Lão Mẫn mặc áo sơ mi xanh đóng thùng với chiếc quần
tây đen trông gọn gàng, lịch lãm lắm. Lão đứng ở cổng trường trung học cơ sở Lê
Quý Đôn nhìn vào, đôi mắt trắng dã đảo qua, đảo lại tìm kiếm. Sân trường đang
giờ ra chơi, rộn rã tiếng cười vui, la hét, đùa giỡn rượt đuổi bắt nhau, huyên
náo. Lão Mẫn đưa tay vẫy gọi nhóm học trò đang chạy chơi gần cổng - “Mấy đứa có
thấy thằng Thạch lớp 7A chỗ nào không, gọi nó giùm cho bác”. Lũ học trò nghe tiếng
lão ngoài cổng, lật đật chạy vù vào trong, hét toáng lên - “Lão Mẫn tụi bây ơi!
Chạy mau!”. Lão gọi rõ to vào sân trường - “Thạch ơi! Mau về nhà đi con, tắm rửa
rồi ăn cơm kẻo đói.”
Ngày nào cũng vậy, đã 6, 7 năm nay rồi, lão Mẫn luôn có mặt trong giờ ra chơi ở
ngôi trường này; lão chờ cho đến khi tan trường, học sinh ra về không còn một
ai, mới thất thểu ra về. Tuổi đời lão Mẫn chỉ trên bốn mươi, mà gương mặt đầy nếp
nhăn ngang dọc, như ngoài sáu mươi, bảy chục vậy. Mọi người ở xóm Đồng, ai cũng
gọi là “lão” lâu dần thành quen.
Hằng ngày lão không nói năng gì, cứ im lặng làm, hết việc này đến việc khác,
không để đôi tay nghỉ ngơi chút nào. Hết việc đồng áng, về nhà lão chặt tre
ngoài vườn vào, chẻ ra, đan thúng, đan rổ; hết đan đát, lão cuốc đất ngoài vườn
trồng rau, trồng củ. Nhưng dù làm gì thì làm, đúng giờ ra chơi là lão có mặt ở
cổng trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn; không thiếu một ngày, dù bệnh đau lão
cũng thế.
Bà Đan - vợ lão, buồn lắm, bà chăm sóc lão từ miếng ăn, thức uống, thuốc men những
lúc trái gió, trở trời thật chu đáo. Nhìn lão gầy gò, ốm yếu, bà chỉ biết thở
dài, lặng thinh mà rưng rưng nước mắt. Hằng đêm, bà thắp nhang khấn nguyện ơn
trên phù hộ cho gia đạo bình an, chồng bà trở lại bình thường như xưa.
Mùa nước lớn, lão khó ngủ, nửa đêm thường giật mình, hay kêu lên: “Thạch ơi!
Con đâu rồi? về đi! Chơi đâu không chịu về vậy không biết, đói chết cha mầy,
con ơi!”. Rồi lão khóc thút thít, lảm nhảm một hồi, không ai nghe biết gì. Nhìn
chồng, bà Đan chỉ biết ôm lão vỗ về cho đến khi lão ngủ thiếp, bà mới an lòng nằm
xuống.
Thằng Thà - con trai út của lão, học một buổi, buổi còn lại, phụ giúp ba mẹ việc
đồng áng. Thà siêng năng, chăm chỉ học hành; ước muốn học thật giỏi để có thể
trở thành bác sĩ chữa bệnh cho cha sau nầy; nên nó cố gắng học, kết quả năm nào
cũng đạt học sinh giỏi. Hình ảnh Thạch - anh trai nó, như động lực giúp nó mạnh
mẽ hơn, nổ lực hơn. Trước khi đi ngủ, nó luôn thắp nén hương trên bàn thờ và
nhìn di ảnh của anh trai hồi lâu, lâm râm khấn nguyện rồi mới lên giường. Trăn
qua, trở lại hồi lâu rồi nó cũng thiếp đi, chìm vào giấc ngủ.
**
Mưa dầm đã hai ngày, hai đêm, nước ngoài đồng lênh láng. Chị Đan trải chiếc chiếu
cũ dọn cơm ra mâm, gắp rau lang luộc ra đĩa - mỉm cười:
-May mà trời tạnh mưa, mưa thêm ngày nữa là lụt lớn không chừng - quay sang Thà
chị nói: Mời ba mầy vào ăn cơm đi cho nóng - vói xuống nhà dưới chị gọi to -
bưng nồi cơm lên Thạch ơi!
Thạch “dạ”, chạy ra vò rửa sạch đôi tay, rồi nhắc nồi cơm sang rế, bưng lên. Nó
nhìn đĩa cá rô nướng vàng thơm lựng, cười híp mắt:
-Úi chà! Rau lang ăn với cá rô nướng ngon ơi là ngon.
-Ừ! Ngon thì ăn cho nhiều vào – Chị Đan nhìn con, cười theo.
Chị Đan bới cơm cho chồng, cho các con. Mẫn gắp con cá rô to nhất bỏ cho Thạch
và Thà. Anh nói, giọng nghiêm khắc:
- Hai đứa ăn đi. Phải biết vâng lời người lớn nghe chưa! Ngoài việc học còn phụ
việc nhà chút đỉnh, đừng có chạy chơi nhông nhông ngoài đường là chết với tao
đó nhen.
Thạch nhìn cha lấm lét, ăn vội vã; nó nuốt trệu trạo miếng cá vào họng không kịp
nhai kỹ, bị hóc xương ở cổ. Chị Đan vội vắt cục cơm đưa cho con - giọng bực bội:
- Nuốt trộng vào cho nó trôi xuống - chị liếc nhìn Mẫn, con đang ăn mà cũng răn
đe dạy với dỗ, ông nầy…
- Lúc nào không dạy dỗ, nói miết cho nó nhớ; không nói tụi nó lông nhông như thằng
Tí con ông Ba xóm trước làm sao? Bà cứ cựa là bênh vực con, để tụi nó leo lên đầu,
lên cổ mình ngồi bây giờ.
Thà quay nhìn cha, nói lí nhí:
-Tụi con có chơi gì đâu mà ba cứ nói miết, anh Hai sợ ba quá, ăn vội, mắc cổ rồi
đó.
Thạch lật đật chạy xuống nhà dưới, thò tay vào họng khều cái xương dính ở vòm họng
ra, nó rửa mặt sạch sẽ rồi lên ngồi vào mâm cơm, ăn tiếp. Chị Đan nhìn con trai, lo lắng:
- Hết chưa con? Nuốt miếng cơm trộng nữa nhen!
- Dạ! Khỏi rồi mẹ. Cảm ơn mẹ!
Anh Mẫn nói như phân bua:
- Hết thì ăn đi, tao nói miết như vậy là để tụi bây nhớ, không nói miết, quên
sao?
Tiếng chân người chạy vội vã, tiếng gọi nhau ơi ới hớt hãi vọng vào từ ngoài
ngõ. Ông Hai xóm trước chạy ngang qua cửa, nói vói vào:
-Trời ơi! Nước dâng tới nơi rồi mà tụi mầy còn ngồi đó nhởn nhơ ăn cơm sao? Cả ấp
Thái người ta kéo nhau chạy xuống ào ào kìa tụi mầy ra đường mà coi - Giọng ông
Hai hụt hẫng, mau thu xếp rồi chạy đi, nước dâng chạy không kịp bây giờ. Ra xóm
Ga đi, ngoài đó đất cao, có gì mình chạy ra rừng cát.
Chị Đan hối thúc các con:
-Các con ăn nhanh lên rồi chạy vào xóm Ga.
Mẫn buông đũa đứng dậy, chạy u ra ngoài đường lớn xem thử, anh thấy người gồng,
kẻ gánh, người lùa bò, kẻ bồng con nhỏ, cùng nhau chạy từ trên quốc lộ xuống, gọi
nhau ơi ới như chạy giặc. Anh nhìn con nước dâng cao dần quanh lề đường - Nước ở
đâu mà lênh láng, mới hồi nãy đi thả lờ về, có vậy đâu. Anh lật đật chạy về
nhà, hối vợ con:
-Vào lấy ít quần áo mang đi, không cơm nước gì nữa, nhanh lên.
Hai anh em Thạch và Thà dẹp mâm cơm xuống bếp rồi chạy lên, Đan chạy vào phòng
lấy quần áo cho cả nhà, chị quýnh quáng quên trước quên sau. Anh chạy ra chuồng
bò, mở cổng dắt con bò kéo cộ vào sân - nói như ra lệnh:
- Hai anh em mầy dắt con bò chạy trước, tao với mẹ mầy lo đưa mấy con heo lên
cao, thu xếp mọi cái rồi vào sau. Hai đứa vào nhà cô bảy Hiền, một lát ba mẹ vô
nhen. Thằng Thà cầm dây dắt, thằng Thạch cầm roi lùa nó đi; làm sao đấy làm,
còn con bò thì về, mất bò tụi mầy chết hết với tao. Lẹ lên!
Hai anh em Thạch nhanh nhảu đứa dắt, đứa lùa con bò chạy ra đường lớn, hòa theo
dòng người vào xóm Ga. Nước lớn rất nhanh, rượt đuổi như lũ, vừa mạnh, vừa chảy
xiết. Đàn bà, trẻ con sợ hãi, vừa chạy, vừa la khóc. Nước chấm mắt cá chân, lên
nhanh tới gối, rồi cao dần, mọi người hối hả nối đuôi nhau chạy. Tới khúc cua gần
cầu Ông Tứ, nước chảy xiết hơn, mạnh hơn; mọi người phải dò từng chút mới qua
được. Hai anh em Thạch ráng dò dẫm, chân bước từng bước theo mọi người. Thạch
nhắc nhở, an ủi em trai:
- Ráng chút nữa nhen Thà, mầy cầm dây cho chắc đó; khỏi khúc cua nầy, qua cầu
là tới nơi. Con bò mà mất, là tụi mình ăn đòn chết.
-Thì cố chớ sao không, ông lo quá, sợ gì mà sợ dữ vậy; mà ổng có đánh thì mình
chịu chớ biết sao giờ. Ông quất vào mông cho nó đi nhanh chút coi.
- Ừ! Mầy không sợ, chớ tao sợ ổng lắm. Cố kéo đi giữa đường đấy, đừng đi mé
bìa, coi chừng sụp xuống lề.
Qua đến giữa khúc cua, trũng thấp nước gần bụng; bên lề là mấy đám ruộng sâu,
thấp hơn mặt đường ba, bốn mét; nước xô nhau chảy ào ào, xiết hơn. Thà cố bịn sợi
dây kéo con bò, nhưng con bò mỗi lúc mỗi bị đẩy trôi nhích dần bên lề đường. Thạch
cố hết sức đẩy mông con bò vào phía trong, con bò đã tạt vào lề rồi, nhưng sụp
một chân, con nước cuồn cuộn xô nó ngã xuống. Thạch hét lên:
- Phụ tao Thà ơi! Kéo nó!
Thà kéo mệt đứt hơi mà con bò không nhích nổi chút nào - con bò bị nước cuốn xuống
dòng chảy, Thà buông dây, khóc thét lên:
-Anh Hai! Buông nó đi! Anh Hai! Anh Hai!
Mọi người la thất thanh:
-Trời ơi! Buông nó đi con ơi! Nước cuốn bây giờ.
Thạch hét lên:
-Tao sợ ba đánh lắm, mầy không nghe ổng nói ha, còn con bò thì về, mất nó thì…
Chưa nói hết câu Thạch đã bị nhận chìm xuống dòng nước xoáy, nó gắng sức ôm cái
đuôi con bò, cố kéo lại. Cả hai trôi nhanh theo dòng chảy. Thà khóc ngất, nhìn
anh trôi theo con bò, trồi lên, nhào xuống một hồi, rồi chẳng thấy bóng anh đâu
nữa. Thà không chịu đi, đứng giữa dòng nước, kêu khóc gọi anh thảm thiết. Mọi
người lôi kéo Thà đi - “Con chạy theo mọi người đi, đứng đây một lát nữa là
cũng trôi đi mất đó!”.
Thà vẫn cứ đứng im như thân cây, cứ khóc, kêu anh Hai ơi mặc cho mọi người níu
kéo nó.
-Anh Hai ơi! Anh Hai ơi! Buông đi! Buông nó đi!
Nghe tiếng hét thất thanh của Thà, Bà Đan giật mình chạy qua phòng con trai, bà
nằm xuống, ôm con - vỗ về:
-Không sao, không sao, con ngủ đi! Có mẹ bên cạnh đây.
Bà Đan ứa nước mắt, rờ trán con lấm tấm mồ hôi; bà biết con trai bà vừa trải
qua cơn ác mộng ngày ấy, mà dù có cố quên cũng không thể nào quên được. Chính
bà, thỉnh thoảng đêm nằm vẫn mơ thấy con - nhất là vào những ngày mùa đông mưa
dầm, nước lớn.
***
Mùa nước lớn lại về, ngồi bên mâm cơm, lão Mẫn thẫn thờ không nuốt nổi chén
cơm, dù bà Đan cố sửa soạn, nài nỉ, cũng không thể nào lão ăn ngon được. Đôi
chân cứ bắt lão lững thững đi về hướng cầu Ông Tứ, lão ngồi xuống bên vệ cỏ,
nơi con trai lão đã trôi theo con bò năm nào. Lão đăm đăm nhìn xuống giòng nước
chảy, đôi mắt trông xa xôi, dài dại, trắng dã.
Lão bỗng giật mình, nghe văng vẳng bên tai tiếng của chính mình vọng lại “Làm
sao làm đấy, còn con bò thì về, mất con bò thì tụi bây chết với tao”. Câu
nói đã bảy, tám năm qua, như xoáy vào chiếc đầu khô khốc, đẫn đờ của lão. Lão
nghe đầu đau như búa bổ và đôi mắt lão như dại hẳn đi; trong lúc hình ảnh Thạch
đang trôi xuôi giữa dòng nước xoáy cùng con bò, như đang chập chờn trước mắt
lão.
Tiểu
Nguyệt