Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở
nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ
mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình,
chờ cơ hội vượt biên tiếp theo.
Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của
những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu
không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên
nhà), để đi khám bệnh.
Hồi đó, mỗi người trong sổ hộ khẩu đều có một Sổ Sức Khỏe,
bên ngoài bìa ghi vài thông tin tổng quát, gồm họ tên, tuổi bao nhiêu, và địa
chỉ thường trú. Thằng cháu mới 9 tuổi, anh lấy cây viết cùng màu mực với số 9 rồi
viết thêm số 2 đàng trước rất phù hợp với độ tuổi của anh (anh thực sự 28 tuổi),
nhưng cái tên của thằng cháu khá “đặc biệt” làm anh hơi ngại ngần. Ba của
nó tên Hoàng, là Đại Úy Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bà chị họ của tôi sanh
thằng nhỏ thì ảnh đang “lắc lư con tàu đi” tác chiến ở vùng sông nước Hậu Giang
và nhắn vợ đặt tên con là Lê Hoàng Biển Cả, coi như kỷ niệm tình yêu sự nghiệp
đời Lính của anh.
Anh Hai mượn Sổ Sức Khỏe của cháu, vì anh không còn chọn lựa
nào khác. Ba người anh còn lại của tôi, một anh đã vượt biên đang ở Mỹ, hai anh
khác học xong Đại Học ra trường đi làm ngoài tỉnh nên hộ khẩu ở chỗ làm. Anh
Hoàng, chồng bà chị họ mới “học tập cải tạo” về nhà, còn trong thời hạn bị địa
phương quản chế nên có cho vàng anh Hai cũng không dám mượn sổ, không muốn gây
thêm liên lụy cho anh rể. Ba tôi, cũng mới nằm bệnh viện cả tháng chữa bệnh bao
tử nên cái Sổ Sức Khỏe đầy chữ viết bệnh án của bác sĩ, anh không thể mượn sổ của
ba vì dễ bị phát hiện. Chỉ còn đứa cháu 9 tuổi, cái sổ còn trống trơn. Bà chị họ
sốt sắng đưa anh cuốn sổ của thằng Biển Cả, bảo anh cứ liều... “mạng cùi” đến bệnh
viện, cùng lắm thì anh bị trở vào tù, chớ ai lại bắt thằng bé 9 tuổi?
Thế rồi cũng êm xuôi trót lọt, anh được điều trị cắt cơn sốt
rét tại bệnh viện, thời gian dự trù khoảng hai tuần. Tôi đang học lớp10, đường
đi đến trường có ngang qua bệnh viện, nên có một buổi chiều sau khi tan học,
tôi ghé thăm anh. Gặp tôi, anh vui vẻ tươi tỉnh, biểu tôi gửi xe rồi cùng anh
đi dạo ra ngoài vì cả tuần qua anh còn mệt nên chỉ loanh quanh trong bệnh viện.
Hai anh em tản bộ về hướng chợ Xóm Mới, mải mê nói chuyện, đến
cổng nhà thờ Hoàng Mai thì tôi nghe tiếng gọi:
- Anh Biển Cả! Anh Biển Cả!
Sau vài giây khựng lại, tôi liền nhớ ra, quay qua anh Hai:
- Anh Hai ơi, có người gọi anh... Biển Cả kìa!
Anh ngưng nói chuyện, cố tìm trong ráng chiều chạng vạng người nào đã gọi anh,
thì một cô gái đi nhanh về hướng chúng tôi. Anh nhận ra, cười tươi và giới thiệu:
- Em ơi, đây là cô Hoài, người y tá chăm sóc anh ở bệnh viện. Còn đây là Loan,
em gái của tôi học ở trường Nguyễn Trung Trực gần đây nên ghé thăm tôi.
Chị Hoài hỏi thăm tôi vài câu, rồi nói:
- Anh Biển Cả và Loan chờ đây nhe, em chạy vào trong nhà một chút.
Chị chạy vào trong hẻm nhà thờ, lát sau mang ra một túi đồ dúi vào tay tôi và
nói với anh:
- Bữa nay nhà em có đám giỗ, em tính sáng mai mang đến bệnh viện chút trái cây
để anh dưỡng sức, nhưng bây giờ gặp thì đưa luôn, có thêm miếng xôi vò, chả lụa
và mấy cái bánh ngọt, hai anh em cùng ăn cho vui nha.
Tôi chần chừ, chị Hoài nói tiếp:
- Lộc đám giỗ thôi mà, vả lại, chị muốn cám ơn anh Biển Cả dạy kèm English cho
chị.
Anh Hai gật đầu nên tôi cầm lấy bịch thức ăn. Trên đường trở về bệnh viện, anh
kể, cái tên Biển Cả làm anh ... nổi tiếng trong bệnh viện. Hễ khi gọi tên bệnh
nhân lấy thuốc, cứ đến lượt “Lê Hoàng Biển Cả” là các cô y tá bụm miệng cười,
nhìn anh vừa tinh nghịch vừa thân ái. Chị Hoài là người chữa trị và theo dõi bệnh
tình của anh, cũng có hỏi anh về cái tên lạ mà hay này, anh trả lời qua loa cho
xong chuyện, dù có đôi lần lỡ miệng, xuýt bị lộ thân phận. Khi biết anh là giáo
viên dạy Tiếng Anh, chị Hoài nhờ anh giúp mỗi ngày các bài vở chị học từ một
Trung Tâm Ngoại Ngữ vì gia đình có chị ruột bên Mỹ đang làm giấy tờ bảo lãnh diện
ODP.
Tôi trêu anh:
- Nhìn vào cặp mắt chị Hoài khi nói chuyện, em dám chắc là
anh đã lọt vào “mắt xanh” của chị ấy rồi đấy, anh tính sao ?
- Anh biết chớ, nhưng anh chẳng còn tâm trí nào cho chuyện
tình cảm yêu đương. Hiện giờ anh chỉ còn một con đường, là phải vượt biên bằng
mọi giá, thế thôi.
Sau đó, anh được xuất viện, vừa trở về nhà vài ngày thì may mắn có chuyến vượt
biên do bạn thân giới thiệu nên anh lên đường ra khơi. Một chiều tôi đi học về,
bà chị họ chạy qua:
- Hồi nãy có cô Hoài y tá đến tìm anh... Biển Cả.
Tôi đã từng kể cho cả nhà nghe chuyện gặp chị Hoài lúc đi dạo với anh Hai, nên
chị chép miệng:
- Tội cô ấy quá, nhưng nhà mình còn đang nóng ruột chờ tin nên chị đâu dám nói
sự thật, đành nói dối “anh Biển Cả” đi Cần Thơ.
Ba tuần sau, cả nhà sung sướng khi nhận điện tín của anh Hai từ đảo Bidong,
Malaysia. Trong nỗi vui mừng này, tôi nghĩ đến chị Hoài, đắn đo có nên báo cho
chị biết tin anh Hai. Nhưng tôi lại thôi, nào có ích gì, chỉ làm cho chị buồn
thêm.
Rồi trời xui đất khiến buổi sáng chúa nhật tôi đi chợ Xóm Mới,
đang đi vào tiệm bánh gai đầu chợ thì gặp chị Hoài cũng đang mua bánh gai. Hai
chị em mừng rỡ ríu rít, chị kéo tôi vào quán nước để nói chuyện nhiều hơn. Tôi
báo tin vui mà không dám... hớn hở:
- Chị ơi, anh Hai của em đã đến đảo Bidong rồi đó.
Chị thoáng thất vọng, buồn buồn, nhưng kịp mỉm cười:
- Ôi, chị mừng cho anh Hai, chung vui cùng gia đình em.
Nói chuyện qua lại một lúc, trước khi chia tay, chị Hoài ngập ngừng:
- Em nè, chị hỏi điều này nếu em không thấy phiền, em cho chị địa chỉ anh Hai
bên đảo được không? Thú thiệt với em, gia đình chị chờ đi ODP lâu quá, nên chị
và đứa em trai đang tìm mối vượt biên. Chủ tàu nói chuyến đi dự tính đã đầy người,
nhưng nếu phút chót có ai rút lui thì sẽ kêu chị. Nếu chị may mắn tới đảo
Bidong sẽ tìm anh Hai của em, còn nếu chị tới đảo khác nước khác, chị cũng sẽ
viết thư liên lạc với ảnh, được không em?
- Trời ơi, có gì mà phiền chớ. Ngày mai đi học em sẽ ghé qua bệnh viện đưa chị
địa chỉ. Mà chị ơi, vậy thì em phải khai thiệt với chị một chuyện ...
- Chuyện gì, em cứ
nói.
- Dạ, anh Hai của
em hổng phải tên Biển Cả.
- Chị biết mà!
Nãy giờ em có thấy chị gọi ảnh là “Biển Cả” không?
- Ủa, ủa, là
sao??
- Hôm nọ chị đến
nhà tìm ảnh, dù đã có địa chỉ lấy từ sổ sức khỏe, nhưng khi đến đầu hẻm thấy một
bác ngồi bán khoai mì đang ... rảnh rang, chị bèn hỏi nhà anh Biển Cả, bác ấy
cười lớn, anh gì mà anh, căn nhà cổng màu xanh đó, thằng Biển Cả đang chơi bắn
bi với mấy thằng nhóc trong xóm kìa, cô là cô giáo của nó hả!
- Ha...ha...Vậy
là chị biết từ ngày đó?
- Thực ra, chị biết
từ những ngày ảnh còn ở bệnh viện.
- Ủa, ủa, là sao
nữa?
- Chị là người tiếp
nhận ảnh lúc đến khám bệnh, thấy cái tên hay, các cô y tá xúm vào hỏi han, ảnh
ngượng ngùng bối rối, đúng kiểu chưa quen nói dối. Sau đó chị nhìn kỹ sổ sức khỏe,
thì thấy chỗ ghi tuổi, cái số 29 không đều nhau, nét mực cũng hơi khác. Rồi khi
chị hỏi ảnh thẻ “chứng minh nhân dân” để làm thủ tục nhập viện, ảnh nói bị mất.
Cũng may chị là Y tá trưởng nên bỏ qua thủ tục này.
- Ôi, chị vừa
thông minh lại vừa tốt bụng. Sao chị dám giúp ảnh, lỡ ảnh là... tội phạm nguy
hiểm thì sao?
- Nghe chị nói
nè, trước tiên, chị hành động theo lương tâm “lương y như từ mẫu”, làm sao chị
có thể đuổi bệnh nhân ra về khi họ đang run vì cơn sốt? Lý do tiếp theo, dáng vẻ
bên ngoài của anh ấy với cặp mắt kiếng, phong thái mô phạm, giọng nói từ tốn điềm
đạm, cũng đủ gây tin tưởng cho người đối diện. Hơn nữa, khi tiếp xúc, thì càng
thấy anh ấy là người đứng đắn, đạo đức, nhất là sự hiểu biết của ảnh, không chỉ
trong môn English mà trong các vấn đề khác. Chị đã cảm mến ảnh từ những ngày
đó.
- Chị nói thì em
mới dám... khoe luôn, ảnh là cuốn tự điển bách khoa của gia đình và cả xóm em
luôn á! Em xin thay mặt anh Hai, cám ơn chị đã bao che và chữa bệnh cho anh ấy.
- Chị cũng cám ơn
ảnh, thời gian hai tuần lễ chị đã mở mang thêm một số kiến thức là nhờ ảnh.
Tôi về nhà, viết liền lá thư cho anh Hai, kể lại toàn bộ cuộc nói chuyện với chị
Hoài, và dặn ảnh chuẩn bị tinh thần, biết đâu con tàu của chị ấy sẽ cập bến
Malaysia. Anh viết lại, biểu tôi yên tâm, vì ảnh đang làm thiện nguyện, dạy
English ở đảo, nên quen thân với Ban Điều Hành trại, hễ có chuyến đưa người mới
vào đảo là anh được xem danh sách từ chiều hôm trước, rồi đến ngày, anh vẫn hòa
vào đám đông kéo nhau ra cầu Jetty đón đoàn người tỵ nạn mới, để tìm người
quen, bạn bè, hàng xóm.
Vậy mà bốn tháng sau, khi anh có tên đi định cư Mỹ, buổi tối trước khi rời đảo
Bidong để qua trại Sungai Besi, anh viết thư về nhà, có viết riêng cho tôi một
đoạn:
- Em ơi, sao chị
Hoài vẫn chưa đến Bidong, mà cũng chưa viết thư cho anh từ trại khác, liệu có
chuyện gì xảy ra với chị ấy chăng? Em hãy đến bệnh viện tìm xem chị ấy còn ở đó
không nhé.
Tôi chạy liền đến bệnh viện, vào thẳng phòng trực y tá, với tư cách người nhà bệnh
nhân, xin gặp chị Hoài để nói lời cảm tạ. Một chị y tá cho biết:
- Chị Hoài
nghỉ làm rồi em ơi.
- Từ khi
nào hở chị?
- Cỡ bốn,
năm tháng.
Trời ơi, đúng là lúc chị nói với tôi dự tính vượt biên. Tôi hồi hộp:
- Vậy chị
cho em địa chỉ nhà chị Hoài để em ghé thăm.
- Khỏi ghé
em ơi, chị Hoài vượt biên đến Thailand rồi.
Tôi run run:
- Thiệt không chị? Chị ấy đến Thái hay Bidong, Mã Lai?
- Đến Thái! Chị ấy có gửi thư và hình cho tụi chị, nếu
em muốn xem thì ngày mai quay lại chị cho xem.
Tôi thở phào, trở về nhà, nhưng cả đêm thao thức với những nghĩ suy, tại sao chị
ấy không viết thư cho anh Hai như đã nói với tôi? Tôi bèn đưa ra hai giả thuyết,
thứ nhất, có thể trên đường vượt biển chị đã đánh mất hành lý và địa chỉ của
anh Hai (giả thuyết này có nhiều khả năng xảy ra, vì hai người anh của tôi đi
vượt biên đều gặp tình trạng này, kẻ thì làm rơi trên biển, người thì đánh mất
lúc di chuyển từ ghe nhỏ qua tàu lớn). Giả thuyết thứ hai, có thể nào chị đã gặp
gỡ một tình yêu chung chuyến tàu hoặc chung trại tỵ nạn, nên không còn ý muốn
liên lạc với anh Hai?
Rồi tôi cũng đi vào giấc ngủ với niềm vui, là chị Hoài đã thoát được nơi chốn
này, đến được bến bờ tự do như mong ước. Còn chuyện sau đó, dù là giả thuyết một,
giả thuyết hai, hay giả thuyết ba, bốn, năm, sáu ...gì chăng nữa, với tôi, cũng
đều là một kết thúc vừa ý.
Anh Hai, sẽ nhớ những ngày được cô y tá dễ thương cứu giúp trong hoàn cảnh “hoạn
nạn khốn khó”. Chị Hoài, sẽ không quên cảm xúc xao động nhẹ nhàng khi chữa trị
cho một bệnh nhân có cái tên giả “đặc biệt”.
Anh Hai, chị Hoài, và tôi, người chứng kiến và kể lại câu chuyện này, cùng có một
kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về quãng thời gian sống dưới chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa-
Xuống Hố Cả Nút”, khi mà “cây cột đèn có chân cũng muốn ra đi”!
Edmonton, Tháng 3/2025
Kim
Loan