Tháng Tư 1975 là mốc thời gian đặc biệt, ghi dấu sự thay đổi lớn cuộc đời mọi người Việt nam. Tuỳ theo vùng miền, tuỳ theo độ tuổi, và chính kiến...cách nhìn có khác nhau nhưng điểm chung, sau nửa thế kỷ trôi qua, nhìn lại, rõ ràng là một cuộc bức tử miền Nam .
Cuộc bức tử được hỗ trợ bởi Liên Xô, Trung Quốc toàn lực, bất
chấp sinh mạng, nghèo đói của hàng triệu gia đình miền Bắc, chống lại liên minh
các nước tự do, dẫn đầu là Mỹ. Mỹ với đường lối chính trị tiền hậu bất nhất,
theo đuổi hay bỏ rơi miền Nam theo lợi ích của chính Mỹ, hay đúng ra của Đảng
phái và tài phiệt Mỹ, bất chấp sinh mạng của hàng triệu gia đình, con người miền
Nam.
Đi sâu vào phân tích, lý luận không phải là mục đích của bài
này. Tôi chỉ muốn ghi lại những gì đã trải qua, trung thực của một người đã sống
trong giai đoạn đó. Mai sau dù thể chế chính trị nào, hay tình cảm yêu ghét lật
trái sự thực, lớp trẻ lớn lên đọc và biết đã có một thời như thế.
Sáng 2 tháng Tư 1975, tôi rời Đà Nẵng ra Huế bằng xe gắn
máy, sau khi Đà Nẵng yên tiếng súng ngày 29.3 và sau khi được giấy chứng nhận
trình diện giáo chức ở trường Phan châu Trinh ngày 31.3. Bị bắt trên đèo Hải
Vân và bị giữ lại một đêm trong Hang Dơi, một nơi trước đây tôi chỉ biết qua
câu ca dao miền Trung :
Đường bộ thì sợ Hải Vân
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi.
Một đêm kinh hoàng với sợ hãi bị bắn chết bất cứ lúc nào dưới
họng súng mấy tay du kích mà tên chỉ huy do mù chữ, cầm thẻ giáo chức tôi xuất
trình, đã nổi điên lên, dí súng ngay vào đầu tôi, khi thấy ở góc trái thẻ, có
in cờ vàng ba sọc đỏ.
Tháng Tư và quê hương Thừa thiên Huế đón chào tôi “nồng nhiệt”
như thế đó, mở đầu cho một chuỗi ngày trí óc căng thẳng, đời sống vật chất tồi
tệ, và nỗi lo sợ thường trực.
Từ trạm gác ở Ngoẹo Giàng Xay An cựu, tôi được chỉ dẫn đến
Cercle sportif, Câu Lạc Bộ Thể Thao trên đường Lê Lợi, mà người Huế hay gọi đơn
giản là Xẹt, nơi trình diện Giáo chức. Ở đó tôi gặp lại những gương mặt quen
thuộc của một số Sinh viên Huế, bây giờ mũ tai bèo, súng AK, băng đỏ ở bắp tay,
gương mặt đằng đằng sát khí, nhìn những người chạy khỏi Huế tháng Ba vừa qua
như những kẻ phản quốc.
Tôi được chỉ ngồi ở góc chiếc bàn lớn, nơi đó có sẵn vài người
đang cắm cúi viết. Hồi lâu tôi được phát xấp giấy với lời hướng dẫn ghi lý lịch
cá nhân, quá trình học tập, làm việc trước tháng 4 năm 1975, trong thời gian từ
tháng 3 đến nay và sau cùng là mục đích, mong muốn khi trình diện.
Chỉ chừng đó thôi mà mấy người ngồi quanh chung bàn, như
đang giải một bài toán khó, hay viết luận văn về một vấn đề văn chương, triết
lý quá trừu tượng. Họ nhăn mặt nhíu mày, nhìn mông lung trần nhà, coi bộ thận
trọng từng câu trước khi đặt bút.
Tôi viết theo lối biên niên, theo thứ tự thời gian, làm gì, ở
đâu …và đem nộp. Tôi được chỉ về chỗ ngồi cũ và đợi. Một vài người được đọc tên
và phát cho một tờ giấy, có vẽ như chứng nhận đã trình diện và phân phối về nơi
sẽ công tác. Vài người được kêu tên và dẫn qua một phòng khác, không biết để
làm gì ?
Còn tôi mãi vẫn không có ai đoái hoài. Trong chờ đợi, lòng bắt
đầu lo âu vu vơ. Chừng hơn tiếng đồng hồ, tôi thấy có người quen đi ra, đó là
anh Cầm, người vẫn đi uống cà phê, ciné với tôi từ khi tôi về Huế đi dạy, sau
thời gian tu nghiệp ở Pháp.
Từ đầu tháng 3 chúng tôi không gặp nhau. Anh Cầm nhìn tôi ngờ
ngợ với đầu tóc cắt cụt. Chợt nhận ra, anh mừng rỡ hỏi thăm. Tôi nói vừa từ Đà
Nẵng ra, đã nộp bản tự khai trình diện và đang đợi. Anh trở lui phòng trong,
lát sau trở ra với giấy chứng nhận và bố trí công tác. Anh Cầm kéo tôi ra ngoài
và cho biết tôi sẽ về Ty Giáo dục, nơi anh đang điều hành lâm thời, và làm việc
ở Phòng Thông tin.
Trời khoảng 5 giờ chiều. Huế vẫn còn nắng rực rỡ. Tôi thoát
những ánh mắt không mấy cảm tình, nhờ may mắn tình cờ gặp anh Cầm. Huế, nơi tôi
mới từ giã cách đây chừng hai tuần, thấy lạ hẳn. Hoang vắng, buồn bã và xơ xác
từ mỗi góc đường. Dân chúng chạy vô Đà Nẵng từ những ngày đầu tháng Ba chưa hồi
cư.
Thành phố do Uỷ Ban Quân Quản kiểm soát và thành phần mới
theo cách mạng sau tháng 3.1975, mang băng đỏ, đóng chốt các đường phố vừa làm
nhiệm vụ điều khiển giao thông, vừa theo dõi thanh niên tóc dài, quần ống
loa...và tất cả mọi chuyện gộp chung là “ xóa bỏ tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ”. Tôi
chào anh Cầm về nhà, hẹn gặp sáng mai ở Ty.
Anh Cầm, Lê khắc Cầm, là một người đi dạy các trường Trung học
ở Huế môn Pháp, Anh văn, quen thuộc với giới sinh viên, học sinh Huế qua dáng dấp
và phong cách trí thức. Anh là dịch giả cuốn The Martyred của Richard E.Kim một
nhà văn Mỹ gốc Đại Hàn. Sách xuất bản ở Mỹ năm 1967 và ở trong nước nhiều người
biết đến qua nhan đề “Chúa Đã Khước Từ “, bản dịch của anh Cầm.
Tôi chưa bao giờ đọc một cách nghiêm túc cuốn sách này, vì nội
dung nặng suy gẫm về sự thật, đức tin, tôn giáo, hiện sinh...còn xa lạ với tôi,
mới ra trường, đang được đời đón nhận nồng nhiệt. Cũng như tôi quen anh Cầm qua
chuyện trò, cà phê, ciné …mà không quan tâm anh làm gì, đời tư ra sao.
Nhóm chúng tôi còn thêm mấy anh đang dạy các trường Trung học
khác ở Huế, gặp nhau đùa vui, chưa hề nói một câu chuyện nào có tính nghiêm
túc, thời sự. Dồn lên một chiếc xe Jeep lính, sơn lại màu trắng, của anh một
người trong nhóm, chúng tôi đi uống cà phê, ngất ngưỡng như các Caporegime của
Bố Già đang đi “trãi chiếu”, ngồi trước là anh Cầm với áo mantel, mũ dạ như một
Concigliori chính hiệu. Lúc đó phim, sách, nhạc Godfather, do đạo diễn
Francisco Ford Coppola thực hiện từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo,
đang thời thượng. Bản dịch của Ngọc Thứ Lang bán rất chạy. Chúng tôi lấy câu
chuyện Bố Già làm sườn, đùa với nhau trên xe, trong cà phê… và lấy làm đắc ý,
thú vị về những dí dỏm, hợp tình hợp cảnh, có duyên.
Hay những lúc cãi nhau về lối sắp bàn ghế trong cà phê Les
deux magots ở Paris. Tôi vẽ trên giấy lối bày biện trong ngoài của quán cà phê,
từ ký ức còn mới tinh, vì vừa xa Paris. Anh Cầm mô tả qua báo Paris Macht mà
anh mới đọc. Chuyện đôi co rất vui, khó phân định đúng sai, ngay cả hứa hẹn sẽ
đem tờ báo cũng như một vài tấm ảnh tôi chụp ở quán cà phê để đối chiếu, rồi
cũng lãng quên qua các chuyện khác vui hơn.
Tôi về nhà sau khoảng vài tuần xa cách mà y như đã bỏ đi lâu
lắm rồi. Vườn cỏ mọc um tùm, ngõ phủ đầy lá, căn nhà bốc lên mùi mốc ẩm. Tôi thắp
hương bàn thờ, định bụng dọn dẹp sơ, rồi tắm rửa. Chưa kịp tìm ra cái chổi thì
thấy ba thanh niên vác súng vào nhà, mời tôi qua Uỷ ban.
Ủy ban đóng trước nhà tôi. Đây là nhà bác Khả, có con học
ngang lớp với tôi. Và bác hiện tại là Chủ tịch lâm thời Uỷ ban Phường, trực tiếp
hỏi tôi ở đâu làm gì trong thời gian qua.
Tôi trình bày chuyện trình diện ở Xẹt và xuất trình giấy tờ
chứng nhận, bố trí công tác. Bác cầm tất cả đi vô phía trong nhà. Hồi lâu bác
trở ra và nói tôi về nhà nghỉ ngơi, giấy tờ Uỷ ban xem xong sẽ cho người mang
đưa lại tôi. Kinh nghiệm đêm sém chết ở hang Dơi, tôi yên lặng về nhà.
Lúc này là thời buổi nguy hiểm. Tính mạng con người rất rẻ .
Chỉ cần lộ vẽ bất mãn, không đồng ý với cán bộ, thành phần cách mạng địa phương
là có thể mang tội chống phá cách mạng. Và tội danh này, tuỳ theo giọng lưỡi,
chữ nghĩa buộc tội, có thể hoặc tập trung học tập đâu đó, hoặc biến mất dưới
danh nghĩa điều động công tác. Cho nên tôi ngoan ngoãn về nhà. Tối nay phải ngủ
một giấc lấy lại sức sau đêm qua sợ chết ở hang Dơi, sáng mai rồi tính.
Buổi sáng tôi thức dậy nghe tiếng chim hót ngoài vườn. Rồi
gà ở xóm bên kia sông gáy. Không khí mát mẻ, đầu óc thoải mái. Đây chính là những
điều tôi thiếu ở Đà Nẵng. Vì vậy mà nôn nao về Huế chăng khi chung quanh vừa im
tiếng súng.
Tôi chế một bình trà và ngồi uống trước hàng hiên. Mới có 6
giờ sáng.
Định bụng trước khi đi vào Ty Giáo Dục, tôi sẽ lên trên Uỷ
ban xin lại giấy tờ. Khi tôi dựng chiếc xe Yamaha trước sân nhà bác Khả, thì
bác đã chạy vội ra trao cho tôi xấp giấy tờ đã giữ hôm qua. Bác phân bua vì
tình hình mới Giải phóng, trong địa phương còn nhiều chuyện phức tạp, nên phải
phân loại, đánh giá từng khóm từng nhà…dĩ nhiên khó hoàn tất nhanh, nhưng vì
tôi đã có nơi công tác nên tạm ổn định. Nếu cần hỏi thêm điều gì, Uỷ ban sẽ mời
sau. Tôi cám ơn bác và cũng xin báo bác biết vì nhu cầu công tác tôi sẽ ở trong
Ty Giáo dục để khi cần bác liên lạc.
Việc tôi được giao đầu tiên cùng một người lái xe tên là C.
nhỏ hơn tôi vài tuổi, vui vẻ. Chúng tôi có nhiệm vụ Thông báo cho Giáo chức ở
Thành phố Huế và các vùng ven xung quanh, trình diện Ty Giáo Dục, nhận công
tác. Chiếc xe Peugeot 404 màu xanh, nghe đâu của thầy Hoàng hữu Tiếu, Hiệu trường
trường Quốc Gia Nghĩa Tử, ở góc Ngã Tư Anh Danh, Thành Nội Huế, được trưng dụng.
C. chở tôi đi quanh thành phố. Tới các ngã tư, các xóm chợ…dừng
ở đó và tôi đọc các thông báo về việc Giáo chúc trình diện của Ty Giáo dục. Tôi
đọc đi đọc lại khoảng ba lần và sau đó hầu như lúc nào cũng có người ghé hỏi, đại
loại Ty Giáo dục đóng ở đâu, trình diện rồi có được đi dạy lại không, v.v…
Tôi không biết gì nhiều hơn họ, nhưng coi bộ chiếc xe có
mang cờ, một tấm bảng để ở mặt sau trong xe, ghi Uỷ Ban Quân Quản Thành phố Huế
Ty Giáo dục, có một giá trị nhất định đem lại tin tưởng, nên chỗ nào cũng đông
người bao quanh, sau khi dừng xe và đọc thông báo. Mỗi chỗ dừng kéo dài khoảng
tiếng đồng hồ.
Những ngày đầu tháng 4, ngày nào cũng chạy xe đi, trưa về ăn
cơm tập thể, chiều làm lại một vòng. Tối đến, nếu không có họp hành, anh em thường
ngồi quanh trên mấy cái bàn học trò đặt dưới cây nhãn ở góc sân, hút thuốc lào,
uống trà và nói đủ thứ chuyện.
Chuyện thời sự có, chuyện đời sống ngoài Bắc trong Nam có,
nhưng chỉ các anh mới vào Huế huyên thiên, còn chúng tôi nghe nhiều hơn nói. Đến
chuyện táo bón thì bình đẳng. Ai cũng rên. Có người khó khăn đã mấy tuần rồi.
Có người đã vài ba ngày ngồi lì rất lâu, lại không sản xuất được gì ngoài việc
gắng sức đau đớn. Tôi nảy ra một ý, một công hai chuyện. Tôi tính với C. sáng
mai, chúng tôi đi vùng An hoà, An Ninh Hạ, Thượng, Kim Long, nhân đó ghé ngang
nhà tôi hái một ít mít non, lá sân, lá lốt… về đưa nhà bếp nấu một nồi canh, ít
ra có chất tươi chống táo bón. C. biểu đồng tình sốt sắng.
Tôi cho C. biết đối xử của Uỷ ban Phường trước nhà hôm tôi mới
về, và hôm nay tôi về với xe hơi có tài xế, cho họ lác mắt với ông quan cách mạng
to. C. cười khoái trá và bày ra chuyện lau xe trước khi đi. Lau sơ sơ, nhưng
chính là cất hai cái loa và tấm vải kẻ chữ UỶ BAN QUÂN QUẢN-TY GIÁO DỤC, cho ra
vẻ xe riêng phục vụ ông lớn cách mạng.
Khi C. đậu xe trước mặt nhà tôi, người trong Uỷ ban đã kéo
ra trước hàng hiên đứng đầy quan sát. Tôi mở cửa xe, nách kẹp cặp giấy đựng mấy
bản thông báo. Họ thoáng thấy, rút vào nhà, nhưng vẫn đứng đầy sau hai khung cửa
sổ. Chúng tôi hái 2 trái mít non, vài nắm sân, lốt và rất may mắn tìm thấy một
hũ nhỏ ruốc còn trong tủ bếp. Việc chống bón và màn kịch đùa dằn mặt thành
công. Tôi và C. được một trận cười thoải mái.
Bây giờ Huế đang ở những ngày đầu tháng Tư, trời ấm dần và
có ngày đã nắng chói chang, ve sầu đã kêu inh ỏi. Thành phố vẫn còn thưa thớt
người. Dân chúng chưa hồi cư vì còn kẹt vì phương tiện đi lại, vì giấy phép địa
phương và vì sợ. Người đi lại, dù ít, nhưng các con đường đở hoang vắng. Đã có
chút sinh khí dù gương mặt mỗi người đăm chiêu, lo âu, vì việc xoay xở miếng ăn
hằng ngày khi chưa có chợ búa.
Tháng 4 là thời gian trước lễ Phật đản, Huế đầy âm thanh ve
sầu và ngát hương bông sứ. Tôi hồn nhiên sống và mong đợi gia đình từ Đà Nẵng
trở về. Hai ba hôm tôi tạt qua nhà, xem có gì lạ. Cuộc sống chính vẫn ở Ty Giáo
dục, vẫn làm công việc ở Phòng Thông TIn dù biết không lâu nữa, thằng Mõ tôi
cũng hết việc.
Một buổi trưa, tôi ngồi hóng mát bên gốc cây nhãn gần cổng
ra vào. Cổng này đi chung Ban Quân Quản Quận 1 Thành phố Huế và Ty Giáo Dục Thừa
Thiên Huế, vì cả hai cùng đóng trong khuôn viên Lục Bộ, vào cổng rẽ vào hai
phía đối nhau. Tôi nhắm mắt vì chói nắng. Chợt có người lay vai, tôi nhõm đứng
dậy và nhận ra trước mặt mình là bác Tr., người bạn của ba tôi. Bác Tr. hiện
lãnh đạo Ban Quân Quản Quận 1. Điều này tôi đã biết từ hôm về làm Thằng Mõ cho
Ty Giáo Dục. Bác chào tôi, hỏi thăm Ba Mẹ tôi và toàn gia đình. Bác trông lạ hẳn
ra với áo bộ đội, mũ cối, và cây súng K54 đeo ngang hông.
Chào hỏi xong bác Tr. vỗ vai tôi và nói :
- Cháu
cố gắng công tác thật tốt để đái công chuộc tội. Bác có việc phải đi gấp.
Nếu cháu cần gì, cứ lên gặp bác ở văn phòng Quận Trưởng Quận 1.
Bốn chữ “Đái công chuộc tội” làm tôi lạnh sống lưng, nhưng
không ngạc nhiên, vì đã nghe ba tôi nói chuyện.
Một chiều vào tháng 3.1974, tôi cùng vài người bạn ghé ăn ở
quán Monge, một quán ăn Việt Nam, và cũng là trụ sở của Tổng Hội Sinh Viên Việt
Nam tại Paris, ở Quận 5. Restaurant ở tầng dưới, Trụ sở Tổng hội ở tầng trên, nằm
ở rue Monge gần Đại học Paris VI và Paris VII.
Hôm đó phóng viên đài BBC đến Tổng Hội phỏng vấn về vụ Việt
cộng pháo kích trường Tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường, Tiền Giang vào giờ ra
chơi, khiến 32 em học sinh thiệt mạng, 55 em khác bị thương. Các anh trong Ban
Chấp Hành Tổng Hội thấy chúng tôi ngồi trong quán, liền mời chúng tôi tham gia
vào buổi phỏng vấn với tư cách nhà giáo, về sự việc xảy ra ở Cai Lậy.
Sau buổi phát thanh đêm đó, sáng mai bác Tr. đến nhà, nói với
ba tôi :
- Thằng con anh bán nước đêm hôm qua ở Paris.
Ba tôi cũng có nghe đài BBC, đã chống lại bác, bằng cách nói
lại câu nói của tôi với phóng viên :
- Bắn vào trường học, giết chết và làm bị thương gần 100 học
sinh là
một tội ác chiến tranh man rợ. Chúng tôi, là Giáo chức lên
án hành
động đó.
Hai ông tranh luận với nhau và sau đó không liên lạc, gặp gỡ
nhau như trước. Sự việc đã một năm trôi qua, nhưng bác Tr. không quên, và tôi cảm
thấy ở gần Bác, hết sức nguy hiểm, nhất là trong hùng khí chiến thắng và thi
đua lập công để lấy điểm tốt với Quân Giải Phóng. Với lại tình hình chiến sự ở
vòng đai Sài Gòn giữa tháng Tư vẫn còn ác liệt. Trong thời gian trước tình trạng
ngã ngũ dứt khoát, chuyện phân biệt địch thù trở nên gay gắt, và việc phân loại
tập trung để dễ kiểm soát, chắc chắn không tránh khỏi.
Tôi gầy rạc ra theo lo âu, và táo bón. Bao nhiêu mít non nhà
tôi, không giúp gì nhiều lắm. Đêm thường mất ngủ. Thấy viễn ảnh tay bị khoá
trái, bị bịt mắt dẫn đi…đến trong giấc ngủ hằng đêm. Uể oải với công việc thằng
Mõ, tôi nghĩ nát nước cách thoát, ít ra là không giáp mặt với bác Tr. hằng
ngày.
Bỗng anh Cầm tìm tôi, đưa giấy của Ty, phân công cùng với
hai anh khác, về điều hành, ổn định trường ốc, đội ngũ thầy, cô giáo và học
sinh niên khoá 1974-1975, đi đến việc khai giảng niên khoá mới 1975-1976, năm học
đầu tiên của miền Nam sau Giải Phóng. Phải nói là tôi mừng quá sức. Thoát ra khỏi
tầm mắt của bác Tr. trước đã, rồi tới đâu hay đó
Tôi mừng cho tôi, nhưng C. không vui. Tuy sống và làm việc
cùng với C. thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi rất hợp nhau. C. vừa xong Tú
tài năm ngoái, đang ghi học Văn Khoa thì tháng 3.1975 Bắc quân chiếm Huế. Vốn
là học trò trường Hưng Đạo nên biết thầy Cầm, và khi Ty Giáo Dục được cấp chiếc
xe, C. lại biết lái nên trở thành tài xế của Ty. Thời gian gần đây C. lái chở
thằng Mõ tôi, kéo loa đi rao cho Giáo chức Huế về Ty trình diện.
Buổi sáng giã từ C., tôi dậy pha hai ly cà phê, rồi thức C.,
kéo ra ngồi nơi góc nhà vắng vẻ. C. hớp thử, và để ly xuống, đi nhanh vào nhà bếp
kiếm chút đường vì cà phê pha đậm quá. C. bưng ra lưng chén, nhưng ngoài sáng mới
thấy là muối. C. cười ha hả :
- Cũng hay, đủ để hai anh em mình đốt phong lông. Em xui quá
phải xa
anh sau thời gian ngắn làm chung quá vui. Anh cũng xui, muốn
yên
thân làm thằng Mõ Cách Mạng cũng chẳng được. Bây giờ ngửa
bàn
tay ra em đổ chút muối, rồi khấn “vía lành thì giữ, vía dữ mời
đi”, xong
vứt nạm muối qua
vai trái. Như mẹ em hay đốt phong lông mỗi khi gặp
xui xẻo trong
buôn bán.
Tôi làm theo C.
cho C. không cụt hứng, dấu chuyện tôi đi, đúng như mong muốn thiệt ra là hên
không xui gì cả. Nếu tôi đốt phòng lông thì nắm muối trong bàn tay ném qua vai
trái thật xa, chính là bác Tr. cùng với một mớ chữ phản quốc, đái công chuộc tội…bác
cột vào cho tôi, không biết vì sao ?
Từ tháng 4 trở
đi, tôi ở miết dưới Truồi, hầu như dăm ba tháng mới lên Huế thăm cha mẹ và các
em. Lớp cách mạng 75 lần lần được thay thế bởi cán bộ từ ngoài Bắc vào, trong mọi
cơ quan. Bác Tr. không thoát khỏi vòng quay của guồng máy đó. Nghe đâu, đứa con
trai đầu của Bác, đã được chọn đi học Sĩ quan tên lửa ở Liên bang Xô Viết, cũng
bị trục trặc không đi được.
Tôi bám Truồi suốt
5 năm. Đến mùa Hè sau cùng, tôi phải vất một nắm muối lớn qua vai trái, đốt
phong lông đuổi những vía dữ, gây ra những xui xẻo lớn, quá nguy hiểm ở Huế.
Tôi vào tuốt cực Nam Việt Nam, đi ghe xuôi ngược trên sông nước từ Sài Gòn về
Cà Mau, buôn bán qua ngày chờ thời.
Tháng 4 năm 1982
thời tới. Tôi xuống ghe đậu ở mé sông Cái Lớn sau quán cà phê trước trại giam Cầu
Ván, Rạch Sỏi, trong một đêm mưa gió tơi bời. Khi vận may đến, toàn gặp vía
lành. Ra khơi ghe tôi được tàu Đức chuyên cứu người vượt biển của tổ chức Cap
Anamur vớt, và ở Đức 43 năm nay.
Lê quang Thông