22 May 2015

Cây Chuối Sứ - Lê Như Đức


Tác giả định cư tại Houston. Nghề nghiệp: Kỹ sư cơ khí, Boeing Houston Division. Gia đình: Vợ và hai con gái. Đây là bài viết về nước Mỹ vào chung kết năm 2001 nhưng thật ra viết ngay năm đầu tiên. Cuối bài, tác giả có ghi rõ “Houston, cuối Đông năm 2000. Thân tặng cụ và Joseph Hoàng.” Bài phổ biến lần đầu trong báo xuân Việt Báo Tết Tân Tỵ 2001, cùng lúc với bài “32 Năm Người Mỹ và Tôi” của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân. Kết quả tuyển chọn: Bảo Xuân nhận giải chung kết. Lê Như Đức và Tân Ngố Nguyễn Viết Tân, hai giải bán kết. Mới đây, Nguyễn Viết Tân vẫn nhắc bài viết này, khi chính ông trồng được “Cây Chuối Sứ” trong vườn. Mười năm Viết Về Nước Mỹ, trân trọng mời đọc lại. Tác giả Lê Như Đức đã bặt tin gần 5 năm qua.

*

Đã hơn năm năm trôi qua, tôi vẫn không quên được hình dáng của cụ. Mặc dù tôi chẳng biết tên họ hay nhà cửa, nhưng tôi vẫn hằng ao ước được gặp lại cụ. Cuộc đời tỵ nạn có nhiều éo le và kỳ ngộ. Tôi không hề có một tí liên lạc hay họ hàng xa gần gì với cụ. Tôi cũng chẳng biết đến một người thân nào của cụ. Tôi chỉ vô tình gặp cụ một lần. Nói dăm ba câu chào hỏi với cụ để rồi suốt đời không quên. Chỉ thầm muốn gặp thêm một lần nữa.

Tháng tám, năm 1996 tôi có việc phải qua California làm hai ngày. Xong việc tôi vội vã trở về Houston để đỡ cho vợ tôi bớt phần nào cực nhọc với đứa con gái đầu lòng mới hơn một tuổi. Hôm đó máy bay bị trục trặc, tôi phải chờ thêm ba tiếng để đổi chuyến khác. Thời gian đợi không đủ dài để ra khỏi phi trường dạo phố. Nhưng cũng lại không ngắn để nằm yên một chỗ chờ. Loay hoay trong phi trường Los Angeles một lúc, tôi lần bước tới chỗ những chuyến bay quốc ngoại. Một chuyến bay từ Đài Loan, đưa người thăm Việt nam trở về Mỹ chợt đổ tới. Trong những hành khách lẫn lộn hôm ấy, tôi trông thấy cụ là người bước ra sau cùng. 
Cụ dáng hơi cao, thật gầy và chắc chắn không hơn một trăm cân Anh. Mái tóc cụ tỉa ngắn, bạc trắng phơ lại chải ngược phía sau để lộ ra vần trán cao và rộng. Cụ có lẽ qúa bẩy chục nhưng trông vẫn tinh anh và minh mẫn. Đôi mắt sáng và sắc. Cụ ăn mặc đạm bạc. Chiếc áo măng-tô hơn sờn, ngã mầu đen bạc và cái quần tây áng nâu đất với nếp gấp còn rõ ràng, lại hơi rộng. Cụ đi đôi giầy mầu nâu đỏ chạy viền trắng nơi cổ chân. Đế giầy lẫn dây cột giầy cũng mòn và đứt nhiều. Tuy đi hai tay không nhưng một tay cụ lại hơi khép vào hông phải, khiến tôi chú ý nhiều sau lớp áo măng-tô. 
Lựa một chỗ ngồi tốt, tôi nhìn cụ mỉm cười thích thú, đợi cụ bước qua hai nhân viên phi cảng. Nhân viên phi cảng Mỹ với những kinh nghiệm và đầy huấn luyện đừng nói gì cụ, ngay cả tay chuyên nghiệp cũng khó lòng qua mắt được họ. Chỉ lâu lâu vì lười biếng hay vì ...yêu đời sảng họ nhắm mắt, bỏ qua. 
Tôi nhìn cụ vừa thương mến vừa tội nghiệp. Hình ảnh cụ gợi nhớ đến cha tôi qúa nhiều. Người đã ra đi, cũng năm năm trước đó. 
Người nữ nhân viên phi cảng liếc sơ qua, rồi chỉ tay vào hông cụ ra dấu. Cụ lắc đầu. Cô ta quay qua người bạn nam đồng nghiệp. Họ nhìn nhau, cùng lắc đầu mỉm cười. Hình như quá quen với những chuyện đang xẩy ra, cô ta móc tay vào túi lấy ra một cuốn sổ và một đồng đô-la giấy. Cô dùng đồng đô-la phất phơ trước mặt cụ nói:
"No English. Nếu không bỏ đồ ăn tươi hay trái cây ra sẽ bị phạt nhiều tiền như cái này đây. Hiểu chưa."
Tôi thấy cụ chần chừ một lúc, đứng lên tính chạy ra can thiệp thì cụ cho tay vào hông, rút ra một bó nhỏ, tròn bằng cổ chân, được khéo léo cuộn tròn bằng tờ giấy báo cũ. Người nữ nhân viên phi cảng không buồn mở ra, chỉ thuận tay thẩy vào thùng nhựa phía sau cô và ra dấu cho cụ đi. 
Cụ vừa bước đi vừa luyến tiếc, quay nhìn món qùa quý báu. Rồi như không cầm được lòng, cụ chầm chậm ngừng bước, suy nghĩ, đi lộn trở lại, đứng ngay trước cô nhân viên phi cảng nhướng to mắt nhìn. Tôi lại vội đứng lên. Hai nhân viên phi cảng tỏ ý bực tức, nhíu mày nhìn cụ. Một người to tiếng hỏi:
"Muốn bị phạt hay sao đây""
Lúc này tôi đã tới gần bên họ. Cụ ngập ngừng, sợ hãi rồi quyết định quay bỏ đi. Tôi cũng quay lại, từ từ bước theo chân cụ, về chỗ ngồi cũ.
Tuy tôi chỉ ngồi cách cụ một cái ghế trống, nhưng hình như cụ chả thấy tôi. Hai mắt lúc nào cũng hướng về phía cái thùng nhựa. Lần đầu tôi lên tiếng, cụ chả nghe. Tôi phải lập lại to:
"Bác mới về thăm Việt nam, có gì lạ không thưa bác"" 
Cụ để ý, nhìn tôi gật đầu nhưng không trả lời. Tôi tiếp :
"Bác về chắc có nhiều thứ trái cây ngon" Bên này có tiền cũng không mua được."
Như hỏi đúng tâm sự, cụ bầy tỏ nỗi lòng ngay:
"Việt cộng thì ác, Mỹ lại ngu. Anh à. Tôi có một củ chuối, tính mang qua đây trồng. Nó thu mất, nói mang vi trùng vào xứ nó."
Tôi bỡ ngỡ khi biết được món qùa gia bảo đó chỉ là một củ chuối. Tôi đề nghị:
"Tưởng gì chứ chuối thì bên này thiếu gì, thưa bác. Bác nói mấy anh nhà chở xuống phố Bolsa mua. Cây bự còn có nữa là củ."
Cụ trợn ngược mắt, bất mãn:
"Anh nói. Chuối này là chuối sứ đặc biệt. Tôi phải xuống tận Long-Thành, lựa hơn trăm cây mới được một. Thân nó trắng nõn, lại ngọt, thái mỏng cuộn gỏi ăn dòn tan. Trái nó mập ú, thơm nức. Bông nó thì phải biết. Bún riêu hay bún ốc cứ thái bỏ vào, nấu có tệ, ăn cũng ngon. Chuối ở Bolsa là chuối Mễ, anh à. Cả buồng cũng chẳng có mùi. Trái ra cả năm cũng chỉ to bằng ngón tay trỏ. Thân cũng chát, mà bông cũng chát. Để chưa hết ngày đã thâm đen. Cho không tôi cũng chả dám nhận.
Tôi nghe cụ thuyết về cây chuối sứ Long-Thành mà đầu óc cứ quay cuồng tới những tô bún nóng hổi vợ tôi vẫn thường nấu. Vợ tôi người miền Trung nên thường nấu bún bò Huế hay bún cá. Tuy nhiên bún nào mà có bông chuối của cụ tả thì cũng tuyệt cú mèo. Thấy tôi im lặng, cụ lẩm bẩm kể lại hoàn cảnh khó khăn:
"Anh nghĩ, trồng cây cam, cây lê thì thằng con trai nói nhiều tàn, che hết nắng, chết cỏ của nó. Trồng hoa thì đứa con dâu than phấn hoa làm ngứa. Gãi cả ngày. Chơi Lan thì quá tốn kém. Trông đi trông lại chỉ trồng chuối là ít tàn, không ngứa, lại ít phải chăm bón. Vậy mà cũng không xong, lại có lý do khác. Lắm vi trùng. Tôi về Việt-nam tìm mãi mới được cái giống qúy này còn sót lại. Việt cộng nó ác lắm, anh à, nó đánh thuế vô kể. Bà con mình có cây qúy thì đốn, có giống tốt thì không dám trồng. Đâu còn bao nhiêu nữa anh" Lần hồi mất hết thứ ngon. Gây giống cả ngàn năm, đốn cây chỉ một buổi."
Trẻ trồng na, già trồng chuối Ï. Tôi thương dùm hoàn cảnh của cụ. Xót xa không biết nói gì thêm. Lâu lâu, cụ và tôi lại ngước nhìn cái thùng nhựa cùng cô nhân viên phi cảng tóc vàng hung.
Ngồi một lúc, người con trai của cụ tới đón. Vừa thấy cụ, anh ta hối:
"Lẹ lên ba, không về trễ, con Hằng nó lại cằn nhằn con."
Cụ nhìn tôi, vội gật đầu từ giã. Nhìn cụ lật đật bước theo người con trai, tôi bồi hồi cảm xúc cho cuộc đời tỵ nạn. Tôi ao ước làm được gì cho cụ. Làm sao lấy lại cho cụ cây chuối sứ.
Ngồi suy nghĩ tính kế một lúc, tôi lại nhìn về cái thùng nhựa, chả biết làm gì hơn. 
Lúc đó một nữ nhân viên vệ sinh đẩy thùng rác bự đi chung quanh thu thập đồ dư. Khi đi ngang qua chỗ xét đồ, tôi chợt thấy cô nhân viên phi cảng ngoái nhìn thùng nhựa. Có lẽ trong thùng chỉ thấy củ chuối của cụ không đáng dọn nên cô ta cầm thẩy vào thùng rác cho tiện. 
Tôi sung sướng, từ từ đứng dậy hướng theo cái thùng rác...vĩ đại đó. Đẩy tới phòng vệ sinh, cô nữ nhân viên vệ sinh phải vào trong làm việc. Tôi lẹ làng bước tới mở nắp thùng. Ở một góc thùng, cái củ chuối to chỉ bằng cổ chân tôi, dài gần hai gang tay, được quấn kỹ lưỡng bằng tờ báo Nhân Dân in hình... Bác (Hồ) còn đậm nét. 
Dù trong thùng rác, tôi thấy Bác vẫn vui vẻ, cười nhiều như xưa. Đã lâu lắm rồi, qúa mười lăm năm hơn tôi chưa được thấy lại dung nhan người. Người vẫn mập tròn, bơ sữa đầy đủ. Hôm nay tình cờ đối mặt người trong hoàn cảnh thật ...vô sản. Ánh mắt người hình như muốn nói nhiều với tôi: "Cháu hư của Bác, rác đế quốc vẫn thơm hơn rác xã hội chủ nghĩa."
Tôi vội túm lấy cổ Bác, nhét gọn cả Bác lẫn củ chuối vào cạp quần, rồi chạy như bay xuống cổng chính quốc ngoại của phi trường để tìm cụ. Hình như có "Bác trong quần", tôi đi đứng hơi khó khăn. Bác lại thoải mái nằm im. 
Cổng phi trường quốc ngoại lúc nào cũng tấp nập. Kẻ chia tay, người mừng tới. Tôi lạc mất cụ. Không thể nào đem được chút niềm vui cho người tôi mến. Sợ trễ giờ, tôi đành quay lại cổng phi đạo của chuyến bay về Houston. 
Suốt bốn giờ bay, tôi cầm củ chuối sứ nghĩ thật nhiều về cụ. Đêm nay cả cụ lẫn tôi đều mất ngủ. Hai người tuy sống hai nơi, nhưng cùng một tâm sự. Củ chuối sứ Long-Thành. Tôi phải nghĩ cách hay để gửi lại cụ món quà ngon của dân tộc mà vô tình một lần cụ đã tặng không. Lâu lâu tôi lại mở tờ báo rách ra ngắm Bác. Bác vẫn còn hờn tôi, không nói gì từ lúc được lôi ra khỏi thùng rác Mỹ.
Việc đầu tiên tôi làm khi về đến Houston là làm củ chuối sống lại. Tôi đem củ chuối ra trồng một góc vườn cuối hàng rào theo đúng truyền thống dân tộc Việt. Một lần tôi có nghe người anh họ làm nghề đọc đồng hồ nước của thành phố kể kinh nghiệm sống trong công việc làm hằng ngày:
"Muốn biết nhà nào Việt nam, nhà nào Mỹ dễ lắm. Đứng trước nhìn vào thấy mấy đôi dép nhựa Taiwan vất ở cửa và một lô xe nhật Toyota đậu bên hông là đúng. Còn đứng từ đằng sau vườn thì thấy mấy cái bếp gas để hầm phở và mấy cây chuối trồng góc vườn là đích thị ...giao chỉ."
Tôi có hỏi thêm: 
"Mễ cũng có bếp gas và chuối sau vườn vậy anh."
Anh trả lời:
"Mễ cũng trồng chuối nhưng lười nên để chuối mọc tùm lum, lan khắp nơi. Việt nam thường chỉ cho mọc hai góc vườn, rất gọn."
Dân tộc tôi có nhiều truyền thống thật dễ thương và đầy văn minh. Không những biết trồng chuối, người Việt nam còn biết cách ăn chuối. Ngày còn nhỏ, mỗi lần ăn chuối tiêu, anh em chúng tôi đều phải bẻ làm đôi. Bố tôi nói ăn chuối không bẻ đôi là ăn b... ồi. 
Người Hoa Kỳ cũng ăn chuối, nhưng văn hoá của họ coi bình thường nên không bẻ đôi. Tôi còn nhớ những ngày trong nhà ăn tập thể, khi tôi còn ở Đại học. Những cô sinh viên Mỹ nghịch ngợm, thoa môi son đỏ chót vào nhà ăn lựa trái chuối tiêu thật bự, dài, từ từ ngậm mút... chọc quê đời. Hình ảnh thật khêu gợi, làm nhiều người muốn... ở tù. Dân tộc Cuba cũng thấy như vậy. Họ thường lấy hình ảnh ông Thủ Tướng râu xồm Phidel Castro đang ăn chuối mỗi khi muốn nói về chuyện chăn gối. Điều này chứng tỏ tất cả mọi dân tộc đều có cảm nghĩ như nhau, nhưng văn hóa sẽ dậy mỗi dân tộc có cách xử sự riêng. 
Không những ăn chuối phải bẻ đôi, tôi còn được dậy phải biết cách bẻ. Trái chuối tiêu hình hơi cong lưỡi liềm. Muốn bẻ phải bấm cho có khía phía trong và bẻ hướng ra ngoài. Bẻ ngược lại sẽ được ăn chuối dập. Trái chuối bẻ đôi nửa đầu ngọt hơn nửa cuối. Muốn chia cho ai phải giữ nửa cuối, đưa nửa đầu.
Nhìn độ cong của trái chuối, ta có thể đoán được vị trí của trái trong nải. Chuối càng cong, mọc càng xa phía cạnh nải, càng ngọt. Trái chuối mọc giữa nải thường thẳng tuột bị chê cả về chất lượng lẫn hình thể.
Bố tôi còn dậy anh em chúng tôi cách cầm trái chuối và cách lột vỏ chuối. Cầm trái chuối là một nghệ thuật. Lột vỏ chuối cũng là một nghệ thuật. Phải biết đâu là đầu, đâu là cuối để ...cầm. Cầm chuối đưa người trên phải cầm ngay giữa trái và đưa ngang lên. Cấm không được cầm một đầu rồi xỉa đầu kia tới. Cầm chuối bằng những ngón tay chứ không được ôm nắm gọn trong lòng bàn tay. Cầm chuối một đầu bằng cả bàn tay cũng giống như ăn chuối không bẻ đôi, bố tôi dậy như vậy. Lột vỏ chuối cũng phải lột từ chỗ bẻ đôi xuống và chỉ được lột một nửa. Ăn gần hết mới được lột tiếp. Không được lột hết trái, cầm lủng lẳng... ngạo đời.
Người Việt mình ăn chuối để hơi chín cho ngọt. Vỏ chuối để lâu đổi mầu, có nhiều nốt đen, gọi chuối trứng cuốc. Người Mỹ không chịu ăn chuối mà vỏ bị thâm đen. Họ cho có vi khuẩn và thường ăn hơi sống. Chuối ăn chưa chín tới thường có nhựa chát, không ngọt thuần. 
Có người lại thích ăn chuối với đậu phọng. Họ thường bỏ mấy hột đậu phọng trên miếng chuối rồi cắn ăn chung. Chất bùi của đậu phọng giảm bớt chất ngọt thuần của chuối làm thành một vị nhẹ nhàng, đằm thắm. Cũng vì chất ngọt thuần này mà chuối cũng được làm nhân của một số bánh như bánh tét nhân chuối, chuối chưng, chuối xào dừa. 
Tôi mê ăn chuối xào dừa hơn mọi thứ chè nào hết. Ngày còn nhỏ tôi thường theo mợ tôi ra chợ Phú-Nhuận ăn chè. Hơn hai mươi năm qua, lặn lội Đông Tây khắp nơi, tôi chưa thấy ai có thể nấu được chuối xào dừa ngon như vậy. Vợ tôi nói bên này không có nước dừa cốt tươi, dùng nước dừa cốt hộp không thể sánh bằng. Nấu chè không phải là sở trường của nàng. Anh em tôi thường bảo nhau người miền Bắc và miền Trung không nấu chè chiến bằng người miền Nam. Tôi gốc Bắc, đẻ trong Nam, lấy vợ Trung nên may mắn hưởng tất cả bổng lộc của cả ba miền. Bạn tôi thường ngạo tôi vì cái tính háo ăn này: 
"Người ta vị quốc vong thân, còn mày thì vị chén dung thân."
Theo thời gian củ chuối sứ Long Thành của cụ trổ thành cây to, nẩy nhiều cây con. Hai năm đầu trồng, tôi không có kinh nghiệm lắm. Tôi nghe nhiều người nói xứ Houston nóng hung, lạnh bạo chuối có ra trái cũng không kịp lớn. Cây chưa kịp ra bông, tôi đã chặt cây, thái mỏng lõi ăn trộn gỏi hay bỏ vào tô bún cá vợ tôi làm. Mỗi lần ăn tôi lại thấy được lời cụ tả. "ÄThân nó trắng nõn, lại ngọt, thái mỏng cuộn gỏi ăn dòn tan."
Năm thứ ba có việc, cả gia đình tôi qua Cali ở hơn chín tháng, cây chuối sứ được ...tự do, trổ bông ra trái. Mợ tôi ăn trái chuối chín cây gọi qua kể. Trái thơm và ngọt dịu. Tôi rất mừng. Ước mơ của cụ và của tôi đã thành. Giống chuối qúy của dân tộc tôi đã được bảo tồn và nẩy nở.
Ngày về Houston, tôi đào những cây chuối con tặng họ hàng và bạn bè. Tôi muốn giống chuối qúy của quê hương tôi sẽ mọc khắp nơi trên đất Mỹ. Từ Florida qua tới Cali, và có thể cả miền Bắc xa xôi, lạnh lẽo. Tôi thầm ước một ngày nào đó cụ sẽ vô tình có được giống chuối sứ Long Thành ngày xưa từ một người bạn tha hương. Tôi không cách nào gửi cụ lại cây chuối sứ. Chỉ thầm hy vọng điềm lành sẽ đến với người có lòng.
Năm thứ tư, những cây chuối sứ của tôi yếu ớt vì không được tưới bón đều đặn từ năm ngoái. Tôi vẫn chưa được thưởng thức trái chín cây. Lần đầu tôi được ăn trái chuối sứ chín cây do ông bố vợ tôi trồng. Bố vợ tôi siêng năng trồng trọt hơn tôi nhiều. Tôi phần con còn nhỏ, phần nhiều overtime, lại mê football nên ít chăm sóc vườn. Cây chuối sứ của tôi nhỏ nửa, lại thấp tẹt. 
Không chỉ cây chuối mà nhiều loại cây khác trong vườn sau nhà tôi cũng theo "từng người tình bỏ ta đi...". 
Có lần vợ tôi ngắm vườn, sựt nhớ hỏi:
"Ngày xưa em thấy quanh nhà nhiều cây hoa hồng ra hoa to lắm. Bây giờ sao đâu mất hết " Chỉ toàn ...dâm bụt không""
Tôi ú ớ trả lời: 
"Em không biết à. Người xưa có câu: Chồn sống lâu thành tinh. Hồng trồng lâu hoá dâm ...bụt""
Tôi có hỏi một người bạn Việt làm cùng sở để mua những loại phân bón cho cây. Bạn tôi, Joseph Hoàng rất rành về cây, cho tôi đủ loại. Bên nhà vợ của Joseph chuyên nghề nursery rất có tiếng ở Houston. Joseph Nursery.
Nhiều lúc có việc phải đi làm xa với nhau cả tuần hơn, Joseph thường hay chỉ tôi những cây bên đường và đọc tên vanh vách. Nào Tường Vi, nào Đàm Tiếu. Lúc Thông, lúc Tùng. Không những rành tên, Joseph còn nói từng đặc điểm trồng của từng giống cây. 
Một lần lười biếng, tôi có hỏi loại cây nào ít cần tưới mà hay ra hoa luôn. Joseph đọc tên cả chục thứ rồi hẹn hôm sau sẽ đem tôi ít giống. Tôi mừng rỡ về khoe vợ, hồ hởi đợi. Hôm sau Joseph mang một bó lớn, gói kỹ trong bao giấy đưa tận bàn. Tôi mừng húm, mở ra rờ mới biết cây... nhựa. Joseph cười hô hố, giải thích:
"ÄChỉ có cây plastic mới không cần tưới mà ra hoa quanh năm. Tao tốn cả buổi mới chọn được thứ hợp với nhà mày... cắm."
Người Mỹ thường lựa một giống hoa hay một loại cây để tiêu biểu cho mỗi tiểu bang của họ. Tôi rất thích nên trả lời cây chuối là cây đại diện cho xứ sở mình. Miền nam có cây vú sữa thật đặc biệt nhưng không trồng được ở miền Trung và miền Bắc. Ra miền Trung thì có cây dừa mọc bờ biển thật nên thơ và mát mẻ. Miền Bắc có lẽ cây cau cao vút trời là nhiều. Chỉ có cây chuối mọc khắp ba miền: Bắc, Trung, Nam. 
Không những thế, cây chuối được người Việt-nam tận dụng từ củ tới lá. Nhiều loại bánh đặc sản không có lá chuối sẽ không làm được. Củ chuối có mẻ nấu lươn thật hết xẩy. Ăn vội nuốt cả luỡi. Bông, lõi thân và trái dùng ăn trộn bún hay trái cây tráng miệng. Vỏ cứng ở ngoài thân chuối được thái nhỏ tặng anh chàng họ Trư.
Nhiều người còn gọi chuối sứ là chuối Tây. Tôi thật không biết lý do. Bạn tôi đoán mò có lẽ mọc nhiều ở miền Tây Việt-nam. Dân Việt mình ưa nhất là chuối tiêu. Chuối hột chỉ dùng nấu chè là nhiều. Chuối hột mập ú, khó ăn nếu miệng nhỏ. Do đó thái lát nấu chè là nhất. Ngày còn trong nước tôi có được ăn chuối tiến. Qủa chuối ngắn và nhỏ, chỉ cắn một miếng là hết trái. Chuối tiến ngày xưa chỉ để tiến vua mà thôi. Dân gian không được thưởng thức. Vua ...lười không muốn lột vỏ nhiều lần nên thích sơi chuối tiến. Tôi nghĩ vậy. 
Năm nay, có lẽ nhờ bài học của Joseph Hoàng, những cây chuối sứ của tôi lớn mạnh, ra được bốn buồng. Tôi không tham nên mỗi buồng chỉ để ba, bốn nải. Bông vợ tôi thái nhỏ ăn trộn bún ngon ba chê. Trái mập tròn, có cái dài gần được gang tay. Ăn cơm dù ngon lắm cũng phải chừa tí bụng cho trái chuối thơm tráng miệng. Hai cô con gái tôi cũng mê ăn chuối tráng miệng như tôi. Đi học lúc nào cũng đòi mẹ phải nhét cho hai ba trái vào cặp mới chịu. 
Những ngày nhiệt độ xuống thấp, tôi hồi hộp sợ chuối hư. Ngày ấm áp tôi ra vườn vừa ngắm cây, vừa nhớ tới cụ. Hình như trong nền âm nhạc Việt-nam chưa có bài hát nào nói về cây chuối sứ. Chỉ có "hoa sứ nhà nàng". Âm độ của chữ  Ächuối ghép theo chữ  xứ  có lẽ quá nặng nên khó viết nhạc hay chăng" Tôi ao ước có một nhạc sĩ tài hoa nào đó sẽ viết một bài thật tuyệt về cây chuối sứ, để mỗi khi ra ngắm vườn tôi sẽ nghêu ngao hát. Hy vọng lời ca chân thành sẽ thấu đến trời xanh, độ cho cụ có lại được cây chuối sứ năm nào.
Nhìn những cây chuối con mạnh mẽ nẩy nở, tôi nghĩ nhiều về dân tộc tôi. 
Những cây chuối con như những thế hệ trẻ của Việt nam ngày nay đã lớn mạnh trong những xã hội văn minh Âu Mỹ tại hải ngoại. Họ đã học hỏi được không những kỹ thuật tân tiến, mà còn cả tinh thần dân chủ, tự do. Họ là giống chuối sứ qúy sẽ xây dựng đất nước tôi sau này. Đất nước tôi sẽ tiến thật nhanh vì họ đã có những kinh nghiệm thành công vượt bực trong mọi lãnh vực. Họ đã giữ nhiều chức thủ khoa trong học đường. Họ đã được vinh danh trong công sở. Họ đang dấn thân cho cộng đồng. Họ là tất cả, là ngày mai của quê hương tôi. 
Nhìn lên, tôi thấy được thế hệ đi trước cũng nhiều đổi thay. Người có nhiều đoàn kết và xây dựng hơn. Người đã âm thầm hy sinh cho thế hệ tương lai. Người đã biết tha thứ lẫn nhau, xiết chặt tay nhau để xây dựng cộng đồng Việt ngày càng lớn mạnh. Người đã học hỏi để hoà mình vào xã hội mới với một mưu đồ cho đất nước. Người đã bắt được tay trong ngoài nước cho tiền đồ dân tộc. Người cũng là ngày mai của quê hương tôi.
Nhìn những trái chuối mọc sát nhau trong nải, tôi thấy được tình đoàn kết của người. Nhìn những cây chuối con, tôi nghĩ đến sự hình thành của thế hệ trẻ. Nhìn những nải chuối to dần trên buồng, tôi thấy sức vươn mạnh của cả dân tộc. Nhìn những bẹ chuối lá xanh to quấn tròn nhau, tôi nghĩ tới sự đùm bọc trong ngoài của người dân nước tôi. 
Tôi khóc mừng, biết chắc ngày về quê hương của tôi sắp điểm. 

Lê Như Đức