08 April 2017

MỘT TẤM LÒNG - Hồ Đình Nghiêm

Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ 1942, chị tôi ra đời. Trời ở Huế xám xịt, gió thổi mưa bay. Khi mạ tôi mỗi tối ôm chị tôi ngủ với cái trách than (không phải hai cục gạch) đút dưới giường tre, với cái lồng ấp hao mòn lửa hồng trên tấm chiếu lát thì đâu đó, bên kia giòng Hương giang nhà thơ Nguyễn Bính thắp nến co ro viết xuống bài thơ “Xuân Tha Hương”.

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông…
Thơ dài lắm, mở đầu bao tâm sự chất ngất của đứa em xa nhà gửi cho chị ở tận Hà Nội (?). Phải mười mấy năm sau chị tôi mới có được thằng em trai út sanh sau đẻ muộn, và khi hắn đủ trí khôn, chị tôi thường đọc bài thơ ấy cho nghe. Tôi biết, chị tôi yêu thơ Nguyễn Bính lắm, yêu Xuân Diệu yêu Huy Cận yêu Chế Lan Viên yêu Tế Hanh yêu Quang Dũng và… thương tôi. Chị có cuốn vở giấy mỏng màu xanh da trời chép tay gần đủ những bài chị thích của các nhà thơ tiền chiến. Không khí họ tạo dựng ra quả thơ mộng, êm ả, nhói đau một nỗi sầu khổ dịu dàng. Không riêng chị, các người con gái Huế dạo đó hầu hết ai cũng từng nắn nót lưu giữ cho riêng họ những vần thơ xiêu lạc, họ mang tâm hồn đa cảm, dễ rung động bởi một thứ gì có vẻ không thực. Trước khi chính thức đụng mặt với tình yêu gái trai họ dọn lòng để hồn đi lạc vào tâm cảm của thi nhân.


Em đi trăng gió đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, giời: đắng lắm!
Trăm hờn nghìn giận một mùa đông
Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng!

Lớn lên, có khi tôi phải xa nhà mang thân đi học xa. Chị ở Huế viết thư thăm hỏi: Chốn đó em có ngắm hoàng hôn không? Em có từng nhớ chị tới lạ lùng? Tôi học ban A, tôi dốt văn chương và tôi “may phước” hơn Nguyễn Bính, được ba mạ mua vé Air Vietnam cho về thăm nhà mỗi dịp Tết. Và chị, thế kỷ 20, việc chi phải vuông tròn phận lãnh cung. Thương anh chị trong nhà, tôi chất đủ một tấm lòng và đáng phàn nàn: Hắn không đủ nội lực để trải lòng viết ra. Tôi thương chị và qua chị, tôi có cảm tình với thơ Nguyễn Bính.

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
Chị vẫn môi son vẫn má hồng?
Áo rét ai đan mà ngóng đợi
Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng.

Dễ thương quá. Tôi thử đặt mình vào người chị mà trời bắt phải xa mấy con sông kia, hẳn khi nhận thư người em mãi mê muội cùng văn chương chốn ấy gửi về, e phải rung động lấy khăn tay mà ngăn giòng lệ đổ. Chị đã gói riêng cho em đòn bánh tét, thương em lắm, chị đã đan cho em chiếc áo len mừng tuổi mới… vậy mà em đành lỗi hẹn sao!

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng.

Đọc đến đây, người chị chắc sẽ mắng yêu: Em ở Huế thôi mà, xa thì có xa thật nhưng làm gì phải dụng chữ “không được trông thấy quê hương”. Thà em bị đày ra khỏi đất nước cho cam, em lưu xứ ăn nhờ ở đậu nước lạ cho cam. Cơ khổ! Giá mà chị có điều kiện thì sẽ thu xếp đi thăm em, lên tàu hoả ở ga Hàng Cỏ vào Huế mất chỉ một ngày đường thôi em ạ. Ừ chị biết ý em, gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng? Ừ, não nùng thật!

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
Thôn gà eo óc ngoài xa vắng
Trời đất tàn canh tối mịt mùng
Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông
Mấy sông mấy núi mà xa được
Lòng chị em ta vẫn một lòng

Vì thương nhớ chị, khi diễn đạt thành lời, nhà thơ gần như biến thành một cậu em còn non dại ngày nào ưa vòi vĩnh chị. Hoặc do lòng thành tác động nên, hoặc viết liền mạch không ngưng nghỉ sợ cảm xúc bỏ trốn, vì vậy có đôi câu hơi nông nỗi. Nhưng phương xa, chị đón đọc và cảm được tấm lòng đứa em nhắn nhủ, thay món quà Tết đáng trân trọng. Hai câu cuối, thế một tái bút mà phải tài hoa như em của chị mới viết được:

Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
– Xa nhà, rượu uống có say không?

Bài thơ đóng lại ngang đó, không gì hoàn chỉnh bằng sự cài then kia. Vừa nói thay chị vừa vẽ ra một tâm cảm, thứ hình ảnh đối nghịch: Chị hỏi lạ, em đang say đây! Em vẫn nhớ lời chị nhắc, nhưng chị ơi, xa chị, xa nhà, em đành vùi quên trong men rượu cay.
Năm 1942 mà làm được bài thơ như vậy thì chẳng nên lạ vì sao đến tận hôm nay “Xuân Tha Hương” vẫn còn lắm kẻ mềm lòng khi đọc lại, nhất là vào những ngày cận Tết giữa không gian luôn ẩn hiện một điều gì khiến lòng ta dễ bồi hồi. Năm Đinh Dậu 2017 nầy, giả như Nguyễn Bính còn tại thế để hoá thân làm chàng lãng tử ăn một cái Tết xa nhà, tôi đồ rằng nhà thơ có nhớ về chị mình ở chốn xa e cũng không viết đặng một bài thơ tương tự. Đơn giản Nguyễn Bính hôm nay đã tậu giàn computer, sắm laptop, mua iPad, sắp hàng hí hửng tha về iPhone 7. Chàng không blogger thì chí ít chàng có gia nhập cộng đồng facebook, nôm na là em của chị rất lu bu. Đêm 30 chàng dùng skype lên sóng chuyện trò cùng chị, dung nhan chị vẫn thế, thân hình chị cũng chẳng đổi thay, thấy chẳng có điều gì cần tâm sự. Và do ngôn ngữ đương đại tác hại, do xã hội biến con người đi gần với vô cảm, chẳng đặng đừng nói ba câu cho phải phép rồi ngắt sóng, đứng hình, rớt mạng. Dông dài không khéo mà ăn nói bổ bã chì bấc với chị mình.

Tết này chưa chắc em về được…
Về làm gì? Tiền xe gửi chị có hơn không?
Cột nhà hàng xóm treo câu đối
Mừng đảng mừng xuân rối tâm tư
Thì bởi vậy, thấy chưa, quá não nùng!
Xuân này ắt hẳn hơn xuân xưa
Thế đấy chúng ăn không từ một thứ gì.
Chắc chị không quên lời nhắc nhở:
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Giả thử Nguyễn Bính ngủ giấc dài, đột ngột thức dậy vào tháng chạp trước giao thừa Đinh Dậu, ôi thôi chị ơi sao loài người tiến bộ quá thể, xét ra em làm đứa lạc hậu mất rồi. Bây giờ người ta làm thơ lạ quá. Tân hình thức, hậu hiện đại, đa đa, siêu thực, phá thể, haiku, ý tại ngôn ngoại và ai muốn hiểu sao thì hiểu. Đâu còn đứa nào xa nhà nhớ chị mà viết kiểu tựa em tâm tình thuở nọ, chị nhỉ! Chị có thoáng tiếc nuối một thời hoàng kim? Hay chị bằng lòng với sự rắc rối thậm khó nuốt như thơ đương đại bi chừ? Mà đương đại nghĩa là gì hở chị? Em tối dạ lắm cơ!

Tết
thương nhớ chị
em chôn
riêng ở tận
đáy
lòng.
Tết
chết dấm chết
dúi nơi xa
em không về
đâu.
Ôi chị một em
em một
chị
thì thế
than thở đâu
có ngồi kề bên
nhau, nhỉ?
Xa mặt cách lòng
thôi!


Hồ Đình Nghiêm