên các tỉnh, thành phố hoặc trường học. Xem như vậy thì nước Việt
Nam còn rất non trẻ! Năm 1975, sau khi đảng Cộng Sản chiếm được miền Nam họ đã
đặt thêm bao nhiêu tên đường mới – với những tên, họ mà người dân không ai từng
nghe đến! Bao giờ chế độ cộng sản chấm dứt, chắc chắn sẽ còn một vụ đổi tên đường,
đổi tên trường, đổi tên các thành phố nữa. Tản Đà còn sống chắc vẫn viết lại
câu thơ, “Dân 25 triệu không người lớn – Nước 4 ngàn năm vẫn trẻ con!” (bây giờ
chỉ đổi lại thành ‘dân gần trăm triệu’ không người lớn!)
Đổi tên đường là một cách sửa lịch sử. Các đảng Cộng sản từ thời Stalin vẫn
liên tục sửa đổi sách sử theo nhu cầu giai đoạn. Sau khi Leo Trotsky chống
Stalin rồi trốn ra nước ngoài, những tấm hình ông ta đứng bên Lenin bị bôi xóa
hết. Tên những lãnh tụ cộng sản trong Bộ Chính Trị hay Trung ương đảng cũng biến
mất trong sách vì đã bị Stalin thủ tiêu. Sau khi chế độ cộng sản sập tiệm,
thành phố mang tên Stalingrad nằm bên sông Volga được đổi tên thành Volgagrad.
Cộng sản Việt Nam bắt chước Nga đổi tên Sài Gòn thành Thành Phố Hồ Chí Minh, mà
viết theo kiểu Nga là… Hochiminhgrad. Trong thành phố đó bây giờ vẫn còn một
con đường mang tên Lê Văn Tám, một nhân vật hoàn toàn tưởng tượng. Tác giả đẻ
ra “Liệt sĩ Lê Văn Tám” là Trần Huy Liệu, trước khi chết đã thú nhận mình sáng
tác ra câu chuyện liệt sĩ này chỉ cốt để tuyên truyền. Nhưng đảng Cộng sản
không dám xóa bỏ tên con đường Lê Văn Tám. Họ không dám thú nhận lịch sử do họ
viết đầy những chuyện gian dối như thế.
Trần Huy Liệu từng làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền nhưng đã đứng đầu Viện Nghiên
Cứu Lịch Sử ở Hà Nội tới năm 1969 khi ông qua đời. Cho nên chuyện bịa đặt lịch
sử với mục đích tuyên truyền rất dễ hiểu. Năm 1963 ông đã phát động một phong
trào đã kích Phan Thanh Giản, người đã tự vẫn khi quân Pháp đánh chiếm tỉnh
Vĩnh Long năm 1867. Có thể coi như Trần Huy Liệu đã mở một phiên tòa “xử án
Phan Thanh Giản.” Mục đích của những bài đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử,
từ số 48 đến số 55 là kết tội xu hướng “chủ hòa” của triều đình Huế trong thời
quân Pháp tấn công chiếm các tỉnh miền Nam. Phan Thanh Giản bị coi là người chủ
hòa số một! Đảng Cộng Sản mở chiến dịch “chống chủ hòa” vì lúc đó Lê Duẩn quyết
liệt chủ chiến, đưa quân miền Bắc vào miền Nam gây nên cuộc nội chiến chết hàng
triệu thanh niên! Trần Huy Liệu đóng vai cán bộ tuyên truyền, cổ võ cho chính
sách của Lê Duẩn, bằng cách bôi nhọ một nhân vật lịch sử.
Một cuốn sách của Luật sư Phan Đào Nguyên viết về Phan Thanh Giản mới xuất bản
năm 2021 đã bác bỏ tất cả các luận điệu, bằng chứng giả mạo, xuyên tạc, trong
phiên tòa của tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử! Đây là một phiên tòa mới, xử án một
phiên tòa cũ sau gần 60 năm, trong đó bị cáo nổi bật là ông Trần Huy Liệu!
Khi đảng Cộng sản đã chiếm được miền Nam, vấn đề chủ chiến hay chủ hòa không cần
đặt ra nữa. Nhưng họ vẫn không muốn dân Việt nhắc đến tên Phan Thanh Giản. Sáu
năm sau khi Trần Huy Liệu qua đời, đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn còn bị đổi
thành Điện Biên Phủ; đường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ đổi thành Xô Viết Nghệ
Tĩnh. Trường trung học Phan Thanh Giản bị đổi tên thành Châu Văn Liêm, một
trong sáu người thành lập đảng Cộng Sản! Ông Châu Văn Liêm bị Pháp bắn chết năm
28 tuổi. Nhưng trong thời gian đó hàng ngàn thanh niên Cần Thơ bị sát hại như
ông, người cộng sản thì ít, người quốc gia nhiều hơn. Châu Văn Liêm không thể
so sánh với Phan Thanh Giản!
Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm, tiền thân là
Collège de Cần Thơ và Trường Trung học Phan Thanh Giản là ngôi trường lâu đời
nhất ở Cần Thơ
Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn giữ nguyên chủ trương sửa đổi lịch
sử, cho nên chế độ kiêng tên bây giờ còn giữ. Ngày 5 tháng 1 năm 2022, Ban
Tuyên Giáo trung ương Việt Cộng vẫn viết một công văn, ra lệnh các tỉnh và
thành phố không được lấy tên Phan Thanh Giản đặt tên đường, tên trường học, vân
vân.
Tại sao đảng Cộng Sản “thù dai,” đến bây giờ vẫn không cho nhắc đến Phan Thanh
Giản? Một lý do thầm kín, là ngày 30 tháng Tư năm 1975, hai vị tướng chỉ huy
Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng ở Cần Thơ đã theo gương Cụ Phan. Hai ông tự sát,
không đầu hàng. Dân Cần Thơ chắc chắn sẽ nhớ đến tấm gương tuẫn tiết của hai vị
tướng Việt Nam Cộng Hòa, mỗi khi nhìn thấy tên Phan Thanh Giản.
Bây giờ nhiều tài liệu lịch sử mới đã được trình bày cho thấy Phan Thanh Giản
đã chịu cho quân Pháp chiếm Vĩnh Long là do một quyết định trước đó của triều
đình Huế. Trong cuốn sách viết nhan đề “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô
hộ Pháp của nhà Nguyễn,” Giáo sư Nguyễn Quốc Trị cho biết (trang 1084) Cơ Mật
Viện ở Huế đã đề nghị, nếu Pháp đánh Vĩnh Long thì “xin tư cho quan kinh lược
không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui;” và nếu “bị người Pháp bức lấy
tất cả (hai tỉnh An Giang và Hà Tiên) thì “tất phải chuyển về Bình Thuận đợi lịnh
triều đình.” Họ tin rằng nhân dân sáu tỉnh miền Nam “lũ lượt tức giận nổi lên”
chống Pháp. Được chỉ thị rút lui để bảo toàn mạng sống, nhưng cụ Phan đã tuyệt
thực mà chết, một hành động tuẫn tiết vì nước, làm gương hy sinh cho nhân dân
sáu tỉnh.
Công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã trình bày các tài liệu cho
thấy rõ hơn về cuộc đời chính trị của Nguyễn Văn Tường, một trong hai phụ chính
đại thần, cùng với Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi trốn khỏi kinh thành Huế
để chống quân Pháp. Nguyễn Văn Tường được cử trở về Huế mưu cuộc điều đình, Tôn
Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện và bị giữ lại, các con ông chết khi nhà
vua bị bắt. Vì thế, ông Tôn Thất Thuyết được mô tả là chủ chiến, còn Nguyễn Văn
Tường bị coi là chủ hòa.
Vua Hàm Nghi lệnh cho Nguyễn Văn Tường về Huế gặp người Pháp vì ông “Kỳ Vĩ Quận
Công” đã có kinh nghiệm trong các cuộc thương thuyết với người Pháp từ thời vùa
Tự Đức, trước khi ký các hiệp ước 1874 và 1884. Ông bị coi là “chủ hòa,” nhưng,
khi bàn dự thảo hiệp ước, ông thực sự đã chống lại không chấp nhận nước Pháp “bảo
hộ” triều đình nhà Nguyễn, tức là nắm quyền chỉ huy cả việc nội trị. Ông chấp
nhận chữ “bảo trợ,” nhường cho Pháp quyền ngoại giao, tức là giao thiệp với Trung
Quốc. Ông có lúc còn đề nghị thay đổi các hiệp định cũ, để triều đình Huế hoàn
toàn độc lập cai trị miền Trung; đổi lại, miền Bắc trở thành thuộc địa của Pháp
như Nam Kỳ.
Quân lực Pháp lúc đó quá mạnh, quân ta quá yếu, ông Nguyễn Văn Tường không thể
thuyết phục được người Pháp mà còn bị tướng de Courcy bắt giam. Trong hai
tháng, ông mời được bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ cùng Hoàng Hậu Lệ Thiên (mẹ và vợ
vua Tự Đức) đứng ra “chấp chánh” tạm thời, không để cảnh một triều đình “không
có vua” kéo dài.
Sau đó, ông bị đưa xuống tàu thủy chở đi Côn Đảo vì “đã chống (nước Pháp) nhiều
năm…” Sau hai tháng ông bị đầy ở đảo Tahiti, thuộc địa Pháp ở Thái Bình Dương.
Sau khi tới nơi lưu đầy một tháng, ông Tường lại viết thư gửi chính phủ Pháp,
nhắc lại đề nghị cũ của mình, chứng tỏ trong lòng ông lúc nào cũng lo toan vận
nước. Bức thư không được trả lời; bốn tháng sau thì ông mất.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, các chính phủ miền Nam không bị ám ảnh về vấn đề
chủ chiến hay chủ hòa như Việt Cộng ở miền Bắc, nhưng cũng thiên vị; các thành
phố thường đặt tên đường Tôn Thất Thuyết nhưng Nguyễn Văn Tường thì không.
Sự nghiệp của hai ông Tường, Thuyết đối với Triều Nguyễn và với nước Việt Nam
thực sự không ai hơn ai. Sẽ có ngày dân Việt được tự do, phán xét công bằng các
nhân vật lịch sử; không để cho một chính phủ, môt đảng nào độc quyền xuyên tạc.
Sẽ có ngày thành phố Huế phải có đường mang tên Nguyễn Văn Tường; Cần Thơ dựng
lại Trường Phan Thanh Giản và các con đường mang tên Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn
Hưng. Lúc đó, có thể nói nước Việt Nam đã trưởng thành.
Ngô
Nhân Dụng