24 October 2015

CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG - Hồ Đình Nghiêm


Nhà thơ Phan Huyền Thư. (Ảnh: Hoàng Hà)

Đôi vợ chồng bước vào phòng trưng bày tranh, đập vào mắt họ là bức thiếu nữ khoả thân mà trên người chỉ sót duy một chiếc lá che đậy hững hờ ở khu vực “rừng lá thấp”. Người vợ tỏ vẻ không thích, liền bỏ đi, quay lui vẫn thấy ông chồng đứng trân trối trước tấm tranh. Vợ hỏi: Anh còn chờ gì nữa? Chồng đáp: Anh chờ mùa thu.

Việt Nam hình như chỉ có hai mùa mưa nắng? Bậy nào, cũng đủ bốn mùa xôm tụ như ai kia. Và dung nhan mùa thu, hiện ra rõ nét nhất ở hai địa phận: Huế, Hà Nội. Thu Hà Nội năm nay có chiếc lá vàng hoành tráng mang tên Phan Huyền Thư. Nếu cảnh sắc mùa thu Hà Nội không gây được ấn tượng cho khách nhàn du thưởng lãm thì kẻ rách việc đi dã ngoại đã có ngay mục tiêu điền thế: Mùa Phan Huyền Thư. Mùa xao xác bao trận cuồng phong chợt dấy, mùa lá bàng rụng. Mùa trong áng văn nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn: “Gió lên, lạy trời gió nổi lên…”

Bạn hỏi: Rứa thì o Phan Huyền Thư có phải là vị lãnh đạo tuổi trẻ tài cao con ông cháu cha chỉ mới 30 tuổi đã vừa nắm giữ một bộ phận không nhỏ trong guồng máy cửa quyền? Mình xin “đạo” giọng nói ngọt ngào du dương của người thủ đô ngàn năm văn vật để thưa: Đéo phải, cái Thư nầy là thi sĩ ông ạ, kỹ sư tâm hồn chứ không đùa, nhớ. Trông mặt cũng xinh đáo để, nom ngây thơ vô số tội ra phết. Cô ấy vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội nhờ vào tập thơ “Sẹo Độc Lập” đấy bố ạ! Không đùa đâu, chớ có tơ lơ mơ nhé.

Làm thơ hay mà nguyên cả hội đều công nhận để trao giải thưởng là lẽ thường, tại làm răng lại sinh chuyện làm náo động thiên cung? Bố ạ, bất bình thường nằm ở vấn nạn có anh nhà báo phát hiện cô đạo thơ, khuân hình hài bài “Buổi sáng” của bà Phan Ngọc Thường Đoan về tô son điểm phấn lại rồi gọi tên “Bạch lộ”. Thật là biết “ngạo với nhân gian một nụ cười”!
Bạn phán: Ở một nơi mà “chúng ăn không từ một thứ gì” thì “xơi” chỉ một bài thơ e chẳng nên xem đó là việc hệ trọng. Huống hồ xưa nay ta vẫn xem thơ văn là thứ rẻ như bèo, làm ra cốt để ngó thôi thứ bỏ mồm nào được đâu? Thấm béo gì, lãng phí cả sức lao động. Ai cũng ngôn như bác thì chả còn mọc ra bọn người sính thơ văn giỡn hoa ghẹo trăng, trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ. Khổ thế! Nhà cháu nói cho bác biết nhé, có người ngứa mồm bảo rằng: Sau nạn lâm tặc thì đến nạn đinh tặc, tới khuyển tặc, tới mông tặc và bi chừ thì chúng ta gặp thơ tặc.
Kẻ bị uýnh ngậm bồ hòn làm ngọt hay đương sự có đưa ra lời trần tình nào không? Nghe chúng bình loạn rằng bản tính của nạn nhân vốn cương cường, kẻ có bản lĩnh. Cô ấy bảo: Nhà cháu chỉ có mỗi tội, ấy là viết sau họ thôi. Phục cho cái Thư, cô ấy hồn nhiên tới bến. Nên thông cảm cho nhà thơ bạn à, đi sau bao giờ cũng bị thiệt thòi. Tôi đưa một ví dụ, tỉ như phở, hương vị nó, nguyên vật liệu tạo ra nó đa phần đều giống nhau, sao chẳng nghe hàng quán này hô hoán thằng phở bò kia “đạo” món phở của tớ? Thương hiệu phở nhà cháu ngon không kém phở mắng, phở chửi, phở quát, chỉ mỗi tội vì kinh doanh sau họ nên hơi bị ế, nhỉ?
Bạn trầm ngâm một đỗi rồi bất ngờ đưa ra câu hỏi: Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, vậy thì có mấy mươi ngàn đã đạo luận văn? Xời, sao ác với nhau thế, tớ đâu đoạt giải nobel toán học mà đưa ra thứ bổ đề hóc hiểm ấy? Tôi chẳng rành lãnh vực văn nghệ văn gừng nhưng cứ đưa ra nhận xét, ấy là nhan đề “Sẹo Độc Lập” của Phan Huyền Thư e có chứa vấn đề? Bố công tác ở cơ quan tuyên giáo à? Là an ninh văn hoá? Sao đâm méo mó nghề nghiệp thế. Độc lập tự do hạnh phúc thì cũng phải đánh đổi bao máu xương mới có được. Mỗi khi vết thương đã thành sẹo thì nên ăn mừng thành quả chứ? Ca cẩm nỗi gì? Nghe nó làm sao ấy, như danh xưng của một anh xã hội đen hoặc giả đó là hồ sơ chuyên án hình sự của công an hơn là nhãn dùng cho một thi tập. Đồng ý với bác, nhà cháu nghĩ đó cũng là cách tránh đụng hàng, dễ gây ấn tượng hòng khêu gợi trí tò mò của kẻ lơ là thơ văn nước nhà. Mở hàng phở mà lấy tên Thuỳ Mị hoặc phở Nết Na thì có chó mới vào kéo ghế, chúng sang sắp hàng bên phở quát phở mắng là phải đạo thôi.
Bạn hỏi: Chuyện bên tách trà xanh của chúng ta nãy giờ vẽ ra được hoạt cảnh gì? Theo trí tưởng của nhà cháu thì hội nhà văn Hà Nội vừa mở ra một phòng trưng bày tranh mà Phan Huyền Thư là bức thiếu nữ khoả thân giữ cho cơ thể mình vỏn vẹn một chiếc lá. Bá tánh vào ra, trông cho gió thổi lộng để lá rơi, để mãn nhãn. Khi ấy, không cứ là bọn đàn ông phàm phu tục tử thích ngắm, mà còn có khối bà sẽ chen chân để nghía xem mặt ngang mặt dọc nó lớn bé thế nào. Nó trân tráo bày hàng hay nó e lệ ngượng đỏ?
Tuần trà chấm dứt, đôi bạn sửa soạn chia tay thì tin giờ cuối ập về: Sau buổi họp khẩn tại Hà Nội mùa thu lá bay, những chức sắc quyền hành đã thống nhất đi tới giải pháp thu hồi giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội đã trao cho tác giả Phan Huyền Thư. Lý do: Đạo thơ quá lộ liễu. Hai bài đặt cạnh ngó y như hai giọt nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nghe tin, lấy làm bức xúc: Thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư là không hợp lý! Ông viện dẫn, vì cho đến giờ, tác phẩm của hai nhà thơ nữ kia (đều là hội viên hội nhà văn VN) chẳng rõ là ai đạo ai, chúng ta chưa nắm rõ vấn đề. Cuối cùng, mặt lộ vẻ buồn, ông phó chủ tịch bảo: Câu chuyện này là câu chuyện thật rất buồn và xấu hổ!
Hết thầm thà thậm thụt, phải diễn cảnh tạ từ, nhà cháu tức cảnh sinh tình, đưa tiễn bác ra cổng bằng câu thơ:

“Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
làm lỡ tình duyên cũ mất rồi”.

Bác trợn mắt: Mi nói hộ tấm lòng Phan Huyền Thư đó hở? Răng mi lại nhẫn tâm đi đạo thơ của TTKH rứa?
Bác tha cho nhà cháu nhờ, ngay cả tiêu đề “Chiếc lá cuối cùng” bên trên e cháu cũng lỡ thuổng từ một bài hát, hay một tuồng vọng cổ năm xưa. Vạch lưng làm gì cho gió luồn gai lạnh hở bác! Thu xao xác lá vàng buồn vương cây ngô đồng ngoài ấy. Bọn xấu mồm thời đại nào cũng nhiều, bác nhẩy? Ai xúi mà chúng đặt điều: Người Việt không biết nói chữ xin lỗi và tuyệt chẳng biết xấu hổ. May thay, ta có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa gióng tiếng cải chính. Mong bác tâm thân an lạc. Ra về coi chừng xe đụng, nhớ?

Hồ Đình Nghiêm