Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang
Bốn mươi năm nhìn lạì ngày Phan Rang thất
thủ, tôi lại nhớ một khuôn mặt tướng lãnh cựu tư lệnh sư đoàn 6 không quân (bản
doanh đóng tại Pleiku), người đã bị địch bắt tại chiến trường, bị đem ra Bắc và
trở thành người tù có thâm niên cao nhất (17 năm).
Trong số các sĩ quan bị trả thù sau cuộc
chiến, ông là người vào tù sớm nhất (16-4-75) và ra trại trễ nhất (11-2-92).
Thân tàn lực kiệt ông sống thêm được 10 năm và mất tại Quận Cam năm 2002. Trước
khi mất ông dồn sức cố viết một hồi ức về trận đánh Phan Rang và làm một điều
chẳng ai bắt ông phải làm là tỏ lời cáo lỗi cùng đồng bào qua mấy dòng bi
tráng, ‘Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được
thành.’
Nói đến quân chủng Không quân người ta nhắc
nhiều đến những khuôn mặt vừa hào hoa vừa gan dạ, lấy không gian làm nhà, lấy
nghiệp bay làm lẽ sống, và trong hàng tư lệnh mang sao đã có hai ông một thời
làm tới Phó tổng thống và một ông làm tư lệnh cảnh sát đã tự tay bắn chết tên
VC trong tết Mậu thân (mà sau này hãng CNN đã chọn là một trong số 100
‘sự kiện’ nổi bật của…thế kỷ 20!).
Nhưng dư luận và báo chí ít chú ý đến vị
tướng gốc Nam bộ này, tên ông chỉ được nhắc khi được đề bạt làm tư lệnh một sư
đoàn sau chót của không quân mới thành lập cuối năm 1972 nhằm yểm trợ cho chiến
trường cao nguyên và trở thành bại tướng khi ‘Phượng Hoàng’ (danh xưng chỉ huy
của ông) gãy cánh tại Phan Rang hai tuần trước ngày mất nước.
Ngược dòng tiểu sử ít ai biết tướng Phạm Ngọc
Sang, người đã có gần 25 năm quân vụ, nguyên xuất thân là một sĩ quan bộ binh
(khóa 1 Thủ Đức), sau được tuyển sang không quân du học tại Pháp, trở thành một
phi công chuyên lái vận tải. Nhờ tài năng và tác phong gương mẫu, ông được tin
cậy và là một trong ba người được chọn lái riêng cho tổng thống Diệm. Sau 63
trả về không quân ông tiếp tục bay và có thời đã làm Chỉ huy trưởng trung tâm
đào tạo phi công tại Nha trang. Ông cũng là chánh võ phòng cho tướng Kỳ khi ông
này làm chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương.
Trước khi vào quân ngũ ông cũng từng là nhà
giáo, có kiến thức văn hóa, song hành với nghiệp bay, ông là sĩ quan cấp tá duy
nhất tốt nghiệp các khóa quân sự về chỉ huy tham mưu và quốc phòng nổi tiếng
của Việt nam và Hoa kỳ, đáng kể là khóa cao đẳng quốc phòng (VN), chỉ huy tham
mưu cao cấp tại Leavenworth (Kansas) và quản trị quốc phòng tại trường
đào tạo hậu đại học của Hải quân Mỹ tại Monterey (California).
Cứ dựa vào thâm niên và tài năng ông xứng
đáng trở thành Tư lệnh của quân chủng, nhưng vốn không có tham vọng, lại khiêm
tốn, không phe cánh, mãi đến 1972 mới lên tư lệnh và được thăng một sao một năm
trước ngày gãy cánh. Cũng năm này được tuyên dương trước toàn quân với
Anh dũng bội tinh kèm nhành dương liễu về công trạng yểm trợ không lực hữu hiệu
cho chiến trường cao nguyên.
Là người hay viết về ‘chân dung tướng lãnh’
của Quân lực VNCH khi các vị nằm xuống, tôi hụt viết về chuẩn tướng Sang khi
ông từ giã bạn bè và người thân vì ngày ấy tôi chưa quay lại làng văn làng báo.
Nhưng cũng may tôi có dịp gặp ông hai lần trớ trêu thay trong cùng cảnh tù của
một trại giam hắc ám nhất miền Bắc, trại Nam hà, rồi khi ra hải ngoại lại có
dịp được biết thêm về ông qua các sĩ quan thuộc cấp đã gần gũi ông tại Pleiku
và những tháng ngày cuối cùng trước ngày Sài gòn tắt thở.
Viết về ông hơi khó vì bản thân ông không
thích người khác ca ngợi mình, lại càng kín tiếng vì không thích chuyện chính
trị, ông là một mẫu quân nhân thuần túy, dù là một phi công mang tiếng hào hoa
nhưng cá nhân lại hết mực nghiêm túc, trọng quân phong quân ký, có thể vì gốc
nhà giáo và luôn tỏ ra gương mẫu trong nếp chỉ huy của quân trường, nơi một lần
ông đã uốn nắn các sinh viên sĩ quan theo đuổi nghiệp bay cả về kỹ thuật lẫn
tác phong.
Tôi nhớ lần lén gặp ông trong khu biệt giam
tướng lãnh, khó ai ngờ ông là tướng một sao, cảm tưởng nhìn ông cặm cụi tưới
mảng rau thơm và rau cải để tự cải thiện trong một khu đất khép kín của trại
tù, người ta hình dung giống như một ông giáo già người Nam bộ đang chăm sóc
mảnh vườn nhà èo uột dưới quê.
Nhưng bên trong con người này là một nhân
cách đáng kính, lầm lỳ ít nói, ngay cả khi địch bắt cũng chẳng khai thác được
gì, bảo lên đài nói để kêu gọi binh sĩ ta đầu hàng buông súng ông không chịu
làm, bảo thành khẩn khai báo quá trình bản thân để sớm được tha ông vẫn an
nhiên tự tại, ông không dại gì mà chống khi cánh bay đã gãy, nhưng phía cán bộ
địch vận ở trung ương và quản lý trại giam nơi nhốt ông, họ biết người này khó
mà ‘chiêu hồi, cải tạo’, có thể vì vậy mà khi trại giam tù cải tạo cuối cùng
trên đất Bắc đóng cửa, người ta đem ông về Nam để nhốt thêm. Ông là người
cuối cùng ra khỏi trại giam sau 17 năm, chính thức khai tử cái chính sách khoan
hồng mà cộng sản rêu rao dành cho những kẻ cựu thù của chúng.
Trở lại những ngày cao nguyên di tản, ông là
nhân chứng đầu tiên ngoài tướng Nguyễn Văn Phú, người nhận lệnh từ tổng thống
Thiệu. Ông vẫn hận về cái lệnh quái đản bằng miệng từ người tổng tư lệnh cho
một tư lệnh quân đoàn qua đường điện thoại (từ Khánh Hòa Nha Trang), áp đặt một
quyết định sinh tử cho việc tháo lui bỏ ngỏ một vùng cao nguyên chiến lược mà
chính người thi hành chỉ có không đầy… 72 tiếng đồng hồ để sắp xếp!
Ông vẫn còn nhớ như in trong cuộc họp tham
mưu tại văn phòng tướng Phú, cú điện thoại gần như độc thoại từ đầu dây bên kia
và phía đầu dây bên này chỉ có những độc âm…dạ, dạ, dạ,…rồi ngưng, không kịp để
phát thêm một lời xin giải thích và nhu cầu thời gian cho một cuộc di tản chiến
thuật vô tiền khoáng hậu. Mặt buồn như người đưa đám, người tư lệnh cấp cao hơn
ông chỉ đạo các đơn vị tự lo lấy phương tiện chuẩn bị băng qua con lộ 7, mà mấy
ngày sau thành tử lộ trên đường rút về Tuy hòa, một thị trấn gần Nha Trang, nơi
chưa đầy một tuần trước ông Thiệu và đoàn tùy tùng có cả đại tướng Cao Văn Viên
đã có mặt tại đây.
Chưa đầy một tháng sau, bản đồ miền Nam được
vẽ lại, Phan Rang trở thành tuyến đầu của lãnh thổ cộng hòa. Tướng Thiệu cho
gom góp các đơn vị vừa tản hàng sau cuộc di tản, từ cao nguyên đổ về, từ miền
Trung dạt xuống, bằng mọi giá phải bảo vệ thị trấn này cũng là hometown của
ông, không để cho Bắc Việt lấn chiếm thêm. Từ đây, tướng Sang thêm một nhiệm vụ
mới, làm phụ tá cho tướng ba sao Nguyễn Vĩnh Nghi, một cựu tư lệnh đồng bằng
sông Cửu đang bị thất sủng nên chịu giữ chức tư lệnh tiền phương phòng thủ Phan
Rang.
Có một giai thoại là tại mặt trận tiền
phương, tướng Nghi đã chỉ định tướng Sang đặt bộ chỉ huy trên không để dề bề
điều động phối hợp, nhưng ông đã nói đùa, ‘tướng 3 sao dưới đất, tướng 1
sao trên trời coi sao tiện’, ông đã xin cùng ngồi ở bộ chỉ huy đóng gần phi
trường, để rồi cùng số phận ít ngày sau khi Phan Rang thất thủ cả hai ông trở
thành tù binh có cấp bậc cao nhất bị bắt tại chiến trường. Một thuộc cấp cũng
là bạn của tôi thuật lại nếu Phượng Hoàng cứ ở trên không thì chiếc vận tải
biết đâu đã quay hướng Sài gòn và số phận của mấy thầy trò đã có ngả rẽ khác.
Viết lại về ông điều đáng nói không phải muốn
đề cao một khuôn mặt từng được kính nể cả về tài năng lẫn phẩm chất, cái đáng
phục dù không được nhắc nhớ như năm vị tướng đã chết theo thành, nhưng Phuợng
Hoàng khi gãy cánh đã trả giá bằng những tháng năm tù đầy gian khổ qua các trại
giam của kẻ thù từ Bắc vào Nam, rồi trước khi về cõi đã dũng cảm nhìn lại bằng
tri nhớ của mình và nhờ các thuộc cấp bổ sung, ông đã viết được một tài liệu
mang tính hồi ức thuật lại trận đánh Phan Rang mà những chi tiết có thể dùng
làm tư liệu cho người viết quân sử.
Theo dư luận chung ông chẳng có lỗi gì, trái
lại đã làm hết sức mình trước tình hình vận nước đã đến hồi mạt vận, dù ông đã
tự thân xin lỗi đồng bào vì đã để mất Phan Rang. Các đồng đội vẫn tự hào khi
nhìn lại thấy Thầy mình sống chết có nhau, hơn nhiều kẻ chóp bu đã bỏ thành
trước giờ tàn cuộc.
Mọi sự đã thuộc về lịch sử, thắng thua để các
người sau phân giải. Bên thắng cuộc họ mới kỷ niệm ầm ỹ 40 năm Sài gòn mất tên,
nhưng cảnh đói nghèo tụt hậu vẫn còn là vết thương nhức nhối của một quê hương
tan nát.
Tôi mượn lời của các thuộc cấp trong lễ truy
niệm với đầy đủ lễ nghi quân cách trong ngày tiễn ông ra đi, “Thôi thì, ân đất
nước đã đền, nghĩa đồng bào đã trả, xin Tướng quân thanh thản ra đi”. Chúng
tôi, những người lính không cùng quân chủng, với lòng quí mến của các cựu tù
xin Phượng Hoàng cứ yên nghỉ ngàn thu.
Viết tại quận Cam 16-4-15
Đỗ Xuân Tê