Xóm Người
Mù. Không biết tự bao giờ cái tên gọi ấy đã trở nên quen thuộc. Không thể nhớ
nổi người khiếm thị đầu tiên nào đã dùng bước giang hồ ở khu dân cư trải dọc
triền sông này, rồi rủ rê thêm những người đồng cảnh ngộ quy tụ lại, chọn nơi
đây làm "đất lành chim đậu".
Ra đi từ
nhiều miền quê khác nhau. Trẻ có, già có, gặp gỡ đâu đó dọc những ngả đường
bươn chải kiếm sống họ dắt dìu nhau về, thoạt tiên vài người rồi dần dà đến vài
chục, và, sống đạm bạc khiêm cung giữa bao người lành lặn khác. Ban đầu chính
quyền địa phương đặt vấn đề đòi trục xuất, riết làm ngơ vì chẳng nghe ai kiện
cáo, tị nạnh gì. Đèn nhà ai nấy sáng, không hẳn đùm bọc, nhưng tuyệt đại đa số
người trong xóm giềng đều tỏ ra thông cảm, sống chan hòa thuận thảo. Có lẽ có
cô tôi là ngoại lệ, không thích đã đành, còn hết sức lấy làm khó chịu bởi không
dưng phải lọt thỏm giữa một khu xóm như thế. Có lần cô bảo:
- Bạn
hàng hễ ai nghe tao cho biết số nhà, tên đường, tên phường thì cứ y như rằng
người ta hỏi có phải ở Xóm Người Mù không? Không dưng mang tiếng mù lây. Chun
đụt dưới mái nhà này lỡ ăn nên làm ra nên không đành bỏ đi nơi khác, chớ không
tao xới khỏi lâu rồi. Cái xóm gì mới bảnh mắt ra ngõ đã gặp người lò dò bị gậy
phát ngán. Bao nhiêu cái Tết có cáp vàng tao cũng đâu dám xuất hành đầu năm!
Là chị
hai của cha tôi, cô xa nhà sống theo kiểu thân tự lập thân hồi còn trẻ, giờ xấp
xỉ tuổi năm mươi, chưa chồng con dù nhan sắc đến nỗi nào, khó tính là điều dễ
hiểu, nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi sao cô hẹp lòng đến vậy.
Rời quê
ra tỉnh học trọ, mỗi sáng sớm tôi ra chợ tiếp cô bày hàng quần áo thời trang,
giày dép, mỹ phẩm, chiều tiếp dọn hàng. Từ vài tháng nay bỗng có người tình
nguyện làm thay, tôi bỗng rảnh rang. Ông ta kém cô vài tuổi, luôn "hình
dong chải chuốt, áo quần bảnh bao". Nhờ ông, hình như dạo này cô đâm ra
trẻ lây, đâm ra thích chưng diện với lắm bộ đồ môđen mặc rồi đứng uốn éo trước
gương hệt những người mẫu thời trang không khoe chướng, cô hỏi, chẳng muốn cô
buồn tôi đành miễn cưỡng khen đẹp. Đêm đêm, tôi đến lớp ngoại ngữ học thêm thì
ông đèo cô đi chơi bằng xe Dream. Chiếc xe cô nhún nhường cho biết vốn là hàng
còn nguyên thùng, mua để tiện việc ông đưa đón. Chưa hết, cô bê về cả dàn máy
karaoke để giải sầu. Thỉnh thoảng hai người kề vai song ca trông rất mùi mẫn.
Thỉnh thoảng mở tiệc đãi bạn bè tại nhà. Nhưng cái đám cưới lắm lần nghe cô bàn
tính mãi chưa thấy thực hiện.
Dù cô
luôn rầy la ngăn cấm, tôi vẫn lén chơi với đám người mù trong xóm. Đứa hát
rong, đứa bán vé số dạo, đứa đan sọt đan thúng,... Trong số ấy tôi thân nhất
con Thắm hát rong. Con nhỏ ông Tư đờn cò đã "nhặt" về trên một chuyến
tàu Thống Nhất. Nó gầy gò đến độ qua cầu gió có thể thổi bay. Nó hay khiến tôi
nhớ tới con em gái dưới quê nên thường lén cô tiếp tế cho hai cha con chút ít lương
thực, hoặc thuốc men lúc đau ốm. Thắm bị mù từ thưở lọt lòng, chẳng biết tí gì
về thế giới chung quanh, chỉ nghe kể rồi mường tượng. Thuộc khá nhiều bài ca do
nghề nghiệp, riêng món vọng cổ luôn bị ông Tư bắt bẻ, ca hoài chưa ngọt, chưa
rặt giọng đàng trong theo ý ông muốn. Có hôm nó hỏi tôi:
- Anh ra
sao anh hai?
- Thì
cũng giống hầu hết mọi người.
- Có đẹp
trai không cơ!
- Đẹp xấu
tùy người đối diện - Tôi nói đại. Nó phụng phịu:
- Anh
quên người đối diện hổng có mắt sao? Thôi thì chắc anh đẹp như ông Lục Vân Tiên
hoặc Thạch Sanh trong truyện bố Tư kể, vì anh cũng tốt bụng như họ.
- Xấu như
Trương Chi thì có, đừng có ham tưởng tượng.
- Ai nói
Trương Chi xấu, riêng em vẫn cho là đẹp.
- Hiểu
rồi, Thắm cũng đẹp lắm.
- Xạo quá
mạng vậy anh hai?
Đại để,
chúng tôi thường trò chuyện vớ vẩn kiểu ấy. Uống nước rạch Đầu Sấu bao năm, cố
nói tiếng Nam bộ, giọng Hà Bắc vẫn còn vương lại vài âm hao như là dấu ấn của
quê quán, dù quê quán ấy nay đã trở nên xa vời vợi, mờ nhạt trong trí nhớ nó.
Những lúc Thắm theo ông Tư đi hát rong đâu đó cả tháng mới quay về, tôi thấy
nhớ cái giọng thỏ thẻ nửa Nam nửa Bắc của nó. Sau một chuyến đi xa, bao giờ nó
cũng tặng tôi một món quà gì đó, dù rẻ tiền cũng khiến tôi cảm động.
Không ít
lần hễ nghe ông ấy và cô hát karaoke, tôi bắt gặp Thắm đứng lặng lẽ ngoài rào
bông bụp. Biết tỏng nó rất thích trò chơi hiện đại ấy, một đêm đôi tình nhân
vừa lên xe ra khỏi cổng, tôi rủ nó đến nhà, ngồi vào ghé salon hẳn hoi, và mở
máy cho Thắm tha hồ ca, tôi giúp nó đọc lời những bài chỉ thuộc lõm bõm. Nhìn
vẻ mặt hân hoan khó tả, nghe giọng bội phần diễn cảm, tôi cảm thấy vui như đang
đãi nó một bửa tiệc thịnh soạn. Hai đứa vui nên "dượng" và cô về lúc
nào không hay.
- Trời
đất, bộ mày khùng rồi sao Khánh? Dám mời con nhỏ dơ dáy thượng lên cả salon,
còn bày đặt hát xướng. Bộ mày mê nó lắm sao thằng ông con? Này, cút mau!
Vừa đay
nghiến, cô vừa nhào tới đẩy xua Thắm ra khỏi cửa. Quýnh quáng, con nhỏ không
kịp cầm gậy, ngã lăn từ bậc thềm xuống sân, bể cả mắt kiếng đen, bật khóc tức tưởi.
Ông ấy chỉ khoanh tay đứng nhìn lắc đầu cười. Tôi đỡ Thắm dậy, đặt chiếc gậy
vào tay nó, đổ quạu, quên cả giữ kẻ:
- Nhẫn
tâm vừa thôi, cô không thương xót kẻ tật nguyền chút nào sao?
- Mầy,
mầy dám lên giọng chửi tao hả đồ mất dạy? - Cô gào, nhảy chồm xỉa xói. Ông ấy
ra vẻ kẻ cả khoác tay ngăn, cất giọng du dương:
- Kìa em,
nguôi giận đi nào. Chậc, chỉ là chuyện nhỏ. Thôi, cho anh xin!
Từ hôm ấy
Thắm luôn tránh gặp tôi, không nhận cả chiếc kiếng mới tôi mua đền nó. Vào một
ngày mưa từ ga Hòa Hưng quay về, ông Tư đờn cò ngã bịnh. Tuy được chòm xóm tận
tình giúp đỡ đưa vào bịnh viện điều trị nhưng ông không qua khỏi. Sau đám tang
chừng vài hôm, đã nguôi giận, Thắm tìm gặp tôi rủ ra chợ Cái Răng ăn kem với vẻ
mặt buồn rượi. Tôi ngạc nhiên chẳng nghe nó nhắc đến bố Tư, lại tỉ mỉ nhắc kể
từng người tốt kẻ xấu trong xóm, chi li từng kỷ niệm vặt, nhỏ nhoi của hai đứa,
đoạn mĩm cười:
- Còn sao
trên trời ở xóm mình có giống nơi khác không anh hai?
- Giống!
- Bèo
dưới bến cũng thế chứ?
- Thế! -
Tôi nhại giọng Hà Bắc cốt làm nó vui.
- Vậy là
dù đi bất cứ nơi đâu em ngước "nhìn" trời cũng sẽ mường tượng ra sao
ở xóm mình, qua khúc sông nào cũng "thấy" bèo của bến nhà, chắc là
không buồn lắm đâu.
- Thắm
nói gì lạ vậy? Tính bỏ đi sao? Đi đâu?
- Đố anh
biết? - Nói xong nó cười. Nước mắt lấp lánh trên má. Ngỡ chỉ nói đùa chơi, hôm
sau Thắm mang theo cây đờn cò bỏ đi mất biệt. Câu đố đêm ấy tôi vẫn nhớ nhưng
không cách chi tìm thấy câu trả lời.
Bây giờ tôi đã vào đại học. Mỗi lần ra chợ lại
tiếp cô bày hàng và chiều dọn về như trước đây. Cô tôi lại tiếp tục sống cô
đơn. Sau trận đánh ghen tàn độc của bà vợ và tám đứa con kéo từ Vĩnh Long sang
Cần Thơ vào một ngày không nhớ đẹp hay xấu trời, ông "dượng" ra đi
không lời từ biệt, quên cả chiếc Dream. Bây giờ cô tôi luôn mang kiếng đen vì
con mắt trái bị axít làm hỏng, trở nên trầm lặng, ít nói và, hình như trong con
mắt còn lại, những người mù chung xóm chẳng còn đáng ghét nữa.
MƯỜNG MÁN