03 May 2023

TỔ TRƯỞNG LÁI XE - Hoàng Thư

Chiều nay, Vinh ăn cơm sớm để đi họp tổ dân phố. Đường từ nhà đến trường tiểu học, nơi được chọn làm địa điểm hội họp, phải đi qua chợ Tròn. Quận lỵ nhỏ bé này có hai cái chợ không có tên, để phân biệt người ta gọi là chợ cũ và chợ mới, hay theo hình dạng là chợ dài và chợ tròn. Hai cái tên sau được ưa chuộng hơn nên lâu ngày thành tên chính thức. Chợ Tròn, là một phần của cư xá nhân viên nhà máy, được xây cất hình tròn với mái che vành khăn bằng bê tông rất đẹp, có bán gần đầy đủ các thứ cho nhu cầu ăn uống và tiêu dùng hàng ngày.

Chợ tuy nhỏ nhưng nằm ở vị trí thuận tiện, chung quanh là đất trống rộng rãi, phố xá khang trang nên sinh hoạt có phần thịnh hơn chợ dài nằm trên liên tỉnh lộ, cách đó chỉ hơn một cây số. Vinh còn nhớ, mỗi ngày vào giờ tan sở là ghe thuyền đánh cá tấp nập về cặp bến đối diện với chợ bên kia đường. Từng thùng lớn được khiêng lên chợ, một phần được bán tại chỗ, còn lại bao nhiêu sẽ chất lên xe tải để chở về thị xã và các tỉnh lân cận ngay trong đêm. Cá tôm còn sống nhảy soi sỏi trông thật hấp dẫn. Đặc biệt là tôm hùm thật to, món hải sản rất quí đối với dân ở tỉnh thành được chiếu cố nhiều nhất vì giá khá rẻ. Thêm một điểm đặc biệt nữa là chợ Tròn có tới hai quán cà phê bình dân, cống hiến khách sành điệu cà phê thơm ngon hơn ở Chợ dài rất nhiều. Bàn ghế cũng lịch sự thoải mái hơn. Vì thế, mỗi sáng sớm và chiều, trước và sau giờ làm việc, cả hai quán đầy người ngồi. Từ ngoài nhìn vào thấy cả trăm người, già trẻ lớn bé cùng một đồng phục công nhân của nhà máy đứng ngồi nhốn nháo, cười nói râm ran, người ta dễ có cảm giác vui vẻ và ấm cúng.

     Sinh hoạt phồn thịnh vừa kể đã thuộc về một thời khác, cái thời an bình hạnh phúc mới đó mà như đã xa xưa. Xưa như chuyện cổ tích, kể cho nghe để mà luyến tiếc, để mà uất hận. Có lâu lắc gì cho cam. Chỉ mới ba năm sau ngày nón cối dép râu tràn vào quận lỵ lục lạo đào xới từng nhà, từng tiệm buôn, hàng quán gọi là để truy quét tàn dư phản động, Chợ Tròn đã mau chóng biến thành hoang phế theo đà tiến công của bầy ma đói ăn cướp giữa ban ngày. Sau khi tạm ổn định tình hình, chánh quyền mới đã vừa đe dọa vừa khuyến dụ các chủ sạp và hàng quán họp chợ trở lại nhưng ít người hưởng ứng. Một số đông tài chủ và gia quyến đã âm thầm cho thuyền ra cửa biển. Tuy đã tận dụng bạo lực để kiểm soát và bắt bớ, tra tấn để khảo của nhưng bọn công an đã nhiều lần đấm ngực kêu trời vì chỉ trong một đêm có xã đã ra khơi hết hơn nửa dân số. Vào cuối năm 1978, ở đây, giá một người lên tàu vượt biên ngay tại cửa biển chỉ có hai chỉ vàng, đủ biết phong trào trốn chạy bọn quỉ đỏ của dân miền Nam đã lên cao tới mức nào. Hàng ngày chợ vẫn họp, nhưng cái không khí ồn ào nhộn nhịp mà kẻ chiến thắng gọi là “phồn vinh giả tạo” đã biến mất, thay vào đó là sinh hoạt uể oải của những người dân cũ hiền lành chất phác tự dưng được phong là chủ mới của đất nước đã được giải phóng khỏi sự áp bức, những ông bà chủ mặt mũi vêu vao, rất kiệm lời nói và lúc nào cũng dáo dác, mắt trước mắt sau coi chừng công an theo dõi.

     Vinh thả bước qua ngang chợ, hàng quán lèo tèo thưa thớt nên ngôi chợ chẳng có một chút sinh khí nào. Quán cà phê nằm ngay bên trái lối vào chợ được phép mở lại nhưng rất ế ẩm, không phải pha cà phê dở mà chỉ vì ai cũng biết chủ mới là gia đình cách mạng nên sợ lúc ngồi uống với bạn bè lỡ miệng nói đụng chạm chính quyền bị chủ quán báo cáo thì tai vạ khó lường. Nghe từ trong chợ có tiếng người gọi tên mình, Vinh nhìn vào thấy Ba Lến đang vẫy tay. Có hai người cùng ngồi uống cà phê với Ba Lến, một người ngồi quay lưng ra còn người kia là Hải, bí thư đoàn thanh niên của nhà máy. Vì thấy ngồi chung với hai người “cách mạng” mới thật khó nói chuyện , Vinh muốn tránh nên dừng bước, lắc đầu và chỉ tay về hướng trường học tỏ ý từ chối. Ba Lến vội chạy ra. Hải cũng chạy theo. Cả hai nắm tay Vinh kéo vào quán. Ba Lến cười “Vô uống cà phê với tụi tui cho vui Ông ơi ! Họp dân phố mà có gì quan trọng. Chủ trì bữa nay là Sáu Lăng. Cái thằng huyện ủy viên “cóc cắn” này ngán tui lắm, Ông  đừng lo !” Vinh nghĩ đây là lời thật, hứa bảo đảm an toàn vì biết Ba Lến không có tật khoác lác, nhưng giọng cười hệch hạc của anh ta đã làm giảm phần nào giá trị hào khí của một tay tổ. Vinh chưa kịp ngồi xuống ghế, người khách thứ ba là Bê đã đứng lên gật đầu chào. Bê, một thợ máy giỏi đã làm việc nhiều năm với Vinh, là một tay hảo hớn rất ngay thẳng và tốt bụng. Với chế độ mới, Bê chưa hề làm gì sai trái nhưng vẫn là đối tượng bị canh phòng chỉ vì có đạo Hoà Hảo. Nếu không phải do tình cờ gặp nhau trong chợ thì cuộc họp mặt tay ba này hơi lạ. Một người “có vấn đề” ngồi chung bàn với bí thư đoàn thanh niên và tổ trưởng lái xe có thân nhân là cán bộ gộc, rồi lại lôi kéo thêm một kỹ sư “ngụy” đang bị quản chế, vào một thời điểm mà mọi sinh hoạt của dân chúng không qua được con mắt rình mò của công an chìm nổi, thì liệu có ổn không. Vinh tự nhủ có lẽ mình lo xa quá, có lo cũng không được, chỉ nên thận trọng lời nói thôi.

     Hải giơ tay ngoắc chủ quán, quay sang hỏi Vinh “Cà phê đá nghe Ông Thầy?” Vinh nhìn Hải nói nhỏ “Thầy bà gì nữa chú em!” Ba Lến nghiêm giọng  “Dù gì đi nữa thì Ông vẫn là Ông Thầy của ba đứa tôi. Phải không chú Bê? ” Bê ngồi thẳng người lên cho ra vẻ trịnh trọng “Anh Ba nói đúng lắm. Tui lên trưởng toán nhờ một tay ổng. Còn thằng Hải, không có ổng dạy dỗ thì giờ này còn là phu thường, chứ đâu có được làm thợ hàn! ” Vinh xua tay “Chuyện xưa rồi. Giờ mình nói chuyện khác đi! “ Hải nhìn Vinh một lúc, có vẻ ngần ngại và lúng túng trước khi mở lời “Em là đứa ít học nhưng cũng biết nhân nghĩa ở đời nên không bao giờ quên công ơn của Ông Thầy. Em có muốn làm bầu thư, bí thư gì đâu Làm việc này bị nhiều người xa lánh, em thấy buồn lắm! ” Vinh biết Hải đã cố gắng lắm mới bày tỏ được nỗi lòng như vậy, vì chàng thanh niên hiền lành, chất phác này làm việc siêng năng nhưng rất ít nói. Ly cà phê được mang đến. Để phá tan không khí nặng nề sau câu nói của Hải, Vinh vừa quậy cho tan đường vừa đùa “Vậy mới là có thủy có chung. Ông Thầy đang cần vài “cây” để sắm lưới đi đánh cá, có ai giúp được không ?” Ba Lến vỗ đùi, cười ha hả “Có khó gì. Tôi lo được. Ra khơi liền đêm nay, ông dám hôn ?!” Bê hưởng ứng ngay “Lâu dữ rồi không chơi xì phé. Anh đang tháu cáy phải không anh Ba?!” Câu chuyện trở nên rôm rả và xoay quanh đề tài vượt biên. Vinh đã mở màn và lái buổi nói chuyện tay tư vào chuyện thời sự này vì muốn nhắn cho tụi nó biết mình sẽ không đi đâu cả vì một lý do đơn giản là không có tiền. Trước đây, cả ba người đều là nhân viên dưới quyền và được Vinh tận tình giúp đỡ, nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi. Ba Lến có em là ủy viên trung ương, hồi kết, đang làm lớn ở Saigon. Cha của Hải là bí thư tỉnh nhà. Hai cán bộ “cách mạng” mới này đang thực sự nghĩ gì hay có công tác bí mật nào thì chỉ có Trời biết, nhưng cả hai đều không đủ khả năng để khai thác “ông Thầy” của họ đâu. Chẳng thà mình nói trước, tin hay không cũng được, còn hơn chờ nghe những lời bẽ bàng. Chỉ những người quá đần độn hoặc bất cần đời mới không biết là những trí thức của chế độ cũ luôn bị theo dõi chặt chẽ. Ngoài việc ngăn ngừa sợ phá hoại, họ cần biết người nào đang chuẩn bị hay có ý định vượt biên để kịp thời đối phó.

     Cuộc họp mặt được kể là vui, cà kê dê ngỗng kéo dài vì không ai muốn chấm dứt. Đối với Vinh, mấy giờ ngồi quán này xem ra không uổng phí thì giờ vô ích mà còn đem đến cho Vinh cảm giác được an ủi vì hai người nhân viên cũ của mình, trong hoàn cảnh mới, vẫn còn lo ngại cho sự an nguy của người xếp cũ. Khác với dự đoán của Vinh, Hải không hề biểu lộ ý tưởng dò xét, trái lại còn khuyến cáo nên thận trọng vì đang bị theo dõi, bằng những lời bóng gió, xa gần rất vụng về. Kể ra thì tên đệ tử cũ có tiến bộ sau nhiều ngày tập ăn nói, nhưng chưa trở thành hung ác. Ba Lến là người nói nhiều nhất, to giọng nhất, với một thứ ngôn ngữ tuềnh toàng, kèm theo giọng cười hệch hạc dễ dãi làm cho người nghe thấy vui nhiều hơn ái ngại, dù câu chuyện có lúc đi quá đà trở thành một thứ “bôi bác”, nói theo thời thượng, mà người dân thường không dám nói.

     Trước đó hai tuần, phái đoàn nhân viên kỹ thuật của nhà máy đã trở về sau chuyến công tác ra Bắc để tiếp nhận rồi lái về Nam bốn xe tải đá do “nhân dân nước bạn Mê-hi-cô tặng  nhân dânViệt Nam”. Đây là nguyên văn dòng chữ đã được kẻ hai bên thùng xe. Đọc xong, mọi người đều hiểu đây là lô hàng viện trợ đến từ một xứ nào đó có cái tên nghe rất “thần thoại” không biết là nước nào. Ai thắc mắc hỏi thì được trả lời là “Sao kém hiểu biết thế, Mê-hí-cồ là nước bạn Mễ Tây Cơ sát nách đế quốc Mỹ đấy!” Khi sắp xếp nhân sự cho chuyến công tác đặc biệt này, Ba Lến được chọn làm tài xế lái chiếc microbus chở phái đoàn ra Bắc, nhưng sau đó Ba Lến và người thợ máy xe hơi được thay thế bằng một thợ máy khác có bằng lái xe. Ba Lến bất mãn nhưng không dám phản kháng. Khi trở về, phái đoàn mang theo nhiều chuyện đường xa xứ lạ rất lý thú. Những chuyện này, qua tài châm biếm cộng với nỗi buồn đã bị bỏ rơi, Ba Lến đã “nghe sao kể vậy” để trở thành chuyện tiếu lâm được rỉ tai truyền tụng sau đó. Chuyện thứ nhất là ăn uống. Phái đoàn đã chọn phở làm món tiêu biểu và ăn thử ở mỗi trạm dừng từ Saigon, xem như là nơi xuất phát, ra đến trạm cuối là Hà Nội, để so sánh “chất lượng”. Nói là phái đoàn, chứ thực ra chỉ có mấy anh tài xế trong đoàn bàn riêng với nhau, không cho hai kỹ sư lưu dung, trưởng và phó đoàn cùng tên bộ đội có vũ khí đi theo làm bảo vệ biết. Kết quả được ghi nhận là càng xa Saigon phở càng dở và ít thịt. Ra khỏi Huế tô phở bò trở thành phở “không người lái” vì chỉ có bánh và nước. Khi đến thủ đô Hà Nội, quê hương của phở Bắc, thì tô nhỏ lại thành bát và phở có được một ít thịt bò dai hơn cao su, nên được chấm điểm là thứ phở tệ nhất nước. Thứ nhì là chuyện “bồi dưỡng”. Khi đến nơi, phái đoàn từ miền Nam, “thành đồng” tổ quốc, được đón chào niềm nở. Tuy hội trường không có cờ xí rộn ràng nhưng cũng có diễn văn chào mừng và nhiều thủ tục quá rườm rà cho việc giao và nhận bốn chiếc xe tải đá. Sau lễ bàn giao kéo dài, mọi người đã thấm mệt vì chiếc micro thổ tả cứ lâu lại hú lên như tra tấn lỗ tai khán giả, phái đoàn nôn nóng chờ tới giờ dự tiệc “bồi dưỡng”. Kể tới đó, Ba Lến ngừng lại cười hì hì, quét tia nhìn qua ba thính giả đang chờ, nói tiếp “Mấy cha biết hông, tiệc dọn ra cứ bốn người một suất, cũng đủ ba món. Không có bia bọt gì ráo, ăn xong uống trà và tráng miệng với kẹo bột. Khi lên xe về nhà nghỉ, thủ trưởng phái đoàn than :mả mẹ nó, thức ăn cho lợn chắc chúng chả thèm!” Ba Lến tạm xả hơi bằng một tràng cười hô hố rất khoái trá. Chuyện chưa chấm dứt. Khi phái đoàn đến bãi chứa để trình giấy nhận xe lại phải chờ vì chìa khoá công tắc của cả bốn xe tải đều thất lạc tìm không ra. Dùng dằng mãi không xong vì hai thủ trưởng còn cãi cọ lớn tiếng trong văn phòng. Trưởng phái đoàn mặt hầm hầm bước ra “Găng quá. Nó đòi phải trả một trăm đồng cho mỗi chìa khoá xe. Hỏi khoản tiền gì hắn bảo là tiền bồi dưỡng cho anh em đi tìm chìa khoá. Bồi dưỡng cái mả mẹ chúng nó !!” Cuối cùng, phái đoàn chịu thua phải điện về nhà máy xin gởi tiền ra. Cơm ghe bè bạn, phải ở lại chờ mất ba ngày mới có tiền giao nộp. Trao chìa khoá cho bốn tài xế xong, trưởng đoàn ban lệnh lên đường xuôi Nam ngay. Nhảy thót lên xe, trước khi xe lăn bánh anh ta còn kịp quay lại nhìn bãi chứa xe, gầm lên một cách uất hận “Mả bổ nó, đây mới thật là bồi dưỡng!”

     Ba Lến làm tài xế cho nhà máy đã nhiều năm dưới tên Trịnh Văn Lên. Sau ngày đất nước đổi chủ anh cũng đổi tên mới chỉ thêm một dấu sắc vào tên cũ. Theo lý lịch mới khai, anh thuộc gia đình “cách mạng” có nhiều bà con tập kết ra Bắc sau hiệp ước đình chiến 1954. Anh kể là, năm 1975 trong ủy ban tiếp quản thành phố Saigon có một người em trai của anh giữ chức vụ cao trong ủy ban nhân dân thành phố. Ba Lến được đảng ủy nhà máy nể nang và đề cử làm tổ trưởng lái xe. Trở thành người có chức phận, Ba Lến nói năng vẫn xuề xòa, bớt văng mạng như trước kia nhưng không hề tỏ ra hợm hĩnh như phần đông dân “cách mạng 30”, nên anh vẫn được nhiều người quí mến. Sau bữa ngồi uống cà phê ở Chợ Tròn, trước thái độ của Ba Lến Vinh có dịp suy nghĩ về mối giao tình giữa hai người đã trở nên nhạt nhẽo xét cho cùng bắt đầu từ sự e dè của chính mình, như một cách thủ thế của người sa cơ để tự vệ trước kẻ chiến thắng và những người theo đuôi, chứ không phải do Ba Lến đã biến chất, thần phục để trở thành tay sai cho bạo quyền. Vinh còn để ý thêm một điều là Ba Lến không thật tình nể phục bọn cán bộ, kể cả đảng ủy của chính quyền địa phương, và đã không giấu diếm điều này. “Tao rành sáu câu thằng . . . đó quá mà!”, Ba Lến thường nói như thế với người đối thoại khi câu chuyện đề cập tới đa số cán bộ ở địa phương, và có những nhận xét, phê phán rất xác đáng về việc làm của họ. Tỉ dụ như Sáu Lăng, một cán bộ điển hình và tiêu biểu cho chế độ mới. Họp dân phố hắn nói rất nhiều, nói dai nói dở, vừa theo bài bản vừa cương ẩu nên đã làm trò cười mà không hay. Ngón đòn khủng bố tinh thần của hắn là chụp mũ “điệp” cho nạn nhân. Điệp của hắn có nghĩa là tình báo, mà gắn gọi là “bọn A-xê-a”, ý muốn nói CIA. Ba Lến tặng cho huyện ủy viên Sáu Lăng biệt hiệu “thằng dốt nói chữ nho”.

     Huyện nhà phát động nhân dân tham gia phong trào thủy lợi, đào kinh tháo úng và xả phèn ra sông để cải thiện thu hoạch cho các ruộng lúa. Ba Lến gặp Vinh nói “Có ai đến kêu đi đào kinh, ông cho tui hay nghe, tui sẽ xin miễn. Thủy lợi, thủy hại cái gì, tụi nó bày chuyện để moi tiền dân chúng thôi, tui rành sáu câu vụ này quá mà!” Công an xã vừa đến từng nhà kiểm tra nhân hộ khẩu, lập danh sách xong thì có cán bộ tới khuyến khích và ghi tên những ai muốn đóng tiền mướn người thay thế. Giá biểu không thống nhất, dân thường 20 đồng tiền mới cho một tháng, chủ tiệm chủ sạp 100, còn chủ ghe chủ lò vôi 200. Thiệt là biết làm ăn. Phong trào khởi sự rầm rộ, lễ xuất phát với cờ trống tưng bừng, có tỉnh ủy xuống chứng kiến. Thế nhưng, chỉ sau vài tuần dân công vắng dần vì đủ thứ lý do nên phải ngưng công tác. Cán bộ huyện phải họp kiểm điểm nội bộ. Số nhân dân đã đóng trước ba tháng tiền thuê người làm thay tới ủy ban đòi lại tiền thì gặp thầy đổ bóng, bóng chỉ thầy nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Công trình đầu voi đuôi chuột này lại là sự may mắn cho một số đông nông dân nơi kinh đào chưa tới. Bọn lãnh đạo bất trí và vô lương này không hiểu rằng đào kinh thoát thủy ra sông gần cửa biển như ở thị trấn này, khi thủy triều lên nước mặn sẽ tràn vào ruộng làm hư hết hoa màu. “Mất mùa là bởi thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài đảng ta”. Câu “đồng dao” chở nặng tính khôi hài và vô liêm sỉ này được truyền tụng nhiều ở hai miền Bắc và Trung. Miền Nam may mắn hơn, mưa nắng hai mùa, canh tác thuận lợi nên dân chúng ít nghe rêu rao. Chỉ ở cái rẻo đất nghèo khó nơi tận cùng đất nước này “thiên tài” đã làm đời sống nông dân vốn cơ cực lại càng khốn đốn hơn.

     Nếu không phải là người cùng hàng ngũ hay đã từng làm những việc tương tự thì không thể “rành sáu câu” như thế. Làm việc cho nhà máy lâu năm, Ba Lến là một tài xế gương mẫu, chắc chắn không làm gì phương hại đến an ninh chung. Nếu có mà không bị phát giác thì sau 1975 anh ta đã được công khai lãnh công cán của một tay nằm vùng. Hồ sơ cá nhân mà sở của Vĩnh có trước đây ghi rõ Ba Lến làm phụ xế từ năm 16 tuổi, rồi thi đậu bằng lái làm tài xế xe vận tải ở một công ty vận chuyển Saigon Nam Vang. Sau đó, lái xe đò hành khách đường miền Trung. Tới khi có đứa con thứ tư, vì không muốn thường xa gia đình nên Ba Lến xin vào làm việc cho nhà máy. Như vậy, kê khai nghề nghiệp của Ba Lến là một chuỗi liên tục, không có khoảng trống nghi ngờ hoạt động cho địch. Lý lịch đi theo đơn xin việc cho một xí nghiệp quốc doanh như nhà máy này đã được cơ quan an ninh điều tra rất kỹ. Chẳng lẽ, phe ta đã bỏ sót một hồ sơ. Thực tình mà nói, là một cấp chỉ huy kỹ thuật hiền lành và thương người, đối với thuộc cấp có sai lầm chỉ giơ cao đánh sẽ, nên từ ngày bị đưa trở về nhà máy Vinh không bị nhân viên cũ “phản ảnh” hay vu cáo chuyện gì cả. Những tai họa đã đến toàn xuất xứ từ chính quyền địa phương và đã được nhà máy hoá giải. Vinh không biết rõ nhưng cảm thấy có một liên hệ “dây mơ rễ má” nào đó giữa đảng ủy nhà máy và địa phương, nên kẻ đánh người đỡ giùm chỉ là một “hợp đồng” của khủng bố và khoan hồng, đạo đức giả tạo. Trong hoàn cảnh như vậy, đối với những thuộc cấp cũ nay đã trở thành cán bộ cách mạng Vinh thấy chỉ nên duy trì sự dè dặt hơn là tìm cách xa lánh có thể gây hiểu lầm không hay. Tuy không mong đợi nhưng biết đâu họ có thể giúp được phần nào, như việc cảnh giác thôi cũng kể là tốt rồi.

     Sau ngày được thả với cái án treo “đầu độc thiếu nhi” Vinh biết rõ mình bị theo dõi gắt gao hơn, từ trong nhà máy cho đến bên ngoài. Chiếc bàn viết nhỏ của Vĩnh ở văn phòng không chứa thứ gì là của riêng tư, mặt bàn trống, kệ hộc chỉ có vài tài liệu thuần túy kỹ thuật. Vinh đã thử nhiều lần, trước khi ra về xếp các xấp tài liệu và tạp chí có đánh dấu vào ngăn kéo, ngày hôm sau đã được một bàn tay sắp lại mất dấu cũ. Ở nhà, cách vài hôm Vinh thả bộ hóng mát sau khi ăn cơm chiều. Cứ ra khỏi nhà một lúc là có người theo một cách lộ liễu như cố ý cho biết đang bị rình rập. Cả Ba Lến và Hải đều khuyên Vinh nên cẩn thận và nói xa nói gần ngụ ý Vinh nên rời bỏ nơi này là tốt nhất. Sự ân cần của hai người nhân viên cũ đã làm cho Vinh xúc động, nhưng không thể thố lộ là mình đang chuẩn bị cho một chuyến vượt thoát sinh tử sắp tới. Ở hoàn cảnh của Vinh, cách duy nhất có thể làm được là tỏ ra tích cực trong mọi công tác của nhà máy và địa phương. Cẩn thận cách mấy cũng không thể thay đổi được vận mệnh. May rủi sắp tới đành phó thác cho số phần thôi. Đảng muốn rình rập thì cứ làm, thu xếp xong là ta giã biệt quê hương tội tình và bất hạnh này, vì không còn con đường nào khác. Vinh thường có tâm trạng bồn chồn lo lắng trong những ngày chờ đợi dài đăng đẳng này.

     Xe buýt dừng trước cổng, mọi người xuống xe nối bước đi vào nhà máy. Hình như ai cũng tà tà không gấp rút vì biết công việc cực nhọc đang chờ, hơn nữa còn phải đi hàng một qua cổng. Hai tên bảo vệ có mang súng đang nhìn chăm chăm vào từng công nhân, thỉnh thoảng chận lại một người để tra xét. Một ngày như mọi ngày, Vinh theo đoàn người lam lũ, cứ nhắm bước chân người đi trước mà đi hay dừng lại, không trò chuyện với ai và cũng không nghĩ ngợi điều gì. Qua khỏi trạm gác cổng, Vinh thấy xe đậu đầy trước khu hành chánh. Ngoài những xe của ban giám đốc và đảng ủy còn có hai chiếc xe công an. Trước khi rẽ vào sở làm ai cũng chậm bước nhìn bãi đậu xe. Tuy ngạc nhiên vì đây là chuyện bất thường nhưng không ai thốt lên lời nào cả, chỉ tự hỏi không biết lần này ai là đối tượng của bộ máy trấn áp. Khi Vinh đến xưởng, ông thư ký già báo cho biết là quản đốc phải đi họp đột xuất, nhắn Vinh cứ tiến hành phân công tác cho các toán thợ đừng chờ. Vinh suýt bật cười vì mỗi buổi sáng, giờ phân công, Bảy Phi cũng thường có mặt, lâu lâu xen vào một câu vô thưởng vô phạt để ra vẻ là cấp chỉ huy chứ hắn có biết ất giáp gì về kỹ thuật hay công việc. Không có quản đốc mọi việc cũng xong, vì Vinh cũng phải làm “chủ nhà máy” như mọi công nhân khác thôi. Vinh về văn phòng, ngồi được một lúc thì Hải gõ cửa rồi cầm một mớ đũa hàn điện bước vào. Khác với những lần trước được chỉ dẫn xong là đi ngay, lần này Hải cứ nấn ná, lần khân với những chuyện không đầu không đuôi làm cho Vinh phải nhắc nhở mới trở về xưởng hàn. Khi Hải đi rồi Vinh chợt nhớ là mình đã dạy cho Hải về đặc tính và cách sử dụng loại đũa hàn này rồi, khoảng một tháng trước. Hình như Hải chỉ mượn cớ gặp Vinh vì một chuyện khác nhưng cứ ấp úng mãi không nói được. Vinh linh cảm thấy thái độ của Hải có liên quan đến sự hiện diện của hai xe công an ở nhà máy hôm nay. Linh tính này đã làm cho Vinh suy nghĩ vẩn vơ khiến đầu óc căng thẳng cả ngày. Chiều hôm đó, khi tan sở Hải chờ Vinh ở cửa xưởng để cùng đi ra cổng. Trên đường đi, Hải nhìn thẳng và nói “Có tin không hay, em cho anh biết nhưng anh đừng lo lắng. Tối nay, công an sẽ đến nhà mời anh đi họp. Anh cứ đi, đừng phản kháng. Có gì tụi em sẽ lo cho anh”. Nói xong, Hải bước nhanh tới trước rồi rẽ vào phòng hành chánh. Trên xe buýt về nhà, Vinh suy nghĩ miên man về lời dặn dò của Hải. Chắc là Hải đã biết chuyện gì sẽ đến nhưng không nói rõ, có thể là không được phép tiết lộ hay không muốn làm cho Vinh lo sợ rồi bỏ trốn hay có phản ứng bất lợi. Vinh tự hỏi “tụi em” là Hải với những ai và làm sao để “lo” nếu Vinh lại “có gì”, nhưng không tìm được giải đáp. Trước tin xấu này, Vinh không hoảng hốt và lo sợ mà chỉ cảm thấy tức giận. Vinh lại nhớ đến câu nói của bộ trưởng xây dựng đe dọa khi kỹ sư lưu dung trở lại nhà máy “Các anh như cá nằm trong rọ, vẫy vùng lắm chỉ trầy vi tróc vẩy nhiều thôi!” Làm thịt con cá thì được một bữa nhắm, còn trừ khử một kỹ sư “ngụy” sẽ được gì. Có lẽ phải được nhiều thứ. Bọn răng đen mã tấu sẽ được hả hê và lập trường giai cấp sẽ được biểu dương ...  Vì thế, nói một cách “lô gích”, phải là kỹ sư “cách mạng” cộng trừ không xong, viết chữ o không tròn mới là “vốn quí” để xây dựng đất nước. Về đến nhà, tắm rửa, cơm nước xong Vinh thay một bộ đồng phục mới rồi bình thản ngồi chờ. Mặc quần áo ka ki không phải để ra vẻ công nhân mà chỉ phòng hờ, nếu bị giam giữ như lần trước thì sẽ dãi dầu được một thời gian.

     Trời vừa sụp tối là xe công an tới “mời” đi làm việc. Vinh im lặng lên xe không thèm hỏi lý do. Xe chạy đến trường tiểu học, Vinh thấy trước cổng trường đã đậu sẵn hai xe chở đầy “bò vàng” và một chiếc khác đang chạy ra. Trường tối thui, chỉ có một phòng học mở đèn sáng, bên trong lố nhố nhiều bóng người. Lúc xuống xe, hai tên công an đi kèm hai bên đưa Vinh vào phòng. Vinh bình tĩnh đưa mắt nhìn quanh. Trên bảng đen kẻ một hàng chữ to bằng phấn màu đỏ “Toà án nhân dân”. Chiếc bàn của giáo viên được kê sang bên phải, có hai người ngồi sẵn, một bộ đội không đeo cấp bậc với chiếc “sắc cốt” và súng ngắn để trên bàn, một thanh niên bận thường phục ngồi kế bên. Phiá bên trái có tám ghế đầy người ngồi, nam nữ trẻ già đủ mặt, trong đó có Hải. Thấy Vinh bước vào Hải gật đầu và cười. Lớp học có hai dãy bàn ghế dài, một bên có hơn mười người, Ba Lến ngồi phía ngoài ở bàn trên cùng. Tên bộ đội chỉ tay yêu cầu Vinh ngồi bàn đầu bên kia, hai tên công an ngồi hai bên. Tên bộ đội đứng lên tuyên bố khai mạc phiên tòa. Hắn tự giới thiệu là thượng tá L. của quân đội nhân dân, chủ trì phiên tòa, kế bên là đồng chí ủy viên “công tố”. Tám người ngồi ở dãy ghế bên trái là “bồi thẩm” nhân dân. Phiên xử có sự hiện diện của 15 “đại biểu” quần chúng nhân dân ngồi phía dưới. Bị cáo là Nguyễn Trọng Vinh, kỹ sư chế độ “ngụy”, can tội cấu kết với tình báo nước ngoài. Như vậy, trong căn phòng đầy sát khí này toàn là nhân dân với đồng chí, cùng nhau bất ngờ nhóm một phiên “toà”, dùng luật rừng để xử một kẻ thù của nhân dân mang tội danh tày trời. Tên “công tố” đứng lên, nhìn Vinh bằng đôi mắt căm hờn rồi cúi xuống xấp giấy cầm trên tay lớn tiếng đọc với một giọng đanh thép đầy thù hận. Bản “cáo trạng” dài cả tiếng đồng hồ, toàn những lời lẽ sắt máu , đao to búa lớn. Hầu hết quần chúng nhân dân ngồi ở dưới cứ ngớ mặt ra có lẽ ngạc nhiên vì đã không được báo trước sẽ dự một phiên tòa xử một kỹ sư được mang ơn vì trước đây đã giúp đồng bào thị trấn có nước ngọt uống quanh năm với một tội trạng quá khủng khiếp. Thấy có nhiều  “đại biểu”” cứ quay qua quay lại xì xào bàn tán không nghiêm túc lắng nghe, hắn ngừng nói, bực dọc nhìn đám nhân dân đang ngơ ngác một lúc rồi kết luận:

      “Tôi yêu cầu mọi người lắng nghe. Tội cấu kết với tình báo Mỹ của tên NTV đã được quần chúng phản ảnh với các bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi được. Hành vi phản động của V đã bị cách mạng ghi chép đầy đủ, thí dụ như vào giữa năm 1974  NTV đã làm việc với ba sĩ quan tình báo Mỹ, hai nam một nữ từ xa đến, sau đó đã hướng dẫn tụi nó đi tham quan thị trấn. Còn bọn sĩ quan Mỹ đóng ở quanh đây vào nhà máy liên lạc với V rất thường xuyên. Còn một bằng chứng hùng hồn khác xin các đồng chí lưu ý. Cách mạng đã đặt được “chân rết” trong hầu hết cơ quan của “ngụy quyền”, kể cả dinh Độc lập, còn nhà máy này chúng ta không cài người vào được vì tổ chức tình báo ác ôn của tên V đã hoạt động quá hữu hiệu. Bây giờ mời các đồng chí cứ mạnh dạn tố cáo và vạch rõ tội ác của tên NTV đối với nhân dân.”

     Sau vài phút nhốn nháo, một mẹ chiến sĩ đứng lên nói lớn:

      “Tui nhứt trí với đồng chí phải xử tội ông kỹ sư Vinh thiệt nặng, cho tởn tới già ”.

     Có vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt chiếu lệ dưới phía quần chúng, tiếp theo là những tràng cười vỡ ra nghe rất khoái trá. Tên thượng tá mặt bủng da chì cau mày khó chịu, nhìn xuống hàng ghế chót hất hàm ra hiệu. Một ông già râu dài có khuôn mặt quắc thước đứng lên giơ cả hai tay lên trời, cố nói thật lớn với giọng khàn đặc:

      “Cách mạng muôn năm. Tui thay mặt nông hội của thị trấn nhứt trí với đồng chí về tội ác không thể chối cãi của anh Vinh. Đề nghị xử án nặng, tỉ dụ như tử hình”.

     Phòng xử án đột nhiên im lặng ngột ngạt như ngưng cả hơi thở. Tên bộ đội đứng lên, quắc mắt nhìn xuống mười mấy nhân dân đang ngồi im như tượng gỗ, cất giọng hằn học:

      “Sao lại im lặng như thế ? Phải noi gương tinh thần phát huy triệt để tính giai cấp như đồng chí Tư Luông vừa làm để trấn áp bọn phản động”

     Không chờ ai nói thêm, Ba Lến giơ tay rồi đứng lên bước ra khỏi băng ghế ngồi, nhìn thẳng vào mắt tên thượng tá nói lớn:

      “Tôi là Trịnh Văn Lến, tổ trưởng lái xe của nhà máy, xin phát biểu với tư cách là công nhân vừa là gia đình có công với cách mạng. Tôi thấy phiên toà nhân dân bữa nay không hợp lệ vì xử một kỹ sư mà không có đại diện của giám đốc và đảng ủy nhà máy. Thêm nữa, tố cáo anh Vinh làm tình báo cho Mỹ là sai lạc, không có căn cứ. Tôi dám nói như vậy vì trước đây tôi đã từng là tài xế của kỹ sư Vinh.” 

     Tên thượng tá nhấp nhổm như ngồi trên lửa:

      “Đồng chí có dám đưa ra những tư liệu khác với những bằng chứng do nhân dân ghi nhận và báo cáo không?”

     Ba Lến nhướng mắt nhìn “quan toà” :

      “Đừng nói là dám hay không. Tui xác nhận đó là những lời vu cáo. Xin nhắc lại, vì lúc đó tôi lái xe cho kỹ sư Vinh nên tôi biết rõ hơn ai hết. Thứ nhứt, năm 1974 có ba người ngoại quốc, đúng là hai ông và một bà, xuống nhà máy làm việc trong ba ngày với các kỹ sư của nhà máy, chứ không phải một mình anh Vinh. Ba người đó là kỹ sư từ bên Pháp qua giúp tân trang nhà máy chứ không phải là tình báo Mỹ đâu mấy ông ơi! Thứ hai, tụi sĩ quan cố vấn Mỹ, từ bên tiểu khu lúc đó, lái xe díp qua nhà máy để nhờ sửa xe, bơm bánh xe hay sạc bình ắc qui thôi chứ không phải liên lạc tình báo tình beo gì hết. Tôi túc trực ở xa xưởng nên tôi biết rành. Anh Vinh làm trưởng Cơ xưởng và Xa xưởng thì tụi nó phải kiếm ảnh chứ kiếm ai?!”

     Quay xuống nhìn quần chúng nhân dân, Ba Lến tiếp lời:

      “Ở đây có anh tư Luông, chị hai Ánh, thím bảy Lượm, và còn nhiều người nữa đang hiện diện trong phiên toà, là những người sống lâu năm ở thị trấn này có thể làm chứng cho lời khai của tôi. Mấy người chắc còn nhớ, nước lọc để uống chỉ cung cấp cho nhân viên của nhà máy thôi chứ dân chúng bên ngoài đâu có tiêu chuẩn. Bà con mình xin mua nước uống, suốt nhiều năm kỹ sư Vinh đã biểu xe bồn chở nước tới cho không. Chính tôi là người lái xe chở nước nè, chắc cô bác chưa quên phải hông? Kỹ sư Vinh đã ra lịnh cho tôi không được lấy tiền của bất cứ người nào. Một người như vậy có phải là thành phần ác ôn không, xin lên tiếng đi!”

     Lúc này, quần chúng của cách mạng lại trở thành bà con cô bác của Ba Lến, người phương xa đến sinh sống ở thị trấn này đã hơn 14 năm vì trên những khuôn mặt chơn chất của họ hiện lên vẻ xúc động. Lời lẽ thật thà của Ba Lến đã thuyết phục được những người dân hiền lành đang bị ép buộc tiếp tay cho quỷ sa tăng. Thấy bà con bàn tán xôn xao, “chủ trì” xua tay:

      “Đề nghị các đồng chí giữ trật tự để ta tiến hành vụ án”.

     Quay sang Ba Lến, hắn giận dữ:

      “Anh Ba muốn bao che cho bọn phản động phải không? Anh lấy gì để bảo đảm cho lời phát biểu của anh?”

     Ba Lến bình tĩnh trả lời :

      “Như đã báo cáo, tôi là một công nhân thuộc gia đình cách mạng. Tôi sẽ lấy cái mạng của tôi ra bảo đảm cho kỹ sư Vinh”.

     Thượng tá L. đặt tay lên khẩu súng trên bàn, cười khinh khỉnh:

      “Anh đang đùa đấy anh Ba! Gia đình cách mạng của anh còn ai dám bảo đảm cho bị cáo không?”

     Chỉ chờ có thế, Ba Lến móc trong túi áo ra hai mảnh giấy xé từ vở học trò, nói lớn:

      “Có liền đây, thưa bà con! Người sẵn sàng đứng ra bảo đảm là  em ruột của tui tên là TNT, ủy viên trung ương đảng hồi kết năm 1975, hiện giờ đang làm trưởng ban tổ chức của ủy ban nhân dân thành phố HCM. Đây là tờ giấy ghi rõ tên và địa chỉ của em tôi, nếu cần các đồng chí cứ liên lạc để xác minh.”

     Ba Lến bước tới trao cho tên thượng tá một tờ giấy và bước qua đưa cho Hải một tờ:

      “Nhờ chú Hải đưa cho bà con coi”.

     Tên thượng tá nhìn tờ giấy thật lâu, những nét hung ác trên khuôn mặt hắn biến dần thành vẻ bần thần nghĩ ngợi. Khi hắn to nhỏ bàn riêng với tên thanh niên ngồi cạnh, Hải cũng tranh thủ thì giờ chuyển tờ giấy cho tám người của bồi thẩm nhân dân xem qua, rồi chuyển xuống dưới cho mọi người cùng coi. Cả phòng xử án bàn tán xôn xao. Hải nhìn Vinh cười, đứng lên giơ tay:

      “Tôi đóng góp ý kiến”.

     Cử tọa im lặng lắng nghe. Hải tiếp lời:

      “Tôi tên Hải, thợ hàn, đang là bí thư đoàn thanh niên CS của nhà máy. Tôi thấy những báo cáo buộc tội kỹ sư Vinh là quá mơ hồ. Anh Vinh là người tốt, thiếu ảnh nhà máy sẽ thiệt thòi lắm. Đại diện cho ủy ban bồi thẩm, tôi đề nghị xếp lại vụ án.”

     Bồi thẩm đoàn vỗ tay hoan hô. Đại biểu nhân dân cùng hô lên “Nhứt trí! ...  Nhứt trí!” Hai tên trên bàn chủ tọa đưa mắt nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Tên bộ đội đứng lên, giọng lạnh lùng:

      “Cách mạng phục vụ nhân dân. Theo yêu cầu của đa số các đồng chí có mặt hôm nay, trong khi chờ điều tra thêm tôi tuyên bố tạm xếp lại vụ án. Đề nghị các đồng chí công an đưa anh Vinh về nhà.”

     Ba Lến nói với hai công an áp tải:

      “Thôi khỏi phiền mấy chú. Tui chở anh Vinh về nhà cũng được”

     Vinh lên xe Honda với Ba Lến. Chạy ngang chợ Tròn thấy xe buýt ca đêm vừa rời trạm, quán cà phê còn sáng đèn, Ba Lến tấp xe vào ngay:

      “Mình vô làm cái cái cà phê “giải nghể” nghe Ông Thầy. Phải biết quán còn bán, rủ thằng Hải đi luôn cho vui!”

     Cà phê mang tới. Ba Lến hỏi chú nhỏ chạy bàn:

      “Bác Ba ngồi lâu lâu chút được không nhỏ?”

     Chú bé cười, gật đầu rồi bỏ đi. Vinh hỏi:

      “Anh biết trước vụ này phải không anh Ba?”

      “Dạ phải. Nhưng do thằng Hải báo cho biết và tụi tui mới bàn kế làm như vậy. Chuyện qua rồi cũng mừng. Ghê quá trời! Trước ông, tụi nó xử tử hình hai người rồi đó, ông giáo Hanh, hồi trước nhà có vựa gạo, tội đầu cơ lương thực và ông cựu phó quận tội chống phá cách mạng.”

     Hớp xong một ngụm cà phê, Ba Lến trầm ngâm một lúc rồi nói nhỏ:

      “Tui nói thiệt tình nghe Ông Thầy. Tui hổng hiểu tại sao tụi nó cứ theo hại ông hoài. Tới nước này tui thấy ông phải đi, chứ chần chờ ở đây không được. Có hai đường binh, một là ông trốn về Saigon, hai là trốn ra ngoài đảo rồi sẽ vượt biên. Tôi có bà con ngoài đảo TC, có thể giúp cho ông được chu đáo, tiền bạc không thành vấn đề. Còn như ông muốn về Saigon thì tôi sẽ gởi gấm cho chú em tôi.”

     Vinh cảm động nhìn người nhân viên cũ không thốt nên lời. Chờ cho cơn xúc động lắng xuống, Vinh nói:

      “Hôm nay, nếu không có anh và thằng Hai chắc tôi tiêu rồi. Trước tấm chân tình của anh, tôi thật không biết nói gì hơn ngoài tiếng cám ơn. Tôi sẽ không trốn và sẽ đi đường hoàng với giấp phép của nhà máy cho đi thành phố để chữa bệnh viêm mũi. Tôi đã xin và anh hai Phước chịu cho đi rồi. Không dấu anh nữa, tôi đã tính về Saigon thu xếp gia đình rồi trở xuống thị xã để ráng tìm phương tiện ra đi. Tôi chỉ cho mình anh biết, xin giữ kín chuyện này.”

     Ba Lến chồm người lên nắm tay Vinh vẻ mặt hớn hở:

      “Trời ơi! Thiệt hả? Vậy là tui mừng lắm. Ông ráng đi sớm chừng nào tốt chừng nấy. Cầu mong cho gia đình ông được vạn phần may mắn. Ngày mai tôi sẽ viết một lá thư cho chú em tôi ở Saigon để ông dằn túi phòng hờ có khi cần khi ông về trển. Tôi cũng thưa thiệt với ông Thầy tôi đang tính cho thằng Đặng, con trai lớn, vượt biên nhưng để nó đi một mình tôi lo lắm. Nếu ông Thầy cưu mang được nó thì tôi đội ơn suốt đời.”

     Vinh nắm chặt tay Ba Lến nói:

      “Anh đã tin cậy, tôi hứa sẽ lo cho cháu. Nếu tìm được chỗ đáng tin cậy và may mắn đi lọt, tôi đi đâu sẽ mang cháu theo tới đó. Tôi sẽ nhắn tin cho anh khi tôi sẵn sàng để anh cho cháu Đặng ra thị xã ngay.”

     Quán cà phê tắt bớt đèn chuẩn bị dọn dẹp. Hai người khách trễ còn ngồi uống. Cả hai không nói gì thêm, chỉ nhìn nhau nước mắt rưng rưng.

Hoàng Thư