25 May 2015

Cỏ trên đất lạnh - Hồ Đình Nghiêm

Jean thích ăn chả giò, tôi tính bữa nào mời ông tô bún bò. Tôi không biết dịch sang tiếng Pháp chữ tâm hồn ăn uống, thức ăn Việt hình như thứ gì ông cũng muốn thử qua, có vẻ hợp khẩu vị, khen rối rít.
Tạng người Jean nhỏ thó, ngó không ra Tây. Đứng thấp thua tôi, nhưng hơn ở chỗ ông sở hữu một cơ thể ngó rắn rỏi. Tôi chẳng mặn bơ sữa vậy mà “phát tướng”. Hợp phong thổ, cây trồng đúng đất mầu mỡ, cứ nghĩ vậy. Jean phát biểu, rồi thêm: Tại toa ít vận động chăng?


Jean độ sáu chục, là hạng tuổi chưa được nghỉ hưu, cứ như con gà sớm tối vòng vo sân trước vườn sau. Làm concierge cho chung cư kề cận nơi tôi mướn, khoảng cách là vuông sân mà cỏ ở đó rất chóng mọc cao. Hoặc nó chưa mấy phồn thịnh thì đã nghe tiếng máy cắt cỏ dày xéo gầm thét tới lui. Jean ưa vận động mà hình như ông rất chuộng việc cày bừa trên khoảng sân nọ. Xét ra, đó là thứ công việc ồn ào bắt mọi người phải chú ý. Những ai muốn tu tâm dưỡng tánh ngồi diện bích với thế kiết già hẳn sẽ lầm bầm nguyền rủa thằng cha chuyên viên âm thanh say sưa gây nhiễu loạn kia. Tôi đồ rằng ông muốn kêu gọi tôi bằng cách thức ấy, chứ đứng quét lá rụng hoặc cầm vòi phun nước lai láng hai hàng hoa thì có vẻ tịch lặng, chả ai hay biết.

Jean ngụ trong căn apt. nhỏ nhất của chung cư, có gắn số 1 nơi cánh cửa gỗ sơn xám. Ông nói, moa không việc gì phải trả tiền mướn thuê, lão chủ bảo cứ ở vậy mà quán xuyến trông nom, làm ổn những vấn nạn khi chúng sinh trong toà nhà cũ kỹ này gặp phải. Moa không có nhu cầu gì để ép buộc thức khuya dậy sớm ra ngoài tranh sống, đời mình va chạm đã nhiều đến độ trầy trụa xác thân, thôi thì cứ an phận thủ thường ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Tôi có cảm tình với thứ triết lý sống nọ, kinh qua sáu mươi mùa lá rụng ta cũng nên thu vén bớt sân si mà liệu cơm gắp mắm, chắp tay sau đít nhàn cư vi có việc. Cả đống việc chứ chẳng đùa, giết chuột trừ gián trét lại vôi thay ổ khoá, siết cứng vòi nước nơi bồn rửa chén mãi nhỏ giọt tỉnh táo suốt canh trường. Tôi lại chẳng tường khi dịch chữ lu bu thượng vàng hạ cám ra tiếng tây tiếng u.

Jean luôn bận quần jeans bạc phơ nơi hai đầu gối, nếu cần ông thắt nịt có cái túi da chứa cơ man nào là kềm búa tuốt-nơ-vít thước cuộn băng keo dao kéo lủng củng lảng cảng như lính mang quân trang quân dụng. Dáng đi thong thả gần như lãng đãng kiểu thi nhân, thoạt trông là vậy nhưng thoắt cái ông có thể biết môn khinh công, chợt biến chợt hiện. Một đứa có da thịt đường bệ như tôi không dễ học ma thuật phân thân cách đó.
Tôi chẳng tò mò để riết róng dóng hỏi vợ toa đâu? Mãi quen mắt nhìn ông cu ki một mình, và ngạc nhiên thay, dường như cái lẻ bóng kia không mảy may gây phương hại gì sất để khiến Jean phải lộ diện vẻ sầu thảm. Có vợ một bên lưng, không chắc điều đó khiến người ta “thản nhiên” như Jean được. Đôi khi, qua Jean, tôi thoáng nhớ tới cha mình, cái cách ông sống thầm lặng sau khi mẹ tôi vắn số bỏ cuộc chơi. Jean có con trai không? Nó ở đâu giờ này? Có những dấu hỏi vụt đến vụt đi trong đầu, tôi chẳng ưa làm đứa mỗi khi nói ra đều khiến người nghe phải bận lòng sanh căng thẳng. Tôi là thằng người tị nạn, hơn ai hết, thằng người đó không ưa bị ai dồn hỏi linh tinh. Tôi là căn hộ trống trải nên chuột và gián chả mấy ưa ghé vào sục sạo. Một kẻ bình thường, hầu như kẻ ấy phải ghét những vị khách không mời cứ siêng vào ra.
Trưa hôm ấy, cắt cỏ xong, Jean bắt ghế ngồi ở bao lơn hẹp té mơ màng cùng khói thuốc. Máy và dây nhợ lòng thòng còn nằm giữa vuông cỏ trọc. Mắt ông không nhìn xuống thành quả lao động mà ngó mông ra đường, đôi mắt vô hồn và lần đầu, tôi nhìn ra dung mạo ông váng vất phủ một nỗi buồn lặng. Tôi mang bia và mấy cuốn chả giò gói trong giấy nhôm băng qua biên giới. Trời đẹp, đúng không? Tôi hỏi. Jean sửa lại dáng ngồi. Thì cũng vậy. Moa đã không nghĩ ra một việc làm gì khác. Như thông lệ, ngồi thu nhỏ người ở đây, một cách thầm lặng, vô tội vạ. Tranquillement, chữ Jean ưa dùng.
Ông mở ra chiếc ghế xếp dựng trong góc và tôi nghĩ chỉ có tôi là đứa duy nhất đặt đít vào đó, nói cách khác, ông sắm nó để dành riêng cho tôi. Có mang cả bia nữa à? Rất rất tốt. Ông dùng hai lần chữ rất. Ba tôi không hút thuốc không rượu bia, sống khắc khổ và qua đời trong đạm bạc. Ba tôi cũng giỏi tiếng Pháp vì có thời ông làm việc với Tây, ở Kho Bạc. Hình như dạo đó chữ ngân hàng chưa được phổ thông, đôi khi họ nói: Ra ngân khố lĩnh tiền. Hai ngày trước , thứ năm lãnh lương, tôi đã tới nhà băng đổi ngân phiếu, tôi ghé chợ mua bia và tôm thịt để về làm chả giò. Tôi không quen ai ở thành phố này, tôi giống Ba tôi, giống Jean, tranquillement. Cái yên ả kia có vẻ như đi ngược với quan điểm sống của dân tị nạn. Đa phần họ quần quật chí thú kiếm tiền, họ kèn cựa, đành hanh và xét đoán kẻ khác qua bề ngoài, qua xe cộ và nhà cửa. Lạy Chúa, nhờ trời tôi chẳng liên hệ, dính dáng tới bọn người đó.
Jean khởi sự ăn, có vẻ để tâm khi nhai nuốt cuốn chả giò. Ngon, có thể do bởi chính tay toa làm, hàng quán thì họ trộn lắm thứ vào đó nên không thơm bằng. Jean nhìn tôi, đôi môi thôi khô. Moa có thể hỏi một câu? Cớ sao toa có được cái tử tế đến nhường ấy? Có thể gần ông tôi muốn học hỏi một đôi điều, giao tiếp giúp tôi giỏi tiếng Pháp chẳng hạn. Chỉ vậy thôi sao? Qua đó tôi còn học cách đối phó với đời sống khi quanh mình chẳng có ai. Jean chà hai bàn tay vào chiếc quần sờn bạc. Nắng bắt đầu lấn chiếm vào chỗ ngồi nhưng cái vết cắt sắc sảo đó tuyệt không làm hai chân phải nóng rát bắt chúng tôi xê dịch. Người ta khuyến cáo rằng trong nắng có tia hồng ngoại cực tím dễ gây ung thư da và người ta vẫn mình trần nằm phơi la liệt trên những vùng cỏ chan hoà sắc lửa mặt trời. Bất động như xác những con cá bị biển cả xô giạt vào nằm phơi bụng trên bờ bãi.
Khi một người đàn bà tìm ra được lý do để phụ rẫy mình, toa sẽ chống đối kháng cự bằng phương thức gì? Moa nói với vợ rằng, hy vọng anh chẳng gây lầm lỗi, mong cho em có được cuộc sống tốt đẹp ở chỗ mới. Đã hơn ba năm. Hôm qua đứa con gái moa có gọi điện thoại, mẹ đang nằm trong bệnh viện, thăm hay không là quyền của bố, nếu quyết định xong thì con lại chở đi. Dứt câu, Jean ngửa cổ tu hết chai bia. Gương mặt chưa tìm bắt chút tươi tỉnh. Jean nhón mông để moi từ túi quần ra cái ví da. Marie, vợ moa. Đây là Juliette, con gái. Nếu đó là ảnh mới nhất mà Jean thu cất, thì cũng đã hơn ba năm trôi qua rồi, không chắc họ còn giữ được nụ cười tươi như trong hình chụp. Sát phòng tôi có tên người Ý mướn, nó mua chiếc xe đúng ba năm và nó than phiền băng tuyết chốn này đã khiến cho chiếc xe biến dạng tới độ đáng ngờ. Con người chẳng thể hơn sắt thép được nhất là con người có một gia cảnh chẳng mấy vui. Vào nằm viện là một minh chứng xác thực cho lối so sánh kia.
Qua một đêm, hẳn ông đã có quyết định? Tôi hỏi Jean. Moa vẫn chưa gọi phone cho con Juliette. Nán đôi ba hôm thì thấm gì trong khi moa chờ đợi trong câm lặng gần bốn mùa tuyết đổ. Ừ, thì chung cuộc cũng phải đi thăm hỏi nhau thôi. Phải kiểu cách mua một bó hoa cầm tay, phải thay đổi một bộ áo quần cho ra vẻ tươm tất và có thể sẽ nói ra những điều không thật lòng. Xét cho cùng thì đâu có vui thú gì? Ông phải nên hiểu tâm lý của người nằm trên giường bệnh, họ luôn mong cầu một sự vấn an. Jean vung tay như thể xua đuổi một con ruồi mãi chờn vờn trước mặt. Hôm nào moa đổ bệnh toa có vào thăm không? Nếu có xin đừng mua hoa mà tốn tiền, một chục cuốn chả giò ăn chùng vụng thì hạnh phúc biết chừng nào mà kể! Tôi nói tôi hứa mặc dù bệnh viện là khung cảnh quy tụ toàn cả sắc xám và không hẳn ông già sáu chục tuổi thì phải vào đó trước một đứa trung niên. Gió hiu hiu lùa nhẹ, mùi cỏ ẩm vừa bị xén gây nhột trong mũi. Tôi hắt hơi: Mai chủ nhật, thay vì tới nhà thờ ông nên vào thăm bả đi Jean ạ. Đã là đàn ông, tôi nghĩ ai cũng có lối sử sự như vậy cả. Sự có mặt của ông phút giây đó nặng ký hơn ngàn lời nói ra. Hiểu ý tôi không? Jean chẳng ư hử, ông đang ngốn cuộn chả giò cuối cùng.
Juliette có đứa con ngoài giá thú với một thằng thợ mỏ khai quật dầu hoả ở tận Calgary. Thằng nhóc năm tuổi ấy không nhớ mặt bố đẻ, từ miền tây tạt về cố thổ của mẹ và gọi Jean bằng ông ngoại. Tôi hiểu loáng thoáng vậy, qua những thăm hỏi họ dành cho nhau. Jean hỏi cha mày đâu? Dĩ nhiên đứa nhóc tì bỏ ngoài tai. Năm tuổi thôi mà, nếu 15 thì hoạ may tìm được câu trả lời: Tui đéo biết! Juliette ngó tôi, ảnh có chút công chuyện lát mới quay lại đón. Rắc rối ở chỗ là Juliette neo thuyền sang bến mới và tên đàn ông mà thằng nhóc năm tuổi mặt khờ câm kia âu yếm gọi bằng papa lại là người da màu. Không như cột nhà cháy, nâu chứ đen thui thì tui đã hổng ham. Juliette trần tình với bố. Jean có vẻ là người thủ cựu, mặt lộ trầm tư, một lát ông thả giọng trầm, đôi khi e vàng hơn hẳn đen nâu các thứ. Là sao? Tôi không hiểu. Là rắc rối cuộc đời đã khiến moa chẳng có cơ duyên gặp mặt toa sớm.
Tôi ngó chùng vụng Juliette, cô không thay đổi mấy so với tấm ảnh nằm trong ví Jean, có nghĩa là hiển hiện ở đấy một dung mạo hơi ngổ ngáo, hơi khuôn trăng đầy đặn, hơi chịu nhiều nếp nhăn. Sum họp này đã chịu đánh đổi với ba năm lừng lững trôi qua. Mất ngoẻn chừng đó tháng ngày hẳn nó sẽ tàn phá không chừa một ai. Nó làm cho con nít biết lật sấp ngửa, biết ê a rồi thoắt cái biết đi biết chạy, biết theo mẹ về nhìn nhận ông bà. Thằng nhỏ coi mòi sống cô đơn đã quen nên chẳng ưa chộn rộn, nó cứ bấu chặt chân cẳng mẹ rồi trương mắt ra ngó Jean xong thì đảo qua dòm chừng thằng da vàng mũi tẹt. Tôi cũng hổng mặn cảnh tùng tam tụ ngũ, đứng xớ rớ ở hiện trường vì Jean gọi qua, ông loan báo tin vui “bả” đã bình phục, đã xuất viện và cái giang sơn bé nhỏ này mai hậu sẽ chứa năm bảy người tới quây quần làm bữa tiệc đoàn viên lá rụng về cội. Như thế này nhé, moa nói điều không phải thì toa bỏ qua cho, làm giúp moa khoảng trăm cuốn chả giò, bao nhiêu tiền moa gửi lại sau, có ô kê không nè? Đâu có sao đâu, nói trước bốn tám tiếng để tôi sắm sửa các thứ. Có cần moa gọi con Juliette sang phụ một tay không? Cho nó mở rộng tầm nhìn, học cách làm món ăn khoái khẩu kia. Tôi làm thinh, kịp lúc tiếng chuông điện thoại hối thúc dóng tiếng inh ỏi vang rân cả căn phòng khiến mọi người cùng ngoái cổ, “chuông gọi hồn ai” đã cứu chuộc tôi, kéo tôi ra khỏi những tính toan, đẩy tôi xuống vuông cỏ, đi nhanh về chỗ trọ.
Bữa tiệc gia đình dự trù đầm ấm đã không diễn ra. Cha ruột của đứa nhỏ 5 tuổi từ chốn xa tìm về đúng chỗ tỏ ăn năn lầm lạc một hai đòi nối lại sợi dây phu thê đứt đoạn. Vụng dại, nóng nảy khiến hắn xô xát với người tình da nâu của vợ cũ, cả hai chửi thề cùng thương tích trầy trụa dẫn đến sự can thiệp của cảnh sát. Jean cho hay, chưa khi nào moa thấy lòng ghen tuông của con người nó kỳ cục và khôi hài đến mức đó. Còn con Juliette, lý ra phải tỏ có chút bản lãnh thay vì ngậm hột thị ôm đứa bé mặt xanh như búp xà-lách. Cứng người như phổng đá, tựa hồ đang tự tìm lấy quyết định, đứa nào mạnh đứa ấy sẽ đi trọn đường tình với tui, chẳng lý lẽ phải trái chi cho ốm người.
Nắng lung linh trên tàn lá thưa, nắng vẫn chưa vào liếm chân. Gió có mang theo chút gai lạnh như thể Bắc cực đang vào mùa tan vỡ băng sơn. Nó thổi về để ai kia nghiệm ra cái hữu hạn của mùa hè và chỉ đôi ba tháng hâm nóng thôi, người ta lại co quắp chịu đựng bao cơ hàn đổ ập xuống. Tôi nhìn con đường khuất bóng xe, đôi ba bộ hành đội nắng mờ nhân dáng ở xa như họ đang cút bắt những ảo ảnh. Vợ ông thì sao? Tôi hỏi. Bả vẫn dật dờ, chưa lại sức và từ khi xuất viện đến giờ bả chẳng nói với moa lời nào cả. Trong muôn một, đàn bà vẫn tượng trưng cho một thứ gì thật khó hiểu. Ở apt. số 7 có vấn đề gọi moa lên chỉnh sửa nhưng moa bảo: Dẹp, đi đâu mà vội, hãy cho tao tìm lại chút quân bình cái đã. Ông đã lấy lại quân bình được chưa? Thức ăn cay ông xơi có đặng không? Jean ngó chăm tôi, hồ nghi đọng chật trong hai tròng. Tròng mắt bắt đầu mất vẻ tinh anh, như ba tôi ngày ấy, như bất kỳ một người đàn ông từng đi qua cuộc đời này với cái bóng tối luôn đeo cứng bên hông, song hành cùng vạn điều chẳng giải thích được. Niềm vui hiếm muộn, điều đó dần dà làm chất xúc tác để phủ bọc đồng tử một lớp màn đục. Có người đã gọi, ấy là bụi trần. Qua bụi trần, năm xưa mắt ba tôi mãi dõi tìm đứa cháu nội ở bến tàu với loạn thị sự hỗn mang. Tàu xô sóng trôi giạt khỏi bờ vất ba tôi ở lại trong cô thân cùng cực, ông không tài nào ngờ được đứa cháu đã có một chỗ ngồi bó thân trên tàu, cũng như gia đình nó chẳng tưởng được ông nội vẫn lạc hồn bước xiêu giữa thành phố sắp thay đổi chủ. Lòng ông là bãi bờ khi nước rút đi, khô kiệt một tuổi già hoang lạnh. Một cách thầm lặng, chữ Jean ưa dùng, có thể áp đặt toàn bộ lên người ba tôi. Thời điểm kia tôi hẳn còn non dại, tôi khờ khạo không biết ngoài ba tôi ra đã có ức triệu những bức rời đớn đau khác. So ra gia cảnh của Jean không nên gọi đó là niềm bất hạnh, ông dư sức qua cầu để dọn lòng tìm gặp lại cái trầm ngâm cố hữu. Tranquillement, tĩnh lặng đến yên hàn vô sự.
Nếu không ngán nồng cay tôi sẽ mời ông tô bún bò. Soup buộc phải cay vì đã là truyền thống thì chẳng thể gia giảm pha chế hoán đổi cho mất linh, mất tính cách, mất hương mùi, mất địa phương. Nó tuy xa nhà nhưng nó vẫn ủ nồng phong thuỷ chốn xưa. Jean rùn vai, cay cỡ nào moa cũng nên thử qua, bất quá chỉ toát mồ hôi chảy nước mắt thôi chứ thấm béo gì. Đã lâu moa chưa biết khóc, toa có tài cán thì cứ làm cho moa đổ lệ một phen. Rất rất tốt.
Tôi vẽ ra một giới hạn và tôi nói không lâu đâu, cuối tuần mình sẽ ăn chung nếu điện thoại nhà ông chẳng rộn ràng lên tiếng. Chỉ rỗi hai ngày thứ bảy chủ nhật và tương lai thì luôn rình rập những cái không ngờ. Nếu chuông điện thoại ré thì chỉ có con Juliette nghịch tay, nếu nó giải quyết ổn thoả mọi thứ đâu ra đó thì toa có sẵn lòng cho nó ghé mông để khóc theo? Tôi làm thinh, tôi chẳng biết hoán chuyển cụm chữ “nói trước bước không rời” ra tiếng Pháp. Jean phải nên hiểu là thời gian vận hành luôn không êm, chúng ta đã tuân theo luật chơi của nó, ít nhất một lần, nhớ không? Bữa tiệc có trăm cuốn chả giò chiên dòn đã “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, đã chẳng vẹn toàn ra cơm ra cháo.
Chúng tôi ngồi yên, như thể mặc niệm hối tiếc một cái gì vừa vụt qua, không nắm bắt được. Nắng vẫn vàng, cỏ vẫn xanh. Bao lâu rồi Jean đã nhác chơi? Không phát hiện ra sao? Cỏ mọc cao có thể chôn vùi mắt cá chân. Cỏ thì ở đâu cũng hệt nhau, tôi từng nằm ngủ mê trên đồi cỏ phương ấy, đất mát lạnh và tấm bia khắc tên ba tôi đã ngăn che tia lửa mặt trời đâm thẳng mặt. Lâu lắm rồi, lâu như thể tuần trước hoặc tháng kia. Đâu, mới có ba chục năm chứ mấy! Rồi tháng nọ năm nào Jean cũng thực sự xuôi tay, tôi đoan quyết một chuyện sẽ diễn ra trước phân lìa, là Jean sẽ ăn được món cơm Âm phủ do chính tay tôi nấu. Không rủ rê Juliette nhập mâm. Ăn đi Jean, ăn một cách thầm lặng. Cơm thương chứ chả có ai thương!

Hồ Đình Nghiêm