Lúc mới đến Mỹ, ba tôi đã cho tôi một chiếc xe đạp.
Chiếc xe mà ba đã dùng để đi lại trong những năm đầu đến đất nước này cho tới
khi bảo lãnh cả gia đình chúng tôi qua. Chiếc xe đạp được ba mua năm mươi
đô ở một buổi bán đồ tồn dư cuối tuần gần khu nhà mà ba thuê phòng. Ba
tôi ở chung với vài gia đình người Việt khác trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô
Springfield, tiểu bang Virginia. Chiếc xe đạp rất nhẹ. Bánh và yên
xe có thể dễ dàng tháo gỡ và gắn lại mà không cần dùng cờ lê hay mỏ lết.
Cái yên xe được bọc một lớp lông màu trắng, có thể là lông cừu, rất mềm, êm, và
thoải mái dù ngồi trên yên xe mấy giờ đồng hồ liền. Chiếc xe đạp làm tại
Nhật. Nó là một gia tài quý giá của tôi lúc bấy giờ.
Khi còn ở Việt Nam, tôi luôn ao ước có một chiếc xe đạp để đi học hay dạo chơi ở những buổi tối mát trời, hay những ngày lễ lớn như Tết, mồng tám tháng ba, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy, lễ Lao Động, ngày Nhà Giáo Việt Nam… Cả nhà tôi khi còn ở Việt Nam chỉ có một chiếc xe đạp duy nhất. Chiếc xe đạp đó cả nhà tôi rất quý. Mỗi lần muốn đi đâu, tôi đều phải năn nỉ anh trai cả ngày trời và phải có lý do chính đáng mới được cho mượn. Lần nào mượn được, tôi cũng đi quá giờ và cũng bị đánh đòn. Giờ có được một chiếc xe đạp của riêng mình, nên tôi trân quý chiếc xe đạp lắm.
Gia đình tôi gồm bảy người, ba mẹ và năm anh em trai sống
trong một căn hộ hai phòng trên lầu ba của khu chung cư. Những ngày đầu,
tôi đều hì hục dắt chiếc xe đạp cất vào phòng vì sợ người ta lấy trộm chiếc xe
đạp đi. Lúc đầu ba mẹ và mấy người anh trai của tôi vẫn để cho tôi rinh
lên rinh xuống, nhưng nhà thì chật mà để chiếc xe choáng cả đường đi, nên ba
tôi mua cho tôi một ổ khóa để tôi khóa nó lại ở khu để xe công cộng. Mỗi
lần khóa, tôi đều cẩn thận khoá ở bánh sau và tháo bánh trước lẫn cái yên đem
vào nhà khỏi sợ người ta lấy trộm chiếc xe ấy.
Chiếc xe đạp đã cùng tôi đi khắp nẻo đường. Tôi dùng
chiếc xe đạp này đi từ trường trung học này đến trường trung học nọ để học thêm
môn Anh Văn vào ban đêm cho đủ điểm tốt nghiệp trung học. Có nhiều lần
tôi đạp xe trong cơn mưa lạnh buốt đến nhà thì người và sách vở ướt mèm, rã rời.
Một lần đang đạp xe từ trường về nhà, trời mưa to. Tôi cắm đầu đạp cho thật
nhanh để về nhà, chợt nghe phía sau lưng tiếng còi xe. Tôi giật mình, tấp
vào lề, dừng lại. Chiếc xe Toyota Camry đằng sau cũng dừng lại theo và
đèn khẩn màu đỏ vàng chớp nháy liên hồi. Trên xe bước xuống là một người
phụ nữ có dáng người nhỏ, độ chừng năm mươi. Cô ta là người Á Đông.
Cô ấy xuống xe và hỏi tôi:
– Chào cháu… Cháu là người Việt hả?
– Dạ, chào cô. Cháu người Việt.
– Trời mưa lớn thế này mà sao không trú mưa mà đạp xe đạp vậy,
nguy hiểm lắm. Nhà cháu ở đâu?
– Dạ cháu ở Edsall Gardens, trên đường Edsall, gần tiệm
Ames…
– Thôi lên xe đi, cô chở về cho chứ đạp xe thế này thì nguy
hiểm quá.
– Dạ… Cám ơn cô… Nhưng…
Cô ấy nhìn tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp, cô chợt hiểu ý và
nói:
– Không sao đâu. Để cô chở về luôn.
Nói rồi cô mở cốp xe phía sau và giúp tôi bỏ chiếc xe đạp
lên xe và chở về nhà giúp tôi. Ngồi trên xe cô hỏi tôi vì sao mà ba mẹ
tôi không chở tôi đi học mà để tôi tự đạp xe đi như vậy. Tôi nói với cô ấy
rằng gia đình tôi chỉ có một chiếc xe duy nhất và chỉ có một mình ba tôi biết
lái xe. Nhưng ba đi làm ca đêm, ban ngày ba ngủ, nên tôi phải tự mình đạp
xe đi học. Cô hỏi:
– Sao cháu không đi xe buýt mà đạp xe đi học:
– Dạ tại vì sau khi học xong ở Annandale, cháu phải đi học
đêm bên trường Woodson nên phải đi xe đạp.
– Trời đất! Từ Annandale mà đạp qua tận Woodson luôn hả?
– Dạ. Tại cháu học chậm nên phải học thêm mới đủ điểm
ra trường. Còn không cháu phải ở lại thêm một năm để học Anh Văn.
– Ờ … Cực cho
cháu quá…
Hai cô cháu nói
chuyện một hồi thì cũng đến chung cư nhà tôi. Cô ấy giúp tôi khiêng chiếc
xe đạp xuống và chia tay tôi. Sau này tôi nghe cô bạn học chung trường kể
lại mới biết thì ra cô ấy là bác của bạn tôi.
Chiếc xe đạp còn
giúp tôi dạo vòng quanh xóm này đến xóm nọ để tìm việc làm, cắt cỏ thuê.
Ngoài ra, vào những dịp cuối tuần tôi cũng đạp xe đến nhà những người bạn để chơi.
Tôi có một người bạn thân, cả hai cùng thích sưu tập tem, nên cả hai thường đạp
xe đến tiệm bán tem cũ trong khu chợ Springfield Plaza hoặc đạp xe ra bưu điện
để mua tem. Mỗi cuối tuần, chúng tôi đều đạp xe lang thang để mua tem từ
những tiệm bán tem và tiền cũ ở Springfield đến Alexandria. Thỉnh thoảng
chúng tôi rủ nhau đạp xe dạo công viên này đến công viên nọ… Có một lần, chúng
tôi tổ chức một buổi đạp xe dạo công viên cùng với nhóm bạn người Việt chung
trường ở một công viên xa nhà. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở công viên Lake
Braddock và đạp xe vòng hết bờ hồ công viên. Khi chúng tôi gặp nhau ở trước
cổng công viên, một người bạn nhìn chầm chầm vào tôi và chiếc xe đạp khúc khích
cười. Thấy vậy tôi hỏi người bạn kế bên:
– Ê Trí, mày biết
thằng John cười gì vậy không?
– Không biết.
Kệ nó đi.
Tuy nói kệ, nhưng
Trí vẫn hỏi:
– Ê John, mày cười
gì vậy?
– Tao cười bạn
mày…. Đạp xe vòng công viên mà dùng xe đạp đó. Mà lại xe đạp nữ nữa mới
chết…
Thằng Trí nhìn
qua tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp của tôi, nói:
– Ừa, nó nói tao
mới để ý. Sao mày không mua chiếc mountain bike, mà đi mua chiếc xe của con
gái?
– Chiếc này không
phải hả?
Cả đám tủm tỉm
che miệng cười. Thằng Trí nói tiếp:
– Ừa xe con
gái. Mày không thấy cái sườn xe hả. Của con trai nó nằm ngang, không
xuôi như vầy. Và còn cái yên nữa, lông lá tùm lum. Chỉ có con gái mới
đi loại xe đạp này.
– Nhưng chiếc xe
này êm lắm… Xe đạp nào cũng là xe đạp thôi. Có gì mà phân biệt…
Thằng John nói:
– Chắc nó là bê
đê nên mới đi xe của con gái. Thôi kệ thằng bê. Mình đi nào…
– Thì kệ
tao. Có xe đạp đi là được. Con gái con trai gì cũng mặc tao…
Tuy nói ngoài miệng
như vậy, nhưng trong đầu tôi lúc đó cứ suy nghĩ miết về sự khác biệt giữa xe đạp
nam và xe đạp nữ. Hồi tôi còn ở Việt Nam làm gì có phân biệt xe đạp của
nam hay của nữ. Ở cái xứ này sinh ra đủ thứ chuyện. Giống y như câu người
xưa thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa” rồi đẻ ra, phân biệt của nam của nữ cho
bán được nhiều xe hơn… Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng từ lúc biết được chiếc xe đạp của
phái nữ, tôi cũng ít dùng khi tụ tập bạn bè trong nhóm bạn hơn. Tôi không
muốn bị chúng bạn cười cợt, nhưng tôi vẫn thích chiếc xe đạp này.
Sau hơn một năm sống
ở Mỹ, tôi mới biết rằng việc mua xe đạp ở đây rất dễ dàng và hầu hết con nít ở
Mỹ đứa nào cũng có một chiếc xe đạp riêng, nên không ai lấy cắp chiếc xe giống
“đàn bà” của tôi làm chi. Tôi không còn tháo bánh xe trước và yên xe đem
vào nhà nữa. Nhưng tôi vẫn khóa chiếc xe lại để mấy đứa con nít trong
cùng khu chung cư khỏi phá chiếc xe yêu quý của tôi.
Ba năm sống ở Mỹ,
tôi cũng học lái xe hơi và được nhà trường cấp bằng lái xe tạm trước khi ra tòa
án lấy bằng chính thức. Học sinh trung học được phép lấy bằng lái xe do
nhà trường dạy mà không cần phải ra sở lưu thông để thi lấy bằng lái như người
lớn. Tuy có bằng lái xe hơi, nhưng tôi vẫn dùng chiếc xe đạp đi đây đi đó mỗi
khi có việc cần mà không muốn làm phiền gia đình hay anh trai. Chiếc xe đạp đó
đã gắn bó với tôi gần bốn năm trời từ ngày tới Mỹ cho đến lúc tôi đi học xa
nhà.
Tôi tốt nghiệp
trung học và đi học xa nhà, bỏ lại chiếc xe đạp ở khu chung cư. Lúc đi,
tôi dự tính sẽ đem chiếc xe đạp theo sau khi ổn định nơi ở.
Mùa lễ Giáng Sinh
được nghỉ học, tôi đi ké xe của một người bạn chở về khu chung cư với gia
đình. Vừa về đến nhà, tôi chạy ra nơi để xe, chiếc xe đạp của tôi không
còn nữa. Tôi hỏi ba mẹ và mấy anh chị em, nhưng không ai biết số phận của
chiếc xe đạp đó kể từ khi tôi đi đại học. Tôi chạy qua văn phòng cho thuê nhà hỏi
họ thì mới biết là họ gửi thông báo dời khu để xe đạp qua một nơi khác để xây
thùng thư ngoài trời. Luật mới của bưu điện lúc bấy giờ là không dùng
thùng thư bên trong chung cư nữa mà bắt buộc xây thùng thư bên ngoài.
Nhưng vì thông báo mà không ai đến lấy, nên họ đã cắt ổ khóa và đem tặng chiếc
xe cho hội từ thiện. Nghe cô thu ngân ở văn phòng cho thuê căn chung cư
nói vậy, tôi tức tốc mượn xe của ông anh trai chạy đến nơi bán đồ từ thiện để
tìm chiếc xe đạp của mình, nhưng không thấy nó đâu. Có lẽ người ta đã mua
chiếc xe đạp đó rồi. Tôi mong rằng chủ nhân của chiếc xe đạp ấy cũng yêu
quý chiếc xe đạp mà tôi từng yêu quý…