Riêng gửi các bạn tôi, những người may mắn còn đủ hai mắt để nhìn rõ cuộc đời. PHƯƠNG DUY Trương Duy Cường
Phương từ từ mở miếng băng che mắt, sau khi được giải-phẫu
thay một con mắt.
Ánh sáng tràn ngập vào mắt khiến Phương cảm thấy cay và chói. Phương nở một nụ
cười mãn nguyện khi nhìn được cảnh quang trước mắt. Những tấm tranh treo trên
tường như mỉm cười với Phương sau một thời-gian dài, chàng đã không thể nhìn thấy
chúng.
Chàng đi vào phòng tắm, soi gương để nhìn rõ con mắt mới thay như thế nào. Trước
tấm gương lớn, hiện ra khuôn mặt chàng với một con mắt xanh trong veo của một
phụ-nữ. Chàng sung sướng biết rằng từ đây chàng đã thực sự chấm dứt chuỗi ngày
sống âm thầm trong bóng đêm mịt mù, cô-đơn và buồn thảm của người khiếm-thị.
Nhưng trong nỗi vui vô bờ ấy, Phương còn mang một thắc mắc lớn: Ai là chủ-nhân
của con mắt xanh kia? Người nào đã cho chàng món quà quý giá nhất trên cõi đời
này? Chàng rất muốn biết .
*
Phương đến Mỹ năm 1975 khi miền Nam bị Cộng-sản cưỡng chiếm. Sau khi ổn định
tinh-thần và cuộc sống, chàng miệt mài học hành để đạt được ước mơ về học-vấn:
chàng tốt-nghiệp Kiến-trúc-sư như mộng ước khi còn ở bậc Trung-Học. Chàng có
công việc tốt, bên những người bản xứ da trắng. Cuộc đời chàng đang có chiều hướng
đi lên rất thuận lợi. Nhưng cay nghiệt thay, trong một tai nạn bất ngờ, chàng
đã bị mù cả hai mắt. Từ đó, Phương sống âm thầm trong bóng tối, dù đã có nhiều
lúc chàng chán nản, muốn tự-tử. Nhưng rồi, chàng lại nghĩ rằng tự-tử là hèn
nhát, khi chỉ vì đôi mắt, mà chàng lại hủy hoại tấm hình hài của mẹ cha sinh
ra, ở nơi đất khách quê người, để cha mẹ già phải buồn đau khóc hận nơi quê
nhà.
Rồi ngày qua ngày, Phương quen dần đời sống giới-hạn của người khiếm-thị. Chính
âm-nhạc đã giúp chàng vượt qua chặng đời đáng chán này. Hết nghe nhạc classics,
chàng lại nghe nhạc êm dịu, nhạc tình-cảm để mơ mộng về một thế-giới thần-tiên
của những ngày đôi mắt còn nhìn thấy mọi vật, mọi người. Đúng rồi, những năm
tháng ấy quả thật thần-tiên với một người đã mất thị-giác như chàng. Bây giờ chàng
mới biết quý, thì đã muộn rồi. Chàng chỉ còn biết hoài-niệm dĩ-vãng xa xưa...
Nghe lời khuyên của một người thân, Phương trông đợi sự tiến-bộ của y-học nước
Mỹ sẽ có thể đem lại ánh sáng cho người mù trong một ngày không xa. Bây giờ,
chàng gom góp số tiền dành dụm được trong mười tám năm qua, để hy-vọng một ngày
nào đó, với số tiền này, chàng có thể tiến tới việc thay mắt khác. Chàng ghi
danh ở một bệnh-viện lớn để có tên trong danh-sách những người chờ thay mắt.
Chàng chờ đợi trong niềm hy-vọng.
Cho đến một ngày trước lễ Giáng-Sinh, một tin vui đã đến với Phương. Chàng đã
đượcbệnh-viện báo tin đã đến lượt chàng được thay mắt. Chàng vui mừng phấn khởi
trong niềm tin tưởng vào sự tiến-bộ của khoa-học, đã thay được những bộ-phận hư
hỏng của con người. Thời-gian qua, tính bằng năm, mà chàng đã thấy qua đi nhanh
chóng, nhưng nay chỉ chờ hai tuần lễ để vào bệnh-viện thay mắt, chàng đã thấy
thời-gian dài lâu hàng thế-kỷ!
Rồi ngày giải-phẫu thay mắt cũng đã đến. Một ngày trọng đại nhất của cuộc đời
Phương.
Phương nằm trên giường được cô y-tá Mỹ đẩy vào phòng mổ, chàng lâm râm cầu nguyện.
Bỗng một giọng đàn ông Mỹ bập bẹ câu nói tiếng Pháp một cách khó khăn, để hỏi
chàng trước khi gây mê:
“Parlez-vous francais?”
Tuy ngạc nhiên, nhưng là “dân trường Tây” khi còn học ở Việt-Nam, nên theo phản-xạ,
Phương trả lời nhanh:
“Oui, Docteur!”
Rồi Phương chìm vào cơn mê khi thuốc mê đã thấm vào mắt chàng. Có lẽ cuộc giải-phẫu
đã diễn ra vài giờ, mà chàng đâu có biết.
* *
Phương nghiêng đầu ngắm nghía đôi mắt của mình. Chàng mỉm cười với mình trong
gương soi:
Bên phải: một con mắt giả, vô tri vô giác.
Bên trái: một con mắt thật, nhưng không phải mắt đen của người Đông-Phương, mà
là con mắt xanh của một phụ-nữ Tây-Phương.
Chàng ước ao được biết tên ân-nhân của mình, và nếu được thì chàng tò-mò muốn
biết vì sao “nàng” đã cho con mắt này và sao lại chi có một con mắt? Và con mắt
còn lại kia đâu rồi?
Thắc mắc này cứ vương-vấn mãi trong trí chàng, mỗi khi đứng trước gương nhìn ngắm
đôi mắt “so-le” của mình.
Một ngày hè, chàng đang phơi mình trên bãi biển Santa Cruz. Nhìn ra phía xa biển
Thái-Bình-Dương, từng đợt sóng trắng vỗ vào bờ cát vàng. Chàng nghĩ đến cha mẹ
già cách xa nửa vòng trái đất. Chàng che mắt nằm im nghe ngóng âm-thanh trùng
điệp của trùng-dương. Rồi chàng thiếp đi trong mơ màng.
Bỗng chàng thấy một thiếu-nữ tóc hoe vàng, đôi mắt xanh biếc, thân hình với những
đường cong bốc lửa, vừa bước ra khỏi đôi mắt chàng. Thiếu-nữ nhoẻn cười, nói với
chàng bằng tiếng Pháp, giọng nói trầm ấm của một cô “đầm” chính hiệu:
“Bonjour! Tôi xin tự giới-thiệu tôi là Marie, một cô gái Pháp.”
“Còn tôi – Phương – một người Việt-Nam. Rất hân-hạnh được quen biết với cô. Xin
cho phép tôi hỏi một câu: Cô là ai? Sao lại từ trong mắt tôi bước ra? Lần đầu
tiên tại Mỹ, tôi được nghe tiếng Pháp thốt ra từ miệng một thiếu-nữ xinh đẹp
như cô, làm tôi nhớ lại cô giáo người Parisienne đã dạy tiếng Pháp cho tôi khi
tôi còn học ở trường Providence ở Huế. Giọng cô giống hệt giọng của Madame
Mouter thuở xưa dạy tôi.”
“Tôi à? Tôi... Em là người mà từ lâu anh muốn biết. Vì chính em đã hiến tặng
cho anh con mắt xanh đấy. Anh nhìn như thế nào? Có tốt không?”
Phương kêu lên kinh ngạc:
“Trời ơi! Sự thật hay là tôi mơ đây? Có phải tôi đã gặp ân-nhân của tôi rồi
không? Cầu trời cho đây là sự thật, để tôi có thể nói lên lời đa tạ tấm lòng vị-tha
quý báu của cô.”
“Anh khách sáo quá! Có gì mà anh phải cảm ơn. Như em đã giới-thiệu với anh. Em
là Marie, hai mươi sáu tuổi. Cách đây một năm, sau khi tốt-nghiệp ban Triết-Học
và Văn-Chương ở trường Sorbonne Pháp, em sang Mỹ vừa du-lịch mà cũng vừa tìm
trường để có thể học thêm những ngành mà em thích.
Chẳng may em bị tai nạn xe hơi và thương tích quá trầm-trọng. Biết mình không
thể qua khỏi, nên em đã viết giấy ghi lại nguyện ước cuối cùng của em là hiến
đôi mắt của em trước khi qua đời cho ai bị hư mắt, cần phải thay mắt, với một
điều-kiện duy nhất: chỉ cho mắt người nào biết nói tiếng Pháp và chỉ cho mỗi
người một con mắt thôi. Tức là đôi mắt của em sẽ đem lại ánh sáng cho hai người
khuyết-thị. Nghĩa là em muốn đôi mắt của em sẽ tiếp tục được “sống” sau khi em
chết đi. Với đôi mắt của em, sẽ đem lại sự hạnh-phúc cho hai người kém may mắn.”
“Marie! Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông bác-sĩ Mỹ đã hỏi tôi câu tiếng Pháp trước
khi thay mắt cho tôi.”
“Vâng. Đó là điều-kiện duy nhất để anh có thể nhận được con mắt của em. Nếu
không, chắc anh sẽ được thay bằng một con mắt khác.”
“Quý hóa thay tôi đã được mang một con mắt của một người dân của Kinh-Đô Ánh
Sáng! Ngay từ khi còn đi học, tôi đã mê những bài học về nước Pháp. Nhất là
Paris, thủ-đô của văn-học nghệ-thuật thế-giới. Tôi đã mê vườn Luxembourg, nhà
thờ Notre Dame de Paris, điện Panthéon, sông Seine, khu Saint-Germain-des-Prés
và nhiều, nhiều nữa những thắng-cảnh cuả nước Pháp đã là giấc mơ tuổi trẻ của
tôi.”
“Thì bây giờ, với con mắt của em, anh đã có thể thấy những cảnh vật ấy một cách
rõ ràng, nếu anh muốn.”
Biển chiều đột nhiên trở lạnh. Marie rùng mình, so đôi vai, đôi mắt mơ hồ nhìn
ra xa. Phương chợt hiểu, và chàng đã cởi chiếc áo jacket mỏng choàng lên vai
nàng. Marie xích lại gần Phương hơn để thêm chút hơi ấm. Hai người cùng im lặng
dõi mắt ra xa để nhìn từng đợt sóng vỗ vào bờ, tăng cái lạnh của buổi hoàng-hôn
trên bãi biển. Marie đột ngột đề-nghị:
“Anh có thể đưa em về nhà không? Em không chịu được lạnh.”
Phương hớn-hở như đứa trẻ được quà. Chàng đưa Marie về nhà.
Bước vào căn nhà của Phương, chợt Marie “ồ” lên và nói với giọng ngạc nhiên:
“Nhà anh đẹp quá! Đúng là tổ ấm của một kiến-trúc-sư.”
Giữa phòng khách, một chiếc “piano à queue” làm tăng thêm vẻ sang trọng của căn
nhà. Nàng liếc nhanh về góc phòng, một tủ sách đầy những sách đóng gáy vàng và
những cuốn tạp-chí.
Nàng bước đến gần và reo lên:
“Anh cũng thích tạp-chí Playboy à?”
“Vâng. Tôi mê đọc tạp-chí Playboy từ khi còn đi học ở Việt-Nam. Qua đến Mỹ tôi
là một độc-giả dài hạn của tạp-chí này liền. Đến nay, tôi đã có hơn ba trăm số
rồi.”
Marie nhìn chồng tạp-chí chừng vài chục cuốn, đang còn nằm trong bọc plastic mầu
đen, chưa bóc ra. Marie chợt hỏi Phương:
“Mấy cuốn này mới gửi đến hay sao?”
Phương chậm rãi trả lời:
“Bốn năm qua, dù tôi bị mất thị-giác, nhưng tôi vẫn tin có một ngày nào đó,
trong tương-lai, mắt tôi sẽ nhìn thấy được. nên tôi vẫn tiếp tục cất giữ
Playboy để ngày nào đó, sẽ đọc được. Nay là lúc tôi sắp lần lượt bóc nó ra và
nhìn những hình ảnh mà tôi đã một thời yêu thích.”
Marie cúi xuống, cầm những cuốn Playboy lên và nàng xé những bao plastic bọc
ngoài, rồi theo thứ tự năm, tháng, nàng tiếp tục xếp lên tủ sách của Phương
Phương đến ngồi trước đàn dương-cầm và chàng bắt đầu dạo bản nhạc “La
Marseillaise” như một ý nghĩa chào mừng Marie. Nàng hát theo “Allons enfants de
la Patrie...” cùng với giọng trầm trầm của Phương.
Phương trìu-mến nhìn Marie và xúc-động nói:
“Cô biết vì sao tôi chào đón cô bằng bản quốc-thiều Pháp không? Vì cô là V.I.P.
người Pháp của đời tôi đó!”
“Em cám ơn anh đã làm em nhớ lại quê-hương nghìn trùng xa cách của em, mà nay
em không thể về thăm được.”
“Marie! Còn bản nhạc này tôi sẽ đàn để tặng cô. Cô hãy lắng nghe như lời cầu
nguyện phước lành cho cô và tôi: “Ave Maria”.
Marie biết không? Chính nhờ cây đàn dương-cầm này mà tôi sống sót đến ngày nay.
Lúc mới bị mù, tôi vô cùng thất-vọng, chán nản và đã có ý định quyên-sinh, vì
thấy cuộc đời xem như đã tàn phế. Nhưng khi ngồi trước đàn, đặt tay lên phím
đàn, tôi lại yêu đời trở lại. Những nhạc phẩm cổ-điển đã dần dần chinh-phục tôi
trở lại. Ngày xưa, khi còn sáng mắt, mỗi ngày tôi chỉ dành hai tiếng đồng hồ để
thả hồn vào âm-nhạc. Khi bị mù, thì lúc nào đến với cây đàn, là tôi lại thấy
tâm-hồn bay bổng theo những nốt nhạc.
Lúc mắt sáng, tôi nhìn vào bản nhạc để chơi đàn mà nhiều lúc còn sai, chưa vừa
ý với những âm-thanh của mình phát ra. Còn khi mù, tai thính hơn, tay có lẽ dẻo
hơn, nên khi đàn có “nét” hơn.
Và Marie biết không? Bản nhạc “Ave Maria” mỗi ngày tôi đàn đi đàn lại hơn chục
lần, như đọc kinh nhật-tụng để cầu nguyện vậy. Cầu nguyện cho một ngày tôi sẽ
thấy lại ánh sáng, dù chỉ còn một mắt, nhưng cũng quý giá quá rồi. Và ngày ấy
đã trở thành sự thật nhờ từ-tâm của cô.
Mà cô biết không? Tên Marie của cô - cũng là Maria trong bản nhạc - người đã hiến
cho tôi con mắt đẹp để cho tôi tiếp tục nhìn đời và thấy đời sống có ý nghĩa.
Marie tiếp tục nghe Phương đàn thêm vài bài nhạc nữa. Hai người quay sang nói
chuyện vô cùng ý hợp tâm đầu. Trước khi ra về, Marie đề-nghị với Phương:
“Từ này, xin anh cho phép em thỉnh thoảng đến thăm anh, để nói chuyện với anh bằng
ngôn-ngữ mẹ đẻ của em.”
Nói xong, Marie khoan-thai bước vào con mắt xanh của Phương, khiến Phương ngơ
ngẩn như người mất hồn.
Những ngày vui lần lượt trôi qua. Cho đến một ngày kia, Marie đưa một thiếu-nữ
nói thạo tiếng Pháp đến thăm Phương với lời giới-thiệu:
“Đây là cô Jeanne, một người Canada chính hiệu. Cô nói tiếng Pháp rất sõi và là
người mang con mắt kia của em.”
“Chào Jeanne.”
“Chào Anh. Em xin tự giới-thiệu với anh, em là dân Canada sang Mỹ du-học và tốt-nghiệp
Y-tá. Em làm việc tại một bệnh-viện tại tiểu-bang California. Một ngày kia, em
vào làm việc tại một phòng thí-nghiệm và chẳng may phòng thí-nghiệm phát nổ, em
bị mù hai mắt. Em chờ đợi để được thay mắt trong mấy năm qua. Và em đã được
ân-nhân đây cho con mắt. Em cám ơn và cầu nguyện sao cho thấy được mặt ân-nhân
của em. Nay em đã được toại-nguyện. Cô đã nói với em: cô không muốn đôi mắt của
cô nhìn hai hướng khác nhau. Nên hôm nay, cô đưa em lại đây để được làm quen với
anh, cũng như để cho đôi mắt cô được gặp nhau. Em nhớ đến câu nói của nhà văn
Pháp Saint Exupéry: “Hai người yêu nhau là hai người cùng nhìn về một hướng”.
Marie tiếp lời:
“Em muốn hai con mắt của em từ nay sẽ cùng nhìn về một hướng.” Marie nhìn
Phương, rồi nhìn Jeanne với đôi mắt u buồn, phảng chút dịu hiền, pha chút tinh
nghịch.
Jeanne và Phương im lặng, không nói lời nào.
Qua lần gặp gỡ đó, Jeanne thường hay đến gặp Phương sau những ngày làm việc bận
rộn. Và tình yêu đến từ lúc nào, không ai biết.
* * *
Nhân ngày được nghỉ lễ “Memorial Day” năm nay, Jeanne và Phương đã đến
nghĩa-trang thành-phố Menlo Park, đặt một bó hoa tươi trước mộ-phần của
ân-nhân: “MARIE DE RAINIER 1973 –1999.” mà tối trước đó, hai người đã được
Marie báo cho biết nơi an nghỉ của nàng. Bùi ngùi trước ngôi mộ của ân-nhân,
Jeanne và Phương cùng nói với Marie: “Chúng tôi có ngày hạnh-phúc hôm nay là nhờ
lòng bác-ái của Marie. Và chúng tôi hứa với Marie sẽ giữ cho đôi mắt này gần
nhau mãi mãi.” Hai con mắt thật nhìn nhau và hai con mắt giả cũng chạm nhẹ
nhau, khi đôi môi của Jeanne và Phương chợt quấn quýt với nhau.
Chiều dần xuống, nghĩa-trang vắng lặng và buồn bã. Những chiếc lá rụng được gió
nâng lên và đuổi nhau chạy.
Phương nói:
“Chắc Marie cũng vui lây với “đôi mắt để lại cho đời” của mình.” Jeanne quỳ xuống,
làm dấu rồi lâm râm cầu nguyện.
Tâm-hồn hai người như đang bay bổng trong một khúc nhạc đê mê không lời.
Câu nói của nhà văn Saint-Exupéry thuở nào như văng vẳng đâu đây. Cùng với nhạc
khúc “Ave Maria” trỗi lên trong lòng hai người, cũng như hai trái tim cùng một
nhịp đập và đôi mắt cùng nhìn về một hướng.
PHƯƠNG
DUY Trương Duy Cường