Các cô gái Nhật Bản mặc furisode trong ngày Lễ Trưởng
thành/Thành nhân.
Lời người dịch:
Ở Nhật Bản, bước sang tuổi 20 là một sự kiện quan trọng được gọi là “Seijin – Thành nhân” đánh dấu sự chuyển mình sang tuổi trưởng thành, nhận lãnh các quyền pháp lý như bầu cử, uống rượu, hút thuốc,… Truyền thống này đã có từ thế kỷ thứ 8, mặc dù hình thức hiện đại mới được thiết lập vào năm 1948 khi trở thành một ngày lễ quốc gia là “Seijin no Hi – Ngày Thành nhân”.
Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của Seijin no Hi –
Ngày Thành nhân, là trang phục. Nhiều phụ nữ trẻ mặc furisode, một loại kimono
trang trọng đặc biệt bởi tay áo dài bồng bềnh và những họa-tiết rực rỡ. Những bộ
kimono này thường được kết hợp với kiểu tóc và phụ kiện phức tạp, thể hiện cả
tính cách của người mặc và nghệ thuật của truyền thống dệt may và thời trang Nhật
Bản.
Truyện ngắn dưới đây được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật của
Murakami Haruki đã xuất bản thành cuốn sách “Birthday Girl” bìa cứng có thêm
các bản minh họa của Kat Menschik, họa sĩ người Đức, từ nhà xuất bản
“Shincho-Tân triều” ngày 30 tháng 11, 2017.
Trích lời bạt cuối sách của tác giả
Murakami Haruki:
“Bạn có nhớ vào sinh nhật hai mươi tuổi, bạn đã làm gì
không nào? Tôi thì nhớ rất rõ. Ngày 12 tháng 1 năm 1969 ấy đã là một ngày mùa
đông mây mờ lạnh ngắt, tôi đi làm thêm, hầu bàn ở một quán cà-phê. Muốn nghỉ lắm
chứ, nhưng đã chẳng tìm được ai đi làm thế hộ mình cả. Kết cuộc, ngày hôm đó,
cho đến giây phút cuối ngày, đã chẳng hề có chuyện gì vui thích, chỉ u ám đến nỗi
tôi đã có cảm giác là ngày đó sẽ vận vào mình như báo trước cả tương lai!
Câu chuyện dưới đây có vai chính là một thiếu nữ cô độc
trong cuộc sống, không khác gì tôi thời bấy giờ, chào đón sinh nhật hai mươi tuổi
của mình có mòi chẳng có gì vui thích cả. Ngày dần tàn, lại mưa lớn nữa. Thế rồi,
vào giây phút cuối cùng của ngày, liệu có chuyển biến gì to lớn xảy đến cho cô ấy
chăng?”
*
Cô vẫn hầu bàn như thường lệ vào ngày hôm đó, sinh nhật lần
thứ hai mươi của cô. Thường thì cô phải đi làm mỗi thứ Sáu, nhưng ngày thứ Sáu
đặc biệt ấy, giá như mọi việc diễn tiến đúng theo kế hoạch thì hẳn là cô đã được
nghỉ buổi tối rồi. Bởi cô bạn cùng làm bán thời gian đã đồng ý đổi ca cho cô.
Và lẽ tất nhiên là cô hẳn đã khỏi bị một đầu bếp tức giận hét vào mặt sai bê
bánh gnocchi bí-ngô và món hải-sản chiên ra bàn khách hàng, vốn chẳng phải là lệ
thường để tận hưởng sinh nhật lần thứ hai mươi. Ấy thế mà cô bạn kia lại đã bị
cảm lạnh nặng phải nằm nhà với chứng tiêu chảy không ngừng và sốt gần 40 độ, do
vậy rốt cuộc cô đã phải đi làm chỉ từ một thông báo ngắn gọn. Và cô lại còn phải
cố gắng an ủi cô bạn đau ốm đã gọi điện thoại đến xin lỗi. “Đừng lo”, cô nói.
“Dù gì thì mình cũng chả định làm gì đặc biệt cả, dù là sinh nhật hai mươi tuổi”.
Mà thực tế thì cô cũng không thất vọng gì mấy. Một lý do là
cuộc cãi vã khủng khiếp vài ngày trước đấy với bạn trai, người đáng lẽ phải ở
bên cô đêm đó. Hai người đã kết nối từ thời trung học, và cuộc cãi vã cũng chỉ
khởi đầu từ một chuyện không đâu. Thế mà lại bất ngờ trở nên tồi tệ đến trở
thành một trận lời qua tiếng lại dằng dai cay đắng – mà cô nghĩ hẳn đã là một
cuộc cãi vã đủ tệ hại để cắt đứt mối quan hệ lâu dài của họ một lần thành mãi
mãi. Có thứ gì đó bên trong cô đã đông cứng lại mà chết. Anh ấy không còn gọi
cho cô kể từ đấy, và cô cũng không định gọi cho anh ấy nữa.
Chỗ làm của cô là một nhà hàng Ý nổi tiếng bậc nhất ở phường
Roppongi sang trọng của đô thành Tokyo. Nhà hàng này đã kinh doanh từ cuối những
năm sáu mươi và tuy ẩm thực của nhà hàng không phải là hàng đầu, nhưng danh tiếng
cao cấp của nhà hàng hoàn toàn xứng đáng. Nhà hàng có nhiều khách hàng quen
chưa bao giờ thất vọng. Phòng ăn có bầu không khí yên tĩnh, thư thái không chút
gò bó. Thay vì đám khách hàng trẻ tuổi, nhà hàng thu hút một lượng khách hàng lớn
tuổi bao gồm một số người nổi tiếng trong giới sân khấu và văn học.
Có hai người hầu bàn toàn thời gian làm việc sáu ngày mỗi tuần.
Còn cô và người hầu bàn bán-thời-gian kia cùng là sinh viên, thay phiên nhau mỗi
người làm việc ba ngày. Ngoài ra còn có một người quản lý và tại quầy thu ngân
có một phụ nữ trung niên gầy còm bị người ta nói lén rằng cứ như là đã ngồi ở
đó từ khi nhà hàng mới mở—theo nghĩa đen, giống như nhân vật bà già u ám Little
Dorrit trong truyện của Charles Dickens. Bà ấy có đúng hai chức năng: nhận tiền
trả từ khách hàng và trả lời điện thoại. Bà chỉ nói khi cần thiết, và luôn luôn
mặc cùng một chiếc áo đen. Có vẻ gì đấy lạnh lùng và cứng rắn ở bà ấy, nếu thả
nổi bà trên biển đêm, rất có thể đánh chìm bất kỳ chiếc thuyền nào vô phúc tình
cờ đâm vào bà ấy.
Người quản lý thì có lẽ khoảng cuối lứa tuổi bốn mươi. Cao,
vai rộng, vóc dáng ấy cho thấy ông ta đã từng là một nhà thể thao khi còn trẻ,
nhưng bây giờ thịt mỡ thừa đã bắt đầu tích tụ trên bụng và cằm rồi. Mái tóc ngắn,
cứng của ông đang mỏng dần ở đỉnh đầu, và mùi đặc biệt của một người đàn ông độc
thân đang già đi, bám vào người ông ấy—giống như giấy báo đã được cất giữ lâu
ngày trong ngăn kéo cùng với thuốc ho. Cô ấy có một người chú độc thân cũng có
mùi như vậy đấy.
Người quản lý luôn luôn mặc vest đen, sơ-mi trắng và nơ bướm—không
phải loại nơ bướm cài ngay được vào cổ áo, mà là nơ bướm thật, phải thắt bằng
tay. Đấy là điểm tự hào của ông ấy vì tự mình có thể thắt nơ hoàn hảo mà không
cần nhìn vào gương. Công việc của ông là kiểm tra việc khách đến khách đi, ghi
nhớ tình hình đặt chỗ, nhận biết tên các khách hàng thường xuyên, chào đón
khách bằng nụ cười tươi, lễ độ lắng nghe mọi lời phàn nàn của khách hàng, ngỏ lời
gợi ý chuyên môn về các loại rượu vang, và giám sát công việc của nhân viên phục
vụ. Ông thi hành nhiệm vụ thật tề chỉnh ngày này qua ngày khác. Và còn có thêm
nhiệm vụ đặc biệt là mang bữa tối đến phòng của chủ nhà hàng.
“Chủ nhà hàng có phòng riêng ở tầng sáu tòa nhà của nhà
hàng”, cô ấy đã nói với tôi. “Một căn hộ hoặc văn phòng hay gì đấy”.
Ngẫu nhiên mà cô ấy và tôi đã nói chuyện sinh nhật lần thứ
hai mươi của nhau—ngày đó đã như thế nào đối với mỗi người chúng tôi. Hầu hết mọi
người đều nhớ ngày họ thành nhân, tròn hai mươi tuổi. Ngày ấy của cô đã đến hơn
mười năm trước đây.
“Ông chủ hoàn toàn chẳng bao giờ xuất hiện trong nhà hàng cả.
Người duy nhất đã nhìn thấy ông là người quản lý mà thôi. Nhiệm vụ của quản lý
là mang bữa tối đến cho chủ nhà hàng. Không một nhân viên nào khác biết ông chủ
trông như thế nào.”
“Vậy là về cơ bản, chủ nhà hàng được đồ ăn mang đến tận nhà,
từ chính nhà hàng của mình.”
“Đúng thế,” cô ấy nói. “Mỗi tối lúc tám giờ, người quản lý
phải mang bữa tối lên phòng của chủ nhà hàng. Đó lại là thời khắc bận rộn nhất
của nhà hàng, vì vậy việc người quản lý biến mất ngay trong giờ đó luôn luôn là
vấn đề cho chúng em, nhưng không còn cách nào khác vì đã là lề lối cho mọi thứ
tiến hành bình thường. Nhà bếp sắp xếp bữa tối lên một trong mấy chiếc xe đẩy
mà khách sạn dùng để phục vụ cho các phòng trọ, để người quản lý đẩy lên thang
máy với vẻ mặt cẩn trọng, rồi mười lăm phút sau, quay trở lại tay không.
Một giờ sau đó, người quản lý đi lên mà mang xuống xe đẩy với
bát đĩa và ly rỗng. Cứ thế đều đặn như đồng hồ, ngày nào cũng vậy. Em đã có cảm
giác thực sự kỳ dị lần đầu tiên được thấy như thế. Cứ như là một nghi thức tôn
giáo gì đấy, phải không anh? Tuy nhiên, sau một thời gian thì quen đi mà chẳng
bao giờ nghĩ đến nữa.”
Chủ nhà hàng luôn luôn có món gà. Cách nấu và các món rau
kèm theo có đôi chút khác biệt mỗi ngày, nhưng món chính luôn luôn là gà. Một đầu
bếp trẻ từng kể với cô ấy rằng anh ta đã thử dọn cùng một món gà quay không
khác tí chút nào mỗi ngày suốt một tuần xem sao, vậy mà không bao giờ có bất kỳ
lời phàn nàn nào cả. Tất nhiên, đầu bếp nào cũng muốn thử những cách chế biến
khác nhau, và mọi đầu bếp mới đều tự thử thách với mọi kỹ thuật chế biến món gà
tự mình có thể nghĩ ra được. Họ thử pha những loại nước sốt thanh lịch, thử
dùng gà từ các nhà cung cấp khác nhau, nhưng chẳng nỗ lực nào có hiệu quả gì,
chỉ như là ném hòn cuội vào một hang động trống rỗng mà thôi. Rốt cuộc rồi ai
cũng bỏ cuộc mà dọn cho chủ nhà hàng mỗi một món gà tiêu chuẩn mỗi ngày. Đấy là
tất cả những gì họ được yêu cầu.
Công việc bắt đầu như thường lệ vào ngày sinh nhật thứ hai
mươi của cô ấy, ngày 17 tháng 11. Trời lúc mưa lúc tạnh từ buổi chiều rồi đổ
mưa như trút nước khi trời tối. Vào lúc năm giờ, người quản lý tập họp nhân
viên lại để thuyết minh về các món đặc biệt trong ngày. Nhân viên phục vụ phải
ghi nhớ từng lời một mà không được dùng giấy ghi chú: các món thịt bê Milanese,
mì ống phủ cá mòi và bắp cải, mousse hạt dẻ. Đôi lúc, người quản lý đóng vai
khách hàng mà hỏi thử xem nhân viên có trả lời suôn sẻ không. Sau đó là bữa ăn
của nhân viên: những người phục vụ trong nhà hàng này không thể để bụng đói lên
tiếng khi đứng chờ khách đặt hàng!
Nhà hàng mở cửa lúc sáu giờ tối, nhưng đêm đó khách đến trễ
vì trời mưa như trút nước, và tất nhiên là một số đơn đặt chỗ đã bị hủy bỏ.
Khách phụ nữ không muốn váy áo bị mưa làm hỏng. Người quản lý đi quanh với đôi
môi mím chặt, và những người phục vụ giết thời gian bằng cách đánh bóng lọ muối
này lọ tiêu kia, hoặc tán gẫu với đầu bếp về chuyện nấu ăn. Cô ấy thì quan sát
phòng ăn chỉ có mỗi một cặp ngồi ở chiếc bàn độc nhất, đồng thời lắng nghe tiếng
đàn harpsichord phát ra từ loa trên trần. Mùi mưa cuối thu đậm đặc lan tỏa vào
nhà hàng.
Đến quá bảy giờ ba mươi thì người quản lý bắt đầu cảm thấy
buồn nôn. Ông ta loạng choạng kiếm ghế ngồi xuống một lúc, ấn tay lên bụng như
thể đã đột nhiên bị ai bắn vào đấy. Một giọt mồ hôi nhờn dính trên trán. “Tôi
nghĩ là phải đi bệnh viện”, ông thì thào. Việc người quản lý cần đi bệnh viện
là chuyện thật bất thường: ông ta chưa bao giờ nghỉ làm một ngày nào kể từ khi
bắt đầu làm việc ở nhà hàng này hơn mười năm về trước. Đó là một điều tự hào nữa
của ông: chưa bao giờ phải nghỉ làm vì ốm đau hay thương tích. Thế nhưng hôm ấy,
vẻ mặt đau đớn cho thấy rõ ràng là ông đang trong tình trạng rất tệ hại.
Cô ấy đã xách ô bước ra ngoài gọi một chiếc taxi. Một trong
những người phục vụ đỡ người quản lý vào xe rồi đi cùng, đưa ông đến bệnh viện
gần đó. Trước khi chui vào xe, người quản lý nói vói với cô ấy bằng giọng khàn
đặc, “Tôi muốn cô mang bữa tối lên phòng 604 lúc tám giờ đúng. Cô chỉ cần bấm
chuông, nói rằng, ‘Bữa tối của ông đây ạ’ và để lại đó là được”.
“Phòng 604 đấy ạ?” cô nói.
“Ừ. Lúc tám giờ,” ông ta nhắc lại. “Đúng tám giờ đấy.” Rồi lại
nhăn mặt mà chui vào xe, cho taxi đưa đi.
Vẫn mưa không ngừng sau khi người quản lý đi khỏi, và khách
hàng rời rạc đến cách khoảng nhau khá lâu. Chỉ một hai bàn có người ngồi cùng
lúc, vì vậy đúng là lúc thích hợp để người quản lý và một người phục vụ có thể
vắng mặt. Chứ thường lệ nếu gặp lúc quá bận rộn thì ngay cả toàn bộ nhân viên
cũng phải khó khăn phục vụ khách hàng cho chu toàn.
Khi bữa ăn của chủ nhà hàng đã sẵn sàng lúc tám giờ tối, cô
đẩy xe phục vụ vào thang máy lên tầng sáu. Vẫn là bữa ăn tiêu chuẩn của ông chủ:
nửa chai rượu vang đỏ với nút chai đã nới lỏng, một ấm cà phê giữ nhiệt, món
khai vị gà với rau hấp, bánh mì ổ và bơ. Mùi gà nấu chín nhanh chóng lan tràn
thang máy nhỏ, hòa quyện với mùi mưa. Mấy giọt nước nhỏ lấm tấm trên sàn thang
máy, cho thấy đã có người cầm ô ướt vừa mới lên thang ấy.
Cô đẩy xe thức ăn dọc hành lang rồi dừng lại trước cánh cửa
có ghi số “604”. Cô kiểm lại theo trí nhớ của mình: 604. Đúng rồi. Cô hắng giọng
và nhấn nút bên cửa.
Không có tiếng trả lời. Cô đứng đó trong khoảng hai mươi
giây. Ngay khi cô định nhấn chuông lần nữa, cánh cửa mở vào trong và một ông
già gầy gò xuất hiện. Ông thấp hơn cô hẳn chừng một tấc. Ông mặc một bộ vest
màu thẫm, thắt cà-vạt. Trên áo sơ mi trắng, chiếc cà-vạt nổi bật lên màu vàng
nâu như chiếc lá úa.
Ông tạo ấn tượng rất tinh tươm, quần áo ủi phẳng phiu, mái
tóc trắng vuốt thẳng, trông như thể sắp bước ra ngoài đi dự dạ-hội. Mấy nếp
nhăn sâu hằn trên trán ông khiến cô liên tưởng đến những khe núi sâu trong một
bức không-ảnh.
“Bữa tối của ông đây, thưa ông,” cô nói bằng giọng khàn
khàn, rồi lại khẽ hắng giọng. Giọng cô khàn đi mỗi khi căng thẳng.
“Bữa tối à?”
“Vâng, thưa ông. Quản lý đột ngột không được khỏe. Hôm nay
cháu phải thay thế mang bữa tối hầu ông đấy ạ.”
“À, ra thế,” ông già nói, gần như đang nhủ thầm với chính
mình, bàn tay vẫn đặt trên nắm đấm cửa. “Hừm. Không được khỏe à?”
“Thưa vâng. Bụng ông ấy đột nhiên đau, nên đã phải đến bệnh
viện. Ông ấy bảo là không chừng bị viêm ruột thừa.”
“Thế thì không ổn rồi,” ông già nói, ngón tay miết dọc theo
nếp nhăn trên trán. “Không ổn chút nào.”
Cô lại hắng giọng rồi hỏi. “Cháu mang thức ăn vào được
không, thưa ông?”.
“À được, tất nhiên rồi”, ông già đáp. “Tất nhiên, nếu cô muốn.
Ta thì không sao cả.”
Nếu tôi muốn ư? cô thầm nghĩ. Lối nói nghe kỳ dị quá. Tôi mà
ước muốn gì bây giờ?
Ông già mở toang cửa phòng cho cô đẩy xe thức ăn vào trong.
Sàn phòng trải thảm sợi ngắn màu xám, không thấy chỗ để cởi giày. Căn đầu tiên
là một phòng làm việc rộng lớn, như thể căn hộ này là nơi làm việc hơn là nơi
cư ngụ. Cửa sổ nhìn ra Tháp Tokyo gần đấy với bộ khung sườn bằng thép viền sáng
ánh đèn. Một chiếc bàn lớn đặt cạnh cửa sổ, ngay bên một bộ sofa nhỏ gọn. Ông
già chỉ vào chiếc bàn cà phê phủ nhựa bóng trước ghế sofa. Cô sắp xếp thức ăn của
ông lên bàn ấy: khăn ăn trắng và dao nĩa bằng bạc, ấm cà phê với tách, rượu
vang với ly uống rượu, bánh mì với bơ, rồi đĩa gà và rau.
“Xin ông vui lòng để bát đĩa ở ngoài hành lang, cháu sẽ đến
lấy sau một giờ như thường lệ.”
Ông chủ nhà hàng đang chăm chú ngắm các thức ăn uống sắp xếp
ngăn nắp trên bàn, nghe cô nói như chợt nhớ ra điều gì mà đáp lại. “À, tất
nhiên rồi. Ta sẽ để ở ngoài hành lang. Trên xe đẩy ấy. Một giờ sau đây thôi. Nếu
cô muốn thế.”
Vâng, cô trả lời trong thâm tâm, đó chính xác là điều tôi
mong muốn lúc này đây. “Thưa ông có muốn cháu làm gì khác không ạ?”
“Không, ta không nghĩ là còn cần gì khác nữa,” ông nói sau một
hồi cân nhắc. Ông già mang đôi giày đen đánh bóng sáng lóang. Đôi giày da nhỏ
trông thật sang trọng. Ông là một người ăn mặc sành điệu, cô nghĩ vậy. Và lưng
thẳng, dáng đứng đoan trang so với lứa tuổi.
“Thế thì cháu xin phép trở lại làm việc.”
“Không, cô đợi cho một chút,” ông nói.
“Vâng. Gì thế ạ?”
“Này tiểu thư, cô có thể cho ta năm phút được không? Ta có
điều muốn nói với cô.”
Tiểu thư kia à? Nghe gọi thế bất giác cô đỏ mặt. “Vâng… cháu
nghĩ có lẽ cũng được… Ý cháu là, nếu thực sự chỉ năm phút thôi.” Cô nghĩ: chứ
ông ta là người chủ thuê cô làm, trả lương theo giờ kia mà. Lúc này còn nói
chuyện cho hay nhận năm phút một giờ gì nữa chứ! Và ông già này trông cũng chẳng
có vẻ là người có thể làm điều gì đó tệ hại đối với cô.
“Mà này, cô bao nhiêu tuổi rồi?” ông già hỏi, đứng cạnh bàn
khoanh tay nhìn thẳng vào mắt cô.
“Cháu vừa đúng hai mươi tuổi,” cô nói.
“Vừa đúng hai mươi tuổi,” ông lặp lại, nheo mắt như thể đang
gắng nhìn qua một khe hở nào đó. “Thế nghĩa là mới được hai mươi tuổi không bao
lâu, phải không nào?”
“Thưa vâng, cháu vừa tròn hai mươi tuổi ngay đây thôi,” cô
nói. Do dự một lúc rồi cô nói thêm, “Hôm nay là sinh nhật của cháu đấy ạ.”
“À ra thế!” ông vừa xoa cằm vừa nói, như thể đã hiểu ra được
nhiều điều. “Thế đấy! Hóa ra hôm nay đúng là sinh nhật thứ hai mươi của cô đấy
nhỉ?”
Cô im lặng gật đầu.
“Đúng vào ngày
này hai mươi năm trước đây, cô đã được sinh ra trên thế gian này đấy.”
“Vâng, thưa ông,”
cô nói, “đúng như thế ạ.”
“Ra thế,… thế đấy!”
ông nói. “Thế thì tốt lắm. Chúc mừng sinh nhật cô.”
“Cảm ơn ông rất
nhiều,” cô nói. Ngẫm lại thì đây là lần đầu tiên trong ngày hôm nay đã có người
chúc mừng sinh nhật cô. Tuy đêm nay trở lại phòng trọ, không chừng trong máy
ghi âm điện thoại đã có tin nhắn của bố mẹ cô gọi từ quê nhà Oita rồi.
“Tin mừng đấy,
đây chắc chắn là tin mừng hoàn toàn tuyệt vời đấy.” Ông lặp lại. “Thế thì tiểu
thư có muốn nâng ly rượu vang đỏ này để ăn mừng không nào?”
“Cảm ơn ông,
nhưng cháu không dám. Bởi cháu đang làm việc mà.”
“Ôi, nhấp một ngụm
nhỏ thì có sao đâu nào? Ta bảo là được thì chẳng có ai trách cứ gì cô cả đâu.
Chỉ là chút rượu tượng trưng để ăn mừng đó thôi.”
Ông già tháo nút
chai vang đỏ, rót một ít rượu vào ly cho cô. Rồi lấy một ly uống rượu thông thường
từ tủ kính mà rót một ít rượu cho mình.
“Chúc mừng sinh
nhật,” ông nói. “Cầu chúc tiểu thư một cuộc sống sung túc và phong phú, không
chút gì buồn phiền.”
Họ cụng ly.
Không chút gì buồn
phiền cơ à? cô thầm nhắc lại lời ông trong trí. Sao ông này lại chọn những lối
nói có phần khác thường như thế nhỉ?
“Sinh nhật hai
mươi tuổi chỉ đến một lần trong đời thôi. Đấy là một ngày quan trọng không gì
có thể thay thế được đấy, tiểu thư ạ.”
“Vâng, thưa ông,”
cô đáp rồi thận trọng nhấp một ngụm rượu.
“Và đây, vào ngày
đặc biệt của cô, tiểu thư đã chu đáo mang bữa tối đến cho ta như một nàng tiên
hiền hậu.”
“Thưa ông, cháu
chỉ làm nhiệm vụ được giao phó đó thôi.”
“Dù thế đi nữa,”
ông già nói, nhẹ lắc đầu vài lần. “Cho dù thế đi nữa, tiểu thư xinh đẹp ạ.”
Ông già ngồi xuống
chiếc ghế da cạnh bàn làm việc, rồi mời cô ngồi vào ghế sofa. Cô cầm ly rượu
rón rén ngồi xuống mép ghế, khép hai đầu gối, kéo căng thẳng mép váy. Cô lại hắng
giọng. Cô nhìn thấy hạt mưa vẽ thành những đường thẳng phía bên kia kính cửa sổ.
Căn phòng chợt yên lặng đến dị thường.
“Hôm nay tình cờ
đúng vào sinh nhật hai mươi tuổi của cô, lại nữa cô còn mang đến cho ta bữa ăn ấm
áp tuyệt vời thế này,” ông già nói, như thể để xác nhận lại lần nữa. Rồi ông đặt
ly rượu đánh cạch xuống mặt kính phủ bàn. “Đây hẳn phải là một sự trùng hợp đặc
biệt gì đấy, cô có nghĩ thế không?”
Cô lại gật đầu
tuy không tin chắc được là đúng như thế.
“Đó là lý do tại
sao,” ông nói, tay sờ nút thắt của chiếc cà vạt màu lá úa, “Ta cảm thấy việc tặng
cô một món quà sinh nhật là rất quan trọng. Một sinh nhật đặc biệt phải có một
món quà kỷ niệm đặc biệt chứ.”
Bối rối, cô lắc đầu
nói, “Không, thưa ông, xin ông đừng bận tâm. Cháu chỉ mang bữa tối đến ông theo
đúng lời dặn đó thôi.”
Ông già giơ cả
hai tay lên, lòng bàn tay hướng về phía cô. “Không đâu, cô đừng ngại gì cả. Loại
‘món quà’ mà tôi nghĩ đến không phải là thứ gì hữu hình, mà cũng chẳng phải thứ
gì có giá cả. Nói cho đơn giản thì”—ông đặt tay lên bàn, hít vào một hơi dài,
thong thả —”điều tôi muốn làm cho một nàng tiên tươi trẻ duyên dáng như tiểu
thư đây, là ban cho cô một điều ước mà cô có thể mong muốn, để điều ước của cô
thành hiện thực. Bất cứ điều ước gì. Bất cứ điều gì cô mong muốn—nếu như cô thực
sự có một điều ước như thế.”
“Điều ước kia ạ?”
cô hỏi, cổ họng khô khốc.
“Đúng thế, một điều
cô ước muốn xảy ra cho cô. Nếu cô có một điều ước—một điều ước thôi, ta sẽ biến
điều ấy thành sự thật. Đó là loại quà sinh nhật mà ta có thể tặng cô. Nhưng cô
nên suy nghĩ thật kỹ, vì ta chỉ có thể tặng cô một điều ước mà thôi.” Ông giơ một
ngón tay lên không, “Chỉ một điều thôi đấy. Cô không được thay đổi quyết định
sau đó mà rút lại được đâu.”
Cô chẳng còn biết
nói gì. Một điều ước ư? Ngoài kia gió quất, những giọt mưa đập rời rạc vào kính
cửa sổ. Cô im lặng một hồi lâu, ông già nhìn vào mắt cô, cũng không nói gì. Thời
gian đánh nhịp không đều trong tai cô.
“Cháu phải ước một
điều gì đó, rồi sẽ được ban cho như thế đấy ạ?”
Thay vì trả lời
câu hỏi ấy, ông già—vẫn đặt hai bàn tay cạnh nhau trên bàn—chỉ mỉm cười. Trông
dáng ông thật thân mật mà tự nhiên.
“Thế tiểu thư có
điều ước gì không nào?” ông ôn tồn hỏi.
*
“Chuyện này thực
sự đã xảy ra đấy,” cô nói, nhìn thẳng vào tôi. “Em không bịa đặt đâu.”
“Tất nhiên rồi,”
tôi đáp. Cô ấy chẳng phải là mẫu người hay bịa đặt những chuyện ngớ ngẩn gì đấy
từ hư không. “Thế rồi… cô đã ước gì thật à?”
Cô ấy nhìn tôi một
lúc, rồi nhẹ thở dài. “Thì chính em cũng đâu có hoàn toàn tin chuyện ông ấy nói
là thật. Chứ đã hai mươi tuổi rồi, làm sao mà còn sống trong thế giới thần thoại
được nữa. Thế nhưng, nếu đấy là trò đùa vui ngẫu hứng của ông ấy, thì phải công
nhận là ông đã nghĩ ngay ra được một ý tưởng thích hợp toàn bích với hoàn cảnh
lúc bấy giờ. Ông ấy tỏ ra là người lịch lãm lắm kia, thế nên em đã quyết định
hòa mình vào chuyện vui đùa ấy xem sao. Dù gì thì cũng là sinh nhật hai mươi tuổi
của em cơ mà, có thêm được chút gì đặc biệt, không bình thường cũng tốt thôi.
Em nghĩ thế. Chẳng phải là vấn đề tin là thật hay không tin.”
Tôi im lặng gật đầu.
“Anh hiểu cảm
nghĩ của em chứ nhỉ? Chứ sinh nhật hai mươi tuổi của em sắp sửa qua đi mất mà
chẳng có chút gì đặc biệt xảy ra, chẳng ai chúc mừng sinh nhật, chỉ có chuyện
em mang món tortellini trộn nước sốt cá cơm hầu người ta, chẳng lẽ em đành phải
chịu thế thôi sao?”
Tôi lại gật đầu.
“Tôi hiểu.”
“Thế nên, em đã ước
một điều, như ông ấy bảo.”
Ông già vẫn đăm
đăm nhìn cô, không nói. Hai bàn tay vẫn đặt lên bàn. Trên bàn có mấy tập hồ sơ
dày cộm có vẻ là sổ kế toán, cùng các loại bút viết, một cuốn lịch và một chiếc
đèn có chụp đèn màu xanh lá cây. Đôi bàn tay nhỏ bé của ông hòa nhập vào đấy,
trông như cùng một bộ với các món dụng cụ khác trên bàn làm việc. Mưa vẫn tiếp
tục đập vào khung kính cửa sổ, nhạt nhòa ánh đèn từ Tháp Tokyo.
Các nếp nhăn trên
trán ông già hằn sâu thêm một chút. “Điều ước của cô là như thế đấy chứ?”
“Đúng thế đấy ạ.”
“Có vẻ hơi khác
thường đối với một cô gái ở độ tuổi của cô”, ông nói. “Thật ra thì ta đã dự
đóan loại điều ước gì khác kia”.
“Nếu không tốt
thì cháu xin ước điều gì khác vậy”, cô nói, rồi lại hắng giọng. “Ước điều khác
cũng được. Cháu sẽ nghĩ ra điều gì khác”.
“Không, không”,
ông già nói, hai bàn giơ lên vẫy vẫy như hai lá cờ. “Đâu có gì là không tốt,
hoàn toàn không. Chỉ hơi bất ngờ một chút thôi, tiểu thư ạ. Nghĩa là, cô có chắc
là không ước điều gì khác đấy chứ? Ví dụ như, ờ thì, cô muốn trở nên xinh đẹp
hơn, thông minh hơn, hoặc giàu có hơn, chẳng hạn. Cô không ước được như thế đấy
chứ? — những điều mà một cô gái bình thường ao ước đấy.”
Cô mất một lúc để
tìm lời đáp phù hợp. Ông già kiên nhẫn chờ đợi, không nói gì, hai tay lặng lẽ đặt
lên bàn.
“Tất nhiên là
cháu cũng muốn trở nên xinh đẹp hơn, thông minh hơn hoặc giàu có hơn. Thế nhưng
những điều ước như thế mà lại trở thành sự thật, thì kết quả là chính mình sẽ
ra làm sao, cháu thực sự không thể tưởng tượng ra được. Có thể cháu không đủ khả
năng để đáp ứng cho xứng đáng mà ngược lại, làm hỏng đi mất những ân huệ ấy.
Cháu vẫn chưa thực sự hiểu được đời người là gì. Thật thế. Cháu không biết lề lối
của cuộc sống là như thế nào cả.”
“À ra thế,” ông
già nói, đan các ngón tay vào nhau rồi lại tách rời chúng ra. “Thế đấy nhỉ.”
“Vậy thì, thưa
ông, điều ước của cháu là như thế có được không?”
“Tất nhiên rồi,”
ông đáp. “Tất nhiên rồi. Với ta thì không có vấn đề gì cả.”
Ông lão đột nhiên
nhìn đăm đắm vào một điểm trên không trung. Những nếp nhăn trên trán còn hằn
sâu thêm, cứ như thể là những nếp nhăn của bộ não khi tập trung suy nghĩ. Có vẻ
như ông đang nhìn đăm đắm vào thứ gì đó—như là những mảnh lông vũ li ti đến khó
có ai nhìn ra được—đang lửng lơ trong không khí. Thế rồi ông dang rộng hai cánh
tay, nhấc mình lên mà vỗ hai lòng bàn tay vào nhau vang lên tiếng vỗ khô khốc.
Ông lại ngồi xuống ghế, chậm rãi miết mấy đầu ngón tay dọc theo những nếp nhăn
trên trán như thể làm chúng bớt sâu đậm đi, rồi quay sang cô mỉm cười dịu nhẹ.
“Thế là tốt”, ông
nói. “Điều ước của cô đã được đáp ứng rồi đấy”.
“Đã đáp ứng rồi
cơ ạ?”
“À, điều ước của
cô đã được đáp ứng rồi đấy. Dễ dàng thế thôi.” Ông nói. “Chúc mừng sinh nhật tiểu
thư. Cô có thể quay lại làm việc ngay bây giờ. Đừng lo, ta sẽ để xe đẩy ở ngoài
hành lang cho cô.”
Cô ấy đi thang
máy xuống nhà hàng. Giờ thì tay không, cô cảm thấy thân mình nhẹ nhõm lạ thường,
cứ bồng bồng lơ lửng, như thể đang bước trên một tấm thảm bông tơ gì đấy.
“Có chuyện gì à?
Mặt trông có vẻ hoang mang thế kia,” cậu hầu bàn trẻ tuổi lên tiếng.
Cô mỉm cười mơ hồ
mà lắc đầu nói. “Thế à? Không, có gì đâu nào.”
“Này, ông chủ là
người như thế nào?”
“Chả biết, tôi có
nhìn rõ ông ấy đâu,” cô nói, ra vẻ thản nhiên.
Chừng một giờ rưởi
sau, cô đi lên lấy xe đẩy. Thấy xe đã ở ngoài hành lang với bát đĩa các thứ xếp
sẵn bên trên. Cô nhấc nắp việm lên xem thì thấy thức ăn đã hết sạch, cả chai rượu
và bình cà phê cũng đã trống không. Cánh cửa phòng 604 đóng im ỉm. Cô yên lặng
nhìn đăm đăm vào cánh cửa ấy một lúc, có cảm giác như nó sắp sửa mở ra ngay đấy.
Nhưng cánh cửa không mở. Cô đẩy xe ra lấy thang máy đi xuống nhà hàng, rồi đẩy
vào chỗ rửa chén bát. Đầu bếp chính nhìn vào đám bát đĩa thấy trống rỗng như mọi
khi, chỉ thản nhiên gật đầu.
“Em không còn gặp
lại chủ quán lần nào nữa,” cô nói. “Rốt cuộc, người quản lý hóa ra chỉ bị đau bụng
thông thường thôi, từ ngày hôm sau lại tiếp tục việc mang bữa ăn cho chủ nhà
hàng. Em nghỉ việc làm thêm ấy ngay sau Tết và không bao giờ quay lại nơi đó nữa.
Em không hiểu tại sao, chỉ cảm thấy tốt hơn là không nên đến gần nơi đó. Chẳng
vì lý do gì cả, chỉ như có linh cảm gì đấy thôi.”
Cô suy nghĩ gì đấy
một lúc, mấy ngón tay nghịch tấm đế lót ly bằng giấy. “Đôi khi em lại có cảm
nghĩ rằng mọi thứ xảy đến với em vào đêm sinh nhật hai mươi tuổi ấy đều là huyễn
tưởng cả đấy. Như chỉ là đã có tác dụng gì đấy khiến cho em tin chắc rằng chuyện
đã xảy ra như thế, mặc dù có thể thực sự thì đã chẳng xảy ra. Thế nhưng mà chắc
chắn là chuyện đã thực sự xảy ra như thế thật đấy chứ. Cho đến bây giờ, em vẫn
còn nhớ lại được như in, thật tỉ mỉ từng chi tiết, từng hình ảnh sống động về mỗi
vật dụng nội thất, mỗi món đồ trang trí trong phòng 604 ấy cơ mà. Những gì xảy
ra với em ở đấy đã thực sự xảy ra, và hẳn là có ý nghĩa quan trọng đối với em đấy
chứ.”
Chúng tôi im lặng
một lúc, vừa uống thức uống của mình vừa suy nghĩ riêng tư.
“Cô cho phép tôi
hỏi một điều này được không?” Tôi hỏi. “Nói cho chính xác thì có hai điều muốn
hỏi cô.”
“Được chứ, mời
anh,” cô ấy đáp. “Em đoán điều trước tiên anh sẽ hỏi em là đã ước gì vào lúc đó
chứ gì.”
“Nhưng mà, cô có
vẻ như không muốn nói về điều đó.”
“Em ra vẻ thế thật
sao?”
Tôi gật đầu. Cô ấy
đặt tấm đế lót ly xuống, nheo mắt lại như thể đang nhìn đăm đắm vào thứ gì đó ở
đằng xa. “Điều ước thì không được thổ lộ với bất kỳ ai, hẳn thế chứ nhỉ.”
“Tôi nào có ý định
ép buộc cô phải thổ lộ thông tin gì đâu,” tôi nói. “Điều tôi muốn biết là, trước
nhất, điều ước của cô có thật đã thành sự thực hay không. Và thứ đến là, bất kể
điều ước đó là gì đi nữa, về sau cô có hối hận về việc đã chọn chính điều ước
đó hay không. Nghĩa là, cô có hối tiếc phải chi lúc ấy mình chọn lấy điều ước
gì khác.”
“Em trả lời cho
câu hỏi đầu tiên của anh là có, mà cũng là không. Bởi đời em có lẽ vẫn còn dài,
có phải là em đã chứng kiến xong xuôi mọi chuyện trong đời mình diễn tiến đến
cuối cùng như thế nào đâu.”
“Thế thì điều ước
của cô cần thời gian để trở thành sự thật đấy nhỉ?”
“Đúng vậy. Thời
gian đóng vai trò quan trọng trong đó.”
“Giống như khi nấu
một loại món ăn gì đấy à?”
Cô ấy gật đầu.
Tôi thử suy nghĩ
về điều đó một lúc, nhưng duy nhất hiện lên trong trí chỉ là hình ảnh một món
bánh khổng lồ đang nướng chậm trong lò ở nhiệt độ thấp.
“Thế còn câu hỏi
thứ hai của tôi thì sao nào?”
“Câu hỏi thứ hai
như thế nào nhỉ?”
“Chọn điều ước ấy,
sau này cô có hối hận gì không.”
Khoảng im lặng
kéo dài. Đôi mắt cô hướng về tôi như thiếu mất chiều sâu. Nụ cười mỉm khô héo
lê bóng qua khóe miệng cô, phô bày cảm giác im lìm cam chịu.
“Hiện nay, em đã
kết hôn với một kế toán viên chuyên nghiệp lớn hơn em ba tuổi, và có hai con, một
trai một gái.” Cô ấy nói. “Chúng em nuôi một con chó săn giống Ireland. Em lái
xe Audi và chơi quần vợt với bạn gái hai lần mỗi tuần. Cuộc sống hiện tại của
em là như thế.”
“Thế thì đâu có tệ
lắm,” tôi nói.
“Dù cho cản xe
Audi bị hai vết lõm à?”
“Chứ cản xe được
tạo ra là để bị móp kia mà.”
“Giá có một nhãn
dán cản xe viết lên như thế thì tuyệt vời chứ nhỉ,” cô ấy nói. “Cản xe được tạo
ra là để bị móp!”
Tôi nhìn khóe miệng
cô ấy nói như thế.
“Điều em muốn nói
là thế này,” cô ấy nhẹ nhàng nói, ngón tay mân mê dái tai có hình dáng xinh xắn.
“Ngẫm lại thì con người, dù có ước nguyện điều gì, rồi có thỏa nguyện đến mức
nào đi nữa, cũng không bao giờ có thể là gì ngoài chính họ được cả. Chỉ có vậy
thôi.”
“Có một nhãn dán
cản xe viết lên như thế cũng tuyệt vời lắm đấy,” tôi nói. “Con người, dù có thỏa
nguyện đến mức nào đi nữa, cũng không bao giờ có thể là gì ngoài chính họ được
cả.”
Cô ấy cười lớn có
vẻ vui thích lắm. Vẻ im lìm cam chịu từ nụ cười mỉm khô héo lê bóng qua khóe miệng
cô ấy vương lại cho đến ngay trước đấy đã tan biến đâu mất rồi.
Cô ấy chống khuỷu
tay lên quầy bar, nhìn tôi mà nói. “Này anh, nếu anh lâm vào tình cảnh của em
như thế, thì anh ước nguyện điều gì?”
“Vào đêm sinh nhật
hai mươi tuổi của tôi, ý cô là thế đấy à?”
“Vâng.”
Tôi thử suy nghĩ
một hồi lâu, nhưng chẳng nghĩ ra được một điều ước gì ráo.
“Tôi không nghĩ
ra được điều gì cả,” tôi thú nhận. “Lại nữa, bây giờ thì tôi đã quá xa ngày
sinh nhật hai mươi tuổi của mình rồi.”
“Anh thực sự
không nghĩ ra được điều gì cả sao?”
Tôi gật đầu.
“Một điều cũng
không ra?”
“Một điều cũng
không.”
Cô ấy lại nhìn thẳng
vào mắt tôi, tia nhìn thật thẳng thắn, và thẳng thừng cô nói, “Hẳn là vì anh đã
từng chọn xong điều ước của mình mất rồi.”
*
“Nhưng cô nên suy
nghĩ thật kỹ, vì ta chỉ có thể tặng cô một điều ước mà thôi, tiểu thư xinh đẹp
như nàng tiên hiền hậu ạ!” Đâu đó trong bóng đêm mịt mùng, ông già gầy thấp thắt
cà vạt màu vàng nâu như lá úa đang giơ một ngón tay lên không, “Chỉ một điều ước
thôi đấy. Không được thay đổi quyết định sau đó mà rút lại được đâu.”
Phạm Vũ Thịnh dịch